19042024Fri
Last updateThu, 18 Apr 2024 12am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Bi kịch tinh thần trong tác phẩm Ngọc Lê hồn của Từ Chẩm Á

(Bùi Thị Thúy Minh(*,Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 11 (65), THÁNG 5 NĂM 2013)

TÓM TẮT

Ngọc Lê Hồn là tiểu thuyết đóng vai trò đặt nền móng quan trọng nhất trong thời kỳ thành hình phái Uyên ương hồ điệp. Đây là tác phẩm bi kịch kiệt xuất, bi kịch tinh thần thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau trong toàn tác phẩm: nội dung, kết cấu, tính cách nhân vật.v.v., thể hiện manh nha của bi kịch tinh thần hiện đại trong phạm vi truyền thống.

***     

Ngọc Lê Hồn là tác phẩm thành danh của tác giả Từ Chẩm Á, đồng thời cũng được xem như là tác phẩm đặt nền móng quan trọng trong thời kỳ hình thành phái Uyên ương hồ điệp. Không chỉ những tác giả trong phái Uyên ương hồ điệp xem đây là “Ngôn tình tỵ tổ” (Ông tổ của tiểu thuyết ngôn tình), mà những bình luận gia phái Tân văn học cũng xem đó là “Tiểu thuyết bậc thầy của phái Uyên ương hồ điệp”. Từ khi tác phẩm được xuất bản năm 1912 đến nay đã được tái bản 32 lần, số lượng bản in đến 10 vạn; không chỉ xuất bản trong nước, tác phẩm cũng đã được dịch và xuất bản, cải biên thành kịch, phim ở Hồng Kông, Singapore v.v... Tại Việt Nam, tác phẩm cũng đã được dịch bởi nhà văn Trúc Khê. Như vậy có thể nói, đây chính là bộ tiểu thuyết văn ngôn tình cảm có ảnh hưởng lớn trong những năm đầu thời dân quốc Trung Quốc.

            Uyên ương hồ điệp là văn phái được tranh nghị nhiều trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc, một phần do quá trình tồn tại của nó khá dài, khoảng 40 năm. Mặc dù những nhà bình luận văn học có sự bất nhất trong đánh giá đối với văn phái này, sự đông đảo của đội ngũ tác giả và sự nhiệt tình đón nhận của độc giả đã khẳng định vai trò cũng như ý nghĩa của văn phái Uyên ương hồ điệp. Nội dung sáng tác của văn phái Uyên ương hồ điệp phong phú, có thể cơ bản phân thành các loại như xã hội, võ hiệp, ngôn tình, lịch sử, cung đình, hài hước... Chỉ riêng loại tiểu thuyết ngôn tình có thể phân thành 9 loại tiểu thuyết: ngôn tình (cách nói chung), ai tình, diễm tình, thảm tình, kỳ tình, ái tình, nồng tình, di tình, nhược tình. Ngọc Lê hồn là tác phẩm thuộc tiểu thuyết ai tình có ảnh hưởng lớn lúc bấy giờ; tiểu thuyết ai tình, “ là cách nói dùng để chỉ những tiểu thuyết ngôn tình mà đôi bên nam nữ không thể có kết cục viên mãn là được ở bên nhau, những tình tiết trong truyện thường làm cho người ta phải rơi lệ ”[1]. Ngọc Lê hồn chính là một bi kịch khiến người xem không thể cầm được nước mắt.  Nguồn gốc bi kịch nói chung khởi phát từ chỗ nhân loại “không ngừng mơ ước cầu nguyện đối với sinh mệnh, gia đình và xã hội, trong quá trình mong muốn đó thì gặp phải sự xung đột, những mâu thuẫn tất nhiên giữa hiện thực xã hội khắc nghiệt với nguyện vọng, giấc mơ hy vọng tốt đẹp, cấu thành trạng thái của nhân loại là sinh tồn bao hàm cả nguy cơ ảnh hưởng đến sinh tồn của mình”[2]. Cách dùng hình thức văn học thể hiện sự xung đột và ý thức được nguy cơ của sự xung đột, mâu thuẫn đó đã  hình thành nên bi kịch ý thức, bi kịch tinh thần trong văn học.

