Phố những cửa hiệu u tối - Tiểu thuyết của Patrick Modiano

 

(Dương Tường dịch)

Sự xuất hiện của Patrick Modiano vào cuối thập kỷ 60 được coi như một hiện tượng của văn học Pháp đương đại. Ra đời năm 1945 ở Boulogne-Billancourt, Paris, vào lúc kết thúc thế chiến II, Modiano thuộc một thế hệ chỉ biết về chiến tranh qua những vang vọng xa nhòa, song cách nào đó, dấu vết của những cơn “binh lửa can qua” trên quy mô hành tinh lại hằn sâu trong tâm thức ông như một ám ảnh thường trực. Năm 1968, Modiano trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay Quảng trường ngôi sao (La place de l’Etoile) và cùng một lúc giật hai giải thưởng văn học Roger Nimier và Fenméon. Sau cuốn Tuần tra đêm (La ronde de nuit – 1969) và một quãng lặng sáu năm, tác phẩm thứ ba của ông Những đại lộ ngoại vi (Les boulevards de ceinture – 1975) được Viện Hàn lâm Pháp tặng Giải thưởng lớn về tiểu thuyết. Và ba năm sau, giải Goncourt, giải văn học quan trọng nhất của Pháp, được trao cho ông về cuốn Phố những cửa hiệu u tối (Rue des boutiques obscures). Đều đặn, mỗi năm ông cho ra một tác phẩm, trong đó có thể kể: Biệt thự buồn (Villa triste), Biên niên ký gia đình (Livret de famille), Một thời thanh xuân (Une jeunesse), Những chàng trai tốt biết mấy (De si braves garçons), Khu phố hẻo lánh  (Quartier perdu), Phòng để quần áo thời thơ ấu (Vestiaire de l’enfance), Chuyến du hành tân hôn (Voyage de noces)… và mới đây, trong mùa sách 1992, Một gánh xiếc đi qua (Un cirque passe).

Patrick Modiano một mình chiếm một vị trí riêng biệt trên văn đàn. Tuần báo Nouvelles littéraires (Tin Văn học) đánh giá ông “là người tuyệt vời nhất, kỳ diệu nhất và chắc chắn là có tài nhất trong số các nhà văn trẻ của nước Pháp” (số 2774 năm 1981). Giới phê bình Pháp coi ông trước hết như là người lật nhào các qui tắc của tiểu thuyết tiên phong mới. Điều làm cho Modiano trở thành một gương mặt độc đáo, duy nhất trong loại của mình, là nỗi băn khoăn day dứt về bản thể và hiện hữu của mình. Modiano coi bản thân mình cũng như cả thế hệ ông là những người không có thời gian. Suy nghĩ định vị cho mình trong Lịch sử, tìm hiểu quá khứ của mình trong quá khứ Lịch sử và dưới ánh sáng ấy, hình dung rõ hơn những đường nét của tương lai, đó là quan tâm chủ yếu của ông thể hiện qua các tác phẩm. Sự sụp đổ của những ảo tưởng tháng 5/1968 lại càng khiến cho sự tự vấn rất “Hamlet” ấy thêm nhức nhối trong Modiano. Ông cho rằng một khi qua được cuộc sát hạch ngược trở về mê cung quá khứ thì sẽ có thể trả lời câu hỏi mình là gì hiện nay. Dường như ông muốn thử thách bản thân bằng cách tự đặt mình trong hoàn cảnh gay go của những năm chiến tranh, tự kiểm nghiệm xem mình có thể ứng xử như thế nào và làm gì trong những điều kiện ấy. Quan tâm đến độ quằn quại của Modiano đối với quá khứ, đặc biệt là thời kỳ chiếm đóng, là một phẩm chất cực kỳ hiện đại của văn học Pháp hiện nay. Một số lớn tác phẩm của ông được đặt trong khung cảnh của thời kỳ nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng (1940-1944) nghĩ là trước khi có ông. Ý đồ xác định vị trí của mình trong lịch sử, ở các tiểu thuyết của Modiano, vượt lên thành một vấn đề có tầm rộng lớn hơn: con người và thời gian. Con người có quan hệ như thế nào với sự vận-động-tàn-phá-tất-thảy của thời gian? Câu trả lời cho vấn đề có vẻ siêu hình ấy là cần phải xác định minh bạch vị trí của mình trong sự vận động ấy – không những anh là anh như hiện nay, mà còn có thể như là những gì có trước anh nữa. “Con người bao giờ cũng tò mò muốn biết cội nguồn của mình,” Modiano thổ lộ. Việc đi tìm những “cội nguồn” ấy trở thành nét chủ đạo của các nhân vật trong mọi tác phẩm của ông.

Những đại lộ ngoại vi[1], đó là những tìm kiếm đau khổ của nhân vật chính dò theo dấu vết của cha mình – không chỉ theo nghĩa đen, mà còn (và thậm chí là chủ yếu) theo nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ: tìm sự gần gũi bên trong với con người ấy, đúng hơn, với quá khứ ấy.

