Người trị nước và nhân dân

             Vai trò của người trị nước

            Người trị nước là ai?

            Ở Trung Quốc thời xưa, “đế” là danh xưng cao nhất dành cho người đứng đầu đất nước. Hẳn kho tàng văn tự Trung Hoa phải dành cho nó vị trí trang trọng nhất? Tuy nhiên, trong chữ Hán, “đế” được viết rất đơn giản là 帝(1). Chữ này thuộc bộ cân 巾 (phần phía dưới) nghĩa là “cái khăn” (dùng lau mặt hoặc bịt đầu trước khi đội mão), phần phía trên vẽ cái mão đội đầu của hoàng đế, với hình dáng cao và nhọn.

            Xét giữa nội hàm của chữ (đối tượng thể hiện: hoàng đế) và cách viết chữ, dường như có sự “lệch pha”, không cân xứng. Nhưng thực chất hoàn toàn không phải như vậy. Cách tạo chữ như vậy chính là chủ ý, là triết lý của người xưa, cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng để hiểu rõ ý nghĩa của chữ và quan niệm của người xưa khi tạo chữ. Không phải sự vật nào đặc biệt trân quý mà chính mão và khăn được dùng làm dấu hiệu cơ bản để phân biệt người đứng đầu đất nước với nhân dân. Hai thứ ấy chỉ là hai vật dụng bình thường, khi cũ rách người ta sẵn sàng vứt bỏ. Chúng chẳng nói lên được gì về bản chất con người. Ngoài hai “vật ngoại thân” giả tạm ấy ra, “đế” cũng là một con người bình thường, chẳng có gì đặc biệt khác cả! Kể cả khi không có mão và khăn, hoàng đế cũng chẳng còn là ông hoàng đế nữa. Người xưa tạo chữ như thế để cảnh tỉnh các bậc hoàng đế rằng: “Hoàng đế chỉ là danh hão, không phải là quyền lực thật sự, đừng chấp trước, đắm chìm vào nó. Hãy hành động sao cho xứng danh hoàng đế. Nếu không, ngôi vị này sẽ mất như chơi.” Khái niệm “đế” được thể hiện một cách giản đơn nhưng vô cùng sâu sắc như thế.

 Thời Chiến quốc, Á thánh Mạnh Tử đã không hề do dự hay kiêng nể khi nói về vị trí của người làm vua: “民 為 貴,社 稷 次 之,君 為 輕 Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh = Dân là trên hết, xã tắc đứng hàng thứ hai, vua thì thấp nhất.” (Mạnh tử - “Tận tâm chương cú hạ”) Nói cách khác, có dân mới có xã tắc, có xã tắc mới có vua. Theo quan điểm của Mạnh Tử, mặc dù vua là người trị nước, nhưng vua không phải là đấng chí tôn có uy quyền tối thượng, cũng không phải là người đứng trên nhân dân. Ngược lại, vị trí, vai trò và quyền lực của vua chính là do nhân dân giao phó, vua phải được lòng dân, được nhân dân tín nhiệm, mọi quyết định và hành động của vua đều phải xuất phát từ lợi ích chung “vì nước, vì dân”. Câu nói của Mạnh Tử hiểu theo cách nói hiện nay, người trị nước là “công bộc” của dân, cho thấy đây là quan điểm tiến bộ, đúng đắn không chỉ thời xưa mà cho cả muôn đời.

Theo quan điểm của thánh nhân thời xưa, vua là “đầy tớ” của dân, vậy những chức vụ lãnh đạo ở các cấp thấp hơn còn “tệ” đến mức nào! Nhưng đây là “đầy tớ” theo quan điểm của thánh nhân, nếu người đầy tớ nào thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình thì xứng đáng là bậc thánh quân cao cả.

Người trị nước phải làm gì?

             Người trị nước nói chung là những người làm chính trị. Chữ “chính” (chính trị) được viết bằng Hán tự là 政 bao gồm 2 thành tố: chữ chính 正 nghĩa là “đúng”, “ngay thẳng”, “suy nghĩa, hành động hợp đạo lý”, bộ phốc 攵 (cũng đọc là phộc) nghĩa là “đánh sẽ”, còn biểu thị ý nghĩa là “dạy dỗ, uốn nắn cho nên người”. Đây là 2 thành tố hữu cơ cùng góp phần tạo ra ý nghĩa của chữ 政, từ đó chỉ ra vai trò, nhiệm vụ của người trị nước một cách rõ ràng, cụ thể.

