19042024Fri
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Văn hóa miền Nam nước Việt hay văn hóa Đồng Nai Cửu Long

Bản đồ Nam Kỳ Lục Tỉnh

Nghiên cứu và viết về văn hóa xã hội vùng này từ trước tới giờ đã có nhiều người làm, khởi từ Trịnh Hoài Đức đến Sơn Nam, Nguyễn Đình Đẩu, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Hầu, Huỳnh Minh, v v. . . "Gia Định Thành Thông Chí" của Trịnh Hoài Đức chứa đựng nhiều sự việc và dữ kiện quý giá về Trấn Gia Định xưa. Sơn Nam với những quyển "Đồng Bằng Sông Cửu Long hay Văn Minh Miệt Vườn", "Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam", "Đình Miếu và Lễ Hội Dân Gian Miền Nam", và "Đất Gia Định Bến Nghé Xưa. . ." ghi lại nhiều nét đặc biệt về khu vực văn hóa miền Tây Nam Phần. Vương Hồng Sển lưu lại nhiều hình ảnh sống động của Sài Gòn Chợ Lớn hồi thuở nào qua các tác phẩm "Sài Gòn Tả Pín Lù" và "Sài Gòn Năm Xưa" của ông. Huỳnh Minh với một loạt các tác phẩm về các tỉnh xưa cho thấy sự sống của người dân miền Lục Tỉnh như thế nào. Nhưng nói chung, đó là những công trình nghiên cứu cá nhân, lẻ tẻ. Gần đây hơn, khởi sự từ năm 1979, chánh quyền Việt Nam đã cho thiết lập một chương trình nghiên cứu quy mô về vùng Đồng Nai Cửu Long. Năm 1981 một hội nghị về đồng bằng sông Cửu Long đã được tổ chức ở Sài Gòn. Kết quả của các công trình nghiên cứu đã được trình bày trong hội nghị này và được in thành sách năm 1982 với nhan đề "Một Số Vấn Đề Khoa Học Xã Hội Về Đồng Bằng Sông Cửu Long."Tiếp theo đó, năm 1984 quyển "Mấy Đặc Điểm Văn Hóa Đồng Bằng Sông Cửu Long" được xuất bản ghi dấu công trình nghiên cứu quy mô này. Mấy năm sau, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập thành phố Sài Gòn, bộ sách 4 quyển "Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh."(với trên 2,000 trang giấy khổ lớn) ra đời. Nhiều tài liệu, dữ kiện về khảo cổ, và lịch sử văn hóa xã hội có giá trị khoa học về vùng Đồng Nai Cửu Long có thể tìm thấy trong đó. Tuy nhiên vì chủ trương của chính quyền là đặt nặng vấn đề tuyên truyền cho chủ nghĩa xã hội nên có một số những bài viết trong đó phải lấy chủ nghĩa xã hội làm triết lý căn bản, và phải hướng vào mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội hơn là nhằm mục đích khoa học nên phần giải thích các sự kiện cũng như phần kết luận các bài viết này thường thiếu vô tư và lúc nào cũng có những từ ngữ "xã hội chủ nghĩa", "Đảng" và "Nhà nước" chen vào.

Ở đây chúng tôi chỉ làm công việc tìm hiểu một cách khách quan, khoa học chớ không phải làm bình luận văn chương (literary essay), để bênh vực, hay biện minh cho một chủ thuyết nào. Chúng tôi sưu tầm, nghiên cứu để có những hiểu biết trung thực về các hình thức sinh hoạt của những người đến định cư ở vùng đất mới ở Nam Việt Nam quen gọi là đất Nam Kỳ Lục Tỉnh (hay Đồng Nai Cửu Long). Những câu hỏi chính mà chúng tôi đặt ra ở đây để hướng dẫn công cuộc nghiên cứu này là: (1) Nam Kỳ Lục Tỉnh thành hình ra sao, vào lúc nào? (2) Những người Nam Kỳ Lục Tỉnh này là những ai, thuộc hạng người nào, và từ đâu đến? (3) Họ sinh sống thế nào nơi vùng đất mới này? (4) Họ mang theo với họ di sản văn hóa gì? Họ phải va chạm, thích nghi với những văn hóa khác đã có từ trước trên vùng đất này như thế nào? Và kết quả của những va chạm, pha trộn, thích nghi đó là những gì?

Công việc nghiên cứu ở đây đáng lý phải tựa trên cách thức thường dùng trong các khoa học xã hội, nhất là khoa văn hóa nhân loại học (social cultural anthropology), mà quan trọng nhất là quan sát tại chỗ (field work). Nhưng vì vấn đề có tính cách lịch sử nhiều hơn và vì hoàn cảnh không cho phép thực hiện ngay trên khu vực nghiên cứu thành ra chúng tôi chỉ có thể tựa trên những tài liệu và dữ kiện đã có hoặc sự ghi nhớ của những người từng sống ở vùng này. Mục đích của việc nghiên cứu này là nhằm tìm hiểu và giải thích sự việc nhiều hơn là dùng kết quả nghiên cứu để thiết lập đề án xây dựng hay cải tiến xã hội/văn hóa theo một đường hướng định trước nào. Đối tượng nghiên cứu là văn hóa xã hội vùng Đồng Nai Cửu Long, tức là những sinh hoạt của con người ở vùng đất này trong vòng mấy thế kỷ nay, trong những lãnh vực quan trọng như xã hội (bao gồm kinh tế), tín ngưởng, ngôn ngữ, nghệ thuật, v v. . . Với mục đích và tinh thần khoa học đã nói, chúng tôi xin bắt đầu đi vào những chi tiết trả lời cho những câu hỏi vừa được đặt ra ở trên.


NAM KỲ LỤC TỈNH THÀNH HÌNH RA SAO VÀ VÀO LÚC NÀO?

Khi Nguyễn Hoàng được cử vào cai quản Thuận Hóa (1558) thì đất đai của nước Việt về phía Nam chỉ có đến Phú Yên. Từ đó đến Bình Thuận còn là lãnh thổ của Chiêm Thành hay Champa. Nhưng từ lúc xứ Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào Nam) của Chúa Nguyễn bắt đầu thành hình thì cũng là lúc Chiêm Thành khởi sự suy yếu dần. Xứ Đàng Trong càng lớn mạnh lên bao nhiêu thì xứ Chiêm Thành càng yếu đi và càng nhỏ lại bấy nhiêu. Cho đến cuối thế kỷ thứ XVII thì nước Chiêm Thành kể như không còn nữa và dân tộc Chăm trở thành người dân thiểu số trong cộng đồng người Việt. Biên giới phía Nam của nước Việt bấy giờ là vùng Bình Thuận, và nước láng giềng về phía này của Việt Nam là nước Chân Lạp (tức Kampuchea hay Cao Miên) của người Khờ Me (tức người Miên như người trong Nam thường gọi). Vùng Đồng Nai Cửu Long lúc này thuộc về Chân Lạp.

Thật ra đất Đồng Nai Cửu Long chỉ có thuộc về Chân Lạp trên danh nghĩa thôi, trong thực tế người dân Khờ Me không có mặt nhiều trên phần đất này. Người dân Khờ Me chỉ sinh sống ở một vài nơi thưa thớt, rải rác trên vùng đất cao, hoang vu mênh mông ở vùng Hậu Giang của đồng bằng sông Cửu Long. Ở vùng Đồng Nai thì có các bộ lạc người Mạ và người Xtiêng sinh sống, cũng rải rác, cũng thưa thớt trong vùng đất mênh mông hoang vu vậy. Triều đình Chân Lạp chưa có thiết lập các cơ quan hành chánh cai trị hay những đồn binh quân sự trấn đống để bảo vệ đất đai và dân chúng của họ trên vùng đất này. Chợ búa, thành thị cũng không có gì cả. Theo Huỳnh Văn Lang thì: "Cuối thế kỷ 17, các nhà truyền giáo và thương nhân Bồ-đào-nha ước lượng nước Chân-lạp lúc đó với một diện tích bằng Kampuchea, Nam-phần và phần Hạ-Lào hiện giờ mà chỉ có một dân số chưa đến 700 ngàn, đang khi đó thì địa phận Đàng-trong , tức là thuộc địa của chúa Nguyễn, diện tích chỉ bằng¼ Chân-lạp mà dân số đã trên 100 vạn hay là 1,000,000 người. Gần 250 năm sau, tức là năm 1836-37 khi vua Minh-mạng cho lệnh tổng kê dân đinh nước Chân-lạp, vừa bị sáp nhập vào địa đồ hay lãnh thổ V.N. thành Trấn-Tây, thì chỉ có 970,516 người, đang khi đó thì ruộng đất lên đến 4,036,892 mẫu. (Tài liệu: Minh-mạng chính yếu)" (Chuyện đường rừng, tr. 21-22). Đối với người dân Việt, những đất đai mênh mông hoang vu ở đây là đất vô chủ, không ai để ý tới, không ai dòm ngó, kiểm soát. Vả lại ranh giới giữa hai nước (Việt - Chân Lạp) không có gì rõ ràng, ranh giới giữa các sắc tộc sinh sống rải rác trên vùng đất này (xem như vùng trái độn) lại càng mơ hồ, co giản, biến thiên hơn. (Xem bài "Les données historiques de la limite territoriale au tracé frontalier" của Michel Blanchard trong Dòng Việt số 17, tr. 109-137). Trong tình huống đó, và với bản năng sinh tồn mạnh mẽ, với máu mạo hiểm, nông nẩy làm việc để sinh sống, người Việt không ngần ngại gì mà không vào vùng đất hoang vu mới mẻ này để phá rừng, dọn đất, trồng trọt, mưu sinh, lập nghiệp. Mô Xoài là nơi mà người Việt đã đến khai phá, định cư sớm nhất. Mô Xoài tức là Bà Rịa bây giờ. Các sách Gia Định Thông Chí của Trịnh Hoài Đức và Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn cho rằng xứ Mô Xoài là vùng địa đầu của Biên Trấn, tức là vùng người lưu dân Việt đầu tiên đặt chân vào để khai phá mở mang Miền Nam nước Việt.

Đây chỉ là những bước đầu lẻ tẻ, chập chững của những người đi tiên phong trong công cuộc mạo hiểm vào vùng đất mới lạ. Phải đợi một cơ hội thuận tiện nào đó để việc mở rộng về phương Nam trở thành phong trào mạnh mẻ, có tính cách quy mô hơn. Cơ hội đó là sự cầu thân của vua Chân Lạp Chey Chetta II với Chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào năm 1620. Sử Khờ Me ghi là sau khi lên ngôi vua Chey Chetta II cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cử hành lễ cưới long trọng với một nàng công chúa xinh đẹp của Việt Nam. Hoàng hậu Sam Đát (tức công chúa Ngọc Vạn) có đem nhiều đồng hương sang Chân Lạp. Có người làm quan trong triều, có người làm thủ công, có người buôn bán, vận chuyển hàng hóa. Theo hồi ký của giáo sĩ Chistofo Borri, một người Ý đã sống gần Qui Nhơn từ 1618 đến 1622, thì chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền lẫn binh lính để chống lại quân Xiêm. Borri cũng tả rõ phái đoàn quan quân Việt Nam đưa công chúa Ngọc Vạn về Oudong như sau:" Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh Oudong, thì dân chúng Khờ Me, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh."

