Triết lý hiếu – tình trong ca dao dân ca người Việt

Nguyễn Thị Kim Phượng (*)

 Trước khi hiếu trở thành “đạo làm người” của người Việt, trong tâm thức dân gian Việt đã sẵn có quan niệm sống hiếu thảo với cha mẹ, sâu đậm về tình, gắn bó mật thiết về quan hệ. Người con luôn trân trọng những phút giây được sống với cha mẹ và họ bảo rằng: Có cha có mẹ thì hơn/ Không cha không mẹ như đờn đứt dây[1]. Khi Phật giáo vào Việt Nam, tình yêu thương cha mẹ của người con dung hợp với triết lý hiếu kính của nhà Phật, làm cho lòng hiếu thảo của người con có thêm màu sắc tâm linh: Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu. Hiếu của người con trở nên thiêng liêng khi họ siêu hình hóa sự tồn tại của nó bằng hành động cầu xin Trời Phật kéo dài tuổi thọ cho cha mẹ để họ có thêm thời gian được thương yêu và yêu thương cha mẹ: Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

 

                Nho giáo đến với người Việt đã cung cấp thêm một hệ thống lý thuyết”, gia tăng lý trí cho lòng hiếu thảo của người con:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Câu ca dao đã giải thích rõ lý do của sự hiếu kính và chỉ ra cách hành xử theo đạo hiếu cho người con. Nội dung tập trung vào lý trí, nhắc nhở người con về bổn phận đối với cha mẹ và đó chính là “đạo làm người”. Hiếu trở thành quy tắc ứng xử của người con: Làm người trước liệu hiếu thân/ Cảm ơn cha mẹ ân cần nuôi con, đồng thời cũng là chuẩn tắc đạo đức quan trọng nhất mà xã hội dành riêng cho người con trai:

Làm trai nết đủ trăm đường

Trước tiên là hiếu đạo thường xưa nay

Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ...

Kết quả này có được là do bản thân chữ hiếu của người dân Việt trải qua quá trình tiếp biến, dung hợp các yếu tố ngoại nhập, đặc biệt là tính chất nguyên lý và chuẩn tắc của đạo hiếu Nho giáo. Kết hợp với chủ trương tích cực giáo dục ý thức đền công sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ cho con cái của cả xã hội (có đến 42 bài tập trung vào nội dung này trong 12. 487 bài ca dao của tổng tập Kho tàng ca dao người Việt (Nguyễn Xuân Kính chủ biên, 2001) đã xác lập lòng hiếu thảo của người con trở thành nguyên tắc sống, đạo làm người cao đẹp nhất trong chuẩn tắc đạo đức của người Việt. Vì lý do này, khi đối sánh với chủ đề tình yêu lứa đôi, đạo hiếu tỏ rõ uy thế, nhiều lần đẩy người con rơi vào bi kịch, buộc họ phải hy sinh tình riêng để bảo toàn đạo hiếu. Đây cũng là một trong những lý do ra đời của những bài ca dao trữ tình, dạt dào cảm xúc nhưng vẫn không thoát khỏi sự ràng buộc của đạo lý.

Khảo sát 12. 487 bài ca dao của tổng tập Kho tàng ca dao người Việt, chúng tôi thấy có 336 bài ca dao có sự đối trọng giữa hiếu – tình, cùng với 19 trường hợp mục đích tiến đến hôn nhân của người con là vì muốn trọn đạo hiếu với cha mẹ. Trong 336 trường hợp hiếu – tình đối trọng thì có đến 330 bài Hiếu hoàn toàn chi phối Tình. Tình cảm riêng tư của người con phụ thuộc vào quyết định của cha mẹ: cha mẹ thuận với tình riêng, điều mà đôi bên trai gái mơ ước thì đây là kết quả lý tưởng, thỏa Tình, đạt Hiếu, ngược lại, cha mẹ không thuận tình, hay bức ép (ép gả), quyết định của cha mẹ trái với mong ước của người con..., người con vẫn tuân theo tuy mang tâm trạng tiếc nuối, vương vấn tình riêng. Vấn đề là dù bị cấm đoán, bức ép..., người con vẫn cam chịu, không dám trái ý cha mẹ như lời một cô gái:

Chàng thương thiếp thì thiếp thương trả

Biết thầy mẹ ở nhà gả bán nơi nao

Cực lòng cho thiếp biết bao!

