Thăm cầu Hiền Lương

CauHienLuong

Cầu Hiền Lương vừa được phục dựng sơn hai màu xanh - vàng theo đúng màu sắc của cầu trong thời kỳ đất nước chưa thống nhất. (Ảnh: TXVN)

Trong hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thế kỷ XXI do Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, tôi gặp lại người bạn cũ là GS.TS Huỳnh Như Phương.

Trong câu chuyện hành lang bên lề hội thảo, anh tâm sự: “Tôi rất muốn đi Huế một chuyến, ra thăm anh em và nhân thể thăm cầu Hiền Lương một lần. Nhiều lần tôi đi ngang qua chiếc cầu lịch sử ấy nhưng chưa lần nào dừng lại, nhất là năm nay kỷ niệm 60 năm ký kết hiệp định Genève. Ông cũng như tôi, còn lạ gì tâm trạng của thế hệ chúng ta, những người sinh ra quanh cái cột mốc lịch sử ngày chia cắt đất nước, luôn phải hướng về ngoài đó - nơi có cha, có chú, có người thân đi tập kết...”.

Tên định mệnh về sự chia đôi

Từ trong sâu thẳm lòng tôi vang lên da diết những vòm cong âm thanh trong bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Bên ven bờ Hiền Lương/ chiều nay ra đứng trông về...”. Tôi vừa từ ngoài đó về. Tôi góp nhặt, nâng niu và nung nấu từng mẫu vụn ký ức. Làm sao tôi quên được cái thời điểm sông Bến Hải trở thành dòng sông chảy tràn vào lịch sử dân tộc, xoáy sâu vào chia cắt cuộc sống của mỗi dòng họ, gia đình!

Sông Bến Hải chảy từ Tây sang Đông, bắt đầu từ biên giới Việt - Lào, từ mỏm Bò Ho thuộc dải Đông Trường Sơn ra đến Cửa Tùng, nơi rộng nhất gần Cửa Tùng rộng 200 mét, nơi hẹp nhất ở đầu nguồn hẹp đến mức “nhảy qua không ướt mũi giày” (Nguyễn Tuân). Cũng vì quá hẹp, quá cạn mà sông còn có tên là Bến Hói. Sông đoạn đầu nguồn có tên Rào Thành. Đoạn sông có cầu bắc qua, ngày trước thuộc làng Minh Lương, nên tên sông cũng gọi theo tên làng. Đến thời Minh Mạng, vì sợ phạm húy nên chuyển từ Minh sang Hiền. Tên cầu Hiền Lương bắt nguồn từ đó. Đoạn cuối sông có tên là Bến Hai (có lẽ bắt nguồn từ Bến Hói, quen gọi là Bến Hải). Phải chăng Bến Hai là cái tên định mệnh về sự chia đôi đất nước sau này?

Cầu Hiền Lương chỉ dài 178 mét. Cầu ngắn nhưng lòng nhớ thương giữa hai miền dài đến mấy mươi năm. Trước cách mạng, bất kể người sang kẻ hèn đến đây đều qua sông phải lụy đò. Sau đó, do nhu cầu giao thông, người ta làm phà để chở được nhiều hơn, nhưng cũng là phà chèo phà chống mà thôi. Vì vậy, trước khi có cầu sắt, bờ phía Nam vẫn có một cái chợ, gọi là chợ Phà, tồn tại cho đến khi cắm cột mốc giới tuyến mới tan hẳn. Pháp bắc cầu Hiền Lương năm 1950 nhằm phục vụ việc chiếm đóng lâu dài. Cầu có 7 nhịp, 7 khung sắt khớp vào nhau.

Sắt cầu được sản xuất tại Anh, ván cầu gỗ thông “made in American” mang nhãn hiệu US - Virginia, nhân công làm cầu là công binh trong quân đội viễn chinh Pháp và tù binh người Việt. Cầu được làm sẵn, tháo rời từng mảnh, cho máy bay chở đến và thả dù xuống đất, rồi lắp ráp lại. Hai năm sau 1952, sân bay và cầu Mường Thanh ở Điện Biên Phủ cũng được xây dựng theo kiểu ấy, nên hai cây cầu hao hao nhau như anh em sinh đôi, vì nó cùng là “con đẻ” của kiểu cầu dã chiến. Cầu dài 178 mét, với 894 tấm ván. Khi chia đôi, mỗi bên giữ 89 mét, nhưng do cỡ ván khác nhau nên 450 tấm thuộc về miền Bắc, miền Nam chỉ còn 444 tấm.

Câu chuyện bảo quản cầu, sơn cầu, thay ván gỗ bị mục cũng là một cuộc chiến tranh dài hai mươi mấy năm, thể hiện rõ mục tiêu đối đầu của hai phe đối địch: một bên coi đây chỉ là giới tuyến quân sự có ý nghĩa tạm thời, luôn nung nấu khát vọng hòa bình, thống nhất và kiên trì, nhẫn nại, thậm chí nhường nhịn; một bên coi là biên giới vĩnh viễn và tìm mọi cách để khẳng định chủ quyền, chia cắt lâu dài.

Chẳng hạn, chuyện sơn cầu, lần đầu cầu được sơn lại vào năm 1955, ta thuê Tiểu đoàn 26 công binh Pháp làm. Nhưng bắt đầu từ lần sơn thứ hai vào năm 1958, phía miền Nam không đồng ý sơn chung, mà mỗi bên tự sơn, nên cứ chờ ta sơn xong, bờ Nam mới bắt đầu sơn màu khác, lại còn đề nghị mỗi bên chỉ nên sơn 84 mét, hai bên chừa lại 10 mét giữa cầu để thể hiện rõ sự chia cắt. Nước sơn bên này chẳng những không thể điệp màu với nước sơn bên kia mà còn không nên nối liền ngay với nhau. Thành ra, cầu có đến 3 màu.

