20042024Sat
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Phật giáo Hoà Hảo từ nửa sau thế kỷ XIX tới nửa đầu thế kỷ XX nhìn từ phương diện văn hoá

  ( Lê Ngọc Thuý, Tạp chí Văn hóa & Du lịch , số 18 (72), tháng 7.2014)

 

TÓM TẮT

Thơ ca Phật giáo Hòa Hảo hình thành khá sớm. Hiện nay, thơ ca đạo Hòa Hảo còn những tác phẩm được lưu truyền chủ yếu trong nội bộ bổn đạo như Sấm truyền của Đức Phật thầy Tây An và đặc biệt là thơ văn giáo lý của Đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáng tác trong quãng thời gian hành đạo (1939- 1947) gồm các bài Sấm giảng, Kệ dân, Khuyến thiện, Giác mê tâm kệ làm bằng văn vần với các thể thơ truyền thống Việt Nam. Bài viết này bước đầu tìm hiểu giá trị của những tác phẩm ấy với tư cách là những sáng tác văn học.

Mảng văn học Phật giáo ngay từ khi bắt đầu hình thành, định dạng, tồn tại và phát triển trong nhiều thế kỷ, qua nhiều thời kỳ lịch sử đã hiện diện trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam. Mặt khác, đã gọi là văn học Phật giáo thì phải xác định rằng nó không chỉ có văn học Thiền, mà còn rất nhiều xu hướng và cách tiếp nhận của người sáng tác trước tính chất là một vô thượng thậm thâm vi diệu pháp của hệ tư tưởng này. Nhưng thực tế nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam hiện nay cho thấy còn rất nhiều mảng thơ văn Phật giáo của cả ba miền đất nước qua các thời kỳ lịch sử chưa được quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu đúng mức. Trong đó, mảng thơ Hòa Hảo thuộc dòng văn học Phật giáo tại Nam bộ với nhiều điểm đặc sắc và đậm đà phong vị phương Nam đã xuất hiện từ thời kỳ khai phá đến 1975 cũng là một trường hợp đáng chú ý.

Thơ ca Phật giáo Hòa Hảo hình thành khá sớm sau những bước đầu tiên của cuộc khai phá phương Nam. Hiện nay, thơ ca đạo Hòa Hảo còn những tác phẩm được lưu truyền chủ yếu trong nội bộ bổn đạo như Sấm truyền của Đức Phật thầy Tây An (do Nguyễn Văn Hầu phiên âm và chú giải từ bản tiếng Nôm, Ban quản trị Tòng Sơn cổ tự, giáo hội Phật giáo Hòa hảo xuất bản năm 1973, cũng được gọi là Sấm Tây An), Sấm giảng người đời của Sư vãi bán khoai, Giảng xưa, Sấm giảng về đức Cố Quản của Vương Thông xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX. Đặc biệt là một số lượng dồi dào thơ văn giáo lý của Đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáng tác trong quãng thời gian hành đạo (1939- 1947) gồm các bài Sấm giảng, Kệ dân, Khuyến thiện, Giác mê tâm kệ làm bằng văn vần với các thể thơ truyền thống Việt Nam, nhiều bài thơ lục bát, đường luật…được in lại trong tuyển tập Sấm giảng Thi văn giáo lý của Đức Huỳnh giáo chủ được Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xuất bản và tái bản nhiều lần. Ngoài ra, còn có các tác phẩm thơ của Thanh Sĩ (1928- 1972), một trí thức đạo Hòa Hảo nổi tiếng thông minh kỳ lạ, đã cư ngụ, học Đại học và giảng dạy tại Nhật Bản (những năm 1955- 1972). Trước và sau khi sang Nhật, ông Thanh Sĩ vẫn thư từ, sáng tác gửi về quê nhà.

Từ đầu cho đến giữa thế kỷ XIX, tiếng là vùng đất mới, là một thành tựu vĩ đại của qúa trình Nam tiến, nhưng Nam bộ cũng chỉ là một vùng “phên giậu”, vùng biên địa trong cái nhìn của triều đình phong kiến. Từ đó đã dẫn tới sự đầu tư không thích đáng của triều đình trong việc bảo vệ và phát triển nó về mọi mặt, nhất là phương diện văn hóa tinh thần. Nói chung, người dân đất phương Nam gần như phải tự lực tối đa không chỉ để mưu cầu sự sống mà còn để tự xây dựng nền văn hóa tinh thần riêng của mình. Từ đó đã xuất hiện Nho giáo được cách tân, Phật giáo được dân gian hóa, bản địa hóa do người Nam bộ chủ động xây dựng riêng cho mình, làm nền tảng tư tưởng, tâm linh trên con đường khai phá, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vùng đất mới. Riêng Phật giáo đã góp phần không nhỏ trong sự tự thân vận động của lưu dân để tự gầy dựng cho mình một cơ ngơi tinh thần, tư tưởng, tâm linh đậm đà màu sắc bản địa và đã có những thành tựu đáng kể, mà tiêu biểu là Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đã ra đời tại miền tây Nam bộ sau thời kỳ truyền giáo của phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên vào giữa thế kỷ XIX và sau đó Bửu Sơn Kỳ Hương đã trở thành Phật giáo Hòa Hảo tồn tại từ cuối thập niên 30 đến nay.

