“Gấm” trong bàn tay nhỏ dưới mưa

                              (Vài cảm nhận khi đọc “BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA” tiểu thuyết của nhà văn TRƯƠNG VĂN DÂN )

                       (cty vh Phuong Nam-Nxb Hội Nhà văn, 2011)

Đọc cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của nhà văn Trương văn Dân,  tôi chợt nhớ lại những ngày còn đi học, hồi đó hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã làm tôi khắc khoải bởi ý niệm của con người ý thức s phn ca mình do thiên mnh:

            “'Bắt phong trần phải phong trần'

'Cho thanh cao mới được phần thanh cao” (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Tôi đồng cảm với nhà văn Trương văn Dân về sự giải bày, chia sẻ tình yêu thương, những trăn trở về sự sống và số phận con người trong xã hội công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” gần như không có cốt truyện, chỉ kể về tình yêu giữa người phụ nữ tên Gấm và người đàn ông nhà báo với miên man dòng cảm xúc, những suy tư, trăn trở về mối hiểm họa trong xã hội hiện đại mà con người phải gánh chịu. Qua bút pháp độc thoại nội tâm có pha lẫn thể loại ký báo chí, ông khám phá hiện thực cuộc sống và nỗi bất hạnh, nỗi lo sợ của con người  trong xã hội hiện đại “Nó là hệ quả của một nhịp sống hối hả phi nhân của thời đại, nguyên nhân chính là sự gian tham và tàn ác của con người[i], lập luận và đưa ra những lý do vì sao con người cần phải sống theo tự nhiên, ông đã gởi vào đó một khát vọng  sống và yêu mãnh liệt của con người qua nhân vật Gấm và người đàn ông của cô.

Từ những giằng xé trong tâm hồn của một nhà văn đầy lòng trắc ẩn, ông đã xây dựng một nhân vật điển hình cho lòng khát khao sống và khát khao yêu trong xã hội hiện đại. Họ đã yêu nhau thiết tha và mãnh liệt giữa cõi đời này: “Cám ơn em, vì nhờ có em mà anh hiểu được một tình yêu vừa thánh thiện vừa mê say trên cõi đời này là có thật. Tình yêu đó vừa nhẹ nhàng, vừa mãnh liệt, vì chúng mình đã yêu nhau trong ý thức, trong vô thức và cả trong tiềm thức....”. Nhưng tình yêu của họ phải trải qua nhiều nỗi đau trong một xã hội xấu xa đầy dối trá và số phận Gấm là hệ quả của sự tham lam, ích kỷ, tàn bạo và sống thiếu trách nhiệm của con người.

Gấm đã cô đơn với cuộc sống từ tuổi thơ cho đến bám víu vào hai cuộc hôn nhân, và bi kịch hơn là cô đơn ngay với chính mình từ cuộc hôn nhân lần thứ hai: “...Đêm đêm nằm bên tôi, chắc anh ta chưa bao giờ nghe tiếng trái tim tôi quặn thắt”. Đã qua hai cuộc hôn nhân mà Gấm vẫn chưa tìm cho mình một tình yêu đích thực. Với lối viết tả ít nhưng gợi nhiều, ông đã gợi cho người đọc những nỗi niềm trăn trở với “nỗi đau thân phận con người và khuynh hướng tàn ác hiện nay của thế giới”. Ông đã viết, lý giải những điều trông thấy và những dự cảm của mình xung quanh cuộc sống, tập hợp những sự kiện, miêu tả từng chi tiết những phát minh của con người với nền khoa học văn minh, tiến bộ. Nhưng mặt trái những tiến bộ khoa học là sự khủng hoảng, là nỗi lo sợ, của con người trong xã hội toàn cầu hóa, được ông viết với những dòng cảm xúc khắc khoải đầy khát vọng: “...Trên thực tế có nhiều đường sá nhưng chỉ để bảo đảm nhu cầu mặt tiền và bán đất chứ không vì giao thông. Thành phố phình to mà không gian bị bế tắc về cảnh quan, môi trường  và sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ.

