Lược sử văn học Hàn Quốc: Những cột mốc dẫn đến thời hiện đại

Mặc dù người Hàn Quốc có ngôn ngữ riêng từ hàng ngàn năm nay nhưng phải đến giữa thế kỉ XV họ mới sáng tạo được chữ viết của mình, đó là chữ Hangul. Vì thế, cũng như ở Việt Nam, mới đầu các sáng tác văn học ở Hàn Quốc cũng được viết bằng chữ Hán. (Các học giả Hàn Quốc bắt đầu làm thơ theo lối thơ cổ điển Trung Quốc ít nhất là vào khoảng thế kỉ thứ IV.) Và cũng như tất cả các nền văn học khác, văn học Hàn Quốc bắt đầu bằng các truyền thống văn học dân gian truyền miệng, trong đó vai trò đặc biệt thuộc về các bài dân ca và cổ tích mà các vị tiền bối của các bộ lạc kể lại cho con cháu. Chúng được trình bày ở các hội hè, các lễ lạt tôn giáo, các lễ tế thần và các cuộc họp chính trị. Những tác phẩm dân gian này chứa đựng những bài học đạo đức và cả những quy định và tập tục trong xã hội. Như tấm gương phản ánh những ước mơ, khát vọng của nhân dân, trong văn học Hàn Quốc cổ, cái tốt luôn chiến thắng, còn cái xấu thì bị trừng trị. Văn học thời kì này còn ca ngợi những phẩm chất cao quí của con người theo tiêu chuẩn đạo đức đương thời như lòng trung thành với Vua, lòng nhân đạo, sự tôn kính người trên, tình bạn chân thành và sự trong trắng của phụ nữ.

             Khoảng thế kỉ thứ VII, một hệ thống chữ viết, có tên là Idu, được sáng tạo ra cho phép người Hàn Quốc thực hiện những bản lược dịch các loại sách Trung Hoa. Một số chữ Hán phù hợp về mặt ngữ âm được sử dụng để biểu hiện những thành tố ngữ âm và các hậu tố biến đổi trong tiếng Hàn Quốc. Sau đó ít lâu, xuất hiện một hệ thống ghi âm đầy đủ hơn, gọi là hyangch'al, cho phép ghi lại trọn vẹn những câu văn Hàn Quốc bằng chữ Hán. Trong một hệ thống khác, kugyol, các chữ Hán giản lược được sử dụng để biểu thị các yếu tố ngữ pháp và được thêm vào các văn bản. Dù vậy, các tác phẩm văn học còn lại cho thấy phần lớn văn học Hàn Quốc được viết bằng chữ Hán, chứ không phải bằng chữ Hàn Quốc, ngay cả sau khi phát minh ra chữ Hangul.

            Những tác phẩm văn học viết đầu tiên của Hàn Quốc xuất hiện ở Vương quốc Shilla vào thế kỉ thứ VIII, khi một hệ thống chữ viết được tạo ra một phần từ tiếng Trung Quốc, dựa theo cách phát âm, gọi là Idu. Chỉ còn 25 tác phẩm thơ, gọi là hyangga, viết bằng thứ chữ này sót lại đến giờ.

            Sự phổ cập chữ viết Hangul là một thay đổi lớn trong đời sống văn học Hàn Quốc, nó khiến cho ngay cả các tác giả thuộc giới bác học kinh điển cũng trở nên quần chúng hơn. Văn học cổ điển Hàn Quốc sau thời Ba Vương quốc vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng rất lớn của Lão giáo, Nho giáo và Phật giáo. Trong ba tôn giáo này, Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất.         

            Sau khi chịu ảnh hưởng của phương Tây, văn học Hàn Quốc hiện đại phân lập cả về nội dung chính trị lẫn đạo đức và chuyển từ những chủ đề có tính truyền thống sang nhiều đề tài khác nữa. Nó tiếp nhận không chỉ tư tưởng của Thiên Chúa giáo mà cả các trào lưu nghệ thuật khác nhau để tự hiện đại hoá. Ngoài ra, không chỉ tiếp nhận văn hoá phương Tây qua Nhật Bản và Trung Quốc, văn học Hàn Quốc còn tiến hành những đổi mới tự thân. Và ngày nay nhìn lại, người Hàn quốc có thể tự hào nói về nền văn học với một chiều dày lịch sử của mình.

            Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu sơ lược quá trình phát triển của văn học Hàn Quốc từ thời cổ đại đến trước thời kỳ hiện đại - một giai đoạn phát triển để lại rất nhiều dấu ấn và là nền tảng phát triển của văn học Hàn Quốc ngày nay.

            1.  Văn học Hàn quốc thời thượng cổ (trước năm 57 Tr. CN)

            Ngay từ thời cổ, thơ ca và âm nhạc đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc. Tình yêu đặc biệt của họ đối với thơ ca, âm nhạc và múa đã gây cho người Trung Quốc ấn tượng mạnh mẽ, điều được họ mô tả trong những văn bản rất cổ của Trung Hoa. Dân ca cổ Hàn Quốc gắn liền với đời sống tôn giáo và tâm linh của người dân và thường được hát lên trong những nghi lễ và hội hè, như lễ cầu Trời ở miền Bắc hay hội gieo hạt và hội mùa ở miền Nam. Những bài ca này được truyền miệng từ đời này sang đời khác và được coi là có sức mạnh thần kì.

            Có ba bài hát còn được truyền lại qua bản dịch tiếng Trung Hoa là Kuji ka (hay Yong singun ka, Khúc hát cầu Trời, trong Samguk yusa), Hwangjo ka (năm 17 Tr. CN,  Khúc hát chim vàng anh, trong Samguk sagi), và Kong mudoha ka (hay Konghuin - Tạp khúc cho đàn Hạc, trong Haedong yoksa).

            Bài Kuji ka liên quan đến huyền thoại về sự lập nước Karak, nhưng nó có vẻ là một khúc cầu nguyện tại các nghi lễ của đạo  Shaman. Bài Hwangjo ka, thường được coi là tác phẩm của Vua Yuri, có lẽ là trích từ một bản tình ca. Bài Kong mudoha ka có nhân vật được coi là một tín đồ Shaman chết đuối trong một cơn mê sảng. Có lẽ nó phản ánh sự suy tàn của đạo Shaman khi xã hội Hàn Quốc cổ bước vào thời đại có nhà nước. Tác phẩm còn có một số nhân vật khác như chàng thuỷ thủ, vợ và bạn anh ta. Một bài ca khác, Tosol ka (năm 28), được nhắc đến trong bộ Samguk sagi như là tác phẩm mở đầu cho loại thơ thế tục, nhưng đáng tiếc là văn bản của nó không còn giữ được.