Các thơ ca đạo Hòa Hảo có các nội dung lớn như sau:

1. Nỗi quan hoài về số phận con người, số phận đất nước

Văn minh vật chất phát triển, thúc đẩy những tranh giành xâu xé, thúc đẩy chiến tranh xâm lược, thực dân. Những tiên báo sớm nhất về điều này đã xuất hiện trong Sấm Tây An. Chắc chắn sấm giảng này được viết trong thời kỳ truyền đạo của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1843- 1856). Chẳng hạn, đoạn sau nói tới nguy cơ xâm lược của thực dân phương Tây (1858):

“Sự đời xem thấy cũng gần

Trở người, trở vật, trở năm trở ngày

Trở ăn trở mặc bằng nay

Trở chồng trở vợ trở vì quân vương

….Trở bậu, trở bạn cố tri

Lời ăn tiếng nói vậy thì khác xưa…”

(Sấm Tây An)

Dự cảm chiến tranh thực dân và hậu quả lớn của nó là “trở” (thay đổi, ngược lại). Những cuộc chiến tranh loạn lạc dẫn đến những đổi thay sâu sắc (trở) về người, vật, thay đổi đạo đức (trở chồng trở vợ), thay chủ đổi ngôi (trở vì quân vương), thay đổi “lời ăn tiếng nói” (hiểu rất nhiều nghĩa, có thể hiểu là ngôn ngữ thể hiện tình cảnh mới, nhận thức mới, hoặc có thể hiểu là tiếng Tây được du nhập cũng được) của thời đại được tiên cảm trước hết trong sấm Tây An ra đời nhiều năm trước 1858.

Sau đó, Sấm giảng về Đức cố Quản (cuối thế kỷ XIX) cũng nhắc đến biến cố lịch sử lớn nhất thế kỷ của nước Việt Nam trước hết đã xảy ra trên đất Nam kỳ.           

“Tây dương ỷ thế ỷ tài,

Tàu đồng súng sắt bắn hoài phải thua.

Namsuy Tây đặng thạnh thời,

Tại lẽ ở đời khiến việc hư nên…”

Từ thế kỷ XX trở đi, những thực trạng mới của đất nước, của thế giới cũng được nhắc đến trong Sấm giảng người đời của Sư vãi bán khoai (đầu thế kỷ XX), Sấm giảng khuyên người đời tu niệm (1939) của Đức thầy Huỳnh Phú Sổ:

“Thuở xưa là giặc Ô sào,

Bây giờ là giặc Nhựt Tàu tranh đương.”

(Sấm giảng của Sư vãi bán khoai)

Cuối thập niên 30, Sấm giảng khuyên người đời tu niệm ra đời trong giai đoạn đầu của hành trình truyền đạo của Đức thầy Huỳnh Phu Sổ còn dự báo suốt các năm chiến tranh thế giới thứ hai (Mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, năm dậu là năm 1945 kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai):

“Mèo kêu (năm Mão 1939) bá tánh lao xao

Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê

Con ngựa lại đá con dê

Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao

Khỉ kia cũng bị xáo xào

Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng…”

Các sấm giảng cũng nói nhiều về số phận đất nước và dân tộc trước nguy cơ ngoại xâm loạn lạc, từ đó kéo theo sự tha hóa của xã hội và con người, sự thống khổ của nhân dân sẽ xảy ra cho vùng đất này. Các Sấm giảng người đời, Sấm giảng về Đức cố quản, Sấm giảng khuyên người đời tu niệm, Kệ dân của người khùng đều có nhiều câu nói về tình cảnh đau khổ của nhân dân trong cảnh biến thiên thời cuộc, loạn lạc chinh chiến:

“Nhơn dân đói rách cơ hàn,

Biết làm sao đặng cho toàn hiển vinh.

Bây giờ đến lúc gập ghình,

Giặc thời lấy nước lánh mình đi đâu.”

