Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế

Tiếp theo nỗ lực cắt nghĩa một số hiện tượng văn học tiêu biểu, từng bước nhận diện, khái quát hóa diện mạo văn học Việt Nam sau 1975 qua một số hoạt động học thuật; đồng thời hướng đến Chương trình tổng kết, đánh giá thực tiễn 30 năm đổi mới do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện, ngày 15/5 vừa qua, Viện Văn học tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế”. Chủ trì phiên Khai mạc có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam và PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học.

Gần 90 tham luận được gửi tới Hội thảo, trong đó có 45 tham luận được Ban Tổ chức lựa chọn báo cáo tại phiên Khai mạc và hai Tiểu ban của Hội thảo. Nhiều nhà quản lý văn nghệ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ thuộc nhiều thế hệ và khu vực khác nhau đã gặp nhau trong một Hội thảo có ý nghĩa quan trọng của những năm đầu thế kỉ này, nhằm tổng kết, luận giải, đánh giá thực tiễn văn học Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới (1986-2016), thảo luận về những thuận lợi, thời cơ và thách thức của bối cảnh hội nhập, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục phát triển văn học Việt Nam trên các mặt: sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình, giao lưu, quảng bá văn học.

Phát biểu trong phiên Khai mạc, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định mục tiêu của “Hội thảo khoa học lần này là góp phần luận giải và cung cấp các luận cứ khoa học thuyết phục để chúng ta tiếp tục phát triển nền văn học Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh sâu sắc sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng”. Báo cáo đề dẫn của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp khẳng định: “Đến nay, câu hỏi bao giờ chúng ta sẽ có những đỉnh cao nghệ thuật không chỉ là trăn trở đối với giới cầm bút mà còn là một mong mỏi chính đáng của người đọc. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiến hành tổng kết thực tiễn văn học đổi mới, phân tích, đánh giá những thành công, hạn chế của văn học ba mươi năm qua, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp phát triển văn học Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Chỉ một khi nhìn lại thấu đáo, chúng ta mới có thể nghĩ tiếp một cách chính xác. Đó cũng là minh triết và logic biện chứng của phát triển.”

 

Khát vọng đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa nền văn học dân tộc

Hướng vào một trong những nội dung lớn của Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Sử, một chuyên gia hàng đầu về lý luận văn học hiện nay, trình bày báo cáo “Lý luận văn học Việt Nam hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa - triển vọng và thách thức”. Theo GS. thì từ 1986 đến nay lý luận văn học có sự phát triển vượt bậc: chúng ta đã tiếp cận được nhiều lí thuyết văn học mà trước đây được coi là tư sản, phi mác xít hoặc xét lại làm cho không gian lí luận rộng thoáng hẳn; trong phê bình văn học đã thấy xuất hiện những công trình sử dụng những cách tiếp cận mới như thi pháp học, phong cách học, phân tâm học, kí hiệu học, cấu trúc luận, tự sự học, tân lịch sử, hậu thực dân, nữ quyền luận, xã hội học, văn học thiểu số… Tuy nhiên, xét về độ phổ cập, các thành tựu và phạm vi lan tỏa của các tư tưởng lý luận mới hiện vẫn còn giới hạn trong một tầng lớp nhỏ, ở các nhà nghiên cứu ở các trường đại học ở viện nghiên cứu, còn phần đông cán bộ quản lí, nhiều nhà văn, nhà phê bình, các phóng viên tác nghiệp các báo, hoặc phần nhiều cơ quan văn hóa vẫn theo các quan điểm gần như cũ; xét về chiều sâu thì nhìn chung; các lí thuyết được giới thiệu chưa đạt tới độ sâu cần thiết; phần lớn lí thuyết của phương Tây được giới thiệu, lược thuật, trình bày lại dưới dạng tổng thuật, mà chủ yếu là tổng thuật gián tiếp qua những ngôn ngữ khác; chất lượng dịch thuật chưa cao, chỉ riêng việc dịch các thuật ngữ làm giàu hệ thống thuật ngữ khoa học cho tiếng Việt cũng chưa có sự đồng thuật giữa các nhà khoa học… Ông nhấn mạnh: “muốn xây dựng một nền lí luận văn học Việt Nam tiên tiến, hiện đại, gắn với thực tiễn nước nhà thì không thể chỉ bằng lòng với trình độ lí luận đã tỏ ra hạn hẹp, lỗi thời, mà phải tiếp nhận những ý tưởng hiện đại, đồng thời còn phải sáng tạo những lí thuyết độc sáng của người Việt. Chỉ cần chúng ta khắc phục mặc cảm, định kiến, đổi mới hệ hình phương pháp luận, mạnh dạn tiếp nhận, học tập cổ nhân, đối thoại, giải cấu trúc cái cũ, kiến tạo cái mới trên nền tảng thực tiễn văn học Việt Nam và thế giới thì sẽ có ngày tiến kịp trình độ lí thuyết của thế giới, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của văn học Việt Nam”.

