Lỗ Cung Công chỉ chính Lương Huệ Vương

Lỗ Cung Công (魯共公, trị vì: 382-353 TrCN) là vua nước Lỗ (1043-256 TrCN) thời Chiến Quốc (khoảng thế kỷ V đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TrCN). Lương Huệ Vương (梁惠王, tức Ngụy Huệ Thành Vương 魏惠成王, trị vì: 370-319 TrCN) là vua nước Ngụy (403 – 225 TrCN) cùng thời, vốn là một nước chư hầu hùng mạnh đời Uy Liệt Vương (trị vì: 425-402 TrCN) nhà Chu (khoảng thế kỷ XI-256 TrCN). Hình ảnh hai vị vua này được khắc họa khá rõ nét qua một đoạn văn ngắn được ghi lại trong Chiến Quốc sách, bộ sách sử nổi tiếng của Trung Quốc được Lưu Hướng thu thập sử liệu trước đó biên soạn nên vào thời nhà Hán. Câu chuyện xuất hiện từ thời Chiến Quốc cách chúng ta gần hai ngàn năm trăm năm, nhưng xét thấy dấu ấn và bài học của nó vẫn có giá trị cao trong thời đại ngày nay, chúng tôi chép lại nguyên văn, phiên dịch và có đôi lời bàn, nhằm cung cấp cho sinh viên học ngành Hán Nôm, Trung Quốc học, Ngữ văn Trung Quốc và độc giả nói chung một đoạn cổ văn hay, vừa tìm hiểu cách tu thân trị quốc của người xưa, vừa biết cách đúc kết thành bài học riêng xây dựng và hoàn thiện nhân cách cho chính mình.

Đoạn văn vốn có tên Lỗ Cung Công trạch ngôn 魯共公擇言, theo sách Cổ văn quan chỉ 古文觀止 (Trương Vũ Lâu biên trước, Trí Dương xuất bản xã ấn hành, 2005). Từ “trạch ngôn” trong tiêu đề có thể hiểu là “lựa lời khuyên giải” hoặc “kể chuyện đời trước răn người đời nay”.

梁王魏嬰,觴諸侯於范臺.酒酣,請魯君擧觴.

魯君興,避席擇言曰:昔者帝女令儀狄作酒而美,進之禹,禹飲而甘之;遂疏儀狄,絕旨酒,曰:後世必有以酒亡其國者!齊桓公夜半不嗛,易牙乃煎敖燔炙,和調五味而進之;桓公食之而飽,至旦不覺;曰:後世必有以味亡其國者!晉文公得南之威,三日不聽朝,遂推南之威而遠之,曰:後世必有以色亡其國者!楚王登強臺而望崩山,左江而右湖,以臨彷徨,其樂忘死;遂盟強盟而弗登,曰:後世必有以高臺陂池亡其國者!今主君之尊,儀狄之酒也;主君之味,易牙之[]也;左白台而右閭須,南威之美也;前夾林而後蘭臺,強臺之樂也.有一於此,足以亡其國;今主君兼此四者,可無戒與!

梁王稱善相屬.

Phiên âm

Lương Vương Ngụy Anh, thương chư hầu ư Phạm Đài. Tửu hàm, thỉnh Lỗ Quân cử thương.