Về phương diện xã hội, việc công chúa Ngọc Vạn theo chồng về Miên có thể được xem như là một sự mở đầu cho những bành trướng lãnh thổ quy mô về phương Nam của dân tộc Việt. Theo chân Ngọc Vạn công chúa lưu dân người Việt càng ngày càng vào Nam lập nghiệp nhiều hơn. Với chính sách khuyến khích khéo léo của chính quyền, làn sóng vào Nam càng lúc càng bành trướng mạnh mẽ. Về phương diện chính trị ngoại giao, cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn với vua Chey Chetta II là bước mở đầu cho mối liên hệ ngoại giao giữa hai dân tộc Việt-Khờ Me, một mở đầu hết sức quan trọng đối với triều Nguyễn và người dân Đàng Trong. Từ đây trở đi trước mắt người Đàng Trong mở ra một vùng đất mênh mông hoang vu để khai khẩn để biến thành kho lương thực và tài sản vô tận cho người dân và quốc gia. Cũng từ đây triều Nguyễn luôn luôn sẵn sàng để hoặc giúp đỡ/viện trợ, hoặc can thiệp vào nội tình Chân Lạp với những kết quả vô cùng thuận lợi cho người Việt. Cứ mỗi lần quân chúa Nguyễn tiến lên xứ Miên làm một công ơn gì đó đối với Chân Lạp là mỗi lần triều đình Chúa Nguyễn được đền đáp bằng một số đất đai để hợp thức hóa những nơi lưu dân người Việt đã từng vào khai phá. Những sự kiện lịch sử sau đây đánh dấu những bước tiến trong quá trình hoàn thành vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh theo lối "dân đi trước chính quyền đến sau":

Những giai đoạn Nam tiến kể từ năm 939

"Hai năm sau khi Ngọc Vạn trở thành hoàng hậu Chân Lạp, năm 1623, chúa Nguyễn sai phái bộ tới Oudong yêu cầu vua Chey Chetta II cho chúa Nguyễn lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Đây là vùng qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Chân Lạp. Từ khi có các đồn thu thuế của chúa Nguyễn, vùng này đã trở nên vùng thị tứ trên bến dưới thuyền rất là sầm uất.

"Năm 1658 triều đình Chân Lạp có nội biến, thái hậu Ngọc Vạn đã khẩn cầu Chúa Nguyễn là Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần giúp quân đánh dẹp Nặc Ông Chân dành lại ngôi báu cho dòng họ Prea Outey. Chúa Hiền, cháu kêu thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột, cho quan Khâm Mạng Trấn Biên dinh Phú Yên là Tôn Thất Yến đem 3,000 quân qua giúp bắt được Nặc Ông Chân giải về Quảng Bình. "Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì." (Gia Định Thông Chí, trung, tr.7).

Đất ấy đây là vùng Mô Xoài, chính thức thuộc lãnh thổ Việt Nam từ đó.

"Sang năm 1674 Nặc Ông Đài lại liên kết với Xiêm La chống Đại Việt. Chúa Nguyễn là Hiền Vương cử cai cơ Nguyễn Dương Lâm đem quân đánh chiếm Sài Gòn và tiến lên Nam Vang. Chúa Nguyễn làm chủ tình thế cả vùng Đồng Nai.

" Năm 1679 trấn thủ Quảng Đông là Dương Ngạn Địch cùng với phó tổng binh Hoàng Tiến, và tổng binh các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên cùng phó tổng binh Trần An Bình đem 3000 quân Trung Hoa (nhà Minh) với 50 chiến thuyền trốn quân Thanh chạy sang Việt Nam xin làm thần dân của Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần dung nạp họ và cho người hướng dẫn họ đến vùng đất mới trong Nam để định cư sinh sống. Nơi đây đã có một số người lưu dân Việt khai phá. Dương Ngạn Địch vào Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên vào Biên Hòa khai khẩn đất đai, thiết lập phố xá bán buôn., phát triển nông nghiệp và thương nghiệp cùng với người lưu dân Việt ở hai nơi này. Cùng lúc đó ở Cà Mau, một cựu thần khác của nhà Minh là Mạc Cửu cũng trốn quân Thanh sang đây khai khẩn lập nghiệp.

"Năm 1698 Minh Vương Nguyễn Phúc Chu cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh làm kinh lược đất Chân Lạp. Năm 1699, Nguyễn Hữu Cảnh đem binh lên tận Nam Vang để can thiệp và trở về vào khoảng tháng Tư năm sau. Trên đường về ông cho quân sĩ theo dòng Tiền Giang, trú đóng tại Cái Sao (vùng chợ Thủ của Long Xuyên). Một số quân sĩ bị phát bịnh dịch và chính ông cũng bị nhiễm bịnh và mất hai ngày sau khi quân ông rút khỏi vùng này. Một số binh sĩ hoặc bị bịnh hoặc tình nguyện ở lại vùng Cái Sao khai khẩn đất đai sinh sống trước khi vùng này được vua Cao Miên nhường cho Chúa Nguyễn. Họ được gọi là người dân Hai Huyện, trực thuộc phủ Gia Định từ xưa. (Xem Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam của Sơn Nam, tr. 23).
" Năm 1705, Nguyễn Cửu Vân hành quân sang Cao Miên đánh quân Xiêm, trên đường về trú quân ở Vũng Gù (nay là Tân An), khai khẩn đất hoang, cho lập đồn binh và cho đào kinh cho rạch Vũng Gù ăn thông sang rạch Mỹ Tho, nối liền sông Vàm Cỏ Tây qua Tiền Giang.

" Năm 1708 Mạc Cửu dâng cả vùng mới khai khẩn ở Cà Mau xin hàng phục Chúa Nguyễn. Vùng này gồm các ấp vừa lập từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá đến Cà Mau. Hà Tiên trở thành một thương cảng quan trọng trong vùng. Chúa Nguyễn Phúc Chu phong cho Mạc Cửu làm tổng binh, giữ đất Hà Tiên.

"Năm 1732 lưu dân người Việt bị quân Miên tấn công. Chúa Nguyễn là Ninh Vương cử Trương Phúc Vĩnh đem quân vào dẹp yên. Vua Chân Lạp là Nặc Tha nhường Me Sa (Mỹ Tho) và Long Hồ cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn lấy đất Long Hồ lập thành châu Định Viễn (Vĩnh Long) và đặt dinh Long Hồ.

"Năm 1753 Nguyễn Cư Trinh đem quân sang đánh Chân Lạp. Vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thua trận bèn dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (Gò Công và Tân An) để cầu hòa. Bốn năm sau Nặc Nguyên mất, Chân Lạp có nội biến. Chúa Nguyễn cử Mạc Thiên Tứ đưa em họ của Nặc Nguyên là Nặc Tôn lên ngôi. Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (gồm An Giang và một phần Vĩnh Long) để tạ ơn Chúa Nguyễn và năm phủ ở vùng Hà Tiên cho Mạc Thiên Tứ. Năm phủ này được sát nhập vào trấn Hà Tiên.

Đến đây kể như vùng Đồng Nai Cửu Long đã trọn vẹn thuộc về Việt Nam, và thuộc về Đàng Trong của Chúa Nguyễn. Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII người Việt Nam mất 150 năm để tiến vào và mở mang vùng đất hoang vu mới mẻ này.

Đồng Nai - Cửu Long thời Phủ Gia Định

Ai là những người có công trong việc hình thành và xây dựng nên kho lúa và những tài nguyên to tát này cho người dân Việt?

 

NGƯỜI DÂN ĐỒNG NAI CỬU LONG BUỔI BAN ĐẦU LÀ NHỮNG AI? HỌ TỪ ĐÂU ĐẾN?

Trước khi người Việt đến vùng Đồng Nai khai khẩn thì nơi đây còn là cả một vùng "toàn rừng rậm mấy nghìn dặm" theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn. Vùng rừng rậm hoang vu này là vùng cư trú của nhiều nhóm dân tộc thiểu số mà người Việt gọi chung là người "Man" theo tiếng Hán Việt hay nôm na là người "Mọi." Đó là các dân tộc thiểu số người Mạ, người Xtiêng, người Mnông, Người Cơho, người Churu, v v . . .Trong các nhóm này quan trọng hơn hết là người Mạ ở vùng Mô Xoài Bà Rịa, người Xtiêng ở vùng Biên Hòa, Bình Dương và người Khờ Me ở Tây Ninh. Dân tộc Mạ hay Châu Mạ (Châu theo tiếng Mạ có nghĩa là người) nói tiếng nói thuộc nhóm Môn - Khờ Me. Địa bàn sinh sống của Châu Mạ ngày xưa là cả vùng Đồng Nai xuống đến Mỹ Tho (theo Bình Nguyên Lộc). 'Tuy phải triều cống Cao Miên, Mạ vẫn là một tiểu quốc tự do. Tiểu vương Chê Mạ cai trị khắp vùng Tây Nam trên lưu vực sông La Ngà và, về mạn Bắc, trên cao nguyên Di Linh và Lâm Đồng nay." (B. Bourotte. Essai d'histoire des populations montagnardes du Sud - Indochinois jusqu'à 1945. BSEI, Saigon, 1955, tr. 31). Dân tộc Mạ mà người Việt thường gọi là Mọi Bà Rịa, thạo nghề dệt vải có hoa văn đẹp, ở nhà sàn dài, có tục cà răng và xâu lỗ tai lớn. Họ rất hiền hòa, thường bị người Xtiêng và người Miên bắt đem bán làm nô lệ ở các nơi. Tệ nạn này chấm dứt khi người Việt đến cai trị, nhưng lúc đầu vì còn cần nhiều nhân công nên nạn mãi nô (thật ra là người làm, đầy tớ hơn là nô lệ) còn tồn tại một thời gian như đã ghi trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn:

"Từ các cửa biển như Cần Giờ, Soài Rạp . . . đi vào toàn là những đám rừng hoang vu đầy cỏ rậm, mỗi đám rừng có thể rộng hơn nghìn dặm. . . Nhà Nguyễn cho dân được tự nhiên chiếm đất. . . Lại cho họ thâu nhận những người Mọi từ trên đầu nguồn xuống để mua làm đầy tớ, đứa ở, sai khiến, hầu hạ. . ." (Về chế độ mãi nô này xin xem thêm bài của Bình Nguyên Lộc trong Dòng Việt, số 17, tr. 210-221). Dân tộc Mạ hiện có khoảng 20,000 người cư ngụ ở vùng cực Nam Tây Nguyên, phía Nam tỉnh Lâm Đồng, và một số ở Đắc Lắc.

