Nghi lễ trưởng thành và nguồn gốc của motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam

La Mai Thi Gia *

            Chúng tôi nhận thấy rằng các hình thức đa dạng của cái chết tạm thời và sự sống lại của các nhân vật trong truyện cổ tích được thể hiện qua motif tái sinh có sự gần gũi với những phương thức hành lễ trong nghi lễ trưởng thành hết sức quan trọng của chu kỳ đời người. Nghi lễ này có cội rễ sâu xa trong văn hóa cổ xưa của rất nhiều dân tộc trên thế giới, là nghi thức công nhận một đứa trẻ đã trở thành người lớn và có nghĩa là đứa trẻ đó đã được chuyển địa vị xã hội. Nghi thức này bao hàm motif tượng trưng của cái chết và sự tái sinh, vốn xuất hiện rất phổ biến trong truyện cổ tích của các dân tộc trên thế giới và Việt Nam.

            1. Motif tái sinh trong truyỆn cỔ tích ViỆt Nam và nghi lỄ trưỞng thành

            Motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam là những tình tiết chỉ hiện tượng sống lại của nhân vật trong truyện kể sau khi đã chết đi vì một lý do nào đó. Những dạng thức tái sinh của nhân vật được thể hiện rất đa dạng như sống lại do đầu thai, do hóa thân, do sự tác động của thần tiên, ma quỷ, của người, của động vật và thực vật… đi kèm với rất nhiều những thực hành ma thuật, những lời phú chú, bùa phép, những nghi lễ phong tục gắn với những niềm tin tâm linh của xã hội loài người.

            Trong truyện cổ tích có chứa đựng motif tái sinh, có rất nhiều nguyên nhân gây ra cái chết tạm thời của nhân vật như bị thú dữ ăn thịt, bị ma quỷ dùng tà thuật giết hại (phù phép, hút hồn lìa khỏi xác, dùng gậy đầu tử chỉ vào người), chết vì rơi hay bị dìm xuống nước hoặc chết vì bị dội nước sôi, bị dao kiếm đâm, chặt, chém hay bị băm nát thân thể, bị đóng đinh vào đầu, bị trúng độc… Đi kèm với những nguyên nhân gây ra cái chết cho nhân vật là những hình thức phù phép đa dạng khiến cho nhân vật có thể tái sinh trở lại. Những hình thức ấy bao gồm rất nhiều các biện pháp ma thuật, các lời phù chú kết hợp với những động tác nhảy múa khi tiến hành nghi lễ tái sinh, rất nhiều loại nước thần, lá thần, thuốc thần hay các loại bùa chú được dùng đến trong quá trình làm cho người chết sống lại… tất cả được thực hiện bởi những người còn sống, những nhân vật có phép thuật hoặc bởi thần linh, ma quỷ…

            Chúng tôi nhận thấy rằng các hình thức đa dạng của cái chết tạm thời và sự sống lại của các nhân vật trong truyện cổ tích được thể hiện qua motif tái sinh có sự gần gũi với những phương thức hành lễ trong một nghi lễ hết sức quan trọng của chu kỳ đời người, một có cội rễ sâu xa trong văn hóa cổ xưa của rất nhiều dân tộc trên thế giới, đó là lễ thành đinh hay còn gọi là nghi lễ trưởng thành. Nghi lễ trưởng thành là một trong những nghi lễ quan trọng của tổ hợp những nghi lễ chu kỳ đời sống. Đó là nghi thức công nhận một đứa trẻ đã trở thành người lớn và có nghĩa là nó đã được chuyển địa vị xã hội. Nghi thức này bao hàm motif tượng trưng của cái chết và sự tái sinh. Tức là, việc đứa trẻ chuyển sang giai đoạn người lớn không phải là một quá trình liên tục mà mang tính đứt đoạn, giai đoạn trẻ thơ đến đây là kết thúc để rồi sau đó được sinh ra một lần nữa với vị thế khác.