Lỗ Quân hưng, tị tịch trạch ngôn viết: “Tích giả Đế nữ lệnh Nghi Địch chế tửu nhi mỹ, tiến chi Vũ, Vũ ẩm nhi cam chi; toại sơ Nghi Địch, tuyệt chỉ tửu, viết: ‘Hậu thế tất hữu dĩ tửu vong kỳ quốc giả!’ Tề Hoàn Công dạ bán bất khiếm, Dịch Nha nãi tiên ngao phiền chích, hòa điều ngũ vị nhi tiến chi; Hoàn Công thực chi nhi bão, chí đán bất giác, viết: ‘Hậu thế tất hữu dĩ vị vong kỳ quốc giả!’ Tấn Văn Công đắc Nam Chi Uy, tam nhật bất thính triều, toại thôi Nam Chi Uy nhi viễn chi, viết: ‘Hậu thế tất hữu dĩ sắc vong kỳ quốc giả!’ Sở Vương đăng Cường Đài nhi vọng Băng Sơn, tả giang nhi hữu hồ, dĩ lâm bàng hoàng, kỳ lạc vong tử, toại minh cường minh nhi phất đăng, viết: ‘Hậu thế tất hữu dĩ cao đài bi trì vong kỳ quốc giả!’ Kim Chủ quân chi tôn, Nghi Địch chi tửu dã; Chủ quân chi vị, Dịch Nha chi điệu dã; tả Bạch Đài nhi hữu Lư Tu, Nam Uy chi mỹ dã; tiền Giáp Lâm nhi hậu Lan Đài, Cường Đài chi lạc dã. Hữu nhất ư thử, túc dĩ vong kỳ quốc. Kim Chủ quân kiêm thử tứ giả, vô khả giới dư?”

Lương Vương xưng thiện tương chúc.

Dịch nghĩa

            Lương Vương Ngụy Anh hội kiến chư hầu ở Phạm Đài. Đang lúc vui say, Lương Vương mời Lỗ Quân nâng chén.

            Lỗ Quân đứng dậy, bước ra khỏi chiếu (một nghi lễ thời xưa biểu thị sự khoan thai nhưng cung kính, thường khi có điều muốn trình bày) từ tốn nói rằng: “Ngày xưa, con gái vua Vũ sai Nghi Địch nấu rượu dâng lên vua, vua uống thấy quá ngon; liền tránh xa Nghi Địch, bỏ rượu ngon và nói: ‘Hậu thế ắt có kẻ mất nước vì rượu ngon!’ Tề Hoàn Công nửa đêm thấy đói, Dịch Nha trổ tài nấu nướng, nêm nếm ngũ vị dâng lên vua, vua ăn uống no nê, ngủ không biết sáng, sau đó nói rằng: ‘Hậu thế ắt có kẻ mất nước vì miếng ăn ngon!’ Tấn Văn Công có được người đẹp Nam Chi Uy, ba ngày không thiết triều, thế là rời xa Nam Chi Uy và nói: ‘Hậu thế ắt có kẻ mất nước vì sắc đẹp!’ Sở Vương lên Cường Đài ngắm nhìn Băng Sơn, bên trái là sông, bên phải là hồ, say mê cảnh đẹp, vui đắm mê hồn, bèn phát lời thề không bao giờ lên đó nữa và nói: ‘Hậu thế ắt có kẻ mất nước vì đài cao hồ rộng!’ Nay chén rượu trong tay Chủ quân chính là rượu ngon của Nghi Địch; thức ăn của Chủ quân chính là vị ngon của Dịch Nha; Bạch Đài bên trái, Lư Tu bên phải chính là sắc đẹp của Nam Chi Uy; Giáp Lâm phía trước, Lan Đài phía sau chính là niềm vui thú ở Cường Đài. Chỉ một trong bốn điều này đã đủ mất nước. Nay Chủ quân mắc đủ cả bốn, chẳng đáng để răn ngừa sao?”

            Lương Vương nghe xong không ngừng khen ngợi.

            Lời bàn

            Một trong những đặc sắc nghệ thuật của tản văn thời Tiên Tần là lời ít ý nhiều tạo cảm giác bất ngờ cho đối tượng tiếp nhận, hoặc ví von, uyển chuyển để dẫn dắt đối tượng tiếp nhận vào quỹ đạo của chủ thể phát ngôn, tất cả đều nhằm đưa đến hiệu quả thuyết phục cao nhất. Những mẫu chuyện rất ngắn gọn về con người, sự việc (người thật việc thật trong các sách lịch sử hay hư cấu trong một số tản văn triết lý) ngoài nội dung miêu tả lại lịch sử hay trình bày chủ thuyết của tác giả, phần lớn còn là những bài học quý giá đối với các thời đại sau đó và cả đời nay, nếu chúng ta biết “gạn đục khơi trong”, rút ra những bài học cụ thể cho chính mình. Những câu chuyện được ghi lại trong các tản văn lịch sử như Tả truyện, Yến Tử xuân thu, Quốc ngữ, Chiến Quốc sách… hay tản văn triết lý như Luận ngữ, Mạnh tử, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Hàn Phi tử… đều đem đến cho độc giả cảm giác thú vị khi thưởng thức và để lại dư vị lâu dài sau khi đã đóng sách lại. Chính vì thế, dù thuộc về hai thời đại hoàn toàn khác nhau, nội dung, nghệ thuật và giá trị tư tưởng của chúng vẫn luôn là đích đến của những người truy cầu văn chương hoàn mỹ.