Đúng là một việc làm ngớ ngẩn. Càng ngớ ngẩn hơn khi trên báo Văn nghệ (số 16, ngày 19-4-2014), nhà văn Đình Kính nói rằng, “ông Ngô Văn Minh, Trưởng ban quản lý di tích Hiền Lương - Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị), cho biết vừa hoàn thành việc phục hồi màu sơn cho cầu Hiền Lương theo nguyên gốc. Cụ thể, một nửa phía Bắc cầu được sơn lại màu xanh hòa bình, nửa phía Nam được sơn màu vàng, là hai màu sơn của của thời kỳ đất nước còn chia cắt”. Thảo nào hôm đi Điện Biên Phủ về, đoàn tôi ghé ngang qua đó, xe dừng lại để các nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp hình, tôi thấy người ta đang sơn lại cầu hai màu vàng xanh, cứ tưởng màu vàng là màu sơn lót, không ngờ những người lãnh đạo công tác bảo tồn di tích nơi đây lại có “sáng kiến” trung thành với lịch sử đến mức làm đau lòng những người đang sống hôm nay và cả con cháu mai sau!

Cầu lịch sử bắc qua dòng sông lịch sử

Hiền Lương là cây cầu lịch sử bắc ngang qua dòng sông lịch sử. Sông Bến Hải là con sông lịch sử, lại vắt ngang qua một thời đại lịch sử, chảy giáp ranh giữa nô lệ và tự do, giữa chia cắt và thống nhất, giữa chiến tranh và hòa bình. Đó là những vấn đề căn cốt của số phận một dân tộc tuy nhỏ, nhưng giàu truyền thống yêu nước và đoàn kết, phải gánh chịu bao nhiêu áp lực, bao sự chèn ép của những nước lớn. Trong lịch sử, chúng ta dễ nhận thấy điều mà giấy trắng mực đen vẫn ghi rõ: “Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời”, như điều 6 bản tuyên bố chung ghi rõ: “Các bên không nên coi đường ranh giới quân sự là biên giới lãnh thổ hay chính trị” và cả khoản a, điều 14 cũng ghi rõ: “Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy”.

Tôi may mắn hơn anh Huỳnh Như Phương là được thăm Hiền Lương - Bến Hải nhiều lần. Có lần tôi ra cầu Hiền Lương ở lại khá lâu, có thời gian đếm từng miếng ván cầu, xoa tay vào những thanh sắt cầu còn nóng và thơm mùi nắng, tìm đường xuống bến sông vốc nước mát vào đôi tay, hắt tạt tràn lên mặt… Đó là lần đi cùng với anh Trần Bá Đại Dương, nay là nhà báo, công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, vào mùa hè khoảng  năm 1982, 1983 gì đó.

Chúng tôi đi thực tế sáng tác với tư cách là thành viên CLB Sáng tác văn học trẻ của Thành Đoàn Huế. Từ Huế, chúng tôi bỏ xe đạp lên xe đò, ra đến bến xe Đông Hà, xuống xe đạp xe đạp mười mấy cây số ra cầu Hiền Lương, ở lại đó buổi trưa ăn xôi tự bới theo, chiều mát đạp xe về Cửa Tùng có xã lo nuôi ăn, đêm mang chiếu ra biển ngủ, chờ những thuyền đánh cá trở về, người ta nướng cá tươi nhâm nhi cùng mấy cốc rượu đế. Thời ấy, ở Huế đời sống vẫn khó khăn, vừa qua thời ăn độn bo bo, lại chuyển sang thời độn sắn. Ở Cửa Tùng, cơm trắng cá tươi, rau sạch, dưa, bí nhiều, chúng tôi lại đang tuổi thèm ăn.

Ăn cho no, sáng lần mò các địa đạo, nghe các nhân chứng kể chuyện chiến tranh, chuyện bà con bắt tàu Mỹ, chuyện Mỹ ném bom sụp địa đạo; chiều và đêm ra biển ngóng thuyền về. Tôi vẫn nhớ như in trong tâm tưởng, rằng chiều nào ngồi trên bờ biển, tôi cũng nghe những nhịp điệu âm thanh trôi dạt dào như sóng biển, những âm vực cao và xa trong bài Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ…”. Lại cái đôi bờ da diết ấy, như thiết tha, như mời gọi, như cứa vào da thịt, cứ sống mãi trong những ô ngăn của ký ức, nó lớn lên và già đi cùng với tuổi tác của đời tôi.

Sau này, tôi đã tham dự trại viết nhiều lần ở Đà Lạt, Cửa Lò, Tam Đảo…, có trại quy mô đến hơn 40 người, kéo dài đến cả tháng, tất nhiên chế độ ăn uống, phương tiện làm việc tốt hơn, có máy tính, phòng máy lạnh và cả phương tiện thông tin liên lạc qua mạng, nhưng không có chuyến đi nào để lại sức sống lâu bền trong ký ức tôi bằng chuyến đi Cửa Tùng năm ấy. Chuyến đi không chỉ giúp tôi những hiểu biết về đất và người Vĩnh Linh, mà còn bồi dưỡng những tình cảm trong sáng, lành mạnh và cao đẹp trong tâm hồn tôi, nhất là đã cho tôi tận mặt, ngắm nhìn một cách tỉ mỉ dung mạo chiếc cầu Hiền Lương trên sông tuyến Bến Hải. Và bây giờ, khi nghĩ về cây cầu và dòng sông ấy, tôi vẫn nghĩ bằng cảm quan của thời xa xưa...

PHẠM PHÚ PHONG

http://www.baodanang.vn/channel/5400/201406/tham-cau-hien-luong-2338608/

Danh mục website