Tọa đàm khoa học về "Giáo sư - nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ: cuộc đời và sự nghiệp"

 

            Sáng ngày 01/11/2014, tại phòng A.001 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM) đã diễn ra buổi tọa đàm: “Giáo sư, nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ: cuộc đời và sự nghiệp”, do Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đứng ra tổ chức. Giáo sư Lê Ngọc Trụ nguyên là Trưởng Bộ môn Ngữ học của Đại học Văn khoa Sài Gòn (nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn- ĐHQG-HCM). Ông tham gia giảng dạy tại Trường trong thời gian từ 1957 đến 1975. Tọa đàm khoa học này là một phần trong Chương trình hướng đến kỉ niệm 60 năm thành lập Đại học Văn khoa (1957-2017). Buổi tọa đàm có sự góp mặt của các giảng viên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài Trường cùng đông đảo học viên cao học, NCS của Khoa VH&NN, đặc biệt có sự hiện diện của cô Lê Kim Ngọc Tuyết – trưởng nữ của GS.Lê Ngọc Trụ.

Hình 1: Các cử tọa trong buổi tọa đàm.

          Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh – Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ giới thiệu đến cử tọa một clip phóng sự về GS. Lê Ngọc Trụ do các giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ học thực hiện. Qua phóng sự, chân dung GS. Lê Ngọc Trụ - con người sống “một đời giản dị, một đời đam mê” được khắc họa chân thật và sâu sắc.

          Phần chính của buổi tọa đàm là phần các nhà nghiên cứu trình bày tham luận của mình về cuộc đời và sự nghiệp của GS. Lê Ngọc Trụ.

          GS.TS. Bùi Khánh Thế (Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM), người có thời gian làm việc với GS. Lê Ngọc Trụ tại Trường vào thời điểm sau 1975, nhớ lại: “điều mới mẻ mà tôi tiếp nhận từ GS. Lê Ngọc Trụ qua những lần gặp GS  là làm thế nào trong ngôn ngữ học Việt Nam có thể kết hợp những ý tưởng mới của ngôn ngữ học phương Tây với truyền thống ngữ văn Hán học vốn coi trọng các vấn đề phong cách học, luyện tập cẩn thận các lối văn thi phú, tứ lục, trong đó thể văn biền ngẫu, câu đối,… sao cho cân đối về từ loại, về ngữ nghĩa”. Ký ức về GS. Lê Ngọc Trụ trong ông là hình ảnh một trí thức có kiến thức cựu học nhưng mang phong thái của một học giả hiện đại.

          TS. Đỗ Thị Bích Lài, người đã từng có những công trình nghiên cứu về từ điển ở Nam Bộ trong đó các công trình của GS. Lê Ngọc Trụ đưa ra nhận xét: “Ông là người đã có những đóng góp, cống hiến to lớn trong lĩnh vực từ điển tiếng Việt, ngay từ những ngày đầu của tiếng Việt với chữ Quốc ngữ… Ở một mức độ khái quát nhưng cũng khá cụ thể, chi tiết, đầy đủ, tác giả Lê Ngọc Trụ đã giải thích về nguồn gốc, về vấn đề từ nguyên tiếng Việt”.

          Cũng đánh giá về các công trình cũng như sự đóng góp của GS. Lê Ngọc Trụ ở lĩnh vực ngôn ngữ học, PGS.TS. Nguyễn Công Đức cho rằng: “Giáo sư – học giả Lê Ngọc Trụ, bằng tinh thần làm việc cẩn trọng, miệt mài với một tri thức uyên bác do tự học mà có; những đóng góp của ông là không nhỏ. Song như nhà văn – nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc từng nhận xét về ông, đại ý: Lê Ngọc Trụ là một học giả uyên thâm, nhưng lại hết sức khiêm nhường. Có lẽ do đức tính như vậy, mà gần như chúng ta khó lòng tìm thấy những tuyên bố một cách hiển ngôn của ông về quan niệm đối với đối tượng nghiên cứu cũng như phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, biên soạn,…trong những công trình nổi tiếng của ông (Chánh tả Việt ngữ (tập I và II, tái bản thành một cuốn – Nxb. Trường thi, 1960); Việt ngữ chánh tả tự vị, Nxb. Thanh Tân, 1960, tái bản 1971(Giải thưởng văn chương, bộ môn biên khả)); Tầm nguyên tự điển Việt Nam (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993),…)”.

          TS. Nguyễn Hoàng Trung cũng đồng tình với ý kiến vừa nêu. TS chỉ rõ, trong cuốn Tầm nguyên tự điển Việt Nam  của GS. Lê Ngọc Trụ, bên cạnh những truy nguyên khả tín là chủ yếu, còn không ít những thuyết giải cần phải xem xét lại, nhất là những từ gốc Pháp.

          Những người tham dự tọa đàm còn được nghe những chia sẻ hết sức chân thành, xúc động của PGS.TS. Lê Trung Hoa và PGS.TS. Trần Thị Ngọc Lang - hai nhà khoa học đã từng được học và tiếp xúc nhiều với GS. Lê Ngọc Trụ. Trong đó, PGS.TS. Lê Trung Hoa được xem như “học trò ruột”, còn với PGS.TS. Trần Thị Ngọc Lang, “hình ảnh Thầy trong tôi luôn là một con người hiền lành, đức độ; một con người mà tôi “kính và thương”.

                                                              Hình 2: PGS.TS Lê Trung Hoa trình bày tham luận. 

          Cuộc đời và sự nghiệp của GS. Lê Ngọc Trụ càng chân thật, rõ nét hơn qua những hồi ức của cô Lê Kim Ngọc Tuyết - người phụ giúp GS trong quá trình biên soạn và hoàn chỉnh cuốn Tầm nguyên tự điển Việt Nam, và cô cũng là người duy nhất trong gia đình theo “nghiệp chữ nghĩa”, thực hiện ước muốn “mong con được nối chí cha” như lời GS đã gửi gắm.

 Hình 3: Cô Lê Kim Ngọc Tuyết, trưởng nữ của GS. Lê Ngọc Trụ phát biểu ý kiến

          Buổi toạ đàm đã giúp các nhà ngôn ngữ học hiện nay hiểu thêm những đóng góp về Việt ngữ học của GS. Lê Ngọc Trụ; đồng thời để lại trong lòng người tham dự những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời của một nhà nghiên cứu giản dị, khiêm nhường, nhưng đã cống hiến hết mình cho việc nghiên cứu tiếng nói dân tộc.

Hình 4: Khách mời cùng Ban tổ chức tọa đàm chụp hình lưu niệm

 

Danh mục website