Kiếm nơi mô cây cao bóng mát, huệ đào ngồi phân.

Mơ ước lớn nhất của người con trong ý thức báo hiếu là làm cho cha mẹ hài lòng bằng cách thỏa ước nguyện của cha mẹ. Cha mẹ luôn mong mỏi: Nuôi con những tưởng về sau/ Trao duyên phải lứa, gieo cầu phải nơi. Vì vậy, đối với người con, việc lập thành gia thất trước hết là vì thỏa ước nguyện của cha mẹ. Người con hiểu rất rõ những việc cần phải làm để trọn đạo làm con: Thờ cha, kính mẹ đã đành/ Theo đôi, theo lứa mới thành thất gia. Việc lập thành gia thất là điều kiện đủ để đạt đạo hiếu. Lý do tại sao chúng ta sẽ hiểu rõ hơn khi anh con trai đặt thẳng vấn đề với đối tượng của mình: Anh lấy em về thờ kính mẹ cha/ Đến khi có khách đỡ anh trăm bề. Như vậy, để trọn đạo hiếu thảo với cha mẹ, bên cạnh việc chăm sóc, phụng dưỡng hàng ngày, người con trai còn phải nghĩ đến việc lập gia đình. Đây chính là bổn phận duy trì nòi giống, tiếp nối việc thừa tự, chu toàn đạo hiếu. Ở đây có sự gặp gỡ, hòa hợp giữa hai bổn phận: về phía cha mẹ là sinh, giáo, dưỡng dục, thành gia lập thất cho con và bổn phận làm tròn đạo hiếu của người con. Theo quan niệm của Nho giáo, cả hai nếu ý thức đầy đủ về vị trí, trách nhiệm của mình sẽ mang đến sự hòa mục trong gia đình, từ đó tạo nên sự ổn định, bền vững cho xã hội. Như vậy, việc trai lớn lấy vợ, gái lớn theo chồng không chỉ là vấn đề tình cảm riêng tư mà còn là việc thực thi trách nhiệm của cá nhân với gia đình và xã hội. Chính vì tính hệ trọng này mà luật pháp và tục lệ phải can thiệp sâu.

Tìm hiểu cổ luật Việt Nam, chúng tôi thấy có một số điều dành đặc quyền cho cha mẹ, bậc tôn trưởng trong việc cưới gả con cháu. Điều 314 Luật Hồng Đức quy định: “Kẻ cưới vợ nhưng không đủ sính lễ để đưa đến nhà cha mẹ đàng gái (nếu cha mẹ chết cả thì đến nhà người trưởng tộc hay trưởng làng) để xin cưới, còn thành thân cẩu thả thì bị biếm một tư, phải nộp tiền tạ (xin lỗi) xử theo luật sang hèn (nếu cha mẹ chết cả thì nộp cho trưởng tộc hay trưởng làng), người con gái bị đánh 50 roi” (2). Nội dung điều luật đã gián tiếp khẳng định hai hành vi hợp pháp: cưới hỏi phải có đủ lễ nghi; hôn sự phải trình qua bậc trên và được sự chấp thuận của họ. Nếu vi phạm, hai bên trai gái đều bị phạt tội. Còn Luật Gia Long, chương “Hôn nhân” khẳng định quyền chủ hôn là do cha mẹ, ông bà hay những người khác trong dòng họ thuộc bậc trên quyết định, con cái tuyệt đối không được tự mình làm chủ. Luật quy định: “Cưới gả đều do ông bà, cha mẹ làm chủ hôn. Nếu không có ông bà, cha mẹ thì do những người thân thuộc khác làm chủ hôn” (3). Những lễ nghi xuất phát từ sự tuân thủ pháp luật lâu dần trở thành phong tục. Insun Yu khi nghiên cứu về pháp luật triều Lê đã nhận xét: “Quan niệm Nho giáo về mối quan hệ vợ chồng đã được đề cao đến tột bậc về phương diện pháp lý đối với người Việt Nam” (4).

