Truyện kể dân gian sắp xếp theo type và motif (nhân đọc cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam)

Cách nay hơn một thế kỷ, trường phái nghiên cứu folklore Phần Lan (còn được gọi là trường phái địa lý – lịch sử) với các đại biểu là Carl Krohn và Anti Aarne đã đề xướng việc lập các bảng tra cứu truyện kể dân gian hay còn gọi là các bảng thư mục loại hình kiểu (type) truyện. Việc đề xướng này nhằm khắc phục những khó khăn trong việc tập hợp những văn bản cần thiết khi muốn nghiên cứu một truyện dân gian với toàn bộ khối tư liệu đồ sộ về nó. Kết quả, năm 1910, công trình Bảng mục lục tra cứu các type truyện dân gian của A. Aarne được công bố. Ban đầu, công trình chủ yếu sắp xếp những truyện kể Phần Lan và của một số nước Bắc Âu. Sau đó, Stith Thompson đã sửa chữa và mở rộng, bổ sung các truyện dân gian các nước nam châu Âu, đông nam châu Âu và Ấn Độ. Do sự cộng hưởng của A. Aarne và S. Thompson nên người ta lấy ký tự đầu của tên hai nhà khoa học này đặt tên cho công trình, gọi là Bảng tra cứu A – T.
(Ảnh minh họa, nguồn Google)  

Không lâu sau khi được công bố, Bảng tra cứu A – T đã trở thành khuôn mẫu cho sự ra đời hàng loạt bảng tra cứu truyện kể dân gian của nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản, Latvia, Thụy Điển, Đức,… một số nước Mỹ Latinh và các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều đánh giá cao giá trị thực tiễn, tính ứng dụng và tính khoa học của công trình, khi cho rằng, đây là Bảng tra cứu "tiện lợi nhất" và "có hệ thống nhất" (dẫn theo 3, tr.29) so với trước. Anđreép cũng đồng quan điểm khi cho rằng Bảng mục lục “đơn giản, tiện dụng, vừa có tính quốc tế lại có thể dễ dàng thay vào đó bất cứ tư liệu truyện kể dân gian của một nước nào khác” (dẫn theo 4, tr.187). Tổng kết thực tế sau 50 năm kinh nghiệm làm việc với Bảng tra cứu A – T, Thompson nhận định rằng: “Những vùng mà Bảng tra cứu này “phủ sóng” được thì đều có thể tiến hành nghiên cứu rất hiệu quả” (dẫn theo Từ điển type truyện dân gian Việt Nam, tr.88).

           Năm 1967, khi đánh giá về tình hình ứng dụng Bảng tra cứu A – T ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Girơmunxki nhận thấy đây “là một khu vực rộng lớn vẫn còn để trắng trên bản đồ folklore” (dẫn theo 4, tr. 170). Nhận thấy được thực trạng trên, các nhà nghiên cứu folklore Việt Nam như Nguyễn Đổng Chi, Cao Huy Đỉnh, Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Nguyễn Tấn Đắc, Lê Chí Quế, Tăng Kim Ngân, Trần Đức Ngôn, Nguyễn Thị Huế, Nguyễn Bích Hà, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Nguyệt,… đều lên tiếng, cho rằng: “Đã đến lúc các nhà văn học dân gian Việt Nam và Đông Nam Á cần đưa danh mục các motif và type truyện cổ dân gian nước mình lấp kín dần những chỗ trống trên bản đồ văn học dân gian thế giới” (4, tr. 171).

              Hưởng ứng việc sắp xếp truyện kể dân gian theo Bảng tra cứu A – T, cuối năm 2012 đầu 2013 công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam do một tập thể biên soạn, PGS.TS. Nguyễn Thị Huế chủ biên đã được công bố. Với tư cách là bộ từ điển truyện kể dân gian Việt Nam đầu tiên, bên cạnh tính đột phá, công trình còn đóng góp ở nhiều phương diện như tính thực tiễn, tính khoa học, tính mở,…

