Những hiện tượng và quy luật ngôn ngữ chi phối địa danh

1.Chất liệu tạo ra địa danh là từ và ngữ. Do đó, khá nhiều hiện tượng và quy luật ngôn ngữ ảnh hưởng tới địa danh. Vì thế, ban đầu các nhà sử học xem địa danh học là một bộ phận của khoa học lịch sử; sau đó địa danh học được xem là một bộ môn của ngành địa lý; nhưng sau cùng, các nhà sử học và địa lý học nhường bước cho các nhà ngôn ngữ học.

            2.Sau đây là những hiện tượng và quy luật ngôn ngữ chi phối rõ nét nhất đến địa danh.

            2.1.Trước hết là hiện tượng ẩn dụ. Ẩn dụ là hiện tượng lấy tên sự vật này để gọi sự vật khác căn cứ vào sự giống nhau giữa chúng. Các địa danh hòn Phụ Tử (Hà Tiên), hòn Vọng Phu (Bình Định), đèo Con Rắn (Đồng Nai), núi Chiếc Đũa (Ninh Bình), núi Mèo Cào (Ninh Bình),…là cách gọi tên theo phương thức này [6]. Núi Mta trong tiếng Ê Đê có nghĩa là “mặt” hoặc “lưỡi dao” cũng là cách đặt địa danh theo phương thức ẩn dụ [9].

Hòn Phụ Tử (tỉnh Kiên Giang) 

            2.2.Tiếp theo là hiện tượng hoán dụ. Hoán dụ là lấy tên sự vật này để gọi sự vật khác dựa vào mối quan hệ gần gũi giữa chúng. Các đia danh thành phố Hồ Chí Minh (nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước), đường Tôn Đức Thắng (ở TP. Hồ Chí Minh, chạy qua trước xưởng Ba Son - nơi Bác Tôn làm việc trước kia), đường Nguyễn Văn Trỗi (ở TP. Hồ Chí Minh, bắt đầu từ cầu Công Lý – nơi anh Trỗi đã đặt mìn và sau đó anh dũng hy sinh) là các địa danh đặt theo phép hoán dụ. Một số xã ở tỉnh Đăk Lăk cũ như Hòa Khánh, Hòa Thuận, Hòa Bình, Hòa Đông, Xã Đoài,…vốn là tên nguyên quán của dân di cư đến cũng đặt theo phương thức này [9].

            2.3.Quy luật đồng hóa tác dụng tuy không nhiều đến một số địa danh. Trong tiếng Việt, mỗi âm tiết (tiếng) được chia làm ba bộ phận: âm đầu, vần và thanh điệu. Đồng hoá là một quá trình thích ứng ngữ âm, trong đó hai âm vị đứng sát nhau hoặc gần nhau tiếp nhận những đặc tính chung hoặc trở nên giống nhau. Đồng hóa tác động vào một hoặc nhiều bộ phận trong âm tiết. Các địa danh Phạ Đin (đèo ở Điện Biên – gốc Tày Nùng – có nghĩa là “trời đất”), Tạm Thương (bến ở Quảng Ngãi, là từ Hán Việt, có nghĩa là “kho tạm”), bị đồng hóa về thanh điệu thành Pha Đin, Tam Thương. Còn Hoài Phố (tên cũ của thị xã Hội An, Quảng Nam) là từ Hán Việt, có nghĩa là “phố ở sông Hoài” bị đồng hóa âm đầu thành Faifo [6].

            2.4.Quy luật dị hóa cũng tác động vào một số địa danh nhưng cũng không nhiều. Dị hóa là một quá trình trong đó một trong hai âm vị giống nhau hoặc tương tự biến đổi. Ba địa danh Bàu Bèo (Tiền Giang), Bàu Hói, Bàu Môn (TP.HCM) đều có các các vần tròn môi nên dị hóa để dễ phát âm hơn, thành Bà Bèo, Bà Hói, Bà Môn.

