23042024Tue
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Thủ pháp tự sự mới về nhân vật của Nho lâm ngoại sử và việc tái thức nhận chủ đề cuốn tiểu thuyết

TÓM TẮT

So với những cuốn tiểu thuyết theo đuổi một nhóm nhân vật chính phụ rõ ràng gắn liền một hệ thống tình tiết cốt truyện trọn vẹn, Nho Lâm Ngoại Sử có một hệ thống kết cấu hình tượng đủ mạnh để khiến cho đám đông nhân vật không rơi vào trạng thái tản mác và hỗn loạn. Nhận diện được các thủ pháp tự sự mới về nhân vật của Ngô Kính Tử giúp ta phát hiện ra sự tồn tại của nguyên tắc kết cấu hình tượng mới mẻ. Và việc khám phá nguyên tắc kết cấu mới mẻ này chính là một điều kiện để tái thức nhận chủ đề cuốn tiểu thuyết.

***

Nói đến hệ thống nhân vật trong một tác phẩm tự sự2 tức là nói đến cái tổ hợp các quan hệ cụ thể của nhân vật. Thông thường đó là các quan hệ đối lập, đối chiếu, tương phản hoặc bổ sung. Tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa (hiểu theo nghĩa rộng, chứ không chỉ trào lưu cụ thể trong lịch sử văn học) càng khiến cho các loại quan hệ này chuyển hoá lẫn nhau. Ngô Kính Tử là một phong cách hiện thực độc đáo trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Phong cách đó khiến ta nghĩ đến chủ nghĩa hiện thực kiểu Trekhov trong văn học cổ điển Nga trăm năm sau. Chủ nghĩa hiện thực của Ngô Kính Tử là một chủ nghĩa hiện thực tỏ ra càng "đáng tin", càng gần gũi với cuộc đời hơn. Đó là một chủ nghĩa hiện thực cận nhân tình, trình diễn lên một thế giới nhân vật mà độc giả có thể "ôn tưởng" lại chúng từ một góc nhỏ quán trà bằng cách quan sát người qua lại xung quanh.3 So với những cuốn tiểu thuyết theo đuổi một nhóm nhân vật chính phụ rõ ràng với một hệ thống tình tiết trọn vẹn, Nho lâm ngoại sử tỏ ra cần có một hệ thống kết cấu hình tượng đủ mạnh để không làm cho đám đông nhân vật rơi vào trạng thái tản mạn hỗn loạn. Đằng sau dáng vẻ "dẫn dắt đủ loại nhân vật dàn hàng ngang mà xuất hiện, việc sinh cùng khi người xuất hiện, rồi kết thúc khi nhân vật rút lui" (nguyên văn: “驱使各种人物,行列而来事与其来俱起,亦与其去俱” - Lỗ Tấn nhận xét nghệ thuật tự sự của Nho Lâm Ngoại Sử) [1 tr.167] đầy vẻ nhẹ nhõm và dễ dãi đó là cả một nguyên tắc kết cấu hình tượng hoạt động hết sức tích cực. Nguyên tắc kết cấu hình tượng đó được thực hiện nhờ vào các thủ pháp tự sự nhân vật sau đây.

1. Nhân vật được trần thuật tản mạn, nối ghép dần

      Nhân vật trong Nho lâm ngoại sử luôn yêu cầu độc giả phải tự mình ghép nối, thống hợp các thông tin trần thuật liên quan để có thể đọc ra được một câu chuyện nhất định về bản thân nó. Các nhân vật chính diễn hết câu chuyện chủ yếu của mình trong liên tục mấy hồi truyện để sau đó vẫn còn loáng thoáng xuất hiện đâu đó giữa dòng trần thuật trong lúc đông đảo các nhân vật thứ yếu lúc ẩn lúc hiển dắt díu nhau tụ tán giữa các hồi trong tiểu thuyết. Độc giả cần đối chiếu, kết nối, tái tổ hợp các thông tin trần thuật liên quan mới mong tái dựng lại được chân dung từng nhân vật cụ thể. Thủ pháp tự sự mới về nhân vật như vậy đã đem lại màu sắc hiện thực đặc biệt cũng như ý vị thâm trầm cho cuốn tiểu thuyết.

