Nhà văn Kim Young Ha: Viết về một Hàn Quốc không hoa lệ...

 Kim Young Ha (sinh năm 1968) là một trong những nhà văn Hàn Quốc không những có sách bán chạy trong nước mà còn vươn ra quốc tế.

 Ba tác phẩm của Kim Young Ha được dịch ra tiếng Việt

Ba tác phẩm của Kim Young Ha được dịch ra tiếng Việt

 

 

 Tác phẩm của anh được dịch ra 16 thứ tiếng, phác họa một diện mạo trần trụi, sinh động về đời sống Hàn Quốc hôm nay, nơi mà bên cạnh sự tăng trưởng về kinh tế là sự gia tăng bế tắc trong đời sống giới trẻ. Trước chuyến làm việc tại Việt Nam (*), nhà văn trẻ này đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi.

“Chúng ta xem phim hay kịch truyền hình và nghe nhạc để biết về văn hóa nước khác. Tiểu thuyết ở một khía cạnh nào đó cũng đang thực hiện vai trò như thế. Khi xem phim truyền hình Hàn Quốc, bạn thấy Seoul hay đất nước Hàn Quốc hoa lệ vô cùng, được vẽ thành một không gian đáng mơ ước, nhưng văn học thì luôn đặt một cự ly nhất định đối với những hoang tưởng ấy” - nhà văn Kim Young Ha bắt đầu câu chuyện.

Thời gian văn học khác thời gian điện ảnh

Khi tôi học đại học, phong trào đấu tranh dân chủ tại Hàn Quốc đang ở đỉnh điểm. Thời đó, tiểu thuyết Áo trắng (1972, Nguyễn Văn Bổng) về phong trào sinh viên học sinh Việt Nam rất nổi tiếng trong giới sinh viên. Truyện ký về cuộc đời Hồ Chí Minh cũng là một quyển sách cần thiết cho sinh viên Hàn Quốc đọc thời đó.

Thời gian trôi đi, giờ Việt Nam và Hàn Quốc cùng phát triển và giao lưu văn hóa ngày càng nhiều. Và tôi, một thời là sinh viên nay đã thành nhà văn. Nghĩ đến việc tiểu thuyết của tôi được độc giả Việt Nam chiếu cố, tâm tư sâu nặng này trở nên vô hạn.

KIM YOUNG HA

* Ở Việt Nam, khi nhắc đến Hàn Quốc là nhắc đến làn sóng Hàn: điện ảnh, phim truyền hình, thời trang, mỹ phẩm..., còn văn học và hội họa Hàn Quốc, tiếc thay, còn mờ nhạt... 

- Văn học ở Hàn Quốc cũng vậy, là một lĩnh vực luôn bị kém quan tâm hơn văn hóa đại chúng. Điều này không khác nhiều nước. Văn học kết nối một thiểu số độc giả bằng thế giới văn tự. Đi du lịch đến các thành phố nước ngoài, khi vào nhà sách và phát hiện có sách nào đó của một tác giả mà mình cũng biết, tôi hay nghĩ: “A, thì ra ở đây cũng có những người đọc sách của tác giả mà mình cũng biết nhỉ!”.

Điều này vừa mang lại cảm giác bình an, vừa cho tôi niềm vui. Những nhà văn đó có người đã qua đời trước đó cả trăm năm, nhưng vẫn còn một lượng độc giả đa dạng đọc sách của họ. Thời gian của văn học khác với thời gian của điện ảnh và phim truyền hình, và cách văn học gặp người tiêu thụ văn học cũng khác nhau. 

* Đọc các tiểu thuyết của anh được dịch ở Việt Nam, có cảm giác anh đang nói thay cho những bế tắc của người trẻ tại Hàn Quốc. Chúng tôi thắc mắc quá trình phát tưởng những câu chuyện ấy, như những câu chuyện trong Điều gì xảy ra, ai biết...?

- Tôi không chỉ quan tâm đến độc giả trẻ. Nhưng chỉ vì những người trẻ đang làm những việc ở đời này một cách sắc bén và mãnh liệt. Họ đang yêu, đang bất an về thế giới và đang muốn hiểu bản thân mình.

Những bạn trẻ của Hàn Quốc thì đặc biệt hơn một chút. Họ đang sống ở một đất nước kinh tế phát triển rất nhanh, nhưng sự phát triển về tinh thần cho vừa với tăng trưởng kinh tế ấy thì chưa đạt được, thành ra đất nước này đang rơi vào “đầm lầy của sự tăng trưởng yếu”.