Đoạn văn trên đây cũng nằm trong dòng mạch của tản văn Tiên Tần. Tuy chỉ là một đoạn văn ngắn nhưng nội dung rất hàm súc và vô cùng thâm thúy. Là đế vương công hầu ai lại chẳng có quyền hưởng thụ. Rượu ngon, gái đẹp, sơn hào hải vị, thành lớn đài cao luôn đầy sức cám dỗ đối với người đời. Chúng được xem là những thứ hưởng thụ không thể thiếu, thậm chí được xem là đồ trang sức của những kẻ giàu sang, vương tôn quý tộc. Nhưng những đối tượng hưởng thụ ở đây đều có nguy cơ gắn liền với họa táng thân vong quốc nếu con người chỉ lo hưởng thụ mà không biết điểm dừng. Lão Tử từng nói: “Ngũ sắc linh nhân mục manh, ngũ âm linh nhân nhĩ lung, ngũ vị linh nhân khẩu sảng, trì sính điền lạp linh nhân tâm phát cuồng, nan đắc chi hóa linh nhân hành phương.” (五色令人目盲,五音令人耳聾,五味令人口爽;馳騁畋獵令人心發狂,難得之貨令人行妨 = Năm sắc khiến mắt không nhìn rõ, năm âm khiến tai không nghe thấu, năm vị khiến miệng mất mùi ngon; giong ruổi săn bắn khiến tâm phát cuồng, của cải quý hiếm khiến người trộm cướp). Đối với người đời đã vậy, đối với các bậc đế vương còn nguy hại hơn, vì ngay cả thân tâm mình không giữ được thì làm sao giữ nước!

Trong ngũ dục (tài: của cải, sắc: sắc đẹp, danh: danh tiếng, thực: ăn uống, thùy: ngủ nghỉ) thì sắc dục có sức mê đắm con người cực kỳ mạnh mẽ. Lời nói của Lỗ Cung Công không đơn thuần là lời cảnh báo, mà sự thật lịch sử đã hiển bày rõ rệt qua các triều đại trước đó. Các nhà Hạ, Thương, Chu đều có vua mất nước vì gái đẹp: vua Kiệt vì các người đẹp Muội Hỷ, Uyển và Viêm; vua Trụ vì Đát Kỷ, Chu U Vương vì Bao Tự. Điểm lại các bậc đế vương trong lịch sử, mấy ai không tam cung lục viện, có khi hàng ngàn cung nữ; hay các công hầu khanh tướng, chí ít cũng năm thê bảy thiếp. Sự thật lịch sử các triều đại sau cũng chứng minh lời của Lỗ Cung Công là hoàn toàn đúng khi Chu Tuyên Đế chết yểu vì hoang dâm vô độ, dẫn đến sự sụp đổ của triều Bắc Chu; Tùy Dượng Đế cũng làm tiêu tan đế nghiệp nhà Tùy vì say mê nữ sắc… Và còn biết bao ông vua tuy chưa đến nỗi làm tiêu tan sự nghiệp của cha ông nhưng không giữ được mạng sống hoặc mất ngai vàng vì đam mê nữ sắc, như Hán Thành Đế vì sủng ái và dâm dục vô độ với hai chị em Triệu Phi Yến, Triệu Hợp Đức mà đột tử trên giường trong lúc ái ân; Đường Minh Hoàng vì sủng ái Dương Quý phi mà bị binh sĩ chống lại mệnh lệnh trong loạn An Lộc Sơn đến nỗi suýt bỏ mạng, đành phải xử tử người đẹp để chiều lòng binh sĩ...

