Đinh Gia Khánh: vị giáo sư kép

Khác với nhiều bạn bè đồng nghiệp là tôi không có may mắn được học Thầy. Trước 1975, tôi học ở Sài Gòn, Thầy lại dạy ở Hà Nội. Sau năm 1975 tôi học ở trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, còn Thầy thì dạy và làm quản lý chuyên môn ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội), nhưng tôi lại được học Thầy một cách gián tiếp qua các giáo trình, các chuyên khảo và các công trình dịch thuật của Thầy về văn hóa và văn học dân gian, về văn học cổ điển Việt Nam. Sau này, trong các dịp Hội thảo khoa học ở Viện Văn học, ở trường ĐHSP Hà Nội, tôi cũng chỉ gặp Thầy vài lần và trao đổi với Thầy dăm ba câu chuyện về chuyên môn, vậy mà Thầy đã để lại trong tôi vài dấu ấn có thể nói là sâu sắc, qua cách nói chuyện có vẻ dí dỏm, dễ gần, dễ mến.

Các thế hệ sinh viên đã tôn vinh Thầy là vị giáo sư kép bởi Thầy là nhà nghiên cứu đầu ngành ở hai lĩnh vực: Văn hóa – Văn học dân gian Việt Nam và Văn học cổ điển (trung đại) Việt Nam (thế kỷ X – thế kỷ XVII), mà xem ra với văn hóa và văn học dân gian thì Thầy được giới nghiên cứu đánh giá cao hơn, dù ở lĩnh vực văn học cổ điển Việt Nam, Thầy đã có những đóng góp đáng kể. Có tâm lý này là bởi Thầy đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên (1996) về văn hóa và văn học dân gian.

Bên cạnh đó, nhắc đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thầy, nhiều người đã tôn vinh là “Người Thầy của những khởi đầu”, là “Nhà nghiên cứu văn hóa và văn học dân gian”; là “Người đặt nền móng cho khoa nghiên cứu văn hóa dân gian”… mà theo thiển nghĩ của tôi, sự tôn vinh này là rất đúng và chính xác. Bởi Thầy đã có gần 30 năm (1956-1983) làm Chủ nhiệm bộ môn Văn học Việt Nam dân gian - cổ điển - cận đại tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; rồi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian nhiệm kỳ 1983-1987, do chính Thầy là người đã sáng lập (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa – Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Dân gian nhiệm kỳ 1987-1993. Với Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Thầy từng giữ cương vị Tổng Thư ký của Hội từ năm 1982 đến gần cuối năm 1984; từng là Ủy viên Ủy ban tư vấn của UNESCO cho việc nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á và Ủy viên Ủy ban Trung ương liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ năm 1984.

Trong lĩnh vực giảng dạy, kiến thức và nhiệt huyết của Thầy đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, các nhà khoa học mà trong số đó không ít người đã thành danh, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam.