Suy nghĩ về con người như một hạt cát xoáy lộn trong dòng thác thời gian, cố gắng tập trung vào số phận con người, Modiano dường như nhằm chủ yếu vun đắp một ý thức về hiện hữu. hơn là dựng lên một bức tranh hình tượng cụ thể về thế giới. Điều đó cũng khá rõ ở Một gánh xiếc đi qua, cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông vừa ra mắt vào mùa sách này ở Pháp. Một chàng trai không biết từ đâu tới, một cô gái không biết còn trong trắng hay đã mang nặng một quá khứ xáo động, một cuộc gặp gỡ khó tin và nàng kéo chàng vào một Paris kỳ ảo rồi biến mất. Gánh xiếc đi qua, nhưng chân trời vừa thoáng thấy đã khép lại, nhưng dấu hằn để lại là mãi mãi.

Phố những cửa hiệu u tối, giải thưởng Goncourt, một trong những tác phẩm chủ yếu của Modiano, là nỗi khắc khoải triền miên về nguy cơ đánh mất danh tính và bản cách. Điều gì đã thúc đẩy anh chàng Guy Roland, nhân viên của một hãng thám tử tư, lao theo dấu vết của một người không quen biết đã mất tích từ lâu? Đó là nhu cầu da diết tìm lại được mình sau bao đời của con người vốn xưa kia có thể là anh ta, kiên nhẫn lần mò về những nơi có thể đã từng chứng kiến cuộc tình của anh ta với một người đàn bà giờ đây đã biệt tăm, cố bấu vào những bóng mờ của những nhân chứng duy nhất từng tham dự vào thời thanh xuân của gã môi giới hàng mang hộ chiếu đáng ngờ dưới cái tên Pédro McEvoy, mà, cuối cùng, anh ta tin rằng chính là mình. Như trong một vòng đu quay, những mẩu ký ức loang loáng, chập chờn, rời rạc không ngừng xoáy lộn với những câu hỏi đau đớn: “Tôi là ai?… Có đúng đó là đời tôi không? Hay là đời một người khác mà tôi đã lẻn vào?” Hình như đây không chỉ là một bi kịch cá nhân, mà còn là bi kịch của cả nhiều cộng đồng. Chúng ta đã chẳng chứng kiến những quá trình đau đớn tìm lại danh tích và bản cách bị thất lạc của nhiều dân tộc trong những năm hỗn mang của đoạn cuối thế kỷ này hay sao?

Modiano có cái tài “phù phép” với thời gian, xóa nhòa được ranh giới giữa các lớp thời gian khác nhau khiến cho những sự vật hiện ra như không thể tin được dưới một ánh sáng lung linh kỳ ảo. Với Phố những cửa hiệu u tối, ông đã khẳng định vị trí đặc biệt của mình trong văn học Pháp nửa sau thế kỷ 20. Tất cả các tiểu thuyết của ông đều được xếp vào danh sách các tác phẩm hay nhất hằng năm ở Pháp. Và có lẽ giá trị lớn nhất của Modiano là ở chỗ nỗ lực không mệt mỏi khôi phục một ý thức nhân bản – quan tâm tìm về và bám chắc không rời xa cội nguồn nếu muốn khỏi bị tha hóa.

Dương Tường

 

TRÍCH TÁC PHẨM

XIII

 

Cái số điện thoại đã từng là số máy của tôi hiện còn có bao nhiêu trong cuốn sổ ghi nữa? Phải chăng đó chỉ là số dây nói của một văn phòng, nơi người ta chỉ có thể gọi tôi vào một buổi chiều?

Tôi quay số Anjon 15-18. Chuông đổ liên hồi nhưng không có ai trả lời. Liệu có còn dấu vết gì của tôi trong cái căn hộ hoang vắng đó, căn phòng từ lâu không người ở, nơi chiều nay chuông điện thoại réo hoài vô vọng?

Thậm chí tôi khỏi cần phải gởi phòng chỉ dẫn làm gì. Tôi chỉ cần rướn căng bắp chân cho quay chiếc ghế bành da của Hutte. Trước mặt tôi, những dãy Bóttin và niên giám. Một cuốn trong số đó, nhỏ hơn những cuốn khác, được đóng bằng da dê in màu ve nhạt. Đó đích thị là cuốn tôi cần. Tất cả những số điện thoại có ở Paris từ ba mươi năm nay đều được liệt kê trong đó, kèm theo địa chỉ.

Tôi giở các trang, tim đập thình thình. Và tôi đọc thấy:

ANJon 15-28-10 bis phố Canbacérès, Q.8

Nhưng cuốn Bóttin sắp theo tên đường phố của năm ấy lại không nhắc gì đến số điện thoại ấy.

CAMBACÉRÈS (phố)

Q.8

10 bis HỘI ÁI HỮU NHỮNG THỢ MÀI KIM CƯƠNG MIR 18-16

KHÂU MAY – THỜI TRANG ANJ 32-49

PILGRAM (Hélène) ELY 05-31

REBBINDER (Hãng) MIR 12-08

REFUGE (de) ANJ 50-52

S.E.F.I.CMIR 74-31

MIR 74-32

MIR 74-33

 

XIV

 

Một anh chàng tên là Pedro. Anjon 15-10 bis, phố Cambacérès, quận 8.

Xưa hình như gã làm việc ở một tòa công sứ Nam Mỹ. Chiếc đồng hồ quả lắc Hutte để lại trên bàn giấy chỉ hai giờ sáng. Bên dưới, đại lộ Niel, họa hoằn mới có vài chiếc xe qua lại và đôi khi tôi nghe thấy tiếng phanh kít khi đèn đỏ bật.