            2. Văn học Hàn Quốc thời Ba Vương quốc (từ năm 57 Tr. CN đến năm 668)

            Trái với văn học thời thượng cổ được đặc trưng bởi tính chất tập thể trong hoạt động sáng tạo, văn học thời đại sau đó thể hiện rõ nét tác động mạnh mẽ của những thay đổi về chính trị, kinh tế và văn hoá trên bán đảo Hàn Quốc. Lúc đó, các vương quốc trên bán đảo Hàn Quốc ngày càng trở nên thịnh vượng và không ngừng mở rộng các mối quan hệ nhiều mặt với thế giới bên ngoài. Sự thâm nhập của Phật giáo và chữ Hán đã làm giàu có hơn đời sống văn hoá tinh thần của cả ba vương quốc, đồng thời dẫn đến những biến đổi hết sức to lớn. Chính nhờ nó mà người Hàn Quốc đã mở rộng được tầm nhìn về thế giới.  Một trong những hậu quả trực tiếp của những biến đổi này là hoạt động nghệ thuật đã vượt xa trạng thái của những sinh hoạt cộng đồng mang tính tự phát, chủ yếu là múa hát, để trở thành phương thức biểu đạt trực tiếp những trạng thái tình cảm cá nhân. Văn học đã mang tính thế tục hơn. Các nhân vật văn học bây giờ là những con người trong đời thực thay cho những vị thần hay những vị anh hùng của bộ lạc thời xưa.

            Ba vương quốc thời đó là Koguryo ở miền Bắc, Paekche ở miền Tây Nam và Silla ở miền Đông Nam. Cả ba vương quốc đều xây dựng quốc gia theo mô hình của Khổng giáo, theo đó, một trong những căn cứ để khẳng định nền độc lập là có sử kí. Vì thế, bộ sử đầu tiên của Koguryo và của Paekche xuất hiện vào thế kỉ thứ IV, còn bộ sử đầu tiên của Silla ra đời vào thế kỉ thứ VI. Tiếc thay, những bộ sử này, cũng như các bộ sử sau đó không còn giữ được đến ngày nay. Bộ sử cổ nhất còn giữ lại được là bộ Samguk sagi (Tam Quốc sử kí, 1146) của Kim Pusik.

            Các văn sĩ của Vương quốc Koguryo, nơi có vị trí địa lí sát với Trung Hoa, đã có thể giữ gìn được một số nét độc đáo trong đời sống tinh thần của những người Hàn Quốc đầu tiên di cư từ miền Bắc xuống và định cư trên bán đảo. Thơ ca của họ có xu hướng anh hùng ca với hình thức sử thi. Huyền thoại về sự nghiệp dựng nước Koguryo có liên quan chặt chẽ với sự di cư của Vua Tongmyong và thần dân đến xứ sở mới. Những truyện về Ondal, Vua Mich'on, Hoàng tử Hodong, người kế tục Yuri, và nhiều nhân vật khác có nguồn gốc từ Koguryo đến tận ngày nay vẫn được sử dụng trong sân khấu và điện ảnh.

            Khác với văn học của Vương quốc Koguryo, văn học Paekche và Silla có xu hướng trữ tình, có lẽ vì ở miền Nam khí hậu ôn hoà hơn và cuộc sống cũng bớt phần khắc khổ.  Mặc dù số lượng tác phẩm của văn học Paekche còn lại không nhiều, những thần thoại và dân ca thu thập trong bộ Samguk sagi cũng có thể giúp chúng ta hình dung được tính độc đáo và phong phú của nó. Chẳng hạn, Chongupsa (Bài hát của Chongup), trong đó vợ một người lái buôn đường dài  cầu xin Mặt Trăng phù hộ cho chồng, đã được đánh giá cao từ thời Paekche, trải qua thời Koryo và Yi cho đến tận ngày nay.

            Trong ba vương quốc, Silla đạt được sự phát triển cao nhất cả về chính trị (mà bằng chứng là việc nó đã chinh phục hai quốc gia còn lại và thống nhất Hàn Quốc sau này) lẫn nghệ thuật, mặc dù nó chịu ảnh hưởng của Trung Hoa ít nhất. Thậm chí có thể nói rằng chính khoảng cách về địa lí và văn hoá với người khổng lồ Trung Hoa là điều kiện rất may mắn, nhờ đó văn hoá Silla thực sự là một tổng hợp hài hoà của những yếu tố bản địa với những yếu tố ngoại quốc.

            3.  Văn học Hàn Quốc thời kì Silla thống nhất (668 - 935)

            Nửa sau thế kỉ thứ VII, Silla chinh phục Koguryo và Paekche, thiết lập một hệ thống chính trị ổn định trên phần lớn lãnh thổ bán đảo Hàn Quốc ngày nay. Dưới thời Vương triều Silla thống nhất, rất nhiều sinh viên được nhà nước cử đi du học tại Trung Quốc vào thời nhà Đường lúc đó. Chính sự hấp thụ những ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc và sự hưng thịnh của đạo Phật đã đóng vai trò chính trong sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật Hàn Quốc đương thời.  Đạo Phật thống trị gần như tuyệt đối đời sống tinh thần của các tầng lớp trên trong xã hội - giới tăng lữ và hiệp sĩ Hwarangdo - và vì thế trở thành lực lượng vô hình dẫn dắt các hoạt động nghệ thuật.

            Thể loại hyangga xứng đáng được coi là chiếc vương miện của văn học Silla. Mặc dù người ta hay sử dụng thuật ngữ hyangga để phân biệt dân ca Hàn Quốc với thơ cổ Trung Quốc, nhưng đúng hơn, nó chỉ 25 tác phẩm thơ hiện còn lại, được ghi bằng chữ  hyangch'al mới được tạo ra thời  Vương quốc Silla thống nhất và đầu thời Koryo. Trong số đó, 14 bài được ghi lại trong bộ Samguk yusa của Iryon, và 11 bài khác mang tính tôn giáo do  một nhà sư tên là Kyunyo ở Kyunyo chon sáng tác (1075, Cuộc đời Kyunyo). Sử sách cho biết còn có một tuyển tập lớn, Samdaemok, do hai nhà sư là Taegu và Wi Hong soạn năm 888. Thật đáng tiếc là tác phẩm này đã thất truyền. Tuy vậy, chỉ cần những bài thơ còn lại cũng cho ta thấy một phong cách thơ độc đáo, vừa tinh tế vừa tao nhã. Hai tác phẩm tiêu biểu được sáng tác vào thế kỉ thứ VIII là Ch'an Kip'arang ka (Khúc ngợi ca hiệp sĩ Kip'a), ca ngợi một thành viên của Hwarangdo, và Che mangmae ka (Bài hát dâng tặng người chị quá cố), một khúc tang lễ.

