Từ ý tưởng của nhà ngữ văn học Hán - Việt truyền thống

         1. Giữa năm 1976 tôi được Lãnh đạo Bộ Giáo dục điều động từ Viện Đại học Cần Thơ về nhận nhiệm vụ tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, tham gia Ban phụ trách gồm 3 người: GS. Phan Hữu Dật (Trưởng ban), GS. Lý Chánh Trung và tôi (Phó trưởng ban). GS. Phan Hữu Dật đồng thời kiêm nhiệm Phó trưởng ban phụ trách Viện Đại học Sài Gòn, GS. Lý Chánh Trung vẫn tiếp tục hoạt động trong Hội Trí thức yêu nước Tp. HCM.Tôi được phân công lo lĩnh vực học vụ của trường.

       Trước nhiệm vụ mới này tôi "rất ngợp", vì có những điều  cụ thể trước đây tôi chưa am hiểu nhiều, phải tìm hiểu, học hỏi thêm mới có thể "làm tròn vai" được. Chắc chúng ta còn nhớ ở Đại học Văn khoa Sài Gòn lúc bấy giờ ngoài các Ban Văn học Việt Nam, Ban Việt - Hán, Ngôn ngữ mà trước đấy bằng cách này hay cách khác tôi đã từng tiếp cận, còn có những ban mà trước đó tôi chỉ được đọc qua trên Chỉ nam hay sách báo. Nhưng tình thế đó cũng có mặt tốt cho tôi là để tôi có thể tiếp xúc nhiều và tự nhiên với các GS, các Ban giảng huấn những chuyên ngành khác nhau trong trường. Qua những lần gặp gỡ thân tình với những những giảng viên hoạt động đào tạo, nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khác nhau như GS Bùi Xuân Bào, Lê Văn Diệm, Lê Thành Trị, Giả Chi, Nguyễn Thế Anh, Phạm Thị Tự, Đỗ Khánh Hoan..., tôi hiểu biết và học hỏi thêm được nhiều điều, giúp tôi tự tin và làm "trôi chảy" hai công việc cụ thể trong  lĩnh vực học vụ lúc bấy giờ là:

          (1) Tổ chức các lớp bổ túc một số kiến thức về khoa học xã hội cho các khối sinh viên ngữ văn và sử, địa lúc đó chưa tốt nghiệp, vì còn đang học dở dang các năm cuối;

          (2) Tổ chức khóa đào tạo nhanh và đạt chất lượng cao một đội ngũ giảng viên triết học , chính trị để kịp thời bổ sung vào đội ngũ giảng viên vào những năm sắp tới.

          Có một điều tôi luôn giữ mãi ấn tượng sâu sắc từ thời đó khi tiếp xúc với các bạn " sinh viên Sài Gòn sau ngày giải phóng” là suy nghĩ khá thống nhất của các bạn về các thầy, cô mà các bạn đã từng theo học. Hầu như anh chị nào cũng xem đó là "những người lãnh đạo tinh thần của sinh viên". Nét đẹp tinh thần ấy tôi thường trao đổi lại với các GS, Giảng viên được thỉnh giảng từ các trường đại học miền Bắc vào khi tôi với các anh chị ấy trao đổi với nhau về hoạt động của sinh viên miền Nam trước và sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước.

       2. Sau mấy lần gặp và trao đổi ý kiến với GS Lê Ngọc Trụ, tôi được GS cho biết nhiều điều không chỉ về chương trình, về việc giảng dạy các môn ngôn ngữ học cho tất cả các ban trong trường có chuyên môn liên quan, mà còn được GS chia sẻ những suy nghĩ của mình về ngôn ngữ học Việt Nam khi tiếp cận với ngôn ngữ học phương Tây lúc bấy giờ. Một số mặt mạnh của ngôn ngữ học phương Tây hiện đại mà ngôn ngữ học Việt Nam tiếp nhận, chịu ảnh hưởng trước đây tôi đã có dịp biết và vận dụng trong giảng dạy, nghiên cứu của mình, và tôi cũng đã ít nhiều lần trao đổi với TS. Bửu Khải khi tiếp quản Viện Đại học Cần Thơ và với TS. Phạm Hữu Lai khi về Đại học Văn khoa Sài Gòn.

       Điều mới mẻ mà tôi tiếp nhận từ GS Lê Ngọc Trụ qua những lần gặp GS  là làm thế nào trong ngôn ngữ học Việt Nam có thể kết hợp những ý tưởng mới đó với truyền thống ngữ văn Hán học vốn coi trọng các vấn đề phong cách học, luyện tập cẩn thận các lối văn thi phú, tứ lục, trong đó thể văn biền ngẫu, câu đối ...sao cho cân đối về từ loại, về ngữ nghĩa. Mỗi văn bản phải thích hợp với từng đối tượng theo những quy ước đã định sẵn, như các hình thức chế, chỉ, chiếu, biểu...Truyền thống đó coi trọng huấn hổ học để chú giải ý nghĩa chính xác từ ngữ trong văn thơ xưa. GS Lê Ngọc Trụ cũng nói: vẫn biết rằng tuy cách học đó ngày nay không còn thích hợp nữa, nhưng việc vận dụng điều này trong công việc, trong nghiên cứu vẫn rất cần thiết, cần được nhắc nhở khi giảng dạy ngữ học.