            Bi kịch tinh thần đã tồn tại từ rất lâu đời trong tiến trình văn học Trung Quốc. Trong truyền thuyết viễn cổ có thể thấy những chuyện như Nữ Oa vá trời, Khoa phụ trục nhật, Tinh Vệ điền hải v.v...,đều xuất hiện bi kịch tráng mỹ. Nhưng loại tác phẩm chứa bi kịch tinh thần chưa chiếm vị trí chủ lưu. Văn học Trung Quốc thường quan tâm hơn đến kết cấu đại đoàn viên trong tác phẩm. Đối với vấn đề này, Hồ Thích từng nói: “Văn học Trung Quốc thiếu nhất là quan niệm bi kịch. Bất kể là tiểu thuyết hay hý kịch, đều có kết cục đoàn viên mỹ mãn...” [3].  

Sự sản sinh bi kịch tinh thần trong văn học cận đại gắn liền với tên tuổi của Vương Quốc Duy và quan niệm về bi kịch Tây phương. Ông chính là người giới thiệu bi kịch Tây phương vào Trung Quốc, để từ đó bi kịch ý thức bắt đầu có ảnh hưởng đối với sáng tác văn học đương thời mà ảnh hưởng rõ nhất  là đối với sáng tác của phái Uyên ương hồ điệp. Đứng ở góc độ nhân vật mà nói thì nhân vật bi kịch phương Tây thường là đế vương quan tướng, còn nhân vật bi kịch Trung Quốc đại bộ phận lại là lão bách tính bình dân. Bi kịch tinh thần thể hiện trong tiểu thuyết ngôn tình của phái Uyên ương hồ điệp là sự gắn kết tinh thần bi kịch của phương Tây, đồng thời kế thừa tinh thần bi kịch Trung Quốc bước vào con đường thể hiện bi kịch tinh thần mới và tác phẩm Ngọc Lê hồn chính là một ví dụ của sự kết hợp ấy.

            1. Bi kịch tinh thần thể hiện ở nội dung tác phẩm

            Tác phẩm Ngọc Lê hồn có 30 chương, từ chương một là Táng hoa (Chôn hoa) cho đến chương kết là Bằng điếu (Viếng) đều mang nặng không khí cảm thương ai oán. Để có thể truyền cảm tốt hơn cái bi kịch và không khí thương cảm trong tình yêu này, thể hiện rõ tình yêu nhã khiết và thống khổ của hai nhân vật chính, tác giả cố ý mượn cảnh đau khổ vì tình, người đọc không thể không khóc được vì thương cảm cho mối tình của Bảo Ngọc và Đại Ngọc trong tiểu thuyết nổi tiếng Hồng lâu mộng làm phạm trù thẩm mỹ và khuôn mẫu tình yêu quan chiếu, từ đó làm cho nổi bật khí chất, cái tài tình của hình tượng hai nhân vật Hà Mộng Hà và Bạch Lê Ảnh, gây thiện cảm cho người đọc, thể hiện rõ đặc trưng hận sâu tình dài ẩn chứa nội tại tác phẩm. Bản phận đồng bệnh tương lân của tài tử giai nhân, và bản sắc tình cảm con người tương ái khanh khanh ngã ngã làm thành bản tình ca tuyệt xướng hòa quyện giữa tiếng khóc với tiếng ngâm nga. Loại ai oán này không những không làm mất đi độc giả, ngược lại, đông đảo độc giả lại tiếp nhận hào hứng, trở thành một loại bút pháp thích hợp với thời kỳ ấy. Một học giả người Mỹ khi phân tích Ngọc Lê hồn nói rằng, tác phẩm tuy một lần nữa muốn cảnh cáo độc giả đừng chìm đắm, bi lụy trong tình ái, nhưng đây: “gần như không có sự ngăn cản đối với những độc giả thanh niên đi theo tiếng gọi tình yêu lãng mạn, mà ngược lại, càng làm lôi cuốn hơn sự quan tâm của độc giả đối với tình yêu.” [4]. Toàn văn mang nặng không khí thương cảm, thông qua số lượng lớn thi từ và câu văn biền ngẫu lời hay ý đẹp thể hiện sự si tình, một loại tình cảm đồng bệnh tương lân, lý tưởng sống tất cả cho tình yêu, mất đi tình yêu thì chẳng còn lý tưởng nào đáng để theo đuổi trong cuộc đời này nữa. Hành động chôn hoa thể hiện ý nghĩa tình cảm sâu đậm, không thay đổi, đương nhiên dẫn đến sự cộng minh, hưởng ứng của nhiều độc giả. Nhà tiểu thuyết Đinh Linh cũng đã từng nói: “ Tôi thích những tiểu thuyết có cốt truyện, có tình tiết, có bi hoan, ly hợp. Những tiểu thuyết cổ điển như Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, thậm chí xướng bản Tái sinh duyên, Tái tạo thiên.v.v. vẫn còn những câu biền văn đọc không hiểu rõ, tác phẩm Ngọc lê hồn của Uyên ương hồ điệp phái còn làm tôi mê hơn cả AQ chính truyện nữa”. [5]