Người Xtiêng cư trú trong vùng các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa. Tiếng nói của họ có nhiều nét gần gũi với tiếng Mnông, Cơho, Mạ, nằm trong nhóm Môn - Khờ Me. Họ để tóc dài, búi đằng sau gáy, đeo bông tai bằng cây hay bằng ngà, xăm mặt, xăm mình, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Địa chí Thủ Dầu Một ấn hành năm 1910 gọi dân tộc Xtiêng là Mọi hoang, Mọi Cà Răng, Mọi Việt hay Mọi Đồng Nai. Dân tộc Xtiêng hiện nay có khoảng 40,000 người quần tụ vùng biên giới Tây Nam, ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.

Người Khờ Me (người Miên) có mặt rất ít ở vùng Tây Ninh. Họ rút đi về phía Tây của Tây Ninh, về vùng biên giới Miên Việt khi người Việt vào khai phá vùng Đồng Nai. Ở Hậu Giang, vùng Trà Vinh - Sóc Trăng có nhiều người Miên hơn ở Miền Đông Nam Phần. Những sóc người Miên này sống cách biệt với triều đình Kampuchea. Khi người Việt vào khai khẩn vùng Hậu Giang thì người Việt và người Miên cùng cộng cư, và sau này khi toàn cõi Nam Việt thuộc về Chúa Nguyễn thì những người Miên này trở thành người dân thiểu số trong cộng đồng người Việt.

Vùng Đồng Nai, vùng cư trú của hai sắc dân Xtiêng và Mạ là vùng đệm giữa hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp. Vào đầu thế kỷ XVII, đất đai vùng này quá rộng mà người thì quá ít cho nên dân cư quá thưa thớt, và phần lớn đất đai là rừng rú hoang vu đầy muôn thú. Khi người Việt bắt đầu vào khai khẩn đất hoang vùng này thì người Mạ, người Xtiêng và một ít người Khờ Me (ở phí Tây Tây Ninh) từ từ rút lui dần về vùng đất cao ở phí Bắc và phía Tây, nhường đất thấp ở phía Nam cho người lưu dân mới đến khai phá. Người Việt thành thạo hơn trong việc khai khẩn đất đai, trồng lúa nước ở đất thấp (gọi là thảo điền), trong khi người sắc tộc thiểu số thì thành thạo trong việc săn bắn và làm rẫy trên các ruộng cao hay giồng (sơn điền). Đất rộng mênh mông hoang vu, và lại là đất thấp không mấy thích hợp với thổ dân, là hai điều kiện vô cùng thuận lợi cho người lưu dân Việt vào vùng Đồng Nai khai hoang sinh sống mà không gặp một sự chống đối nào.

Số ít người Việt đầu tiên vào đây khai phá không biết là ai, không biết họ bắt đầu vào làm công việc đó từ lúc nào, không có một ghi chép nào để lại tên họ gốc gác của những người đó. Theo các sách sử sau này thì chắc chắn họ đã vào vùng Đồng Nai khai khẩn sinh sống rất sớm, ngay từ lúc Nguyễn Hoàng vừa vào trấn thủ Thuận Hóa. Trịnh Hoài Đức cho là từ đời các "tiên hoàng đế" tức là từ thời các chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phước Nguyên. Theo Huỳnh Văn Lang thì còn có thể trước đó nữa: "Không phải đợi đến năm 1620 hay 21 người Việt mới vào khai hoang lập ấp ở vùng Mỗi-xuy Bà Rịa. Họ đã tự động đi vòng bờ biển Chiêm Thành vào đó khai hoang lập ấp có thể trước đó ba bốn thập niên." (HVL, Công Chúa Sứ Giả, tr.243) .

Những người đầu tiên vào đây là những người tự nguyện chứ không phải là những người được chính quyền đưa đến hay bị lưu đày. Lúc này chính quyền chưa chính thức áp dụng biện pháp di dân vào Nam được. Lưu dân lúc này có thể là những người nghèo khổ, những kẻ bị áp bức, những người chạy trốn chiến tranh loạn lạc, những người không sống được trong xã hội đương thời, phải mạo hiểm tìm đường sinh sống ở vùng đất mới. Họ có thể đến từ Miền Bắc hay Miền Trung. Nhưng phần đông chắc là người Miền Trung, người Đàng Trong nhiều hơn, nhất là những người vùng Thuận Quảng. Sau đợt tình nguyện đầu tiên, nhất là sau sự kiện Ngọc Vạn công chúa, chúa Nguyễn bắt đầu áp dụng chính sách đưa dân quân vào Nam mỗi ngày một triệt để hơn. Trong quyển "Việt Nam, hành trình một dân tộc" Philippe Papin nhận xét:

"Cuộc tranh chấp giữa hai phủ chúa thù nghịch đóng kín ranh giới, cho nên cuộc "Nam tiến" trở thành một hiện tượng của riêng lãnh địa nhà Nguyễn ; nước Việt Nam "mới" còn đi xa hơn nữa, nhưng từ nay là người miền Trung sẽ tiến vào miền Nam bao la của nước Việt, bắt đầu được khai thác đúng vào lúc nước Việt đứt đoạn. . . .Mong muốn kiểm soát một không gian ngày càng rộng lớn, các chúa Nguyễn bèn áp dụng một chính sách cư dân triệt để: các viên chức được lệnh tập hợp tất cả những người vô gia cư, tất cả những ai không có tên trong sổ bộ làng xã, đưa vào các tỉnh miền Nam mới chiếm được của Kampuchea. . ."(Nguyễn Khánh Long dịch, đăng trong Dòng Việt, số 17, tr. 76-77). Giáo sư Nguyễn Đăng Thục ghi lại lời của Jules Sion trong "L'Asie des Moussons" về cuộc bành trướng của dân Việt về phương Nam như sau:

"Cuộc bành trướng của dân Việt là một sự đồng hóa thật sự. Tính chất đó giải thích vì sao người Việt bành trướng chậm nhưng rất chắc chắn. Cao Miên và Lào quốc đánh nhau chỉ đem quân cướp lấy tù binh đem về làm nô lệ, lại có một giai cấp quí tộc thống trị cho nên có cướp được đất cũng để mất ngay.

Mục đích của người Việt lại khác. Họ không cần bắt nô lệ, họ làm lấy. Đối với họ thắng trận không phải là để có người làm, mà là để có đất cày.

Nhiều khi chiến tranh chỉ là để xác nhận một tình thế đã rồi. Dân Việt bành trướng một cách ôn hòa, sinh cơ lập nghiệp rồi sau binh lính mới tới. Trước khi Việt Nam sáp nhập đất Nam kỳ về mình, người Việt đã lập ở đây những tổ chức, những đám di dân đã xây dựng làng xóm hay là tới ở chung với người Mên, rồi lần lần nắm quyền chính.

Cuộc bành trướng thực hành bằng cách đưa đến những đám người liên tiếp, đủ các hạng: dân cày không có ruộng, tù tội, kẻ chống đối chế độ hay là quân cướp muốn chuộc tội. Cũng có khi chính phủ thu thập những người đó rồi đưa xuống những miền mới chiếm lãnh, hay là lập đồn điền nơi biên thùy để phòng bị lân bang tới đánh. Những người ấy có quan lại cai trị và họ lập thành làng mạc." (Dòng Việt, số 17, tr.68-69).

 [Michel Blanchard trong bài "Les données historiques: De la limite territoriale au tracé frontalier" viết:

"Le delta du Mekong fut colonisé progressivement par les Vietnamiens, qui avancèrent peu à peu dans ces espaces peu peuplés, appliquant déjà la fameuse théorie de la "peau de léopard". Les colons vietnamiens, encouragés par le pouvoir central et notamment la dynastie des seigneurs Nguyễn établie à Huế à partir de la duxième decennie du 17è siècle, occupaient les espaces vides entre les comptoirs khmers, souvent tenus par les Chinois d'origine. Une partie des territoires fut également obtenue par la guerre, comme dédommagement après chaque victoire sur le Siam, le grand ennemy et concurrent.

La colonisation encouragée par Huế portait notamment sur le déplacement des "individus ne jouant aucun rôle social", le petit peuple sans emploi. Le but avoué est de mettre en valeur le sol, résister à l'ennemi, et assimiler ou refouler les autochtones. " (Dòng Việt, số 17, tr. 109-110).]

Ngoài những người dân Việt từ vùng Thuận Quảng đến còn có người Trung Hoa vùng Quảng Đông - Quảng Tây, trốn chạy nhà Thanh, sang đây định cư lập nghiệp. Thành phần cư dân này rất quan trọng vì họ giúp phát triển mạnh về thương mại và công nghiệp, nhất là thương mại.

Trong số quân binh nhà Nguyễn đi chinh chiến ở Miền Nam hay trên Cao Miên cũng có nhiều người tình nguyện hay được chính quyền cho ở lại định cư, làm ăn với dân chúng. [Dẫn lời bà Langlet, Michel Blanchard ghi:

"Pour la colonisation des terres du Sud, la cour de Hue utilisa notamment, selon Mme Langlet, les implantations des "colonies militaires", qui passaient progressivement au stade civil, composés des soldats-paysans et des condamnés. Des facilités étaient accordés aux colons volontaires, notamment des exemptions d'impôts. La securité était établie par des postes militaires." (Dòng Việt, số 17, tr.114)]

Nói chung thì phần đông người lưu dân là người Miền Trung thuộc đủ các thành phần xã hội cùng một số đáng kể người Trung Hoa. Họ là những người có công lớn lao trong việc bành trướng lãnh thổ, mở mang bờ cõi Việt Nam về phương Nam, biến vùng rừng rú hoang vu đầy muôn thú thành vùng đất đai phì nhiêu màu mỡ nuôi sống và làm giàu cho cả nước.

 

ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN ĐỒNG NAI CỬU LONG

a) Đời sống vật chất, xã hội, kinh tế

Phần đông người dân ở vùng Đồng Nai Cửu Long sống ở nông thôn, sống với ruộng nương hay vườn tượt. Họ sống giữa những biển lúa mênh mông, với đủ thứ loại từ "lúa ma" hay "lúa trời", đến "lúa sạ" và "lúa nước". Lúa ma hay lúa trời là loại lúa mọc tự nhiên không do người ta trồng, thường chỉ có ở vùng Đồng Tháp Mười. Lúa sạ là loại lúa lên cao theo mực nước, và không phải cấy, loại này chỉ có ở vùng nước nổi ở Châu Đốc, Long Xuyên. Lúa nước là lúa cần có cày cấy ở phần lớn các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Phần. Cũng có loại ruộng không phải cày gọi là ruộng chầm. Trong quyển "Trấn Tây Ký Lục", Doãn Uẩn mô tả việc làm ruộng chầm ở miền Nam như sau: "Việc làm ruộng lúa đơn giản, phát cho lau sậy ngã rạp, cào cỏ hai ba lần rồi cấy, không cần phí sức nhiều. Như đã cấy rồi thì không cần phải trông nom tới, cũng khỏi lo thiếu nước." (Sơn Nam trích dẫn trong Đồng Bằng Sông Cửu Long, tr.46). Nguyên cả chu kỳ làm ruộng là bắt đầu phát cỏ, cày, bừa, trục, gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, gặt lúa, đập lúa, giê lúa, phơi lúa và đem vào bồ, hay lẫm (kho) để chứa. Chu kỳ để biến lúa thành gạo để nấu cơm ăn thì bao gồm các công việc: xay lúa, quạt lúa, giả gạo, sàn gạo. Tất cả các hoạt động trên đây đều do những người nhà quê từ hạng trung nông trở xuống hạng làm công, làm mướn, đảm trách cùng với vợ con họ. Các công việc này đều phải dùng đến những dụng cụ đặc biệt tạo nên bởi một kỹ thuật còn thô sơ nhưng thực dụng, có cái đã có ở miền Bắc và miền Trung nhưng cũng có cái chỉ mới có ở miền Nam (vay mượn của người Chăm và Khờ Me). Phát cỏ thì dùng phảng, cày thì dùng lưỡi cày, bừa và trục thì dùng máy bừa, máy trục. Đập lúa hay đạp lúa thì có hai cách: đập là do người ta đập từng bó lúa vào một cái cộ có dừng bồ chung quanh kéo đi theo người đập, còn đạp lúa là cho trâu giẫm lên lúa để trước sân nhà hay ở ngoài ruộng. Xay lúa thì có cối xay. Xay xong rồi phải quạt để tách rời trấu ra khỏi gạo. Có thể dùng chiếu để quạt trấu hoặc tốt hơn thì dùng máy quạt gió (xa gió). Giã gạo thì dùng cối chày tay hay cối chày đạp. Sàn gạo thì dùng cái dừng sàn gạo để tách rời cám ra khỏi gạo. Những công việc trên đây bắt đầu mất dần khi có các nhà máy xay lúa dựng lên ở các nơi . Ở trong Nam người ta chỉ làm ruộng có một mùa, nhưng có thể có lúa sớm hoặc lúa muộn. Hết mùa lúa thì phải tìm công việc làm khác làm ăn sinh sống. Các chủ điền thường chứa lúa trong bồ hay trong lẫm, chờ gần đến mùa mới bán ra cho có giá. Mua lúa thường là các chủ chành người Hoa. Lúa đong bằng giạ (40 lít), cho vào bao bố tời, hai hay ba giạ một bao. Ở những vùng đồng ruộng (gọi là miệt đồng) thường có những bờ đê trên đó người ta hay trồng cây trâm bầu. Gần nhà có người trồng cây sua đủa, hay cây gòn, ngoài những cây dừa, cau hay chuối.

Những người làm vườn thì có thể trồng các loại cây ăn trái hay dừa khô. Vườn thường phải ở gần sông rạch để có đất phù sa. Cây ăn trái thì chỉ có huê lợi theo mùa, như vú sửa, dưa hấu, cam quýt thì chỉ có vào mùa xuân, còn bòn bon, lôm chôm, măng cụt, sầu riêng, xoài, mít thì có trái vào mùa hè. Chỉ riêng vườn dừa khô thì có trái quanh năm, nhưng có 6 tháng dừa mùa (nhiều trái), và 6 tháng dừa treo (ít trái), tháng nào cũng có thu huê lợi vào được. Muốn làm vườn dừa thì phải mướn người lên líp, biến ruộng thành vườn. Người ta phải đào mương lấy đất đấp lên líp. Cứ mỗi cái mương thì có một bờ vườn ở liền cạnh nhau. Khi mới lên líp, đất còn phèn, người ta phải bắt đầu trồng mì và chuối trước, trong khi đó người ta ươm dừa. Chờ cho đất rõ hết phèn và dừa bắt đầu lên cây thì người ta mới trồng dừa và cau. Dừa thì thường phải 5 năm mới có trái. Khi mới có trái thì cây dừa còn thấp nhưng vài chục năm sau thì cây dừa lên rất cao. Lâu hơn nữa thì dừa lên thật cao và trở thành dừa lão. Muốn leo lên dừa hay cau người nhà quê thường dùng cái “nài”. Ở những nơi có vườn dừa thật lớn và thật nhiều thì người ta phải “giựt dừa”. Thường trong một vườn dừa có hai ba loại dừa cao thấp khác nhau cho nên người giựt dừa phải có nhiều cán hay sào giựt dừa với độ cao khác nhau, gọi là sào thấp – sào cao. Sào giựt dừa là một cây tre dài có gắn lưỡi liềm ở đằng đầu. Người giựt dừa dùng lưỡi liềm đó để cắt đứt cả quày dừa. Mỗi tháng giựt dừa một lần. Khi giựt dừa thì phải có người lượm dừa, và gánh dừa. Nếu không gánh thì phải lùa dừa theo các mương vườn hay các con rạch nhỏ để đem dừa về sân nhà. Dừa đây phần lớn hay hầu hết là “dừa ta” (trái to, không ngọt nước), không phải để ăn mà để bán làm dầu. Người ta chỉ trồng một ít “dừa xiêm” (trái nhỏ, nước ngọt) hay “dừa lửa” hoặc “dừa tân quang” ở chung quanh nhà để ăn thôi. Dừa giựt xuống là dừa khô, bán ra cho những người lái dừa, thường là khách trú. Dừa mua xong là người ta mướn người lột dừa. Người lột dừa thường dùng cây nầm lưỡi sắt, cậm sâu xuống đất, rồi lột từng trái dừa một trên cây nầm đó. Lột xong liệng vỏ dừa qua một bên và gáo dừa qua một bên. Lái mua dừa chỉ chở gáo dừa mà thôi. Có khi nhà vườn tự mình cạy lấy ruột, phơi hơi khô rồi chở đi bán. Muốn bán cái dừa như vậy thì sau khi lột dừa xong, người ta phải đập (hay bổ làm đôi) gáo dừa. Nước dừa có thể thắng làm nước màu, không thì bỏ. Gáo dừa đập ra rồi đem phơi nắng. Khi nào cái dừa hơi khô thì người ta cạy ra, lấy cái dừa phơi tiếp cho khô hơn chút nữa rồi đem bán. Miễng gáo, tức vỏ cứng hay còn gọi là muỗng vùa, thì dùng để nhóm lửa lấy than đỏ.

Cá tôm càng về xưa càng nhiều. Trên ruộng, trong sông rạch, trong các mương vườn, các đìa, các ao, ngoài biển, ở đâu cũng có cá, tép, tôm, cua, ốc, rùa, cua đinh, lươn, rắn. “Nhiều đìa cá ở xa đường giao thông, cá nổi đầu lên như mù u chín rụng, nhưng chẳng ai khai thác, gặp năm cá sụt giá.” (Sơn Nam, Đồng Bằng Sông Cửu Long, tr. 47). Cá linh vào khoảng tháng 10 ta, hồi thập niên 1930 mỗi giạ chỉ có không đầy ba cắc bạc. Nói về cá linh, Nguyễn Hiến Lê ghi lại lời người dân Đồng Tháp Mười như sau:”Tại phía trong Hồng Ngự, nó lội đầy rạch, chỉ việc lấy thùng thiếc mà xúc. Hồi lúa rẻ, mỗi thùng chỉ bán có một cắc. Ăn không hết, làm nước mắm và mắm cũng không hết, có khi, người ta phải đổ đi, hoặc dùng làm phân bón thuốc (thuốc lá).” (Nguyễn Hiến Lê, Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười, tr.78). Người nhà quê Nam Việt không thiếu đồ ăn. Họ có nhiều cách bắt tôm cá. Câu, chỉa, nôm, xúc, đăng, đó, đặt nò, đặt gió, chài, lưới, vở chà, tát mươn, tát đìa, bắt cảng, bắt hôi, v v . . . Chặn mương, đắp đìa, bỏ chà ở bờ sông lớn, bỏ ốc ở bãi bùn bên cồn là những hình thức nuôi cá, tôm, ốc mà không phải cho ăn. Mấm, nước mấm, khô được sản xuất rất nhiều. Ai cũng biết mấm lóc, mấm sặc, mấm trèn, mấm cá linh, mấm thái, mấm còng, mấm tôm. . ., cũng như khô lóc, khô sặc, khô tra, khô cá gộc, khô cá thiều. . . Nhà nào cũng có nuôi gà vịt, một số ít có nuôi heo. Gà vịt nuôi để ăn nhiều hơn là để bán. Ở làng quê thỉnh thoảng có chú “chệch ” đi qua thổi còi quảng cáo “thiến heo”. Nhà nào nuôi heo nái để sanh heo con thì phải đi rước “heo nọc” ở một nơi chuyên cho mướn heo nọc. Heo lớn lên thì bán cho một người làm thịt heo trong làng. Anh này thường làm heo, ra thịt, gánh đi bán trong xóm, trong thôn ấp. Hoặc bán cho các lái heo người Hoa.

Ngoại trừ các đại điền chủ hay điền chủ, còn hầu hết đều phải làm lụng vất vả mới có miếng ăn. Có thể gọi là cực khổ nhưng dù sao thì sự cực khổ ở đây cũng không tệ hại như cuộc sống của những người nghèo khổ ở Miền Trung hay Miền Bắc. Nhất là ở đây không chết đói bao giờ. “Nghèo tới mấy, suốt năm, họ cũng được ăn cơm với cá hoặc mắm, chứ không phải ăn khoai, ăn ngô (bắp) như ngoài Bắc”. (Nguyễn Hiến Lê, Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười, tr.33). “Chủ điền trong này là những ông vua nhỏ! Chánh Tham Biện vào nhà họ, thấy những thứ rượu của họ, mà thèm! Họ mua từng thùng để đãi khách quý. Cha kiếm dễ, thì con phải phá: trước hồi kinh tế khủng hoảng, các công tử Bạc Liêu (miền này hồi đó, mới phát, lúa chất cao như núi, tiền nhiều như ốc). Muốn khoe giàu với gái điếm, lấy giấy xăng (trăm) quấn thuốc hút chơi! Quả thật là họ đã liệng tiền qua cửa sổ.” ( Nguyễn Hiến Lê, sđd., tr. 91). Đó là trường hợp hiếm có của những đại điền chủ còn phần đông người dân quê thì như Sơn Nam diễn tả sau đây: “Đời sống thường nhật thuở ấy chắc hơi giống những nét mà ông Việt Cúc mô tả lại. . .”Hằng ngày sáng ra lót lòng cơm với muối mè, hoặc cháo, trưa và chiều hai bữa cơm đạm bạc cá mắm canh rau, quần bô áo vải, no bụng ấm thân thì thôi. Người được mạnh khỏe, ít hay ốm đau. Xóm thưa, dân số ít, hai ba năm mới nghe cái đám ma. . . Nhà cửa phần nhiều là nhà nghèo, cất bằng cây đốn nơi rừng, lợp tranh lá. Thật là bực đại phú mới làm nhà bằng cây điều mộc, nền xây đá ong, vách ván, lợp ngói âm dương. Hai ba xóm mới thấy bóng một nhà ngói đỏ lói, thiên hạ ghé mắt trầm trồ khen. . . .””(Đồng Bằng Sông Cửu Long hay Văn Minh Miệt Vườn, tr. 57-58).