            2.NHỮNG BIỂU HIỆN CỤ THỂ CỦA NGHI LỄ TRƯỞNG THÀNH QUA MOTIF TÁI SINH

            2.1. Hình thức gây vết thương hoặc băm chặt các bộ phận cơ thể rồi ghép chúng lại với nhau

            Trong nghi lễ trưởng thành, những thử thách mà chế độ thị tộc đặt ra cho trẻ vị thành niên thường hết sức khó khăn, thậm chí rất nguy hiểm, để bắt buộc những đứa trẻ ấy phải vượt qua được mới có thể chứng tỏ được tư cách công dân thị tộc đã trưởng thành của mình. Những thử thách ấy khi được tiến hành trong xã hội nguyên thủy cổ xưa thường có thể gây sợ hãi vì được thực hiện dưới những hình thức hết sức dã man như chặt đứt một ngón tay hoặc một cánh tay, bẻ một vài chiếc răng hay lột da lưng của người chịu lễ. Đối với trẻ trai thành niên, một vài nơi trên thế giới thực hiện lễ cắt bao quy đầu hoặc đối với bé gái đến tuổi dậy thì phải để cho người hành lễ dùng miếng vỏ sò sắc bén hoặc miếng thủy tinh nhọn để rạch âm vật. Một vài nơi thì xăm lên thân thể người chịu lễ hình ảnh của vật tổ hoặc những hình ảnh kỳ quái tượng trưng cho sức mạnh của bộ tộc. Có nơi còn buộc người thụ lễ phải bơi qua những con suối hung hãn khi nhảy từ trên cao xuống, việc họ có bơi qua được bến bờ bên kia hay không sẽ là kết quả chứng nhận cho sự trưởng thành và xứng đáng gia nhập vào bộ tộc. Những thử thách đôi khi hết sức nguy hiểm và dã man ấy có thể gây ra cái chết thật sự cho người chịu lễ.

            Một trong những hình thức gây vết thương đau đớn trên cơ thể của người chịu lễ là hình thức cà răng, tất cả những đứa bé đến tuổi trưởng thành sẽ phải chịu nghi thức hành lễ này. Một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam như Giá Rai, Gié Triêng, Ê Đê, Mnông… từ xưa đã có tục cà răng cho trẻ bằng liềm hoặc những viên đá ráp. Trẻ nữ còn được xâu lỗ tai từ nhỏ để đến tuổi trưởng thành có thể đeo được những chiếc khuyên tai lớn làm từ ngà voi. Mặc dù hình thức cà răng gây nhiều đau đớn nhưng lại là niềm tự hào của những đứa trẻ thành niên. Vì “cà răng mới bình thường, mới được xem là người trưởng thành thực thụ và đầy đủ và nhờ vậy mới dễ kết hôn, không bị chê cười nên dù phải chịu đau đớn nhưng không ai né tránh” (Vũ Minh Chi, 2004, tr. 319).

 

            Trong Cành Vàng - Bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy, khi nghiên cứu về nghi lễ của cái chết và bước tái sinh, nhà nghiên cứu James George Frazer (2007, tr. 1090) có đưa ra những ví dụ về nghi lễ trưởng thành của bộ lạc người Wonghi hoặc Wonghibon ở phía nam vùng Tân – Galles. Trẻ vị thành niên chỉ được chấp nhận vào cộng đồng khi thông qua một nghi lễ bí mật, trong đó có việc nhổ một chiếc răng và đặt cho anh ta một tên gọi mới. Đồng thời ở dân tộc này còn có truyền thuyết về nhân vật Thuremlin lần lượt dẫn từng chàng trai đi đến nơi xa, giết chết họ hoặc trong một vài trường hợp là băm nát cơ thể họ rồi làm cho họ sống lại và nhổ của họ một cái răng. Bên cạnh đó, ở vùng trung tâm Australia có bộ lạc Unmatjera và một số bộ lạc lân cận có tồn tại nghi thức cắt bao quy đầu và các hành vi cắt xẻo khác đối với người chịu lễ.