Về văn hóa và văn học dân gian, không kể những công trình viết chung với nhiểu tác giả, chỉ kể những công trình riêng hay chủ biên, thì Thầy đã có: Giáo trình Văn học dân gian (chủ biên, viết cùng Chu Xuân Diên), 2 tập, 1962, 478 trang. Về giáo trình Văn học dân gian thì trước đó một năm đã có giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập 1 (phần 1 và phần 2): Văn học dân gian của Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội in lần đầu năm 1961 của tập thể tác giả: Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Nghĩa Dân, Lý Hữu Tấn, Hoàng Tiến Tựu, Đỗ Bình Trị, Lê Trí Viễn. Đây là hai công trình về văn học dân gian đầu tiên của chế độ mới, được viết dưới ánh sáng của ý thức hệ và quan điểm nhìn nhận mới, trình bày có hệ thống nên rất thuyết phục, nếu so với những công trình về văn học dân gian xuất bản trước năm 1945. Mười năm sau (1972) Thầy cùng thầy Chu Xuân Diên và Võ Quang Nhơn đã viết lại giáo trình Văn học dân gian dày dặn hơn gồm 2 tập, tập 1 (370 trang), tập 2 (456 trang), Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tái bản 1977 và nhiều lần nữa, mà hiện nay giáo trình này do Nxb Giáo dục ấn hành và là giáo trình dùng chung cho sinh viên Ngữ văn ở các trường Đại học, chủ yếu là hai trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn ở Hà Nội và ở thành phố Hồ Chí Minh. Thầy đã viết nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian khác như: Ca dao Việt Nam (chủ biên và biên soạn cùng với Nguyễn Xuân Kính, Phan Hồng Sơn, 1983); Truyện hay nước Việt (Thiên Nam thích văn trích diễm), 2000; Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian (1989); Thần thoại Trung Quốc (1991); Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Địa chí văn hoá dân gian (Thầy cùng chủ biên với Kiều Thu Hoạch và Trần Tiến, 1991); Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á (1993); Văn hoá dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam (1995); Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám (1999). Trong các công trình nghiên cứu trên thì công trình Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á (1993) của Thầy được giới nghiên cứu chuyên môn đánh giá rất cao. Chính Thầy là người đầu tiên nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam và đặt nó trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á chứ không phải bối cảnh Trung Hoa hay bối cảnh văn hóa nào khác. Điều này, trong khoa học, ngày càng có nhiều ý kiến khẳng định tộc Việt nằm trong chủng tộc Đông Nam Á và muốn hiểu bản sắc văn hoá Việt thì phải đặt trong bối cảnh và cơ tầng văn hoá Đông Nam Á mới có thể lý giải được nhiều vấn đề. Viết đến đây, tôi chợt nhớ ở Miền Nam khoảng những năm 1960, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã dựa vào ngôn ngữ học tiếng Việt mà xác định nguồn gốc Mã Lai của dân tộc ta. Ở lĩnh vực này, có thể nói, Thầy đã kế thừa và tiếp bước các công trình nghiên cứu có tính chất đặt nền của các học giả: Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên trước Cách mạng tháng Tám (1945), để từ đó Thầy đi sâu vào lĩnh vực này với những đóng góp mới. Những công trình vừa nêu của Thầy có tính chất định hướng và đề ra phương pháp luận cho ngành nghiên cứu văn hóa, văn học dân gianđó còn những giáo trình chuẩn mực. Đồng thời, những công trình đó còn góp phần làm rõ những thành tố, sự phát triển, vai trò của văn học dân gian trong từng giai đoạn của xã hội Việt Nam, đã chỉ ra những nét tương đồng và đặc thù của văn học dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á. Việc Thầy dịch và giới thiệu hai tác phẩm Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên và Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV), được Vũ Quỳnh và Kiều Phú nhuận chính (cuối thế kỷ XV) cũng là để nghiên cứu về văn hóa và văn học dân gian Việt Nam. Từ đó, Thầy nêu lên vai trò làm nền của văn học dân gian đối với văn học viết Việt Nam.

Với văn học viết Việt Nam, đặc biệt là văn học giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII (theo cách phân kỳ cũ là đến nửa đầu thế kỷ XVIII), Thầy đã viết các giáo trình: Văn học cổ Việt Nam, 2 tập, (cùng với Thầy Bùi Duy Tân), Nxb GD, HN, 1964. Văn học Việt Nam thế kỷ thứ X – nửa đầu thế kỷ XVIII, 2 tập (cùng với hai Thầy Bùi Duy Tân và Mai Cao Chương), Nxb ĐH&THCN, HN, 1978, mà bộ sách này, từ năm 2000 trở đi, Nxb GD in gộp chung thành một tập, khổ lớn, tái bản nhiều lần. Từ năm 1961, Thầy cùng với hai thầy Bùi Văn Nguyên và Nguyễn Ngọc San đã biên soạn, giới thiệu và dịch thuật: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập 2 (thế kỷ X – thế kỷ XVII). Cùng với Thầy Nguyễn Ngọc San, Thầy đã dịch và giới thiệu Lĩnh Nam chích quái; cùng với Trịnh Đình Rư, Thầy đã dịch và giới thiệu Việt điện u linh; cùng với thầy Bùi Duy Tân, Hồ Như Sơn, Thầy đã dịch và giới thiệu Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cùng với hai thầy Nguyễn Thạch Giang và Kiều Thu Hoạch, Thầy đã biên soạn cuốn Điển cố văn học, đây là sách công cụ dùng để tra cứu, rất tiện lợi và ích dụng cho những ai muốn tìm hiểu về chữ nghĩa, điển cố, điển tích vốn xuất hiện đậm đặc trong văn học cổ điển Việt Nam và Trung Quốc, bởi đó là một trong những đặc trưng thi pháp của văn học cổ điển (trung đại) ở Đông Á.