Để làm rõ hơn bối cảnh tạo ra những thay đổi có tính bước ngoặt trong nền văn hóa văn nghệ Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, GS.TS. Nguyễn Văn Hạnh đã tái hiện lại những điều kiện cơ bản, những bước đi và sự kiện quan trọng của thời kỳ đổi mới (thập niên 80). Rút ra từ những trải nghiệm của bản thân và xuất phát từ sự trăn trở thường trực về lẽ sống của một trí thức ông chân thành chia sẻ suy nghĩ về tinh thần tôn trọng lẽ phải, cởi mở trước cái mới, cái khác, qua tham luận: “Nhớ lại buổi đầu đổi mới văn hóa văn nghệ”. GS. Phong Lê trở lại câu chuyện tiếp nối, chuyển giao thế hệ, những gương mặt và tác phẩm đã góp phần làm nên gương mặt của văn học Đổi mới. Theo ông, ở thời điểm hôm nay “đội ngũ chủ lực của văn đàn, vẫn là thuộc thế hệ 6X và 7X. Nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ chuyển sang thế hệ 8X và 9X”, “Phải một thế hệ như thế, với bản lĩnh cá nhân và sức mạnh của đội ngũ mới có thể đưa đời sống văn học vào một bước ngoặt mang tính cách mạng như đã từng diễn ra vào nửa đầu thế kỷ XX; và đang tiếp tục được đón đợi, với quy mô và tầm vóc lớn hơn, vào nửa đầu thế kỷ XXI”.

Tiếp tục mạch ý thời cơ và thách thức của bối cảnh mới, GS. Hà Minh Đức cho rằng chúng ta đang sống trong một không khí đổi mới. Trong đổi mới hiện nay, cái quý nhất là những tác phẩm có giá trị đỉnh cao. Hiện nay có khuynh hướng làm mới cái cũ, có người đã làm mới Truyện Kiều bằng cách thay chữa câu chữ của Nguyễn Du. Cách làm đó rất đáng phê phán. Đổi mới trong lý luận phê bình khó hơn, có được công trình lý luận phê bình nổi tiếng không dễ dàng. Ông lưu ý năm vấn đề quan trọng: đối tượng tiếp cận phải có tính thời sự và có tính khoa học; phương pháp tiếp cận phải phù hợp với đối tượng đó (xã hội học, cấu trúc luận, thi pháp học…); phản biện bây giờ trở thành không khí của xã hội, trong văn học nghệ thuật phản biện thể hiện ở chỗ chúng ta không nên tôn vinh hoặc quá suy tôn những câu nói, quan niệm đã cũ, không còn thích hợp nữa, phản biện thể hiện tinh thần dân chủ; vấn đề tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, khái niệm tiên tiến có nhiều cách hiểu, nhưng tiên tiến đã bao quát hết tính hiện đại không, có người cho tiên tiến phải hiện đại, chúng ta nên cân nhắc lại xem vấn đề này có thể xem xét khác đi không; vấn đề đối thoại, chúng ta thực sự chưa có đối thoại công bằng, chúng ta có lúc bị định kiến, có lúc không thật công khai, vậy cần có nhiều đối thoại công bằng, công khai, có trọng tài… Thêm nữa, cần đề cao giá trị nhân văn trong các công trình nghiên cứu, một công trình có thể có nhiều người tham gia nhưng phải đảm bảo được tính nhất quán về tư tưởng, sức sáng tạo và tinh thần tự do suy nghĩ của người viết.

 

Hiện đại hóa lý luận, nghiên cứu và đổi mới quảng bá văn học

Cùng quan điểm với GS.TS. Trần Đình Sử, GS.TSKH Phương Lựu khẳng định phải tiếp nhận lý luận văn học nước ngoài để có thể làm bạn và đối thoại về văn hóa với họ, để gợi ý cho nhà văn về mặt quan niệm hoặc dùng làm công cụ phê bình sáng tác trong nước và để nghiên cứu xây dựng chính ngành lý luận luận văn học nước nhà, góp phần đắc lực vào việc tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa nền lý luận văn học Việt Nam đương đại. Từ kinh nghiệm nghiên cứu nửa thế kỉ của mình, GS. đề xuất bốn cấp độ cần quan tâm nghiên cứu và đối sánh với nước ngoài: thời đại lý luận, khuynh hướng lý luận, nhà lý luận và khái niệm lý luận. Trao đổi lại với GS. Phương Lựu, PGS.TS. Trương Đăng Dung đặt ra hai vấn đề. Điểm thứ nhất: lý thuyết văn học có tính phổ quát hay mang tính ngẫu nhiên lịch sử, đây có phải là ngộ nhận không? Điểm thứ hai: cần lưu ý, các giới hạn của văn bản văn học và điển phạm văn học dân tộc, giới hạn của tư duy chính trị thực dụng khi chúng ta tiếp nhận các thành tựu lý thuyết nước ngoài và giới hạn của chính cộng đồng diễn giải, đó là những vấn đề không thể không nói đến khi bàn về sự tiếp nhận lý thuyết nước ngoài như GS. đề cập. Những hồi đáp tiếp sau đó cho thấy, việc tiếp nhận lý luận văn học ở ta đang đứng trước rất nhiều thách thức, hàng loạt vấn đề quan trọng đã và đang đòi hỏi giới chuyên môn quan tâm tháo gỡ để có thể hiện hiện đại hóa nền lý luận dân tộc.