Tôi giở những cuốn Bottin mà ở trên đầu có các danh sách các sứ quán và các đoàn đại diện với các thành viên.

Cộng hòa Dominique

Đại lộ Messine, 21 (Q.8) CARnot 10-18

N… Đặc phái viên và công sứ đặc mệnh toàn quyền. Tiến sĩ Gustavo J.Henriquez. Bí thư thứ nhất.

Tiến sĩ Salcador E.Paradas. Bí thư thứ hai (và phu nhân), phố Alsace, 41 (Q.10).

Tiến sĩ Bienvenido Carroso. Tùy viên, phố Descamps, 45 (Q.16), điện thoại: TRO 42-91.

Venezuela

Phố Copemic, 11 (Q.16), PASsy 72-29

Công sứ quán: phố la Pompe, 115 (Q.16), PASsy 10-89

Tiến sĩ Carlo Aistimuno Coll. Đặc phái viên và công sứ đặc mệnh toàn quyền.

Jaime Picon Fegres. Tham tán.

Antonio Maturib. Bí thư thứ nhất.

Antonio Brinno. Tùy viên.

Đại tá H. Lopez-Mendez. Tùy viên quân sự.

Pedro Saloaga. Tùy viên thương mại.

Goatemala

Quảng trường Joffre, 12 (Q.7), điện thoại: SEGur 09-59.

Adam Maurisque Rios. Tham tán đại diện lâm thời.

Ismael Gonzalez Arevalo. Bí thư.

Frederico Murgo. Tùy viên.

Ecuador

Đại lộ Wagram, 91 (Q.17), điện thoại: ETOile 17-89

Gonzalo Zaldumbide. Đặc phái viên và công sứ đặc mệnh toàn quyền (và phu nhân)/

Alberto Puig Arosemena. Bí thư thứ nhất (và phu nhân)

Alfredo Gangotena. Bí thư thứ ba (và phu nhân)

Carlos Guzman. Tùy viên (và phu nhân).

Victor Zevallos. Tham tán (và phu nhân), đại lộ Lesna, 21 (Q.16).

El Savador

Riquez Vega. Đặc phái viên.

Thiếu tá J.H.Wishaw. Tùy viên quân sự (và con gái)

F. Cappurro. Bí thư thứ nhất.

Luis…

Những con chữ nhảy múa. Tôi là ai?

 

XV

 

Rẽ sang trái, bạn sẽ ngạc nhiên vì sự tịch lặng và trống trải ở đoạn đường này của phố Cambacèrès. Không một chiếc xe. Tôi đi qua trước cửa một khách sạn và chói mắt vì một cây đèn chùm lấp lánh tất cả các bóng pha lê của nó trong hành lang liền với cửa vào. Có ánh nắng.

Số 10 bis là một ngôi nhà hẹp bốn tầng lầu. Lầu một có nhiều cửa sổ cao. Một cảnh sát đứng canh ở vỉa hè đối diện.

Một cánh cửa của ngôi nhà để mở, rote thời gian bật. Một phòng ngoài dài, tường xám. Phía trong cùng, một cửa với những ô kính nhỏ, tôi kéo ra khó khăn vì chét gỉ. Một cầu thang không rải thảm dẫn lên các tầng trên.

Tôi dừng lại trước cửa lầu một. Tôi đã quyết định hỏi những người thuê nhà ở tầng lầu xem số điện thoại ANJon 15-28 đã có thời kỳ nào là của họ không và cổ họng tôi thắt lại vì tôi biết cách thức tiến hành của mình thật kỳ. Trên cửa, một tấm biển đồng, tôi đọc thấy: HÉLÈNE PILGRAM.

Một hồi chuông mảnh và mòn đến nỗi chỉ nghe thấy từng lúc. Tôi ấn ngón tay trỏe trên nút thật lâu. Cửa hé ra, gương mặt một người đàn bà tóc ngả màu tro xám và cắt ngắn hiện ra ở khe cửa.

- Thưa bà… Tôi muốn hỏi thăm…

Bà ta dõi cặp mắt rất trong sáng nhìn tôi trân trân. Không thể đoán được tuổi bà. Ba mươi, năm mươi?

- Số điện thoại cũ của bà có phải là ANJon 15-28 không ạ?

Bà ta cau mày.

- Phải. Tại sao?

Bà mở rộng cửa hơn. Bà mặc một chiếc áo ngủ đàn ông bằng lụa đen.

- Tại sao ông lại hỏi tôi điều ấy?

- Bởi vì… Tôi đã từng ở đây…

Bà tiến ra thềm nghỉ đầu cầu thang và da diết nhìn vào mắt tôi. Mắt bà trố ra?

- Nhưng… ông là… ông… Mc Evou?

- Vâng, tôi đáp liều.

- Mời ông vào.

Bà có vẻ xúc động thật sự. Chúng tôi đứng đối diện nhau, giữa một phòng ngoài sân đã hư. Một số mảnh ván đã được thay bằng những miếng vải nhựa linôlêum.

- Ông không thay đổi lắm, bà mỉm cười nói với tôi.

- Bà cũng vậy.

- Ông vẫn còn nhớ tôi?