            2.5.Hiện tượng Hán hóa cũng chi phối một số địa danh. Trước đây, khi tiếng Hán còn thông dụng, nhiều địa danh đã được Hán hóa để dễ dàng cho người đọc và việc khắc in. Nhưng trong hệ thống từ Hán Việt thiếu hai âm đầu G và R. Vì vậy, để in ấn những địa danh mang phụ âm G, người ta quy định thay thế bằng một trong hai âm tương cận là C/K và S. Vì vậy địa danh Sài Gòn được ghi bằng hai tiếng Sài Côn và rạch Gầm được phiên và dịch thành Sầm Giang (quận ở tỉnh Định Tường cũ). Còn các địa danh mang phụ âm R, người ta phiên bằng một trong hai âm tương tự L và Đ: Bà Rịa thành Bà Địa hoặc Bà Lị; Cam Ranh (Khánh Hòa) thành Cam Linh.

            2.6.Hiện tượng Tây hóa cũng tác động vào một số địa danh. Các ngôn ngữ phương Tây có ảnh hưởng sâu đậm đến tiếng Việt là tiếng Pháp và tiếng Anh. Hai ngoại ngữ này vốn không có thanh điệu. Vì thế, khi cần ghi các địa danh Việt Nam có thanh điệu, họ thường bỏ mất thanh điệu. Bởi thế, Thạnh Đa, Lôi Giáng (TP.HCM) biến thành Thanh Đa, Lôi Giang. Địa danh Mỹ Lại (thôn ở Quảng Ngãi, nơi hơn 500 đồng bào ta bị quân đội Mỹ sát hại) đươc in trên báo Mỹ là My Lai, được giới báo chí Sài Gòn đoán sai thành Mỹ Lai.

            2.7.Mượn âm là hiện tượng ảnh hưởng đến tiếng Việt nói chung và địa danh nói riêng khá rõ nét. Khi một từ ngữ nước ngoài muốn được phổ biến trong tiếng Việt mà có ngữ âm tương tự một từ ngữ nào đó trong tiếng Việt, từ ngữ đó phải khoác bộ áo ngữ âm tiếng Việt. Địa danh gốc Khmer Ksach “cát” biến thành Kế Sách “phương kế, sách lược” (huyện của tỉnh Sóc Trăng). Hlang gốc Ê Đê, nghĩa là “cỏ tranh”  mượn tên một nước ở châu Âu thành Hà Lan (đèo ở xã Thống Nhất, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk) [9]. Pulaw gốc Mã Lai (nghĩa là “cồn, đảo”) biến thành Cù Lao (mượn âm từ cù lao, chỉ công lao khó nhọc của cha mẹ đối với con cái) [5]

            2.8.Hiện tượng biến âm đã tác động đến nhiều địa danh Việt Nam. Biến âm có thể theo không gian và theo thời gian.

Biến âm theo không gian cũng gọi là biến âm địa phương. Hiện tượng này rõ rệt nhất trong địa danh Nam Bộ. Ở phương ngữ này, có sự lẫn lộn đến 11/22 các âm đầu trong chữ viết (50%): ch – tr, s – x, v – d – gi, w – hw – ngw – qu; lẫn lộn 120/160 vần (75%) và lẫn lộn giữa 1.900 chữ mang dấu hỏi với 900 chữ mang dấu ngã. Ví dụ lẫn lộn âm đầu: Hàng Sanh (“hàng cây sanh”) => Hàng Xanh (TP.HCM); Gò Vắp (“gò cây vắp”) =>Gò Vấp (TP.HCM); Gành Hàu (“gành cò nhiều hàu”) => Gành Hào (Bạc Liêu, Cà Mau), Tắt Ráng (“dòng nước đi tắt có nhiều cỏ ráng”) => Tắc Ráng (Kiên Giang), Xẻo Rô – Xẽo Rô (“dòng nước nhỏ có nhiều cây ô rô”).