“Nhìn lại thực trạng nghiên cứu văn học Việt Nam trong giai đoạn đương đại”, PGS.TS. Nguyễn Văn Dân cho rằng “thành tựu lớn nhất trong nghiên cứu văn học của Việt Nam giai đoạn đương đại là tự do học thuật. Nói rộng ra, đây cũng có thể được coi là thành tựu của toàn cầu hoá và hội nhập, thành tựu của giao lưu văn hoá. Thành tựu quan trọng thứ hai của việc tiếp thu lý thuyết văn học thế giới là nó góp phần thúc đẩy xu hướng chuyên nghiệp hoá hoạt động lý luận phê bình. Một thành tựu nữa là thúc đẩy tính dân chủ trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, việc tiếp thu lý thuyết nước ngoài ở ta cũng còn một số hạn chế cần khắc phục, chẳng hạn nhiều người đã chỉ ra: tình trạng vọng ngoại, sính tây, nhập khẩu và diễn giải sai biệt các khái niệm, thuật ngữ (chẳng thuật ngữ lạ hóa…), thiếu thống nhất giữa lý thuyết và thực hành. Trao đổi lại, GS.TS. Trần Đình Sử khẳng định quan điểm trong việc đánh giá lý luận phê bình Việt Nam giai đoạn từ 1986 trở đi giữa ông và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân có nhiều điểm tương đồng, ông đề nghị không nên đánh giá dựa vào một chiều văn bản, cần bám sát thực tiễn, ngữ cảnh cụ thể. GS. Trần Đình Sử thẳng thắn nhận định rằng PGS.TS. Nguyễn Văn Dân có nhiều nhận định không hợp lý, chẳng hạn về nguồn gốc và nội dung thuật ngữ “lạ hóa”, tinh thần giải cấu trúc của R.Barthes… Không khí Hội thảo trở nên cởi mở và dân chủ hơn trong các phát biểu hồi đáp nhằm làm sáng tỏ vấn đề đang được đặt ra và thảo luận của PGS. Nguyễn Văn Dân (quan điểm về hiện tượng sính Tây, về phạm vi được thảo luận trong trường hợp diễn giải thuật ngữ “lạ hóa”; về cách so sánh hai giai đoạn phát triển trong văn học để rút ra nhận định hợp lý và về công trình S/Z của R.Bathes…). Góp thêm vào câu chuyện giải cấu trúc, PGS.TS. La Khắc Hòa cho biết trong bìa bốn cuốn S/Z, R.Barthes tuyên bố rằng “tôi vắt toàn bộ nền văn hóa của tôi, tôi bình luận không phải để hiểu một cái gì, mà xem những gì có thể hiểu”, tức là từ phê bình tác phẩm chuyển sang phê bình liên văn bản, không phải ngẫu nhiên truyện ngắn Sarrazine của Balzac chỉ có 30 trang nhưng Barthes đã viết quyển S/Z đến 210 trang; ở ta, trong bài “Roland Barthes đã giải cấu trúc như thế đấy” (2010) PGS. Nguyễn Văn Dân lại giễu Roland Barthes bình tán dài dòng, PGS. La Khắc Hòa lưu ý về cách làm này như sau: “muốn phê bình R.Barthes phải xem ông ta định làm cái gì và ông ấy có đạt được mục đích ấy không, chứ không phải so mục đích của mình với mục đích của ông ấy, rồi để chê R.Barthes”. Trên tinh thần học thuật, GS. Trần Đình Sử tiếp lời nhấn vào ba điểm trong thảo luận. Thứ nhất: chữ “lạ hóa”, theo ông có hai nghĩa: 1. Theo V. Shklovski, lạ hóa so với đối tượng miêu tả để chống lại cách cảm thụ tự động hóa; 2. Bertolt Brecht tiếp thu tư tưởng đó nhưng dùng chữ lạ hóa theo nghĩa khác, thực chất trong tư tưởng Bertolt Brecht không phải là hiệu ứng giãn cách, mà bàn về lạ hóa; thứ hai: có một vấn đề nghiêm trọng, PGS. Nguyễn Văn Dân cho rằng giải cấu trúc là giải tư tưởng Khai sáng và giải chủ nghĩa Mác, đó là cách hiểu của một người chứ không phải của tất cả; tư tưởng chính của hậu hiện đại là giải cấu trúc, giải trung tâm, mục đích, bản chất của nó là chống lại tư duy siêu hình, chỗ nào có tư duy siêu hình thì nó chống lại, chứ nó không chuyên/tập trung chống chủ nghĩa Mác hay chủ nghĩa Khai sáng, đó là hai chuyện khác nhau, không thể hiểu lầm, có thể gây ra tâm lý sợ hãi... Xét trên phương diện chống tư duy siêu hình, Karl Marx và các nhà hậu hiện đại gặp nhau. Thứ ba: tôi tán thành với tư tưởng cho rằng lý thuyết nước ngoài đưa vào Việt Nam phải có hệ thống, nhưng để làm điều đó phải qua khâu dịch, mà dịch thì sẽ làm biến dạng, làm khác đi cho nên hệ thống không còn nguyên nữa, người nghiên cứu buộc phải lựa chọn, giải thích theo cách của mình, anh ta phải tiếp biến, mà đã tiếp biến thì không còn nguyên vẹn như ban đầu. Như vậy, để xây dựng được hệ thống thuật ngữ phù hợp, trong cộng đồng khoa học phải có sự thỏa thuận, hợp tác với nhau. PGS.TS Phạm Vĩnh Cư chủ trương khác, để phát triển văn học Việt Nam không nên quá quan tâm đến những thứ trường phái lý luận văn học, ngược lại nên nghiên cứu tiến trình của văn học thế giới, tiếp thu chủ động, sáng tạo những thành tựu của văn học thế giới ngày nay, rồi giới thiệu trong nước, tạo ra chất xúc tác cho sáng tác văn học.