Đặc biệt Thầy là người kiến trúc sư đã thiết kế và quy tụ nhiều nhà nghiên cứu để thi công công trình Tổng tập văn học Việt Nam bề thế và đồ sộ gồm 42 tập mà Thầy là Tổng chủ biên. Đây là một đóng góp rất lớn của Thầy và của tập thể các nhà nghiên cứu đối với văn học nước nhà. Nhờ bộ Tổng tập này mà các nhà nghiên cứu, cũng như thế hệ trẻ hôm nay có nhiều điều kiện thuận lợi để tìm đọc, nghiên cứu về văn học dân tộc một cách có hệ thống và tương đối đủ đầy về các tác gia, tác phẩm, nhất là tác phẩm văn học cổ điển khi không có vốn văn tự Hán - Nôm. Tôi nói tương đối đủ đầy là bởi dù công trình mang tên Tổng tập nhưng lại không sưu tầm và giới thiệu đủ hết những tác phẩm của những tác giả, mà đây chỉ là sự tuyển chọn những tác phẩm văn chương tiêu biểu của các tác giả.

Xin được điểm qua một vài công trình của Thầy về văn học cổ điển Việt Nam. Với Nguyễn Trãi, Thầy là người đầu tiên nghiên cứu về quan điểm văn nghệ của danh nhân văn hóa này vào năm 1980 trong công trình Kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi (Nxb KHXH, HN, 1982). Ở đó, Thầy đã nêu lên một hệ thống quan điểm thể hiện trong văn chương Nguyễn Trãi, đó là: Sự gắn bó giữa nhà văn và người chiến sĩ; Về mối liên hệ mật thiết giữa văn nghệ và cuộc sống; Gắn văn chương với sự nghiệp, gắn nhiệm vụ làm văn với bổn phận làm người, văn chương gắn liền với hành động và với phẩm chất; Ý thức dùng văn chương như là vũ khí chiến đấu vì chính nghĩa; Ý thức chăm lo quyền lợi của nhân dân với nỗi niềm thương dân; Nêu lên mối quan hệ mật thiết giữa “gốc” và “văn”, tức giữa nội dung và hình thức biểu đạt; Nhà thơ có thể tìm đề tài và cảm hứng từ hiện thực cuộc sống; Đề cao yêu cầu năng khiếu thẩm mỹ của người sáng tác; Nêu lên tác dụng của văn nghệ đối với đời sống, đối với tâm hồn con người… Từ đó Thầy đi đến kết luận Nguyễn Trãi là nhà lý luận văn nghệ kiệt xuất của dân tộc. Cho đến nay khi đọc lại những đúc kết trên của Thầy, người đọc có thể xác quyết những đúc kết trên là hoàn toàn hữu lý, mà Thầy là người đầu tiên nghiên cứu về vấn đề này, và đã mấy chục năm rồi, người đi sau khó lòng vượt qua được. Cũng trong dịp kỷ niệm này, Thầy đã viết về tư tưởng “Nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi và khẳng định đó là “một biểu hiện của tinh thần văn hóa Việt” in trong sách: Viện Văn học, Hoàng Trung Thông chủ biên, Nguyễn Trãi khí phách và tinh hoa của dân tộc, Nxb KHXH, HN, 1980.