1.      Về tính công phu của công trình

Người đọc có thể cảm nhận được sự công phu đồ sộ của công trình qua 1099 trang sách khổ 16 x 24cm; với một hệ thống công cụ hỗ trợ gồm 02 bảng tra cứu; và một danh mục sách biên soạn lên tới 220 đầu sách sưu tầm biện soạn từ trước đến nay, trong đó có những cuốn sách cổ xưa như Chuyên khôi hài của Trương Vĩnh Ký (1882), Contes et légendes annamites – Cổ tích và truyền thuyết An Nam của Landes (1886), Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những truyện hay và có ích của Trương Vĩnh Ký (1888), Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính (1920),…. hay các tuyển tập mới được xuất bản gần đây như bộ Tổng tập Văn học dân gian người Việt (19 tập, 20 quyển), bộ Tổng tập Văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (23 tập),Nhóm biên soạn đã liệt kê nguồn xuất xứ các công trình sưu tầm biên soạn này với đầy đủ các thông tin (người sưu tầm biên soạn, tên sách, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản…) ở mục Bảng viết tắt và danh mục sách biên soạn (tr.29 - tr.45). Từ 2270 cốt truyện dân gian, nhóm biên soạn đã xây dựng 761 mục từ, cũng tức là 761 danh mục type (kiểu truyện), trong đó có type có nhiều bản kể (chẳng hạn type truyện 315. Tấm Cám có đến 36 bản kể, type 18. Nạn lụt và sự tái tạo loài người gồm 21 bản kể,…). Rõ ràng, để xử lý, sắp xếp một khối lượng văn bản như vậy đòi hỏi sự lao động nghiêm túc, công phu, tỉ mỉ. Thực tế, khi thực hiện công trình, nhóm biên soạn cũng đã ý thức được “mức độ phức tạp và khó khăn” (tr. 28) khi phải bao quát số lượng lớn truyện kể cũng như việc tổ chức, sắp xếp sao cho hợp lý các mục từ để thuận tiện cho việc tra cứu của người đọc. 

              Tính công phu còn được thể hiện trong việc chuyển dịch một số nội dung tài liệu tham khảo (Anh, Trung, Nhật, Hàn,…) sang tiếng Việt “với số lượng hàng nghìn trang để phục vụ việc tham khảo” (tr. 22). Đây chính là một nổ lục rất lớn của nhóm tác giả, vì hầu hết các thư mục này chưa được dịch ở Việt Nam, mà mới chỉ được giới thiệu tóm tắt thông qua các bài viết của một số nhà nghiên cứu như Lê Chí Quế, Nguyễn Tấn Đắc, Tăng Kim Ngân, Nguyễn Thị Hiền, Trần Thị An,… Những nội dung này là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho những ai nghiên cứu về kiểu truyện hay tìm hiểu truyện dân gian của các nước này.

2.      Tính khoa học và tính thực tiễn của công trình

Về tính khoa học của công trinh: Trước hết cũng cần nói về tính đảm bảo khoa học của công trình này. Như đã biết, công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam là một đề tài cấp Bộ. Sau khi được thông qua, và trên cơ sở góp ý của Hội đồng nghiệm thu, nhóm biên soạn đã tiến hành sửa chữa, bổ sung và công bố. Nói thế để biết rằng, để đến được tay bạn đọc, sau một quá trình làm việc khoa học, đầy nổ lực và khổ công của nhóm biên soạn, công trình còn nhận được sự góp ý nghiêm cẩn của các nhà khoa học trong Hội đồng. Bên cạnh đó, trước lúc công trình được xuất bản, nhóm thực hiện mà tiêu biểu là các nhà nghiên cứu như Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An, Nguyễn Thị Nguyệt, Đặng Thị Thu Hà… đã có khá nhiều bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Nghiên cứu văn học, Tạp chí Văn hóa dân gian, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật giới thiệu về hướng tiếp cận này (3, tr.86-104), cũng như giãi bày những ưu tư về việc cần thiết phải xây dựng cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam. Như vậy, các tác giả đã có sự chuẩn bị khá dài hơi, với nhiều công sức bỏ ra, có sự tích lũy và đã có một nội lực thâm hậu trước khi thực hiện công trình. Là sản phẩm của một quá trình như vậy nên chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào tính khoa học của ấn phẩm này.

Tính khoa học của công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam còn được thể hiện ở chính bố cục kết cấu cũng như ở việc trình bày nội dung của từng mục từ - type truyện. Kết cấu của công trình được chia thành 4 phần như sau:

1.      Phần thứ nhất gồm Phàm lệ biên soạn; Lời giới thiệu: Giới thiệu về phương pháp và nội dung các bảng chỉ dẫn type truyện dân gian; Bảng viết tắt và danh mục các sách biên soạn (từ trang 7 đến trang 45).