Trong không gian chật hẹp, tập tính của con người bị dồn nén đang bị biến tính, sống kiểu tranh cướp nhau. Con người không còn băn khoăn về việc buôn gian bán lận, lừa lọc người khác và có khi còn xem đó là nghệ thuật sống. Cuộc tranh sống khốc liệt biến con người thành ích kỷ và hung bạo”.

Dưới ngòi bút của một nhà văn đầy lòng nhân ái, ông nêu ra “Những vấn nạn của xã hội trước xu thế toàn cầu hóa” ông  đã chỉ ra một cách nhẹ nhàng mà đầy tính thuyết phục về sự vô nghĩa và phi lý của xã hội công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Ông nêu những thành tựu khoa học ngày càng văn minh, tiến bộ, cuộc sống vật chất ngày càng cao....đồng thời cũng chỉ rõ những nhu cầu ích kỷ, tham vọng  của con người con người thì tham lam mà trái đất thì cạn kiệt”, để thấy rõ môi trường sống đã trở thành mối hiểm họa tự hủy diệt mình: “Các người đang khai thác hành tinh này như thể là không hề có ngày mai. Các người đã bán rừng. Bán đất. Hết bán trên mặt thì các người đào xới dưới sâu để bán. Các người đang bán những gì có thể. Bán tất tần tật. Kẻ bán thể xác, kẻ bán linh hồn, bán mãi đến khi không còn gì để bán và thế giới này đang bị hủy hoại cả vật chất lẫn tinh thần”

Mà suy cho cùng, tham vọng con người cũng không thể tách rời cái ác. Ngày nay, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... ngày càng tăng, đạo đức ngày càng suy thoái cũng chỉ vì tham lam, ích kỷ, xâu xé lẫn nhau để tranh giành địa vị trong xã hội.... và ông đã đau xót cho nỗi bất hạnh này: “Tôi chợt nghĩ là Gấm đã sống đủ và đau khổ cũng đủ. Biết đâu trái tim mẫn cảm của nàng không chịu nổi sự trần tục ở đời, không thích ứng với những mưu ma chước quỷ của thời đại, nơi con người “hiện đại” đang tranh sống và xâu xé nhau như dã thú”. Cùng đau với nỗi đau của con người, nhưng không buông xuôi mà ông đã có một thái độ sống đúng đắn, biết cảm thông và bao dung, ông khuyên con người “đừng tự xiềng xích mình vào nỗi bất hạnh” “hãy vui mà sống” “Hạnh phúc thật ra chỉ có trong những điều nhỏ nhặt”. Ông quan niệm về hạnh phúc con người trong cuộc sống cần phải có nhiều thứ, ví như người giàu, có quá nhiều tiền bạc, của cải mà thiếu văn hóa sống thì sẽ  trở thành người bất hạnh: “Nghèo thì khổ, điều đó dễ thấy, nhưng giàu mà thiếu văn hóa sống thì cuộc đời cũng chẳng khác gì đâu. Cái khác là nghèo, từ thiện có thể cho, còn bất hạnh thì không ai giúp được”. Tôi nghĩ ông là người chịu nhiều ảnh hưởng bởi triết lý Phật giáo, nên khi  viết về lòng yêu thương, ông đã viết với tấm lòng bao dung và độ lượng: “Người ta nói rất nhiều về tình yêu, nhưng lại thương yêu nhau quá ít...”, “Mỗi người chúng ta đều có thể mang nhân quả, liên kết với nhau từ bao kiếp trước, hãy lấy tình thương mà bước qua những khổ đau và oán hận....”. Hay như ông tự hóa giải, trên tinh thần “vô ngã” hay “dĩ tĩnh chế động” mỗi khi tỏ ra không tôn trọng một ai:“...không cần to tiếng hay cãi cọ, nụ cười có thể làm cho người ta thấy đau hơn nhiều. Nó làm cho người ta cảm thấy mình không tồn tại hay tồn tại mà không có trọng lượng gì trong mắt ”.