Thảo luận về sự đổi mới hệ hình của văn học dân tộc, PGS.TS. Đỗ Lai Thúy nhấn mạnh, văn học Việt Nam thế kỉ XX trải qua ba hệ hình: tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại. Cơ sở của việc phân chia đó là dựa vào quan niệm về thực tại: quan niệm thứ nhất cho rằng có một thực tại, đó là thế giới khách quan, tồn tại độc lập với ý thức con người (tiền hiện đại), thực tại là sự tương tác giữa chủ quan và khách quan (hiện đại), thực tại tồn tại dựa theo các khả năng mà ý thức con người chạm đến, vì thế có nhiều ý thức khác nhau sẽ có nhiều thực tại khác nhau (hậu hiện đại). Tương ứng với các quan niệm thực tại đó là các cách biểu hiện thực tại, cách biểu hiện thực tại lớn nhất chính là biểu hiện văn hóa; cho nên ba hệ hình tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại cũng chính là ba hệ hình văn hóa (văn hóa ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, tổng thể), trong văn hóa ba hệ hình đó tương ứng với ba hệ hình mỹ học (mỹ học của cái đẹp, mỹ học của cái cao cả/siêu tuyệt và mỹ học của cái khác), xét theo những điểm cốt lõi của từng thể loại, trong văn học cũng có ba hệ hình tương ứng. PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh chia sẻ, trên thế giới lý thuyết hệ hình (tiền hiện đại, hiện đại, hậu hiện đại) đã được đề cập, nhưng có một vấn đề gợi nhiều suy nghĩ: đối với văn học Việt Nam thế kỉ XX, áp dụng quan điểm hệ hình của Thomas Kuhn có hợp lý không?, đâu là chỗ khả dụng hoặc còn gây băn khoăn; chẳng hạn đối với thơ trong hệ hình hậu hiện đại, vấn đề cái khác hiện nay nổi bật và có vẻ được chấp nhận, nếu không khác thì không gây được sự chú ý, còn cái khác ấy chất lượng nghệ thuật thế nào dĩ nhiên còn phải bàn bạc; trong tiểu thuyết, nhiều tiểu thuyết hiện nay được coi là mới và ăn khách, Nguyễn Xuân Khánh chẳng hạn, đấy là cái khác hay cái đẹp (nếu chúng ta đối lập cái khác với cái đẹp), “từ trước đến nay tôi vẫn nghĩ cái đẹp trong văn nghệ bao gồm cái khác, cái sáng tạo mới”, vậy cần suy nghĩ về vấn đề này thế nào?; thêm nữa, trong thực tế có những khuynh hướng trộn lẫn vào nhau khó phân biệt, nếu ta chia văn học Việt Nam dứt khoát thành các hệ hình khác nhau có thể gặp không ít khó khăn… PGS.TS. Đỗ Lai Thúy giải thích rằng, trong mỗi hệ hình có một phạm trù cơ bản, ở giai đoạn này nổi lên phạm trù này, ở giai đoạn khác nổi lên phạm trù khác, hậu hiện đại cũng có cái đẹp chứ không phải tiêu diệt hết cái đẹp. PGS.TS. La Khắc Hòa tán đồng trước hướng tìm tòi, đề xuất của Đỗ Lai Thúy, ông khái quát quy luật: trong nghiên cứu đã loại hình hóa thì không tránh khỏi tình trạng loại bỏ cái cụ thể; lâu nay nhiều người quan niệm mục đích của loại hình hóa là để phân loại, mục đích của loại hình hóa không phải để phân loại, mà để nhận thức các hiện tượng lịch sử cụ thể cho chính xác, để xem xét cái nào ưu trội, cái nào không ưu trội; PGS. Đỗ Lai Thúy đã loại hình hóa tiến trình văn học theo lý thuyết hệ hình, cung cấp một tham khảo hữu ích cho giới chuyên môn.

Góp vào Hội thảo một tiếng nói trăn trở về sự phát triển bộ môn nghiên cứu văn học đương đại, GS.TS. Nguyễn Xuân Kính nói, một trong những nhược điểm của nghiên cứu văn học hiện nay là chúng ta ít đọc nhau, ít hiểu nhau, những thành tựu của nhau chúng ta còn ít khẳng định, những cái sai hoặc chưa hợp lý chúng ta cũng ít trao đổi, chia sẻ. Đó là một xu hướng làm cho nghiên cứu văn học của ta không phát triển được. Điểm thứ hai: chúng tôi tán thành giới thiệu lý thuyết, phương pháp nghiên cứu văn học nước ngoài vào Việt Nam, nhưng cần lưu ý phải nắm vững lý thuyết, phương pháp, đối tượng nghiên cứu, tránh xu hướng mặc dù chỉ học lỏm, học tắt nhưng cứ làm ra vẻ nắm được lý thuyết đó. Điểm thứ ba: liên quan đến sự phát triển văn học là chính sách, chế độ đối với nghiên cứu; hiện chế độ chính sách có nhiều bất cập, khó đảm bảo cho việc nghiên cứu, nên đã nảy sinh xu hướng cho rằng phải có tiền mới nghiên cứu được tốt, điều này buộc mọi người phải suy ngẫm nghiêm túc.