            Trong các hình thức của việc gây ra cái chết tạm thời có việc chặt đứt các bộ phận của người chịu lễ (thật hoặc tượng trưng) sau đó ghép chúng lại với nhau, và làm phép cho họ sống lại. Chi tiết này đã được truyện cổ tích miêu tả rất tỉ mỉ và đa dạng trong các dạng thức của motif tái sinh. Chẳng hạn, ở dân tộc Raglai của Việt Nam có hai câu chuyện cổ tích miêu tả việc băm nát cơ thể người chết sau đó dùng lá môn gói lại thành hình người. Truyện Chàng Một Nửa kể lại rằng, ngay từ lúc được sinh ra chàng đã là một đứa bé dị dạng, lớn lên với cơ thể chỉ có một nửa. Trời rủ lòng thương nên dùng phép thuật của mình để giúp chàng có được cơ thể của một người bình thường bằng cách dùng dao băm nát cơ thể của chàng trai thành những mảnh vụn sau đó dùng lá môn gói lại nắn thành hình người và phù phép để chàng có thể sống lại trong một hình hài mới nguyên vẹn (Nhiều tác giả, 2006a, tr. 174). Truyện Lấy chồng rắn kể lại rằng, khi cô chị bị rắn ăn thịt, chồng cô em đã giết chết con rắn ấy, mổ bụng và lôi thân thể đã bị tiêu hóa mất nhiều phần của chị ra. Sau đó chàng băm nát thân thể của chị, lấy lá môn gói lại, để qua ngày hôm sau thì chị sống lại như xưa (Nhiều tác giả, 2006b, tr. 162). Trong truyện Tơ Rá Trang Lan có nhân vật Nơ Ga bị rắn ăn thịt, khi mổ bụng rắn ra thì xác của cô đã thối rữa và có nhiều sâu bọ. Trang Lan mang thi thể nàng ra dội nước và để giữa trời mưa cho trôi hết sâu bọ. Sau đó chàng chặt Nơ Ga ra từng khúc, bỏ vào nồi bung cho thật chín rồi để qua một ngày một đêm. Nhờ đó xương Nơ Ga liền lại, nàng sống lại xinh đẹp hơn xưa (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, 2004). Truyện Người thợ đúc và anh học nghề kể về một ông lão hành nghề đúc người, ông nắm trong tay bí quyết của những phương thuốc nấu thịt người và một khuôn đúc ma thuật. Khả năng đúc người của ông không chỉ khiến cho người chết thành người sống mà còn có thể giúp cho người già nua, bệnh tật hay xấu xí trở thành người trẻ trung, xinh đẹp và khỏe mạnh. Kỹ thuật đúc người của ông là giết chết người sống và bỏ họ vào nồi cùng với những phương thuốc bí truyền, nấu sôi trong nhiều ngày đêm. Sau khi thân thể đã tan ra thành chất lỏng, ông đổ hỗn hợp đó vào trong khuôn đúc. Một vài ngày sau, khi mở khuôn ra, người chết được tái sinh với thân thể hoàn hảo hơn xưa (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học, 2000a, tr. 490).

            Một thử thách gây đau đớn khác của nghi lễ trưởng thành ở một số nơi trên thế giới là nghi thức đóng đinh vào cơ thể của người chịu lễ. Trong truyện cổ tích có motif tái sinh hành động này là một nguyên nhân gây ra cái chết cho nhân vật. Và sau đó cần phải nhờ đến hành vi ma thuật của người khác để hút đinh ra thì nhân vật mới có thể sống lại. Dân tộc Mông của nước ta có câu chuyện Người vợ bướm kể rằng, Nù Dao nghèo cưới được vợ đẹp là Bằng Căng Che, bọn nhà giàu ganh tị, đóng đinh vào đầu Bằng Căng Che, khiến nàng chết. Nù Dao lấy một quả bầu và một sừng bò lăn từ đầu đến chân vợ, lăn đến đâu da dẻ hồng hào đến đó. Nù Dao dùng miệng hút đinh trên trán vợ, hút một cái nàng mở mắt, hút hai cái nàng mở miệng nói, hút ba cái thì nàng ngồi dậy, sống lại như xưa (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2004, tr. 74).

            Qua một vài ví dụ ở trên ta thấy hình thức gây ra những vết thương đau đớn trên cơ thể người sống và việc băm chặt thân thể ra nhiều mảnh không chỉ được thực hiện đối với người đang sống mà cả đối với thi thể của người đã chết. Nghĩa là khi thể hiện trong văn học dân gian, những thử thách nhằm gây ra những vết thương trên cơ thể của người thụ lễ trong lễ thành đinh không chỉ giữ nguyên giá trị là một hành vi gây ra cái chết tạm thời nữa mà còn có giá trị như một sự “làm lại”, “nắn lại” nhằm xóa bỏ dấu tích của cái chết đang hiển hiện trên thân thể của nhân vật. Sau khi những dấu vết của cái chết đã được xóa bỏ thì phần cơ thể đã được băm nát ấy còn cần phải chịu sự tác động của các hành vi ma thuật, phù phép với sự hỗ trợ của rất nhiều tác nhân như lá cây, nước sôi, lửa… thì mới có thể tái sinh. Ta có thể thấy rằng, trong quan niệm cổ xưa của các dân tộc thì việc băm chặt, cắt cứa cơ thể con người giữ vai trò to lớn trong rất nhiều tôn giáo hay phong tục, nghi lễ dân gian, sau này được thể hiện ra trong truyện thần thoại và trong cổ tích. Đối với các bộ tộc người nguyên thủy, việc băm chặt một cách tượng trưng thân thể của trẻ thành niên trong nghi lễ trưởng thành và làm sống lại chính là cội nguồn của sức mạnh mà người thụ lễ sẽ nhận được sau khi từ thế giới của cái chết trở về.