Đọc “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, ta nhận ra ở ông là  một sự cảm thông chia sẻ, một nỗi ngậm ngùi, một niềm khắc khoải bởi lẽ ông luôn nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc của con người, chiến tranh đã đi qua, con người lại tiếp tục đối phó với những đau khổ và bất hạnh bởi lòng tham sân si… Dù bị đe dọa bởi hiểm họa môi trường sống, nhưng vì cuộc sinh tồn con người buộc phải lao vào mà không thấy những hệ lụy đằng sau đó. Tưởng rằng đã thoát ra khỏi nỗi sợ hãi của chiến tranh, đẫm máu vì bom đạn thì nay con người  lại phải đối mặt với những hệ lụy từ  những cạnh tranh, giành giật, tận thu tài nguyên, phá hủy môi trường... Nó đã trở thành mối hiểm họa và đã làm cho kẻ thì bệnh tật, sống lây lất, người thì dùng mọi cách lừa lọc để tìm đến đỉnh vinh quang, thể hiện cái tôi, cái ta trong xã hội. Tác giả đã vạch rõ bản chất của những mỹ từ, những “ngôn ngữ hồ đồ, đánh tráo khái niệm” nhằm “che đậy những tư tưởng xấu xa” trong xã hội.

Viết về thân phận con người trong xã hội hiện nay, ông đã viết về nỗi đau cùng với nỗi khát khao của con người trong tình yêu:” Nỗi tủi nhục và bẽ bàng cứ bám riết tôi. Qua hai đời chồng mà tôi chưa hề tham gia tích cực trong quan hệ đượm vị ái ân. Tôi chưa bao giờ trở thành kẻ đồng lõa trong trò chơi mê cuồng, hoan lạc. Thân thể tôi sau nhiều năm ngủ yên, bản năng tắt lịm như con thú ngủ đông tưởng sẽ chẳng bao giờ thức dậy. Đó là vết thương đau đớn và bí mật mà tôi tưởng mình sẽ phải gánh chịu cho đến cuối cuộc đời”. Khi biết cái chết gặm nhắm dần sự sống, ông đã khắc họa tâm trạng dằn vặt, đau đớn của Gấm với hình thức độc thoại nội tâm thật vô cùng sâu sắc: “Mỗi thời khắc trôi qua là con Gấm sống và tự giết chết một phần của chính mình. Những tế bào này chết, những tế bào khác sinh ra. Con Gấm thay đổi, tự bác bỏ, tự mâu thuẫn, tự hoài nghi giữa đúng và sai, giữa chân lý và sai lầm… và đó chính là sự trưởng thành, là sự hoà nhập vào hiện thực cuộc sống thiên hình vạn trạng”.

Những ngôn từ đầy mỹ ý để che giấu hành động độc ác, những thành tựu khoa học văn minh từ sự đồi bại có chủ tâm ... chẳng mang lại cho con người một cuộc sống an toàn, hay một tình yêu đích thực. Con người luôn phải đón nhận bi kịch này đến bi kịch khác trong kiếp nhân sinh. Bi kịch lớn nhất lúc này của Gấm là nỗi sợ hãi và cô đơn, nhưng khi đứng ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, đối diện với chính mình, tư tưởng Gấm không chịu buông thả số phận mình theo định mệnh mà cô đã ý thức được về sự tồn tại của mình và hình như mọi động, tĩnh  của cuộc đời đã làm cho cô nhận thức được cái Tôi trong cô: “Chỉ có sự nhận thức rằng mọi chuyển biến đều không tránh khỏi là còn ở lại. Và tôi thả rơi cái Tôi của mình trong cảm giác tự xóa mà không đau đớn, sẵn sàng hòa nhập và chìm trong mênh mông. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy khói sương. Tất cả núi sông, thành quách, nhà cửa....dưới trần gian bổng thu nhỏ lại, dần dần biến mất.

Tất cả chỉ còn là khoảng không. Vô tận và mờ ảo.

 Bản ngã, vô ngã sắp hòa vào đại ngã”.

Đây cũng là thế giới nội tâm của ông khi nhìn lại chính mình, là giá trị nhân văn sâu sắc về lẽ tử - sinh mà ông muốn gởi gắm vào đó. “Vậy có phải đã ngộ ra được lẽ tử sinh? Đã lý giải được cái giới hạn  vươn lên cõi vô cùng? Đã thấy được vô biên trong hình người hữu hạn?” .