            2. Bi kịch tinh thần thể hiện ở kết cấu tác phẩm

            Kết cấu là một trong những yếu tố cấu thành của tác phẩm văn học. Trong quá trình sáng tác cụ thể, tác giả sẽ chọn một đề tài nhất định trong cuộc sống sinh hoạt hiện thực, cùng lúc với việc ấp ủ, hình thành chủ đề tác phẩm, tất yếu phải nghiên cứu việc sắp xếp những chất liệu này như thế nào để thể hiện tốt nội dung, cấu thành tác phẩm văn học hoàn thiện. Hình thức tổ chức kết cấu rất đa dạng. Tác phẩm Ngọc Lê hồn  không sử dụng dạng thể hiện đề tài tình yêu truyền thống là: Tương ngộ (Gặp gỡ)- Trắc trở (hai người sẽ nỗ lực phản kháng)- Đoàn viên (người hữu tình sẽ kết duyên lành với nhau). Hai nhân vật chính trong Ngọc Lê hồn là những tài tử giai nhân đau khổ dưới sự chà đạp của lễ giáo phong kiến. Dưới ngọn bút của tác giả, tình yêu của họ không giống như chàng Trương Quân Thụy và nàng Thôi Oanh Oanh trong Tây sương ký, hay trong Sảnh nữ ly hồn với chuyện tình của Vương Văn Cử và Trương Sảnh Nữ, cuối cùng họ trở thành gia quyến của nhau. Câu chuyện miêu tả hai nhân vật Hà Mộng Hà và Bạch Lê Ảnh sau khi nơm nớp lo sợ rơi vào lưới tình, đều có một cảm giác tội lỗi đã phạm vào lễ giáo, và ngay cả khi có nhiều cơ hội để bước vào cánh cửa hạnh phúc thì chính họ lại dùng lễ giáo phong kiến để trói buộc suy nghĩ, hành động của mình, trong quá trình đấu tranh giằng xé nội tâm, theo đuổi chuẩn mực đạo đức phong kiến mong hoàn thiện chính mình, cuối cùng cả hai đều coi thường mạng sống, chết vì tình, vì chuẩn mực đạo đức. Câu chuyện tình của họ từ đầu đến cuối đều là bi kịch: Tương thức (thấp thỏm)- Yêu thương (lo lắng đủ bề)- Kết cuộc (chết vì tình). Kết cấu này không giống với dạng kết cấu truyền thống đại đoàn viên thường thấy trong văn học Trung Quốc trước đó.

            Kết cấu tác phẩm chủ yếu thể hiện ở việc sắp xếp, tổ chức tình tiết, sự việc. Tình tiết trong tác phẩm văn học là khái niệm chỉ một sự kiện quan trọng quyết định cho hướng phát triển của câu chuyện. Không có tình tiết, cốt truyện không thể vận động, nhân vật chết cứng, không thể hiện được tính cách, các xung đột không thể phát triển, nhà văn cũng không thể giải quyết được số phận nhân vật. Trong tác phẩm tự sự, tình tiết là một yếu tố cực kỳ quan trọng, thiếu nó, đường dây cốt truyện không thể hình thành và vận hành. Mỗi loại tính cách, nhân vật điển hình có thể nhận thấy được đều nhờ hệ thống sự việc cụ thể, mối quan hệ phức tạp giữa nhân vật và hoàn cảnh, giữa những nhân vật với nhau tạo thành. Tình tiết trong Ngọc Lê hồn được sử dụng, sắp xếp phù hợp với kết cấu bi kịch của toàn tác phẩm: nhân vật chính dễ rơi nước mắt (bất kể là táng hoa, điếu hoa, viết thư , làm thơ...đều rơi nước mắt), thường khóc lóc thảm thiết (khi gặp mâu thuẫn trong lòng hay bị đả kích từ người khác), thường phát bệnh (khi than khóc lại hay làm thơ). Họ cứ lặp đi lặp lại đau khổ tâm lý và sinh lý mãi, cuối cùng dẫn đến cảnh ngọc nát hoa tàn là khó tránh khỏi.