            Cũng trong thời gian này, một số lượng tác phẩm tự sự văn xuôi bằng chữ Hán xuất hiện. Trong đó trước hết phải kể đến hàng trăm tác phẩm chú giải kinh sách đạo Phật của các nhà sư như Wonhyo, Uisang, Wonch'uk, Taehyon và Kyonghung. Bên cạnh đó là những truyện về phép mầu của những nhà sư lỗi lạc, truyện về sự linh thiêng của những pho tượng Phật, truyền thuyết về các đền chùa, truyện về những chiến binh dũng cảm của tầng lớp Hwarangdo; ngoài ra còn phải nhắc đến những truyện kể theo lối truyền kì (ch'uanch'i) chịu ảnh hưởng cả về phong cách lẫn đề tài của truyện truyền kì Trung Quốc. Chính ba loại văn tự sự vừa kể sau này trở thành nền tảng của văn xuôi cổ điển Hàn Quốc.

            4.  Văn học Hàn quốc thời Koryo (Cao Ly, 935-1392)

            Văn học thời Koryo được đặc trưng bởi sự phổ biến ngày càng rộng rãi của chữ Hán trong sáng tác, sự suy vong của hyangga, và sự bùng nổ của Koryo kayo (Ca khúc Koryo), một thứ văn học truyền miệng cho đến thời Choson.

            Thực ra, sự truyền bá hyangga ở Shilla vẫn tiếp tục cho đến đầu thời Koryo nhưng đó chủ yếu là những câu cầu nguyện, không còn mang tính thế tục hay nghệ thuật.

            Bậc thầy cuối cùng của hyangga là nhà sư Kyunyo, người đã viết rất nhiều sách bình chú đồng thời có công lao to lớn trong việc truyền bá đạo Phật. Ông làm thơ bằng tiếng Hàn Quốc, trực tiếp đọc và dạy cho học trò, những người truyền miệng và ghi nhớ tác phẩm của ông. Chính những bài thơ trong cuốn Kyunyo chon của ông, dựa trên Huấn yếu thập điều (Mười điều giáo huấn quan trọng) của Samantabhadra Bồ Tát, được chép lại trên cơ sở những văn bản truyền miệng như vậy.

            Koryo kayo, loại thơ thịnh hành thời Koryo (935-1392) có tên gọi là pyolgok (biệt ca) một loại thơ có nguồn gốc dân gian. Người ta không biết gì về các tác giả của Koryo kayo. Mới đầu, loại hình văn học này được truyền miệng trong dân gian, chỉ đến cuối thời Choson nó mới được chép lại bằng chữ Hangul. Thơ pyolgok vốn là loại thơ được sử dụng rộng rãi cho các dịp lễ hội, đặc biệt là Hội Thu hoạch và Hội Hoa đăng. Rất nhiều bài pyolgok là do phụ nữ sáng tác và trình diễn, như các bài Tongdong (Ca ngợi các mùa) hay Isanggok (Đêm đông), được coi là hai trong số những bài thơ tình xúc động nhất trong ngôn ngữ Hàn Quốc.

            Thơ pyolgok có hai dạng: dạng "khổ ngắn" (tallyonch'e) trong đó cả bài thơ được cấu trúc trọn vẹn trong một khổ thơ duy nhất và dạng "khổ dài" (yonjangch'e) trong đó mỗi bài gồm nhiều khổ. Chong Kwajonggok (Khúc ca của Chong Kwajong) và Samogok (Khúc ca tình mẹ) là những ví dụ điển hình của pyolgok "khổ ngắn", nhưng pyolgok "khổ dài" mới thật là đặc trưng cho Koryo kayo. Ta có thể kể: Ch'nongsan pyolgok (Khúc hát núi xanh), Sogyong pyolgok (Tây Đô [P'yongyang] biệt khúc), Tongdong Ssanghwajom (Cặp hàng hoa) - tất cả đều viết ở dạng "khổ dài" và gồm từ bốn đến mười ba khổ.

            Koryo kayo có hình thức thể hiện trực diện, mạnh mẽ, khá tự do và không bị gò bó bởi những niêm luật cứng nhắc. Nội dung thường thấy của nó là những mặt khác nhau của đời sống thực. Do được truyền miệng qua nhiều thế hệ và chỉ được ghi chép lại vào cuối thời Choson, chắc chắn thứ Koryo kayo chúng ta có thể đọc ngày nay đã bị sửa đổi ít nhiều.

            Thời đại Vương triều Koryo là thời của những bất ổn xã hội: khủng hoảng trong quan hệ đối nội và đối ngoại do chính sách đè nén và sự xâu xé, tranh giành lẫn nhau của tầng lớp quí tộc và quân nhân, những cuộc quấy nhiễu liên miên của người Khitan và người Juchen ở biên giới, và cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ. Trong hoàn cảnh đó, các nhà văn tên tuổi và hàn lâm có xu hướng quay về nội tâm hoặc buông xuôi. Thế hệ trí thức mới nổi lên khoảng cuối triều đại bắt đầu tiếp nhận tư tưởng của Khổng Tử và Lão Tử như là triết học của mình. Họ không còn bằng lòng với pyolgok và phải tìm kiếm một hình thức thơ mới. Đó chính là lí do ra đời của sijo, loại thơ trở nên thịnh hành dưới Vương triều Yi.