2.      Phần thứ hai là nội dung mục từ - type truyện (từ trang 47 đến trang 835). Đây là nội dung chính của công trình. 761 type truyện được sắp xếp theo từng thể loại. Thứ tự và tên người biên soạn như sau:

-         Type truyện thần thoại, từ 1 – 71 (do PGS. TS. Nguyễn Thị Huế biên soạn);

-         Type truyện truyền thuyết, từ 72 – 180 (do PGS. TS. Trần Thị An biên soạn);

-         Type truyện cổ tích, từ 181 – 398 (do PGS. TS. Nguyễn Thị Huế biên soạn);

-         Type truyện thần thoại, từ 1 – 71 (do PGS. TS. Nguyễn Thị Huế, ThS. Đặng Thị Thu Hà, TS. Nguyễn Thị Nguyệt biên soạn);

-         Type truyện ngụ ngôn, từ 399 – 567 (do TS. Nguyễn Huy Bỉnh biên soạn);

-         Type truyện cười, truyện trạng, giai thoại, từ 568 – 761 (TS. Bùi Thiên Thai, PGS. TS. Nguyễn Thị Huế).

              Trong từng thể loại, nhóm biên soạn lại chia các type truyện thành các nhóm nhỏ hơn (cấp độ 2), chẳng hạn như thể loại Thần thoại gồm 71 type được chia thành các tiểu nhóm như thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài (40 type), thần thoại về sự tích các vị thần (20 type), thần thoại về nguồn gốc các dòng họ là con vật (11 type).

3.            Phần thứ ba: Hướng dẫn tra cứu, gồm Bảng tra cứu type truyện và Bảng tra cứu tên truyện theo type (từ trang 837 đến trang 1000).

4.            Phần thứ tư: Giới thiệu một số công trình thư mục truyện dân gian thế giới (từ trang 1001 đến trang 1099).

              Có thể nhận thấy, đây là một kết cấu chặt chẽ, thể hiện tính khoa học của công trình. Trong đó, Phần thứ nhấtPhần thứ ba mang tính chất đề dẫnhướng dẫn để giúp người đọc nắm bắt được một cách tốt nhất nội dung chính. Phần thứ hai – nội dung mục từ các type truyện dân gian Việt Nam sắp xếp theo thể loại và Phần thứ tư giới thiệu một số thư mục truyện dân gian thế giới – như là một kết thúc mở của công trình. Thông qua một kết cấu sáng rõ cùng với việc biết ứng dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp (phương pháp địa lý – lịch sử Phần Lan, phương pháp so sánh loại hình) đã giúp nhóm biên soạn triển khai thành công, hiệu quả một công việc vốn được xem là “có nhiều xương xẩu”, phức tạp như công trình này.

              Về cách trình bày đầy đủ nội dung một type truyện (một mục từ) thường bao gồm các phần như: số thứ tự và tên gọi của mục từ – có thể đối sánh với tên gọi và số thứ tự của Bảng tra cứu A - T; số lượng truyện và xuất xứ; dị bản; vùng lưu truyền hoặc phân bố; nội dung. Cách trình bày như vậy phù hợp với một công trình thuộc dạng “từ điển chuyên ngành”, một công cụ “tra cứu”. Sau đây, xin dẫn ra một type truyện làm ví dụ.

Type truyện 537. Trí khôn (sđd, tr.630-631)

          Type này có 04 bản kể, trong đó có 03 bản kể của dân tộc Kinh (Trí khôn - 1, Hữu dõng vô mưu - 2, Người nông dân, con hổ và con trâu - 3), 1 bản kể của dân tộc Chăm (Trí khôn con người - 4). Các bản kể này đều có xuất xứ rõ ràng (xin không dẫn ra).

          Vùng lưu truyền là miền Bắc, miền Trung, miền Nam.

          Nội dung của type này như sau:

I. Sự can thiệp của con hổ

(1) Ngày xưa, có một người đi cày, anh quát tháo và đánh đập con trâu thế nào cũng phải chịu. Con hổ thấy vậy, bèn đến hỏi trâu rằng, sao trâu to lớn vậy lại để cho người ta nhỏ bé đánh đập. Trâu bảo, người nhỏ bé nhưng trí khôn lớn.