(Sấm giảng về Đức cố Quản)

Hay nói thẳng đến cảnh khổ và nguyên nhân của nó chính là tình trạng đất nước “vô vương” (không vua của mình, bị ngoại bang cai trị) với biết bao cảnh khổ như sưu thuế nặng nề, mất mùa đói kém, khủng hoảng kinh tế thập niên 30 làm cho sinh hoạt đắt đỏ:

“Ngồi khùng trí đoái nhìn cuộc thế

Thấy dân mang sưu thuế mà thương

Chẳng qua Nam Việt vô vương

Nên tai ách xảy ra thảm thiết

…Mùa màng thất đói, đau không thuốc

Thương hại bấy lê dân đứt ruột

Thảm vợ con đói rách đùm đeo

Gẫm chữ nghèo thường mắc chữ eo

Thêm gạo lúa lại tăng quá mắc…”

(Kệ dân của người khùng)

Chính nội dung miêu tả và đồng cảm với con người trước những thực tại chiến tranh, hoạn nạn, nghèo khó, áp lực của đời sống vật chất cơm áo gạo tiền… trong buổi nhiễu nhương nước mất nhà tan đã làm nên một phương diện đặc biệt của các bài thơ được gọi là “Sấm giảng”, làm cho các sấm giảng ấy không hoàn toàn mang dáng vẻ của những tác phẩm truyền đạo thuần túy mà còn gần gũi với văn chương, báo chí. Đây là điều hết sức đặc biệt của mảng thơ ca Hòa Hảo. Các kinh điển Phật giáo cũng nói về cái khổ, và còn nói rất sâu về cái khổ căn bản của muôn loài, của toàn thể chúng sinh trong tứ khổ, bát khổ... Nhưng ngoài các nội dung ấy, các sấm giảng Hòa Hảo còn nóng bỏng hơi thở của cuộc đời hiện tại với sự chia sẻ những nỗi khổ niềm đau của con người thế gian ngay trong tình thế hiện tại của họ. Sự đồng cảm ấy chính là chiếc cầu nối giữa đạo và đời. Các sấm giảng đã rất hữu ý khi đặt sự đồng cảm thích hợp với căn cơ của cộng đồng cư dân vùng đất mới. Đó là sự đồng cảm cần phải có với quần chúng trước những nỗi khổ đau mà kinh điển Phật giáo truyền thống đã nhấn mạnh đến tính không thật của nó, như “mộng huyễn bào ảnh”, “như lộ”, “như điện”. Đó là một cách hiểu và hóa giải mọi khổ đau vật chất lẫn tinh thần một cách rốt ráo nhưng không phải căn cơ nào cũng có thể “như thị quán” để có thể chấp nhận và vượt qua được.

Còn các sấm giảng Hòa Hảo đã dọn sẵn một con đường tiến tới những thuyết giáo tất yếu sau đó. Khi tình cảm đã gần gũi thì những tiếp nhận về sau sẽ dễ dàng hơn, và đó chính là khả năng sử dụng “phương tiện thiện xảo” để đến với con người mà các sấm giảng đã làm được một cách vô cùng hiệu quả. Các sấm giảng Hòa Hảo không chỉ được đọc tụng mà còn được diễn xướng rất nghệ thuật (vì bản thân nó cũng là một tác phẩm nghệ thuật) với tất cả tâm hồn của người bổn đạo, người diễn xướng lẫn người nghe cũng vì nét đặc sắc trong nội dung rất “cận nhân tình”, rất “tùy duyên” một cách đầy cá tính Nam bộ của nó.

2. Ghi lại hành trạng của những người khai sáng đạo

Khá nhiều thơ ca đã ghi lại hành trạng của những bậc khai phá tiên phong đã có nhiều công lao trong việc đặt nền tảng cho Phật giáo Hòa Hảo như Phật thầy Tây An, Đức Cố quản Trần Văn Thành (giai đoạn đầu), Đức thầy Huỳnh Phú Sổ (giai đoạn sau). Chẳng hạn như trong một bản Giảng xưa (có lẽ do các đệ tử sáng tác, lưu truyền nội bộ, ghi là sấm truyền nhưng thật ra đó là một bài thơ dài ghi lại một số nét về những nơi đã in dấu chân ngài trong hành trình hoằng pháp độ sinh) có ghi lại những chặng đường:

“Mùa đông phưởng phất gió tây

Bâng khuâng nhớ tưởng tiếng thầy thuở xưa….

Lội ngang qua đến Ba Xuyên

Đi vô Vàm Tấn dẫn về Sóc Trăng

Ngó lên ruộng rẫy mênh mông

Lần qua mấy đồng xuống thẳng Cà Mau…”

và những sự việc kỳ diệu trong hành trình của Phật thầy Tây An như chữa dịch bệnh, việc bị triều đình chú ý vì quá “vang danh lục tỉnh” và được toàn dân tôn kính:

“Thiên thời đếm số ba ngàn

Thầy ra sức cứu mạng an trở về

Vang danh lục tỉnh chợ quê

Quan Thượng ngự đề xuống bắt về coi

Ghe ô hai chiếc hẳn hòi

Quan lãnh cai đội lính thời một trăm.”

