Lễ hội nghinh ông của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre - Trường hợp xã An Thủy (huyện Ba Tri) và xã Bình Thắng (huyện Bình Đại)

Đoàn tàu của ngư dân Bình Thắng trong Lễ hội nghinh ông hàng năm, nguồn: http://baodongkhoi.com.vn

TÓM TẮT

Bài viết giới thiệu diễn trình cũng như phân tích, tìm hiểu giá trị, đặc trưng và xu hướng biến đổi của lễ hội nghinh ông của ngư dân ven biển Bến Tre qua nghiên cứu trường hợp ở An Thủy (huyện Ba Tri) và Bình Thắng (huyện Bình Đại). Làm cơ sở cho nghiên cứu là lý thuyết chức năng và cấu trúc cũng như phương pháp điền dã dân tộc học của ngành Nhân học. Từ đó cho thấy, lễ hội nghinh ông của ngư dân ở đây thể hiện nguyện vọng cầu mong sự phù hộ độ trì của thần Nam Hải, có tính kết nối cộng đồng chặt chẽ, đồng thời còn cho thấy sự trao truyền văn hóa cho thế hệ sau.

I. Dẫn nhập

            Vùng ven biển Bến Tre có chiều dài 60 km thuộc địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Lấy nghề biển làm nguồn sống chính, ngư dân nơi này có diện mạo kinh tế, xã hội và văn hóa riêng. Trong  văn hóa của họ, lễ hội nghinh ông mang nét tiêu biểu, được nhiều người biết đến và có tính kết nối cộng đồng cao. Lễ hội nghinh ông của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre được chúng tôi tiếp cận qua hai trường hợp cụ thể: Lễ hội nghinh ông ở An Thủy (huyện Ba Tri) và Bình Thắng (huyện Bình Đại). Ở Bến Tre, An Thủy và Bình Thắng là hai nơi có hoạt động đánh bắt thủy hải sản phát triển, tổ chức lễ hội có qui mô lớn, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân trong và ngoài cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi chọn hai lễ hội này để tìm hiểu.   

II. Lý thuyết nghiên cứu

            Nghiên cứu lễ hội nghinh ông của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre được tiếp cận chủ yếu trên cơ sở lý thuyết của chức năng luận và cấu trúc luận thuộc ngành Nhân học. Các học giả của trường phái Chức năng luận (Functionism) nhấn mạnh tất cả các thực hành, thể chế văn hóa đều có chức năng riêng trong tổng thể nền văn hóa mà nó hình thành, tồn tại. Hai khuynh hướng của chức năng luận gồm: Chức năng tâm lý gắn với tên tuổi của Malinowski (1884-1942) và chức năng cấu trúc do Radcliffe-Brown (1881-1955) khởi xướng. Trong khung hướng chức năng tâm lý, chúng tôi kế thừa quan điểm của Malinowski khi ông cho rằng thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là ma thuật, có chức năng tâm lí quan trọng đối với bất kì cá nhân trong việc cân bằng, thỏa mãn nhu tinh thần của họ trong điều kiện bất trắc có thể xảy ra. Với Radcliffe-Brown, quan điểm nhìn nhận của ông về tín ngưỡng, tôn giáo là một phần thiết yếu của đời sống xã hội, có tính liên kết cộng đồng, tạo ra qui củ và trao truyền giá trị là cơ sở để chúng tôi tìm ra chức năng lễ  hội trong đời sống văn hóa của cộng đồng ngư dân ở đây. Bên cạnh đó, lý thuyết Cấu trúc luận (Structuralism) do Claude Lévi-Strauss (1908-2009) khởi xướng cũng được áp dụng vào nghiên cứu này, nhất là quan điểm về nguyên tắc cơ bản của sự sắp xếp, phân loại văn hóa mang tính tương phản nhị nguyên để giúp dễ dàng hiểu được sự đa dạng của thực hành văn hóa được quan sát. Hai yếu tố đối lập thiêngtục của lễ hội mà chúng tôi diễn giải trong bài viết này có nguồn gốc từ đây. Mặt khác, quan điểm của Victor Turner (1920-1983)-đại diện cho Nhân học biểu tượng/diễn giải (Symbolic/Interpretive Anthropology) cũng được kế thừa trong bài viết trong việc tìm hiểu cấu trúc, biểu tượng của lễ hội. Ông cho rằng, trong nghi lễ, biểu tượng luôn gắn bó với mục đích, ý nghĩa, phương tiện của con người dù hiện hữu rõ ràng hay phải luận ra từ quan sát.

II. Cơ sở hình thành

            Đâu là nguyên nhân chính hình thành nên lễ hội nghinh ông ở An Thủy và Bình Thắng? Lễ hội nghinh ông, không riêng gì ở đây, được hình thành từ tục thờ cá ông-một hình thức tín ngưỡng phổ biến từ miền Trung nước ta trở vào. Ở An Thủy và Bình Thắng, cá ông còn được gọi là Nam Hải Tướng Quân, ông Nam Hải, hay đơn giản là Ông, vốn là một vị thần phù hộ cho ngư dân mỗi khi xuôi thuyền ra khơi đánh bắt.   