Với bộ giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ thứ X – nửa đầu thế kỷ XVIII, có thể thấy, nếu so sánh bộ giáo trình này với bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam tập 2 của Khoa Ngữ Văn, trường ĐHSP HN trước đó do Thầy Bùi văn Nguyên chủ biên (1962), hay bộ Văn học Việt Nam thế kỷ thứ X –giữa thế kỷ XVIII sau này cũng do Thầy Bùi Văn Nguyên chủ biên (Nxb GD, HN, 1989), hoặc so sánh với các bộ giáo trình mới xuất bản gần đây của Trường ĐHSP TP. HCM (Đoàn Thị Thu Vân chủ biên, 2008); của Trường ĐHSP HN (2 tập, Nguyễn Đăng Na chủ biên, 2005 và 2006; Lã Nhâm Thìn chủ biên, 2011) thì có thể khẳng định, bộ giáo trình này do Thầy chủ biên có dung lượng bề thế hơn nhiều, nội dung lịch sử văn học được mở rộng và đào sâu hơn nhiều qua các phần, các mục, các tiết có thứ tự lớp lang, hệ thống, chặt chẽ với những tiêu đề gây ấn tượng, mặc dù tôi vẫn biết sự so sánh này có thể làm mếch lòng hay phật ý đối với các đồng nghiệp, mà so sánh này của tôi là một sự thật không thể chối cãi (dù ở đó có vị giáo sư đầu ngành đã từng dìu dắt tôi trong những ngày đầu tôi tập tễnh nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam trong những năm 1980-1982 ở Hà Nội, mà tôi rất kính trọng và biết ơn, và Thầy đang thong dong nơi Cực lạc đã 10 năm rồi). Nhưng tôi lại nghĩ lại, phải chăng do đặc thù đào tạo của hai loại hình trường khác nhau mà các tác giả lại có cách biên soạn khác nhau với dung lượng khác nhau? Bởi một bên là đạo tạo nghề dạy học (trường Sư phạm) còn một bên là đào tạo cán bộ để có thể làm nhiệm vụ nghiên cứu, biên tập văn học (trường Tổng hợp, nay là trường KHXH&NV).

Cũng cần nêu ra đây một vài đáng tiếc trong bộ giáo trình trên, mà những đáng tiếc này xuất phát từ tư liệu chưa được cập nhật. Chẳng hạn, do căn cứ vào bộ Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích nên giáo trình đã khẳng định bài Hạnh Thiên Trường hành cung là của Trần Nhân Tông (ở bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập 2 cũng vậy). Thật ra, theo Thánh đăng ngữ lục là sách gốc được biên soạn từ đời Trần thì bài thơ này là của Trần Thánh Tông. Hay như giáo trình đã viết tác phẩm Thượng sĩ ngữ lục là của Trần Quốc Tảng là căn cứ vào thư tịch ghi chép của các vị tiền bối ở thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX, mà trong tình hình tư liệu vài chục năm nay đã khẳng định tác giả bộ Ngữ lục này là Trần Tung (Quốc Tung), người anh cả của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Hoặc như giáo trình đã khẳng định tác giả đầu tiên của Lĩnh Nam chích quái là Trần Thế Pháp đời Trần (thế kỷ XIV), vậy mà đã giới thiệu tác phẩm này ở mục truyện ký đời Lê sơ (cuối thế kỷ XV), có điều này là bởi sách của Trần Thế Pháp không còn, chỉ còn bài Tựa và sách được tân biên, bổ chính bởi Vũ Quỳnh và Kiều Phú vào cuối thế kỷ XV, đời Lê Thánh Tông. Và còn nữa… Bộ giáo trình này đến nay đã tái bản trên mười lần nhưng vài lỗi trên vẫn chưa được chỉnh sửa, dù Nxb có ghi “tái bản, có chỉnh lý, bổ sung”.

Nhưng thiết nghĩ, trong học thuật không bao giờ có tiếng nói cuối cùng, bởi khoa học là “chercher et rechercher” tức “tìm kiếm và tìm đi kiếm lại” mà!

Trên đây chỉ là vài dòng tản mạn của cá nhân một người học trò nhỏ khi có dịp đọc lại những công trình của một người Thầy lớn, mà những công trình đó đều là những công trình có tính mở đường, mà Thầy là người Thầy của những khởi đầu.

Hôm nay, nhân kỷ niệm 10 năm ngày Thầy đi xa, thế hệ hậu sinh chúng con xin đốt nến tâm hương tưởng niệm Thầy, cầu mong Thầy an lạc thảnh thơi nhẹ gót tiên nơi thế giới của Người Hiền. Và cầu nguyện Thầy linh thiêng chứng giám, phù hộ độ trì cho các thế hệ hậu học luôn có dũng khí và nghị lực để vững bước và bước tiếp trên con đường nghiên cứu khoa học đầy nhọc nhằn mà cũng có chút chút niềm vui này.

TP. HCM, tối mùng 4 tháng 9

(dương lịch ngày 08-10-2013)

NCL

Nguồn: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 10 năm ngày mất của GS. Đinh Gia Khánh, ngày 14/10/2013 do Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG Hà Nội và Viện Văn hoá Dân gian – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website