            Văn xuôi tự sự cũng đạt được nhiều thành tựu dưới thời Koryo. Nó bao gồm nhiều thể loại : thần thoại, huyền thoại, cổ tích, liệt truyện - truyện kể về cuộc đời đức Phật,  những vị chân sư và các vị minh quân - và các loại tạp bút. Có một loại truyện đáng chú ý trong đó nhân vật là những đồ vật và loài vật được nhân cách hoá, như rượu, giấy, chiếc gậy, đồng tiền, cục nước đá, cây tre hay những con rùa... Điển hình của loại truyện này là Kongbang chon (Chuyện đồng tiền lỗ vuông) của Im Ch'un. Một mảng văn học quan trọng khác là truyện thơ anh hùng với những kiệt tác như Tongmyong wang p'yon (Bài ca về Vua Tongmyong, 1193) của Yi Kyubo, viết theo thể thơ năm âm cổ. Một tác phẩm khác cũng nằm chung mạch cảm hứng này là Chewang ungi (Lịch sử diễn ca về các nhà Vua và Hoàng đế, 1287) của Yi Sunghyu, viết theo một thể thơ đặc biệt, mỗi dòng có năm hoặc bảy âm tiết. Một ví dụ điển hình của thể loại liệt truyện là Haedong kosung chon (Cuộc đời những vị chân sư của Hàn Quốc, 1215) của Kakhun. Tập phê bình đầu tiên ở Hàn Quốc - viết về thơ và những vấn đề khác đương thời - là tập P'ahan chip (Những ghi chép ngắn lúc nhàn rỗi, 1260) của Yi Inno (hay Yi Illo). Ngoài phê bình thơ, tập tuỳ bút của Yi Inno còn chứa đựng những thông tin về tiểu sử của tác giả dưới dạng nhật kí, các nhận xét về các phong cách và trào lưu văn học đương thời . Ngoài ra, trong đó còn có cả một số ghi chú về tiểu sử bạn bè và đồng nghiệp của Yi Inno cùng lối sống và thị hiếu văn học của họ. Cuốn P'ahan chip được coi là cuốn mở đầu cho một loạt những tác phẩm loại này được sáng tác cuối thời Koryo và trong thời Vương triều Yi.

            Hai bộ sử lớn của Hàn Quốc, Samguk sagi (Tam Quốc sử kí, 1146) của Kim Pusik và Samguk yusa (Tam Quốc lưu sử, thế kỉ thứ XIII) của Iryon cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển văn xuôi Hàn Quốc. Điều đó thực ra không có gì lạ. Tại những quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam, ngày xưa không có sự phân biệt rạch ròi giữa văn học, sử học và triết học. Bộ Sử kí của Tư Mã Thiên chẳng hạn, được coi là một kiệt tác của văn học Trung Hoa.

            Bộ Samguk sagi (Tam Quốc sử kí, 1146) do Kim Pusik thực hiện theo lệnh của nhà vua, với sự trợ giúp của mười viên quan khác trong triều. Là một người yêu nước, Kim Pusik cảm thấy nhục nhã trước hiện tượng hầu hết những giới trí thức đương thời chỉ làu làu kinh sách Trung Hoa mà xao nhãng việc ôn luyện và bảo tồn những di sản của cha ông. Ông viết: “Những đấng trượng phu uyên bác thời nay tinh thông tư tưởng Ngũ kinh và trước tác của những hiền triết Trung Hoa cũng như rất am tường lịch sử Tần, Hán và những triều đại sau này, nhưng hỏi đến lịch sử nước nhà thì thảy đều lúng túng, chẳng rõ đầu cuối ra sao. Than ôi, thật là đau lòng!”[1]

            Kim Pusik cùng các trợ lí thu thập trong tác phẩm của mình tất cả những tài liệu có thể có được về lịch sử Hàn Quốc. Họ không viết sử về thời đại của họ mà chép những chuyện về lịch sử Hàn Quốc cổ đại và tiền trung cổ (Samguk sagi kết thúc vào những năm 30 của thế kỉ thứ X). Tác phẩm được viết theo lối biên niên, tương tự như Sử kí của Tư Mã Thiên. Việc ông đặt tên cho tác phẩm của mình là Samguk sagi - Tam Quốc sử kí - cũng cho thấy rằng ông chịu ảnh hưởng của Tư Mã Thiên, vị cha đẻ của ngành sử học vùng Đông Á, sống trước ông hơn một ngàn năm.

            Tư Mã Thiên bắt đầu tác phẩm của mình bằng chuyện về những vị vua huyền thoại giống như Kim Pusik cũng bắt đầu lịch sử từng vương quốc với việc mô tả những vương triều huyền thoại mà theo ông đã từng tồn tại hàng ngàn năm trước đó. Ông mô tả bằng cách nào? Dễ hiểu rằng nhà sử học thế kỉ thứ XII phải dựa vào những thần thoại, huyền thoại và truyền thuyết, không chỉ tồn tại trong dân gian mà cả trong các tài liệu viết trước đó. Như ở trên đã nói, các bộ sử cổ của Hàn Quốc đều đã thất lạc, vì thế tác giả chủ yếu phải dùng các tài liệu viết của Trung Hoa.

            Vào thế kỉ thứ XIII, một nhà sư tên là Iryon (1206-1289) viết một bộ sử khác, có thể coi như phần bổ sung cho bộ sách của Kim Pusik. Đó là bộ Samguk yusa (Tam Quốc lưu sử). Samguk yusa chép lại những sự kiện mà Kim Pusik, vì lí do này hay lí do khác, không đưa vào bộ sách của ông. Những lí do ấy, thực ra cũng dễ hiểu. Kim Pusik là sử quan trong triều. Khi thực hiện công trình, ông luôn luôn tuân theo những nguyên tắc của Khổng giáo, coi việc chép sử như là công cụ tốt nhất để loại trừ hay chống lại những cách cai trị tồi, ca ngợi những cách cai trị tốt. Quan điểm này cuối cùng dẫn đến việc lịch sử hoá các thần thoại và huyền thoại, trong khi đó lại lược bỏ những yếu tố siêu nhiên và kì ảo, thứ đóng vai trò linh hồn thần thoại và tạo nên vẻ đẹp thẩm mĩ cho các thế hệ độc giả sau này. Iryon hiểu rõ điều đó.    

Iryon là một nhà sư. Đạo Phật, thứ tôn giáo phát sinh ở ấn Độ xa xôi, coi cuộc sống trần gian chẳng qua là hư ảo, phù du, hoàn toàn xa lạ đối với cái mà chúng ta thường gọi là thế giới quan lịch sử. Các nhà sư nói họ không bao giờ chép sử, trừ trường hợp họ chép lịch sử truyền bá đạo Phật, như ở Tây Tạng. ở Trung Quốc, với truyền thống sử học  đạt đến trình độ hiếm có trên thế giới, trong số hàng ngàn sử gia, hình như không hề có ai là Phật tử. Trường hợp Iryon có lẽ phải được giải thích bởi chi tiết là từ nhỏ ông đã được học và thấm nhuần kinh sách của Khổng Tử, vốn được coi như nền tảng của mọi học vấn trong hàng ngàn năm tại các nước trong vùng.