Phê bình sinh thái học là một hướng nghiên cứu mới, vốn có căn rễ sâu xa trong tư tưởng triết học, đặc biệt là tam giáo của phương Đông, đây là một kiểu tiếp cận văn chương theo chủ đề chứ không phải là một lý thuyết văn học.

Mở đầu Phiên 2 của Tiểu ban 1, TS. Trần Hải Yến trình bày báo cáo “Nghiên cứu phê bình sinh thái hiện đại và di sản văn hóa: nhìn từ cách Sinh thái học tìm về Tam giáo” (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo). Sau khi lý giải vì sao có nhu cầu tìm về tam giáo của sinh thái học, và sinh thái học đã tìm thấy gì ở Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, tham luận khẳng định có thể khảo sát văn học trung đại Việt Nam, một giai đoạn chịu ảnh hưởng rõ rệt của tam giáo, từ quan điểm của Phê bình sinh thái học. TS. Trần Ngọc Hiếu dẫn ra ý kiến của học giả Mỹ lưu ý rằng, không nên tự tin người phương Đông yêu chuộng thiên nhiên như diễn ngôn phê bình sinh thái mô tả, bởi thực tế sinh thái ở Đông Á nói riêng đối mặt với nguy cơ tàn phá rất cao. Phê bình sinh thái không chỉ giới hạn trong văn học, ngày nay nó đang đi vào mọi hành vi trong đời sống, chuyển hóa sang phê bình văn hóa. GS. Nguyễn Đình Chú chia sẻ thêm một quan điểm cho rằng cách nhìn về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên giữa phương Tây và phương Đông khác nhau. Ở phương Đông, con người với trời đất là một, việc khai thác thiên nhiên do đó bị hạn chế. Ở phương Tây, con người là trung tâm của vũ trụ, khi đó tất cả những gì thuộc về thiên nhiên đều trở thành phương tiện sống của con người cả.

PGS.TS. Phan Thu Hiền, TS. Nguyễn Thị Hiền đề cập đến những đổi mới trong quảng bá văn học ở Hàn Quốc, cung cấp nhiều kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam. Nhóm tác giả báo cáo cho biết, ở Hàn Quốc, Bảo tàng văn học đầu tiên là Bảo tàng văn học Trinh thám, thành lập năm 1992, nhằm mục đích phát triển mảng văn học này và đưa văn học trinh thám đến gần bạn đọc, trong hai thập niên qua, số lượng Bảo tàng văn học ở Hàn Quốc đã tăng nhanh chóng, “Mỗi thành phố ít nhất một bảo tàng văn học”. Tính đến trước 1995, cả nước chỉ có 7 Bảo tàng văn học, nhưng từ năm 2000 trở đi trung bình mỗi năm có khoảng 4 bảo tàng được thành lập. Tính đến 2013 có 61 Bảo tàng văn học là thành viên của Hiệp hội Bảo tàng văn học Hàn Quốc, mục tiêu mà Hàn Quốc đưa ra là đến 2019 sẽ nâng con số Bảo tàng văn học lên gấp đôi hiện nay. Nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc là Bảo tàng Xuân Hương gắn với Công viên chủ đề Xuân Hương (Chunhyang Theme Park) ở thành phố Namwon, tỉnh Jeollabuk-do, xoay quanh Xuân Hương truyện - tác phẩm “quốc bảo” của Hàn Quốc. Các bảo tàng văn học kết hợp cùng các công viên văn học như vậy đã trở thành nơi quy tụ, tổ chức những “lễ hội văn học”, “tiệc văn học”, từ đó hình thành những tour du lịch văn học. Du lịch Hàn Quốc có nhiều tour văn học, hết sức đa dạng theo đối tượng và nhu cầu: Tour văn học và trị liệu, tour văn học và âm nhạc, văn học và kịch, tour văn học cho gia đình đa văn hóa, tour sáng tác văn học cho nhà văn, nhà thơ, tour văn học cho người nước ngoài; tour thực tế văn học cho sinh viên, nghiên cứu sinh Các Bảo tàng văn học Hàn Quốc hướng tới xây dựng, phát triển hiểu biết cũng như trách nhiệm của con người với dân tộc, với quê hương, tình yêu giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, Bảo tàng văn học còn có vai trò xúc tiến văn hóa đọc trong nhà trường và xã hội. Hàn Quốc xem sức mạnh mềm của văn học như một đường băng cho tăng trưởng kinh tế và đi tới toàn cầu; họ sử dụng sức mạnh văn hóa đại chúng, truyền thông đại chúng, thậm chí còn hình thành một chiến lược tổng hợp sức mạnh của tất cả các ban ngành, các lĩnh vực, nhà nước và doanh nghiệp, nhân dân trong việc xúc tiến, quảng bá văn học; ở Hàn Quốc văn học đã xích lại gần, ở giữa hay đã chuyển hóa thành văn hóa đại chúng. Những đổi mới trong quan niệm, cách thức tổ chức, vận hành các Bảo tàng văn học ở Hàn Quốc rất đáng để chúng ta suy ngẫm và tham khảo. PGS.TS. Tôn Thảo Miên cũng cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận cởi mở hơn về văn học đại chúng, có thể học hỏi kinh nghiệm thiết thực của Hàn Quốc để phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy việc quảng bá văn học, đưa văn học tiếp cận gần hơn với cộng đồng. TS. Phạm Phương Chi đặt vấn đề, theo quan niệm truyền thống văn học là nghệ thuật ngôn từ, do đó việc đọc hiểu là vấn đề quan trọng, trong khi đó phát triển Bảo tàng lại làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về nghệ thuật vì nhấn vào các phương tiện nghe nhìn, vậy ở Hàn Quốc có quan điểm phê bình lại việc đại chúng hóa văn học theo kiểu Bảo tàng hóa này không? PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền cho biết, việc phát triển văn hóa đại chúng có thể đe dọa văn hóa đọc, nhưng kinh nghiệm Hàn Quốc đưa lại cho chúng ta là họ xử lý rất khéo léo mối quan hệ giữa hai phương diện này, văn hóa đại chúng được sử dụng để kéo cộng đồng trở về với văn hóa đọc, với thế giới sách; ở Hàn Quốc cũng có quan điểm phê phán Bảo tàng văn học, nhưng là phê phán một số địa phương lôi kéo khách du lịch, người Hàn Quốc không nhìn nhận Bảo tàng văn học như một nhân tố làm cho người ta xa rời văn hóa đọc, Bảo tàng văn học giữ một vai trò quan trọng trong việc đưa mọi người đến với nghệ thuật ngôn từ, khơi gợi ở cộng đồng tình yêu văn học, sự cảm thụ và khám phá chiều sâu của văn học.