Miền Tây Nam Phần là vùng văn minh sông rạch. Đường sông, đường biển là mạch máu của người dân. Phương tiện di chuyển, giao thông quan trọng nhất là ghe, xuồng. Xuồng ba lá, ghe tam bản, ghe lườn, một số các nhà trong làng đều có sắm. Làng xóm mọc lên từng cụm dọc theo bờ sông, con kinh, con rạch. Làng này qua làng kia nối tiếp nhau, không có một hàng rào ngăn cách nào. Ranh giới giữa hai làng chỉ có người địa phương quen thuộc mới phân biệt được. Đường đi trong làng thường phải qua rất nhiều những cây cầu, nhất là ở Miệt Vườn. Cầu dừa, cầu cau, cầu tre bắt qua các mương vườn, cầu đúc, cầu ván, cầu khỉ bắt qua các con rạch lớn hơn. Mỗi làng thường có cái chợ nằm bên bờ sông, mỗi ngày đều có nhóm để người trong làng tới bán buôn mua sắm. Chợ thường nằm bên con rạch và mang tên con rạch đó, như chợ Rạch Gầm, chợ Rạch Đình, hoặc lấy tên làng như chợ Vĩnh Kim, chợ ông Văn. Ở mỗi quận có chợ quận như chợ Cái Bè, chợ Gạo, chợ Bình Đại, chợ Sóc Sải, v v . . . Ở những nơi ghe thương hồ thường dừng lại nghỉ đêm, ở những chỗ gọi là vàm (như Vàm Kỳ Hôn, Vàm Cống), thường có những chiếc xuồng bán đồ ăn (chè, cháo, bánh ú, bánh ít, bánh tét, bánh dừa, khoai lang, xôi, bắp, v v . . .) của các cô gái bán vàm.

Nghề thủ công ở Miền Nam gồm một số những nghề truyền thống đem từ Miền Bắc và Miền Trung vào và một số những nghề mới. Nói chung nghề thủ công ở đây mang sắc thái văn hóa đặc trưng, hình thành và phát triển theo điều kiện địa lý và môi trường sinh sống, và từ thế kỷ 19 trở đi đã bước vào con đường kinh tế sản xuất với những xóm nghề hay làng nghề hay có khi cả khu vực như nghề trầu rang và cau khô, nghề làm trống, nghề đóng xe bò, nghề đóng ghe thuyền, nghề làm tàu hủ ky, nghề nắn nồi đất, nghề làm cần xé, v v. . . Trong “Niên Giám Đông Dương” phát hành năm 1910, có ghi tình trạng nghề thủ công ở Nam Việt như sau” Người bản xứ chế tác một số ít kim hoàn, các vật dụng đan bằng tre (thúng, mủng. . .), chiếu và các loại túi bàng. Người Hoa hình như độc chiếm các nghề sành sứ và gạch ngói. . . Họ quản lý hầu hết các lò nung vôi, các xưởng nấu rượu và xưởng cưa.”

Thương mãi phát triển mạnh, phần lớn là do người Hoa nắm. Thương cảng Sài Gòn đã trù phú, phồn thịnh từ thời Gia Long, và càng ngày càng phát triển mạnh thêm. Năm 1822 một phái đoàn Anh do ông Crawfurd dẫn đầu có đến yết kiến Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Gia Định . Trong dịp này Crawfurd thú nhận: “Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng.” Sau đó ông còn ghi lại trong quyển nhật ký của ông về những sinh hoạt của thành phố Sài Gòn lúc đó và tiếng tăm của Ngài Tổng trấn như sau:

 “Thành phố Saigun không xa biển, có lẽ cách độ 50 dặm; thành phố Pingeh (Bến Nghé) gần đó cách thành phố Saigun độ 3 dặm. Dinh Tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được Tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ Tổng trấn biết được cũng bị phạt rất nặng.

Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị Tổng trấn của họ.

Con người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông.”

Dưới thời Pháp thuộc, Sài Gòn và nhiều thành phố khác như Cà Mau, Cần Thơ, Mỹ Tho v v . . .ở Nam Kỳ được phát triển thêm với nếp sống văn minh mới. Lớp người theo tân học ở thị thành càng ngày càng đông. Tỷ lệ người dân thành thị tăng thêm nhiều. Những hạng người mới trong xã hội thành hình, nhất là những công tư chức. Những lớp người này có đời sống tân tiến, gần với văn minh Tây phương hơn người nhà quê. Tuy có những đổi mới ở thành thị nhưng những đổi mới này không làm thay đổi nếp sống của người dân quê nơi ruộng vườn.

 

b) Đời sống tâm linh: Tư tưởng, Tín Ngưỡng, Tôn giáo.

Bao phủ bởi rừng rậm hoang vu với nhiều thú dữ, với sơn lam chướng khí, đe dọa bởi những hiểm nguy không lường trước được, người lưu dân trong cuộc mạo hiểm vào phương Nam lúc nào cũng sống trong sự kính nể, lo sợ, nhưng cũng mong mỏi được che chở bởi một thế lực siêu linh huyền bí. Họ phải tin, phải thờ cúng, nguyện cầu nhiều bậc thần linh mà họ nghĩ ra được hay tìm ra được trong tâm tư họ. Gần gũi với họ nhất là ông bà tổ tiên, những vong linh của những người thân trong gia đình. Thờ ông bà, tổ tiên là truyền thống tín ngưỡng/tôn giáo quan trọng của họ. Đi đến đâu họ cũng mang theo truyền thống tốt đẹp đó. Phần đông đều tin rằng vong hồn của người đã khuất vẫn còn sống ở một thế giới siêu linh nào đó, và ông bà tổ tiên vẫn linh hiển theo dõi cuộc sống của con cháu, giúp đỡ hộ trì cho con cháu. Người ta cúng ông bà để tỏ lòng tôn kính, biết ơn, và cũng để nguyện cầu cho gia đình, con cháu được bình yên, làm ăn phát đạt.

Kế đó là các thần linh vốn là những người có thể là anh hùng có công khai phá, bảo vệ, phát triển nơi vùng đất người dân sinh sống. Các vị thần linh đó được thờ phượng trong các đình, miễu ở trong làng xã, hay trong các lăng miếu chốn đô hội thị thành. Anh hùng hay phúc thần cho cả vùng thì có Lăng Ông thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt ở Bà Chiểu, Gia Định. Gần như ở mỗi tỉnh đều có một vị anh hùng được dân chúng thờ phụng trong tỉnh của họ: Biên Hòa có Nguyễn Hữu Cảnh, Long An có Nguyễn Huỳnh Đức, Rạch Giá có Nguyễn Trung Trực, An Giang có Thoại Ngọc Hầu, Mỹ Tho có Nguyễn Hữu Huân, Gò Công có Trương Công Định, v v . . . Mỗi làng, mỗi xã thường có đình làng để thờ thành hoàng. Nhiều nơi ở mỗi ấp cũng có một cái miễu thờ thần địa phương. Nghi thức cúng đình rất được người dân và làng xã hay hương chức hội tề chú trọng rất nhiều. Làng nào cũng có ban tế tự bên cạnh ban hội tề. Tế tự thì có từ các vị bồi, bái đến ông kế hiền, trong khi ban hội tề thì gồm hương cả, hương chủ, hương thân, hương giáo, hương sư, hương trưởng, dến hương thôn, hương quản và chánh lục bộ. Khi cúng đình thì hương chức hội tề mỗi người phải cúng ít nhất là một mâm xôi. Cúng xong thường không dùng hết nên làng kiếng lại cho các viên chức hội tề. Ông cả được kiếng mâm xôi với phần thủ vĩ, ông chủ cũng với từng ấy xôi nhưng được cái nộng heo, v v . . .Cúng đình thì phải có hát bội. Làng mướn một gánh hát bội hát trong ba đêm. Các hương chức như cả, chủ thay nhau cầm chầu. Dân làng đi coi thí, không phải tốn tiền gì cả.

Người lưu dân Việt khi vào Nam đã tiếp nhận và Việt hóa một số thần linh của các dân tộc khác như sự thờ cúng Bà Chúa Xứ, Bà Mã Châu, Bà Đen, v v . . .Đồng bào Nam Việt hằng năm đi hành hương, cúng bái ở các miễu Bà Đen, Bà Chúa Xứ, Bà Mã Châu đông không biết bao nhiêu mà nói. Người thì cầu tài, mong mua may bán đắt, người thì mượn lộc, vay tiền của bà để làm ăn, người thì cầu phúc, cầu cho gia đạo tai qua nạn khỏi, hết cơn đau bệnh, sống bình yên hạnh phúc, cũng có nhiều người cầu xin cho tình duyên tốt đẹp, suông sẻ, hạnh phúc. Sự tín ngưỡng của người dân miền Nam đối với các vị thần linh này, nhất là Bà Chúa Xứ, thật vô cùng mạnh mẻ. Người ta thấy gần như ở làng xã nào cũng có miễu Bà Chúa Xứ, và trong nhiều khuôn viên đình, chùa cũng đều có miễu thờ vị nữ thần này bên cạnh miếu Ngũ Hành, miếu Thổ Địa.

Về tôn giáo, người dân miền Nam vẫn tin ở Phật Nho Lão, nhưng tam giáo vào đây cũng biến thể khi được nhập vào tín ngưởng tôn giáo đặc biệt của địa phương như Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo.

 

c) Ngôn ngữ.

Tiếng Việt vùng Đồng Nai Cửu Long có những đặc nét đặc biệt của nó. Tuy cả ba miền đều sử dụng một thứ ngôn ngữ chung như nhau nhưng trên phần lớn ngữ vựng thông dụng cho cả ba miền còn có những tiếng địa phương đặc biệt chỉ xài cho một vùng hay một địa phương nào đó thôi. Có những danh từ để gọi những đồ dùng như cái “phảng”, cái “nóp”, hay những động từ chỉ định những hoạt động như “bắt hôi”, “mót” mà chỉ ở vùng Đồng Nai Cửu Long mới có. Có khi cùng một từ ngữ nhưng ý nghĩa lại khác nhau tùy theo miền. Cái hòm đối với người miền Nam là cái hàng để tẩn liệm người chết trong khi người Bắc dùng chữ đó với ý nghĩa của cái rương đựng đồ dùng của người miền Nam. Củ sắn của người Bắc là củ khoai mì của người Nam. Những tiếng xưng hô trong gia đình họ hàng cũng có chỗ khác biệt. Tiếng cô, chú, bác giữa người Nam và người Bắc rất khác nhau cũng như những tiếng dì dượng thì chỉ có người miền Nam và một số người miền Trung dùng đến. Khác biệt rõ ràng nhất là cách phát âm tiếng Việt của mỗi vùng, mỗi địa phương. Người miền Bắc phát âm đủ cả năm dấu, nhất là phân biệt được rõ ràng dấu hỏi và dấu ngã, phân biệt được phụ âm t và c ở cuối chữ (như phát và phác, phút và phúc...), nhưng lại không phân biệt được hai phụ âm tr và ch (trân châu và chân trâu chẳng hạn). Phần đông người miền Nam đều phân biệt các phụ âm tr và ch nhưng không phân biệt hỏi ngã và các phụ âm t và c ở cuối chữ. Đối với người bình dân miền Nam thì người Huế phát âm các dấu sắc hỏi ngã đều như dấu nặng, và người Quảng Nam/Quảng Ngãi thì phát âm những nguyên âm a như ơ và ơ như ô. Chỉ nói riêng về mặt phát âm, một số vần trong tiếng Việt Miền Nam đã có nhiều biến đổi so với âm chính của tiếng Đàng Trong, và Đàng Ngoài. Thí dụ: thì biến thành thời, chu thành ra châu, quí thành ra quới, vũ thành ra võ, v v . . .(Xem bài “Một Số Từ Biến Âm Trong Tiếng Việt Miền Nam” của Nguyễn Viết Sơn trong Đồng Nai Cửu Long 2). Năm 1954 khi có cuộc di cư ồ ạt của người Bắc vào Nam, thì đa số người Nam ở miền quê không hiểu được tiếng nói của người Bắc, và các bà mẹ quê miền Nam thường gọi những người Bắc di cư là “người ngoại quốc” hay cho họ “không phải là người Việt”. Người ở thành thị thì hiểu tiếng Bắc nhiều hơn, nhất là ở các học đường, khi các học sinh, sinh viên phải thường xuyên tiếp xúc với bạn bè và thầy cô người Bắc.