            Ở An Thủy, việc thờ cúng cá ông đã có từ lâu đời. Theo Nguyễn Duy Oanh, trong sách Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945),  cho biết : «Ở quận Ba Tri, dân chài lưới có lập cái miếu thờ cá ông tại vùng Bãi Ngao. Mỗi khi ra khơi, họ  thường cúng vái. Nhiều lần họ được cá ông giúp đỡ trong lúc biển động mạnh, ghe đánh cá của họ suýt bị chìm. Họ cầu cứu cá ông thì ít phút sau cá ông hiện đến. Cá ông kê lưng đỡ thuyền họ lướt qua sóng gió hãi hùng.... »[1]. Còn các cụ cao niên cho biết, Lăng Ông An Thủy được ông Lưu Hữu Phú-ông tổ của kiến họ Lưu tại đây thành lập. Hiện nay, dòng họ này đã truyền đến đời thứ bảy. Vì vậy, có khả năng lăng này được thành lập cách đây khoảng 150 năm và là lăng ông khá xưa ở vùng ven biển  Bến Tre. Theo con cháu của họ Lưu cho biết, Ông Lưu Hữu Phú đi từ Vĩnh Long sang đây, tụ dân làm nghề chài lưới ở rạch Ngao Châu và tiến hành dựng lăng thờ thần Nam Hải để cúng bái, cầu nguyện. Vì vậy, cũng cần nói thêm rằng, việc thành lập Lăng Ông An Thủy và kể cả Lăng Ông Bình Thắng không phải ở do Ông lụy mà vì nghề chài lưới phát triển. Theo truyền thống, ngư dân thờ thần Nam Hải để cầu sự phù hộ cho mỗi khi ra khơi. Các bộ cốt cá ông đều có niên đại sau khi thành lập lăng này. Hiện tại, qua khảo sát của chúng tôi, ở Lăng Ông An Thủy còn lưu giữ 3 bộ cốt cá ông. Bộ cốt đầu tiên được ngư dân đưa vào thờ vào năm 1917, sau khi họ phát hiện ông lụy. Năm 1954, khi an táng thi hài cá ông dạt vào bờ dài khoảng 7m và ngang 1,7m, người dân đưa bộ cốt thứ hai này vào thờ cúng trong chánh điện. Riêng bộ cốt thứ ba khá nhỏ do ông con xẩy và được mang gửi vào lăng.

  Còn ở Bình Thắng, tục thờ cá ông có muộn hơn ở An Thủy do cộng đồng này được thành lập vào đầu thập niên 50 của thế kỉ trước. Một tư liệu cho biết cụ thể về niên đại của Lăng Ông Bình Thắng như sau : Ông Ngô Minh Châu gửi đến xin lập ấp Bình Thuận 2 và đề cử ông Nguyễn Văn Quởn làm trưởng ấp, được chính quyền chấp nhận, đồng thời ông đứng ra xây dựng lăng ông Nam Hải và tổ chức khánh thành vào ngày 19/7/1951, tức ngày 16/6 âm lịch. Hiện nay, trong Lăng Ông Bình Thắng có 2 bộ cốt cá ông. Bộ cốt đầu tiên hiện đặt trên ban thờ chính, do ngư dân phát hiện thi hài của cá ông con xẩy tại ấp Bình Mỹ (thuộc xã Bình Thắng ngày nay) vào khoảng năm 1956 - 1957[2]. Ngoài ra, bộ cốt thứ hai tương đối khá lớn, đặt ở hương án ngoài thuộc gian giữa chính điện và có ghi nguồn gốc: “Chi hội nghề cá lâm sản Bến Tre gặp cá ông lụy ở Biển Đông ngày 4 tháng 4 năm Tân Tị 2001, trục vớt lên tàu đưa về Lăng Ông Nam Hải Bình Thắng, ngày 18 tháng 4 năm Tân Tị. Phụng cúng”. Theo giải thích của ông Mai Lợi-  đại diện Ban Khánh tiết Lăng Ông Bình Thắng, người gặp được ông lụy sẽ là người chịu tang và làm theo đúng nghi thức tang ma truyền thống của cộng đồng. Mặt khác, hài cốt cá ông khi mang về lăng được cúng bái nghiêm túc. Sau thời gian phân hủy xác, người ta lau sạch phần xương rồi rửa bằng phooc-mon và làm nghi thức nhập lăng thật trang trọng. Ngư dân địa phương còn cho biết thêm thịt cá trong thời gian phân hủy có mùi hơi khét, không hề hôi. Như vậy, trước kia cũng như hiện tại, cá ông vẫn được ngư dân Bình Thắng tôn thờ và tin tưởng vào sự phù hộ, thể hiện sự tiếp nối truyền thống tín ngưỡng, văn hóa của thế hệ trước.