Chủ đề bảo tồn bản sắc, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập cũng là một điểm nhấn của Hội thảo. Các báo cáo như “Then Tày, bảo tồn, truyền dẫn và phát triển” (Quan sát và nhận định bước đầu từ không gian then Chiêm Hóa - Tuyên Quang) của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh và Ths. Nguyễn Mạnh Tiến; “Văn xuôi các dân tộc thiểu số- hành trình cùng bè bạn” của nhà văn Cao Duy Sơn, “Văn học dân tộc thiểu số Trường Sơn Tây Nguyên 1975-2010” của nhà văn Linh Nga Nie Kdam… đã đem lại cho Hội thảo những tiếng nói, cách nhìn quan trọng. Điểm đặc sắc tại khu vực văn học này là các báo cáo chính thức được thực hiện chủ yếu bởi các nhà văn, nhà thơ người dân tộc thiểu số; ở đó nhu cầu điểm danh các thế hệ, khẳng định vẻ đẹp, thành tựu, sự đóng góp của văn học thiểu số đối với nền văn học Việt Nam nói chung… bộc lộ khá rõ nét.

Trong một cách nhìn rộng hơn về văn học thiểu số, thứ văn học lệch chuẩn, TS. Trần Ngọc Hiếu đặt ra vấn đề nhận diện và lý giải sự vận động của văn học đồng tính ở Việt Nam. Bài thuyết trình của ông đặt ra hai nhóm vấn đề. Thứ nhất: văn học đồng tính là gì, đó là tác phẩm được viết bởi người đồng tính, là tác phẩm lấy đời sống người đồng tính làm đề tài, là các tác phẩm khắc họa nhân vật đồng tính hay loại hình văn học được xác lập nhờ một loại hình lối viết đặc biệt hoặc được hình thành bởi những cách đọc tưởng tượng đặc biệt. Thứ hai: văn học đồng tính ở Việt Nam có hay không, nếu có thì diện mạo như thế nào. Về ứng xử đối với loại văn học này, TS. Trần Ngọc Hiếu đặt ra câu hỏi: đâu là đạo đức của phê bình về văn học đồng tính, phải chăng nỗ lực của phê bình đồng tính là tìm ra các mã giới tính mà các tác giả đang cố che đậy, ngụy trang, cách đọc của phê bình là bóc mẽ, phanh phui ra một thứ sự thật nhà văn đang che giấu đó, liệu cách đọc đó có phải rất thô sơ như phân tâm học thời kỳ đầu không; khi chúng ta biện hộ cho văn học đồng tính rằng những cái nó thể hiện có tính phổ quát thì có làm mất đi bản sắc của nó không? Tương lai nào cho văn học đồng tính? TS. Trần Ngọc Hiếu mong muốn, các chủ thể văn học đồng tính ở Việt Nam đương đại nên thấy rằng thiểu số, ngoại vi là một cơ may chứ không phải một bất hạnh trong dòng văn học của mình, nó có thể nói những vấn đề phi chính thống. Trao đổi lại, Ths. Cao Việt Dũng khẳng định sự thấu đáo trong những lời bàn về thân phận người đồng tính, tuy nhiên theo ông, vấn đề mức độ lệch chuẩn của văn học đồng tính chưa được tác giả báo cáo khái quát thành mô hình.