Và kể cả việc ngài bị quan chức triều đình bắt xuống tóc, vào chùa tu hẳn hoi cho đúng phép cách người tu (thực chất là để quản lý, kiểm soát)

“Giao cho cái kéo, cái mâm

Biểu thầy cạo trọc cái đầu mà thôi…”

Hoặc Sấm giảng về Đức cố Quản kể lại hành trạng của Đức cố Quản Trần Văn Thành (đại đệ tử của Phật thầy Tây An, xuất thân quan võ dưới triều vua Thiệu Tri, Tự Đức, sau qui y với Phật thầy Tây An và thành tựu đạo quả, được giao nhiệm vụ lãnh đạo trại ruộng Bửu Hương Các ở Láng Linh (xưa là vùng trũng thấp hoang sơ, nay thuộc Châu Đốc, An Giang). Sấm giảng này kể lại sự việc ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây rơi vào tay Pháp, triều đình bất lực, sĩ phu yêu nước các nơi đều có những phản ứng quyết liệt và sự việc Đức cố Quản dù là người tu, lãnh quyền dẫn dắt lưu dân khai phá nhưng ngài vẫn dấn thân nhập thế trong đoàn sĩ phu yêu nước đó:

“Nam kỳ có tướng quân Thiên (Thiên Hộ Dương)

Cùng quan lớn Định (Trương Định) cầm quyền đánh Tây

An Giang có một ông đây (Đức Cố Quản)

Chữ dạ ngay thầy ái quốc ưu dân….”

Sấm giảng cũng phác đôi nét về Cố Quản Trần Văn Thành và nói tới việc ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (vùng giữa Long Xuyên và Châu Đốc) từ khi khởi binh đến khi bị Pháp đàn áp phải rút về Láng Linh ẩn nhẫn chờ thời:

Quán Ngài tại tổng An Lương,

Trong làng Thạnh Mỹ bốn phương phục tùng.

Khăng khăng hai chữ hiếu trung,

Tờ ra chiêu mộ anh hùng các nơi.

Ai ai cũng ở giữa Trời,

Nghe Ngài chiêu mộ vưng lời thảo ngay.

….Ngài về chiếm cứ Láng Linh,

Ở mà ẩn sĩ một mình tu thân.

Thời Trời còn khiến nhơn dân,

Nghe Ngài về đó rần rần đến thăm.

Chịu bề khổ hạnh mấy năm,

Khai kinh mở ruộng nhất tâm tu hành.

Thân Ngài chẳng quản rách lành,

Ở trong Láng đó lều tranh chờ thời…”

Trong Sấm giảng khuyên người đời tu niệm viết năm 1939, có rất nhiều địa danh mà dưới những hành trạng khác nhau Đức thầy đã đi qua để khuyến giáo như Hồng Ngự, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Tân An, Vĩnh Tế, núi Sam, núi Sập, Châu Đốc, Vàm Nao, Sài Thành, Gia Định, Chợ Mới, Ông Chưởng, Mỹ Tho, Trà Vinh….

 

3. Kêu gọi quần chúng thực hành đời sống đạo đức

Đây là nội dung đầu tiên của các sấm giảng. Các sấm giảng lấy đạo đức Tam cương ngũ thường của Nho giáo làm khởi điểm của đạo đức con người, giúp con người sống tốt với cộng đồng mà các sấm giảng gọi là “tu hiền” (trở thành người tốt trong quan hệ gia đình, xã hội). Đây là một điểm mở rộng về nội dung trong các sấm truyền của Phật giáo Hòa Hảo để phù hợp với nhu cầu ổn định nề nếp đạo đức thế gian cho công đồng lưu dân, xây dựng một đời sống nhập thế tích cực, ổn định đời sống thế tục xã hội trước khi tiếp cận với tư tưởng xuất thế của đạo Phật. Trong các tác phẩm thơ ca của Phật giáo Hòa Hảo, rất nhiều những câu “Cho rồi nhơn nghĩa mới hay”, “Tam tùng giữ vẹn lập thân buổi nầy”, “Trung quân phụ tử làm đầu”…., và tóm lại, theo quan niệm của Phật giáo Hòa Hảo thì trước khi tiếp nhận đạo xuất thế thì mọi con người nên làm tròn đạo nghĩa thế gian và quan niệm này cũng có cơ sở riêng của nó:

“Cho rồi nhơn nghĩa mới hay

Lễ nghi phong hóa đổi thay làm gì?”

(Sấm giảng Đức Thầy).

4. Truyền bá, triển khai tư tưởng Phật giáo vào đời sống

Các nhà khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo rõ ràng là có ý định tạo một nền tảng xã hội đạo đức và ổn định để làm nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của tư tưởng Phật giáo, một hệ tư tưởng không xa lạ gì trong đời sống văn hóa tinh thần Việt Nam, là hành trang tâm linh lắng sâu trong đời sống lưu dân nay chỉ cần có đời sống ổn định là lại đâm chồi nở hoa, đưa con người hướng về cứu cánh an lạc giải thoát.