- Tôi nhớ bà rất rõ, tôi nói với bà.

- Thật quý hóa…

Đôi mắt bà nán lại nhìn tôi, dịu dàng.

- Ông lại đây…

Bà đi trước dẫn tôi vào một gian phòng rất lớn trần rất cao mà các cửa sổ chính là những cửa sổ tôi đã nhận thấy từ ngoài phố. Sàn gỗ, cũng hư như ở phòng ngoài, được phủ từng chỗ bằng thảm len trắng. Qua các cửa sổ, một mặt trời mùa thu rọi một ánh sáng màu hổ phách vào gian phòng.

- Mời ông ngồi…

Bà chỉ cho tôi một cái ghế dài phủ gối nhưng kê sát tường. Bà ngồi xuống bên trái tôi.

- Gặp lại ông một cách… đột ngột, thật cũng lạ.

- Tôi có việc đi qua khu phố này, tôi nói:

Tôi thấy bà trẻ hơn lúc xuất hiện qua khe cửa hé mở. Không một vết nhăn nhó nào ở khóe môi, quanh mắt cũng như ở trán và gương mặt phẳng phiu đó tương phản với mái tóc bạc.

- Tôi có cảm giác là bà đã thay đổi màu tóc. Tôi đánh liều nói.

- Không mà… tóc tôi đã bạc từ năm hai mươi lăm tuổi… Tôi ưng giữ nguyên màu tóc này…

Ngoài chiếc ghế dài, đồ đạc chả có mấy. Một cái bàn hình chữ nhật kê sát tường đối diện. Một cái manequin cũ giữa hai cửa sổ, thân choàng  mọt tấm vải màu be bẩn và sự hiện diện khác thường của nó gợi đến một xưởng may. Vả lại, tôi nhận thấy một chiếc máy khâu để trên một cái bàn ở góc phòng.

- Ông nhận ra căn hộ này chứ? bà hỏi tôi. Ông thấy đấy… Tôi vẫn giữ những thứ này…

Bà khoát tay về phía người giá thợ may.

- Chính Denise đã để lại tất cả những cái đó…

- Quả vậy, tôi nói, cũng không thay đổi gì mấy…

- Còn Denise? bà sốt ruột hỏi. Cô ấy ra sao rồi?

- À, tôi nói, lâu rồi tôi không gặp lại cô ấy…

- Thế đấy…

Bà có vẻ thất vọng và gật đầu như thể bà hiểu rằng không nên nhắc đến cô “Denise” ấy nữa. Vì tế nhị mà.

- Thực ra, tôi nói, bà quen Denise lâu chưa?…

- Lâu rồi… Tôi quen cô ấy do Léon…

- Léon?

- Léon van Allen ấy.

- Tất nhiên rồi, tôi nói, chột dạ vì cái giọng biểu lộ trong câu này, một giọng trách móc khi thấy cái tên “Léon” không gợi cho nhớ ngay đến “Léon van Allen”.

- Anh ra ra sao rồi, Léon van Allen ấy? tôi hỏi.

- Ồ… đã hai ba năm nay tôi không được tin tức gì của ông ấy… Ông ấy đã đi Guyane thuộc Hà Lan, ở Paramaribo… Ông ấy đã mở lớp dạy múa bên đó…

- Dạy múa?

- Vâng. Trước khi làm nghề khâu may, Léon đã là diễn viên múa … Ông không biết sao?

- Có, có chứ. Nhưng tôi quên bẵng đi mất.

Bà ngả người ra sau dựa lưng vào tường và thắt lại chiếc dây lưng áo ngủ.

- Còn ông, ôn giờ ra sao?

- Ồ, tôi ấy à?… chẳng sao cả…

- Ông không làm ở sứ quán Cộng hòa Dominque nữa à?

- Không.

- Ông có nhớ hồi ông đề nghị làm cho tôi một tấm hộ chiếu Dominique? Ông bảo ở đời phải đề phòng và bao giờ cũng phải có mấy tấm hộ chiếu…

Kỷ niệm này làm bà thích thú. Bà thốt lên một tiếng cười ngắn.

- Lần cuối cùng bà được tin về… Denise là bao giờ? tôi hỏi bà.

- Ông đi Megève với cô ấy và từ nơi ấy, cô gởi cho tôi một bức thư ngắn. Rồi từ bấy đến nay bặt tin.

Bà đăm đăm nhìn tôi, vẻ dò hỏi nhưng hẳn là bà không dám đặt thẳng một câu hỏi trực tiếp. Cô nàng Denise là ai nhỉ? Nàng có đóng vai trò gì quan trọng trong đời tôi không?

- Bà tưởng tượng coi, tôi nói, có những lúc tôi có cảm giác mình đang ở trong một màn sương mù dày đặc… Tôi bị những lỗ hổng trong trí nhớ… Những thời kỳ buồn chán… Cho nên, nhân tiện qua phố này… tôi mạo muội… lên đây… để thử tìm lại cái… cái…

Tôi hoài công tìm một chữ chính xác mà không ra nhưng cái đó không quan trọng gì vì bà mỉm cười, và nụ cười ấy cho thấy bà không hề ngạc nhiên trước ứng xử của tôi.

- Ông muốn nói: tìm lại thời vui vẻ ngày xưa?

