Môn Ngữ văn trong trường phổ thông: thêm một lần đổi mới

          Những thông tin gần đây trên báo chí cho thấy con số thống kê học sinh (HS) đăng ký dự thi môn Sử và môn Địa trong kỳ thi tú tài sắp tới thấp một cách đáng ngại. Thậm chí có trường trung học phổ thông không ghi nhận được một học sinh nào đăng ký dự thi môn Sử. Đây là hệ quả của việc cải cách thi tú tài năm nay mà có lẽ những người có trách nhiệm đã lường trước.

          Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) giảm số môn thi tú tài được đông đảo phụ huynh, giáo viên (GV) và HS hoan nghênh là điều dễ hiểu. Giữa lúc HS mệt mỏi và căng thẳng vì nội dung ôn tập, một quyết định “giảm tải” bao giờ cũng được lòng dân, vì gánh nặng trên vai người dạy và người học được trút bớt. Nhưng thay vì giảm tải những nội dung nặng nề, không thiết thực trong từng môn học, người ta đã ra quyết định dễ nhất cho các cơ quan quản lý là giảm luôn cả hai môn học. Ngay cả ý kiến đề nghị hợp lý của một giám đốc Sở GD-ĐT ở đồng bằng sông Cửu Long là nên yêu cầu HS chọn một môn khoa học tự nhiên và một môn khoa học xã hội, cũng không được tiếp thu. Còn nhớ trước năm 1975, ngay trong thời chiến đầy khó khăn, ở miền Nam, thí sinh thi tú tài phải làm bài cả 10 môn học, bao gồm cả Sử, Địa, Giáo dục công dân và hai môn sinh ngữ, mà chẳng thấy báo chí lúc đó kêu ca quá tải và yêu cầu giảm tải!

          Từ môn Sử nghĩ về môn Ngữ văn. Giả sử bây giờ Bộ GD-ĐT quyết định chuyển môn Văn thành môn thi tự chọn, liệu sẽ có bao nhiêu phần trăm thí sinh tự nguyện đăng ký môn này? Có cơ quan nào đứng ra làm một cuộc điều tra xã hội học trung thực để trả lời câu hỏi ấy? Là người cả đời làm nghề dạy văn, chúng tôi không một chút nào nghi ngờ vai trò và sứ mệnh của văn học. Tôi ghi nhớ câu nói của viện sĩ D. Likhatsev: “Ngữ văn không chỉ là cơ sở của khoa học mà còn là cơ sở của toàn bộ văn hóa nhân loại”. Nhưng đồng thời tôi cũng nhớ câu nói của nhà văn Nguyễn Tuân: “Muốn yêu đất nước tổ tiên mình cho thật đầy đủ thì phải đi bằng cả hai chân lịch sử và địa lý”. Tất nhiên, tôi hiểu đó là văn học, lịch sử, địa lý được giảng dạy một cách thực chất đúng với đặc trưng của từng môn, chứ không phải lối dạy áp đặt.

          Ngành giáo dục đang mở một cuộc thảo luận lớn chuẩn bị cho cuộc đổi mới căn bản và toàn diện trong nhà trường. Riêng đối với môn Ngữ văn ở trường phổ thông, trước đây từng được gọi là môn Văn/ Văn học/ Văn – tiếng Việt, tính từ ngày thống nhất đất nước, đây là lần cải cách/ đổi mới thứ tư. Để tiết kiệm thời gian và tiền bạc của xã hội, việc đổi mới dạy và học môn Ngữ văn lần này cần nhìn lại những bài học kinh nghiệm của những chặng đường giáo dục trước đây, và đặt nó trong bối cảnh chung của việc cải cách dạy và học ở tất cả các cấp từ lớp 1 đến lớp 12. Theo chúng tôi, việc cải cách đó cần tính đến những yếu tố có tác động hỗ tương sau đây: cấu trúc và nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK), chất lượng giáo viên, trình độ và tâm lý học sinh, tổ chức thi cử.