Từ trước đến giờ, về mặt đạo lý, phận làm con không cho phép họ làm trái ý cha mẹ như họ từng nói: “Mẹ cha là biển là Trời/ Nói sao hay vậy, đâu dám cãi lời mẹ cha”. Vượt quyền cha mẹ thì càng không thể, nếu trong hôn sự thì sự việc càng nghiêm trọng vì nó có thể làm tổn hại đến danh tiếng gia đình. Đây là điều làm người con sợ nhất, đặc biệt là đối với các cô gái. Các cô đã giải thích hành động phụ tình của mình với lý do duy nhất là không dám cãi lời mẹ cha, mang tiếng xấu về cho gia đình:

Xuống sông ôm đá trầm mình

Sao em lại ở bạc tình bỏ anh?

-          Em nào dám cãi mẹ cha 

Theo anh sợ nỗi người ta chê cười.

Về mặt tình cảm, khi đến tuổi yêu đương, sự rạo rực của con tim có thể đẩy người con đến những ham muốn vượt qua những ràng buộc về mặt lý trí của đạo lý, nhưng vì thực tế đạo Hiếu ấy đã trở thành chuẩn mực hằng thường mang tính truyền thống và ý thức về trách nhiệm với những người xung quanh đã kềm giữ người con trong trạng thái dao động giữa lý trí và tình cảm, tạo sự giằng co giữa Hiếu và Tình. Chữ Hiếu chiếm lấy tâm trí người con và chữ Tình cũng là mối vấn vương khó gỡ, người con thổ lộ:

Bây giờ buôn bán theo ai

Nặng đầu chữ Hiếu, nhẹ vai chữ Tình

Hiếu Tình buồn bực trong mình

Sợ thầy hãi mẹ làm thinh vui cười.

Lời bộc bạch cho thấy sự xuất hiện của chữ Tình đã làm lung lay vị trí độc tôn của chữ Hiếu, đặt sự hiếu kính của người con trước một thử thách. Tuy nhiên, chữ Hiếu với sức mạnh của lý trí kết hợp “tình thâm” như người con từng nói: “Phụ mẫu tình thâm, phu thê ngãi trọng” vẫn có đủ khả năng để khống chế hành vi của người con: “Sợ thầy hãi mẹ làm thinh vui cười”. Mối quan hệ Hiếu – Tình nhiều lần dẫn đến bi kịch khó giải quyết, đẩy người con rơi vào tình thế lúng túng. Chữ Hiếu đã đặt cơ sở tình cảm và trách nhiệm vì người trong quan niệm sống của các chàng trai, cô gái, tạo nên sức mạnh lý trí giúp người con quên đi chữ Tình để tránh làm cha mẹ phật ý. Người con trai luôn chủ tâm thuận theo ý mẹ cha, vì vậy các anh kiên quyết bảo rằng:

Chỉ Kim tương cha mẹ không thương

Dứt đạo cang thường, anh cam bụng chịu

Thôi thôi buông áo anh ra về, em bận bịu làm chi.

            Người con trai chấp nhận rời bỏ tình riêng để chiều ý cha mẹ vì anh tin chắc đó là hành động đúng theo những gì anh được dạy bảo và những quy chuẩn đạo đức do xã hội Nho phong lập ra, kiểu như “Làm trai nết đủ trăm đường/ Trước tiên điều Hiếu đạo thường xưa nay...”.

 Còn các cô gái thì luôn tự nhắc nhở mình:

Công sinh dục bằng công tạo hóa

Có cha mẹ, sau mới có chồng

Em nhớ khi dìu dắt ẵm bồng

Nay em lao khổ não nùng, không than.