             Người xưa hay dùng từ “giáo hóa” (giáo dục và khai mở văn hóa) chỉ trọng trách của người trị nước. Trọng trách này được định hướng qua chữ 政 với 2 phương diện có mối quan hệ biện chứng:

             Thứ nhất: Người trị nước có chức năng dạy dỗ, hướng dẫn, uốn nắn toàn dân (thể hiện qua bộ phốc 攵) trở thành người ngay thẳng, làm việc đúng đắn (thể hiện qua chữ chính 正). Cụ thể như khép người dân vào kỷ cương phép nước, xây dựng lối sống đạo đức chân thành, làm việc có kỷ luật, phát huy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, khơi gợi hoài bão vươn lên phát triển kinh tế cho cá nhân, gia đình và xã hội…;

             Thứ hai: Muốn làm tốt những điều trên, trước tiên và đương nhiên bản thân người trị nước phải là người ngay thẳng, làm việc đúng đắn (正) mới có thể dạy dỗ, hướng dẫn, uốn nắn toàn dân (攵). Người trị nước là người dẫn đầu lối sống tốt đẹp, là gương mẫu cho người dân noi theo. Khi đó, người dân tự khắc nhìn vào lối sống, hành động của nhà cầm quyền mà học hỏi. Việc giáo hóa sẽ rất dễ dàng và đạt hiệu quả cao.

Yếu tố thứ hai vô cùng quan trọng, bất kỳ người trị nước nào cũng đều phải chú ý và thực hiện cho bằng được. Muốn vậy, người trị nước phải là những người có học và không ngừng nâng cao trình độ, trau dồi nhân cách; có đủ nhận thức phân biệt đúng sai khi hành động hay đề ra quyết sách; phải xem nước là nhà để chăm lo, dân là thân quyến để dắt dìu… Đối với người xưa, đây không phải là bài học xa lạ. Trong Lễ ký - “Đại học” trình bày rất rõ bài học này như sau: “古 之 欲 明 明 德 于 天 下 者,先 治 其 國.欲 治 其 國 者,先 齊 其 家.欲 齊 其 家 者,先 修 其 身 C chi dc minh minh đức vu thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc. Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia. Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân = Người xưa muốn làm sáng tỏ cái đức sáng trong thiên hạ, trước tiên phải trị an được nước mình. Muốn trị an được nước mình, trước tiên phải làm cho nhà mình được chỉnh tề. Muốn làm chỉnh tề được nhà mình, trước tiên phải tu sửa thân mình cho chính đính.” Đây chính là “thân giáo”, là phương pháp giáo dục hữu hiệu từ trong gia đình ra ngoài xã hội, cho đến việc to lớn, khó khăn như trị nước cũng bắt đầu từ bước cơ bản nhất là “tu sửa thân mình cho chính đính”.

Người trị nước không ngay thẳng thì không thể giáo hóa dân chúng, dân chúng cũng không tuân theo mệnh lệnh của nhà cầm quyền. Quy luật này được Khổng Tử chỉ ra trong Luận ngữ - “Tử Lộ”: “其 身 正,不 令 而 行;其 身 不 正,雖 令 不 從 Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; Kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tùng = Nhà cầm quyền ngay thẳng, không ra lệnh dân vẫn tuân theo pháp độ; Nhà cầm quyền không ngay thẳng, tuy ra lệnh dân chẳng làm theo.” Thậm chí khi đó kỷ cương phép nước cũng hóa ra vô dụng: “上 不 正,下 必 亂 Thượng bất chính, hạ tất loạn = Người trên làm điều xằng bậy thì người cấp dưới không thể nghiêm chỉnh được.” Dân không nghiêm chỉnh không thể hoàn toàn đổ lỗi cho dân. Người dân làm điều bất chính, bản thân người trị nước phải tự xét lại mình, cũng như con cái hư hỏng thì các bậc phụ huynh phải xem lại hành động và cách giáo dục của bản thân.