 

Từ việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn…

 

        Không thể phủ nhận rằng chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay có một bước tiến rõ rệt về tư duy giáo dục lẫn quan niệm văn học, so với thời mà kiến thức dạy văn còn sơ lược, dựa trên những văn bản thiên về tính minh họa. Có thể thấy trong chương trình hiện hành sự cập nhật cả về lý thuyết lẫn văn liệu, với những tác gia và tác phẩm mang phong cách độc đáo. Dù vậy, bước tiến đó vẫn chưa đáp ứng khao khát và niềm hứng thú của HS về một môn học có thể đồng hành với họ trên đường đời, thay vì chỉ là một món nợ mà họ phải trả cho nhà trường.

         Theo chúng tôi, việc đầu tiên cần làm là xây dựng một tập thể những nhà sư phạm am hiểu nhất về văn học để thống nhất cấu trúc và nội dung chương trình tổng thể cho cả ba cấp lớp. Cần chấm dứt cách làm chương trình “cắt khúc” như đã từng diễn ra: người làm chương trình cấp 3 không biết người làm chương trình cấp 2, cấp 1 như thế nào; và ngược lại. Cần xác định chương trình Ngữ văn giải quyết những mục tiêu cụ thể gì ở từng cấp học, thể hiện qua mối quan hệ giữa văn học với đạo đức học, mỹ học, ngôn ngữ học… Một bài văn dù dạy cho lớp nào cũng phải chú ý đến yếu tố tư tưởng, hình tượng, thẩm mỹ, ngôn ngữ. Nhưng theo thiển ý, phải chăng ở cấp 1 nên chú ý hơn đến yếu tố đạo đức, cấp 2 yếu tố tình cảm thẩm mỹ và cấp 3 yếu tố tư tưởng. Về ngôn ngữ, ngoài yêu cầu kiến thức, cần đặt ra những yêu cầu khiêm tốn mà thiết thực: HS hết cấp 2 sẽ viết đúng chính tả, hết cấp 3 sẽ viết đúng ngữ pháp. Được vậy là sẽ giảm gánh nặng cho trường           đại học và là một thành công lớn.

         Từ một cấu trúc chương trình thống nhất, hợp lý, sẽ đưa vào nội dung chương trình những bài học và văn bản phù hợp. Theo chúng tôi, nội dung văn học dạy ở phổ thông không nên quá ràng buộc vào cái khung tiến trình lịch sử văn học. Dạy văn ở trường phổ thông chủ yếu là dạy văn bản - văn bản hay và đẹp - và chủ yếu là dạy quốc văn. Cũng cần tham khảo chương trình ở miền Nam trước 1975: cấp 2 và cấp 3 đều kết hợp học kim văn (văn học hiện đại) và cổ văn (văn học cổ điển), đến lớp 12 thì chỉ học triết học[1]. Hiện nay, theo chúng tôi, ở cấp 1 nên dạy những bài văn hay chứa đựng những câu chuyện luân lý, những bài ca dao, truyện cổ tích, truyện đồng thoại…; cấp 2 nên chọn những bài văn hay và đẹp về tình bạn, tình yêu, quê hương, lẽ sống trong văn học thế kỷ 20; cấp 3 nên chọn tác phẩm của những tác gia cổ điển: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… và những văn bản có chiều sâu triết học của văn học thế giới.

         Có thể nói xây dựng được một chương trình có cấu trúc hợp lý, hiệu quả thì việc cải cách môn Ngữ văn đã thành công gần một nửa rồi. Lâu nay hình như chúng ta đầu tư cho biên soạn SGK rất nhiều nhân lực, còn đầu tư cho xây dựng chương trình thì chưa tương xứng. Tôi không rõ có bao nhiêu chuyên gia giáo dục, nhà giáo ở phổ thông, nhà văn tham gia ý kiến vào việc tổ chức chương trình và chọn lựa văn bản để giảng dạy. Những người biên soạn SGK phải chăng cũng đồng thời là những người làm chương trình hay chỉ một số ít trong đó mà thôi?