Biến âm theo thời gian là biến âm lịch sử. Hiện tượng này làm cho nhiều địa danh xa lạ với tiếng Việt hiện đại nên khó hiểu đối với nhiều người. Vì vậy, các địa danh này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận kéo dài trong giới nghiên cứu địa danh học. Vì vậy kiến thức ngữ âm học lịch sử vô cùng cần thiết giúp soi sáng nguồn gốc và ý nghĩa của một số địa danh cổ. Xin nêu vài thí dụ: Ở Đà Nẵng có bãi Trẹm; ở Kiên Giang có hòn Trẹm và sông Trẹm/Trèm Trẹm. Có người cho rằng Trẹm là từ gốc Chăm, nhưng không nêu ra từ Chăm nào. Theo ý kiến của chúng tôi, trong thế kỷ 17, tiếng Việt có phụ âm kép Tl-, về sau chuyển thành hai âm L và Tr: Tlêu => Lêu lêu, Trêu; Tlên => lên, trên. Còn từ Tlẹm (“có chỗ bị lõm, bị khuyết vào, không đầy đặn như bình thường”) =>Lẹm, Trẹm. Thực tế cho thấy bãi cát ở Đà Nẵng, hòn đà ở Kiên Giang và dòng sông nơi đây cũng có chỗ khuyết sâu vào.

2.9.Hiện tượng tỉnh lược cũng khá đậm nét trong địa danh Việt Nam. Tỉnh lược là giảm bớt một số tiếng trong các từ ngữ nhiều tiếng. Rất nhiều thí dụ trong tiếng Việt: nấm tai mèo => nấm mèo, dầu con rái => dầu rái, bánh vú bò (“thứ bánh đổ vào chén giống cái vú con bò”) => bánh bò; ngay như cây chò => ngay chò, tươi như cá rói => tươi rói,…Địa danh cũng thế: cầu Kiệu (TP.HCM) được Trương Vĩnh Ký ghi cầu Xóm Kiệu; Vũng Rô ở Phú Yên được nhiều người ghi nhận có dạng gốc là vũng Ô Rô vì tại đây có nhiều cây này và hai cách gọi: Vũng Rô hay vũng Ô Rô.

Từ đó, nhiều người cho rằng rạch Cái Nước (Cà Mau) có âm gốc là Cái Dừa Nước rút gọn và được nhiều người chấp nhận.  Chúng tôi cũng đã nêu ý kiến: Bến Dược (TP.HCM) vốn là tỉnh lược của bến Bà Dược vì tại đây có xóm Bà Dược và được nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh tán đồng [2].

2.10.Kiêng húy là một phong tục khá phổ biến dưới các triều đại quân chủ. Trong tác phẩm của mình, Ngô Đức Thọ cho biết trong tiếng Việt trước đây có 531 chữ kiêng húy [8]. Đó là tên các vua chúa hoặc hoàng thân quốc thích, tên các thánh thần, tên các bậc trưởng thượng,… Để khỏi phạm húy, người xưa có ba cách xử lý tên huý:

2.10.1. Nói chệch đi, có 3 kiểu:

     a. Giữ âm đầu và thanh: Chu (chúa Nguyễn Phúc Chu) thành châu (châu thành), Cảnh (Trần Cảnh, hoàng tử Cảnh) thành kiểng (chậu kiểng), Hoa (quí phi Hồ Thị Hoa) thành huê (Huê Kỳ), Hồng (Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức) thành hường (hoa hường) [8].

Kiểu này phổ biến nhất.

b. Giữ vần và thanh:

Hoa (Hồ Thị Hoa) thành ba (tài ba, chợ Đông Ba, Huế).

c. Giữ âm đầu và vần:

Tỉnh Thanh Hoa sửa thành Thanh Hoá. Võ Giang kiêng húy chúa Trịnh Giang thành Võ Giàng [8].

Hai kiểu sau đây ít được dùng hơn.

2.10.2. Thay thế bằng từ đồng nghĩa:

Cầu Hoa (Bình Thạnh, TP.HCM) thành cầu Bông. Chợ Hàng Hoa (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) thành chợ Hàng Bông.

Hằng (Từ dũ Phạm Thị Hằng) thành thường (thường ngày, Thường Nga). Thanh Đàm (“đầm trong”) kiêng húy vua Lê Thế Tông – Duy Đàm) sửa thành Thanh Trì (“ao trong”).

     2.10.3. Thay bằng một từ khác cũng có ý nghĩa tốt đẹp:

          Huyện Mộ Hoa (Quảng Ngãi) phải đổi thành Mộ Đức.