Đối với ngư dân An Thủy và Bình Thắng, tục thờ cá ông phản ánh sự may rủi của con người trước những bất trắc, khó lường của biển cả cũng như sự cầu mong độ trì của cộng đồng để có những mùa cá bội thu, cuộc sống phát đạt, giàu có và bình an. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Malinowski -một đại biểu của trường phái Chức năng luận và theo khuynh hướng chức năng tâm lí:” “Vấn đề quan trọng nhất là ở chỗ đối với việc đánh bắt cá ở phá, khi con người hoàn toàn dựa vào kiến thức và kỹ năng của mình, ma thuật không tồn tại, trong khi đối với việc đánh bắt cá ngoài khơi, đầy nguy hiểm và bất trắc, người ta sử dụng một hệ thống nghi lễ ma thuật với phạm vi rộng lớn để đảm bảo an toàn và kết quả cao[3]. Do vậy, lễ hội nghinh ông của ngư dân An Thủy và Bình Thắng là sinh hoạt tín ngưỡng nhằm bày tỏ niềm tin thiêng liêng của họ trong đời sống hiện tại. Thông qua những nghi lễ cúng bái, cộng đồng bày tỏ tấm lòng của mình với thần linh, cầu mong sự phù hộ, che chở nơi thần thánh, ở đây chính là thần Nam Hải.  Tuy nhiên, không dừng lại ở đấy, Radcliffe-Brown đưa ra chức năng của tín ngưỡng tôn giáo là : Tôn giáo tạo qui cũ (áp đặt qui củ), và những cảm giác tích cực (đối trọng lại những cảm giác tiêu cực hay mất niềm tin), chức năng gắn kết (tăng cường đoàn kết) các thành viên trong cộng đồng, tạo và tái tạo sức sống (vitalizing & Revitalizing) di sản của một nhóm người và truyền đạt giá trị cho một thế hệ tiếp theo[4]. Lễ hội, một hoạt động gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo, còn là sự thể hiện rõ nét cho các chức năng và giá trị này. Cho nên, lễ  hội nghinh ông ở An Thủy và Bình Thắng cũng không nằm ngoại lệ.

III. Diễn trình lễ hội nghinh ông

Ngư dân Bình Thắng tổ chức lễ ra khơi nghinh ông vào dịp 15, 16 và 17 tháng 6 âm lịch hằng năm. Sự kiện này trùng hợp với ngày thành lập Lăng Ông Bình Thắng như một lời nhắc nhở về truyền thống lịch sử, văn hóa của người dân địa phương. Riêng với ngư dân An Thủy thì có nét độc đáo. Sau tết nguyên đán hằng năm, họ bắt đầu chuẩn bị cho lễ hội nghinh ông. Lễ hội này diễn ra vào ba ngày 16, 17 và 18 tháng giêng âm lịch, trong đó ngày 17 tháng giêng là ngày chánh lễ. Trước đó, ban khánh tiết tổ chức hội họp nhiều lần để phân công nhiệm vụ, phối hợp công việc và được cộng đồng hưởng ứng đóng góp. Thời điểm tổ chức lễ hội này xuất phát từ nguyên nhân khá đặc biệt. Vốn trước năm 1975, ngư dân An Thủy làm nghề đóng đáy và đánh bắt từ phía cửa sông Hàm Luông trở vào. Khi đó, họ chưa có ghe tàu đánh bắt xa bờ cũng như các phương tiện đánh bắt hiện đại. Cho nên, hoạt động đánh bắt của ngư dân ở đây phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện tự nhiên, nhất là theo hướng gió từng mùa[5].Ngày trước, vào mùa gió Bắc và gió Chướng, ngư dân ngừng hẳn các hoạt động đánh bắt vì không thể vươn buồm ra khơi do mùa gió không thuận lợi. Nhằm tận dụng thời gian ngư nhàn khá dài, họ phải chuyển sang nghề trồng trọt, chăn nuôi để có thêm nguồn thu nhập nhằm trang trải cuộc sống. Như vậy, ngư dân An Thủy đã chọn thời điểm tổ chức đúng ngay vào lúc cuối mùa gió Chướng và chuẩn bị bắt tay bước vào một mùa đi biển mới. Có thể nói rằng, đây là một minh chứng về sự ảnh hưởng của điều kiện sinh thái đến sinh hoạt kinh tế, văn hóa của ngư dân ven biển Bến Tre. Người dân địa phương đã nhận thức được đặc trưng của điều kiện tự nhiên nơi đây và biết cách thích ứng, lựa chọn các hoạt động kinh tế, văn hóa của mình sao cho phù hợp với nơi mà họ đã trải qua quá trình khẩn hoang và từng bước phát triển.

Nhìn chung, lễ hội nghinh ông ở An Thủy và Bình Thắng có thời gian khá dài và được cộng đồng tổ chức với qui mô lớn. Diễn trình của lễ hội này về cơ bản là gần giống nhau với nhiều nghi lễ liên tiếp diễn ra. Đó là trình tự: Nghi túc yết, nghi tế chiến sĩ trận vong, nghi cầu an, nghi tế Tiền hiền-Hậu hiền, nghi nghinh ông, nghi tĩnh sanh và nghi xây chầu đại bội, cuối cùng là nghi tống ôn. Trình tự của các nghi lễ này phản ánh được cấu trúc chặt chẽ của một lễ hội nghinh ông của ngư dân địa phương. Ở đây, mỗi nghi lễ có một chức năng và ý nghĩa khác nhau, góp phần tạo nên tính đa dạng với nhiều không gian, thời gian thiêng cho lễ hội như Victo Turner nhận xét: “Nghi lễ (ritual), tôi muốn nói, là hành vi được qui định có tính chất nghi thức dành cho những dịp, không liên quan đến các công việc có tính chất kỹ thuật hàng ngày, mà có quan hệ với các niềm tin vào đấng tối cao hay các sức mạnh thần bí. Biểu tượng (symbol) là đơn vị nhỏ nhất của nghi lễ, cái giữ lại những thuộc tính cụ thể của hành vi nghi lễ, nó là đơn vị cơ bản của một cấu trúc cụ thể trong một bối cảnh nghi lễ[6]. Cụ thể, từng nghi lễ này được diễn ra như sau :