Bên cạnh nữ sắc thì rượu thịt no say cũng là một thứ cám dỗ khó lòng cưỡng lại được đối với những kẻ ăn chơi trác táng. Có người đẹp thì phải vui chơi thỏa thích, ăn uống no say, du ngoạn sông hồ, xây đài cao hồ rộng, thành quách cung điện cho xứng với giai nhân. Bao nhiêu tài lực, xương máu của nhân dân đều đổ vào biển tham dục không đáy. Đó là chưa kể bắt ép con gái nhà lành, sưu cao thuế nặng, vơ vét của cải của nhân dân thỏa mãn dục vọng riêng mình, gây nhiều tội ác. Cứ nhìn vào cách hưởng thụ của giai cấp cầm quyền thì biết được đời sống của người dân bần cùng khốn khổ như thế nào. Một khi không còn chịu nổi ách thống trị tàn độc, người dân oán thán và nổi lên lật đổ chính quyền là chuyện đương nhiên. Các cung điện nguy nga, tráng lệ của các vương triều Trung Quốc như Cung Trường Lạc thời Hán, Tử Cấm Thành thời Minh - Thanh… đều tiêu tốn biết bao tiền của, lấy đi biết bao sinh mệnh dân lành, gieo biết bao tiếng đời oán thán, chỉ với mục đích là thỏa mãn sự hưởng thụ xa hoa và thể hiện uy quyền của tầng lớp thống trị. Ở Việt Nam thời nhà Nguyễn, nhân bị vua Tự Đức bắt xây lăng Vạn Niên cực kỳ xa hoa tráng lệ, làm nhân dân tốn hao tài lực và vô cùng khốn khổ, nên mọi người oán thán “Vạn Niên là Vạn Niên nào, Thành xây xương lính hào đào máu dân”, sau đó nổi dậy định lật đổ chính quyền Tự Đức (nhưng không thành), là một ví dụ điển hình.

Chính vì thế, những bậc vua trí không bao giờ để dục vọng che lấp tâm mình. Lỗ Cung Công dẫn ra hình ảnh những vị vua trí tiêu biểu chế ngự được dục vọng để cảnh tỉnh Lương Huệ Vương: Vua Vũ (2205-2198 TrCN hoặc 2200-2100 TrCN) là vị Hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Hạ, có đại tài trị thủy, đã sáng lập triều đại phát triển rực rỡ đầu tiên trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, từng được đức Khổng Tử khen là “không chê vào đâu được, vì Vũ sống đạm bạc mà cúng tế quỷ thần thì trọng hậu” (dẫn theo Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung quốc, 1997); Tề Hoàn Công (trị vì: 685-643 TrCN) là vị vua thứ 16 của nước Tề, cũng là vị vua chư hầu xưng Bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu; Tấn Văn Công (trị vì: 636-628 TrCN) là vị vua thứ 24 của nước Tấn, một trong Ngũ bá thời Xuân Thu với sự nghiệp rất nổi tiếng, được sử sách nhắc tới nhiều; Sở Vương, tức Sở Trang Vương (trị vì: 614-591 TrCN), là vị vua thứ 25 của nước Sở, cũng được liệt vào hàng Ngũ bá thời Xuân Thu. Những vị vua ấy làm nên nghiệp lớn, bên cạnh tài năng là lẽ đương nhiên, thì đức độ và tinh thần minh triết cũng là điều không thể thiếu.