Sau đây chúng tôi sẽ dẫn ra một ví dụ để chứng tỏ cho việc thấu hiểu thủ pháp tự sự mới về nhân vật trong Nho lâm ngoại sử có lúc quan trọng ra sao đối với việc cắt nghĩa nhân vật và lí giải chủ đề tác phẩm. Không ít độc giả xem câu chuyện cử nhân Vương Huệ làm quan lại tham gia cuộc phản loạn của Ninh Vương rồi bị triều đình truy nã phải mai danh ẩn tích (trần thuật rải rải trong các nhóm hồi đầu sách) và câu chuyện Quách Hiếu Tử rong ruổi nghìn dặm đi tìm cha (trần thuật chủ yếu ở nhóm hồi 37-39) là hai câu chuyện độc lập. Đương nhiên việc không biết vị “hòa thượng” trong cái am vắng ngoại thành Thành Đô là tội đồ Vương Huệ cũng không đến nỗi gây trở ngại gì trong việc lí giải tình tiết lớn của cả tác phẩm. Trương Văn Hổ trong bản bình điểm tiểu thuyết này đã biết nối kết hai câu chuyện lại với nhau. Vậy mà đáng tiếc việc kết nối đó vẫn chưa khiến ông nhận thức được sâu hơn chủ đề câu chuyện. Nhà bình điểm đọc đến đoạn Quách Hiếu Tử trên đường mang tro cốt phụ thân về quê gặp Tiêu Vân Tiên4 nói: “Tôi vốn là người Hồ Quảng” (hồi 39) [2 tr.428] bèn bình: “Vương Huệ người Sơn Đông (theo lí thì Quách Hiếu Tử phải nói mình quê Sơn Đông theo cha - LTT), vì sao đến quê quán lại phải thay đổi đi?” Nên nhớ tính chất tàn khốc của nhà nước trong việc xử lí các vụ phản loạn và văn tự ngục là một nét chủ đề quan trọng của Nho lâm ngoại sử. Để giữ lấy mạng sống Vương Huệ đến tên họ còn phải từ bỏ huống hồ quê quán! Ông cử Vương một thân bỏ trốn, cả gia đình tan tác ly tán. Con trai đổi thành họ Quách (“Hiếu Tử” là một cách gọi – người con có hiếu, chứ không phải là tên) lưu lạc khắp miền đi tìm cha, gặp người đâu dám nói nguyên quán của mình. Sau này đọc đến hồi 56 - hồi cuối cùng của tiểu thuyết (Bản dịch tiếng Việt dịch theo bản lưu hành của Nhân dân Văn học xuất bản xã nên không có hồi này) độc giả sẽ thấy trong bản tấu trình danh sách những kẻ tài đức nhưng không có dịp bảng vàng đề danh khi còn tại thế của Bộ Lễ lên triều đình, Quách Hiếu Tử được xếp vào hạng áo vải (bố y). Còn trong bảng phong tiến sĩ cập đệ (u bảng) ghi họ Quách tên Lực (không biết đây có phải là tên thật của con trai Vương Huệ hay không!), người phủ Trường Sa, Hồ Quảng, ân tứ tiến sĩ đệ nhị giáp đệ thất danh. Vậy là triều đình quả không biết nguồn gốc của Quách Hiếu Tử - phong tiến sĩ cho con một kẻ phản nghịch (chắc là do địa phương quan đã không cẩn thận khi làm hồ sơ tấu trình!) Mặt khác độc giả cũng nên biết kể từ đó dòng họ Vương Huệ coi như chấm hết. Đọc đoạn Vương Huệ (trốn làm tăng trong am) một mực không dám nhận con đủ biết vụ án tạo phản mười mấy năm vẫn chưa được khép lại. Bất cứ lúc nào Vương cũng có thể bị triều đình bắt lại. Đó là lí do vì sao Vương mai danh ẩn tích trốn thân làm sư trong một cái am nơi rừng núi xa xôi mà nhất quyết không nhận đứa con nghìn dặm đến tìm (Vương phải rút dao dọa chém nên Quách Hiếu Tử đành phải bỏ đi). Vương sợ người ta dò ra tông tích, thân già có thể chết nhưng tội tạo phản còn làm hại đến đứa con đã thay họ đổi tên kia. Vương Huệ một lúc bất trung đã khiến cho đứa con cả đời éo le bối rối giữa dặm dài của đạo hiếu! Thế nên trong các tình tiết Quách bị bố đẻ cự tuyệt ngoài cổng am: “mày mà không đi, tao sẽ lấy dao giết chết” (hồi 39), [2; tr.422] rồi không lâu sau đó Vương Huệ chết, Quách Hiếu Tử hỏa thiêu mang tro cốt về nhà, dọc đường gặp Tiêu Vân Tiên nói: “Tôi người Hồ Quảng, hiện đang cõng tro cốt của phụ thân về cố hương an táng” độc giả sẽ cảm thấy một ý vị chua chát và tuyệt vọng vô bờ. Đến đây thiết tưởng bạn đọc cũng nên hồi cố một chút các tình tiết tản mạn trong toàn tiểu thuyết liên quan đến câu chuyện cuộc đời một nho nhân: Vương Huệ được giới thiệu lần đầu tiên trong tiểu thuyết với cách gọi “Vương Hiếu liêm” (hồi 2, đề mục của hồi - Vương Hiếu liêm thôn học thức đồng khoa). Gọi như vậy có lẽ cũng không phải là ngẫu nhiên. Đây không chỉ đơn giản là vấn đề “tránh sự trùng lắp trong gọi tên” (nguyên văn 姓名去其重复 tính danh khứ kì trùng phục, lời của Tề Tỉnh Đường. Bản dịch đôi khi không chú ý điều này, nhất loạt “khôi phục” đúng tên nhân vật.). Bởi vì ở đây tác giả hoàn toàn có thể gọi thẳng ra là “Vương Cử Nhân” mà không ảnh hưởng gì đến vần điệu của cặp đối ngẫu làm hồi mục (tức có thể viết “Vương cử nhân thôn học thức đồng khoa; Chu Mông sư mộ niên đăng thượng đệ”). Chúng ta đều biết cách gọi “hiếu liêm”, “tú tài” xuất phát từ đời Hán. Ca dao lưu truyền có câu “Cử tú tài bất tri thư, cử hiếu liêm phụ phân cư” (chọn tú tài không biết đọc sách, chọn hiếu liêm bố đẻ không ở được cùng. Dân gian mỉa mai chế độ tuyển cử hiền tài ra làm quan dưới thời Hán – chọn được những tú tài vô học, hiếu liêm bất hiếu). Chúng tôi cho rằng ở nhân vật cử nhân Vương Huệ nhà tự sự quả có ý thức chọn dùng cách gọi “hiếu liêm”. Cách gọi đó ám thị độc giả chú ý tới tính chỉnh thể của câu chuyện một nhân vật với hai nửa cuộc đời – đậu đạt làm quan rồi mắc tội phản nghịch (nửa trước cuộc đời – được kể ở phần trước của tiểu thuyết) để sau đó đã mai danh ẩn tích bỏ trốn vào cửa thiền không dám nhận thân thích rồi chết trong lặng lẽ (nửa sau cuộc đời – được kể ở nửa sau tiểu thuyết). Những chữ như hiếu liêm (gọi bố), hiếu tử (gọi con) cùng tình tiết cha con mỗi người một ngả (“hiếu liêm phụ phân cư”) đem lại cho câu chuyện một ý vị mỉa mai phúng dụ ngấm ngầm.

Phân tích thêm một dẫn chứng nữa để thấy được những thủ pháp tự sự nhân vật mà nhà tự sự đã dùng như là kết quả của một quan niệm mới về nhân vật trong một thiên tiểu thuyết phối ghép xen cài một cách tài tình các nhóm hồi có tính cách như là những truyện vừa (chúng tôi gọi đó là các đơn nguyên tự sự có tính cách truyện vừa). Trong đơn nguyên câu chuyện anh em nhà Lâu Công Tử có kể xen vào chuyện Cừ Công Tôn. Song Hồng là thị tỳ của Lỗ Tiểu Thư – vợ Cừ Công Tôn. Các chi tiết trần thuật liên quan đến nhân vật Song Hồng tản mạn trong hai nhóm hồi kể chuyện anh em Lâu Công Tử (nhóm hồi 8~13, xem các tr.131, 147, 159, 162, 374) [2] và chuyện thầy đồ Mã Nhị (nhóm hồi 13~15) [2], nhà trần thuật không từng nói rõ thực chất quan hệ giữa cô hầu gái và chàng công tôn. Độc giả phải tự mình suy gẫm đối chiếu liên hệ các tình tiết trước sau trong dòng trần thuật thì mới có thể nhận chân được thực chất của những con người trong cuộc kia. Chẳng hạn tác giả kể chuyện Lỗ Tiểu Thư buồn chuyện chồng mình là Cừ Công Tôn không chí tiến thủ rèn luyện kinh sử đi thi nên đã đổ dồn nhiệt tâm với công danh vào đứa con nhỏ. Đêm đêm nàng giục chồng đi ngủ sớm để mình thức kèm con học, để mặc việc chăm sóc chồng cho cô thị tỳ Song Hồng. Cô hầu gái Song Hồng thì lại yêu thơ – thứ mà sự học đi thi không cần đến, cô vẫn thường nói chuyện thơ với Cừ Công Tôn. Cừ Công Tôn đem cả cái tráp đựng tài liệu của kẻ đang trốn lệnh truy nã của triều đình – Vương Huệ giao cho Song Hồng cầm. Cừ còn kể cả chuyện ông cử Vương cho cô nghe nữa (hồi 13) [2 tr.162].