_ Nghi túc yết : Mục đích chính là các thành viên trong ban khánh tiết hội họp để hoàn tất công việc cho những ngày lễ. Trước một ngày diễn ra chánh tế, nghi túc yết bắt đầu thông qua việc họ đã tề tựu và ai cũng sẵn sàng bắt tay vào nhiệm vụ. Nhưng cả tháng trước đó, các vị có nhiệm vụ đã bàn bạc và phân công ai vào vị trí nấy. Chẳng hạn, để chuẩn bị cho lễ hội nghinh ông, Ban Khánh tiết Lăng Ông An Thủy đã bàn bạc từ trước tết, còn những ngày sau tết thì hầu như ngày nào họ cũng có mặt để bàn tính, kiểm tra công việc. Điều này nói lên sự cẩn trọng và chu đáo trong việc tổ chức lễ hội vừa thể hiện được niềm tin tưởng vào thần linh vừa là trách nhiệm với chính cộng đồng mình.

_ Nghi  cầu an : Nghi thức tụng kinh cầu an cho cộng đồng chỉ có ở lễ hội nghinh ông Bình Thắng vào buổi tối ngày 15 tháng 6 âm lịch. Trước đó, độ chừng 3g chiều, tiếng trống và múa lân diễn ra ở phía sân lăng như thôi thúc ngư dân, báo hiệu mùa lễ nghinh ông đã bắt đầu. Đảm nhận việc cúng cầu an chính là các nhà sư do ban khánh tiết lăng thỉnh về. Họ lập bàn thờ Phật trong chánh điện, các vị sư tụng kinh cầu an[7] và đại diện ban khánh tiết quì đội sớ với mục đích cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, ghe xuồng mỗi khi ra khơi thì êm xuôi, tránh được bão tố cũng như đời sống phát triển. Sau khi kết thúc, lá sớ được đem đi đốt. Nghi lễ cầu an trong lễ hội nghinh ông ở Bình Thắng phản ánh mối quan hệ giữa tín ngưỡng và tôn giáo (Phật giáo), tăng cường niềm tin cho cộng đồng trong điều kiện cuộc sống con người còn nhiều điều bất an có thể xảy ra. Không chỉ ở Bình Thắng, nghi thức cúng cầu an còn hiện diện ở lễ hội nghinh ông ở Vàm Láng (huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang), Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu),...

_Nghi tế chiến sĩ trận vong : nghi thức này chỉ có ở lễ hội nghinh ông ở An Thủy, được diễn ra vào sáng sớm ngày 16 tháng giêng. Nghi lễ này được tổ chức trang trọng, thành kính tại đền thờ liệt sĩ xã An Thủy nằm kề bên lăng. Bên cạnh sự có mặt của đại diện chính quyền địa phương, Ban Khánh tiết lăng mang nhiều lễ vật, thức ăn và tụ hội đầy đủ để tổ chức. Theo các cụ cao niên cho biết: Bởi vì có những người vì nước xả thân, vì dân quên mình cho đất nước bình yên thì mới có công cuộc mở mang, phát triển. Do vậy, nghi tế chiến sĩ trận vong phải thực hiện trước tiên. Vì vậy, điều này đã làm cho nội dung của lễ hội mang đậm yếu tố lịch sử, thể hiện lòng ngưỡng vọng tri ân với các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân. Đặc biệt, ngoài những lễ vật được chuẩn bị như: Nhang đèn, trà, trái cây, thức ăn, vàng mã,..., còn có bài văn tế được đọc kính cẩn mang nội dung tha thiết nhưng không kém phần hào hùng:

                         “ Nơi trận địa từ đây vắng mặt

                       Lễ chiêu hồn nghĩ lại đến chiến công

                      Cầu vong linh phối hưởng tất lòng

                      Sớm siêu hưởng về nơi cõi thọ

 _Nghi Tế Tiền hiền-Hậu hiền : Trong lễ hội nghinh ông ở Bình Thắng, sau khi ra khơi nghinh ông, người ta mới tổ chức nghi thức tế Tiền hiền-Hậu hiền (ngày 16 tháng 6). Ở Lăng Ông An Thủy, ngay sau khi kết thúc nghi tế chiến sĩ trận vong mới diễn ra nghi thức này. Họ còn gọi nghi thức tế Tiền hiền-Hậu hiền bằng cách gọi khác là nghi tiền vãng vào ngày 16 tháng giêng. Theo quan niệm của người dân địa phương, Tiền hiền là những người có công khai khẩn, tụ dân lập nghiệp và Hậu hiền là các vị đã giúp dân mở mang cơ nghiệp như đắp đường, xây cầu, phát triển nghề nghiệp,...Vì vậy, nghi lễ này biểu hiện được đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Ngoài ra, ở An Thủy, các  vị chức sắc trong ban khánh tiết còn cho biết việc tổ chức  nghi này sau nghi thức tế các vị anh hùng liệt sĩ cho  thấy cộng đồng ngư dân tại đây trước tiên hướng về các anh linh liệt sĩ đã bỏ mình cho đất nước, sau mới là tưởng nhở công đức của tiền nhân có đóng góp cho quê hương. Ban khánh tiết Lăng Ông An Thủy và Bình Thắng tổ chức nghi này tại gian nhà hậu điện của lăng-nơi đặt ban thờ Tiền hiền-Hậu hiền. Khi làm lễ, ông Hương văn đọc văn tế có nội dung  ca ngợi công đức và bày tỏ lòng ngưỡng vọng đến các vị Tiền hiền-Hậu hiền. Lễ vật khá đa dạng, ngoài hương hoa, bánh trái, vàng mã,... còn có heo quay, thức ăn được bày ra. Văn tế Tiền hiền-Hậu hiền ở Lăng Ông Bình Thắng có đoạn như sau : “Kính cẩn mà khấn rằng: Tôn thần chuyên kiệm chuyên cần, giỏi văn giỏi võ, sinh thành nên mảnh đất này, sáng tạo, tôn làm sư phụ, mở bờ cõi, dựng kỉ cương, tài bồi qui mô cũng đấy. Lập đất chiêu dân đặt thành làng xóm. Dựng đình xây miếu, đèn hương lưu mãi trăm năm. Lí nghĩa an nhân, vun trồng tục hay vạn cổ. Nay nhân dịp đến kỳ tế lễ, nghi thức phô bày, thể hiện thành tâm. Cúi xin (các vị tiền hiền, hậu hiền, cùng tổ tiên) bảo hộ trong thôn dân được yên vui thịnh vượng. Kính bái thượng hưởng[8]. Đặc biệt, ở nghi tế Tiền hiền-Hậu hiền ở An Thủy, chúng tôi nhận thấy có 12 tô thịt trên ban thờ này. Sau khi tìm hiểu thì được biết chúng dành để cúng cho 12 vị hương chức của làng ngày trước. Qua khảo sát bài văn tế, các vị hương chức của làng An Thủy xưa là : Đại cả, hương cả, hương chủ, hương sư, hương trưởng, hương chánh, hương giáo, thủ bộ, hương quản, hương hào, hương thân, chánh bộ. Do vậy, thông qua nghi lễ này, đặc biệt là biểu tượng trên, đã cho biết phần nào về bộ máy quản lí làng xã của địa phương trước đây. Victor Turner, trong bài viết Biểu tượng trong nghi lễ của người Ndembu, đã nhận định: “Biểu tượng nghi lễ trở thành một thành tố trong hành động xã hội, một sức mạnh trong một phạm vi hoạt động. Biểu tượng luôn gắn liền mật thiết với những quyền lợi, mục đích, ý nghĩa, phương tiện của con người cho dù những cái này hiện hữu rõ ràng hay phải luận ra từ những hành vi quan sát được[9].

_ Nghi nghinh ông : Ở An Thủy, nghi thức này được tổ chức vào buổi sáng ngày 16 tháng giêng (tiếp sau nghi tế Tiền hiền-Hậu hiền)và ở Bình Thắng là ngày 16 tháng 6. Nghi nghinh ông là một nghi thức quan trọng của lễ hội này, thu hút nhiều người tham gia nhất. Trước năm 1975, Lăng Ông An Thủy tổ chức ghe thuyền ra khơi nghinh ông mỗi kì lễ hội. Về sau, khi chiến sự giao tranh ác liệt ở vùng cửa sông Hàm Luông  nên không còn tổ chức ra khơi nữa cho đến ngày hôm nay. Riêng ở Bình Thắng, nghi thức nghinh ông được tổ chức tưng bừng, nhộn nhịp, thu hút khá đông nghe thuyền tham gia. Độ chừng 4g sáng ngày chánh lễ (16/6 âm lịch), ở phía Lăng Ông Bình Thắng có trống nổi lên dồn dập để báo thức mọi người cùng dậy, chuẩn bị cho  lễ nghinh ông bắt đầu. Lúc này, các vị trong ban khánh tiết có mặt đầy đủ, đợi đến giờ làm lễ ở chính điện. Khoảng 5g sáng, ở chính điện lăng, ông chánh niệm hương và phó niệm hương đến trước ban thờ thần Nam Hải khấn nguyện trong sự chứng kiến của nhiều người. Sau đó, ông này tiến hành lạy 3 lạy và xá 3 xá rồi thỉnh lư hương đi trước, hai bên có lộng che, phía sau là khán thờ được lính khiêng. Khán thờ có dạng một ngôi miễu nhỏ, sơn màu xanh, hai bên có 2 thanh đòn dài làm bằng gỗ dùng cho 4 người khiêng. Các thành viên trong ban khánh tiết và một số ngư dân cầm lộng, lỗ bộ, bát bửu đi theo phía sau. Tất cả mọi người tập trung ở phía ngoài sân. Sau khi “củ soát lễ vật” và sắp xếp theo trật tự, mọi người dần tiến về bến - nơi có chiếc ghe lễ đậu. Ghe này được trang trí, chuẩn bị từ ngày hôm qua. Trong không khí tờ mờ sáng, dẫn đầu đoàn nghinh ông là đội lân đến lộng che, rồi đến khán thờ. Khán thờ được khiêng bởi 4 người là ngư dân, họ mặc áo lính, trong khán có khắc 2 chữ “Nam Hải”. Tiếp theo là ông chánh niệm hương tay cầm lư hương, hai bên có 4 học trò lễ, 2 đào thài, 2 kép theo cùng. Nối đuôi là đội nhạc lễ cùng đông đảo người dân tham gia, chật ních cả đoạn đường. Sau khi an vị khán thờ ở phía trước ghe lễ và đứng ổn định đúng theo vị trí, chiếc ghe này tiến hành xuất phát đi trước, theo sau khoảng hàng chục chiếc ghe cào của ngư dân địa phương. Hàng chục chiếc ghe được bật đèn sáng, trên mỗi ghe có đến hàng chục người tham dự. Đó là ngư dân và khách phương xa tham gia lễ hội. Đoàn ghe nghinh ông dẫn đầu là ghe lễ đi từ rạch Bà Khoai ra sông cửa Đại, độ chừng 10 km. Những chiếc ghe cào theo sau chạy đua tăng tốc với nhau, nhưng không được vượt qua mặt ghe lễ. Trên ghe, những ngư dân đặt hương án ở phía mũi ghe với khá nhiều lễ vật khác nhau như: Heo quay, gà vịt luộc, trái cây, hương hoa… Ra đến ngoài cửa Đại, chiếc ghe lễ dừng lại, ông chánh và phó niệm hương chỉnh sửa khăn áo, tiến hành nghi thức nghinh ông. Có thể nói, đây là phần quan trọng, mang tính thiêng liêng nhất của lễ hội nghinh ông Bình Thắng. Đứng hai bên khán thờ là lính cùng học trò lễ, kép hát và đào thài. Ông chánh niệm hương quì trước khán thờ, thắp 3 nén nhang, dâng trà rượu và khấn nguyện: 