Khi viết chữ huý, phải bớt nét.

Lệ kiêng huý xuất hiện từ đời Tống (960-1279) ở Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, tục lệ này xuất hiện từ đời Trần (1225-1400).

Sau Cách mạng Tháng Tám, tục lệ kiêng húy bị bãi bỏ ở các vùng kháng chiến và ở miền Bắc sau năm 1955. Còn ở miền Nam vẫn tiếp tục duy trì. Hơn nữa, tục này đã xâm nhập vào tiếng nói hằng ngày của mọi người nên một cách vô tình, chúng ta gián tiếp “bảo vệ” nó.

2.11.Trong địa danh Việt Nam – nhất là địa danh Nam Bộ - xuất hiện khá nhiều từ cổ, từ lịch sử, từ địa phương. Vì thế, người nghiên cứu địa danh cần trang bị một số kiến thức về các tiểu loại này.

a)Trước hết là từ cổ. Từ cổ là những từ được sử dụng ngày xưa, nay được thay thế bằng những từ đồng nghĩa tương ứng.

a.1.Đầu tiên là từ chỉ đơn vị đo lường.

Bảy Háp là sông ở tỉnh Cà Mau, từ thành phố Cà Mau chảy vào vịnh Thái Lan, dài 48km, cửa sông rộng 500m. Nguyên có một mùa cá tôm, gia đình một ngư phủ đánh bắt được kỷ lục 7 háp. Có hai cách giải thích háp: 1.Bảy háp có trọng lượng 42.000 kg [7]. 2. Háp là đơn vị trọng lượng tương đương 50kg: 1 háp là 10 yến, 1 yến là 10 nan, 1 nan phỏng chừng 1 livre (= nửa ký) [1]. Vậy bảy háp tương đương 350kg. Trọng lượng kỷ lục này trở thành tên sông. Số lượng tính theo cách thứ hai hợp lý hơn.

a.2. Tiếp theo là địa danh chỉ địa hình.

Hóc Hươu là rạch ở xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Hóc Môn là huyện của TP. HCM, gồm thị trấn Hóc Môn và 11 xã. Hóc là dạng cổ của hói, là “dòng nước nhỏ”; ngày xưa hươu nai thường đến uống nước tại rạch; còn Môn vốn là “cây môn nước” [6].

a.3. Kế đến là từ cổ chỉ sự vật, đồ vật nay đã thay tên.

Mỏ Cày là vùng đất hai bên quốc lộ 1A ở phía bắc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Mỏ Cày cũng là tên huyện của tỉnh Bến Tre. Mỏ Cày vốn là tên một bộ phận của cái cày, từ tay nắm đến lưỡi cày nên Génibrel dịch là manche d’une charue “cán cày) [3]. Mỏ cày hình cong như chữ Z nên những vật có hình dáng tương tự thì gọi là mỏ cày, như sao mỏ cày. Đoạn quốc lộ 1A chạy qua vùng này của tỉnh Quảng Ngãi cong như cái mỏ cày nên mang tên trên. Sông Hàm Luông ở tỉnh Bến Tre cũng có hình cong như cái mỏ cày. Sách chữ Hán dịch là Lê Đầu giang “sông giống đầu cái cày”. Ngày nay, người ta không dùng mỏ cày mà gọi chuôi cày.

Cái Bát là sông nhánh bên phải sông chính ở hạt Tây Ninh xưa. Ngả Bát là sông nhỏ ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Cái Bát, Ngả Bát  là “sông nhánh bên phải”. Cái Cạy là nhánh của sông chính ở hạt Tây Ninh xưa. Ngả Cạy là rạch ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. HCM, đổ vào rạch Chiếu. Cái Cạy, Ngả Cạy là “sông nhánh bên trái”. Theo suy luận của chúng tôi, hai từ mặt trái có thể là dạng gốc của bátcạy.

b)Kế đến là từ lịch sử. Từ lịch sử là những từ được sử dụng trước kia, nay đối tượng của nó không còn nữa.

          b.1. Trước hết là tên những đơn vị hành chính cũ.