Hiện nay dân số Hàn ngày càng ít đi. Những chỗ làm ổn định ngày càng khó tìm. Tương lai của họ bất an và hiện tại của họ thật u uất. Trong quãng thời gian tôi viết Điều gì xảy ra, ai biết..., tôi đã lưu tâm đến diện mạo bất lực của họ, và kết quả là những diện mạo ấy cứ thế chứa đầy trong sách của tôi.

* Anh có thể giải thích rõ hơn về “đầm lầy của sự tăng trưởng yếu”?

- Vào thập niên 1980, khi tôi còn là sinh viên, kinh tế Hàn Quốc liên tục tăng trưởng, mỗi năm 10%. Không khó kiếm việc làm. Thời ấy rất cần nguồn nhân lực đại học nên tỉ lệ thất nghiệp rất thấp. Vì vậy, cả nước là một bầu không khí của chủ nghĩa lạc quan. Không ai nghi ngờ gì về chuyện Hàn Quốc sẽ là một quốc gia dân chủ, thịnh vượng, người dân được thụ hưởng nhiều thứ. 

Nhưng bây giờ tình hình hoàn toàn khác. Không quốc gia nào có thể duy trì liên tục và vĩnh viễn tỉ lệ tăng trưởng cao 10%. Hiện nay tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 3%. Tỉ lệ sinh sản thấp, dân số trẻ giảm dần. Các doanh nghiệp chuyển nhà máy ra nước ngoài như Trung Quốc, Đông Nam Á... và chỗ làm trong nước ngày càng giảm.

Tìm việc khó, kết hôn cũng khó, sinh đẻ con cái cũng khó, tương lai hầu như chẳng hứa hẹn khá hơn. Cả một bầu không khí bi quan về tương lai cho giới trẻ. Đây có thể gọi là “đầm lầy của sự tăng trưởng yếu”.

Nhà văn Kim Young Ha - Ảnh: nhân vật cung cấp
Nhà văn Kim Young Ha - Ảnh: nhân vật cung cấp

Những cuộc đua không có vạch chiến thắng

Còn ám ảnh về nhiều cái chết trong tác phẩm của anh? Như trong Điều gì xảy ra, ai biết... là cái chết của chàng trai trong Mật hẹn hay cô gái trong Sát nhân vì danh dự, chẳng nhân vật nào có tên...

- Hàn Quốc nằm trong danh sách những nước có người tự sát nhiều nhất thế giới, tỉ lệ tăng theo chiều thẳng đứng. Mức độ tự sát tuổi lão niên cũng cao, nhưng tỉ lệ tự sát của giới trẻ cao đến mức bất ngờ. Trong số các nguyên nhân tử vong của độ tuổi 20 và 30, đứng hàng thứ nhất là “tự sát”.

Và nguyên nhân tự sát là sự mất quân bình về tăng trưởng kinh tế và đời sống tinh thần, sự sụp đổ chóng vánh của gia đình, sự cạnh tranh khốc liệt và bất an về công ăn việc làm... 

Hàn Quốc đang ở trạng thái giống như một vận động viên điền kinh không tìm được vạch chiến thắng. Chạy miệt mài nhưng chạy đến đâu cũng không nhìn thấy vạch cuối cùng. Đến khi mệt mỏi thì bị lạc đường vì không biết phải chạy đến bao giờ. Rơi vào trạng thái này thì bất cứ nơi nào cũng có sự quyến rũ của cái chết.

* Về nguyên nhân sâu xa, hẳn anh sẽ cắt nghĩa được?

- Năm 1996, tôi xuất bản tiểu thuyết Tôi có quyền hủy hoại bản thân. Truyện này có nhân vật chính là một người hướng dẫn tự sát, tức là khuyên người khác đi tự sát và viết lại câu chuyện của những người đó. Hàn Quốc chưa từng bàn sâu vào vấn đề tự sát ở bất kỳ khía cạnh triết học hay văn hóa nào.

Khó có thể tìm thấy một nhân vật nào từng tự sát trong số các văn nhân cổ, các nhà tư tưởng nổi tiếng hay thậm chí là các hoàng đế vương triều Triều Tiên. Ngoại trừ trường hợp bị ép nên chết, hay là được lệnh từ vua phải chết, thì hầu như không có một ai tự tử. 