d) Nghệ thuật ca hát

Trương Vĩnh Ký ghi lại câu tục ngữ vào cuối thế kỷ 19 là “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò” và ông giải thích rằng người trong Nam hát lý hay hơn, còn ca, phú thơ vịnh thì phải nhường cho người ngoài Bắc, còn về hò thì người Huế ở nơi kinh kỳ hay hơn cả. Theo nhận định trên đây của câu tục ngữ thì lý có thể xem như một thể loại dân ca tiêu biểu của miền Nam. Lý là gì? Huỳnh Tịnh Của định nghĩa: “Lý hát: Là kể và hát, có mau có chậm”, và “Hát lý: Hát bắt nhịp, giọng cao, giọng thấp, lặp đi, lặp lại.” Nhiều bài lý nổi tiếng như Lý Con Sáo, Lý Ngựa Ô đã được phổ nhạc lại gần đây và rất được nhiều người ưa thích. Thật ra không phải người miền Nam không thích hò. Ngược lại điệu hò miền Nam rất được người dân ở đây ưa thích và sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày khi làm lụng ở ngoài đồng ruộng hay chèo ghe thuyền trên sông rạch.

Một hình thức diễn xướng ưa chuộng khác ở miền Nam là “nói”. Nói vè, nói thơ, nói truyện, nói tuồng. Đây là những hình thức diễn xướng khá quan trọng trong sinh hoạt nghệ thuật của người dân miền Nam. Vè của trẻ con như “Bắt Kim Thang”, “Tùm Nụm, Tùm Niệu”, “Chặt Cây Dừa”, “Tập Tầm Vông”, rất phổ biến trong đám trẻ nhà quê. Vè thổ sản như Vè Trái Cây, Vè Cá, Vè Chim Chóc, Vè Rắn U minh, vè lao động sản xuất như Vè Làm Ruộng, Vè Bán Quán, Vè Chăn Vịt, v v . . ., có hàng ngàn bài vè nói lên mọi khía cạnh sinh hoạt của người dân Nam (Xem Vè Nam Bộ của Huỳnh Ngọc Trảng). Nói thơ Lục Vân Tiên là một phong trào đôc đáo ở miền Nam. Phần đông người miền Nam xưa kia đều thuộc nằm lòng thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Nói thơ Vân Tiên là cả một nghệ thuật, với âm điệu bổng trầm, tiết tấu khoan nhặt làm cho người nghe bị quyến rũ lôi cuốn theo. Nói tuồng là một hình thức giản đơn mở đầu cho hát bội và cải lương sau này.

Trong “Trấn Tây Kỷ Lược”, Doãn Uẩn viết” Từ chúa Hiểu Triết (1641-1678) đến chúa Võ Vương (1739-1765), trong non một trăm năm ấy, mở mang bờ cõi. . . ruộng đất màu mỡ, lúa thóc đầy dẫy, cho đến cây gỗ, cá tôm đều vô khối. Cho nên dân dễ làm ăn. Làng xóm an vui vô sự. Duy tính nhân dân thích ca vũ lắm, không ngày nào không”. Ca vũ nói ở đây là hát bội. Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “. . .Người gần thành thị chơi bời biếng nhác, như con gái ở Mỹ Tho thì hay sửa soạn trang sức đi coi hát xướng. . .tật xấu chưa chừa” (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Phủ QVKDTVH xb, S, 1959, tập thượng, tr.103). Hát bội xưa kia rất phổ biến trong dân gian, người dân miền Nam rất mê hát bội:

 “Má ơi đừng đánh con đau,

Để con hát bội làm đào má coi.”

Trong giáo trình “Hát, lý, hò Annam” Trương Vĩnh Ký viết: “Hát bội cũng đáng vô việc lễ nhạc, cho nên nơi đình miếu, chùa chiền đều có làm nhà võ ca để khi khấn vái một chầu thì kêu bầu gánh đem ban hát tới đó mà hát”. Hát bội cúng thần là một trong những nghi thức đã thành lệ với những lễ “xây chầu”, “tôn vương” thường thấy ở trong các buổi cúng đình. Hát bội suy tàn dần khi người Pháp củng cố nền đô hộ ở Nam Kỳ để dần dần nhường chỗ cho sân khấu cải lương.

Cải lương trước hết là danh từ chỉ chung cho phong trào cải cách xã hội được nhiều thức giả cổ xúy ở Nam Kỳ vào đầu thế kỷ XX. Trên báo chí Nam Kỳ trong thời gian này có nhiều bài viết bàn về việc cải lương trên nhiều lãnh vực. Nguyễn Chánh Sắt hô hào cải lương nông nghiệp; Hồ Biểu Chánh kêu gọi cải lương văn học và giáo dục; Nguyễn Từ Thức bàn về cải lương nếp sống của người phụ nữ. . . . Một số người theo tân học thấy hát bội có nhiều điểm không còn thích hợp với xã hội mới. Họ kêu gọi cải cách sân khấu hát bội bằng cách đưa lên sân khấu những tuồng tích mới, với nghệ thuật trình diễn mới và đặc biệt là dùng cái “mùi” của bài ca vọng cổ trong nhiều đoạn của một vở tuồng. Đó là sân khấu mới, được mệnh danh là “cải lương” thành hình vào đầu thập niên 1920. Gánh hát đầu tiên có danh xưng “Đoàn Hát Cải Lương” là gánh hát Tân Thinh ra đời vào giữa năm 1920 tại Sài Gòn. Mục đích, tôn chỉ của gánh được ghi trong hai câu đối sau đây để trước cửa rạp:

Cải cách hát ca theo tiến bộ,

Lương truyền tuồng tích sách văn minh.”

Bài ca vọng cổ, bài ca được ưa thích nhất trong tuồng hát cải lương, cũng được soạn vào khoảng thời gian này (1920) với cái tên hồi ban đầu là “dạ cổ hoài lang” mà tác giả là Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) ở Bạc Liêu. Bài hát được nhiều người mê thích và sau này được gọi là bài vọng cổ hoài lang hay bài vọng cổ. Hát cải lương và ca vọng cổ phát triển nhanh nhóng, thay thế dần cho hát bội, trước hết là ở thành thị. Ở thôn quê những gánh hát bội vẫn còn tồn tại và còn lưu diễn ở các đình miễu và các chợ làng, nhưng cũng suy tàn nhanh chóng trước phong trào đờn ca tài tử lớn mạnh lên ở thôn quê với bài ca vọng cổ. Nhiều soạn giả cải lương nổi tiếng xuất hiện như Tư Trang, Năm Châu cho đến Hà Triều Hoa Phượng. . . sau này. Người ta mê tiếng hát và sự diễn xuất của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Năm Phỉ, Phùng Há, cô Tư Sạn, cô Tư Bé, Ba Vân, Năm Châu, rồi Út Trà Oân, Thành Được, Thanh Nga, Phượng Liên, v v…. . . Bộ dĩa xưa San Hậu, Quan Âm Thị Kính , Lan và Điệp rất được người dân quê ưa chuộng. Đa số người miền Nam đều mê thích cải lương và nhất là bài ca vọng cổ. Giọng kể lể, giọng nói thơ, với những lời lẽ phổ thông nhưng nhiều gợi cảm, với điệu nhạc thê lương, ai oán, bổng trầm não nuột làm tê tái lòng người. Những đoạn nói lối lâm ly, lời lẽ bình thường, không cần nhiều trau chuốt rất dễ đi sâu vào tâm tư người dân miền Nam. Với bài ca vọng cổ, người dân ở đây có thể thưởng thức ngay, có thể mê say theo lời và giọng ca của người ca sĩ mà không phải đợi chờ suy nghĩ, không phải moi tìm trong ký ức xem điển tích đó nói gì, không bị vướng vấp bởi những khúc mắc, khó hiểu.

 

e) Văn học

Ở địa hạt văn chương thì văn chương chữ Hán và chữ Nôm chỉ xuất hiện ở miền Nam một thời gian rất ngắn, và có thể xem như nghèo nàn so với văn chương chữ Hán và chữ Nôm ở miền Bắc, là miền ngàn năm văn vật. Nhưng ở địa hạt văn học mới, thì văn chương chữ Quốc Ngữ đã bắt đầu ở trong Nam từ cuối thế kỷ 19 rồi, với những người mở đầu là Petrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của. Báo chí theo kiểu báo chí Tây phương cũng xuất hiện ở đây trước trong khoảng thời gian này. Truyện Tàu dịch ra tiếng Việt và in bằng chữ Quốc Ngữ được phổ biến rộng rãi hồi đầu thế kỷ 20. Tiểu thuyết viết bằng chữ Quốc Ngữ theo kiểu Tây phương cũng bắt đầu xuất hiện sớm ở đây. Số người biết chữ Quốc Ngữ càng lúc càng đông, và báo chí và tiểu thuyết càng ngày càng có nhiều độc giả. Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh rất được độc giả Nam Kỳ yêu chuộng. Cũng như cải lương bên sân khấu, tiểu thuyết bên văn chương cũng mang tính đặc biệt “đặc sệt” giọng miền Nam, và nhờ vậy đã đáp ứng đúng nhu cầu giải trí của người dân bản xứ.