Trở lại đoạn văn trên, Lỗ Cung Công không có lời nào trực tiếp nói về mình, cũng không có lời nào nặng nề chỉ ra thói hư tật xấu của Lương Huệ Vương, nhưng hành động, tính cách và tư tưởng mỗi người đều được thể hiện rõ ràng qua từng lời nói. Lỗ Cung Công rất tâm lý khi dẫn ra toàn những vị tiền bối đầy tài năng, đức độ, minh triết, và đặc biệt là nhờ biết chế ngự dục vọng mà làm nên nghiệp lớn, để thuyết phục Lương Huệ Vương. Nước Ngụy của Lương Huệ Vương trước đó đã từng trải qua thời kỳ vô cùng hùng mạnh với đời ông nội là Ngụy Văn Hầu và cha là Ngụy Vũ Hầu. Đương nhiên Lương Huệ Vương cũng muốn duy trì ánh hào quang ấy bằng nhiều cách khác nhau. Một trong những hành động cụ thể nhất là tự đổi tước hiệu của mình thành tước Vương, trong khi trước kia Chu Uy Liệt Vương chỉ phong cho ông nội tước Hầu, cha ông cũng vẫn lãnh tước Hầu. Lương Huệ Vương là vị vua đầu tiên của nước Ngụy xưng Vương. Ngoài ra, Huệ Vương còn tiến hành nhiều biện pháp chính trị, quân sự nhằm củng cố và bành trướng thế lực của mình. Năm 361 TrCN, vì muốn hùng bá Trung Nguyên, Ngụy Vương dời đô từ An Ấp sang Đại Lương, từ đó nước Ngụy còn gọi là nước Lương. Năm 354 TrCN, Ngụy cất quân đánh Triệu, nhưng Sở Tuyên Vương đưa binh cứu Triệu, đánh lui quân Ngụy. Năm 341 TrCN, Ngụy Vương sai Bàng Quyên đem quân đánh Tề, nhưng bị kế rút bếp của Tôn Tẫn đánh bại… Tuy các cuộc tiến quân thất bại nhưng cũng cho thấy ý đồ Bá vương của Lương Huệ Vương là rất lớn. Chính vì thế, cái lý do để “làm nên nghiệp lớn” trong câu chuyện Lỗ Cung Công kể đã đánh trúng vào tâm ý của Lương Huệ Vương; và từ đó Lương Huệ Vương nhận ra rằng, muốn “làm nên nghiệp lớn”, trước tiên phải biết “tu thân”, tức phải biết sửa mình theo đúng lễ. Về phía Lỗ Cung Công, khi một người biết khuyên người khác tu thân, chứng tỏ ông cũng đã quán triệt tinh thần tu thân hơn ai hết. Trên tinh thần cảnh tỉnh cao độ, kết hợp với hoàn cảnh thích hợp là được Lương Huệ Vương mời rượu, Lỗ Cung Công vừa khoan thai, không e dè, không sợ làm phật ý Lương Huệ Vương, vừa cung kính dùng những câu chuyện liên quan đến các bậc trí gương mẫu đời xưa làm tấm gương phản chiếu, điều đó có sức thuyết phục mạnh mẽ giúp Lương Huệ Vương nhận ra khuyết điểm của mình và thẳng thắn công nhận lời nói của Lỗ Cung Công là đúng.

Đức độ và lòng chân thành của Lỗ Cung Công đã phần nào làm thay đổi quan niệm, hành vi, lối sống của Lương Huệ Vương. Mặt khác, nhờ những lời khuyên giải của Lỗ Cung Công, chính Lương Huệ Vương cũng đã tự nhận thức được việc làm thái quá của mình, từ đó mới có cơ hội sửa chữa. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân giúp Lương Huệ Vương ở ngôi với thời gian rất lâu: 50 năm. Có thể thấy, mỗi con người đều có sẵn thiện tâm, chỉ chờ khi gặp mảnh đất lành thì đâm chồi nảy lộc.