            3. Bi kịch tinh thần qua tính cách nhân vật

            Tình tiết là lịch sử trưởng thành của nhân vật, nhiều tình tiết trong Ngọc Lê hồn đặc sắc ở chỗ thể hiện được tính cách nhu nhược của nhân vật chính. Tính cách con người quyết định vận mệnh, tính cách nhân vật cho ta biết về nhân vật, không quan trọng ở chỗ nhân vật làm gì, mà nhân vật làm như thế nào. Do cả hai nhân vật Hà Mộng Hà và Bạch Lê Ảnh tính cách đều nhu nhược, dẫn đến tư tưởng và hành động của họ tự nhiên sẽ mâu thuẫn. Điều này không lạ gì đối với sự thật lịch sử của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ, khi mà người Trung Quốc vừa mới lật đổ được chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến, mà tư tưởng truyền thống thì đã ăn sâu thống trị trong suy nghĩ của mọi người. Việc thoát ra khỏi sự ràng buộc của lễ giáo để đi theo tiếng gọi tình yêu thì đương nhiên sẽ gặp nhiều chướng ngại. Nhiều người trong lúc phải lựa chọn tình hay đạo, sống vì tình yêu hay giữ gìn đạo đức theo giáo lý phong kiến đã không quyết định được, mâu thuẫn nội tâm không giải quyết được nhiều khi dẫn đến những cái chết. Đây cũng là những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình.

            Hai cái chết của Hà Mộng Hà và Bạch Lê Ảnh mang hai ý nghĩa khác nhau, một chết vì tình và một còn lại là chết vì đạo lý phong kiến. Tình yêu giữa hai người họ từ khi phát sinh đến khi bị hủy diệt đều bị chi phối bởi hai yếu tố tình cảm và nhân cách. Khi đối mặt với tình yêu, thực tế thì họ đã vượt ra khỏi khuôn phép của lễ giáo phong kiến, họ không thể kìm nén được tình cảm bộc phát trong lòng, họ lo lắng cho nhau, nhung nhớ yêu thương sinh ra tình cảm đồng bệnh tương lân, họ chân thành thề nguyện dù chết cũng không thay lòng đổi dạ.  Nhưng khi đối mặt với quan niệm trinh tiết, họ lại bị trói buộc thật chặt bởi lễ giáo phong kiến, họ luôn cảm thấy tự trách, bất an, lo lắng, chỉ còn cách dùng nước mắt rửa mặt, khóc đến sinh bệnh, cuối cùng là dùng cái chết để biểu thị sự chân thành trong tình yêu. Khi đối mặt với số phận, một mặt trách thân than phận, trách sao tạo hóa bất công đến thế nhưng một mặt lại phục tùng, cam tâm dùng sinh mệnh làm cái giá để đổi lấy sự thanh thản linh hồn.