Như đã thấy trên đây, văn hóa hay nếp sống của người dân vùng Đồng Nai Cửu Long có nhiều khác biệt so với nếp sống của người Việt ở miền Bắc, từ kinh tế, kỷ thuật, tín ngưỡng/tôn giáo, ngôn ngữ đến nghệ thuật. Điều đó cho thấy có sự biến đổi khá quan trọng trong văn hóa Việt Nam qua thời gian và nhất là qua không gian hay hoàn cảnh/môi trường sinh sống. “Bận chăn” hay vận xà rông, ngủ nóp, lội sình, ăn cơm nguội với mấm sống và bần chua, bơi xuồng, chèo ghe tam bản hoặc ghe lườn, thờ ông bà và đi cúng vái miếu bà Chúa Xứ, phát cỏ bằng phảng, quạt lúa bằng xa gió, đá gà, đá cá lia thia, hốt me, hát lý, nói thơ Vân Tiên, đờn ca tài tử. . . . là một số những điều không tìm thấy ở thôn quê miền Bắc nhưng lại rất thông dụng ở miền Nam. Nguyễn Hiến Lê có kể chuyện đưa một ông bạn từ Hà Nội mới vào Nam lần thứ nhất đi thăm Đồng Tháp Mười với ông trong quyển hồi ký “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”. Sau đây là một vài nhận xét đặc biệt của ông bạn trích trong tác phẩm nói trên. “Tôi không thể nào đọc báo trong này được. . . In sai nhiều quá. Hỏi, ngã nhầm be bét, rồi ác, át, an, ang. . . không phân biệt, thật chướng mắt. Cây cau mà in là cây cao, thì có chết tôi không chứ? . . . Còn về nội dung thì bài vở tầm thường lắm. Ít bài xã thuyết có giá trị. . . Nói chung thì văn học Sài Gòn còn kém Hà Nội xa! Sài Gòn không có gì đẹp. Không có nhiều di tích củ như Hà Nội; không có thắng cảnh như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, cách ăn mặc của phụ nữ ở đây cũng không được nhã: Aùo dài thì ngắn quá, màu thì lòe loẹt quá, và ra đường thì nhiều cô chỉ mặc áo bà ba, không quen mắt như tôi, thấy trơ trẽn lắm; hoa không có thứ quý: hải đường, trà, đào . . . đều thiếu, cuộc sinh hoạt thì ồn ào: người ta sống ở ngoài đường nhiều hơn ở trong nhà; quán ăn, tiệm nước đầy phố và lúc nào cũng chật những khách. . . .Sài Gòn không phải là một thành phố Việt Nam. . .Ở ngoài đường ta chạm trán với khách mọi phương: những ông Lục Cao Miên, áo vàng nghệ, che dù đen; những anh gác-dang Băng Ga Li, hút điếu bằng đồng, cần dài và cong, một bọn thủy thủ Anh, da đỏ như tôm luộc, mắt xanh như nước biển, những lính Ma Rốc tóc xoăn, mắt và răng trắng dã! Rồi người Chàm, người Mã Lai, người Nhật, người Pháp, người Huê Kiều ở Hải Nam, Quảng Đông, Triều Châu. . ., bao nhiêu giống người, bấy nhiêu tiếng nói, y phục, phong tục mà cũng sống chung trên mảnh đất này, làm cho Sài Gòn có những vẻ đặc biệt, khác hẳn với Hà Nội, Huế. Ban đêm, vào Chợ Lớn, thì ai mà không có cảm tưởng là đương đi ở Hồng Kông hoặc Thượng Hải. . .

Không khí tại đây là không khí giang hồ, tứ chiếng. . . . Sài Gòn không phải là một đô thị Việt Nam, nó là một thương cảng của thế giới. . . .”

Nhận xét trên đây chắc cũng là nhận xét của nhiều người quen sống ở Hà Nội khi mới đặt chân vào Sài Gòn. “Culture shock” chắc sẽ làm cho người ta có liền nhận định đó. Nó là một nhận định đúng, rất chính xác, đúng và chính xác ở chỗ có sự khác biệt rất nhiều và rất rõ rệt giữa văn hóa/xã hội miền Nam và văn hóa/xã hội miền Bắc. Nhưng khác biệt không có nghĩa là hay hơn hay dở hơn vì nhận định về giá trị hơn kém của mỗi miền không có cơ sở vững vàng. Khoa học cho phép ta chấp nhận sự khác biệt của người khác hay của xã hội/văn hóa khác, nhưng khoa học không khuyên ta đánh giá người khác hay nền văn hóa khác bằng những tiêu chuẩn hay bậc thang (standard hay scale) không cùng một loại. Ở đây chúng ta chấp nhận sự khác biệt để thấy có sự biến đổi quan trọng trong văn hóa Việt từ Bắc vào Nam nhưng chúng ta không làm công việc phê bình hay lượng giá một nền văn hóa khu vực nào cả. Từ sự biến đổi đó, một số câu hỏi được đặt ra. Tại sao người Việt không giữ được văn hóa truyền thống của họ khi họ vào Nam, trong khi người Bắc vẫn giữ được truyền thống đó? Tại sao có sự biến đổi về văn hóa như vậy?

 

SỰ BIẾN ĐỔI TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM TỪ BẮC VÀO NAM

Trước hết sự biến đổi của văn hóa Việt Nam từ Bắc vào Nam cho thấy có khuynh hướng xa dần văn hóa Trung Hoa để đến gần văn hóa Aán Độ hơn. Từ xưa, từ lúc bị Trung Hoa đô hộ cho đến đầu thế kỷ XVII, Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á ít nhận ảnh hưởng văn hóa Aán Độ nhất. Văn hóa Việt Nam xưa gần như là bản sao của văn hóa Trung Hoa. Khi văn hóa Đàng Trong, nhất là khu vực Đồng Nai Cửu Long thành hình thì khu vực văn hóa này một mặt giảm bớt ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và mặt khác thu nhận phần nào ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Điều này không có nghĩa là văn hóa Ấn Độ mạnh hơn hay tốt hơn văn hóa Trung Hoa, thật ra đây chỉ có nghĩa là văn hóa Ấn Độ có những nét (traits) khác hơn văn hóa Trung Hoa mà thôi. Nó cũng không có nghĩa là văn hóa Đồng Nai Cửu Long trực tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, đúng ra nó chỉ tiếp nhận một số nét đặc biệt của văn hóa Ấn Độ qua các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn như Champa và Kampuchia hay Thái Lan. Văn hóa Đồng Nai Cửu Long đến gần văn hóa vùng Đông Nam Á hơn văn hóa truyền thống Việt Nam ở Thăng Long. Cái gì làm cho có sự thay đổi theo chiều hướng như vậy?

Chính trị đóng vai trò khá quan trọng ở đây. Từ danh xưng “Đàng Trong” để đối lại với “Đàng Ngoài” đến sự xác định nguồn gốc “Ô Châu” của chúa Nguyễn Phúc Khoát, người ta có thể suy ra được quyết tâm của chính quyền ở phía Nam sông Gianh trong nỗ lực xây dựng một nước khác, độc lập đối với nhà Lê và miền Bắc, đi một hướng đi khác hơn hướng đi của Đàng Ngoài, có một cách làm người Việt Nam khác hơn là người miền Bắc. Tana Li trong bài “An Alternative Vietnam? The Nguyen kingdom in the seventeenth and eighteen centuries” (Journal of Southeast Asia Studies; 3/1/1998) viết:

 “From the seventeenth century, the Red River delta ceased to be the only centre of Vietnamese civilization: a new centre – Phu Xuan (Hue) – challenged Thang Long (Hanoi), and a second important socio-economic zone – Thuan Quang – took shape far from the Red River delta. This was more than a simple southern extension of the former Vietnamese economy and society. Rather, a new society developed, with a different cultural background and quite different political and economic circumstances. As a residents of a region over which the hostile Le/Trinh northern government never formally renounced control, southern Vietnamese described their territory as the “inner region” (Dang Trong), and characterized the northern Red River plains as the “outer region” (Dang Ngoai). The terminology indicates clearly that they perceived the south as a distinct entity, and the emergence of marked dissimilarities between the two areas amounted to two different ways of being Vietnamese.”

Và:
“When proclaiming himself king in 1744, Nguyen Phuc Khoat declared proudly, “our country rose and developed from O Chau”, using a name with strong local colour for the place of origin of the royal family and many high officers. O Chau emphasized a perception of Dang Trong as a separate country that had developed since the early seventeenth century. This identification actually implied two meanings: a country equal to the north and a local rather than a foreign regime for the local people. The latter sense was related to legitimacy, and to the self-confidence of the Nguyen.”

 (Từ thế kỷ 17, châu thổ sông Hồng không còn là trung tâm duy nhất của văn minh Việt Nam: một trung tâm mới – Phú Xuân (Huế) – thách thức Thăng Long (Hà Nội), và một vùng xã hội kinh tế quan trọng thứ hai - vùng Thuận Quảng - thành hình, ở xa châu thổ Hồng Hà. Đây là cái gì nhiều hơn là chỉ một mở rộng của xã hội, kinh tế Việt Nam cũ. Đây là một xã hội mới được phát triển với một bối cảnh văn hóa khác và những điều kiện chính trị, kinh tế khác. Là cư dân của một vùng mà chính quyền thù nghịch Lê/Trịnh không bao giờ muốn từ bỏ kiểm soát, người Việt miền Nam mô tả lãnh thổ của họ là Đàng Trong, và cho vùng châu thổ Hồng Hà là Đàng Ngoài. Cách sử dụng danh từ cho thấy rõ họ nhận thức rằng miền Nam là một thực thể riêng biệt, và những khác biệt khởi lên giữa hai vùng đưa đến hai cách thức làm người Việt Nam khác nhau.

Và:
Khi tuyên xưng mình là vua năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát đã hãnh diện tuyên bố “nước chúng ta dựng lên và phát triển từ Ô Châu”, ông đã dùng một danh xưng rất có màu sắc địa phương để gọi quê hương, gốc gác của gia đình nhà vua và nhiều quan lại cao cấp của triều đình. Danh xưng Ô Châu nhấn mạnh sự nhân thức rằng Đàng Trong là một quốc gia riêng biệt đã được dựng lên từ đầu thế kỷ 17. Sự nhận diện này thật sự có hai ý nghĩa: một quốc gia ngang hàng với miền Bắc và là một chế độ ở địa phương của người địa phương chớ không phải ngoại lai. Ý nghĩa sau này liên hệ tới tính chính thống và sự tự tin của nhà Nguyễn).

Lý do quan trọng kế đó là môi trường sinh sống. Môi trường sinh sống mới và sự tiếp xúc với những nền văn hóa khác là những điều kiện cần yếu đưa đến những biến đổi. Trước hết là môi trường thiên nhiên vật lý: đất đai, khí hậu, ruộng nương, vườn tượt ở đây cùng một loại với đất đai, khí hậu, ruộng nương vườn tượt ở Kampuchia, Thái Lan, Mả Lai, thành ra các loại cây trái giống nhau, kỷ thuật làm ruộng, làm vườn, trồng cây trái cũng giống nhau. Cuộc sống vật chất ở nhà quê do đó cũng rất giống nhau. Người lưu dân Việt vào môi trường sinh sống này không thể không linh động thay đổi để thích ứng với môi trường sinh sống mới. Mặt khác ở trong hoàn cảnh sinh sống mới này họ lại gần gũi với những dân tộc khác với nền văn hóa khác mà lâu dần, quen dần, họ không thể không vay mượn một số nét đặc thù nào đó mà họ thấy cần yếu hay thích hợp với họ trong hoàn cảnh sinh sống mới. Thành ra từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa và các chúa Nguyễn nối tiếp, xây dựng nên Đàng Trong thì bắt đầu có một nhánh văn hóa Việt biến dạng dần dần trở thành một chi nhánh văn hóa (subculture) có phần khác biệt với văn hóa cổ truyền ở miền Bắc. Sự cắt đứt liên hệ chính trị giữa Đàng Trong (Chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (Chúa Trịnh), sự phân tranh Nam Bắc và chia đôi lãnh thổ đã là cơ hội để tạo nên một chi nhánh văn hóa mới xa dần văn hóa cổ truyền. Đến thế kỷ XVII khi Họ Nguyễn chiếm hết cả miền Trung và rồi một số người miền Trung vào khai phá miền Nam khẩn hoang lập ấp xây dựng nên miền Nam thì một chi nhánh văn hóa khác nữa lại thành hình. Chi nhánh văn hóa mới này lại càng cách biệt với văn hóa gốc ở miền Bắc để đến gần văn hóa Đông Nam Á hơn (tức cũng có nghĩa xa dần văn hóa Trung Hoa và đến gần văn hóa Aán Đô hơn).