            Trái với bộ sách của Kim Pusik, thuộc loại chính sử, nghĩa là được soạn ra theo lệnh vua, bộ sách của Iryon thuộc loại dã sử. Trong bộ sách của mình, ông chép rất nhiều truyện ma quả, thần linh... những thứ rất không đáng khuyến khích theo quan điểm Nho giáo. Vì lẽ đó, trong suốt thời trung cổ, nó ít nổi tiếng hơn nhiều so với bộ sách của Kim. Mãi đến thế kỉ XIX, Lee Guryon, một nhà nho Hàn Quốc nổi tiếng đương thời, vẫn còn gọi một cách khinh miệt Samguk yusa là “mớ truyện hoang đường man rợ”. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà trong suốt thời trung cổ, ở một nước Hàn Quốc có nghề in phát triển, cuốn sách tuyệt vời này chỉ được tái bản vài lần, và kể từ năm 1512 cho đến thập kỉ 1920, không đuợc tái bản thêm một lần nào nữa.

            Nhưng cuối cùng lịch sử đã trả lại vị trí xứng đáng cho Samguk yusa. Ngày nay, nó được coi là một kiệt tác của văn học Hàn Quốc.

            5.  Văn học Hàn quốc giai đoạn đầu thời Choson (1392 - 1598)

            Một cách tự nhiên, văn học thời Vương triều Yi có thể chia làm hai giai đoạn, với mốc phân chia là thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh với Nhật Bản (1597). Giai đoạn đầu là giai đoạn thịnh vượng của thơ ca, còn giai đoạn thứ hai là thời của văn xuôi. Kế thừa truyền thống văn học của Silla và Koryo, các nhà văn đầu thời Vương triều Yi đã đưa văn học Hàn Quốc lên một tầm cao mới.

            Đầu thời Yi cũng mở ra một kỉ nguyên mới của lịch sử văn học Hàn Quốc với việc phát minh ra chữ viết Hangul (han'gul) vào năm 1443-1444, dưới triều Vua Sejong. Chính nhờ phát minh vô cùng quan trọng này mà các nhà văn, nhà thơ Hàn Quốc bắt đầu có thể ghi chép lại các tác phẩm của nhân dân và sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ.

            Vua Sejong, thường gọi là Sejong Đại đế, không chỉ là người có công lớn trong việc tổ chức và khuyến khích sự sáng tạo chữ Hangul mà còn ra lệnh cho các học giả đương thời soạn ra bộ Yongbi och'on ka (Những khúc ca rồng bay), để ca ngợi quá trình xây dưng vương triều Yi, đặc biệt là lòng dũng cảm và những phẩm chất tuyệt vời của cha ông. Bản thân ông cũng là tác giả bộ Worin ch'ongang chigok (Những khúc ca về ánh trăng trên ngàn con sông, 1447), ca ngợi cuộc đời Đức Phật. Hai tác phẩm này là những thử thách đầu tiên, đồng thời chứng minh khả năng ứng dụng to lớn của chữ Hangul với tư cách là một công cụ biểu đạt của văn học Hàn Quốc. Chúng cũng trở thành những tác phẩm mẫu mực đầu tiên của một thể loại mới, akchang và có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của văn học dân tộc. Sijo (hay shijo - "thời điệu") cũng là thứ thơ đặc trưng cho thời Choson. Loại thơ này hình thành cuối thời Koryo, nhưng phát triển mạnh mẽ dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng mới thời Choson, tư tưởng Tống Nho. Điều này được minh chứng bởi một thực tế là phần lớn các nhà thơ sáng tác sijo là các nhà Nho và chủ đề của phần lớn các bài sijo cuối  Koryo đầu Choson là xoay quanh chữ Trung.

            Sijo thường có cấu trúc đơn giản, gồm ba khổ: mở đầu, giữa và kết. Cấu trúc này liên quan chặt chẽ với ý nghĩa thẩm mĩ của nó. Một đặc điểm của nó là hình thúc nhẹ nhàng và tao nhã. Mặc dù có vẻ đơn giản, loại thơ này vẫn đạt được những hiệu quả thẩm mỹ trọn vẹn. Có lẽ chính vì thế mà sijo được cả giới bình dân lẫn giai cấp yangban ưa thích.

            Nội dung của sijo rất đa dạng, từ mối quan hệ mạng tính lí tưởng của con người với thiên nhiên (thường gắn liền với niềm kiêu hãnh của các nhà thơ về một cuộc sống thanh bần nhưng cao thượng), lòng trung thành đối với chủ của bề tôi ở chốn lưu đày đến  những vấn đề sâu sắc nhất của tình cảm con người.

            Cuối thời Choson, sasol sijo ("thời điệu kể chuyện") phát triển mạnh, cho phép thể hiện những sắc thái tình cảm lãnh đạm của giới bình dân lúc đó. Sasol shijo bắt nguồn từ  p'yong ("bằng") shijo, trong đó khổ giữa và khổ cuối được cấu trúc dưới dạng bốn chân, và có độ dài đáng kể. Vì lẽ đó, sasol shijo cũng được gọi là changhyong ("dạng dài") shijo.

Kasa được viết bằng tiếng Trung Quốc nhưng vẫn được coi là một thể thơ trữ tình truyền thống của Hàn Quốc và qua nó, các nhà văn thổ lộ tình yêu của mình đối với vẻ đẹp của thiên nhiên. Người ta thường đánh giá kasa và sijo là hai loại vĩ đại của thơ Hàn Quốc thời Choson.

            Kasa là một loại thơ có hình thức đơn giản, với những “cặp” thơ, mỗi câu gồm ba hoặc bốn âm tiết, lặp lại bốn lần. Vì nội dung của nó rất phong phú, một số nhà nghiên cứu nhìn nhận kasa như là một lối văn nghị luận, với những ví dụ tiêu biểu đầu thời Choson như Sangch'ungok (Khúc ca ngợi mùa xuân) của Chong Kukin; Myonangjongga (Khúc hát lầu Myonangjong) của Song Sun; và Kwandong pyolgok (Bài hát của Kwandong), Samiingok (Khúc tưởng nhớ một mĩ nhân) và Songsan pyolgok (Bài ca núi Songsan) của Chong Ch'iol, v.v. Chủ đề chính của những bài kasa này là: ngắm cảnh để ngẫm sự đời; gương của các thánh nhân biết kết hợp anbin nakto (vui với cảnh thanh bần để giữ Đạo); và tình yêu nam nữ như là ẩn dụ của lòng trung thành của thần dân với Hoàng đế.

            Về sau, nối tiếp Pak Illo với Sonsangt'an (Khúc bi ca trên boong tàu) và Nuhangsa (Lời đường phố), chúng ta gặp trong kasa cuối thời Koryo chủ đề "xuất ngoại" như trong Iltong chang-yuga (Khúc ca về cuộc Đông du oanh liệt) của Kim Ingyom và Yonhaengga của Hong Sunhak. Ngoài ra, chúng ta còn thấy một loại kasa do phụ nữ viết rất phổ biến, naebang kasa (kasa của xóm đàn bà). Càng về sau kasa càng có nhiều thay đổi, cả về độ dài lẫn về tính thông tục.