Nhân vật Gấm đã diễn xong vai diễn của mình ở sân khấu cuộc đời với những bi, hài kịch đầy đủ hỷ, nộ,  ái, ố, lạc, dục. Những thứ ánh sáng điện đèn nhiều màu sắc rực rỡ, chớp nháy như ánh hào quang rồi cũng tắt, Gấm rời vai diễn, rời khỏi sân khấu để lùi vào bóng tối của cuộc đời, có thể sau đó sẽ có một ít người nhớ đến Gấm với những vai diễn hoàn hảo, mang lại cho họ những khoảnh khắc buồn, vui trong chốc lát : “Áng mây trên bầu trời kia sẽ không còn nữa. Như tôi chưa từng hiện hữu. Tôi sẽ trả lại nước mắt khổ đau cho đời. Tôi sẽ vứt bỏ hết mọi lạc thú, mọi thói quen và vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống. Có lẽ chỉ còn lại những điều mà tôi suy nghĩ, từng cảm xúc và để lại nỗi nhớ trong lòng một ít người còn nhớ đến tôi”.

Nhưng rồi Gấm đã nhận thức được những giai đoạn mà đời người phải trải qua : sinh, lão, bệnh, tử, cho nên cô cũng không còn hoảng loạn, lo lắng về căn bệnh quái ác và cái chết cận kề, Gấm bỗng trở nên lạc quan và yêu thiết tha cuộc sống này, yêu nữa người mình tìm thấy như yêu một tâm hồn đồng điệu. Khát vọng yêu của Gấm, của một cuộc đời đang bước những bước tận cùng của số phận đã được ông viết ở đỉnh cao của cảm xúc: “cả hai  tận hưởng dư vị trái cấm trong cảm giác say sưa. Rả rời và buông thả. Hình hài quằn quại như đớn đau nhưng hoan lạc vươn lên đỉnh điểm”.

Còn viết về tình yêu, tình dục, ông đã viết bằng một cảm xúc mãnh liệt từ sự rung cảm của trái tim, làm cho văn chương ông toát lên một vẻ đẹp quyến rũ và hướng  đến giá trị chân thiện mỹ: “...Chúng tôi thường thủ thỉ những lời yêu thương, đến khi ngôn ngữ không còn khả năng chuyển tải và diễn đạt thì chúng tôi lại nói với nhau bằng thứ ngôn từ đơn giản nhất. Ngôn ngữ của thân xác. Ôi, từ trước đến nay tôi chỉ cảm nhận tình yêu bằng một sự chung đụng, có khi đau xót hay day dứt đến bẽ bàng, thì đây là lần đầu tiên tôi chứng nghiệm được sự tuyệt vời của tình yêu. Bằng tất cả yêu thương và sự thèm khát trong người đàn bà bấy lâu nay kìm nén, gìn giữ, bằng tất cả sự sung mãn và phát triển đang độ phì nhiêu nhất... tôi cùng anh hòa nhịp trong vũ điệu ái tình. Đắm đuối dìu nhau lên đỉnh điểm khoái cảm tột cùng. Hai thân thể quấn quýt nhau trong thứ ánh sáng của ngày mới, mang đầy màu sắc vừa hoang dã, vừa linh thiêng của thưở hồng hoang”.

Bỗng nhiên tôi liên tưởng đến cái tên “Gấm” mà ông đặt cho người phụ nữ trong tác phẩm này. Gấm là một trong những loại vải quý hiếm, áo gấm ngày xưa được coi là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý, sự thành đạt trong con đường học hành và công danh. Trong Hán sử có câu “Phú quý bất quy cố hương như cẩm y dạ hành” (có nghĩa là giàu sang mà không trở về quê thì cũng như mặc áo gấm đi đêm). “Gấm” trong “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, có lẽ đó là sự chắt lọc tất cả những cái tốt đẹp và thuần khiết nhất của con người từ thuở hồng hoang, nhưng thân phận Gấm cũng là thân phận con người “ Tôi là kết tinh của sự bất hạnh hay là người phụ nữ được yêu....”, cuộc đời Gấm cuối cùng rồi cũng bị xô đẩy vào con đường bế tắc của số phận.