           “Nhất nhơn chi đáo lệ thời phùng,

             Lễ nghinh ông Nam Hải trong bổn hội thảy đều chúc nguyện.

             Nhất nguyện hương: Việt Nam củng cố,

            Quốc diệu thới xương,  phong điều võ thuận, vạn thọ vô cương.

            Nhì nguyện hương : Đinh ninh ngũ tưởng,

            Ngư, mục, canh, tiều trong thôn ấp thảy đều thạnh lợi.

            Tam nguyện hương: Cát kiến ngụ tùng, tịnh an trì nghiệp.

            Ngưỡng lạy lệnh ông Nam Hải, mạc ô hô phò trì.

            Trong bổn hội thỉnh tam đồng chúc nguyện.”

Kết thúc là lời khấn:

“Ô long kim thất thất,

Tạ Nam Hải cảm ứng chứng thôn trung.

Ngoảnh lại miên trường,

Xin kính dâng chung trà đồng tân kỉnh”

Theo quan niệm của ngư dân ở đây, sau các nghi này, cá ông vọi lên để chứng minh lễ cúng của họ. Những năm nào xảy ra hiện tượng này là ngư dân được mùa, cả năm bình an, phát đạt. Tiếp đó, chiếc ghe lễ quay về, trống và lân nổi lên tạo nên không khí nhộn nhịp khác hẳn trước đó. Đoàn ghe tăng tốc quay trở về, những chiếc ghe tham gia lễ nghinh đua nhau trên quãng sông từ cửa Đại về đến cảng cá Bình Thắng. Đến con rạch Bà Khoai,  khá nhiều chiếc ghe khác đã đậu chật kín chờ đợi, trên mỗi ghe là một bàn hương án với đầy đủ lễ vật. Mọi người cùng hướng về chiếc ghe lễ một cách thành kính. Chiếc ghe này đi sâu vào trong con rạch chừng 1km rồi quay trở ra cập bến tại cảng cá Bình Thắng. Sau khi lên bờ, đoàn nghinh đứng thành một hàng dài, có thứ tự giống như lúc đi nghinh buổi sáng sớm. Họ tiếp tục đi về lăng trong không khí rộn rã, có múa lân, nổi chiên trống, hàng trăm người nối đua hò reo trước sự chứng kiến khá đông người dân hai bên đường. Trước mỗi nhà, ngư dân địa phương đều thiết lập một bàn hương án, lễ vật tùy thuộc vào từng nhà, có heo quay, vịt luộc, bánh trái, hương hoa, trà rượu, vàng bạc…để cùng tham gia nghinh ông. Về đến lăng, toàn thể ban khánh tiết khăn áo chỉnh tề tập trung để rước đoàn vào chánh điện. Ông chánh niệm hương đặt lư hương lên bàn thờ chính, tiến hành nghi thức dâng rượu, trà. Đây còn được gọi là nghi thức mừng sắc ông . Lúc này, ở nhà từng ngư dân, người ta tổ chức tiệc ăn mừng, có mặt người người thân và cả bạn bè từ phương xa đến.