(3) (4) Hổ lại chỗ người hỏi trí khôn của người đâu cho nó xem.

(2) Trâu bảo hổ đánh nhau với người.

II. Mưu trí của người

(1)  (3) (4) Anh ta nói với hổ là trí khôn đang để ở nhà, nếu hổ muốn thì anh ta sẽ về lấy cho xem. Hổ đồng ý. Anh ta bảo sợ đi về thì hổ sẽ ăn mất trâu nên đòi trói hổ lại. Hổ cũng đồng ý.

(2)  Người bảo đói bụng, muốn về ăn cơm trước rồi sẽ đánh nhau với hổ. Hổ đồng ý. Người bảo: nếu anh ta về nhà thì sợ hổ bỏ đi mất, nên muốn trói hổ lại. Hổ cũng đồng ý.

III. Con hổ mắc mưu

          Khi Hổ đã bị trói thì:

(1)   Người đi cày lấy bắp cày phang hổ hay (2) Người đi cày đốt rơm khô thui hổ hay (3) Người đi cày bẻ cây đánh hổ hay (4) Người đi cày dùng roi cày đánh hổ.

IV. Kết cục

(1)    (3) Hổ bị đánh chết. (2) Từ đó, hổ lông có vằn đen dài – vết tích chỗ bị cháy. (4) Hổ bị đánh vãi cứt vãi đái.

 Về tính thực tiễn của công trình: Tính thực tiễn của công trình cũng chính là nhiệm vụ mà nhóm tác giả đã đặt ra khi thực hiện một công trình “thuộc dạng tra cứu”, một cuốn sách “dạng từ điển chuyên ngành” này. Điều đó thể hiện ở sự bao quát rộng lớn hệ thống cốt truyện dân gian Việt Nam thông qua phần Nội dung mục từ - type truyện, đồng thời ở việc xây dựng Bảng tra cứu tên truyện theo type – “nhằm giúp các nhà nghiên cứu tra cứu các kiểu (type) truyện một cách nhanh chóng, thuận tiện (sđd, tr. 11). Đây là yêu cầu và cũng là mục đích sử dụng mang tính “thực hành, ứng dụng” mà theo chúng tôi công trình đã đáp ứng được.

          Với bảng tra cứu thứ nhất Bảng tra cứu type truyện, người đọc sẽ nắm được toàn bộ hệ thống trong công trình. Chẳng hạn, nếu muốn nghiên cứu về đề tài “thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài”, người đọc có thể tìm thấy nguồn chỉ dẫn gồm 47 type truyện (cùng các nội dung của nó) và 255 truyện kể thuộc các type truyện này ở Bảng tra cứu tên truyện theo type. Hay ở Bảng tra tên truyện theo type, nếu người đọc muốn tra cứu truyện kể thuộc một type truyện nào đó, chẳng hạn type truyện cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán, thì trước hết cần xác định type này thuộc thể loại truyện cổ tích; tiếp đến tìm đến vần C, ta sẽ nhanh chóng tìm ra type truyện Cứu vật vật trả ơn… (số thứ tự của type truyện này là 244) cùng với những con số thống kê tương đối đầy đủ là 09 truyện kể của các dân tộc Kinh, Tày, Thái.

          Với Bảng tra cứu thứ hai Bảng tra cứu tên truyện theo type, người đọc sẽ có được danh mục tên truyện xếp theo thứ tự A, B. C và địa chỉ tên type của truyện. Hoặc giả nếu người nghiên cứu không nhớ tên type truyện cần tìm hoặc tên type truyện không trùng với cách định danh của nhóm biên soạn thì chỉ cần nhớ tên một truyện kể bất kỳ thuộc type truyện đó, sau đó ta sử dụng Bảng tra thứ hai Bảng tra cứu tên truyện theo type thì những tìm kiếm sẽ được hiển thị. Chẳng hạn, độc giả cần thông tin type truyện Chó sói chia phần nhưng không nhớ chính xác tên type truyện mà chỉ nhớ truyện Hai con rái cá thuộc type truyện này. Với trường hợp này, độc giả hãy đến Bảng tra cứu tên truyện theo type sẽ tìm thấy type truyện cần tìm là type truyện 412 (trang 535). Qua nội dung type này chúng ta sẽ biết thêm các bản kể của các dân tộc khác có cùng nội dung nữa. Như vậy, công trình này rất có lợi cho những người nghiên cứu, tìm hiểu về folklore. Nó sẽ hỗ trợ, giúp các nhà nghiên cứu folklore giảm thiểu được khối lượng lớn thời gian trong việc tìm kiếm các văn bản truyện kể.