Qua đoạn văn trên, ta có thể nhận ra sự khác biệt giữa bậc trí với kẻ phàm phu ở chỗ:

- Bậc trí biết phòng bệnh hơn chữa bệnh. Biết rượu ngon có thể gây cơn say cuồng, vua Vũ quyết tâm từ bỏ. Biết thức ngon có thể nuôi lớn dục vọng thấp hèn, Tề Hoàn Công là người tỉnh trí. Biết sắc đẹp có thể làm tâm trí đê mê, Tấn Văn Công nhất quyết lìa xa. Biết đài cao hồ rộng có thể làm mình say đắm, Sở Vương một mực chẳng màng. Đó là biết nhìn xa trông rộng, không để cám dỗ nhất thời làm tiêu tan đại nghiệp. Đúng như trong “Tư Mã Tương Như liệt truyện” (trong Sử ký của Tư Mã Thiên) có câu “Minh giả viễn kiến ư vị manh, trí giả tị nguy ư vô hình.” (明者遠見於未萌,智者避危於無形 = Người sáng suốt nhìn xa khi việc chưa phát sinh, người khôn ngoan tránh họa khi nó còn tiềm ẩn). Tức là bậc minh trí phải biết phòng tránh tai họa và việc xấu từ khi nó chưa phát sinh, không phải như kẻ phàm phu nhắm mắt đưa chân, ngông cuồng, phóng túng, đến khi tai họa xảy ra còn không biết, khác nào tự rước họa vào thân, nói gì đến tìm phương chống đỡ.

- Bậc trí biết suy xét thiệt hơn trước những điều vui tai thích ý. Khác vơi kẻ phàm phu khi ai đem đến lợi ích hoặc sự thỏa mãn cho mình thì vui mừng hỉ hả, bậc trí thì không như thế. Nghi Địch chế được rượu ngon dâng lên cho vua Vũ uống, đáng lẽ vua Vũ phải ngợi khen một bề tôi có tài, nhưng vua lại lánh xa Nghi Địch. Dịch Nha nửa đêm nấu thức ăn ngon cho Tề Hoan Công ăn, đáng lẽ Tề Hoàn Công phải ngợi khen tấm lòng trung nghĩa, nhưng vua lại tỉnh táo nhận ra đó là mòi mất nước. Nam Chi Uy dùng nhan sắc và lời ngon tiếng ngọt hầu hạ suốt ngày đêm, đáng lẽ Tấn Văn Công phải vô cùng sủng ái, nhưng vua lại không thèm gần gũi nữa. Nhờ cẩn thận suy xét rõ ràng những điều lợi hại, các vị vua ấy đã thoát khỏi những thứ thế tục tầm thường làm con người mê đắm, điều mà kẻ phàm phu không bao giờ tránh được. Đồng thời nhận biết đâu là cái tài thực sự của bề tôi, đâu là lợi ích thật sự của đất nước, và đâu là cái hại to lớn từ những nguyên nhân tưởng chừng nhỏ nhặt, cũng không vì hưởng thụ cá nhân mà quên đi giang sơn xã tắc. Người Trung Quốc xưa có câu “Yến an đam độc” (晏安酖毒 = Nhàn dật ăn chơi hại như uống rượu độc). Người Việt cũng có câu “Mật ngọt chết ruồi”. Biết là vậy, chỉ tiếc là kẻ tham ăn không cưỡng lại được trước miếng mồi béo bở nên uống nhầm rượu độc, hoặc tự biến mình thành những chú ruồi đáng thương.

- Bậc trí biết vượt qua và chiến thắng chính mình. Người xưa hay nói, chiến thắng ngàn vạn quân thù ở sa trường không khó mà chiến thắng lòng mình mới khó. Đó là lời dạy của đức Phật “Sất phu thướng chiến trường, Thiên chiến thắng thiên địch, Mạc như năng thắng kỷ, Bỉ tối thắng chiến sĩ.” (匹夫上戰場,千戰勝千敵,莫如能勝己,彼最勝戰士 = Người chiến sĩ chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất) trong kinh Pháp cú. Là vì có vũ khí, có chiến thuật, chuẩn bị đầy đủ thì dễ dàng chiến thắng kẻ xâm lược từ bên ngoài. Còn tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý (nhà Phật gọi là Lục căn) thì chính là kẻ thù nội ứng tàn hại chúng ta từ bên trong, một khi chúng tấn công thì khó lòng chống lại. Tai thích nghe lời tâng bốc. Mắt thích nhìn sắc đẹp. Mũi thích ngửi mùi thơm. Miệng thích ăn thức ngon. Thân thích sự xúc chạm nhẹ nhàng, êm ái. Ý hay suy tưởng, chấp trước, phân biệt. Đối tượng của tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý là những tên giặc luôn tìm chỗ sơ hở, chủ quan của chúng ta mà tấn công, có khi không bất ngờ, nhưng vì chúng ta mải mê buông lung theo chúng, không chủ động đề phòng thành ra thất bại. Các vị vua ở đây đều nhận ra những thứ khiến mình say mê là kẻ thù sắp tấn công bằng con đường Lục căn nên đã tự đề phòng. Sở dĩ bậc trí chiến thắng được chính mình, không có gì khác, chính là biết ngăn ngừa những hiểm họa phát sinh từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà thôi.