Lời cô gái đã chứng tỏ cán cân lệch hẳn về Hiếu khi có sự đối trọng giữa Hiếu và Tình. Cô gái phân định rõ ràng sự trọng khinh giữa hai mối quan hệ, phụ (mẫu) – tử, phu – phụ. Cô xem trọng mối quan hệ phụ (mẫu) – tử hơn mối quan hệ phu - phụ vì “Cha sinh mẹ dưỡng sánh tày bể đông”. Đây là đạo làm người không chỉ giới hạn trong ý nghĩa của chữ Hiếu mà còn là hành động cụ thể của Nghĩa, nghĩa tri ân. Hiếu, Nghĩa lồng trong cùng một hành vi càng cho thấy ý nghĩa nhân văn cao cả của hành xử với mục đích hướng đến là tri thâm ân cha mẹ của người con. Theo chúng tôi, điều này giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao người con luôn tự giác hy sinh nhu cầu cá nhân, tình cảm riêng tư để giữ tròn đạo Hiếu. Thúy Kiều sau khi cân nhắc Hiếu – Tình: “Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên Tình bên Hiếu, bên nào nặng hơn?”, (5) đã quyết định: “Để lời thệ hải minh sơn/ Làm con trước phải đền ơn sinh thành” (6). Dù quyết định này làm Kiều đau xót và mang đến cho nàng một cuộc sống bi cực, nhục nhã nhưng nàng không một lời hối tiếc hay oán thán. Nguyễn Du luôn chủ ý ngợi ca tấm lòng hiếu thảo, giàu đức hy sinh của Kiều qua mười bốn lần mượn lời nhân vật nói lên điều đó. Trong ca dao, một cô gái đã thổ lộ nỗi lòng ray rứt khi đã trót chạy theo Tình, nhất thời quên đi chữ Hiếu:

Nhớ hồi mẹ đẻ thiếp ra

Nhai cơm sún nước, lớn mà chừng ni

Nghe lời chàng bỏ mẹ ra đi

Thất hiếu với phụ mẫu có hề chi không huơ (hở) chàng?

Tâm trạng ray rứt, hoang mang đeo bám cô gái vì cô hồ nghi mình đã phạm vào tội bất hiếu. Cô gái cảm nhận mình đã đi chệch khỏi Đạo, tự đánh mất bản thân, hạ thấp mình trong con mắt dư luận, thì sớm muộn gì sự thương yêu, quý trọng của người con trai dành cho cô cũng mai một. Cô thực sự rơi vào tâm trạng chông vênh khi buông lỏng sợi dây đạo lý.

Chữ Hiếu mang ý nghĩa chuẩn tắc đạo đức nhưng cũng hàm chứa cả ý nghĩa thiêng liêng vì sự sâu đậm tình yêu thương, sự gắn bó cha mẹ với con cái, vì thế, khi đứng trước hai tình cảm lớn Hiếu và Tình người con luôn tìm cách làm sao để dung hòa được cả hai, mang đến sự hoàn hảo vừa trọn đạo Hiếu vừa thỏa Tình riêng. Giải pháp trước tiên được đưa ra là chờ sự đồng ý của cha mẹ trong chuyện tình duyên dù “tình trong như đã”, chắc chắn cha mẹ sẽ vui lòng và bản thân họ cũng cảm thấy hạnh phúc. Cô gái vừa tỏ ý mình vừa muốn nhắc nhở chàng trai:

Phụ mẫu sơ sanh, hãy để người định

Trong việc vợ chồng chờ lịnh mẹ cha.

Từ những giải pháp mà người con tiến hành để dung hòa Hiếu – Tình giúp chúng ta hiểu rằng: Hiếu là một lý lẽ bất biến, Tình muốn dung hợp với Hiếu phải tự uốn mình cho khớp với cái khung mà Hiếu đặt ra. Chính cái khung ấy có tác dụng hai mặt: vừa khống chế ham muốn cá nhân, không thừa nhận nhu cầu tự do yêu đương, chọn bạn đời của các chàng trai, cô gái, vừa là cái phanh hãm sự tuột dốc nguy hiểm của cỗ xe tình yêu đang quá say đắm có thể mất kiểm soát, như lời xác nhận của một cô gái: “Chỉ còn đương (đang) nối trong cuồng/ Em còn phụ mẫu, luông tuồng sao nên” (chữ “cuồng” có lẽ viết nhầm, theo nghĩa phải là “guồng”).