Trong mục đích giáo hóa Phật pháp cho quần chúng, các sấm giảng đều xác định mục đích “Thân già thức suốt canh thâu, Nói cho lê thứ quay đầu mới thôi”. “Quay đầu” đây tức là nhận thức vô thường, vô ngã, xa rời phiền não và rời dòng sinh tử luân hồi. Đây là nội dung quan trọng và sâu sắc nhất của thơ ca Phật giáo Hòa Hảo, làm cho chúng vừa giàu tính hiện thực vừa giàu chất thơ, chất hình tượng, giàu nhạc tính… nhưng căn bản vẫn là các thi kệ, là thơ ca giáo lý chứ không phải là thơ ca giải trí. Hay Giác mê tâm kệ khẳng định:

“Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện

Tìm con lành dắt lại Phật đường

Thương dân hiền giáo đạo Nam phương

Đặng chỉ ngỏ làm lành lánh dữ”

Nội dung tuyên truyền, giác ngộ Phật pháp cho quần chúng trong các thi kệ, sấm giảng…(là một bước phát triển của “tu hiền” mà các người khởi xướng muốn khai triển giáo hóa quần chúng) gồm có hai hướng:

- Trình bày, giảng dạy về những nguyên lý căn bản của Phật giáo như Tứ diệu đế, bát chánh đạo, Tam quy, ngũ giới…Tiến sâu hơn, là trình bày giáo lý không, vô thường, vô ngã…Ngay trong tác phẩm ra đời sớm nhất là Sấm truyền Tây An đã nói tới giáo lý Bát nhã (trí tuệ giải thoát) là mục đích chính của hành trình giác ngộ vĩ đại (ma ha là lớn lao, vĩ đại):

“Ta bà nào chốn thảnh thơi

Vui câu bát nhã gần kề ma ha…”

Hay như Giác mê tâm kệ trình bày căn bản Phật pháp một cách hệ thống hơn như “Bịnh với tử từ kim chí cổ, Sanh với già hay chữ hoài hoài”’, “Chữ sắc thinh chớ có hầu gần, Hương với vị xác trần nên tránh, Chữ xúc pháp theo gương hiền thánh”….

- Tiến tới cứu cánh giải thoát là điều tất yếu trong thơ ca Phật giáo, cho dù hành trình giác ngộ, giải thoát ấy phải đi một quãng vòng khá xa của các nguyên lý Nho giáo mang tính nhập thế đào tạo con người xã hội cần thiết. Tuy nhiên, hướng dẫn cứu cánh giải thoát cho con người bằng hai con đường “Thiền môn”, “bát nhã” hoặc Tịnh (Di đà lòng chuyên) thì không hề bị bỏ quên. Trong Sấm truyền Tây An đã có đoạn xác định hai con đường trong “tám vạn bốn ngàn pháp môn” của hành trình tu Phật. Ý nghĩa của đoạn thơ này rất phong phú khi nó xác định việc tu tập thực sự phải được thực hiện tại ngay việc nhận thức, làm chủ, chuyển hóa thân ngũ uẩn của con người:

“Nhiệm mầu vui đạo Thích ca

Thiền môn hứng chí Di Đà lòng chuyên

Nương thuyền bát nhã cho yên

Vào non ngũ uẩn tín thiềng sùng tu”

Xuất hiện trong tình thế cấp bách của xã hội và lịch sử Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX, Giác mê tâm kệ còn tiến xa hơn các sấm truyền, sấm giảng của thế kỷ XIX. Giác mê tâm kệ có nội dung kêu gọi, thức tỉnh con người ra nhiều thứ mê lầm như bỏ lành chọn ác, bỏ dân tộc chọn xa hoa vật chất ngoại bang… Và nguy hiểm nhất là thứ mê lầm xuất phát từ gốc rễ vô minh,sống buông thả theo điên đảo vọng tưởng. Giác mê tâm kệ có nhiều đoạn kêu gọi con người giác ngộ, buông xả những tham đắm, điên đảo vọng tưởng thế gian:

“Mài gươm trí cho tinh cho khiết

Dứt tâm trần kiếm chữ sắc không”

(Giác mê tâm kệ)

Hay tác phẩm này cũng giới thiệu các vấn đề như nhơn-ngã, sắc-không (ta và người, hình tướng và không phải hình tướng… vốn là những thứ chấp trước nguy hiểm của tư tưởng thế tục cần được cải sửa và chuyển hóa thành trí tuệ giải thoát hướng về nhận thức “vô vi tướng”:

“Nên tỉnh trí tìm nơi vụt tắt

Chữ nhơn ngã cũng là quá gắt

Ta chớ nên phân biệt với người

Dẹp năm tên mới được rằng cười

Vô vi pháp mới là thiệt tướng.”

(Giác mê tâm kệ)

Để quần chúng dễ dàng tin nhận Phật Pháp, các thơ ca, sấm giảng đều hướng đến việc thức tỉnh con người bằng cách gợi lên nhận thức về bản chất khổ đau mờ mịt và vô thường chóng vánh của kiếp người với những câu thơ phảng phất lời kinh Kim cang:

“Liếc xem thuyền bá bơ vơ

Sóng khơi biển thẳm mịt mờ sông mê

Niên như điển, nguyệt như thoi

Vần xây thế giới luân hồi chẳng chơi

Đời người trong cơn lốc vô thường chỉ là thoáng qua, chóng vánh:

Phất qua như bóng nguyệt quang

Khi tròn khi khuyết nở tàn dường bao

Người đời như buổi chợ trưa

Tan rồi lại hiệp, hiệp tan mấy hồi.”

