Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự vận dụng tư duy thiền định vào quân sự

Suốt mấy ngày vừa qua, trên hệ thống phát thanh, truyền hình, báo viết, báo mạng ở trong và ngoài nước đã đưa tin về vị danh tướng lẫy lừng của Việt Nam và quốc tế thời hiện đại đã trở về với thế giới Người Hiền.

Dẫu vẫn biết “Nhân sinh bách tuế vi kỳ” (Đời người với 100 năm là kỳ hạn), và quy luật “sinh lão bệnh tử” là cái “lý thường nhiên” của cuộc đời, không ai có thể cưỡng lại quy luật này, kể cả các bậc Thánh nhân, và dù đã hiểu rõ quy luật ấy, nhưng khi nghe tin Đại tướng, người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam “đi xa” đã làm cho tất cả mọi người đều xúc động bùi ngùi tiếc thương.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) không chỉ là một thiên tài quân sự, với đường lối và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, mà Ngài còn là nhà văn hóa, nhà khoa học và nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam và thế giới trong thời hiện đại.

Với tài năng, đức độ, nhân cách, lối sống của Ngài thì bao nhiêu mỹ từ ngợi ca, bao nhiêu lời tán tụng cũng khó lòng có thể diễn đạt hết những gì mà Ngài đã cống hiến cho đất nước, dân tộc, lịch sử Việt Nam thân yêu của chúng ta trong thế kỷ XX. Không chỉ riêng Việt Nam ca ngợi Ngài, mà thế giới cũng ca ngợi, ngay cả đối phương cũng không tiếc lời tán dương. Bộ Bách khoa toàn thư quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 có viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy Sử”. Nhà Sử học quân sự Mỹ là Cecil Curay trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - thiên tài của Việt Nam” đã nhận xét: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại, mà còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại”. Tướng Mỹ Westmoreland đã thừa nhận: “Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh”. Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, đã đánh giá: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”. Mấy ngày trước đây, tờ AFP của Pháp đã tôn vinh Ngài là "Thiên tài quân sự”, “người được cả phương Tây nể trọng”, “chiến lược gia vĩ đại nhất và là kiến trúc sư cho các chiến thắng trước Pháp và Mỹ”.

Ở đây, trong bài viết nhỏ này, tôi xin được phép nêu vài suy nghĩ tản mạn của mình về vị danh tướng lẫy lừng với những chiến công vang dội năm châu bốn bể qua một khía cạnh có thể nói là rất chủ quan, mà có thể có người đã từng nghĩ, từng nói, nhưng có thể chưa ai viết ra. Đó là việc Đại tướng tu tập Thiền định và vận dụng tư duy Thiền định vào quân sự để vạch ra các chiến lược, chiến thuật trong những trận chiến mang tính lịch sử, có tính chất quyết định vận mệnh của đất nước, dân tộc.

Việc vị Đại tướng của chúng ta tu tập Thiền định thì đã có nhiều người nói và viết, vì Ngài đã thực hành pháp môn này từ lâu lắm rồi, nhưng việc Ngài vận dụng tư duy Thiền định để chỉ đạo, để vạch ra chiến lược, chiến thuật thì dường như chưa có ai nói và viết, dù chuyện này, chính vị Đại tướng đã từng phát biểu, nhưng ít có người để ý, nhận ra.