Qua diễn biến tâm trạng của các chàng trai, cô gái khi đứng trước sự lựa chọn Hiếu - Tình mà chúng tôi đã phân tích, chúng ta thấy theo truyền thống, chữ Hiếu đã giữ một vai trò quan trọng trong hệ tư tưởng của người Việt. Nó chiếm lĩnh ý thức hành xử, đồng thời trở thành thước đo phẩm hạnh của mỗi cá nhân trong quan niệm xã hội. Trong mối quan hệ với Tình, Hiếu là điểm quy chiếu cho mọi diễn biến về tình cảm cũng như những ứng xử của các chàng trai, cô gái khi vướng vào lưới tình. Đối với chữ Tình, chữ Hiếu có một uy lực mãnh liệt, người con sẵn sàng từ bỏ tình riêng một cách cam chịu để bảo toàn chữ Hiếu. Tuy nhiên, trong lời nói, đôi khi người con có ý nổi loạn, vượt qua lễ giáo dù bản thân họ không hề muốn (trường hợp này không nhiều, chỉ có sáu bài thể hiện phản ứng đó).

Xét về mặt hành xử, chúng ta thấy đạo hiếu kính dạy cho người con biết cân nhắc suy xét trên nền tảng đạo đức vì người khác: niềm vui của cha mẹ và danh dự gia đình... Nó uốn nắn hành vi của người con theo phép tắc chuẩn mực, trên dưới nhất định, tạo nên nề nếp gia phong. Điều này hẳn có ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo văn hóa chung của một dân tộc.

Ở thế đối sánh Hiếu – Tình, Hiếu đại diện cho cái chung, được đem cân nhắc với cái riêng là Tình, vì lẽ đó cái riêng tất yếu sẽ bị xem nhẹ hơn. Chữ Tình phải chấp nhận thế bị động để Hiếu điều khiển, dẫn dắt. Chữ Tình thường phải nhận lấy sự thiệt thòi, hy sinh để bảo toàn chữ Hiếu. Trong những cuộc tình kết thúc có hậu luôn là sự dung hòa, đảm bảo thỏa Hiếu trước, vẹn Tình sau. Ở những trường hợp khác, buộc phải chọn lựa giữa Hiếu và Tình, chữ Hiếu đã tạo nên tâm trạng phức tạp cho người con: khi thì họ cảm thấy vui vẻ, hãnh diện vì đã cha mẹ hài lòng bằng cách chọn Hiếu quên Tình; lúc lại oán trách chữ Hiếu đã đẩy họ vào tâm trạng day dứt cả đời bởi hành động chạy theo Tình, lỗi đạo làm con, phạm vào tội bất hiếu; hay tâm trạng hồi hộp lo sợ khi phải lén lút trao duyên… Vấn đề, dù là tâm trạng thế nào thì chữ Hiếu đạo lý vẫn là một chuẩn mực làm người luôn được trân trọng vì gốc nghĩa vốn có của nó phù hợp với tình cảm, tâm thức người Việt trong phạm vi luân lý.

________________

 (*) ThS Trường Đại học KHXH & NV Tp. Hồ Chí Minh

 

[1]    Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), Phan Đăng Nhật, Phan Đăng Tài, Nguyễn Thúy Loan, Đặng Diệu Trang: Kho tàng ca dao người Việt, hai tập. Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2001. Các trích dẫn ca dao trong bài đều theo tài liệu này.

(2)    Lê triều hình luật (Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Văn Tài phiên âm, dịch nghĩa). Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1997, tr. 173.

(3)    Nguyễn Văn Thành - Vũ Trinh - Trần Hựu: Hoàng Việt luật lệ, tập III, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H.1998, tr.319.

(4)    Insun Yu: Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1994,  tr.113.

      (5), (6) Nguyễn Du : Truyện Kiều, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2008, tr. 52, 195.

 Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 5.2014, tr. 121-127.

 

Danh mục website