            Trong số những nhà thơ viết kasa,  Chong Ch'iol  và Ho Nansorhon được coi là những tác giả lớn nhất.

            Ngay cả sau khi có chữ Hangul, nhiều tác phẩm văn xuôi vẫn tiếp tục được sáng tác bằng chữ Hán. Tập truyện Kumo sinwha (Những truyện mới từ núi Rùa Vàng) của Kim Sisup (1435 - 1493) chẳng hạn, là một tác phẩm điển hình cho thể loại truyện truyền kì (ch'uanch'i). Chỉ quyển đầu gồm 5 truyện là còn lại đến ngày nay, trong đó ta thấy các truyện có diễn biến và kết cục bi thương, khác với diễn biến và kết cục có hậu kiểu Trung Quốc của văn học thời kì đầu. Về đề tài, thường là chuyện người yêu ma, những cuộc mộng du tới âm phủ hay tới thuỷ cung. Hai tập tạp văn, P'aegwan chapki (Tạp kí của người kể chuyện) của O Sukkwon và Yongjae ch'onghwa (Những chuyện vặt vãnh của yongjae) của Song Hyon, tuy được viết bằng chữ Hán nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của văn xuôi tiếng Hàn trong nửa sau vương triều Yi.           

            6.  Văn học Hàn quốc cuối thời Choson (1598-1894)

            Việc văn xuôi thay cho văn vần đóng vai trò chủ đạo sau cuộc chiến tranh với Nhật Bản thể hiện một bước phát triển quan trọng hướng tới một nền văn học hiện đại. Nó cũng phản ánh những thay đổi cơ bản trong quan niệm triết học của toàn xã hội Hàn Quốc đương thời. Xã hội Hàn Quốc dưới thời Vương triều Yi chịu ảnh hưởng nặng nề của tính chất cứng nhắc xuất phát từ thứ giáo điều của các quan lại Nho học. Cũng phải nói rằng  thứ Nho giáo mà chúng ta đang nói là Nho giáo dựa trên những nguyên tắc của nhà triết học Trung Quốc thế kỉ XII, Chu Hsi. Học thuyết "Tân - Nho giáo" này dần dần được thay thế bởi Sirhak, hay Silhak (Học vấn thực tế), một trường phái tư tưởng dựa trên lí trí và tinh thần phê phán khoa học. Sự thâm nhập của Thiên Chúa giáo từ phương Tây và tư tưởng khoa học mới từ Trung Quốc thúc đẩy các quá trình cải cách xã hội. 

            Học vấn thực tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động văn học và thức tỉnh ý thức tự giác của đông đảo nhân dân. Thơ, thể loại văn học trước kia hầu như chỉ dành riêng cho tầng lớp có học cao, bây giờ bắt đầu được giới bình dân sáng tác. Phụ nữ cũng được tiếp nhận ngày càng rộng rãi vào đời sống văn học của đất nước, tuy chủ yếu mới chỉ như là các độc giả chính của truyện truyền thống. Sự xuất hiện hàng loạt bộ sưu tầm thơ sijo và truyện kể cho thấy rằng mối quan tâm và hứng thú của công chúng trong việc tìm lại những giá trị quá khứ.

            Những truyện hư cấu đầu tiên của Hàn Quốc là Kumo shinhwa (Truyện Kumo) của Kim Shisup bằng chữ Hán và Hong Kiltong chon (Truyện Hong Kiltong) của Ho Kyun bằng chữ Hangul. Kể từ thế kỉ XVII, mặc dù người Hàn đã có chữ Hangul, loại truyện kiểu Kumo shinhwa vẫn tiếp tục được sáng tác bằng chữ Hán, và thậm chí còn nhiều hơn, đồng thời số người đọc loại truyện này cũng tăng đáng kể. Đặc biệt phổ biến là  p'ansori (truyện hát), một loại văn học xuất hiện cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII. Là một nghệ thuật trình diễn. P'ansori kết hợp rất hài hoà với âm nhạc. Do nội dung đã được "truyện hoá", nó có vai trò rất lớn trong sự phát triển của truyện hư cấu cổ điển. Trong hai thế kỉ XVII và XIX, loại truyện cổ điển này ngày một nhiều và phong phú. Lúc bấy giờ nghề cho thuê sách cũng rất phát đạt cùng với sự thịnh vượng của ngành xuất bản.

            Các nhân vật xuất hiện trong Kumo shinhwa là hiện thân của quan niệm về  chaejagain ("trai tài gái sắc"). Tác phẩm cũng vận dụng đến mức triệt để phong cách biểu hiện thẩm mĩ trong truyền thống văn học chữ Hán. Cùng với những đặc điểm này, Kumo shinhwa còn mang nhiều yếu tố của truyện thần bí (chongisosol), trong đó nội dung truyện ít nhiều kì ảo và không lệ thực.

            Giữa thời Choson, nhiều truyện kiểu ngụ ngôn xuất hiện, như Susongji (Bài kí về nỗi đau buồn) của Im Je và Talch'on mongnyurok (Bài kí về chuyến mộng du tới Talch'on) của Yun Kyeson. Nhưng đến cuối thời Choson, các tác giả như Pak Chiwon và  Yi Eok đã viết những tác phẩm hiện thực bằng chữ Hán. Các tác phẩm như Hosaengjon (Truyện nhà Nho Ho), Yangbanjon (Một truyện Yangban) và Hojil (Tiếng hổ gầm) của Pak Chi-won và Shimsaengjon (Truyện nhà Nho Shim) của Yi chẳng hạn, đều tuân thủ những qui ước chính thống của lí luận văn học cổ điển Trung Hoa. Nhân vật trong các tác phẩm này khá đa dạng, từ thương nhân, nhà giàu đến kẻ trộm và kisaeng (kĩ nữ). Nội dung chính của các tác phẩm này là sự phê phán sâu cay những tệ nạn xã hội và những chuyện nực cười trong đời sống thường ngày. Cùng với truyện viết bằng chữ Hangul cuối thời Choson, truyện chữ Hán mở ra những con đường mới của văn xuôi Hàn Quốc.

            Sự ra đời của loại truyện tiểu thuyết viết bằng ngôn ngữ Hàn Quốc là hệ quả trực tiếp của việc sáng tạo ra chữ Hangul. Nối tiếp Hong Kiltong chon của Ho Kyun, cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng ngôn ngữ Hàn Quốc, viết vào thế kỉ XVII, là hàng loạt tác phẩm khác như Kuunmong (Giấc mơ chín tầng mây) và Sassi namjonggi (Ghi chép của bà Sa về chuyến du hành về phương Nam) của Kim Manjung. Hong Kiltong chon đả phá kịch liệt thái độ phân biệt đối xử của giai cấp cầm quyền đối với nguồn gốc của trẻ em. Đó là một bình luận xã hội sâu sắc, tấn công vào sự bất bình đẳng thời Choson.