- Vâng, đúng thế… Thời vui vẻ…

Bà cầm lấy một cái hộp thếp vàng trên một cái bàn nhỏ ở đầu đi văng và mở ra. Hộp đầy thuốc lá.

- Không, cảm ơn, tôi nói.

- Ông không hút thuốc nữa ư? Thuốc lá Ăng lê đấy. Tôi nhớ là ông thường hút thuốc lá Ăng lê mà… Mỗi lần chúng ta gặp nhau ở dây, cả bộ ba, với Denise, ông đều mang đến cho tôi một túi đầy những bao thuốc lá Ăng lê.

-  Phải, đúng vậy…

- Ở công sứ Dominique, loại thuốc ấy, ông muốn bao nhiêu cũng có…

Tôi vươn tay tới cái hộp thếp vàng, dùng ngón tay cái và ngón trỏ nhón một điều. Tôi e sợ đưa lên miệng. Bà đưa bật lửa cho tôi sau khi châm điếu thuốc của mình. Tôi phải bật đi bật lại mấy lần mới lên lửa. Tôi hít một hơi. Lập tức, một cảm giác nhoi nhói rất đau làm tôi ho sù sụ.

- Tôi mất thói quen rồi, tôi bảo bà.

Tôi không biết làm thế nào để rảnh nợ với điếu thuốc lá này, tôi cứ cầm nó giữa ngón tay cái và ngón trỏ trong khi nó cháy dần.

- Vậy là bây giờ, tôi nói, bà ở căn hộ này?

- Vâng. Tôi lại dọn đến đây khi tôi bặt tin Denise… Vả lại, trước khi đi, cô ấy cũng bảo là tôi có thể lấy lại căn hộ…

- Trước khi cô ấy đi?

- Vâng mà… trước khi ông cùng cô ấy đi Megève…

Bà nhún vai như thể đó là điều hiển nhiên đối với tôi.

- Tôi có cảm giác tôi ở lại căn hộ này trong thời gian rất ngắn…

- Ông ở đây mấy tháng với Denise…

- Và bà, bà ở đây với chúng tôi?

Bà ngẩn ra nhìn tôi.

- Cố nhiên là thế, kia… Đây là căn hộ của tôi… Tôi cho Denise mượn vì tôi phải đi Paris…

- Xin lỗi… Tôi vừa nhãng đi nghĩ sang chuyện khác.

- Ở đây tiện cho Denise. Có chỗ cho cô ấy đặt một xưởng khâu may….

Một cô thợ khâu ư?

- Tôi cứ tự hỏi: không hiểu tại sao bọn tôi lại rời căn hộ này, tôi nói.

- Tôi cũng thế…

Lại cái nhìn dò hỏi ấy/ Nhưng tôi biết giải thích thế nào cho bà? Tôi biết ít hơn bà. Tôi chẳng biết gì về những chuyện này. Cuối cùng, tôi đặt vào cái gạt tàn mẩu thuốc cháy gần hết làm bỏng ngón tay tôi:

- Trước khi đến ở đây, chúng tôi có gặp nhau không nhỉ? tôi rụt rè hỏi liều.

- Có. Hai ba lần. Ở khách sạn ông trọ…

- Khách sạn nào?

- Phố Cambon. Khách sạn Castille. Ông còn nhớ phóng vé ông thuê để ở với Denise?

- Vâng.

- Ông và cô ấy đã rời khách sạn Castille vì cảm thấy ở đó không an toàn… phải thế không?

- Vâng.

- Quả là một thời kỳ lạ lùng…

- Thời kỳ nào?

Bà không trả lời mà châm một điếu thuốc nữa.

- Tôi muốn đưa bà xem mấy tấm ảnh, tôi nói.

Tôi rút từ trong áo vét ra một cái phong bì đã trở thành một vật bất ly thân, trong đó tôi xếp tất cả các ảnh. Tôi đưa cho bà xem tấm hình Freddie Howard de Luz, Gay Orlow, người thiếu phụ không quen và tôi chụp trong “phòng ăn mùa hè”.

- Bà nhận ra tôi chứ?

Bà quay người để xem tấm ảnh dưới ánh sáng mặt trời:

- Ông đứng với Denise, nhưng hai người kia thì tôi không biết…

- Bà không biết Freddie Howard de Luz?

- Không.

- Cả gay Orlow cũng không?

- Không.

Rành là người ta sống cách ngăn thật, các bạn của cùng một người mà không biết nhau. Thật đáng tiếc.

- Tôi còn hai tấm ảnh của Denise nữa.

Tôi chia cho bà tấm ảnh nhỏ cho thẻ căn cước và tấm đứng tì khuỷu tay ở lan can.

- Tôi biết tấm này rồi, bà nói với tôi… Thậm chí tôi nghĩ cô ấy đã gởi cho tôi một tấm như thế từ Megève nữa kia. Nhưng tôi không nhớ tôi đã để nó ở đâu…

Tôi lấy lại tấm ảnh từ tay bà và ngắm thật kỹ. Megève. Đằng sau Denise, có một khung cửa sổ nhỏ với một cánh gỗ. Phải cánh cửa và hàng lan can ấy có thể là một nhà gỗ trên núi.

- Cái chuyện đi Megève ấy dù sao cũng là một ý kỳ cục, tôi đột ngột tuyên bố. Denise có nói với bà cô ấy nghĩ thế nào về việc ấy không?

