Tưởng nhớ người thầy lớn – giáo sư nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai

Tôi là một trong những học trò được học thầy sớm nhất từ năm 1951 tại Sư phạm Trung cấp – Khu học xá Trung ương – tức cách đây 62 năm. Lại may mắn được gần gũi với thầy lâu nhất, vào những năm cuối đời của thầy, khoảng 7,8 năm lại đây.

Vào thành phố Hồ Chí Minh nghỉ hưu nhưng tôi vẫn được gặp thầy qua những buổi hội thảo, tọa đàm khoa học, lễ hội học đường, dịp mừng thượng thọ 90 và nhất là được thăm hỏi, trò chuyện ngay tại nhà riêng của thầy. Thầy trò gặp nhau từ thời trẻ thì nay đã thuộc lớp cao niên – trò lứa 80, thầy đang trên đà đại thọ đến trọn kiếp người– 100 năm! Thầy trò thấu hiểu nhau, thấm thía về chí hướng, tâm sự, nỗi niềm trong cuộc đời và nghề nghiệp.

Giáo sư Hoàng Như Mai có nhiều tư cách đáng quý.

Trước hết, thầy là  nhà giáo một đời “dạy người không biết mệt”. Từ năm 1943 bén duyên đến nay là đúng 70 năm gắn bó với nhà trường và sự nghiệp trồng người. Chỉ kể từ 1986, chuyển từ Đại học Tổng hợp Hà Nội vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, thầy còn tham gia sáng lập Đại học Văn hiến, trực tiếp làm Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Trương Vĩnh Ký và Chủ tịch Hội  nghiên cứu và giảng dạy thành phố Hồ Chí Minh từ 1998 đến nay.

Trong và qua công tác giảng dạy, Giáo sư còn hiện diện như một nhà nghiên cứu hàng đầu về văn học và giáo dục với nhiều công trình giá trị. Cũng từ rất sớm, Hoàng Như Mai nổi bật như một nhà sáng tác trẻ ở lĩnh vực sân khấu: Tiếng trống Hà Hồi (1947), Dòng sông biên giới (1957)... và nhiều công trình về ca kịch cải lương. Thơ xuất hiện ít và muộn hơn: Trao cho nhau cuộc đời (1993) mặc dầu ông làm thơ từ thuở thiếu thời.

Như vậy, Giáo sư còn mang tư cách nghệ sĩ (vì tham gia ở lĩnh vực nghệ thuật), và trên một cấp độ bao quát, ông còn là một nhà văn hóa. Như thế, danh xưng đầy đủ của Giáo sư là: nhà văn hóa - giáo dục Hoàng Như Mai.

Giáo sư Hoàng Như Mai là một đại diện xuất sắc của thế hệ trí thức mới cách mạng, trung thành với lý tưởng cao đẹp suốt đời. Ít ai biết rằng, Giáo sư đã đến với Cách mạng từ rất sớm qua những tìm hiểu chính trị: hàng loạt sách viết về chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa cộng sản được xuât bản tại nhà sách Hàn Thuyên.

“ Đã quyết đem thân phò nghĩa cả” – như câu thơ tâm sự của thầy, thể hiện một ý chí mạnh mẽ, một tâm niệm chân thành, nhất là một quyết tâm sắt đá không thể lay chuyển.

Các thế hệ đồng nghiệp và học trò nhận thấy rất rõ ở thầy một bản lĩnh cao đẹp, kiên định: sống và hoạt động vượt lên tất cả thử thách, khó khăn trở ngại để hoàn thành chức trách và lương tâm nghề nghiệp.

Giáo sư thường nhắc học trò phải suy nghĩ “bằng cái đầu của mình” trong hoạt động học tập và nghiên cứu. Bản thân thầy đã nêu lên một tấm gương sáng về độc lập, tự chủ trong tư duy và hành động.

Trong nghiên cứu học thuật, Giáo sư là người có đầu óc mẫn cảm trí tuệ, nhạy bén với cái mới, suy nghĩ mạnh dạn, tích cực ủng hộ cái tiến bộ, có triển vọng ngay cả trong trạng thái chưa định nh , thậm chí là còn chông chênh.

Theo dòng thời sự, chính trị, Giáo sư tỏ ra vững vàng, không hề dao động, cơ hội,a dua mà giữ vững niềm tin vào lẽ phải, chân lý.Có chính kiến, phát biểu thẳng thắn và xây dựng phong cách ứng xử đúng đắn của Giáo sư. Tôi biết Giáo sư còn có những băn khoăn, bức xúc về nhiều hiện tượng, thực trạng xã hội xưa cũng như nay nhưng không bao giờ có phản ứng tiêu cực. Ngược lại, ông luôn tán thành, biểu dương những đề xuất, kiến nghị xây dựng, ca ngợi những tấm gương dũng cảm dám nói sự thật, ngay cả với các nhà lãnh đạo cao cấp. Trong những trường hợp “có sóng gió”, thầy thường giữ thái độ đúng mực, đứng trên những tranh luận, tranh chấp vô bổ, vô ích do khuynh tả,thiên hữu.