Theo dõi chi tiết chiếc tráp của Vương Huệ ta sẽ thấy rõ hơn quan hệ giữa Song Hồng và Cừ Công Tôn. Chúng tôi thậm chí cho rằng, vì muốn duy trì câu chuyện Song Hồng cho nên ngay từ hồi 12, tác giả đã cố ý để cho anh em công tử họ Lâu không sai gia nhân Tấn Tước đi mời Quyền Vật Dụng (trước đó đi tìm Dương Chấp Trung thì anh em họ Lâu lại giao cho Tấn Tước) mà đổi sang giao cho con của Tấn Tước là Hoạn Thành (hồi 11) [2 tr.145]. Xin lưu ý tình tiết Hoạn Thành trên đường đi mời Quyền Vật Dụng tới Lâu Phủ nhìn thấy hai cô gái trên thuyền đi ngược chiều nhầm tưởng là hai cô hầu của tiểu thư con gái Lỗ Biên Tu: “Đang nghĩ thì thấy thuyền từ phía trước đi tới. Có hai cô nương ngồi trên thuyền, trông như chị em Thái Bình Song Hồng trong nhà quan Biên tu họ Lỗ, giật mình đánh thót một cái” (hồi 12, tr.147; Dịch giả bản tiếng Việt tiểu thuyết này tỏ ra đặc biệt chú ý đến đặc điểm tự sự này của Nho lâm ngoại sử khi chú thích thêm cho câu này: “Câu này để chuẩn bị cho việc sẽ xảy ra ở hồi mười 13, khi Hoạn Thành đem Song Hồng đi trốn” [3 tr.223]). Sang đến hồi 13, đến đoạn kể Song Hồng trốn đi cùng Hoạn Thành (Hoạn Thành và Song Hồng vốn hẹn ước với nhau từ hồi niên thiếu) độc giả mới hiểu được tại sao tên gia nhân Lâu Phủ lại “giật mình đánh thót một cái” khi nhìn nhầm người đi đường là cô hầu gái trong nhà quan Lỗ Biên Tu. Song Hồng được nhắc đến lần cuối trong tiểu thuyết chính là ở đoạn trần thuật cuộc gặp gỡ giữa các nho nhân ở hồi 30: “Hương thân họ Tiết bày hai mâm tiệc. Mọi người ngồi xuống. Trong tiệc mọi người nói chuyện các danh sĩ ở Chiết Giang, chuyện cảnh đẹp Tây Hồ, chuyện anh em công tử họ Lâu giao du khách khứa. Dư Mĩ Nhân nói: Những chuyện này tôi chả thích, tôi chỉ thích chuyện chị Song Hồng nhà anh Cừ Dật Phu. Nhắc chuyện chị chàng mà thơm phức cả miệng. Lý Vĩ Tiêu nói: Chả trách, anh là “Mĩ Nhân” (biệt hiệu của Dư – LTT) cho nên chỉ thích “người đẹp” thôi” (hồi 30, tr.374; 4 tr.115]. Một độc giả tinh tế sẽ để ý tới chi tiết Cừ Dật Phu lúc đó đã không hề đáp lời Dư Mĩ Nhân mà vội đánh lảng sang chuyện nhà họ Lâu. Góc khuất trong quan hệ giữa cô hầu và thiếu gia chồng cô chủ không kể đến mà vẫn được hé mở rất kín đáo (Nhà bình điểm Trương Văn Hổ cũng đã chú ý đến điểm này).

Chả trách năm xưa khi gia nhân bên Lâu Phủ sang hẹn cô hầu trốn đi, thiếu gia vội vã báo quan để bắt về cho bằng được (trần thuật có kể chuyện Hoạn Thành bỏ “mười mấy lạng bạc nhờ người đưa cho Cừ xin chuộc Song Hồng về làm vợ. Nhưng Cừ tuyệt nhiên không nghe” - hồi 13) [2 tr.163; 3 tr.258].5 Tự sự của Ngô Kính Tử khiến thoạt đọc ta cứ tưởng Song Hồng chỉ là một nhân vật hết sức thứ yếu, có cũng được không cũng được. Thế nhưng lần lại từng manh mối trần thuật ta mới phát hiện ra sự có mặt của nhân vật hầu gái này quan trọng ra sao trong kết cấu tự sự tiểu thuyết (cụ thể là chuỗi hồi từ hồi 8 đến hồi 15). Nhờ vào nhân vật Song Hồng mà chuyện về các nhân vật Tiểu Thư nhà quan Biên Tu họ Lỗ, Công Tôn nhà cựu Thái Thú Nam Xương họ Cù, cụ Cử Vương Huệ, ông Tú Mã Nhị liên hệ với nhau một cách hết sức tự nhiên. Thủ pháp tự sự nhân vật này của tác giả Nho Lâm Ngoại Sử là hoàn tàn khác với Tiễn đăng tân thoại, Liêu trai chí dị hay Kim Bình Mai. Cũng có thể thấy sự vận dụng thủ pháp đó trong Hồng Lâu Mộng. Tuy nhiên vì Tào Tuyết Cần trước sau vẫn theo đuổi một cốt truyện thống nhất cho một nhóm nhân vật chính xuyên suốt toàn tiểu thuyết nên khác biệt giữa Hồng lâu mộngNho lâm ngoại sử trên vấn đề tự sự nhân vật vẫn là điều rất dễ thấy.