            Một trong những điểm nổi bật khi chúng tôi tiến hành khảo sát dạng thức nhân vật chết đi và sống lại do bị gây thương tích hay bị băm, chặt, chém của motif tái sinh trong truyện cổ tích là sự xuất hiện dày đặc và đóng vai trò hết sức quan trọng của các tác nhân nước, lửa hay các loại thực vật. Có thể thấy được ẩn hiện trong đó quan niệm của dân gian về khả năng sinh sản và quyền năng tái sinh của các thực thể tự nhiên, dẫn đến sự hình thành các tín ngưỡng dân gian như thờ cúng thần nước, thần lửa hay các loại cây cối... Nếu như lá cây có thể làm liền lại vết thương hay thân thể đã bị băm nhỏ của người chết thì nước có ý nghĩa như sự tẩy rửa tội lỗi hay sự non nớt của trẻ thơ để từ đó nhân vật có được sức khỏe phi thường, và lửa được ví như một năng lực siêu nhiên có thể hun đúc và tăng thêm sức mạnh cho trẻ thành đinh. Lễ trưởng thành của một số dân tộc Tây Nguyên nước ta thường có nghi thức các chàng trai tuổi thiếu niên đi đến bến nước tắm hay rửa mặt. Trong lễ Tủ Cải (lễ thành đinh) của người Dao đầu bằng có động tác các thiếu niên mặc trang phục hành lễ và đi quanh chảo lửa lớn để được thần lửa ban cho sức mạnh của người trưởng thành và xua đuổi tà ma.

            2.2. Hóa trang theo hình dáng vật tổ để có thể giao tiếp được với tổ tiên hay đi vào thế giới của người chết

            Trong các giai đoạn hành lễ của nghi lễ trưởng thành, thời gian của cái chết tạm thời được cho là khoảnh khắc mà người chịu lễ đang đi vào thế giới của người chết hay đang giao tiếp với thần linh nhằm học hỏi những bí quyết của tổ tiên cũng như đón nhận sức mạnh và ma thuật của thần linh ban cho. Tuy nhiên để có thể được thần linh chấp nhận và có thể quay trở về thế giới của người sống thì người chịu lễ phải hóa trang theo hình dáng của tổ tiên, của vật tổ hoặc có những hành xử như người đã chết. Và người xưa quan niệm rằng, nếu để ai đó trong thế giới của người chết biết được ta là người của trần thế thì họ sẽ bắt ta ở lại đó mãi mãi vì họ không muốn ta quay lại cõi trần và mang theo những bí mật của họ. Chi tiết này được thể hiện khá đa dạng trong thần thoại và truyện cổ tích trên thế giới. Sự đi vào thế giới tổ tiên lúc này đồng nhất với cái chết và sự trở về của nhân vật được xem là đồng nhất với sự tái sinh trở lại trong một hình hài mới mạnh mẽ hơn xưa.

            Trong thần thoại về ông tổ Lạc Long Quân của người Việt có chi tiết các con dân của Lạc Long Quân bị thủy quái gây hại nên không dám xuống nước để mưu sinh, họ bèn đốt lửa gọi cha về cứu giúp. Lạc Long Quân khuyên các con trước khi xuống nước nên xăm lên mình hình vẽ của rắn, giao long, thuồng luồng... để khi xuống nước tránh bị thủy quái làm hại. Bên cạnh đó, những hình vẽ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ đã cho thấy tục hóa trang theo vật tổ của người Việt cổ đã từng tồn tại từ rất xa xưa. Trên mặt trống có hình đoàn người hóa trang bằng lông chim dài, trên đầu đội mũ có mắt như hình đầu chim, ở mình thì gắn lông chim làm y phục. Đồng thời trên mặt trống còn khắc họa hình những con thuyền có dáng cong vòng cung, ở giữa mỗi thuyền đều có một cây cột trang sức bằng lông chim và đầu chim. Nhà nghiên cứu sử học Đào Duy Anh (2005, tr. 293) khi nghiên cứu về các hình vẽ trên mặt trống đồng Lạc Việt đã giải thích rằng những cảnh tượng được tái hiện trên mặt trống chính là cảnh lễ quy hồn có tính chất vật tổ. Người xưa khi tiến hành những nghi thức của lễ quy hồn đã hóa trang để tự đồng nhất với vật tổ. Hình ảnh con thuyền cho thấy rằng có thể tổ tiên của người Lạc Việt đã vượt biển từ một quê hương cũ tới nơi ở mới. Những cuộc vượt biển được an toàn là nhờ có uy linh vật tổ che chở và nhiều khả năng trong khi vượt biển thực sự, người Việt xưa kia cũng đã tự hóa trang và trang trí thuyền theo hình vật tổ.