(Sấm truyền Tây An)

Nhưng điều đặc biệt của thơ ca Phật giáo Hòa Hảo chính là ở chỗ nó vừa triển khai song song hai pháp môn tu trì cùng hướng về cứu cánh giải thoát mà không hề có chút “lấn cấn” nào như thói tục thế gian hay phân biệt “đây”, “kia”. Trong cùng một tác phẩm có thể tồn tại các câu thơ khuyến tu có hiện diện các từ ngữ của pháp môn Thiền như “thuyền bát nhã”, “thiền môn”, “Tâm bình tịnh được thì phát tuệ”; hoặc thuật ngữ của Tịnh độ như “Tu câu lục tự Di Đà đừng quên”, “Cảnh trên tịnh độ là nơi để dành”, “Về cực lạc mới là hết khổ”… Chính tác giả Giác mê tâm kệ còn khẳng định yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm này là “tâm”. “Tâm kệ”, là tác phẩm nói về yếu tố căn bản bên trong (tâm) để làm nên hình tướng bên ngoài của chúng sinh, là bài kệ dạy cách nhận thức về tâm và chuyển hóa tâm để lìa mê, giác ngộ.

Điều đáng chú ý là trong buổi đầu khai phá đầy thử thách gian truân, Phật giáo Nam bộ không phải chỉ mang sứ mệnh tâm linh, mà còn có cả sứ mệnh dân tộc, sứ mệnh lịch sử. Thơ ca Phật giáo Hòa Hảo vừa gắn bó chặt chẽ với những bước thăng trầm của cuộc sống và con người Nam bộ lại vừa phản ánh sâu sắc một thế giới tâm thức bên trong và những cách thức, phương tiện biểu hiện ra bên ngoài của tâm thức ấy bằng những phương thức đậm đà màu sắc bản địa của miền đất phương Nam. Do xuất hiện trong hai giai đoạn mà đất nước và dân tộc đang phải đối mặt với nhiều gian khổ, thử thách vì ngoại xâm và nhiều hậu quả của nó nên thơ ca Phật giáo Hòa hảo đã thể hiện chủ yếu làm chức năng cứu giúp và giáo hóa nhân dân, luôn gắn bó chặt chẽ với những biến cố lịch sử và vận mệnh dân tộc. Tuy các sấm giảng, kệ giảng chủ yếu khuyến thiện, khuyến tu bằng phương pháp niệm phật, nhưng ẩn phía sau đó luôn luôn có sự hiện diện của trí tuệ tỉnh giác.

Qua số thơ văn tôn giáo phong phú của Phật giáo Hoà Hảo, có thể thấy rõ nó quan tâm đến hai mục đích. Một mặt vừa giáo hóa đạo đức củng cố con người xã hội, con người công dân, con người dấn thân hành động trong tình thế dầu sôi lửa bỏng của dân tộc. Mặt khác, nó cũng tiến tới xây dựng con người tâm linh, con người giải thoát.

5. Vài nét về nghệ thuật thơ ca Phật giáo Hòa Hảo

Một trong những vẻ đẹp độc đáo của thơ ca Phật giáo Hòa Hảo ở Nam bộ chính là nó sử dụng và thể hiện chân xác lời ăn tiếng nói của người Nam bộ qua nhiều thời kỳ lịch sử. Và chính tác giả Giác mê tâm kệ đã khẳng định ý chí dân tộc hóa, bản địa hóa các tri thức Phật pháp bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng địa phương cho quần chúng vùng đất mới (đa số chưa có điều kiện thông thạo chữ nghĩa, kinh điển) dễ tiếp cận:

“Rừng kinh kệ ít người hay chữ

Quá mắc mỏ bởi chưng Phạn ngữ

Nên người đời khó kiếm cho ra

Mõ chuông bày đọc tụng ó la

Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý…”

Và khẳng định rất rõ về phương tiện chuyển tải các thông điệp trí tuệ của Phật giáo chính là “tiếng thường”, là ngôn ngữ sống động hằng ngày. Đây là phương diện nổi bật nhất thể hiện mục đích phục vụ đại chúng của thơ ca Phật giáo Hòa Hảo:

“Tâm kệ này ta chỉ nẻo đường

Quyết dạy trần ta nói lời thường

Cho sanh chúng thời nay dễ biết…”

Thơ ca Phật giáo Hòa Hảo có số lượng rất nhiều và nội dung khá thống nhất do các tác phẩm đều có mục đích chuyển tải giáo lý, răn đời, khuyến tu… Tuy nhiên, về nghệ thuật, một điều rất rõ ràng là có những khác biệt nghệ thuật rất rõ giữa các tác phẩm do các giáo chủ sáng lập đạo (Phật thầy Tây An, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ) sáng tác với thơ ca do người bổn đạo làm. Các tác phẩm của quần chúng bổn đạo sáng tác thường thiên về nội dung thuật lại sự việc, hành trạng nhiều hơn là giảng giải. Ngôn ngữ, hình ảnh, vần điệu… thường không bằng những sấm giảng do các bậc thầy khai đạo sáng tác.