            Cuối thời Choson, truyện p'ansori (p'ansori gye sosol) xuất hiện, dựa trên cơ sở một loại hình nghệ thuật truyền miệng trước đó. Những truyện p'ansori như  Ch'unhyangjon (Truyện Ch'unhyang), Shimch'yoongjon (Truyện Shimch'yong), và Hungbujon (Truyện Hungbu)... không còn kể về những nhân vật siêu nhiên, mà kể về những kiểu người thực trong xã hội đương thời. Đa số các tác phẩm này xoay quanh những quan hệ ngẫu nhiên có thể xảy ra trong đời thực hơn là những sự trùng hợp. Ngoài đặc điểm là sự hoà trộn văn vần và văn xuôi, các truyện này còn được đặc trưng bởi sự kết hợp khá tinh tế ngôn ngữ văn học cổ điển với tiếng lóng và những lối nói dí dỏm của tầng lớp bình dân. Những tác phẩm này cho ta thấy một bức tranh đa diện và rộng lớn của đời sống xã hội cuối thời Choson.

            Ngoài loại truyện vừa nói, thời Choson còn có một loại truyện khác ghi lại những chuyện riêng tư trong triều đình như Inhyon Wanghujon (Truyện Hoàng hậu Inhyon) và  Hanjungnok (Sách chép những cảm nghĩ lúc an nhàn).

            7.  Văn học Hàn quốc giai đoạn chuyển tiếp (1894-1910) và bước chuyển biến đến thời kỳ văn học hiện đại

            Về mặt xã hội, văn học hiện đại Hàn Quốc là kết quả của sự phản kháng đối với nền tảng của xã hội phong kiến đang tan rã dưới thời Vương triều Choson, sự du nhập các tư tưởng mới từ phương Tây và thực tiễn chính trị của Nhật, một đế quốc đang nổi lên ở Đông Á. Giai đoạn đầu tiên của sự hình thành nền văn học hiện đại Hàn Quốc kéo dài từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX và được gọi là văn học thời đại Khai Sáng (kaehwa kyemong).

            Vào thời điểm của những cải cách 1894, ở khắp đất nước đã có nhiều thay đổi về xã hội và tinh thần cho phép nền văn học chuyển hoá từ truyền thống sang hiện đại. Tuy vậy, tư tưởng bảo thủ của một phần khá đông giới cầm quyền không thể chấp nhận, lại càng không thể khuyến khích những thay đổi đột ngột trong cấu trúc chính trị và xã hội của đất nước. Văn học cũng không thoát khỏi tình trạng đó, và chúng ta được chứng kiến một giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn chuyển mình của văn học để tự hiện đại hoá và phát triển.

            Những chuyển biến từ văn học truyền thống sang văn học hiện đại chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ của hệ thống giáo dục mới và phong trào văn học và ngôn ngữ Hàn Quốc (Korean Language and Literature movement). Sau những cải cách Kabo năm 1894, nhất là từ khi có chiếu Vua ban về giáo dục 1895, hàng loạt trường học theo kiểu phương Tây được thành lập, sử dụng loại sách giáo khoa mới có tác dụng truyền bá những kiến thức phương Tây. Nhiều nhóm trí thức cũng được thành lập và sau đó không lâu là các phong trào Khai Sáng. Đồng thời, sự thành lập Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ Hàn Quốc cùng với những nghiên cứu khoa học cho phép củng cố và hệ thống hoá ngữ pháp tiếng Hàn. Tất cả những hoạt động này góp phần đáng kể vào quá trình hiện đại hoá văn học Hàn Quốc.  Quan niệm cho rằng tất cả mọi người đều bình đẳng đã trở thành chủ đề quen thuộc và tấn công mạnh mẽ vào xã hội truyền thống vốn không bình đẳng.

            Văn học thời kì Khai Sáng thu hút được một số lượng độc giả ngày càng lớn nhờ những phương tiện thông tin đại chúng mới mẻ như báo và tạp chí, trong đó phải kể đến những tờ báo và tạp chí bằng tiếng Hàn ra đời, như Tongnip sinmun (Độc lập) và  Cheguk sinmun (Điện báo Hoàng gia)... Phần lớn các tờ thời đó có in sijo, kasa và cả tiểu thuyết dài kì. Cũng chính vào thời gian này, tầng lớp nhà văn chuyên nghiệp dần dần được hình thành. Ngành kinh doanh xuất bản xuất hiện và có thể đứng vững được nhờ có kỹ nghệ in ấn. Những công ti xuất bản đầu tiên của Hàn Quốc xuất hiện.

            Những thể loại văn học đầu tiên nổi bật trong đời sống văn học sau những cải cách năm 1894 là shinsosol (tân tiểu thuyết) và ch'angga (bài hát theo lối mới). Những hình thức văn học truyền thống được làm sống dậy bằng cách phóng tác các tác phẩm văn học nước ngoài hoặc bằng cách viết lại các tác phẩm cổ điển bằng tiếng mẹ đẻ.

            Lúc bấy giờ, ch'angga (bài hát lối mới) và shinch'eshi (thơ mới) được chào đón nhiệt liệt như là những hình thức thơ tân tiến. Chúng có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển chayushi (thơ tự do) hiện đại sau này. Tiếp nhận những ảnh hưởng của thơ phương Tây, shinch'eshi từ bỏ những niêm luật cứng nhắc của thơ truyền thống, mở đường cho những phong cách mới trong tác phẩm của các nhà thơ như Ch'oe Namson với Hae egeso sonyon ege (Từ Biển đến Trẻ thơ - 1908), Kkot tugo (Đặt hoa xuống) và  T'aebaeksan shi (Những bài thơ về núi  T'aebaeksan)... Cùng với hình thức mới mẻ, có rất nhiều ví dụ cho thấy trong đó tiếng thơ bị chính trị hoá, điều hoàn toàn trái ngược với thứ thơ trữ tình truyền thống vốn chỉ tập trung biểu hiện những cảm xúc cá nhân.