Trần thuật về nhân vật Song Hồng tính ra rải rác trên một phạm vi cả chục hồi truyện, đan cài vào trong chuyện các nhân vật khác. Trần thuật đó phần đa được thực hiện gián tiếp (nhắc đến Song Hồng nhờ vào lời của các nhân vật khác). Ngược lại cũng có những trường hợp nhân vật được trần thuật tập trung trực diện nhưng đó là một sự tập trung cho câu chuyện bề nổi tiền cảnh. Đằng sau sự trần thuật đó lại ẩn chứa song hành một câu chuyện khác, gợi lên những ý vị chủ đề rất sâu sắc. Trường hợp nhân vật Lôi Thái Thú là một ví dụ. Chuyện quan hệ giữa quan Thái Thú họ Lôi với quan Trấn Đài họ Thang được kể tập trung ở hồi 43. Câu chuyện bề nổi trong hồi rõ ràng là chuyện thảo phạt bọn man di trên chiến trường. Thế nhưng gẫm ra hồi truyện này còn “kể” cho ta hay một cuộc chiến khác giữa võ quan và văn quan trâu buộc ghét trâu ăn. Kết quả là khi Thang Trấn Đài trống giong cờ mở ca khúc khải hoàn thì một thất bại lớn đang chờ người anh hùng chiến thắng. Văn quan Lô Thái Thú sau khi mất mặt vì chuyện không khuyên được võ quan họ Thang đừng nổi can qua đã âm thầm đi lại với thượng cấp gây khó dễ cho Tổng Trấn họ Thang. Rốt cuộc thì sau bản báo cáo về Kinh của Lôi, ông Tổng Trấn công hóa thành tội, bị giáng chức về vườn. Lôi Thái Thú một mũi tên trúng hai đích vừa dẹp yên miên biên cương – truy bắt chém đầu những kẻ phản loạn đồng thời vừa nhổ được cái gai trong mắt – tống tiễn viên võ quan lỗ mạng, hiếu sát. Xin lưu ý là những đoạn trần thuật liên quan đến quan hệ giữa hai viên quan văn võ trong hồi 43 là rất điềm đạm. Lôi Thái Thú tuổi cao, hiểu đời trước sau nho nhã mềm mỏng. Rất khó đoán trước những “đòn ngầm” đánh từ sau lưng mà Lôi dành cho Thang. Sau nay khi đã gói gém hành lí về đến tận quê, Thang Trấn Đài cũng đã ngộ ra được thực chất cuộc chiến “hổ đấu long tranh” (cụm từ trong cặp câu đối kết thúc hồi 42 – ám thị thực chất quan hệ giữa hai viên quan): “Đó cũng là tình thế dồn đến, không thể làm khác. Đến nay nghĩ lại rốt cuộc thì cũng là hành xử nóng nảy hấp tấp. Đã không báo được ân huệ của triều đình, lại khiến cho đồng sự ghét ngầm. Nhưng cũng là chuyện hối không kịp nữa rồi.” (hồi 46) [2 tr.494; 4 tr.311]. Lời thú nhận của Thang soi sáng trở lại mối quan hệ giữa Thang với viên văn quan Lôi Thái Thú năm xưa. Chủ đề “Trâu buộc trâu ăn quan võ quan văn” cùng ý vị mỉa mai các cuộc trấn áp sắc tộc của triều đình được triển diễn rất tinh vi.

2. Nhân vật được tập hợp vào các cuộc “họp mặt”

Trong tự sự nhân vật của Nho lâm ngoại sử, song song với việc trần thuật rải rác, tản mạn về một nhân vật là việc tạo tình huống họp mặt để trần thuật “tập trung” một nhóm đông các nhân vật. Suy cho cùng cả hai thủ pháp này đều là hệ quả việc đổi mới kết cấu tác phẩm tự sự - giải phóng tiểu thuyết ra khỏi gánh nặng triển khai một cốt truyện đại nhất thống xoay quanh một nhóm nhân vật trung tâm quán xuyến đầu đuôi.

       Tác giả Nho lâm ngoại sử “tổ chức” năm lần tập hợp nhân vật. Năm lần tụ họp đó của các nho nhân cũng được khéo léo rải đều trên toàn sách. Trong mỗi lần tập hợp đó, tác giả đều điểm rõ họ tên và “liệt kê” ra cho ta một danh sách những người tham dự. Một bảng thống kê số hồi xuất hiện của các nhân vật qua năm lần tụ họp trong toàn tiểu thuyết sẽ giúp độc giả thấy rõ một cách trực quan việc tổ chức phân bố hệ thống nhân vật của tác giả cuốn tiểu thuyết. Có thể điểm qua một lượt các cuộc tụ họp đó: Cuộc họp mặt ở hồ Oanh Đậu (Oanh Đậu hồ thắng hội – Hồi 12), Tiệc Tây Hồ (Tây Hồ yến tập – Hồi 18),  Đại hội hồ Mạc Sầu (Mạc Sầu Hồ đại hội – Hồi 30), Đại tế đền Thái Bá (Thái Bá từ tế điển lễ - Hồi 37), cuộc chia tay của các bậc thời hiền (Hiền nhân tiễn biệt hội - Hồi 46). Cuộc tụ họp đầu tiên diễn ra ở hồi 12 được tổ chức bởi các nhà Mạnh Thường Quân trong Lâu Phủ. Như trong đề mục của hồi đã nói rõ – đó là cuộc yến tiệc trên du thuyền của các danh sĩ – “Danh sĩ đại yến Oanh Đậu Hồ”. Đại thể, anh em Lâu Công Tử sau khi đã vời được vào phủ đủ mặt từ kiếm khách cho đến ẩn sĩ, thi nhân, chiêm tinh gia thì cũng có nhu cầu “triển lãm” phong độ phủ nhà bằng một cuộc tiệc nổi trên hồ giữa đêm xuân. Các nhân vật đã xuất hiện rải rác trong gần chục hồi truyện giờ đây cũng đã đến lúc cần có một cuộc tập trung nhỏ để độc giả khỏi quên: “Hai công tử mời khắp lượt các vị khách xuống hai chiếc thuyền lớn. Đầu bếp chuẩn bị tiệc cùng những người phục vụ trà rượu ở trên một thuyền. Ban hát cùng dàn nhạc riêng một thuyền. Bấy giờ đang khoảng trung tuần tháng Tư, tiết trời trong ấm. Mọi người đều mặc áo mát, tay cầm quạt. Cuộc tụ họp tuy không phải là một cuộc đại hội nhưng cũng quy tụ rất nhiều người. Dự hội có Tam công tử Lâu Ngọc Đình, Tứ công tử Lâu Sắt Đình, Công tôn Cừ Dật Phu, Cao sĩ Ngưu Bố Y, Tư huấn Dương Chấp Trung, Cao sĩ Quyền Tiềm Trai, Hiệp khách Trương Thiết Tý, Sơn nhân Trần Hòa Phủ. Quan Biên tu họ Lỗ có mời nhưng không đến. Tám vị danh sĩ thêm thằng ngốc con Dương Chấp Trung là Dương Lão Lục cả thảy chín vị” (hồi 12) [2 tr.151; 3 tr.241]. Chúng tôi tạm không bàn đến ý vị thực sự của nhà tự sự trong việc kể tả trên chỉ lưu ý độc giả một điều là chính trong những dịp trần thuật như thế mà một số đông các nhân vật đã được tập hợp lại, kê đủ họ tên biệt hiệu. Bề ngoài tự sự vẫn giữ vẻ theo đuổi tình tiết câu chuyện một cách tự nhiên nhưng thực chất đó cũng là một thủ pháp kết cấu nhân vật quan trọng của nhà tiểu thuyết.