Sấm Tây An là một tác phẩm văn vần cực kỳ độc đáo về thể thơ. Thể thơ lục bát được dùng trong tác phẩm này không cứng nhắc, khuôn phép mà ngược lại, nó giàu nhạc tính, giàu nhịp điệu, có nghệ thuật sử dụng vần điệu, thanh điệu, nhạc tính tự do nhưng rất tài hoa, các biện pháp tu từ láy âm, điệp từ, điệp câu, đối ý nhịp nhàng, các phương ngữ rất đặc biệt làm nên phong vị Nam bộ rất đậm đà cho thể thơ lục bát truyền thống:

“Ngó xa xem cũng thấy gần

Xa gần gió tạt, bụi trần sạch không

Hắc đầu tử, /bạch đầu ông

Bớ người dương thế sao không coi đời!

Đạo vơi vơi,/ đạo vơi vơi

Đường xưa cảnh cũ lập đời sửa xây

Buồn khoanh tay,/ buồn khoanh tay

Thấy trong con tạo khéo xây lạ lùng…

(Sấm truyền Tây An)

Hay:

“Người đời như buổi chợ trưa

Tan rồi lại hiệp, hiệp tan mấy hồi

Khóc lỡ khóc, cười lỡ cười

Tình tang hỡi bậu, cạn đời còn chi!

Lụy lâm li, lụy lâm li

Thương chăng thương kẻ từ bi giữ lòng.”

(Sấm truyền Tây An)

Trong Sấm Tây An, rất nhiều những câu thơ điệp đoạn, điệp câu ở câu sáu rất du dương với một thứ nhạc điệu kỳ lạ nhưng đầy mỹ cảm ít thấy trong các tác phẩm thơ lục bát đã xuất hiện trong văn học Việt Nam. “Cảnh đã xây, cảnh đã xây, Nhành lai đời khác, đổi thay cuộc đời” (xây là phát âm Nam bộ của xoay, thay đổi. Hai câu thơ này tiên cảm cuộc xâm lăng thực dân), “Dặm canh thâu, dặm canh thâu, Thở than than thở lo âu cho đời”, “Đã hết lời, đã hết lời, Khuyên răn dạy bảo cho người thiện duyên”, “Đạo vơi vơi, đạo vơi vơi, Đường xưa cảnh cũ lập đời sửa xây”, “Buồn khoanh tay, buồn khoanh tay, Thấy trong con tạo khéo xây lạ lùng”… Những câu thơ mang âm hưởng đại bi tâm ấy phải được viết từ một tác giả tài hoa và có trí tuệ giải thoát.

Còn thơ ca của Đức thầy Huỳnh Phú Sổ thì rất đa dạng về phong cách. Những bài như Kệ dân của người khùng, Sấm giảng khuyên người đời tu niệm, Sấm giảng… thì dùng ngôn ngữ bình dân, nhiều khẩu ngữ, phương ngữ, có phong cách của lối nói thơ, nói truyện. Riêng các bài có nội dung truyền giảng Phật pháp như Giác mê tâm kệ thì vẫn dùng ngôn ngữ đại chúng Nam bộ nhưng phong cách cổ kính, trang nghiêm, chuẩn xác. Nhiều bài thơ Đường luật, Tứ tuyệt… của Đức thầy sáng tác khi tức cảnh, đối đáp, xướng họa thường rất chuẩn xác về vần, luật, đối… Ngoài ra, thể thơ Việt Nam từ bảy, tám đến chín chữ đã rất thịnh hành thời văn học Minh Tân đầu thế kỷ nay cũng xuất hiện lại. Và như trên đã nói, có nhiều câu tự do, phóng khoáng nhưng vô cùng nghệ thuật như:

Ta bà khổ, ta bà lắm khổ,

Có bao người xét cho tột chỗ,

Tịnh độ vui, tịnh độ nhàn vui.”

(Kệ khuyến thiện)

Do còn phải đảm đương thêm nhiệm vụ giáo hóa, kêu gọi, thơ ca Phật giáo Hòa Hảo Nam bộ còn có thêm một nét riêng của mình trong phong cách kêu gọi, cảm thán, cầu khiến,… có phần xa lạ với ấn tượng tự tại, vô ngôn vốn được coi như một thuộc tính của thiền:

“Có khi hơi thở ra vô

Đứt hơi nào biết qui mô chốn nào?”

(Sấm truyền Tây An)

Hay: “Ngọc lành sao chẳng trau giồi?