            Chi tiết xăm lên mình hình ảnh của rồng rắn trong truyền thuyết hay hình ảnh người hóa trang thành chim Lạc trên mặt trống đồng cho thấy từ rất xa xưa, người Việt đã rất có ý thức về nguồn gốc tổ tiên của mình và mong muốn có hình dạng bên ngoài giống với tổ tiên để được tổ tiên bảo hộ, che chở đồng thời có được sức mạnh của tổ tiên để có thể đấu tranh chống lại những trở ngại từ thiên nhiên và các thế lực thù địch.

            Khi viết về văn hóa nguyên thủy, Frazer (2007, tr. 1089-1090) kể lại rằng ở rất nhiều bộ lạc cổ xưa, đặc biệt là các bộ lạc thực hành tục thờ vật tổ, khi đám thanh niên đến tuổi trưởng thành đều phải trải qua một số nghi thức hành lễ, phổ biến nhất là “việc giả bộ chết của chàng thanh niên rồi sau đó làm cho anh ta sống lại”. Nhà nghiên cứu giả định rằng thực chất của nghi thức này là việc “nhấc bỏ linh hồn chàng thanh niên ra khỏi cơ thể để đưa nhập vào vật tổ của anh ta”. Và việc nhấc bỏ linh hồn ra khỏi cơ thể cũng đồng nghĩa với việc giết chết anh ta hoặc ít nhất cũng khiến anh ta rơi vào một giấc ngủ lịm tương tự như cái chết. Và trong lúc lịm chết này, có một nguồn sống mới được rút ra từ vật tổ truyền vào cơ thể khiến anh, tái sinh trở lại hết sức mạnh mẽ và trưởng thành. Như vậy, theo Frazer (2007, tr. 1089-1090) thực chất của nghi lễ trưởng thành này là sự trao đổi sự sống hoặc linh hồn giữa con người và tổ vật của anh ta. Đồng thời ở một số bộ lạc còn buộc các chàng trai phải sống tách biệt trong một khu rừng sau khi đã tiến hành nghi lễ hóa trang thành vật tổ hay bị vật tổ ăn thịt. Sau đó 1 hoặc 2 ngày họ được quay trở về nhà, trên tay mỗi người có một cây gậy được trang trí hai đầu bằng lông gà trống hoặc lông chim đà điểu. Chiếc gậy này là bằng chứng cho thấy những chàng trai trưởng thành này đã thực sự có mặt ở thế giới của thần linh trong thời gian vừa qua.

            Hình thức người thụ lễ trong nghi lễ trưởng thành hóa trang thành vật tổ để đi vào thế giới thần linh đã từng tồn tại ở rất nhiều nơi trên thế giới, Frazer (2007, tr. 1101) đã kết luận rằng: “Ở bất cứ nơi nào mà người ta gặp thấy tục thờ vật tổ và ở bất cứ nơi nào mà người ta trình diễn vở kịch giả vờ giết chết rồi làm cho chàng trai trẻ sống lại trong lễ trưởng thành, có thể tồn tại hay đã từng tồn tại, không chỉ riêng tín ngưỡng cho rằng có thể gởi gắm một cách thường trực linh hồn vào một đối tượng khách quan nào đó – con vật, cái cây hay bất cứ vật gì – mà còn cả ý định thực hành như vậy” (James George Frazer, 2007, tr. 1101).

            Trong các hình thức sống lại của các nhân vật trong truyện cổ tích có chứa đựng motif tái sinh, có rất nhiều câu chuyện kể về sự hóa thân thành động vật hay thực vật của nhân vật sau khi bị giết chết. Linh hồn hay một phần thân thể của nhân vật tạm thời ẩn nấu trong hình dạng của cây cối hay các con vật ấy để chờ cơ hội tái sinh trở lại thành người: Yrít bị hổ ăn thịt. Trát Tô xỉa răng hổ rơi ra cục thịt của Yrít, cục thịt biến thành cây nấm, cây nấm biến thành Yrít (Chàng Rít). Dam bị quỷ bắt xẻ thịt, khi quỷ phanh ngực Dam, quả tim bay ra biến thành con chuột, con chuột hóa thành Dam (Dam Bơ Lên). Con vợ cả bị vợ bé hại chết, hóa thành một con trâu đực hoa rất đẹp. Trâu đực được một cô gái thực lòng yêu thương nên hóa thành người. (Chàng Trâu) (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2004, tr. 63). Trong dạng thức nhân vật tái sinh thành người sau khi trải qua nhiều lần hóa thân trong các hình dạng khác nhau, thấy nổi bật lên là hình thức nhân vật hóa thành động vật, là chim hay rùa, hoặc ẩn thân trong những loài thực vật quen thuộc như tre, xoan đào, cây thị… Tấm bị mẹ con dì ghẻ hại chết, linh hồn nàng tạm thời ẩn nấp trong hình dáng của chim vàng anh, cây xoan đào, cây thị (Tấm Cám) (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học, 2000b, tr. 874). Hay như trong truyện Kajong và Halek, Kajong chết hóa thành con rùa, rùa bị giết hóa thành búp măng, búp măng bị chặt còn bẹ măng, bẹ măng hóa thành cây thị có một quả duy nhất, từ quả thị Kajong sống lại thành người (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học, 2000b, tr. 855).