        3. Từ đó tôi càng chú ý hơn mỗi lần tiếp xúc, giải quyết các vấn đề liên quan đến vốn từ ngữ gốc Hán, từ ngữ Hán-Việt, và thường suy nghiệm ý tưởng sâu sắc của GS. Trong những năm làm việc ở ĐH Văn khoa và cả khi được điều động lên làm việc ở cấp trường tôi vẫn dành thời gian đọc một số sách báo xuất bản ở Sài Gòn từ 1975 trở về trước. Các công trình Việt ngữ chánh tả tự vị (Sài Gòn, Thanh Tân,1959), bài khảo cứu Lối mượn tiếng của Việt Nam (Trong tập Kỷ yếu Văn khoa 1964, tr. 64  -  90) đã được GS công bố cho thấy ý tưởng về việc kết hợp cần có giữa các quan điểm ngôn ngữ học phương Tây với truyền thống ngữ văn Hán học trong ngôn ngữ học Việt Nam mà GS đề cập không chỉ là những gì nung nấu trong suy nghĩ, mà còn được thể hiện bằng các công trình khoa học cụ thể, góp vào tài sản ngôn ngữ học Việt Nam.

        Trong bài khảo cứu Lối mượn tiếng của Việt Nam GS Lê Ngọc Trụ nhắc lại cách làm của cố GS Hoàng Xuân Hãn từ năm 1942 "lướt qua mấy câu nệ, trở ngại, đã dung hòa châm chước các phương cách phiên âm ổn đáng với tinh thần ngôn ngữ nước nhà, thâu dụng thêm những phụ âm của vần Tây phương, mà soạn nên quyển Danh từ khoa học, giúp ích rất nhiều cho nền học thuật" (Bài đã dẫn, tr. 66). Chúng ta còn nhớ, trong những cách xây dựng danh từ khoa học  mà cố GS Hoàng Xuân Hãn đề xuất có phương sách vận dụng các yếu tố Hán - Việt. Và để vận dụng đúng, chính xác các yếu tố này những kiến thức về từ nguyên, về ngữ nghĩa trong truyền thống ngữ văn Hán học là rất càn thiết. Tôi còn nhớ trong số các chứng chỉ của chương trình Việt - Hán có chứng chỉ Hán - Nôm. Chắc chắn các bạn sinh viên theo học chứng chỉ này đã có dịp tiếp thu những hiểu biết cần yếu và đáng quý như vậy từ các GS Lê Ngọc Trụ, Bửu Cầm...

       Nếu trong bài khảo cứu “Lối mượn tiếng của Việt Nam”, GS Lê Ngọc Trụ bàn về lĩnh vực Việt hóa lớp từ vay mượn - cụ thể là từ tiếng Hán, tiếng Pháp - và dựa vào các đặc điểm ngữ âm, chữ viết (quốc ngữ) và loại hình đơn lập của tiếng Việt trong quá trình Việt hóa từ vay mượn, thì trong công trình “Việt ngữ chánh tả tự vị”, GS Lê Ngọc Trụ thể hiện quan điểm của mình về từ vựng - ngữ nghĩa và từ nguyên (etymology) qua ngữ liệu cụ thể. Theo tôi, cùng với công trình của cố GS Đào Duy Anh "Hán - Việt từ điển, Minh Tân, Paris, 1951, "Việt ngữ chánh tả tự vị", Thanh Tân Sài Gòn, 1959, là hai công trình khoa học quý, giúp người nghiên cứu hiện nay có thể tìm hiểu cặn kẽ cội nguồn và ngữ nghĩa của vốn từ Hán - Việt nói riêng và những từ gốc Hán trong tiếng Việt của chúng ta nói chung. Đó là những sách công cụ không thể thiếu trong tủ sách của các nhà ngôn ngữ học, ngữ văn học.Bởi vì có nắm chắc tri thức về từ vựng - ngữ nghĩa, về từ nguyên của lớp từ gốc Hán thuộc các thời kỳ tiếp xúc ngôn ngữ Việt - Hán thì người dùng, nhất là những khi có nhu cầu sáng tạo thuật ngữ, từ ngữ mới mà có sử dụng yếu tố gốc Hán mới tránh được sự nhầm lẫn tai hại không đáng có.

       Chúng ta còn có thể bàn luận ý tưởng khoa học của GS Lê Ngọc Trụ về chánh tả Việt ngữ nói  chung, một vấn đề mà Khoa Văn học và Ngôn ngữ, giới nghiên cứu ngữ văn Việt Nam đang quan tâm. Nhưng người viết bài này không dám lạm bàn, như một lời đề dẫn, vì không tìm được công trình của GS đã được ấn hành từ 1951 "Chánh tả Việt ngữ: Phần vận và Phần thinh, Sài Gòn, Nam Việt".

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

   1)  Địa chí văn hóa THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH. Tập II: Văn học - Báo chí - Giáo dục, NXB Thành phố Hồ Chí Minh,1998.

   2) Lê Ngọc Trụ (1964), Lối mượn tiếng của Việt Nam, Trong Kỷ yếu Đại học Văn khoa.

   3) Lê Ngọc Trụ (1959),Việt ngữ chánh tả tự vị, Thanh Tân, Sài Gòn.

                             

 

Danh mục website