  _Nghi tĩnh sanh : Nghi này chỉ có Lăng Ông An Thủy tổ chức, đặc biệt được thực hiện 2 lần vào chiều ngày 16 và 17 tháng giêng. Thực chất đây là hình thức hiến tế vật cho thần linh. Họ chuẩn bị một con heo trắng thuộc loại to, không bệnh tật và sạch sẽ bỏ vào một cái lồng gỗ lớn. Người ta mang heo vào chánh điện. Ông Chánh bái thắp một ngọn đèn nhằm kiểm tra con vật tế thật kĩ lưỡng. Họ lấy một ít lông, huyết đem trình lên bàn thờ rồi mang ra phía ngoài chôn xuống đất và gọi đó là ế mao huyết. Sau đó, con heo được mang ra phía sau làm thịt. Cuối cùng, nguyên con heo được mang lên để trước bàn thờ Thần Nam Hải nơi chánh điện. Theo sách Đình Nam bộ xưa và nay cho biết : « Thực ra việc dùng huyết là lông chỉ nhằm chứng minh con vật tế là tinh tuyền (không lai tạp) và  còn sống chứ không phải là con vật đã chết (vì bệnh hay bi giết đã lâu) đã ươn thối mất phẩm chất »[10]. Sau khi cúng, heo được xẻ thịt để chia phần cho các vị chức sắc và dùng để nấu thức ăn đãi khách.

 _ Nghi xây chầu đại bội : Tối ngày 16 âm lịch, toàn thể ban khánh tiết Lăng Ông An Thủy và Bình Thắng cùng ngư dân tề tựu ở khu vực gian nhà võ ca để chuẩn bị nghi thức xây chầu đại bội. Ở phía trong võ ca, đoàn hát bội đã chuẩn bị cho buổi trình diễn. Nghi thức này ở Lăng Ông An Thủy diễn ra như sau : Đầu tiên, ông chánh bái làm lễ ở bàn thờ Thần Nam Hải và đánh ba hồi liên tục vào cái trống đã được bịt vải đỏ trước đó ở phía trước sân khấu. Cử hành nghi lễ xây chầu theo hình thức nào cũng có ý nghĩa là cầu an, cầu quốc thới dân an. Tuy nhiên, ý nghĩa của lễ này bắt nguồn từ quan niệm dịch lý: Thuận đạo trời, an đạo đất và hòa lòng người[11]. Xây chầu xong là đến đại bội. Đoàn hát bội cử người trình diễn 6 lễ chính : Điềm hương, xang nhật nguyệt, tam tài (Phước - Lộc -Thọ), tứ thiên vương, đứng cái, bát tiên hiến thọ, gia quan tấn tước. Nếu việc xây chầu thể hiện sự khai mở thái cực thì đại bội cho thấy tiến trình chuyển hóa theo triết lý phương Đông từ thái cực đến lưỡng nghi, tứ tượng, tam tài, tứ tượng và bát quái. Ở khu vực võ ca, người ngồi xem chật ních. Cuối cùng, đại diện ban khánh tiết nhận 4 câu liễn có nội dung chúc tụng may mắn, tốt lành từ ông Địa-người biểu diễn lễ gia quan tấn tước cuối cùng. Sau khi kết thúc nghi này là mở màng tuồng hát bội đầu tiên. Được biết, hằng năm, Lăng Ông An Thủy mời đoàn hát bội về diễn 3 tuồng hát trước là dâng lên cho chư vị thần linh thưởng thức còn sau mới là giúp vui cho cộng đồng. Điều này cho thấy tinh thần yêu mến nghệ thuật truyền thống dân tộc cũng như cho thấy đời sống kinh tế khá giả, việc đóng góp kinh phí của người dân địa phương. Qua tìm hiểu ở An Thủy và Bình Thắng, các tuồng hát phải thể hiện được lòng trung hiếu, tiết nghĩa, đúng phẩm chất của người quân tử như : Quan Công phò nhị tẩu, Phụng nghi đình, San hậu, Bao Công xử án Quách Hòe,....Trưa và tối ngày 17 âm lịch, đoàn hát bội tiếp tục diễn hai vở tuồng nữa.