Trấn Biên là dinh được lập năm 1698 ở Nam Bộ, năm 1808 đổi thành trấn Biên Hoà. Nay là tỉnh Đồng Nai. Trấn Biên là “trấn giữ nơi biên giới”.

Một số là các từ chỉ các chức danh cũ: Loại này có số lượng lớn hơn cả.

            b.2 Một số chức danh có liên hệ đến giáo dục.

Hiếu Liêm là xã của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hiếu Liêm có hai nghĩa: 1.“Người có học hạnh mà do các địa phương tiến cử về triều”. 2. Các ông cử nhân đời Minh và đời Thanh nước Tàu”.

Học Lạc là chợ nằm trên đường Học Lac, ở quận 5, TP. HCM, chuyên bán thuốc lá điếu. Học Lạc là tên ông Học sinh Nguyễn Văn Lạc (1842 – 1915), một nhà thơ trào phúng nổi tiếng ở Nam Bộ.

Nhiêu Lộc là kinh chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận và quận 3, TP. HCM. Nhiêu là từ gọi tắt của Nhiêu học, Lộc là tên người. Chưa rõ lý lịch ông này.

b.3. Một số chức danh có liên hệ đến quân sự.

Điều Bát là chợ ở miền Tây Nam Bộ. Điều Bát là chức quan võ lo việc điều khiển binh lính. Điều bát nhung vụ Nguyễn Văn Tồn, người Khmer, từng giữ chức này dưới thời Gia Long [10].

Đốc Binh Kiều là xã ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đốc binh Kiều là cách gọi tắt Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (hoặc Lê Công Kiều, Trần Phú Kiều), một lãnh tụ nghĩa quân hy sinh vì Tổ quốc ở vùng Tháp Mười.

Đội Cường là kinh nối sông Bảy Háp với sông Gành Hào (Bạc Liêu), rộng 4m, dài 8km.. Đội là từ gọi tắt chức cai đội hoặc đội trưởng cai quản 50-60 lính dưới thời phong kiến. Dưới thời Pháp thuộc, đội còn dùng để chỉ chức vụ cai quản một tiểu đội, có cấp bậc trung sĩ (sergent). Cường là tên người.

Lãnh Binh Thăng là đường ở quận 11, TP. HCM, dài 1.120m, lộ giới 25m. Lãnh binh là chức quan võ nắm quân đội cấp tỉnh thời Nguyễn, trật Chính tam phẩm. Ông Lãnh là cầu bắc qua rạch Bến Nghé, quận 1, TP. HCM. Cầu cũ hình chữ Z, dài 120m, rộng 5m, lề 0,3m, đã bị phá bỏ năm 2000. Cầu mới hình đường thẳng, dài 267m, rộng 20m, xây xong năm 2002. Ông Lãnh ở đây là Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866). Sau năm 1858, ông đóng quân tại đồn Cây Mai và Thủ Thiêm, nên tại đình Nhơn Hoà, gần cầu, có bàn thờ ông.

c.Sau cùng là từ địa phương. Từ địa phương là những từ chỉ phổ biến ở một số địa phương.

c.1. Trước hết là những từ chỉ chức danhcon người.

Cặp Rằng Núi là kinh nhỏ dẫn nước từ kinh Nguyễn Văn Tiếp vào sâu trong Đồng Tháp Mười, thuộc xã Tân Hoà Tây, huyện Cai Lậy, nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Cặp Rằng Núi gốc nửa Pháp nửa Việt, là chức danh và tên chính của Caporal Nguyễn Văn Núi, làm quản lý cho một người Pháp khai hoang vùng đất này vào khoảng năm 1930 [11].

Rẫy Chệt là địa điểm nằm cách mũi Cà Mau 10km. Cũng viết Rẫy Chệc. Bản đồ thời Pháp ghi Jardin Chinois (“vườn của người Hoa”). Rẫy Chệt là “rẫy của người Việt gốc Hoa” vì ban đầu có một người Hoa đến sinh sống, nhưng vì thấy hoàn cảnh khó khăn nên bỏ đi.

c.2. Kế đến là từ chỉ hành động.