         Hiện nay có quan niệm làm chương trình theo phương pháp đồng tâm: một bài văn có thể dạy cho cả cấp 1 và cấp 2, cấp 1 thì dạy khái quát, cấp 2 thì mở rộng và đào sâu. Tôi nghĩ văn học mình đâu có nghèo đến mức thiếu tác phẩm như vậy. Bài văn nào phù hợp đã dạy cho cấp 1 thì không nên lặp lại cho cấp 2 vì dễ gây sự nhàm chán cho HS.

        Tất nhiên chọn một bài văn để đưa vào SGK không đơn giản. Phải có một bề dày cảm thụ và kinh nghiệm văn học, phải am hiểu tâm lý HS, phải có vốn liếng văn học sâu rộng và có bản lĩnh khoa học thì mới tìm được một văn bản hay nhất để dạy cho một độ tuổi nhất định. Nếu chọn đúng và hay thì 30 năm nữa cũng chưa cần thay đổi chương trình và sẽ không còn lời than phiền về hố sâu ngăn cách trong kỷ niệm văn học giữa các thế hệ.

        Khi chương trình tổng thể từ lớp 1 đến lớp 12 được biên soạn xong, cần có sự phản biện của các chuyên gia, các nhà giáo ở phổ thông để sửa chữa, bổ sung cho hoàn thiện trước khi lấy đó làm căn cứ để triển khai biên soạn SGK. Điều này cũng giống như trong xây dựng, phải có bản vẽ thiết kế trước rồi mới bắt tay vào thi công, chứ không thể tiến hành hai việc cùng một lúc.

        Bước vào thời kỳ Đổi mới, Bộ GD-ĐT đã chủ trương tổ chức biên soạn hai bộ SGK văn học trên cơ sở một chương trình thống nhất, với sự “thi đua” giữa hai nhóm soạn giả có uy tín ở hai đơn vị khác nhau. Đáng tiếc là việc dư luận phê phán gay gắt một vài bài giảng trở thành áp lực khiến Bộ hợp nhất hai bộ sách làm một; nhưng rồi chỉ ít năm sau lại thay bằng hai bộ SGK khác, một cho chuyên ban, một cho đại trà, của hai nhóm soạn giả mà mâu thuẫn ngấm ngầm từng dẫn đến sự tranh chấp giữa những người đồng nghiệp. Cuối cùng thì trong hai bộ sách đó, bộ soạn theo “Chương trình chuẩn” chiếm thị phần áp đảo vì được chọn làm SGK cho ban cơ bản, còn bộ “Nâng cao” dành cho chương trình chuyên ban thì có rất ít HS đăng ký theo học!

         Một luận điểm có tác dụng quyết định đến việc quay trở lại một bộ SGK mà không ai dám phản bác, đó là: “Đất nước đã thống nhất rồi sao SGK lại không thống nhất!”. Tuy nhiên, gần đây một số chuyên gia lại nói đến khả năng “một chương trình, nhiều SGK” để cạnh tranh về chất lượng như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện. Không biết đến lúc điều đó xảy ra thì những người năm cũ có nhắc lại chuyện “thống nhất” nữa hay không.

        Dù sao, trong khả năng và điều kiện hiện nay, ở nước ta khó có thể xuất hiện nhiều bộ SGK Ngữ văn cùng một lúc, nhất là trong trường hợp tác giả duy nhất. Theo thiển ý, cách làm hợp lý là khuyến khích một số nhóm soạn giả từ nhiều đơn vị liên kết với nhau, có đề cương biên soạn khả thi, được Nhà nước chọn lựa đầu tư bước đầu. Sau khi hoàn thành, các sản phẩm được  hội đồng thẩm định đánh giá khách quan và khuyến cáo chọn hai, ba bộ SGK có chất lượng nhất làm tài liệu học tập cho HS. SGK bây giờ không còn là “pháp lệnh” nữa mà là công cụ dạy học để các thầy cô giáo tham khảo khi soạn bài lên lớp.