            Tính cách Hà Mộng Hà và Bạch Lê Ảnh ngay từ khi tình cảm bắt đầu đã có những biểu hiện mầm mống bi kịch, đó là mâu thuẫn trong tư tưởng và hành động của họ. Khi bản thân được biết đối tượng đáp lại tình yêu của mình, hai bên đã ái mộ thương yêu nhau, họ lại không dám hẹn gặp nhau, mà gửi gắm trong thơ văn, ngụ ý để đối phương tự giải mã tình cảm. Trong tác phẩm, tác giả cũng nói rõ tình cảm của hai người đơn thuần là tình cảm tinh thần, hoàn toàn không có liên quan gì đến nhục dục. Điều này thể hiện rõ tác giả muốn diễn đạt sự khác biệt với dạng tiểu thuyết tài tử giai nhân trước đó; ở những tiểu thuyết dạng này, mục đích cuối cùng là sự sum họp. Còn trong Ngọc Lê hồn, Hà Mộng Hà yêu cái u diễm, lại thêm cảm vì cái si tình mà xao xuyến trong lòng; Bạch Lê Ảnh thì vì yêu người mến tài mà chết, tình cảm nồng nhiệt. Nhưng ngọn lửa tình yêu của họ dù bùng cháy thế cũng chưa thể hóa thành hành động ngoại tại, đứng trước quan niệm của lễ giáo phong kiến họ chỉ có thể gửi hy vọng vào kiếp lai sinh, “Tạo nhân kim sinh, thụ quả lai thế”, kiếp này gây ra nhân thế nào thì kiếp sau gặt quả thế ấy. Mong rằng kiếp này hy sinh để kiếp sau được hưởng hạnh phúc. Bạch Lê Ảnh để bảo toàn danh tiết của mình đã chọn giải pháp di hoa tiếp mộc, làm mai mối người khác cho Hà Mộng Hà, bản thân mình lại dĩ tử báo quân, dùng cái chết để thể hiện tình cảm của mình. Hà Mộng Hà thì lại quyết định chẳng thà làm linh hồn oán hận trong tình trường chứ nguyện trọn đời sẽ không cưới bất cứ một ai. Sau khi chàng đi học trở về lại dĩ thân báo quốc, một cái chết vì đạo nghĩa. Những hành động này rõ ràng đều do tính cách nhân vật tạo nên bi kịch, dẫn đến bi kịch “phát hồ tình nhi chỉ hồ lễ”, tình cảm nẩy sinh nhưng bị khống chế bởi lễ giáo  vậy.

            Tác phẩm Ngọc Lê hồn bất luận là xét về phương diện hình thức hay nghệ thuật đều đạt được những thành tựu lớn. Hơn thế, đây là một tác phẩm viết về bi kịch kiệt xuất, toàn bộ nội dung, kết cấu, tính cách nhân vật đều có tác dụng thể hiện bi kịch toàn ý thức tác phẩm. Tác phẩm vừa bảo lưu truyền thống, lại dung hợp cái hiện đại, thể hiện sự manh nha ý thức bi kịch hiện đại trong phạm vi truyền thống, rất đáng được gọi là tác phẩm điển phạm mang ý nghĩa phân kỳ trong lịch sử văn học Trung Quốc.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hứa Cẩn Phụ, Ngôn tình tiểu thuyết đàm, Tiểu thuyết nguyệt báo, số 16,17,18 tháng 2. 1923
  2. Tạ Bách Lương (1990), Bài tựa Thế giới bi kịch văn học sử, Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã.
  3.  Hồ Thích, Văn học tiến hóa quan niệm và Hý kịch cải lương, Tân thanh niên số 4 Quyển 5,10.1918
  4. Fengli. Linke, Uyên ương hồ điệp phái- 20 thế kỷ sơ kỳ đích Trung Quốc thành thị thông tục văn học, Califonia đại học, 1981
  5. Đinh Linh,  Lỗ Tấn tiên sinh dữ ngã, Tân văn học sử liệu, 3.1981

 

THE SPIRITUAL TRAGEDY IN JADE PEAR SPIRIT BY XU ZHENYA

Abstract

            The novel Jade Pear Spirit (Yu Li Hun - 玉梨) by Xu Zhenya (徐枕亞) is considered the first stone of  the foundation for the literary trend called Love Birds (Yuan Yang Hu Die - 鴛鴦蝴蝶, which literally means “Ducks and Butterflies” in Mandarin). Since its first publication in 1912, the novel has been re-published 32 times, been translated into many languages, and been adapted into the theatre of various Asian countries, including Vietnam. This novel is a masterpiece of tragedy. The spiritual tragedy can be viewed from different angels of the novel such as content, structure, and characters. They indicate some traits of modern spiritual tragedy that first appeared within traditional boundaries.



(*) ThS - Bộ môn Ngữ Văn, Khoa KHXH&NV, Trường Đại học Cần Thơ