          Ai đó đã nói rằng: Nếu đi đến tận cùng của ứng dụng thực tiễn thì chúng ta sẽ thấy được lý luận, thấy được giá trị khoa học. Công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam vừa là kết quả của việc nghiên cứu lý thuyết và vừa là kết quả của việc nghiên cứu ứng dụng. Tính ứng dụng của công trình mở ra khả năng đáp ứng các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình nghiên cứu các tác phẩm văn học dân gian nói chung và truyện kể dân gian nói riêng.

3.      Về tính mở của công trình

            Ở trên, chúng tôi cho rằng công trình này có kết thúc mở. Tính mở của công trình còn được thể hiện rõ nét qua một số điểm sau:

Các công trình thuộc dạng thư mục như công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam thường có kết cấu mở vì chúng vẫn đang, và sẽ tiếp tục cần sự bổ sung của chính tác giả cũng như của các nhà nghiên cứu khác. Sở dĩ có thực tế này vì truyện dân gian vẫn còn đang tiếp tục được sản sinh, còn có nhiều truyện kể vẫn chưa được sưu tầm; khi sưu tầm thêm được một truyện kể mới thì cũng đồng nghĩa với việc cần bổ sung thêm một bản kể, một type truyện vào công trình. Chẳng hạn, năm 1910 A. Aarne hoàn thành công trình Verzeichnis der Marchen typen, sau đó chính ông đã bổ sung một phần truyện kể của các nước Bắc Âu. Năm 1935, Thompson bổ sung, mở rộng đến các truyện kể của Ấn Độ; rồi sau đó các năm 1946, 1964, 1973, 1981 ông lại tiếp tục thực hiện công việc này. Từ điển type truyện dân gian Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Ngay khi đọc qua các type truyện thuộc phần truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích loài vật, chúng tôi thấy có thể bổ sung các bản kể Cáo và con gà trống (Chăm) và bản kể Gà mắc mưu chồn (Khơ me) cho type truyện 429. Con gà trống dại dột hoặc cũng có thể bổ sung bản kể Voi, hổ, thỏ và khỉ (Kinh), Thỏ cứu dê thoát khỏi hổ ăn thịt vào type truyện 195. Hổ và khỉ cùng buộc đuôi,…

          Trong quá trình thực hiện, nhóm biên soạn đã mở rộng, đối sánh các type truyện dân gian Việt Nam với Bảng tra cứu A – T và trong một chừng mực nào đó có chú dẫn các motif tương ứng với bảng Motif – index of folk-literrature của Stith Thompson trong một số type truyện. Theo thống kê của chúng tôi có 166 type truyện của Bảng tra cứu A – T tương thích với 166 type truyện dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, lại phải lặp lại câu nói quen thuộc: Công việc này không phải thực hiện một lần là xong! Công trình này đang tiếp tục cần sự bổ sung, hưởng ứng của các nhà nghiên cứu folklore Việt Nam. Chẳng hạn, chúng ta có thể bổ sung sự tương thích giữa type truyện 479 Sứ giả cáo với type 291. Đánh lừa bằng trò chơi kéo co (A – T); ngay ở type 479 cũng nên bổ sung các bản kể Thỏ và cọp (Ê đê), Thỏ, trâu và heo rừng (Ê đê), Vì sao thỏ tai dài đuôi ngắn (Mạ),… Riêng đối với tác giả bài viết này, với kinh nghiệm và sự tích lũy qua quá trình nghiên cứu truyện loài vật khoảng chục năm nay, khi tiếp cận công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam cũng đã tiếp thu và bổ sung hữu ích cho kho sưu tập của mình một số lượng bản kể mới. Có thể kể tới các type 480 Thả mồi bắt bóng; 459 Khi Chúa sơn lâm ngọa bệnh, type 470 Mưu trí của quạ,… và nhiều type truyện khác nữa của công trình.