            Người trị nước bên cạnh việc “tu thân” còn phải nhận thức rõ trách nhiệm thực sự của mình với dân với nước. Trị nước không chỉ đơn thuần là quyền lực mà quan trọng hơn là nhiệm vụ, là chức trách. Mỗi người, mỗi tầng lớp trong xã hội đều có nghề nghiệp cá nhân và trách nhiệm tập thể. Nhà cầm quyền cũng không ngoại lệ. Thương nhân buôn bán, nông dân trồng trọt, thầy giáo dạy học, nhà cầm quyền trị dân... Đó là chức trách được xã hội phân công. Mỗi người đều phải thực hiện tốt chức trách của mình để tránh bị đào thải. Tuân tử - “Vương chế” nói rõ về chức trách, nhiệm vụ cụ thể mà người trị nước phải thực hiện: “馬 駭 輿 則 君 子 不 安 輿,庶 人 駭 政 則 君 子 不 安 位.馬 駭 輿 則 莫 若 靜 之,庶 人 駭 政 則 莫 若 惠 之.選 賢 良,舉 篤 敬,興 孝 悌,收 孤 寡,補 貧 窮.如 是 則 庶 人 安 政 矣 Mã hãi dư tắc quân tử bất an dư, thứ nhân hãi chính tắc quân tử bất an vị. Mã hãi dư tắc mạc nhược tĩnh chi, thứ nhân hãi chính tắc mạc nhược huệ chi. Tuyển hiền lương, cử đốc kính, hưng hiếu đễ, thu cô quả, bổ bần cùng. Như thị tắc thứ nhân an chính hĩ = Ngựa sợ xe thì người quân tử (người đi xe) không thể ngồi yên trên xe, dân sợ chính lệnh thì người quân tử (nhà cầm quyền) không thể ngồi yên ở ngôi vị. Ngựa sợ xe thì không gì bằng vỗ về cho nó yên tĩnh trở lại, dân sợ chính lệnh thì không gì bằng ban phát ân huệ cho dân. Chọn người tài giỏi lương thiện, cử người trung tín nhiệt thành; đề xướng hiếu thuận, ca ngợi kính nhường; dưỡng nuôi cô nhi quả phụ, cứu giúp người nghèo kẻ đói. Như vậy thì dân sẽ an tâm tuân hành chính lệnh.”

            Sau khi dân đã phục tùng chính lệnh, tiến thêm một bước, nhà cầm quyền phải thực hiện các biện pháp giúp cho đời sống người dân no ấm. Hán thư - “Lịch Dị Cơ truyện” có câu: “民 以 食 為 天 Dân dĩ thực vi thiên = Dân xem miếng ăn là trời.” Câu này không đơn thuần nói người dân xem miếng ăn là trên hết, mà còn một ý quan trọng nữa là “lương thực là thứ không thể thiếu trong đời sống mọi người”. Nhà cầm quyền phải hiểu rõ điều đó. Luận ngữ - “Tử Lộ” có thuật câu chuyện sau: Khổng Tử đến nước Vệ, Nhiễm Hữu theo đánh xe. Khổng Tử nói: “Dân đông đúc thay!” Nhiễm Hữu hỏi: “Dân đã đông đúc, nhà cầm quyền phải làm gì tiếp theo?” Khổng Tử đáp: “Làm cho họ giàu lên.” Lại hỏi: “Đã giàu lên, phải làm gì nữa?” Đáp: “Giáo hóa họ.”(2) Lời của Quản Tử cũng là lời cảnh báo thật đáng suy gẫm dành cho những kẻ thống trị chỉ biết vơ vét của dân: “王 者 藏 於 民,殘 國 亡 家 者 藏 於 篋 Vượng giả tàng ư dân, tàn quốc vong gia giả tàng ư khiếp = Người trọn đạo làm vua cất tiền của trong dân, kẻ táng thân vong quốc cất bạc vàng trong tủ.” (Quản tử - “Sinh tài hữu đạo”) Nhà cầm quyền muốn giáo hóa dân, giữ vững ngôi vị và phát triển đất nước, trước tiên phải làm cho dân no đủ, hơn nữa phải giúp cho họ giàu có. Dân đủ ăn và giàu có thì nước mới mạnh, đó là chân lý.

             Vai trò của người dân

             Câu nói trên của Tuân Tử cũng cho thấy vai trò quan trọng, nếu không nói là quyết định, của nhân dân trong việc lựa chọn người trị nước và đối với sự phát triển của đất nước trên mọi phương diện. Người dân chẳng những là nền tảng, mà còn là người chủ đích thực của ngôi vua và đất nước. Người trị dân đồng thời với việc tự nhận thức đúng đắn trách nhiệm của mình, phải tự nhận ra vai trò của nhân dân bằng cái nhìn trí tuệ.