Bà ngắm tấm ảnh căn cước. Tim đập thình thình, tôi chờ bà trả lời:

- Có… cô ấy có nói với tôi về chuyện đó… cô ấy bảo Megève là một nơi an toàn… Và từ đó, bao giờ cũng có khả năng vượt qua biên giới.

- Phải… Tất nhiên…

 Tôi không dám đi xa hơn. Tại sao tôi lại rụt rè và sợ sệt đến thế khi đề cập đến những đầu đề thân thiết với mình? Nhưng cả bà nữa, tôi hiểu điều này qua cái nhìn của bà, bà cũng muốn nghe tôi giải thích. Cả hai chúng tôi đều im lặng. Cuối cùng bà quyết  đinh:

- Nhưng chuyện gì đã xảy ra ở Megève?

Bà đặt câu hỏi này với tôi một cách khẩn cấp đến nỗi lần đầu tiên, tôi cảm thấy lòng tràn đầy chán nản và thậm chí còn hơn chán nản nữa kìa – tuyệt vọng, cái nỗi tuyệt vọng thường xâm chiếm ta khi ta nhận biết được rằng, bất chấp mọi cố gắng, mọi ưu điểm cùng toàn bộ thiện chí của ta, ta vẫn vấp phải một trở ngại không thể vượt qua.

- Tôi sẽ giải thích cho bà hay… Để một hôm khác…

Chắc chắn trong giọng tôi hoặc trong sắc diện tôi, có một cái gì lạc thần vì bà đã riết chặt cánh tay tôi như để an ủi và bà nói với tôi:

- Tha lỗi cho tôi đã đặt với ông những câu hỏi thiếu tế nhị… Nhưng… tôi là bạn thân của Denise mà…

- Tôi hiểu…

Bà đứng dậy.

- Ông đợi tôi một lát…

Bà rời căn phòng. Tôi nhìn xuống chân ngắm những vũng ánh sáng tạo nên bởi những tia nắng trên tấm thảm len trắng. Rồi những mảnh ván sàn và cái bàn hình chữ nhật và cái manequin cũ trước kia thuộc về “Denise”. Liệu rồi, cuối cùng, tôi có nhận ra được một nơi tôi đã từng sống?

Bà trở lại, cầm cái gì trong tay. Hai cuốn sách. Một sổ nhật ký.

- Hôm đi, Denise bỏ quên cái này… Đây… tôi biếu ông…

Tôi ngạc nhiên không thấy bà xếp những vật kỷ niệm ấy trong một cái hộp thư Stioppa de Djagoriew và người làm vườn cũ của bà mẹ Freddie. Rút lại, đây là lần đầu tiên trong cuộc tìm kiếm của tôi, người ta không cho tôi một cái hộp. Ý nghĩ ấy làm tôi bật cười.

- Có gì mà ông thích thú thế?

- Chẳng có gì cả.

Tôi ngắm bìa những cuốn sách. Trên một trang bìa, mặt một người Trung Quốc để ria, đội mũ quả dưa, hiện ra trong màn sương mù màu xanh lơ. Một đầu đề Charlie Chan. Trang bìa kia màu vàng và ở mé dưới, tôi nhận thấy một cái hình vẽ một cái mặt nạ có cắm một cái bút lông ngỗng. Cuốn sách này tên là Thư nặc danh.

- Denise đọc mọi thứ tiểu thuyết trinh thám! bà nói với tôi. Còn có cái này nữa…

Bà chìa cho tôi một cuốn sổ nhật ký bìa da cá sấu.

- Cảm ơn.

Tôi mở cuốn sổ và lần giở các trang. Chưa thấy viết gì: không một cái tên nào, không một cuộc gặp. Cuốn sổ nhật ký có ngày tháng, nhưng không có năm. Cuối cùng, tôi tìm thấy giữa các trang một tờ giấy và tôi giở ra:

Cộng hòa Pháp

Tỉnh Seine

Trích lục các giấy khai sinh của quận 13 Paris

Năm 1917

Ngày 21 tháng Mười hai năm 1917.

Vào hồi 15 giờ, ở phố bến tàu Austerlitz 19, đã ra đời Yvette Coudreuse, giống cái, con của Paul Coudreuse và Henriette Bogeerts, vô nghề nghiệp, ở địa chỉ trên.

Ngày 3 tháng Tư năm 1939 kết hôn với Jimmy Pedro Stern tại Paris (quận 17).

Để trích lục y bản chính

Paris – ngày 16 tháng Sáu năm 1939.

- Bà đã xem cái này chưa? tôi hỏi.

Bà ngạc nhiên nhìn tờ giấy khai sinh.

- Bà có biết chồng cô ấy không? Cái gã… Jimmy Pedro Stern ấy?

- Denise không bao giờ nói với tôi là cô ấy đã có chồng… Còn ông, ông có biết chuyện đó không?

- Không.

Tôi đút cuốn sổ nhật ký và tờ giấy khai sinh vào túi trong, cùng với phong bì đựng ảnh và không hiểu tại sao một ý nghĩ vụt qua óc tôi.

- Cảm ơn bà đã cho tôi những vật kỷ niệm này.

- Xin ông cứ lấy, ông Mc Evoy.