Từ hồi 12 đến hồi 18 tiếp tục xuất hiện thêm rất nhiều nhân vật. Tiểu thuyết lại có nhu cầu “tổ chức” một cuộc gặp để các nhân vật mới có dịp tụ tập. Đó là cuộc gặp gỡ của những bạn thơ – hẹn nhau họa thơ theo vần bên thắng cảnh Tây Hồ! Giấy mời được được đưa đến tận tay cho từng nho nhân: “Khuông Siêu Nhân mở xem thì thấy đó là một tờ giấy Tùng Giang gấp thành thiệp. Thiệp viết: “Chọn ngày rằm tháng này tổ chức tiệc thơ Tây Hồ. Mỗi vị xin góp hai đồng phí tổn. Nay xin kê ra danh sách khách dự như sau: Vệ Thế Thiện tiên sinh, Tùy Sầm Am tiên sinh, Triệu Tuyết Trai tiên sinh, Nghiêm Chí Hòa tiên sinh, Phố Mặc Khanh tiên sinh, Chi Kiếm Phong tiên sinh, Khuông Siêu Nhân tiên sinh, Hồ Mật Chi tiên sinh, Cảnh Lan Giang tiên sinh. Tổng cộng chín vị”. Bên dưới viết: “Xin có mặt đông đủ”. Qua hàng viết thêm: “Phí tổn xin góp lại cho Hồ Tam Công Tử ở Ngụ Thư Đường” (hồi 18) [2 tr.213; 3 tr.343].

      Sính phong lưu cao hội Mạc Sầu Hồ (đề mục của hồi 30) kể chuyện các danh sĩ Giang Nam đứng đầu là tài tử đồng tính Đỗ Thận Khanh tổ chức cuộc thi - gọi theo ngôn ngữ nay là ca nhạc kịch diễn ở Hồ Mạc Sầu. Các nhân vật mà chuyện của chúng được đề cập rải rác tản mạn trong nhiều hồi lại có dịp được tập hợp lại trong tình tiết nhà trù bị cuộc đại hội lên danh sách ban giám khảo cuộc trao giải hội diễn Hồ Mạc Sầu: “Quý Vĩ Tiêu lấy tờ giấy đỏ ra liệt kê: Tôn tiên sinh, Tân Đông Chi, Kim Đông Nhai, Kim Ngụ Lưu, Tiêu Kim Huyền, Gia Cát Hựu, Quý Vĩ Tiêu, Quách Thiết Bút, Tăng Quan, Lai Hà Sĩ, Bão Văn Khanh. Thêm ha vị chủ trì nữa là mười ba người” (hồi 30) [2 tr.338; 4 tr.54]. Cho đến hồi 37 đa phần các nhân vật trong Nho Lâm Ngoại Sử đã lần lượt có mặt trên sân khấu trần thuật của cuốn tiểu thuyết. Cuộc đại tế đền Thái Bá ở hồi 37 sẽ cho ta một danh sách gần hết các nhân vật trong Nho Lâm. Sau đó các nhân vật chính của mười hồi truyện sau tế đền Thái Bá như Thang Tấu, Vũ Thư, Tiêu Vân Tiên sẽ gặp mặt với bộ ba nhân vật chủ trì cuộc tế lễ này ở hồi 46. Buổi gặp mặt thậm chí còn nhắc đến sự kiện văn hóa “hội diễn văn nghệ” ở Mạc Sầu Hồ năm xưa! Nhà tự sự gọi cuộc họp mặt sau cùng này là “Hiền nhân gặp mặt để tiễn biệt ở cửa Tam Sơn” (đầu đề hồi 46). Từ sau cuộc “Gặp mặt để tiễn biệt ở cửa Tam Sơn” nho nhân quả thực bèo dạt mây trôi, mỗi người mỗi ngả. Những cuộc tụ tập làm thơ, xem kịch, lễ hội, vãng cảnh hay thanh nghị thời đàm ngày một thưa vắng. Ấy thế mà kỉ niệm về những cuộc gặp gỡ văn hóa đó xem ra không đến nỗi sẽ phôi phai trong lòng thế hệ tiếp nối. Đọc đoạn trần thuật cuộc “tranh luận bên đường” giữa hai sĩ nhân trẻ tuổi Trần Tư Nguyễn6[1] và Đinh Ngôn Chí ở hồi 54 ta mới biết lịch sử văn hóa nói chung văn chương nói riêng khó viết làm sao: 