Dân là tầng lớp bị trị, nhưng vẫn có quyền lựa chọn người trị nước. Nhà cầm quyền có thể là hoàng đế, quan lại. Nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là nhà cầm quyền phải nhận thức rõ bản thân mình và bản chất cương vị mình đang đứng, từ đó nhận thấy vai trò quan trọng của nhân dân. Tuân Tử nói rằng: “傳 曰:君 者 舟 也,庶 人 者 水 也.水 則 載 舟,水 則 覆 舟 Truyện viết: Quân giả chu dã, thứ nhân giả thủy dã. Thủy tắc tái chu, thủy tắc phúc chu = Lời truyện kinh Thư nói: Vua là thuyền, dân là nước. Nước có thể chở thuyền, nước cũng có thể lật thuyền.” (Tuân tử - “Vương chế”) Tuân Tử đã cụ thể hóa quan niệm trước đó về ngôi vị, uy quyền của vua và vai trò của nhân dân bằng hình ảnh con thuyền gắn liền với nước. Nước có thể không cần thuyền nhưng thuyền phải có nước mới vận hành được. Nước là môi trường sống của thuyền, nếu thuyền khuấy động dòng sông, không bảo vệ môi trường sống của mình thì lúc đó nước sẽ là cơn đại hồng thủy phá tan con thuyền ngu ngốc, lấy lại sự bình yên.

Dân cũng là cội rễ của quốc gia. Hán thư - “Lịch Dị Cơ truyện” có câu: “國 以 民 為 本 Quốc dĩ dân vi bản = Nước lấy dân làm gốc.” Giả Nghị (thời Hán) cũng nói: “天 子 如 堂,群 臣 如 陛,眾 庶 如 地 Thiên tử như đường, quần thần như bệ, chúng thứ như địa = Thiên tử ví như nhà cao, bề tôi ví như bậc thềm, lê dân ví như đất thấp.” Đây vốn là câu nói mang hàm ý phân vị vua tôi theo quan điểm Nho giáo ngày xưa. Hiểu theo quan điểm tiến bộ, đúng quy luật hiện nay, nhà dù cao đến mấy nhưng không có bậc thềm thì không thể nào bước lên được, cũng như không có đất thì không có chỗ dựng nhà và xây bậc thềm, vì vậy, giai cấp thống trị phải xem dân là nền tảng dựng nước. Từ đó không ngừng gia cố cho nền tảng ngày càng vững chắc. Có nền tảng vững chắc, đất nước mới phát triển, ngôi vị mới lâu bền.

             Người dân có vai trò quan trọng không thể thiếu, trong cả thời chiến và thời bình. Trong thời chiến, dân là người trực tiếp chiến đấu chống kẻ thù. Nhà cầm quyền phải biết cách thu phục lòng dân, nêu cao tinh thần chiến đấu, cùng đoàn kết một lòng bảo vệ đất nước. Khi ngời dân đã sẵn sàng chiến đấu không ngại hi sinh thì “kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Vai trò chiến đấu bảo vệ đất nước của người dân trong lịch sử không chỉ được thể hiện sáng ngời trong tác phẩm của Nguyễn Trải, Nguyễn Đình Chiểu… mà nhà thơ thời hiện đại Nguyễn Khoa Điềm cũng khẳng định vai trò “đã làm ra đất nước” của họ trong bài thơ nổi tiếng Đất nước. Trong thời bình, dân là người trực tiếp tạo ra của cải cho toàn xã hội. Nhà cầm quyền có trách nhiệm thiết lập trật tự trị an và giúp dân an cư lạc nghiệp. Khi nhà cầm quyền thực hiện tốt sứ mệnh của mình thì người dân có đủ điều kiện tham gia lao động sản xuất, tạo ra của cải làm giàu cho chính mình và cho đất nước. Khi đó, nhà cầm quyền chỉ cần “thõng tay áo mà trị thiên hạ” như thời các bậc thánh quân Nghiêu Thuấn ngày xưa.

Chú thích:

(1) Tiêu chuẩn Hán ngữ tự điển (Trương Thư Nham chủ biên, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2000) dẫn kim văn cho rằng 帝 là chữ gốc của 蒂 (cùng âm đế) nghĩa là “cuống quả” (thuộc bộ thảo 艹).

(2)子適衛,冉有僕。子曰:“庶矣哉!”冉有曰:“即庶矣,又何加焉?”曰:“富之。”曰:“既富矣,又何加焉?”曰:“教之。”

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website