Phương án nào cho sách giáo khoa?

Chúng tôi cho rằng việc đề ra phương án biên soạn sách giáo khoa (SGK) nên chậm hơn một nhịp, sau khi đã bàn bạc và thống nhất việc đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông và chương trình của các lớp. Lần đổi mới này cần phải làm thận trọng và chắc chắn, thà là chậm một chút còn hơn là để diễn ra tình trạng “việt vị” trong giáo dục.

          Như chúng tôi đã có lần đề nghị, điều cấp bách nhất hiện nay là Chính phủ thành lập một Hội đồng chỉ đạo biên soạn chương trình và SGK gồm các chuyên gia uy tín về giáo dục. Chỉ có hội đồng đó mới đủ khả năng tiếp thu và tổng kết các luồng dư luận góp ý để tổ chức xây dựng một chương trình hợp lý, hiện đại, mang tính hệ thống cho cả ba bậc học phổ thông. Cũng chỉ có hội đồng đó mới đưa ra câu trả lời thuyết phục rằng có nên biên soạn lại SGK tất cả các môn học hay không và biên soạn như thế nào. Chúng tôi nghĩ rằng một hội đồng do Chính phủ thành lập sẽ là đại diện có thẩm quyền nhất nói lên tiếng nói của những người có trách nhiệm.

          Sau khi có chương trình ổn định rồi – và việc này không thể làm một sớm một chiều – mới bàn kỹ đến phương án biên soạn SGK. Về việc này, nếu Bộ GD-ĐT vẫn chủ trì biên soạn một bộ sách chuẩn – tạm gọi là bộ sách “mẫu” – và hệ thống NXB Giáo dục vẫn đảm đương toàn bộ việc xuất bản và phát hành SGK thì tình hình sẽ vẫn như cũ và khó mà khuyến khích sự sáng tạo trong viết sách, làm sách. Bộ nên sử dụng thật nghiêm quyền chọn lựa đầu tư cho những dự án khả thi do các nhóm soạn giả đề xuất và quyền thẩm định chất lượng SGK thông qua Hội đồng chỉ đạo nói trên.

Biên soạn mới sách giáo khoa là một vấn đề được dư luận quan tâm. Ảnh: HTD 

          Gần đây có ý kiến cho rằng đối với SGK các môn khoa học tự nhiên thì có thể xã hội hóa, còn khoa học xã hội thì Bộ phải “giữ quyền” biên soạn. Riêng tôi lại nghĩ hơi khác. Thật ra bộ phận lạc hậu, ít cập nhật về kiến thức và phương pháp, cũng như có nhiều vấn đề nhất hiện nay là SGK về khoa học xã hội chứ không phải khoa học tự nhiên. Thậm chí, phần khoa học tự nhiên đang tương đối ổn định, ta có thể để chậm lại, ưu tiên tập trung công sức cho khoa học xã hội. Và vì thực trạng SGK khoa học xã hội như vậy, nên cách làm lại càng phải tạo điều kiện để phát huy sáng kiến của các chuyên gia, trong đó có những nhà giáo ở đại học, những học giả ở các viện nghiên cứu, các thầy cô giáo đang trực tiếp dạy học.

          Đồng ý là ở ta hiện nay những người biên soạn SGK có kinh nghiệm không nhiều. Nhưng sở dĩ có tình trạng đó là vì chúng ta bao cấp và độc quyền trong lĩnh vực này quá lâu, chẳng khác nào những kiến trúc sư và kỹ sư tài năng không thể tham gia thiết kế và thi công khi không có đấu thầu công khai và minh bạch mà chỉ có phương án “chỉ định thầu”. Trong giáo dục đại học hiện nay, mỗi môn học còn lưu hành năm, bảy bộ giáo trình khác nhau; thì không lẽ đội ngũ chuyên gia về giáo dục phổ thông cả nước không có được năm, ba nhóm soạn giả có năng lực biên soạn SGK có chất lượng cho từng môn học hay sao.

           Cần lưu ý rằng những nhóm chuyên gia này không phải tùy tiện muốn viết gì thì viết trong SGK mà họ phải căn cứ trên chương trình chuẩn do Bộ ban hành và chỉ khi nào được Hội đồng chỉ đạo thẩm định và chuẩn y thì sách của họ mới được lưu hành trong nhà trường. Họ phải đầu tư công sức và thời gian, lao tâm khổ trí, thường xuyên bổ sung, sửa chữa thì sách của họ mới được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Bước đầu có thể chưa có nhiều bộ SGK hoàn thiện, nhưng cách làm này là hướng đi đúng đắn để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho chất lượng SGK ngày càng nâng cao.

           Điều sau cùng cần nhắc lại một lần nữa là các nhà xuất bản của chúng ta hiện nay đều thuộc về Nhà nước, có sự lãnh đạo và quản lý chặt chẽ, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, tuy không phải tất cả, nhưng một số NXB có đủ năng lực và tư cách tham gia vào thị trường xuất bản SGK. Nếu có một cơ chế hợp lý, đó sẽ là nơi huy động và tập hợp vốn trí tuệ và tài chính của xã hội để góp phần giải quyết một vấn nạn gây nhức nhối trong giáo dục hiện nay.


 


 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website