            Lấp Vò là huyện của tỉnh Đồng Tháp. Lấp Vò gốc Khmer Srôk Tak Por “xứ trét thuyền” để chống hà ăn [10], và trên địa bàn hiện nay có một nơi chuyên sửa thuyền.

c.3.Tiếp theo là những từ chỉ công trình xây dựng.

Tha La là vùng đất ở xã An Hoà, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Tha La  cũng là ao ở xã Tân Lý Tây, tỉnh Tiền Giang và là chợ ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Tha La gốc Khmer Sa-la, có hai nghĩa là “trường học” và “chòi ở bên đường để khách nghỉ chân”.

c.4.Một số là từ chỉ địa hình.

Bùng Binh là rạch ở quận 10 và quận 3, TP. HCM, từ Bộ tư lệnh thành phố đến rạch Nhiêu Lộc, dài độ 500m. Đầu thế kỷ 21, rạch đã bị lấp, làm thành đường phố, mang tên đường Rạch Bùng Binh. Bùng Binh cũng là rạch chảy xuyên hương lộ 10, đến phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, dài 5km. Bùng Binh là chỗ phình rộng giữa sông rạch, có thể có cù lao ở giữa, ghe thuyền có thể trở đầu. Đầu thế kỷ 20, từ bùng binh mới được dùng để chỉ nơi giao lộ trong thành phố, như bùng binh Sài Gòn, bùng binh Ngã Bảy.

Búng là vùng đất thuộc tỉnh Bình Dương. Dòng sông Sài Gòn chảy đến đây tạo thành một chỗ xoáy sâu rất nguy hiểm đối với ghe thuyền. Chỗ đó gọi là búng, sau trở thành tên vùng đất. Búng là “chỗ nước sâu làm ra một vùng” [4].

3.Tóm lại, khá nhiều hiện tượng và quy luật ngôn ngữ chi phối tiếng Việt nói chung và địa danh nói riêng. Bởi vậy, ta cần trang bị một số kiến thức về ngôn ngữ học để việc nghiên cứu địa danh đạt được mục đích như ý bởi vì địa danh là những tấm bia lịch sử - văn hóa bằng ngôn ngữ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Béhaine, P. P. de, Tự vị An Nam-Latinh (Dictionarium Anamitico-Latinum, 1772-1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, tp.HCM, Nxb Trẻ, 1999.

2.Bùi Đức Tịnh, Một số nhận xét về địa danh ở Nam Bộ, trong “Nam Bộ và Nam Trung Bộ - Những vấn đề lịch sử thế kỷ XVII-XIX”, Trường ĐHSP, tp. HCM, 2002, tr.182-192.

3.Génibrel, J.F.M. , Dictionnaire Annamite-Français, SG, 1898.

4.Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.

5.Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2006.

6.Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, HN, Nxb Văn hóa Thông tín, 2013.

7.Nghê Văn Lương, Cà Mau xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2003.

8.Ngô Đức Thọ, Chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Hà Nội, Nxb Văn hóa, 1997.

9.Trần Văn Dũng, Những đặc điểm chính của địa danh Dak Lăk, Luận án Tiến sĩ, Vinh, 2004.

10.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.

11.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.

 

                                     

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên”, Đăk Nông, tháng 11-2013, tr. 184-190.

 

 

TÓM TẮT

     NHỮNG HIỆN TƯỢNG VÀ QUY LUẬT NGÔN NGỮ CHI PHỐI ĐỊA DANH

 

Khá  nhiều  hiện  tượng  và  quy  luật  ngôn  ngữ  ảnh  hưởng  tới  địa  danh.  Đó

là ẩn  dụ,  hoán  dụ,  đồng  hóa,  dị  hóa,  Hán  hóa,  Tây  hóa,  mượn  âm,  biến

âm,  tỉnh  lược,  kiêng  húy  và  từ  cổ,  từ  lịch  sử,  từ  địa  phương.  Do  đó,

người  nghiên  cứu  địa  danh  Việt  Nam  phải trang  bị  những  kiến  thức  cần

thiết về các hiện tượng và quy luật này.

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website