Sá chi phấn thổ vui cười tay trao!

Chẳng coi trước, chẳng nhắm sau

Người nay như mộng thấy đâu cho bền!”

(Sấm truyền Tây An)

Hay: “Huyền pháp thâm trầm thơm bất tuyệt

Vô vi chánh đạo hỡi người ôi!”

(thơ Huỳnh Phú Sổ)

Thơ ca Phật giáo Hòa Hảo không quá ràng buộc với những hệ thống hình tượng và phương thức diễn đạt cổ điển truyền thống. Chẳng hạn như hình tượng “tiếng đờn không dây, không phím” trong Kệ giảng Hoà Hảo trong đoạn thơ dưới đây chính là cái nhìn của trí tuệ bát nhã trong nhận thức về chơn không thực tướng được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật đậm đà màu sắc phong vị dân gian:

“Lắng tai nghe rõ tiếng đờn

Không dây không phím oán hờn cũng không

Đờn tây rồi lại đờn đông

Trách trong bá tánh gặp sông quên nguồn.”

Sự phát triển, mở rộng và hiện đại hóa không ngừng của hệ thống thi liệu, hình tượng và ngôn ngữ thơ chính là đóng góp to lớn của thơ ca Phật giáo Hòa Hảo vào dòng văn học Phật giáo Việt Nam.

Còn một vấn đề nữa trong thơ ca Phật giáo Hòa Hảo cần phải được tiếp cận một cách chính xác. Đó là tính hỗn dung văn hóa với sự hiện diện không chỉ của nhiều tư tưởng (Nho, Phật, Lão) như hình ảnh người quân tử, tiên cảnh bồng lai… mà còn có cả tín ngưỡng dân gian qua những lúc nhắc tới Trạng Trình, Quan công, Chúa Tiên, Ngọc hoàng thượng đế…, thậm chí có kệ giảng, thơ ca ra đời sau 1939 còn nhắc đến cả những tác hại của phong trào “văn minh”, “Âu hóa”, các việc hát xướng, cải lương… làm phương hại nặng nề đến thuần phong mỹ tục.

Tuy nhiên, nghiên cứu sâu nữa, muốn tiếp cận được nghệ thuật thơ ca Phật giáo Hòa Hảo thì còn rất nhiều việc như “tách lớp” các hình ảnh trong thơ, từ đó đi tới việc phân định các tầng hình tượng và các tầng ý nghĩa là rất cần thiết. Tất cả những điều ấy cần thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn. Tính hỗn dung văn hóa trong thơ ca Phật giáo Hòa Hảo là điều tất yếu trong các điều kiện về xã hội lịch sử, về văn hóa buổi giao thời, về nhu cầu “tiếp cận nhân tình”… tất cả đều là phương tiện để đi đến cứu cánh duy nhất là giáo hóa đạo đức ở các tầng bậc khác nhau.

Một trong những vẻ đẹp độc đáo khác nữa của thơ ca Phật giáo Hòa Hảo chính là nó đã phản ánh sinh động được sự hài hòa giữa tâm thức giải thoát với thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật của người Nam bộ trong một chặng đường lịch sử xã hội đã qua, thể hiện qua khả năng đưa được chất thơ và nhạc tính dân gian vào ngôn ngữ thơ (mà phần lớn được hình thành từ lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Nam bộ qua nhiều thời kỳ lịch sử).

Bước đầu nghiên cứu thơ ca Phật giáo Hòa Hảo, ta thấy nó thể hiện sự hài hòa giữa con người tâm linh và con người xã hội, con người giải thoát và con người dấn thân, của lý tưởng tự giác, giác tha, thể hiện tính chất xuất thế mà vẫn nhập thế rất vi diệu của Phật giáo đại thừa trên vùng đất phương Nam. Đây là sự đóng góp rất giá trị của thơ ca Phật giáo Hòa Hảo Nam bộ trong quá trình thể hiện con người phương Nam với đạo đức nhập thế (vừa khai khẩn, khai cơ, xây dựng đạo đức cộng đồng) thời kỳ đầu, tiến tới khai tâm mở tuệ hình thành con người bi, trí, dũng (cứu cánh của Phật giáo) luôn sát cánh cùng dân tộc và đất nước trong suốt những thăng trầm của các giai đoạn về sau.

 

Tài liệu tham khảo

1.         Nguyễn Văn Hầu (phiên âm Nôm và chú giải) (1973), Sấm truyền của Đức Phật thầy Tây An, Ban quản trị Tòng Sơn cổ tự, giáo hội Phật giáo Hòa hảo xuất bản.

2.         Sấm giảng người đời của Sư vãi bán khoai, Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xuất bản.

3.         Vương Thông, Giảng xưa, Sấm giảng về đức Cố Quản.

4.         Đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, Sấm giảng Thi văn giáo lý của Đức Huỳnh giáo chủ, Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xuất bản và tái bản nhiều lần.