Tôi nhẹ hẳn người khi thấy bà nhắc lại họ tôi vì khi bà phát âm nó lần đầu, tôi nghe không được rõ lắm. Tôi những muốn ghi ngay lập tức, nhưng tôi còn phân vân về chính tả.

- Tôi thích cái cách bà phát âm họ tôi, tôi bảo bà. Điều đó là khó đối với một người Pháp… Nhưng bà viết nó như thế nào? Khi viết chữ đó, bao giờ người ta cũng mắc lỗi chính tả.

Tôi dùng một giọng nghịch ngợm. Bà mỉm cười.

- M.C.E hoa, V…O…Y bà đánh vần.

- Liền một từ duy nhất? Bà chắc thế chứ?

- Hoàn toàn chắc, bà nói như thể phá một cái bẫy mà tôi giăng ra nhử bà.

Vậy là McEvoy.

- Hoan hô! tôi khen bà.

- Tôi không bao giờ phạm lỗi chính tả.

- Pedro McEvoy… Tôi mang một cái tên thật kỳ. Bà không thấy ư? Có những lúc tôi vẫn chưa quen với nó…

- Này… Suýt nữa tôi quên cái này, bà nói.

Bà rút trong túi ra một cái phong bì:

- Đây là mẫu thư cuối cùng tôi nhận được của Denise…

Tôi giờ tờ giấy và đọc:

Magève, ngày 14 tháng Hai

Hélène thân mến,

Thế là quyết định rồi. Ngày mai, mình sẽ cùng Pedro vượt biên sang bên đó, mình sẽ gởi tin tức về cho cậu thật nhanh.

Trong khi chờ đợi, mình cho cậu số dây nói của một người ở Paris mà nhờ đó, chúng mình có thể liên lạc được với nhau.

OLEG DE WRÉDÉ AUTEUIL 54-73

Hôn cậu

Denise

- Và bà có gọi dây nói chứ?

- Vâng. Nhưng lần nào người ta cũng bảo tôi là ông chủ đi vắng.

- Cái tay… Wrédé này là ai?

- Tôi không biết. Denise không bao giờ nói với tôi về người này.

Dần dần, anh mặt trời rút khỏi căn phòng. Bà thắp một ngọn đèn nhỏ trên cái bàn thấp đầu đi văng.

- Tôi sẽ lấy làm vui thích nếu được nhìn lại căn phòng tôi đã ở, tôi bảo bà.

- Tất nhiên là được rồi.

Chúng tôi theo một hành lang và bà mở một cửa bên phải.

- Đấy, bà nói. Tôi thì không dùng đến các phòng này nữa… Tôi ngủ trong phòng bạn… ông biết đấy… cái phòng nhìn ra sân ấy mà…

Tôi dừng lại ở khung cửa vào. Trời hãy còn đủ sáng. Hai bên cửa sổ, rủ xuống một tấm rèm màu cặn rượu vang. Tường phủ giấy có vẽ những họa tiết màu xanh nhạt.

- Ông nhận ra chứ? bà hỏi tôi.

- Vâng.

Một cái giát lò xo ở bức tường cuối phòng. Tôi đến ngồi lên mép cái giát lò xo ấy.

- Tôi có thể ở lại một mình mấy phút không?

- Tất nhiên.

- Cái này nhắc tôi nhớ đến “thời kỳ vui vẻ”…

Bà ném về phía tôi một cái nhìn buồn bã và gật đầu.

- Tôi đi pha tí trà…

Cả trong căn phòng này nữa, sàn gỗ cũng hư, nhiều miếng ván đã mất mà không được thay để lấp những chỗ trống, trên tường đối diện với cửa sổ, một lò sưởi lát đãhoa trắng và một tấm gương ở bên kia khung thếp vàng mỗi góc lại cầu kỳ gắn thêm một vỏ ốc… Tôi ngả mình nằm ngang cái giát lò xo, đăm đăm nhìn lên trần rồi nhưng mô típ trên giấy phủ tường. Tôi gần như gí trán vào tường để xem cho rõ những chi tiết. Những cánh đồng quê. Thiếu nữ đeo tóc giả ngồi trên những cái đu, mục đồng mặc quần ống phông chơi đàn măng đô lin. Rừng cây dưới trăng. Mọi cái đó chẳng gợi cho tôi kỷ niệm gì, vậy mà những hình vẽ này hẳn đã từng quen thuộc đối với tôi hồi tôi còn ngủ trên chiếc giường này. Tôi tìm trên trần, một vết tích bất kỳ, mà không biết nó là cái gì. Nhưng chẳng có gì níu mắt tôi lại.

Tôi đứng dậy và ra chỗ cửa sổ. Nhìn xuống dưới đường.

Phố vắng tanh và tối hơn lúc tôi vào khu nhà. Gã cảnh sát vẫn đứng canh vỉa hè trước mặt. Phía trái, nếu tôi cúi đầu, tôi có thể thấy một khoảng cũng vắng tanh với những nhân viên cảnh sát khác đứng canh. Như thể cửa sổ của tất cả những khu nhà nuốt lấy bóng đêm đang xuống dần. Những cửa sổ ấy đen ngòm và ta thấy rõ là không có ai ở đấy.