 

Bằng những cung bậc cảm xúc khác nhau và với một lối viết rất riêng, ông đã cho người đọc nhận ra hệ quả tất yếu từ những tham vọng của con người và ông đã  viết đến tận cùng của cảm xúc về lòng khát khao sống và khát khao yêu của con người: “Vì chết chỉ là mở đầu của sự tái sinh nên chúng tôi ước muốn sẽ cùng nhau quay lại cõi trần gian. Bởi với tình yêu ngút ngàn Gấm đã dành cho, thì giữa Bồng Lai của chư thần và cuộc sống trần tục với tôi, chắc nàng sẽ chẳng đắn đo chọn bước thứ hai”.

Có lẽ là người xa quê hương rất nhiều năm, ông lại là một nhà văn rất gần gũi với cuộc sống đời thường, với tấm lòng bao dung, ông đã  hóa thân vào nhân vật Gấm để gửi gắm những suy tư, trăn trở về thế sự, về cuộc đời, về số phận và nỗi bất an của con người. Ông viết và lý giải những điều mắt thấy tai nghe, phản ảnh đời sống xã hội và thể hiện nhân sinh quan trong những ngày tháng trở về quê hương sau 40 năm sinh sống ở đất Ý và đặc biệt là ông đã sống hết mình cho tình yêu.

Nhưng Gấm là ai? là ai mà đã làm ông phải khắc khoải, suy tư.... với rất nhiều cảm xúc đan xen trong suốt hơn 400 trang sách. Phải chăng đó là cảm xúc của ông, của một tấm lòng nhân hậu, của một con người sống có trách nhiệm với đời, với người, khi nghĩ về thân phận và cuộc đời của con người vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh lại phải sống chung với những vấn nạn xã hội về xu thế toàn cầu hóa; về bản năng sinh tồn và sự hủy diệt con người; về những mầm hy vọng chưa kịp lóe lên rồi chợt tắt trong niềm tuyệt vọng; về  cuộc đời giữa mơ và thực, giữa tử và sinh, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa tình yêu và nước mắt, giữa xảo trá, quỷ quyệt và lòng trung thực.... Nỗi đau của Gấm trong tác phẩm này cũng chính là nỗi đau của nhà văn Trương văn Dân và cũng là nỗi đau chung của nhân loại, vì vậy ông đã chiến đấu với nó như nhà văn Ấn Độ Suzanna Arundhati Roy, một cây bút tích cực tranh đấu cho human right đã viết: “Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế và đồng nhất hoá về văn hoá như hiện nay, nhà văn phải dấn mình vào cuộc đấu tranh chống lại những biến động chính trị, kinh tế, xã hội không phải với tư cách một chiến binh chuyên nghiệp, mà là với tư cách một con người biết động lòng trắc ẩn vì chân, thiện, mỹ. Chiến đấu bằng ngòi bút là cách tốt nhất mà một nhà văn có thể làm” ( Trích trong bài      “Nhà văn trước mặt trái của toàn cầu hóa” của  Arundhati Roy, bản dịch của Ngô Vũ)[ii]

Cho dù “Bàn tay nhỏ dưới mưa” không che nổi phận đời, phận người, nhưng có thể vẫy gọi khắp mọi nơi bằng tình yêu thương, bằng tấm lòng từ, bi, hỷ xả, để mọi người cùng nhau chia sẻ yêu thương, để con người rủ bỏ bớt lòng tham lam, ích kỷ, để chúng ta có được một cuộc sống thân thiện, an yên, biết đón nhận lấy những bất trắc trong cuộc đời và nhất là biết tha thứ để mang lại hạnh phúc cho nhau:

“Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
Dù vẫn biết mai này xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời” (Nhạc Trịnh Công Sơn)

 

 

Qui Nhơn, ngày 03 tháng 9 năm 2014

             TKĐ



[i] Những đoạn in nghiêng được trích từ tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”

[ii] http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=7953 và Văn nghệ số 34 (tháng 8-2012)

 

Danh mục website