            Cũng trong thời kỳ này, Tân tiểu thuyết (shinsosol) được phổ biến ngày càng rộng rãi cùng với sự hình thành tầng lớp nhà văn chuyên nghiệp mà những tên tuổi hàng đầu là Yi Injik, Yi Haecho, Ch'oe Ch'anshikKim Koje.  Tiếp theo Hyoluinu (Huyết lệ, 1906), Kwi ui song (Tiếng quỉ, 1907) và Ensegye (Thế giới bạc, 1908) của Yi Injik, là Kumagom (Thanh gươm trừ tà) và Chayujong (Chuông tự do, 1910) của Yi Haecho. Ch'oe Ch'anshik cũng rất nổi tiếng với  Ch'uwolsaek (Màu trăng thu, 1912). Tất cả các shinsosol đều được sáng tác bằng chữ Hangul, do đó được truyền bá hết sức rộng rãi.

            Trong các tác phẩm shinsosol (tân tiểu thuyết) có thể thấy rõ sự kế thừa ba yếu tố truyền thống. Thứ nhất, đó là quan điểm đạo đức mang tính nền tảng của xã hội Hàn Quốc, lên án cái ác và tôn vinh cái thiện. Do không khí xã hội của thời đại Khai Sáng, ủng hộ công cuộc canh tân đất nước được nhìn nhận như là cái thiện còn bảo thủ là cái ác. Thứ hai, sự phát triển của cốt truyện phụ thuộc rất nhiều vào những sự trùng hợp ngẫu nhiên, và các tình tiết nhiều khi không hề có liên hệ nhân quả nào. Cuối cùng, lời thoại và lời kể thường trộn lẫn vào nhau.

            Tuy vậy, trong các tác phẩm shinsosol có một số đặc điểm hoàn toàn mới mẻ: Chúng được viết hoàn toàn bằng văn xuôi trong khi một phần đáng kể của truyện truyền thống Hàn Quốc được viết bằng văn vần. Các tác giả shinsosol cố gắng mô tả cuộc sống con người thông qua những sự kiện và bối cảnh gần gũi với đời thực, trong khi truyện truyền thống luôn luôn có xu hướng lặp lại những tác phẩm được coi là mẫu mực với một số cốt truyện và nhân vật cũng đã trở thành khuôn mẫu. Trong các tân tiểu thuyết người ta rất ít khi gặp thế giới phi hiện thực từng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cốt truyện truyền thống. Và chính trong các shinsosol, lần đầu tiên xuất hiện lối kể chuyện không theo trình tự thời gian. Các tác giả bắt đầu sử dụng khẩu ngữ, điều khiến tác phẩm của họ rất gần với tiểu thuyết hiện đại.

            Thông qua tác phẩm của mình, các tác giả này cổ vũ công cuộc hiện đại hoá, ca ngợi tinh thần đấu tranh cho tự do và độc lập dân tộc, kêu gọi thông thương với các quốc gia tiên tiến. Họ cũng là những người tích cực vận động cho việc du học ở nước ngoài, truyền bá khoa học kĩ thuật và bài trừ mê tín dị đoan và những tập tục lạc hậu.

            Đến thời gian trước khi Nhật xâm chiếm Hàn Quốc năm 1910, shinsosol bắt đầu biến đổi đáng kể. Các tác phẩm về sau thường chú trọng đến thân phận của nhân vật với những chuyện tình phần lớn là cũ và khuôn sáo. Tiểu thuyết hiện đại của Hàn Quốc được coi là bắt đầu vài năm sau khi Nhật xâm chiếm Hàn Quốc với tác phẩm của Yi Kwangsu.

            Ch'oe Namson cũng như Yi Kwangsu và các nhà văn cùng thời với họ đều chưa thoát khỏi hoàn toàn những chuẩn mực của văn học truyền thống. Họ chưa thể hiện đại hoá hoàn toàn cách diễn đạt cũng như lối sử dụng điển tích đã trở nên nặng nề và mòn sáo.

            Giai đoạn này cũng là giai đoạn phát triển mạnh của truyện tiểu sử, loại truyện được sáng tác dựa trên thị hiếu của trào lưu Khai Sáng, nhằm mục đích hun đúc tinh thần yêu nước và khơi dậy lòng tự hào dân  tộc. Những tác phẩm điển hình của thể loại này là Aeguk puinjon (Truyện một phụ nữ yêu nước, 1907) của Chang Jiyon, và Elchi Mundok của Shin Ch'ae-ho, 1908. Những truyện tiểu sử này dựng lên hình ảnh những anh hùng với những phẩm chất mà thời đại lúc đó đòi hỏi. Cuốn Kumsu hoeuirok (Ghi chú về cuộc gặp gỡ của chim và thú, 1908) của An Kukson là một ví dụ khác: thông qua lời nói của loài vật, nó phê phán những thói đồi bại về luân lí trong thế giới con người.

            Sau thời kỳ này, văn học Hàn Quốc bước vào thời kỳ hiện đại, với ba mốc lớn là văn học thời kỳ Nhật thuộc (thời kỳ bị Nhật chiếm đóng), thời kỳ đất nước bắt đầu bị chia cắt và thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao độ. Những đặc điểm của văn học Nhật Bản từ thời kỳ đến nay sẽ được chúng tôi giới thiệu trong một nghiên cứu khác.

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt:

1.  Trung tâm Dịch vụ thông tin hải ngoại Hàn Quốc. Hàn Quốc (Đất n­ước - con ng­ười). Seoul, 1993.

2.  Jeannie .J. Park, Edward J. Park, Sylvia R. Chwe, Beckhee và một số ngư­ời khác. Hàn Quốc xin chào bạn. Cục Thông tin Hàn Quốc. Seoul, 1999.

3.  Nguyễn Vĩnh Sơn. Tìm hiểu Hàn Quốc. Viện Nghiên cứu và Phổ biến tri thức bách khoa - Trung tâm Quốc gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Hà Nội, 1996.

Tiếng Anh:

1.  Korea Information Service. A Guide to Korean Cultural Heritage. Seoul, 1998.

2.  The Korea Overseas Culture and Information Service. A handbook of Korea. Seoul, 1998.

3.  Korea Information Service & Government Information Agency. Facts about Korea. Seoul, 1999

4.  Korea Information Service. Pictorial Korea.  2000, 2001.

Tiếng Nga:

B. Riftin. Koreiskie predanie i legendi. Khudodjestvennaia literatura, M.,1980.

Và một số tài liệu khác do Đại sứ quán Cộng hòa Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam  cung cấp.



[1]   Trích theo B. Riftin. Koreiskie predanie i legendi, Khodoestvennaia literature, M.,1980, tr. 8.  

  14.00 800x600

                                                           TS. NGÔ MINH THỦY, ĐHNN- ĐHQG Hà Nội

TS. NGÔ TỰ LẬP, Khoa Quốc tế- ĐHQG Hà Nội

 

Danh mục website