Như bạn đọc đã biết, Thiền là cách gọi tắt của Thiền-na 禪那, Hán ngữ phiên âm từ ch“Dhyana” của ngôn ngữ Sançrit hay “Jhana” của ngôn ngữ Pali. Đây là một pháp môn tu tập theo khuynh hướng suy lý, tư duy của phái Du-già (Yoga), một trong sáu phái triết học ở Ấn Độ thời cổ đại. Muốn tập trung tư tưởng, các vị đạo sĩ phái Du-già thường ngồi ngay ngắn, trang nghiêm dưới gốc cây để minh tưởng, quán chiếu. Phương pháp tu tập này rất bổ ích cho việc trau dồi tâm tính, hòa hợp giữa cá tính và bản thể. Pháp môn này đã được Đức Phật Thích Ca kế thừa, cải tiến thành một trong những pháp môn tu tập của Phật giáo bằng cách hòa hợp trí tuệ với Thiền định và Ngài đã thể nghiệm dưới gốc cây pippala (cây bồ-đề) trong 49 ngày đêm. Cuối cùng, Ngài đã đạt vô thượng chánh đẳng chánh giác. Về sau, pháp môn tu tập này phát triển thành một tông phái: Thiền tông. Thiền có nghĩa là “tĩnh lự”, “tĩnh tâm”, làm cho tâm yên lặng, tịch tĩnh, không vọng động, giúp cho người tu tập có thể tập trung trí tuệ để quán chiếu nhằm thông tỏ, giác ngộ chân lý. Định (Samadhi), là cách để tâm chuyên chú, đứng yên một chỗ, tức nhiếp tâm, làm cho tâm không giong ruỗi, loạn động theo ngoại cảnh. Nhà Phật dùng khái niệm “Định” để diễn tả trạng thái bình đẳng của tâm, tức là “Thiền”. Thiền và Định có quan hệ tương hỗ nên được gọi là Thiền định. Và trường hợp này, Thiền và Định đồng nghĩa. Thật ra, Định là trạng thái tâm lý chứng ngộ bằng phép tu Thiền.

Ngài Đại tướng thiên tài của chúng ta từ lâu đã từng tu tập Thiền định và đã vận dụng tư duy Thiền định vào quân sự như thế nào?

Để góp phần lý giải vì sao Ngài có tuổi thọ “thách thức với thời gian”, ít người sánh kịp như thế là nhờ Ngài thường xuyên thực hành Thiền định. Có thể trong những ngày ở căn cứ địa Việt Bắc, Bác Hồ và Đại tướng đã từng tập Thiền, tập Thái cực quyền để rèn luyện sức khỏe, để tập trung tâm trí. Từ 1954 về sau, đặc biệt là lúc ngài bước vào tuổi bát tuần cho đến cuối đời thì Ngài thực hành Thiền định nhiều hơn. Thiền định kết hợp với quán sổ tức (luyện khí, đếm hơi thở) đã giúp cho là tâm trí con người vắng lặng, thanh tĩnh, tự tại, ung dung. Nhờ thế mà tuổi thọ của Ngài được kéo dài đến mức hiếm người có được.

Phương pháp tư duy của Thiền đã giúp cho Ngài có thừa trí lực và dũng khí để đương đầu và vượt qua những thách thức lớn ở những thời điểm lịch sử gay go nhất. Nhờ Thiền định mà Ngài đã thông tuệ nên mới có những quyết sách đúng đắn, như là chân lý để đạt đến thành công.

Xin được minh chứng bằng những chiến dịch lớn với những quyết sách đúng đắn mà quyết sách này có được là nhờ Đại tướng đã biết vận dụng tư duy quán chiếu, tập trung tư tưởng của Thiền định.

Minh chứng 1: Trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, ban đầu ta chủ trương đánh vào cứ điểm Cao Bằng, một một cứ điểm có thành phố lớn, nếu hạ được Cao Bằng thì uy thế quân đội ta sẽ rất vang dội. Nhiều đơn vị đã được cử đi điều nghiên địa hình để chuẩn bị phương án tác chiến. Phương án tác chiến, kế hoạch đã xong, hậu cần đã chuẩn bị để sẵn sàng bước vào chiến dịch. Bản thân Ngài Đại tướng cũng trực tiếp đi nắm tình hình. Từ đó, Ngài quyết định thay đổi mục tiêu tấn công từ Cao Bằng chuyển sang Đông Khê, một cứ điểm khác trên tuyến đường số 4 để “đánh điểm, diệt viện”. Kết quả là ta đã chiến thắng vang dội, thu được hàng ngàn tấn chiến lợi phẩm, đủ trang bị cho các sư đoàn chủ lực mới được thành lập. Thậm chí, số đạn pháo thu được sau chiến dịch còn dùng để cung cấp cho chiến trường Triều Tiên cũng như chiến dịch Điện Biên Phủ sau này. Nhưng quan trọng hơn cả, là tuyến biên giới Việt - Trung được khai thông, phá thế bao vây căn cứ địa Việt Bắc với các nước bè bạn trên thế giới.