          Ngoài ra, cách tiếp cận mở của công trình còn thể hiện ở việc nhóm biên soạn giới thiệu một số cách tiếp cận khác như của Bảng tra cứu A-T, Nhật, Trung Quốc,… Nhóm biên soạn xem đây như là nhiệm vụ nên đã cung cấp cho người đọc các bài viết giới thiệu về tình hình biên soan từ điển type truyện của các nước để người đọc biết rõ thêm về các bảng tra cứu này, qua đó có cái nhìn so sánh với Từ điển type truyện dân gian Việt Nam.

          Sau cùng, khi thực hiện công trình này, nhóm tác giả không sắp xếp các type truyện theo chủ đề (như cách làm của hầu hết các Bảng tra cứu truyện dân gian của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… ) mà sắp xếp các mục từ theo A, B, C,… của từng thể loại. Nhóm biên soạn thừa nhận “Chúng tôi cũng mong muốn sắp xếp các type truyện dân gian theo mẫu những chủ đề của các bảng mục lục đó, nhưng công việc thật không đơn giản chút nào, bởi tính chất khác biệt của truyện kể dân gian mỗi nước. Do vậy chúng tôi bước đầu tạm (chúng tôi nhấn mạnh – ĐQMD) kết cấu hệ thống các type truyện theo từng thể loại…” (tr. 22 – 23). Thừa nhận những ưu điểm của người khác, biết được những giới hạn của mình là sự thể hiện tinh thần cầu tiến, và là thái độ rất đáng trân trọng của một người làm công tác nghiên cứu khoa học. Bộc bạch trăn trở trên, nhóm thực hiện cũng ngầm mở ngỏ và mời gọi các nhà nghiên cứu khác có thể tìm một cách tiếp cận mới để tiếp tục thực hiện công việc mang tính…mở này.

***

          Công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam tuy có thể còn chưa đáp ứng hết mọi vấn đề mà người đọc mong muốn, như chưa liệt kê các motif đính kèm (như là cách làm của Bảng tra cứu A – T), chưa thật sự nhất quán trong việc mô tả nội dung truyện (chẳng hạn ở thể loại ngụ ngôn có type truyện thì có mục “bài học”, có type truyện lại không thấy),…. Nhưng nhìn chung, đây là một công trình biên soạn công phu và khoa học, có tính ứng dụng và có giá trị thực tiễn, đồng thời mang tính mở.

Công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam được xuất bản đã ghi một dấu mốc đặc biệt trong ngành nghiên cứu folklore Việt Nam. Bởi lần đầu tiên ở Việt Nam có một công trình trong đó giới thiệu một cách tập trung, đầy đủ và có tính hệ thống về truyện dân gian, một công trình tra cứu truyện dân gian (gồm truyện kể của dân tộc Kinh và cả các dân tộc thiểu số) được sắp xếp theo type và motif. Việc làm này vừa cần thiết đối với ngành văn học dân gian Việt Nam vừa góp phần bổ sung và làm phong phú cho hệ thống tra cứu truyện kể dân gian thế giới, mà đại diện là bộ tra cứu của A. Aarne và S. Thompson (Bảng tra cứu A – T), vừa để “lấp kín dần những chỗ trống trên bản đồ văn học dân gian thế giới” (4, tr 171).

Khi hoàn thành bài viết này, chúng tôi cũng được biết nhóm biên soạn đang gấp rút chỉnh sửa, bổ sung để chuẩn bị cho việc tài bản công trình Từ điển type truyện dân gian Việt Nam. Kế hoạch tái bản thuộc chương trình Dự án “công bố và phổ biến tài sản văn hóa – văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Việc công trình được tái bản sau một thời gian ngắn như vậy cũng nói lên được sự quan tâm của độc giả cũng như sự thành công của nhóm biên soạn.

Chú thích

  1. Nguyễn Thị Huế chủ biên (2012), Từ điển type truyện dân gian Việt Nam, Nxb Lao động, HN.
  2. Nguyễn Thị Nguyệt (1998), “Việc ứng dụng hệ thống Aarne - Thompson vào truyện kể dân gian Việt Nam" - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 5/1998, tr. 29 – 86, HN.
  3. Trần Thị An (2008), "Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif - những khả thủ và bất cập", Nghiên cứu Văn học, số 7, tr. 86 – 104, HN.
  4. Lê Chí Quế (2001), Văn hoá dân gian – khảo sát và nghiên cứu, Nxb Đại học Quốc gia HN, HN.

Danh mục website