“Một hôm Trần Hòa Thượng đang ngồi đọc sách thì thấy đồng nghiệp bói chữ là Đinh Ngôn Chí lại thăm. Thấy y đọc sách Đinh hỏi: Sách này anh mua lúc nào? Trần Hòa Thượng đáp:  Tôi mới mua ba bốn hôm. Đinh Ngôn Chí bảo: Đó là thơ xướng họa ở Hồ Oanh Đậu. Hồi đó Hồ Tam Công tử mời các tiên sinh Triệu Tuyết Trai, Cảnh Lan Giang, Dương Chấp Trung, Khuông Siêu Nhân, Mã Thuần Thượng một nhóm danh sĩ tụ họp ở Oanh Đậu Hồ chia vần họa thơ. Tôi còn nhớ chính xác là Triệu Tuyết Trai tiên sinh bắt được vần “bát tề”. Anh xem câu khởiHồ như oanh đậu huy dương đê” (Hồ giống diều chim oanh bóng chiều xuống). Riêng câu này đã điểm rõ đề tài bài thơ rồi, các câu tiếp đó đều sát với đề mục đó, gán thế nào được sang đề tài hội thơ khác. Trần Hòa thượng nói: Việc này phải hỏi tôi mới đúng! Anh làm sao biết được. Năm xưa đại hội Oanh Đậu Hồ cũng không phải do Hồ Tam Công tử chủ trì. Cuộc gặp mặt đó là do hai công tử trong Lâu Phủ là ông Ba và ông Tư tổ chức. Phụ thân tôi khi đó là bạn thân của anh em Lâu Công Tử. Cuộc họp mặt ở Hồ Oanh Đậu khi đó có phụ thân tôi cùng các tiên sinh Dương Chấp Trung, Quyền Vật Dụng, Ngưu Bố Y, Cừ Dật Phu, Trương Thiết Tý, hai vị công tử họ Lâu, thêm quý tử của Dương tiên sinh cả thảy chín vị. Đó là do chính miệng phụ thân tôi nói ra tôi lại không nhớ hay sao, anh biết thế nào được! Đinh Ngôn Chí bảo: Cứ như lời anh nói, chả lẽ thơ của các ông Triệu Tuyết Trai, Cảnh Lan Giang đều do người khác làm? Anh nghĩ xem, anh có làm được không? Trần Hòa Thượng đáp: Anh nói chả thông tý nào! Thơ của các ông Triệu Tuyết Trai viết ở Tây Hồ chứ không phải ở Oanh Đậu Hồ. Đinh Ngôn Chí bảo: Ông ta viết rõ ràng “Hồ như oanh đậu” thì làm sao lại không phải là hội thơ Oanh Đậu Hồ? Trần Hòa thượng đáp: Tập thơ này tập hợp khắc in thơ của rất nhiều danh sĩ. Như ông Mã Thuần Thượng này chẳng hạn, bình thường không hay làm thơ nhưng tại sao ở đây lại cũng chọn một bài của ông ta đó thôi? Đinh Ngôn Chí nói: Anh nói nhảm gì thế. Mã Thuần Thượng tiên sinh, Cừ Dật Phu tiên sinh viết không biết bao nhiêu thơ, anh có bao giờ từng xem! Đã không nghe người ta nói lại còn đi cãi liều với tôi! Đinh Ngôn Chí nói: Tôi chả tin. Làm gì có chuyện những danh sĩ đó họp mặt mà lại không làm thơ! Xem ra, bố anh cũng chưa chắc có tham gia cuộc gặp mặt ở Hồ Oanh Đậu! Nếu từng tham gia cũng phải là một danh sĩ chứ? E rằng anh cũng chưa chắc là con của bố anh! Trần Hòa Thượng nổi đóa nói: Mày nói nhảm! Thiên hạ có ai đi mạo nhận bố đẻ? Đinh Ngôn Chí nói: Trần Tư Nguyễn, mày muốn viết vài ba câu thơ thì cứ việc, cớ gì nhất định phải nhận mình là con của Trần Hòa Phủ? Trần Hòa Thượng quát: Đinh Thi, đồ “con nhà chùa lại quét lá đa”, thuộc lỏm mấy bài thơ của Triệu Tuyết Trai giơ mồm bàn chuyện danh sĩ! Đinh Ngôn Chí nhảy chồm lên mắng: Ừ, tao không nên nói chuyện danh sĩ nhưng mày rốt cuộc cũng chẳng phải là danh sĩ. Hai đứa thôi cãi nắm cổ áo nhau đánh lộn một chập. Nhà sư bị Đinh choảng cho mấy phát giữa đầu rất đau. Đinh lôi Trần lên cầu. Trần tức nảy đom đóm mắt muốn kéo Đinh xuống sông, Đinh đạp mạnh một phát Trần lăn lông lốc xuông chân cầu. Trần lăn lộn kêu gào” (hồi 54) [2 tr.574-575; 4 tr.447-450].

Cuộc “hội thảo lịch sử văn chương bên hè phố” của hai gã học trò vô lại chí ít cũng đã nhắc đến vài ba sự kiện như tuồng cũng từng có tiếng vang nhất định trên thi đàn và sinh hoạt văn hóa của văn nhân thời đại. Có thể Trần Tư Nguyễn đúng còn Đinh Ngôn Chí là sai. Có điều, giờ đây đám người trong cuộc kia cũng đã tản mác đường trần xuôi ngược, chả có ai đứng ra làm chứng nữa. Làm việc có tổ chức có quy mô hẳn hoi như Bộ Lễ (ra thông tư phái người phỏng vấn, khảo sát, sưu tầm tận nơi để lập hồ sơ tấu trình lên triều đình xin truy phong tiến sĩ – hồi 56) mà còn chẳng phát hiện ra chuyện Ngưu Phố Lang ăn cắp tập thơ của Ngưu Bố Y (nhà thơ chết đường) còn Quách Thiết Bút là con của Vương Huệ (kẻ tạo phản bị truy nã suốt đời) nữa là trí nhớ của vài cá nhân độc giả! Cuộc tranh cãi của hai sĩ nhân cùng nghề bói chữ ở hồi 54 trên thực tế là cuộc gặp mặt luận bàn văn chương văn hóa cuối cùng trong Nho lâm ngoại sử. Qua một hồi truyện nữa tất cả các nhân vật Nho Lâm đã trở thành người muôn năm cũ: tên của các nho nhân cuối cùng cũng đã được ghi lại trong bản tấu trình triều đình xin truy phong tiến sĩ. Trong bảng ân tứ tiến sĩ cập đệ cho hồn ma của các nhà nho ở hàng thứ hai bảy và hàng thứ hai chín, độc giả có thể đọc thấy tên họ của hai gã nhà nho nhân trẻ tuổi trên: Trần Tư NguyễnĐinh Thi. Bài sớ tấu trình chuyện mồ ma của các hiền tài, bảng tiến sĩ cập đệ truy phong cùng lễ nghi vinh danh sĩ nhân của triều đình… tất cả những kí tải và sao lục “phỏng sử truyện” này như tuồng muốn gián tiếp nói cùng độc giả nguyên do tụ tán của cái quần thể đám người có chữ mà tác giả đã đưa vào trong tiểu thuyết.7 Hồi 56 là một hồi đặc biệt của tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử. Nhìn từ góc độ kết cấu tác phẩm, có thể nói hồi 56 chính là một “Bảng chỉ dẫn nhân vật” của cuốn tiểu thuyết. Với hồi 56, tiểu thuyết dường như đã dành một dịp cuối cùng cho cuộc Đại-Hội-Ngộ của toàn thể nhân vật Nho Lâm. Chúng tôi thậm chí cho rằng, hồi 56 là một cách để tác giả cuốn Nho Lâm kiểm lại người trong chuyện. Không khó phát hiện thấy danh sách các nho nhân trong bản tấu trình triều đình của Bộ Lễ như tuồng cũng phản ánh trật tự xuất hiện trước sau của các nhân vật trong tiểu thuyết. Danh sách nho nhân trong bản tấu trình này cùng với bảng truy phong tiến sĩ cập đệ phía sau dường như cũng là một cách giúp tác giả “phân loại”, “thống kê” các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của mình.