            Trong các hình thức biểu hiện của nghi lễ trưởng thành thông qua motif tái sinh, chúng tôi nhận thấy đây là hình thức được thể hiện trong truyện kể một cách mơ hồ nhất. Có thể đây chỉ là biểu hiện của những quan niệm cổ xưa về mối quan hệ giữa loài người với thế giới động vật và thực vật của người nguyên thủy. Tuy nhiên đây cũng có thể là sự biến dạng của nghi lễ trưởng thành - một motif nghi lễ dân tộc khi chuyển tải vào truyện kể dân gian đã không còn giữ được mối liên hệ trực tiếp với nội dung tín ngưỡng, nội dung kí hiệu mà chỉ còn giữ lại được những biểu hiện có liên quan đến hình thức ký hiệu của nghi lễ mà thôi. Và hình ảnh vật tổ có khi đã được biến dạng thành các lực lượng tự nhiên có quan hệ chặt chẽ đến sự tồn sinh của con người.

            2.3. Bị thần linh, ma quỷ hay thú dữ ăn thịt – sự tái sinh từ bào thai mới

            Biểu hiện của cái chết tạm thời trong nghi lễ trưởng thành được tìm thấy trong các tài liệu về các dân tộc nguyên thủy cổ xưa còn có hình thức như là sự nhập thân (hay linh hồn) của người chịu lễ vào một không gian kín, đóng và tối... như một đường hầm, cái hang, nấm mồ hay trong bụng của thần linh, quái vật và các con thú dữ... Từ trong không gian đóng kín đó, trẻ thành niên phải trải qua quá trình hành lễ, chịu tác động của ma thuật hay tự học phép thuật để cứu mình thoát ra và tái sinh trở lại từ một bào thai mới

            Trong bộ lạc Binginga cư trú trên dải bờ biển phía tây vịnh Carpentarie (Úc), người ta tin rằng có một vị thần linh tên là Katajalina sống trong tổ kiến, khi trong bộ lạc có chàng trai nào đến tuổi trưởng thành thì thần sẽ chui ra ăn thịt chàng trai rồi làm cho chàng sống lại. Cũng như vậy, những người Anulas ở gần đó cũng tin rằng có vị thần linh tên Gnabaia nuốt sống các cậu bé thiếu niên và làm cho họ sống lại trong hình hài những người đàn ông trưởng thành. Ngược lại, những người Yabins, Bakaus và Tamis lại tin rằng những đứa trẻ thành niên bị quái vật ăn thịt chứ không phải thần linh và khi tái hiện lại nghi thức ăn thịt đó, họ tạo ra một con quái vật to lớn và đáng sợ bằng một chiếc lều dài khoảng 30 mét có hình thù kì dị, với một đầu nhô cao như đầu quái vật và một đầu vuốt nhọn như đuôi của nó. Trẻ vị thành niên đã nấp sẵn vào trong đó, sau một loạt những nghi lễ bên ngoài, con quái vật (chiếc lều) sẽ nôn chàng trai trẻ ra ngoài. Nhưng anh ta còn phải chịu một cuộc giải phẫu đau đớn hơn là cắt bao quy đầu và vết cắt ấy được cho là những vết cắn và cào cấu của quái vật khi nó khạc anh ta ra ngoài (James George Frazer, 2007, tr. 1092).

            Khi nghiên cứu về nghi lễ này, Vũ Minh Chi (2004, tr. 317) kể rằng trên thế giới có bộ lạc người Mende Tây Phi, trong quá trình tổ chức lễ thành niên của họ có nghi thức bị thần mặt trời ăn thịt. Những vết xăm để lại thành sẹo trên lưng người chịu lễ sau này được hiểu đó chính là vết răng của thần mặt trời. Khi bị thần mặt trời ăn thịt (chết một cách tượng trưng) những đứa trẻ này sẽ được dạy các phép tắc nghi lễ, bí quyết chữa bệnh… Sau đó người ta sẽ đánh trống suốt đêm đến sáng để thúc giục thần mặt trời mở bụng đẻ ra những con người trưởng thành (thực tế là họ được cho rơi từ trên cây xuống). Nghi lễ này tượng trưng cho việc các thiếu niên đã được tái sinh thành một “người Mende hoàn hảo mới”, nắm được truyền thống bí mật của bộ tộc.