- Bậc trí biết thực hành tiết kiệm. Nếu kẻ hạ ngu tiêu xài hoang phí, người bình thường biết tiết kiệm nhưng chỉ là tiết kiệm cho bản thân, cho gia đình thì bậc trí không chỉ nghĩ đến riêng mình, riêng gia đình mình mà biết quý tiếc tài sản, công sức của nhân dân, biết trân trọng mồ hôi nước mắt người dân đổ ra để tạo nên của cải. Những bữa tiệc thừa mứa sơn hào hải vị đánh đổi bằng máu của nhân dân Tất cả mọi sự hưởng thụ trên thế gan đều là tội ác. Một trong những vị Hoàng đế có đức tính tiết kiệm nổi tiếng Trung Quốc là Hán Văn Đế (202-157 TrCN), vị vua thứ 5 của triều Tây Hán. Ông đề xướng chính sách tiết kiệm, chẳng những bắt buộc đối với quần thần mà bản thân ông cũng thi hành nghiêm túc. Ngay cả trong đời sống hàng ngày, ông cũng chỉ mặc y phục bình dân. Các cung nhân cũng bắt chước ông, không mặc áo dài quét đất, rèm trong cung cũng không thêu chùa. Nhờ đó, thời kỳ trị vì của Hán Văn Đế (và con trai kế vị sau đó là Hán Cảnh Đế, cũng tiếp tục thi hành chính sách của cha) đạt được nền thái bình thịnh trị. Trong lời nói của mình, Lỗ Cung Công không trực tiếp nói đến ý thức tiết kiệm. Nhưng qua lời kể về thái độ, hành động của các bậc tiền bối, chúng ta có thể thấy Lỗ Cung Công đặt tinh thần tiết kiệm ở vị trí hàng đầu. Từ đó cho thấy Lỗ Cung Công cũng xứng đáng là bậc trí.

- Bậc trí cũng là những người cao thượng. Đức tính này không phải thể hiện xa xôi ở vua Vũ, Tề Hoàn Công hay Tấn Văn Công, mà chính bản thân Lỗ Cung Công cho ta thấy rõ điều đó. Lỗ Cung Công hiểu rõ cách tu thân của các bậc tiền bối đạt đến thành công như thế nào trong việc trị nước. Nhưng ông không ích kỷ cho riêng mình mà ân cần, chân thành khuyên giải Lương Huệ Vương đúng theo những gì mình hiểu, với mong muốn Lương Huệ Vương làm theo để đạt được thành công như thế. Trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc thời Chiến Quốc, các nước lăm le thôn tính lẫn nhau, trong phút chốc tình giao hảo có thể biến thành kẻ cừu thù vì lợi ích riêng tư, mà vẫn có ông vua nước này khuyên giải ông vua nước khác với thái độ chân thành như vậy, nhất là khi Lương Huệ Vương đang ôm giấc mộng làm Bá chủ chư hầu, như vậy Lỗ Cung Công không phải là con người cao thượng hay sao! Như Khổng Tử từng nói “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (己欲立而立人,己欲達而達人 = Mình muốn tự lập thì cũng lập cho người, mình muốn thông đạt thì cũng giúp người thông đạt). Thật đúng với Lỗ Cung Công vậy!

Nguồn: Nội san XHNV số 49 (tháng 6) và số 50 (tháng 9).

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website