Minh chứng 2: Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch có quy mô lớn nhất, mang ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Ban đầu, chủ trương của cố vấn quân sự Trung Quốc thì theo kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh”. Nhưng vài giờ trước khi nổ súng, Đại tướng đã thuyết phục được Vi Quốc Thanh và ban cố vấn Trung Quốc cùng các binh tướng của ông để đổi sang kế hoạch “Đánh chắc thắng chắc”. Sự thay đổi này đã làm hoãn cuộc tấn công lại cả tháng trời. Với sự thay đổi chiến lược chiến thuật ấy mà vài tháng sau, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên lịch sử chấn động địa cầu, “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Để có kế hoạch “Đánh chắc thắng chắc” này, vị Đại tướng của chúng ta phải trải qua những đêm dài trăn trở, những ngày dài tư duy mới đi đến quyết định. Chính Đại tướng đã mấy lần nói trên báo, đài là có những quyết định đúng đắn ấy là nhờ “những giây phút lóe sáng”. Tôi hiểu “những giây phút lóe sáng” mà Ngài đã nêu chính là “phút giây bừng vỡ chân lý”, là “thời điểm giác ngộ”, là “trạng thái satori”. Trạng thái đó có được là nhờ quá trình tập trung tư tưởng để quán chiếu, để suy tư, nhờ thế mới đạt đến cứu cánh, và tìm ra chân lý. Đó là cách tư duy theo pháp môn Thiền định. Quá trình tư duy này chẳng khác nào như nhà bác học Newton khi xưa phải trải qua quá trình nghiền ngẫm dài lâu, đến khi nhìn thấy quả táo rơi, mới phát hiện ra định luật “sức hút của trái đất”; như Archimède nằm trong bồn tắm mới phát hiện ra nguyên lý “sức đẩy của nước”.

Minh chứng 3: Trong Chiến dịch Mùa xuân 1975, ta chủ trương đánh vào Tây Nguyên, rồi từng bước đánh xuống các tỉnh duyên hải miền Trung Trung bộ, nhưng không ngờ, sau khi mất Tây Nguyên, lực lượng quân đội Việt Nam cộng hòa tháo chạy. Tâm lý họ rệu rã. Ta thừa thắng xông lên. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chớp lấy thời cơ chuyển sang Chiến dịch Hồ Chí Minh với quyết tâm giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của Đại tướng chỉ đạo trong Chiến dịch Hồ Chí Minh Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắngcó được có lẽ cũng là nhờ những đêm ngày suy tư để có những phút giây lóe sáng ấy.

Trên đây chỉ là vài suy nghĩ tản mạn của cá nhân. Điều mà tôi biết chắc là vị Đại tướng thiên tài của đất nước chúng ta đã thực hành Thiền định từ lâu. Và nhờ quá trình Thiền định ấy mà tư duy của Ngài thông tuệ, nắm được quy luật vận động và phát triển của lịch sử, của cách mạng, từ đó mới có những quyết sách đúng đắn như là chân lý để làm thay đổi lịch sử. Điều này báo chí phương Tây đã ngợi ca nhiều rồi.

  Tuổi đời của người viết bài này chỉ là hàng con cháu của Đại tướng, với lòng thành kính và ngưỡng vọng, cháu xin được thắp nén tâm hương cầu nguyện Ngài được ung dung dạo bước nhàn du nơi thế giới Người Hiền, và cầu nguyện xác thân của Ngài được thanh thản yên nghỉ nơi mảnh đất quê nhà Lệ Thủy, Quảng Bình thân thương như sở nguyện của Ngài lúc sinh thời.

Kính thưa Đại tướng, viết đến đây cháu chợt nhớ lại lời thơ của Trương Hỗ (? – 853) một thi nhân đời Đường ngày xưa với ước nguyện khi nhắm mắt xuôi tay được nằm lại nơi mảnh đất đã từng gắn bó nhiều kỷ niệm với mình trong bài “Hoài Nam”: Nhân sinh kỳ hạp Dương Châu tử / Thiều trí sơn quang hảo mộ điền”. (Tạm dịch: Đời người chỉ chết ở Dương Châu là hợp; Ánh sáng mặt trời trên núi tĩnh lặng chiếu lên nấm mộ ngoài ruộng).

Cuối cùng là Yên lặng, Tịch tĩnh, Vô ngôn.

03 giờ khuya, rạng ngày 08/10/2013.

Nguồn: Tuần báo Tiếp thị & Gia đình, số 41, ngày 14/10/2014

 

 



([*]) PGS.TS. Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG TP. HCM.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website