            Vũ Minh Chi (2004, tr. 319) cũng đồng thời phát hiện ra rằng dân tộc Dao ở nước ta cũng có hình thức tái sinh tương tự, tức là những đứa trẻ thành niên sẽ được sinh ra một lần nữa từ một bào thai mới. Khi những người đàn ông Dao đến tuổi trưởng thành, họ được tham gia vào lễ cấp sắc. Người chịu lễ sẽ đứng cạnh chiếc võng và sẽ bị hất ngã vào chiếc võng. Hành động ngã vào võng tượng trưng cho việc nhập vào một bào thai mới. Sau đó khi bị võng lắc hất đứng dậy, người đàn ông thành niên đó sẽ không còn là đứa trẻ con của bố mẹ sinh ra mà đã trở thành một con người của xã hội, con người của tôn giáo.

            Đối với người Dao đầu bằng ở tỉnh Lai Châu nước ta hiện nay thì lễ trưởng thành được xem như là một nghi thức tâm linh đã có từ truyền thống và cho đến bây giờ vẫn giữ nguyên giá trị. Nghi thức này được cho là sự sinh ra lần thứ hai của người chịu lễ, sau khi trải qua nghi lễ này, đứa trẻ mới được thần linh nhận mặt, mới có thể giao tiếp được với thế giới tổ tiên. Trong khi tiến hành nghi lễ cũng có một chiếc lưới được kết bằng dây rừng tượng trưng cho bào thai của người mẹ, người chịu lễ leo lên dàn cao và nhảy xuống chiếc lưới bên dưới, sau khi bước ra khỏi chiếc lưới bào thai ấy, cậu thiếu niên đã chính thức trở thành người đàn ông của gia đình và là người công dân trưởng thành của xã hội.

            Hình ảnh tượng trưng cho bào thai mới trong lễ trưởng thành ở một số bộ lạc có khi được thể hiện như là một nấm mồ như ở bộ lạc Coast Murring ở đảo Tân – Galles chẳng hạn. Người hành lễ sẽ nằm yên trong một nấm mồ giả được người khác phủ lên anh ta bằng một lớp mỏng những mẩu gỗ và đất vụn. Sau khi được một nhóm thầy cúng đi vòng xung quanh đọc bài cầu khấn thì anh ta đột nhiên đứng dậy, hất tung lớp đất và vỏ cây, múa những điệu múa ma thuật được cho là đã học được từ tổ tiên. Từ lúc đó anh ta chính thức được công nhận là người trưởng thành của bộ lạc (James George Frazer, 2007, tr. 1091).

            Nội dung của các câu truyện cổ tích có chứa đựng motif tái sinh gần gũi với hình thức sinh ra từ một bào thai mới ở nghi lễ trưởng thành, thường miêu tả nhân vật bị thú dữ nuốt vào bụng sau đó được người khác rạch bụng thú và cứu ra, làm phép cho sống lại. Cha của Đam Phu bị cá sấu nuốt. Dam Phu đi tìm cá sấu để cứu cha. Chàng giết chết cá sấu, rạch bụng nó và đưa xác cha về nhờ già Pôm cứu sống (Chàng Dơlênh và nàng Phơ). Chị bị rắn ăn thịt, chồng của em mổ bụng rắn lôi chị ra và làm phép cho chị sống lại (Chàng Trăn) (Nhiều tác giả, 2006b, tr. 162).

            Với hình thức nhân vật bị thú dữ ăn thịt chỉ còn sót lại một bộ phận nào đó của cơ thể, khi đem bộ phận ấy cất, ngâm, ủ, chôn... trong một không gian kín như chum, nồi, lòng đất (hình ảnh tượng trưng của bào thai và nấm mồ) thì trải qua một thời gian, từ bộ phận còn lại ấy sẽ sản sinh ra một cơ thể đầy đủ và nhân vật sẽ được tái sinh. Trong Sự tích mặt trăng, mặt trời có nhân vật là em trai của Ápa bị tinh tinh ăn thịt chỉ còn lại quả tim. Ápa lấy tim em ngâm vào một chum đầy nước và bịt chặt lại. Sau ba ngày, Ápa mở chum nước ra thì đã thấy em sống lại (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học, 2002, tr. 1106). Hay như truyện Sâu và Sía có kể rằng, tất cả dân làng người H’mông nọ bị mụ Ma ăn thịt chỉ còn lại các ngón tay và ngón chân của người chết. Hai anh em Sâu và Sía mang những ngón tay và ngón chân ấy đi chôn sâu xuống đất. Ít lâu sau, từ những ngón tay và ngón chân đó, người sống mọc lên (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học, 2002, tr. 1055). Truyện Chàng Gialahin kể rằng Gialahin bị cọp ăn thịt, đầu cứng quá không ăn được nên cọp đem bỏ vào chum. 10 ngày sau khi mở chum ra thì đầu của Gialahin đã biến thành một em bé kháu khỉnh. Hay trong truyện Hai chị em, khi em chết, chị bỏ tim em vào chum ủ cùng 9 gánh lá phép và 9 gánh nước suối đầu nguồn. 3 ngày, 3 đêm sau mới mở chum, em sống lại.