GS.TS. Lê Huy Bắc báo cáo mở đầu Phiên 3, sau khi giới thuyết về khái niệm liên văn bản, văn bản, cổ mẫu, nhìn cổ mẫu như một đại tự sự và siêu liên văn bản, nhà nghiên cứu đã khai thác liên văn bản qua một số trường hợp của văn học Việt Nam và thế giới trong sự đối sánh với một số sáng tác dân gian, theo ông mỗi thời đại sinh ra một kiểu mẫu của mình, cổ mẫu là nền tảng để sáng tạo văn học và hiểu nghĩa của văn bản, các nhà hậu hiện đại cho dù nỗ lực giải cổ mẫu nhưng họ chẳng thể nào tránh được các cổ mẫu. PGS.TS. Trần Thị An đồng tình với hầu hết quan điểm của GS. Lê Huy Bắc nhưng đồng thời cũng chỉ ra sự mâu thuẫn, nhầm lẫn trong lập luận của người nghiên cứu, chẳng hạn nhầm lẫn giữa cổ mẫu với khuôn mẫu, biện pháp tu từ, hoặc mâu thuẫn giữa việc xem mỗi thời đại sáng tạo ra một kiểu cổ mẫu của riêng mình với luận điểm nhìn nhận cổ mẫu là nội dung mặc định, đương nhiên, nhà văn không thể giải cổ mẫu. Cuối cùng PGS. Trần Thị An bày tỏ quan điểm cho rằng, không có cổ mẫu hiện đại như GS. Lê Huy Bắc nói, hiện đại chính là sự phát triển trên nền cổ mẫu; cổ mẫu nằm ở tầng sâu xa hơn hình tượng, biểu tượng, nó là nền tảng tinh thần của loài người. TS. Cao Kim Lan trong báo cáo tiếp theo, cũng đề cập đến biểu tượng nhưng soi chiếu từ hai phương pháp tiếp cận là ký hiệu học và tu học tiểu thuyết. Ở ta, khoa học về nghiên cứu biểu tượng vẫn còn thiếu một nền tảng lí thuyết vững chắc. Việc chọn biểu tượng như một đối tượng để khảo sát và nghiên cứu lí thuyết của TS. Cao Kim Lan là một nỗ lực tìm tòi và đóng góp đáng quý.

 

Đổi mới trong thực tiễn sáng tác và tiếp nhận văn học

Đổi mới văn học là một vấn đề thời sự, dễ gây tranh luận. “Trở lại vấn đề đổi mới văn học hôm nay”, GS. Nguyễn Đình Chú thấy rằng trong công cuộc hội nhập thế giới, khát vọng đổi mới văn học được bộc lộ cả trên hai phương diện, sáng tác và lý thuyết, đặc biệt là nhu cầu đổi mới lý thuyết sôi động hơn trước nhiều. Tuy nhiên, theo ông để bàn thấu đáo về thực trạng đổi mới văn học của ta hiện nay cần phải bắt đầu từ việc thống nhất cách hiểu thế nào là đổi mới văn học; và phải trả lời được các câu hỏi, chẳng hạn như: đổi mới như thế nào, có liên quan gì đến cái cũ nữa không, nếu còn liên quan thì liên quan như thế nào? Sự đổi mới diễn ra trên những phương diện nào; trong khi đổi mới, vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc thế nào? Nếu để mất bản sắc dân tộc thì liệu có thể an tâm, vui mừng trước những thành quả gọi là đổi mới? Muốn đổi mới được văn học, nhất định phải có tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, nhưng thế nào là tự do tư tưởng, tự do sáng tạo đúng đắn phân biệt với thứ tự do gây hại cho đất nước?….

Góp phần giải quyết một trong những băn khoăn của GS. Nguyễn Đình Chú, PGS.TS. Đặng Anh Đào cho rằng, đổi mới nên hiểu như một sự tương tác giữa hiện đại và truyền thống. Đổi mới không tự trên trời rơi xuống, không cắt đứt với cái đã qua, không tách rời với việc giữ gìn bản sắc, mà ngọn nguồn gốc rễ của bản sắc là truyền thống; cái truyền thống chính là một trong những nguồn chủ lưu dẫn tới cái hiện đại, cái mới. Theo PGS. Đặng Anh Đào, một trong những biểu hiện của đổi mới văn học hiện nay là sự biến hình của các thể loại. Tham gia Hội thảo, TS. Lê Hương Thủy đã làm rõ sự biến hình đó qua việc lý giải “hiện tượng truyện ngắn tiểu thuyết hóa”. Pha trộn, lắp ghép nhiều hình thức văn chương, làm mờ nhòe, phá vỡ ranh giới thể loại là một cách tìm tòi đổi mới và thử nghiệm khá phổ biến trong tiểu thuyết, thơ Việt Nam đương đại. Để làm rõ hơn vấn đề phát huy bản sắc, truyền thống, PGS.TS. Trần Hữu Tá nêu yêu cầu “cần tổng kiểm kê tài sản văn hóa của nhân dân”, tiếp nhận những di sản văn hóa - văn học có giá trị của dân tộc; đó chính là cái nền vững chắc để tự tin vững vàng hướng đến hội nhập, đổi mới. ThS. Trần Thiện Khanh khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa hiện nay, hiện đại hóa văn học cần gắn với nhu cầu kiến tạo bản sắc, kinh nghiệm ứng xử của các nhà văn ta trước sự phương Tây hóa, Pháp hóa hồi đầu thế kỉ XX là đề cao bản sắc, căn cước, phụng sự dân tộc.