Thực ra, tiểu thuyết xưa nay vẫn quen dùng quan hệ thời gian - nhân quả, triển khai một câu chuyện đầu đuôi ứng kết cùng một hệ thống nhân vật phân vai chính phụ rõ ràng. Cho đó là một cách nhận thức chiều sâu chân lí đời sống cũng được, mà nói đó là một cách “tái nhào nặn” hiện thực thành câu chuyện điển hình hơn cũng không phải là không có cơ sở; cho đó là đang trình hiện cuộc sống ra trước mắt độc giả cũng được, mà bảo rằng tác giả đang dắt dẫn người đọc nhận thức cuộc sống theo một dự đồ còn có lí hơn. Tính chất “giả tạo”, “đẽo gọt” của các cấu trúc tiểu thuyết đó là một điều dễ thấy. Riêng Ngô Kính Tử với ngòi bút điềm đạm, dung dị vừa thể hiện được chất thơ của cuộc sống những con người bình thường, mà cũng thể hiện được sự han rỉ mòn mỏi không được tự ý thức của nhân cách con người, sự tha hóa của cả một thể chế. Ông kể ra bao nhiêu chuyện cỏn con của những kiếp người tầm tầm nổi trôi giữa dòng đời. Tiểu thuyết của ông làm ta nghĩ đến truyện ngắn và kịch của văn hào Nga Trekhov. Có người cho rằng truyền thống được tạo ra bởi Trekhov đã bị đứt đoạn trong trong văn học Nga, chỉ phần nào được tiếp nối trở lại ở V.Shukshin. Ở Trung Quốc, sau khi Nho lâm ngoại sử ra đời, một loạt nhà văn đã bắt chước Ngô Kính Tử, thế nhưng ngay cả những cuốn tiểu thuyết thành công nhất cũng chỉ mô phỏng được cái bề ngoài chứ không hiểu được cốt lõi tinh thần Ngô Kính Tử. Ngược lại, trong tản văn và bút kí của một số nhà văn Trung Quốc cận hiện đại người đọc ít nhiều lại cảm nhận được sự tồn tại của cái truyền thống mà Ngô Kính Tử tạo ra cho văn học Trung Quốc. Truyền thống mà ta muốn quan sát thì phải bắt đầu từ việc mà chúng tôi đặt ra trong đầu đề bài viết này – tìm hiểu các thủ pháp tự sự mới về nhân vật trong tiểu thuyết của Ngô Kính Tử.

                                                                                                                                                   Thiên Tân 2003-2008 Hà Nội

Tài liệu tham khảo

1. , 中国小说史略》百花艺出版社, 2002

Lỗ Tấn, Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, Bách Hoa Văn nghệ Xuất bản xã

2. 吴敬梓,《儒林外史》新世界出版社出版, 2001

 Nho Lâm Ngoại Sử, Tân thế giới Xuất bản xã, 2001

3. Phan Võ-Nhữ Thành dịch, Chuyện Làng Nho, tập 1, Nxb.Văn Học, 2001

4. Phan Võ-Nhữ Thành dịch, Chuyện Làng Nho, tập 2, Nxb.Văn Học, 2001

5.黎时(ThoiTanLe)儒林外史(陈洪教授)南开大学文学院中文系5/2004

 

 Chú thích:

1. Nho lâm ngoại sử bản dịch tiếng Việt Chuyện làng Nho. Tất cả các đoạn dẫn tác phẩm trong bài này đều dẫn dịch từ [2] Nho lâm ngoại sử, Tân thế giới xuất bản xã, bản in 2001; Số trang đối ứng bản dịch ở đây thống nhất dẫn theo bản dịch tiếng Việt [3] [4]Chuyện làng Nho, Nxb.Văn Học, bản in 2001.

2. Thực ra, đem con người đặt vào một “hệ thống hình tượng” nào đó không phải là một đặc quyền của văn học. Trên thực tế, chúng ta luôn nhìn nhân sinh từ một giác độ như vậy. Mỗi một người trong cuộc sống chẳng qua là một nhân vật - con người có tên gọi; Khi chúng ta tự ý thức đến bản thân mình thì một nhân vật “Tôi” liền xuất hiện. Con người đều thông qua một quan hệ tất - ngẫu nhiên nào đó mà trở thành “nhân vật” đối với nhau. Và, trở thành nhân vật giữa đời chính là xác định tư cách tồn tại của mỗi một cá thể người trong chỉnh thể nhân sinh/ nhân quần. Thực tế thì, khi một người từ trong mênh mông biển người lần đầu bước vào trong trường ý thức của bạn, anh ta liền đã trở thành nhân vật của bạn. Thế mà mới trước đó thôi, đối với bạn mà nói, con người này là không tồn tại. Còn trong trường hợp bạn “gặp” một người mà giờ đây anh ta chỉ tồn tại trong  trong kí ức của người đời hay trí nhớ của cả cộng đồng, anh ta chỉ tồn tại trong một hệ thống thoại ngữ của các nhà trần thuật - một người đã không còn cách nào để tiếp xúc trực tiếp được nữa thì đó chính là người mà ta quen gọi là nhân vật lịch sử. Nói tóm lại con người phải trở thành nhân vật, mà nhân vật thì thế tất phải tồn tại trong một hệ thống các quan hệ nào đó, tồn tại dưới một cái tên để xác định mình. Lật mở một cuốn tiểu thuyết, một hệ thống hình tượng nhân vật liền trình hiện lên trước mắt độc giả. Kì thực những cách gọi hoặc phân loại nhân vật văn học như nhân vật chính, nhân vật  phụ; nhân vật chính diện, nhân vật phản diện đều không thoát khỏi quan điểm cấu trúc luận hệ thống.