Miền Nam là cả một vùng đất hoang mênh mông chằng chịt sông rạch với không biết là bao nhiêu cá tôm rau cỏ cây trái. Đất đai lại rất phì nhiêu do phù sa mang lại. Khẩn hoang lập nghiệp tuy có cực nhọc nặng nề nhưng kết quả thu lượm dễ dàng và khả quan, đời sống tự nhiên ung dung thoải mái. Điều kiện vật lý đó cũng dễ un đúc nên tính tình rộng rãi, phóng khoáng, hiếu khách, đối đãi tử tế với người từ xa mới đến của người miền Nam mà nhiều người công nhận. Vùng mới lập này tuy có ít nhiều liên hệ với Chúa Nguyễn nhưng triều đình ở xa, tổ chức cai trị không chặt chẽ tùy thuộc ở triều đình Huế (chế độ tổng trấn), thêm vào đó còn có những biến cố chính trị làm thay ngôi đổi chủ nhiều lần cho nên tương đối có nhiều tự do địa phương và tự do cho cá nhân nữa. Chỗ này ở không được, hoặc bị áp bức thì nhổ sào, chèo ghe đi chỗ khác làm ăn, không có gì ràng buộc họ được. Hoàn cảnh đặc biệt ở đây giúp người ta nuôi dưỡng tinh khí tự do phóng khoáng, không cần phải ép mình, chế ngự cái tôi để phụng sự cho một lý tưởng sách vở gì cả. Vả lại nỗ lực chính của những thế hệ đầu tiên vào đây là khai khẩn đất đai, thiết lập đời sống mới nhiều hơn là trau dồi kinh sử để lãnh lấy mão áo chức tước của triều đình. Đời sống dễ dãi, tương đối thừa thãi về vật chất và tự do về tinh thần, đã không bắt buộc người dân Việt ở đây phải duy trì hay theo đúng những phong tục tập quán đã được mang vào Đàng Trong từ mấy thế kỷ trước. Sự lỏng lẻo của khuông phép từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tạo nên một nếp sống mới, một tính tình và nhân cách mới, rộng rãi và phóng khoáng, với tâm hồn chân thật, chất phác, mở rộng để đón nhận những cái mới lạ hơn là khép kín để duy trì những cái đã có. Ngoài hoàn cảnh địa lý nói trên, trong quá trình mở rộng đất đai về phương Nam chi nhánh văn hóa Đàng Trong đã phải tiếp xúc va chạm với những nền văn hóa khác tạo nên điều kiện rất cần cho sự biến đổi về văn hóa. Có tiếp xúc với văn hóa khác là có cơ hội để nhìn thấy lối sống, cách hoạt động, sự tín ngưỡng, lề lối suy tư của một giống người khác. Từ đó có thể có những thích nghi với nhau hay vay mượn lẫn nhau ít nhiều từ tập quán, kỹ thuật, đến tín ngưỡng và nghệ thuật. Từ thế kỷ XVII người Đàng Trong đã có cơ hội gần gũi với văn hóa Chiêm Thành, đã nhìn thấy và hiểu biết lối sống của người dân Chăm. Sau đó sang thế kỷ XVIII người Việt khi bành trướng lãnh thổ về miền Nam lại có dịp sống bên cạnh người Miên và người Trung Hoa (Minh Hương, Triều Châu). Và gần đây hơn từ thế kỷ XIX người Việt ở đây lại có nhiều dịp để biết đến đạo Thiên Chúa cùng văn minh Tây Phương do người Pháp mang đến. Thí dụ như ở Cà Mau (tỉnh lỵ An Xuyên), vào khoảng thập niên 1960, thống kê cho biết dân số là 270,643 người trong đó có 3,048 người Việt gốc Hoa, và 2,959 người Việt gốc Miên, với 22,000 Tịnh độ cư sĩ, 15,000 Công giáo, 3,700 Thiền Lâm, 3,200 Cao Đài, và 400 Tin Lành. Người Việt gốc Miên ở Trà Vinh, Sóc Trăng rất nhiều và người Triều Châu rất đông ở Bạc Liêu đến đổi người dân Nam phải nói “Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Có thể nói miền Nam cũng na ná như xứ Mỹ, nó là một xã hội mới thành hình với nhiều chủng tộc sống lẫn lộn trong đó và với một nền văn hóa ít nhiều pha trộn đủ thứ. Nó như cái “melting pot” hay cái “salad bowl” của Việt Nam. Nó mang rất ít tính chất cổ truyền của nền văn hóa gốc.

Thật ra thì sự gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nền văn hóa mới chỉ là điều kiện cần mà thôi chớ chưa phải là điều kiện đủ để cho sự vay mượn, học hỏi xảy ra. Điều kiện đủ để đưa đến vay mượn và thích nghi văn hóa là sự có mặt của những yếu tố sau đây: (1) tinh thần khai phóng của người vay mượn, (2) sự tự do chấp nhận cái mới lạ của người vay mượn, và (3) sự lợi ích của những gì được vay mượn học hỏi. Văn hóa không thay đổi nếu các thành phần trong nền văn hóa đó không có tinh thần cởi mở, không chấp nhận những cái mới lạ của nền văn hóa khác. Mặt khác dù các thành phần chấp nhận những cái mới lạ của văn hóa khác đi nữa nhưng không có tự do để học hỏi, thực hiện thì văn hóa cũng không có cơ hội thay đổi. Chẳng hạn như nếu luật lệ của quốc gia quá cứng rắn không cho phép người dân chấp nhận hay du nhập những cái mới lạ, hoặc giả nếu như phong tục tập quán trong xã hội quá khắt khe khiến người ta không thể đi ra ngoài những thói quen đã có thì sự thay đổi về văn hóa tất nhiên sẽ khó xảy ra. Phải có đủ tự do để học hỏi và thực hiện điều gì mới lạ trong cuộc sống thì sự biến đổi về văn hóa mới diển tiến được. Sau hết người ta chỉ học hỏi vay mượn khi nào điều người ta muốn học hỏi vay mượn đó đáp ứng được nhu cầu sinh sống của con người.

Những điều kiện trên đây cần phải có đủ thì văn hóa mới có thể thay đổi được. Người Việt Nam trong quá trình bành trướng lãnh thổ và định cư vào Phương Nam đã có đủ những điều kiện ghi trên. Họ có tinh thần rộng rãi khai phóng, không mù quáng tôn sùng cổ nhân, không khép kín chật hẹp hay bế quan tỏa cảng. Họ có ít nhiều tự do chớ không bị chặt chẽ ràng buộc bởi luật lệ cứng rắn của triều đình hay tập quán khắt khe của xã hội. Khi đã có đủ những điều kiện cần và đủ thì tất nhiên văn hóa phải thay đổi theo lối sống thay đổi của con người ở vùng đất mới mẻ này. Những khác biệt này là những biến đổi tự nhiên của văn hóa Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ và qua quá trình bành trướng lãnh thổ, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác. Biến đổi để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh mới, đó là điều kiện cần yếu để một nền văn hóa sinh tồn và tiến bộ. Khi văn hóa biến đổi nó cũng làm cho con người ít nhiều biến đổi theo. Có sự tương quan khá mật thiết giữa văn hóa và nhân cách của con người. Người ta hay nói đến tính bộc trực, ăn ngay nói thật, tính rộng rãi chiều khách, tính anh hùng ngang tàng của người dân miền Nam, kể cả tính bất cần và không thèm kiên nhẫn của người dân vùng này.

Văn hóa làm nên con người bởi khi sinh ra trong xã hội văn hóa nào thì con người sẽ được xã hội hóa (socialized) vào trong xã hội, văn hóa đó. Nhưng mặt khác cũng chính con người làm nên văn hóa, vì khi sống cùng những người khác con người có những sinh hoạt trong đời sống xã hội, và những sinh hoạt đó là văn hóa. Con người không thay đổi về phương diện sinh vật, cái gene của con người từ lúc có con người homo sapiens tới ngày nay vẫn vậy, không có gì thay đổi. Nhưng văn hóa lại biến đổi theo thời gian và không gian vì văn hóa là những sinh hoạt nhằm thỏa mãn những nhu cầu sinh sống của con người. Ở đâu con người cũng có những nhu cầu ăn uống, che thân, muốn được sung sướng hạnh phúc, ở đâu cũng có tín ngưỡng, giáo dục, học hỏi, truyền thông, ở đâu cũng có nghệ thuật hát ca, nhảy múa, làm tình sinh con đẻ cái. Nhưng những sinh hoạt thể hiện những nhu cầu đó rất biến đổi tùy theo thời đại, tùy theo môi trường sinh sống. Những người làm chính trị cũng như những nhà làm văn hóa, hay nói rộng ra hơn, tất cả những ai thiết tha với văn hóa nhân loại hay văn hóa nước nhà, cần phải nhìn thấy sự khác biệt giữa những nền văn hóa hay khu vực văn hóa, cũng như những lý do đưa đến sự khác biệt đó. Nhận biết như vậy không phải để cổ võ cho sự chia rẽ hay gây tinh thần kỳ thị địa phương mà là để có thể đi đến tinh thần đa nguyên đa văn hóa (cultural pluralism). Tinh thần này đòi hỏi người ta phải nhìn thấy và chấp nhận sự khác biệt giữa các nền văn hóa hay giữa các khu vực văn hóa với nhau. Từ sự chấp nhận khác biệt đó người ta mới có thể hiểu nhau và cộng tác với nhau trong tinh thần kính trọng lẫn nhau để sự cộng tác với nhau được lâu dài và hữu hiệu. Chấp nhận khác biệt của văn hóa khác hay người khác cũng có nghĩa là phải tôn trọng giá trị của văn hóa hay của người khác, vì cái nào cũng có giá tri của nó cả chớ không phải chỉ có cái gì của mình mới tốt. Nếu phủ nhận giá trị của những gì khác hơn mình thì không khỏi có cái nhìn thiên lệch mà hậu quả tai hại là sẽ bị rơi vào một hình thức nào đó của chủ nghĩa “chủng tộc độc tôn” (ethnocentrism) và tinh thần kỳ thị chủng tộc hoặc một hình thức kỳ thị nào khác.

 

Nguồn: http://namkyluctinh.org/ntliem/ntliem-vanhoamiennam.htm