Bấy giờ, một cái gì bật đánh “tách” trong tôi. Cái cảnh nhìn thấy từ căn phòng này gây cho tôi một cảm giác lo âu, nơm nớp, mà tôi đã từng biết. Những mặt tiền này, con phố vắng này, những bóng người canh gác này trong hoàng hôn làm tôi bối rối một cách quỷ quyệt như một bài hát hay một mùi hoa xa kia đã từng quen thuộc. Và tôi dám chắc rằng nhiều lần, cũng vào giờ này, tôi đã từng đứng đây rình ngóng không động đậy, không làm một cử chỉ nhỏ nào và thậm chí không dám thắp lấy một ngọn đèn.

Khi tôi trở lại phòng tiếp khách, tôi tưởng không còn ai ở lại đó nữa, nhưng bà ta đã nằm dài trên ghế nhung. Bà ngủ. Tôi khẽ khàng lại gần và tôi ngồi xuống đầu kia của chiếc ghế dài. Một cái khay với một ấm trà và hai cái tách đặt giữa tấm thảm len trắng. Tôi khẽ ho. Bà không thức giấc. Tôi bèn rót trà ra hai tách. Trà nguội lạnh.

Ngọn đèn bên chiếc ghế dài để cả một phần của căn phòng chìm trong bóng tôi và tôi phải khó khăn mới nhận ra cái bàn, cái ma nơ canh và cái máy khâu, những đồ vật mà “Denise” đã bỏ lại đó. Những buổi tối xưa kia của chúng tôi trong căn phòng này thường như thế nào nhỉ? Làm sao mà biết được?

Tôi nhắp trà từng ngụm nhỏ. Tôi nghe thấy hơi thở của bà ta, một hơi thở gần như không thấy được, nhưng căn phòng tĩnh lặng đến nỗi một tiếng động nhỏ nhất, một tiếng thì thầm khẽ nhất cũng bật lên rõ ràng đến phát sợ. Thôi, đánh thức bà ta làm gì? Bà ta không thể cho tôi biết gì nhiều lắm. Tôi đặt tách xuống chiếc thảm len.

Đúng lúc rời căn phòng, tôi làm cho sàn gỗ kêu cót két, và tôi đi vào hành lang..

Tôi mò mẫm tìm cửa ra, rồi tìm rơ le thời gian của cầu thang. Tôi đóng cửa hết sức nhẹ nhang. Tôi vừa đẩy cánh cửa có ô kính kia để đi qua lối vào khu nhà thì cái bật “tách!” mà tôi đã cảm thấy khi nhìn qua cửa sổ phòng ngủ trên kia, lại vang lên lần nữa. Lối vào rực một ánh sáng trắng lóa tỏa ra từ ngọn đèn hình cầu treo trên trần. Tôi quen dần với thứ ánh sáng quá gắt ấy. Tôi đứng lại đó ngắm những bức tường xám và những ô kính cửa lấp lánh.

Một cảm giác xuyên qua tâm trí tôi, như những mảnh mộng vụt hiện vụt tan khi mà tức dậy ta cố nắm bắt để dựng lại toàn bộ giấc chiêm bao. Tôi thấy mình đang đi trong một Paris tối tăm và đẩy cửa khu chung cư này của phố Cambacérès. Thế rồi, mắt tôi bỗng nhiên chói là và trong một giây, tôi không trông thấy gì nữa hết vì ánh sáng trắng lóa ở cửa lối vào tương phản mạnh mẽ với bóng đêm bên ngoài.

Chuyện ấy là từ hồi nào nhỉ? Vào thời tên tôi là Pedro McEvoy và tối nào cũng về đây? Phải chăng tôi đã nhận ra lối vào, tấm rơm chùi chân hình chữ nhật to tường, những bức tường xám, cái bóng đèn hình cầu trên trần đánh đai bằng một cái vành đông? Đằng sau những ô kính cửa ra vào, tôi trông thấy những bậc đầu của cầu thang mà tôi thèm cất bước chậm rãi đi lên để làm lại những cử chỉ tôi đã từng làm và theo những lộ trình ngày xưa của mình.

Tôi tưởng như còn nghe thấy trong lối vào những khu chung cư dư ấm những bước chân của những người thường qua đó và đã biệt tăm từ bấy đến nay. Một cái gì vẫn tiếp tục rung lên sau khi họ đi qua, những làn sóng mỗi lúc một yếu đi nhưng vẫn năm bắt được nếu tập trung chú ý. Thực ra, có thể chưa bao giờ tôi là cái gã Pedro McEvoy đó, tôi chẳng là cái gì cả, nhưng những làn sóng xuyên qua tôi, khi xa xăm, khi mạnh hơn và tất cả những dư vang tản mát bồng bềnh trong không trung ấy kết tinh lại và đấy là tôi.

 

Dịch giả gửi Văn Việt. Trích theo sách đã in của NXB Văn học và Công ty Nhã Nam.

 

 




[1] Nhà xuất bản Hội nhà văn và Hội nghiên cứu Giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, 1989, bản dịch của Dương Tường.

http://www.proxy4usa.com/index.php?q=aHR0cDovL3ZhbnZpZXQuaW5mby92YW4vc

GhvLW5odW5nLWN1YS1oaWV1LXUtdG9pLXRpZXUtdGh1eWV0LWN1YS1wYXRyaWNrLW1vZGlhbm8v

Danh mục website