3. Trương Văn Hổ - một nhà bình điểm Nho lâm ngoại sử đời Thanh kể chuyện có người hỏi ông sao hay ngồi trong quán trà đến thế. Ông trả lời ngồi ôn nhân vật Nho lâm ngoại sử. Nhàn Trai Lão Nhân - một nhà bình điểm quan trọng khác, trong bài tựa cho tiểu thuyết này có so sánh Nho lâm ngoại sử với “tứ đại kì thư”: “Tây du kí huyền hoặc hoang tưởng, người bình cho đó là sách bàn về Đạo. Cái gọi là ý mã tâm viên, kim công mộc mẫu đại để nói cái ý chỉ tâm tức là Phật - người bình không dám tìm hiểu. Tam quốc không giống hoàn toàn chính sử, thế nhưng chuyện thoán quyền của Ngụy và Tấn như tuồng rập khuôn nhau, đạo trời tuần hoàn đủ làm gương cho kẻ thoán đoạt; lại như nguyên do hưng vong tồn phế của Ngô và Thục cũng đáng để người đời suy gẫm, người bình không dám chê khen; còn như Thuỷ hử, Kim Bình Mai bày chuyện trộm cắp dạy điều dâm ố là sách cấm xưa nay mà vẫn có người mê khen cái kì thú trong chương pháp, cái diệu tuyệt trong dụng bút. Trong hàng tiểu thuyết, đều cho là (những sách) chưa từng có sách hơn. Than ôi! Ấy là vì chưa đọc Nho lâm ngoại sử vậy. Nói “ngoại sử”, vì vốn nó không tự xếp mình vào hàng chính sử ; nói “nho lâm”, vì nó khác biệt hoàn toàn với những sách kể chuyện huyền hư hoang đường. Nho lâm ngoại sử lấy chuyện công danh phú quý làm rường mối cho tự sự toàn sách…(…). Nhân vật trong truyện không phải là ít mà tính tình tâm tư của họ, không ai là không mồn một trên trang sách. Độc giả dù là hạng người nào không ai là không thể tự soi ngẫm mình một chút.”. Chúng tôi hiểu phong cách hiện thực chủ nghĩa trong Nho lâm ngoại sử theo tinh thần như thế.

4. Tiêu vừa cứu sống một chân hòa hòa thượng (tức sư chùa Cam Lộ mà chuyện đã kể từ nửa trước tiểu thuyết). Không biết do đâu mà Quách Hiếu Tử (con của một hòa thượng giả) lại biết được Tiêu vừa thực hiện hành động nghĩa hiệp đó? Quách Hiếu Tử chắc chắn từ sâu thẳm tâm tư hoàn toàn biết rõ giả sử năm xưa cuộc “tạo phản” của Ninh Vương thành công thì bố của mình lại đã trở thành một ông quan đầy năng lực của triều đình mới. Và nếu vậy thì Quách cũng chẳng phải lang thang muôn dặm với một nỗi khổ hiếu trong lòng suốt hai mươi năm ròng. Không biết những lời Quách khuyên Tiêu Vân Tiên đừng làm những trò kiểu “hiệp khách giang hồ” mà phải “nên ra giúp sức mình cho triều đình” để “chẳng uổng đời lưu danh sử xanh” (hồi 40 tr.428) là ăn năn chân thành cho lỗi lầm của cha mình hay chỉ là một sự chua chát, chán chường sâu sắc? Nực cười là ở chỗ Tiêu Vân Tiên sau cuộc gặp gỡ với Quách đã đến thành Thanh Phong giúp sức cho triều đình. Kết quả là khi quay về bán sạch gia sản để đền quốc khố thì bố Tiêu đã ngã bệnh rồi chết.

5. Cừ tiếc cô hầu Song Hồng, chối không đồng ý cho Hoạn Thành chuộc làm vợ. Hoạn Thành được một viên thư lại thạo nghề chỉ trỏ bày cách tống tiền Cừ về vụ tàng giữ chiếc tráp của ông cử phản nghịch Vương Huệ. Vụ giao dịch này thực hiện thành công là còn phải nhờ vào sự tham gia của cò mồi mánh lới. Cũng không thể không kể đến vai trò trung gian của thầy đồ Tú tài Mã Nhị. Rốt cuộc Cừ chả đòi được Song Hồng lại còn mất thêm cả trăm lạng bạc (xem hồi 14)

6. Chuyện nho nhân trẻ tuổi này được kể từ hồi 53. Thoạt đầu người trần thuật chỉ gọi gã du thực du thực này là “con trai Trần Hòa Phủ” (một nho nhân làm nghề bói chữ từng xuất hiện trong các hồi truyện kể về anh em Lâu Công Tử, Lỗ Biên Tu ở đầu tác phẩm). Tiếp đó sau chuyện trả vợ cho nhạc phụ “đem về mà gả cho người khác” (bản dịch tr.447) để cạo đầu làm sư cho dễ bề kiếm sống thì nhà trần thuật chuyển sang gọi gã là “Trần Hòa Thượng”. Chỉ đến khi cãi nhau với một tên du thủ du thực khác độc giả mới biết ông sư trẻ tuổi bói chữ lấy tiền mua thịt này tên là Tư Nguyễn. 

7. Không hiểu sao danh sĩ Trần Hòa Phủ lại không được triều đình truy phong tiến sĩ trong lúc đứa con trai là Tư Nguyễn lại “đậu” đến hàng hai bảy trong bảng truy phong tiến sĩ cập đệ? Thôi thì con hơn cha là nhà đã có phúc rồi. Nghĩa tử là nghĩa tận, hiền tài là nguyên khí quốc gia. Triều đình không rộng rãi với một thế hệ sĩ nhân thiệt thòi vì khoa cử “hà khắc” thì làm sao mà nước nhà có thể “tới hồi thịnh trị như thời Tam Đại?” (chiếu hỏi chuyện hiền tài của hoàng đế - hồi 56) được? 

 

NEW NARRATIVE METHODS ON CHARACTERS IN THE SCHOLARS

BY WU JINGZI AND THE REDISCOVERY OF THE NOVEL’S THEME

Abstract

Compared to novels carrying logical plots and clear groups of leading and supporting characters, The Scholars by Wu Jingzi is forced to build strong characters so that these characters do not end up scattered in chaos. The understanding of Wu Jingzi’s new narrative method on characters helps us discover new character-building rules, basing on which the novel’s theme can be re-discovered.