 

… đến việc dạy và học Ngữ văn trong trường phổ thông

 

        Dù quan niệm giáo dục hiện đại lấy người học làm trung tâm, thì thực tế ở trường phổ thông cho thấy thầy cô giáo vẫn là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cải cách. Trong nhân tố này có vấn đề tầm nhìn, kiến thức, phương pháp và kỹ năng. Chúng tôi tán thành ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp dạy văn. Nhưng thiết nghĩ trong tình hình hiện nay, đổi mới phương pháp chưa phải là yếu tố tiên quyết. Bởi vì có phương pháp hay đến mấy mà dạy những bài văn mòn sáo, nhàm chán và không phù hợp với đối tượng tiếp nhận thì người thầy cũng không thể truyền được tình yêu văn học cho HS. Hơn nữa, việc thay đổi phương pháp đòi hỏi thay đổi quan niệm đào tạo và tái đào tạo của các trường sư phạm, điều không thể xảy ra một sớm một chiều. Mặt khác, những phương pháp mới gắn liền với những lý thuyết mới như phong cách học, thi pháp học, ngữ dụng học là để trang bị cho người giáo viên giảng hay hơn, sâu hơn văn bản, chứ không phải là để nạp thêm kiến thức cho HS. Chúng tôi tán thành quan niệm dạy văn ở phổ thông chủ yếu là nghệ thuật, dạy văn ở đại học chủ yếu là khoa học. Dạy văn ở phổ thông là để dạy người, dạy văn ở đại học mới là dạy nghề.

         HS hiện nay ít yêu thích môn Ngữ văn, thực trạng đó không chỉ do chương trình, SGK hay giáo viên mà còn do chính bản thân HS đã thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý và quan niệm sống so với các thế hệ trước. Nhà trường không thể nào “sửa chữa” đặc điểm đó của thế hệ trẻ mà chỉ có thể điều chỉnh phần nào bằng sự thuyết phục của văn học. Hiện nay, trên sách báo, internet, bên cạnh những tác phẩm tinh hoa, xuất hiện đầy rẫy văn học thứ cấp. Nhiều HS mê đắm tiểu thuyết ngôn tình, sa lầy vào đó, dần dần mất cân bằng trong cảm thụ văn học và có thể tự mình hủy hoại cảm xúc và thị hiếu của mình. Những người làm chương trình, viết SGK, các thầy cô giáo và nhà trường làm sao giành lại tâm hồn của những HS chỉ biết có tiểu thuyết ngôn tình? Cần đưa vào chương trình cấp 2 những bài văn đẹp về tình yêu không thiếu trong văn học Việt Nam hiện đại. Cần khơi gợi cho HS cấp 3 nghĩ đến những vấn đề về sự tồn vong của đất nước, về lý tưởng xã hội, về những bi kịch của số phận con người để họ đứng cao hơn văn chương thứ cấp.

         Trong quá trình dạy học, thi cử là khâu cuối cùng nhưng có thể là đòn bẩy của việc cải cách dạy và học môn Ngữ văn. Lâu nay vẫn có chủ trương “học gì thi nấy”, thành ra có những khổ thơ bốn câu đã được sử dụng không biết bao nhiêu lần để ra đề thi tú tài và tuyển sinh đại học. Đó là nguyên nhân dẫn đến không chỉ tình trạng “văn mẫu” mà cả “tư duy mẫu”, không khuyến khích ý kiến riêng và cảm xúc cá nhân. Nên thay đổi cách ra đề thi nặng nề với thang điểm chi li như hiện nay, chẳng hạn cấu trúc đề thi vẫn áp dụng nhiều năm gồm một câu tái hiện kiến thức (2 điểm), một câu nghị luận xã hội (3 điểm), một câu nghị luận văn học (5 điểm). Chúng tôi đề nghị một cấu trúc khác: đề thi tú tài và đề thi tuyển sinh đại học gồm 2 phần, có khác nhau về độ khó để phân hóa HS thi vào đại học: một đề thi trắc nghiệm gồm 30-50 câu về tiếng Việt làm trong 60 phút (5 điểm) để đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ của HS; một đề thi nghị luận văn học có liên quan đến những vấn đề văn hóa, xã hội và con người làm trong 120 phút (5 điểm)[2]. Với đề trắc nghiệm, đáp án phải chính xác và hoàn toàn khách quan được chấm bằng máy. Với đề nghị luận, đáp án cần mềm dẻo, không cứng nhắc và quá chi tiết để dành một khoảng không cảm thụ cho HS; ở đây đòi hỏi sự đánh giá vừa chuẩn xác vừa linh hoạt của thầy cô giáo. Không quá lời nếu nói rằng trình độ và tâm huyết của người thầy cũng thể hiện qua việc ra đề thi, chấm thi. Chỉ cần xem cách ra đề thi và chấm thi thế nào là có thể nhận xét rằng một người thầy có chọn đúng nghề dạy học hay không.