Đây là điều rất khác với Nhật Bản. Trong văn hóa Nhật Bản, việc tự sát được miêu tả như một hành động quyết đoán rất mỹ học, còn Hàn Quốc thì chưa từng như vậy. Vào thập niên 1990 ở Hàn Quốc chính thức xảy ra việc tự sát.

Thập niên 1970 và 1980 công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra quá nhanh, nhưng bức tường rào mang danh “gia đình” vẫn giữ kiên cố. Nhưng từ khi vượt nạn khủng hoảng tài chính năm 1997, bức tường rào “gia đình” sụp đổ nhanh chóng.

Nhiều người phải sống một mình và cạnh tranh thì khốc liệt. Lạc quan về tương lai biến mất và chứng u uất tăng lên, đối sách xã hội dành cho vấn đề này hầu như không có nên tỉ lệ tự sát tăng là đương nhiên.

* Nhưng trong Chơi Quiz Show có vẻ người trẻ ít bi quan hơn, không khí ít ảm đạm hơn dù cuộc đua vô cùng khắc nghiệt? 

- Tôi luôn nghĩ về sự can dự trách nhiệm của mình với từng câu chuyện viết ra, dù vẫn biết rằng quyền diễn ngôn thuộc về độc giả. Nhân vật chính trong Chơi Quiz Show sinh năm 1980, nếu được phép liên hệ, đó là năm của phong trào dân chủ Gwangju.

Cậu ta lớn lên trong bối cảnh Hàn Quốc đang phát triển mạnh, và trưởng thành khi sự phát triển đó chững lại. Thế nhưng khác lúc ấu thơ, thời trưởng thành cậu ấy được thụ hưởng công cụ Internet, nơi thực tại và ảo tưởng đã thay đổi, có thể nhìn lại đất nước mình từ xa.

Tôi phủ lên Chơi Quiz Show một không khí có tính chất lạc quan, nhưng thực chất vẫn là ám chỉ về một bối cảnh bị máy móc hóa, nơi cuộc sống như là một trò thi thố mà nhiều khi thắng và thua cũng chẳng khác gì nhau.

Cảm ơn anh. Chúc sự nghiệp sáng tác của anh thành công.

Thông thường khi giới thiệu một đất nước, người ta chủ ý chọn những mặt đẹp và tươi sáng. Nhưng vì sao các ông lại chọn giới thiệu Kim Young Ha, tác giả mà những tác phẩm được dịch ra tiếng Việt nói nhiều về tâm trạng u uất và bế tắc của xã hội Hàn Quốc?

- Văn học giúp tăng cường sự hiểu biết về đất nước và xã hội đó, nên văn học phải phản ánh hình ảnh chân thật của đất nước, xã hội đó. Và ở bất kỳ một đất nước nào trên thế giới đều có những mặt sáng và tối, tốt và xấu, đẹp và chưa đẹp.

Cũng như con người ai cũng có mặt tốt và xấu. Văn học là câu chuyện về con người nên rõ ràng sẽ phản ánh tất cả hình ảnh đa dạng đó.

Những hình ảnh đa dạng (có thể là mặt tốt hay mặt xấu) của xã hội Hàn Quốc đương đại xuất hiện trong tác phẩm của nhà văn Kim Young Ha đều mang giá trị phổ quát mà nhiều độc giả trên thế giới cảm thấy đồng cảm, và điều đó được thể hiện một cách vừa sâu sắc vừa hóm hỉnh. Qua đó, họ hiểu thêm về đất nước và con người Hàn Quốc.

Trả lời TTCT của Kim Bedeul (chuyên viên Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc, đơn vị tổ chức cuộc giao lưu với độc giả Việt Nam của tác giả Kim Young Ha)

(*): Từ ngày 14 đến 18-11-2014, Kim Young Ha có mặt tại TP.HCM và Hà Nội để giao lưu với độc giả Việt Nam trong sự kiện lễ trao giải cuộc thi viết cảm nhận tác phẩm dịch Điều gì xảy ra, ai biết... (NXB Trẻ), chương trình do Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc phối hợp tổ chức. Ngoài ra, anh còn ký tặng hai cuốn sách dịch khác là Tôi có quyền hủy hoại bản thân (NXB Lao Động) và Chơi Quiz Show (NXB Trẻ).


HIỀN HÒA - ANH THƯ thực hiện

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-hoa-nghe-thuat/20141104/nha-van-kim-young-ha-viet-ve-mot-han-quoc-khong-hoa-le/665341.html

 

Danh mục website