            Sự tái sinh của nhân vật đã chết từ một bào thai mới còn thấy thể hiện rõ nhất ở dạng thức nhân vật sống lại do được thần linh cho đầu thai vào bụng của một người phụ nữ khác. Truyện Mối tình chung thủy kể về tình yêu ngang trái của nàng con gái họ Phàng và người con trai họ Tráng. Vì bị cha mẹ ép duyên, nàng con gái họ Phàng tự tử trên kiệu hoa, sau đó được thần linh cho đầu thai vào bụng của người đàn bà họ Đặng. Trong hình dạng của một đứa bé, nàng đã trưởng thành rất nhanh và mau chóng trở thành một cô gái giống hệt như xưa (Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học, 2002, tr. 892). Hay truyện Duyên nợ tái sinh có cô con gái phú ông và một anh học trò nghèo yêu nhau nhưng không được lấy nhau, cô gái tự tử. Anh học trò lấy mực son ghi vào lòng bàn tay người yêu mấy chữ “Thử sinh duyên vị liễu, nguyện kết hậu duyên sinh” và chôn cô dưới gầm giường. Cô gái được trời thương tình cho đầu thai vào bụng của một phu nhân quý tộc khác. Nàng được sinh ra lần nữa và trên tay vẫn còn dòng chữ ngày xưa (Nguyễn Đổng Chi, 2000b, tr. 1340). Hoặc câu chuyện kể về đôi bạn Ất và Giáp, Giáp cho Ất mượn tiền sau đó bị Ất giết chết. Giáp ẩn nấp trong một quả khế, vợ Ất ăn khế và có thai rồi sinh ra Giáp trong hình hài một đứa bé. Ất bị trừng trị còn Giáp trở về nhà mình sống lại như xưa (Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông) (Nguyễn Đổng Chi, 2000a, tr. 372).

            3. KẾT LUẬN

            Từ những phân tích và dẫn chứng nêu trên, chúng tôi thấy rằng motif tái sinh trong truyện cổ tích Việt Nam chính là sự chuyển tải của nghi lễ trưởng thành có nguồn gốc từ trong lịch sử văn hóa dân tộc vào văn học. Có thể khẳng định nghi lễ trưởng thành chính là một hình thức nguyên thủy của motif tái sinh trong văn học dân gian. Đồng thời khi được chuyển hóa từ một motif dân tộc học thành motif truyện kể dân gian thì đây cũng là một trong những nghi lễ nguyên thủy còn giữ lại được những hình thức trực tiếp, gần gũi và dễ nhận diện nhất.  

 

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Đào Duy Anh. 2005. Lịch sử cổ đại Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin.

2. James George Frazer. 2007. Cành vàng - Bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin.

3. Nguyễn Đổng Chi. 2000a. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập 1). Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

4. Nguyễn Đổng Chi. 2000b. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập 2). Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

5. Nhiều tác giả. 2006a. Truyện cổ Mơ Nông. TPHCM: Nxb. Văn Nghệ.

6. Nhiều tác giả. 2006b. Truyện cổ Raglai. TPHCM: Nxb. Văn Nghệ.

7. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học. 2000a. Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam (tập 2, quyển 1), Truyện cổ tích. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

8. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học. 2000b. Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam (tập 2, quyển 2), Truyện cổ tích. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

9. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học. 2002. Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (tập 2), Truyện cổ dân gian, Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng.

10. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. 2004. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 2, quyển 1), Văn học các dân tộc thiểu số. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

11. Viện Khoa học Xã hội VN. 2004. Tổng tập văn học dân gian người Việt (tập 6), Truyện cổ tích thần kỳ. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

12. Vũ Minh Chi. 2004. Nhân học văn hóa - con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội, TP.HCM, số tháng 8/2014

 

 

 

 



* Tiến sĩ. Khoa Văn học và Ngôn Ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website