 Ở hướng khác, PGS.TS. Nguyễn Văn Long lại khẳng định “dân chủ hóa” là xu hướng vận động, tiền đề phát triển, đồng thời là thành tựu của văn học Việt Nam từ 1986 trở đi. Xu hướng dân chủ hoá cùng với chủ trương mở cửa, hội nhập với thế giới đã tạo điều kiện cho sự giao lưu rộng rãi của văn học Việt Nam với đời sống văn học thế giới. Nhiều trào lưu, trường phái, cả trong sáng tác và lý luận, phê bình văn học của thế giới, cả phương Đông và phương Tây, từ hiện đại đến hậu hiện đại, đã được giới thiệu, dịch thuật, tiếp nhận vào đời sống văn học nước ta. Xuất phát từ tư tưởng xem mọi bước ngoặt của lịch sử văn học đều là bước ngoặt của ngôn ngữ nghệ thuật, PGS.TS. La Khắc Hòa đã chỉ ra một bước ngoặt quan trọng của loại hình ngôn ngữ không gian/hệ hình ngôn ngữ trong văn học Việt Nam sau 1975 qua trường hợp Nguyễn Huy Thiệp (chuyển từ không gian nhà binh sang không gian sinh hoạt, từ hệ hình huyền thoại sang hệ hình truyện kể…). Cũng xem xét ngôn ngữ không gian trong sáng tác văn học thời hội nhập, toàn cầu hóa, TS. Trần Lê Hoa Tranh nhận thấy, có hai trường hợp/ hiện tượng tiêu biểu: Trường hợp thứ nhất, là những nhà văn “đi” đến nhiều vùng đất khác nhau để sáng tác. Trường hợp thứ hai, là những nhà văn “trở về” quê nhà để sáng tác. Ở cả hai trường hợp, “không gian” đóng một vai trò quan trọng. Nếu không đặt sáng tác của họ trong bối cảnh “đi” và “về” thì những chủ đề như quê nhà - mất quê nhà, nhân dạng - hòa nhập, khác biệt văn hóa - hội nhập văn hóa… sẽ không lý giải được một cách đầy đủ, thấu đáo. Trong một cái nhìn khái quát hơn nữa, sau khi phác họa lại con đường phát triển và những thành tựu chủ yếu của văn học đổi mới trong cơ chế thị trường, TS. Lê Thị Bích Hồng đã chỉ ra những bất cập trong đời sống văn học hiện nay, và khẳng định lại một số mục tiêu, định hướng phát triển văn học Việt Nam trong thời gian tới.

Một trong những thành công quan trọng của Hội thảo lần này là không khí đối thoại cởi mở, thẳng thắn, khách quan. Trước nhiều vấn đề của đời sống văn học, các đại biểu tham dự có các cách tiếp cận và lý giải khác nhau, điều đó cho thấy tấm lòng nhiệt thành trong khát vọng đổi mới văn học và vì một mục tiêu chung là “phát triển nền văn học Việt Nam hiện đại, nhân văn, giàu bản sắc dân tộc”.

Phát biểu tại phiên bế mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định “những vấn đề quan trọng nhất, cấp bách nhất, cả những vấn đề nhạy cảm đã được nhiều tham luận đặt ra trên tinh thần trung thực, cởi mở và khoa học. Nếu thiếu tinh thần đó thì sự đổi mới trong đời sống văn chương và học thuật sẽ rất chậm, nhích lên từng bước khó khăn. So với những năm đầu thời kỳ đổi mới, có thể nói, hiện nay sự lo âu đối với đổi mới, sự sợ hãi đổi mới và cách ứng xử cứng rắn đối với đổi mới cũng đã được trút bỏ hoặc giảm đi rất nhiều”. Theo PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp các báo cáo, phát biểu gặp nhau ở hai điểm: thể hiện khát vọng đổi mới, và khẳng định những khát vọng ấy bằng những tiếng nói của cá nhân đa dạng, phong phú vì mục tiêu phát triển nền văn học Việt Nam hiện đại, nhân văn”. TS.Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ với những ý kiến tâm huyết được trình bày tại Hội thảo, đồng thời định hướng những vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn cho biết: sau một ngày làm việc Hội thảo đã thành công tốt đẹp; thành công của Hội thảo thể hiện cả về số lượng tham luận cũng như tính vấn đề đã đặt ra, tinh thần chung của Hội thảo là khẳng định văn học Việt Nam là nền văn học nhân văn, mang tư tưởng tiến bộ của thời đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm văn nghệ của Đảng làm nền tảng tư tưởng; để hội nhập quốc tế chúng ta cần phát huy bản sắc dân tộc, để hiện đại hóa, làm giàu có thêm cho nền văn học nước nhà cần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; tăng cường giao lưu và quảng bá văn học, đẩy mạnh công tác dịch thuật để nâng cao vị thế của văn học Việt Nam so với các nước trong khu vực và quốc tế

Nguồn: http://vanhocquenha.vn/vi-vn/113/49/phat-trien-van-hoc-viet-nam-trong-boi-canh-doi-moi-va-hoi-nhap-quoc-te/124029.html

(Xin xem chương trình hội thảo ở tập tin đính kèm).

Danh mục website