Giáo sư Hoàng Như Mai được tin yêu, kính trọng như một trí thức lớn tài năng, đức độ, có nhân cách cao đẹp.

Theo lời thầy kể, có một kỷ niệm nhớ đời.Khi thầy và một nhóm các thầy giáo từ Sư phạm Việt Bắc chuyển sang Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc (1951) đã được Bác Hồ tin cẩn cho gặp để nhận chỉ bảo, dặn dò, trong đó có câu: “Thầy trò phải thương yêu nhau như anh em”.

Mang phẩm cách nhân hậu, thủy chung, Giáo sư rất thương yêu, trân trọng bè bạn, học trò và đã nhận sự đáp trả xứng đáng. Đó là tình cảm giao lưu thân thiết với các nhà giáo dục, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ danh tiếng. Đặc biệt, đó là sự kính mến chân tình, nồng thắm của các thế hệ học trò, trong đó nhiều người rất thành đạt: nhà giáo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, các giáo sư có uy tín, các chính khách có địa vị rất cao trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Giáo sư đối xử rất thân tình với tất cả, đặc biệt là trải lòng chân thật, trong giao tiếp coi như tri kỷ hoặc bè bạn vong niên. Nhóm học trò chúng tôi đến thăm vẫn thân mật “Thưa Anh” với Giáo sư (một xưng hô thân thiết – trang trọng “đặc hiệu” ở Khu học xá thời xưa). Thầy gọi tên và nhớ từng gương mặt với những kỷ niệm như cổ tích.

Trong tính cách ứng xử của Giáo sư thường toát ra một tâm thế rất hồn nhiên, trẻ trung. Nụ cười và ánh mắt biết cười luôn thường trực trên khuôn mặt lịch lãm như phong thái tươi vui, lạc quan của con người. Thầy thường gần gũi, trân trọng, ủng hộ động viên lớp trẻ, thế hệ đàn em. Tôi nhớ ngay khi mới được giữ lại ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã được mời tham gia làm Tuyển tập Văn 1945 - 1960.Gần đây,học trò cũ-Phạm Toàn biếu thầy bộ sách giáo khoa thí điểm công nghệ giáo dục chỉ mong nhận một cái gật đầu.

Một quan niệm nhân sinh cũng như phong cách sống nhất quán đáng quý của Giáo sư là đàng hoàng, đĩnh đạc, ung dung, tự tin ngay từ khi còn trẻ, càng có tuổi càng như vậy. Mấy câu thơ thầy viết đã nói rõ lên tâm trạng ấy (Tiễn người đi – 1998): “Cuộc đời vinh nhục, vui buồn/ Sắc -không, không - sắc há còn vấn vương/ Bao giờ đến lượt lên đường/ Thì như một chiếc lá vàng gió bay.

Tôi thấy rõ trong con người thầy có một nghị lực lớn: sự tự điều chỉnh để sống cân bằng, hài hòa các trạng thái trí tuệ và cảm xúc.

nhà giáo – nghệ sĩ, Giáo sư giữ được sự nghiêm cẩn, mẫu mực, mô phạm mà vẫn phát huy được cái phong thái hào hùng, cuốn bốc xúc động. Giờ giảng của thầy vừa sâu sắc về tri thức mà vẫn hút hồn tình cảm lớp trẻ. Là nhà nghiên cứu – nhà sư phạm, Giáo sư có những luận điểm khoa học chính xác, uyên thâm, giàu sức thuyết phục, cố gắng tối đa khắc phục thiên hướng xã hội học thuần túy hoặc phong thái quá hàn lâm, kinh viện, đồng thời xa lạ với xu thế phê bình nghiên cứu  nghệ sĩ thiên về cảm thụ cảm tính. Tôi đặc biệt trân trọng cuốn giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại 1945 – 1960 mang tính chất ấy, đã như một cẩm nang tốt cho lứa cán bộ giảng dạy trẻ chúng tôi bước lên bục giảng đại học những năm 60.

Tôi và rất nhiều thế hệ học trò chịu ơn Giáo sư về sự truyền thụ tri thức và truyền đạt bài học làm người, làm nghề, tự tạo giá trị bản thân để giúp ích cho sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu. Tuy nhiên, trên hết và rất quý là tình yêu văn chương, yêu người, yêu nghề mãnh liệt được tỏa sáng từ một thầy giáo tài hoa đến mực và đức độ sáng giá, bậc đạo cao đức trọng ngành Văn.

Tưởng nhớ mãi Giáo sư – một bậc thầy lớn – nhà giáo tiêu biểu, xứng đáng được lưu danh với lịch sử giáo dục của đất nước

                                                    Thành phố Hồ Chí Minh, 30/9/2013.

Nguồn:  Tạp chí Gíao chức Việt Nam   số  50   tháng 12/2013 

Danh mục website