        Cấu trúc và nội dung chương trình, sách giáo khoa, chất lượng giáo viên, trình độ và tâm lý học sinh, tổ chức thi cử là năm yếu tố có quan hệ mật thiết và tác động hỗ tương; nhưng việc cải cách trước hết cần tập trung vào cấu trúc, nội dung chương trình và cách thi cử. Đổi mới cấu trúc, nội dung chương trình và cách thi cử sẽ giúp giáo viên hứng khởi hơn khi dạy học và HS yêu thích môn Ngữ văn hơn. Ngược lại, khi làm chương trình và SGK cũng phải tính đến thực trạng đội ngũ giáo viên và tâm sinh lý của HS thời nay.

         Gần đây, tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu một ý kiến đáng chú ý: “Đúng ra chúng ta phải xác định lại hệ thống giáo dục như thế nào, cơ cấu ra sao, rồi dẫn đến thống nhất chương trình chuẩn, chương trình khung, từ đó mới viết SGK. Song song với SGK là đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn với đó là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên, ứng dụng công nghệ rối đến kiểm tra, thi cử. Nhưng chúng ta không thể làm tuần tự được. Như trong dự thảo đề án đã đặt ra làm SGK. Tuy nhiên, dù sao cũng phải khẩn trương xác định hệ thống giáo dục của chúng ta, nếu không xác định hệ thống mà lao ngay vào viết sách, rồi làm chương trình thì sẽ có những trục trặc”[3]. Qua ý kiến đó có thể thấy những băn khoăn về lộ trình đổi mới giáo dục hiện nay. Đó là những vấn đề cấp bách mà cũng thật lâu dài, đáng để dành cả đời người suy nghĩ và góp phần xây dựng, thậm chí vài ba thế hệ nữa mới may ra đem lại kết quả. Nhưng đó là những vấn đề lớn, vượt quá khả năng và khuôn khổ của bài viết này.

 



[1] Xem Đỗ Ngọc Thống: Chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011.

[2] Để cung cấp tài liệu tham khảo, chúng tôi thử nêu một vài đề thi tú tài ở miền Nam trước 1975, vừa bám sát vào chương trình văn học, vừa gắn văn học với những vần đề văn hóa và con người, gợi ra những suy nghĩ riêng của HS: “Hãy nhận xét về “chí nam nhi” và quan niệm “hành lạc” của Nguyễn Công Trứ qua thơ văn ông”; “Văn chương bác học có thể chịu ảnh hưởng của văn chương bình dân không? Chứng minh”; “Một số thi sĩ hồi đầu thế kỷ XIX còn tưởng nhớ nhà Lê và thổ lộ tâm sự trong văn chương. Căn cứ vào các tác phẩm đã học mà chứng minh điều đó”; “Bởi lý do nào Chinh phụ ngâm không hấp dẫn được độc giả như Truyện Kiều?”.

[3] Dẫn theo Võ Văn Thành: “Đổi mới giáo dục phải khả thi và thiết thực”, Tuổi Trẻ ngày 26-2-2014, tr. 3.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website