_ Nghi chánh tế : Nghi này được diễn ra vào đúng 12 giờ khuya ngày 16 tháng 6 (Lăng Ông Bình Thắng) và ngày 17 tháng giêng (Lăng Ông An Thủy). Ở Lăng Ông An Thủy, sau khi kết thúc tuồng hát bội cuối cùng và diễn viên thực hiện xong việc tôn vương là nghi thức chánh tế bắt đầu. Ngược lại, ở Lăng Ông Bình Thắng, sau nghi thức xây chầu đại bội và tuồng hát đầu tiên kết thúc, ban khánh tiết tổ chức ngay nghi lễ này. Có thể nói rằng, đây là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất của lễ hội này. ở Lăng Ông An Thủy,  những người phụ trách đã bày lễ vật, thức ăn, hoa quả,... lên tất cả các ban thờ trong lăng trước đó,. Khi có tiếng trống và mõ đánh dồn dập, toàn bộ hương chức mặc lễ phục tề tựu hai bên chánh điện, quì giữa là các vị chánh bái, phó bái và hai vị bồi bái hai bên. Sau ba tuần dâng trà, rượu, đặc biệt có học trò lễ và đào thài cùng tham gia, vị hương văn Lăng Ông An Thủy tiến hành đọc văn chánh tế viết trên giấy đỏ. Nội dung của bài văn này gồm ba phần chính : Phần đầu là thứ tự, tên họ, chức vụ của các vị chức sắc, phần kế là danh hiệu của các vị thần linh, còn phần cuối cùng là lời văn được phiên âm Hán - Việt. Nội dung của lời văn nhằm ca ngợi uy đức, tài năng của Nam Hải Tướng quân và sự mong cầu của cộng đồng được phù hộ an lạc, may mắn, sung túc. Trường hợp văn chánh tế ở Lăng Ông Bình Thắng được dịch như sau : «Nay tiết vừa đúng lệ khai lễ tế, kính cẩn sắm sửa đèn nến hương trầm, rượu ngon cùng phẩm vật theo như nghi thức. Dám xin kính cáo đến: Tôn thần quốc gia sắc phong Nam Hải quyền phong Cự Tộc Ngọc Lân, các linh vị Tả Lý ngư, Hữu Lý lực, ông Yều, ông Gốc, Hà Bá Long Vương, Thủy Long Thần Nữ, Tứ Hải Long Vương, Đông Nam Sát Hải cùng các tôn linh thủy tộc cùng về chung hưởng. Kính cẩn trước các tôn linh: Biển sông dinh dưỡng, gò suối trữ nuôi, trấn hùng phong ngoài biển cả, cá tôm bái thủ, quản chúa tể nơi thủy cung, kình ngạc cúi đầu. Biến hóa hiển linh, giúp người trong cơn mưa bão. Đi đến nhẹ nhàng, cứu nhân giữa lúc sóng dâng. Biển nay lại nguyện dâng trình, lệ định hiến cung, thành tâm kinh bái. Ngẩng nhờ tôn linh gia cơn giáng phúc cho ấp, cho thôn. Cúi xin thượng hưởng!”[12]. Nghi lễ chánh tế kết thúc vào lúc giữa khuya.

_ Nghi tống ôn : Đây là nghi thức cuối cùng của lễ hội nghinh ông. Nghi này còn được gọi cách khác là tống phong, tống gió. Thực chất đây là nghi lễ mang tính Đạo giáo. Mục đích chính là tống tiễn đi ôn dịch, xui rủi, bệnh tật và tai họa để cho dân làng bình an. Lễ vật cúng ngoài hoa quả, thức ăn còn có vàng mã, củi, gạo, muối,....để cho chư thần, âm hồn ma quỉ mang đi sau khi về dự lễ với dân làng. Ban khánh tiết các lăng tổ chức nghi này ở phía ngoài sân. Ở Lăng Ông An Thủy, vừa kết thúc nghi chánh tế, trong đêm khuya vắng lặng của ngày 17 tháng giêng, sau ba hồi trống mõ, các vị chức sắc quì dâng hương và cầu nguyện nơi bàn hương án vừa được thiết lập ngoài trời. Ông hương văn đọc văn tống ôn để cầu mong Thần Ôn, Ngũ Phương Thần, Ngũ Đậu Quỉ Vương, Ngũ Phương Quỉ, chư vị tinh binh cô hồn,...về phối hưởng lễ vật. Được biết, độ chừng năm mươi năm về trước, người ta tổ chức tống ôn bằng làm bè chuối thả ở con rạch phía trước để trôi ra sông ra biển, trên đó có lễ vật. Ngày nay, nghi thức tống ôn ở Lăng Ông An Thủy còn được gọi là nghi đưa khách. Phải chăng do sự phát triển của đời sống, bệnh dịch ít hơn cho nên họ mới quan niệm kết thúc lễ hội chỉ còn là tiễn đưa thần linh, âm hồn sau khi về dự lễ với người dân ?

IV. Giá trị và ý nghĩa

        Lễ hội nghinh ông của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre đã phản ánh được các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa và con người ở đây. Thông qua lễ hội, người ta hiểu biết thêm về lịch sử, về mong ước của ngư dân địa phương trong đời sống hiện tại. Đó là sự thể hiện lòng thành kính đến thần Nam Hải để phù hộ cho mỗi chuyến ra khơi được cho thuận buồm xuôi gió, được độ trì khi sóng to gió lớn và hơn nữa là đời sống ngư nghiệp phát triển.

           Qua lễ hội này còn cho thấy được tính cộng đồng cũng như việc giáo dục và trao truyền văn hóa giữa các thế hệ để lễ hội nghinh ông của ngư dân vùng ven biển Bến Tre còn lưu truyền, giữ gìn được những giá trị truyền thống trong đời sống hôm nay. Một nguyên nhân để lễ hội diễn ra lớn và thành công chính là sự đóng góp công sức, tiền bạc, lễ vật của cộng đồng để trang trải khá nhiều kinh phí (thực phẩm, lễ vật và đoàn hát bội,...). Ngư dân còn gọi đây là hình thức « chung đậu ». Với những chủ ghe làm ăn phát đạt, họ chuẩn bị tạ lễ khá lớn và ủng hộ kinh phí lớn cho lăng để trùng tu, sửa chữa. Ngày nay, Bến Tre có nhiều ghe cá đánh bắt ở các ngư trường Cà Mau, Kiên Giang,...Cho nên, vào dịp lễ hội này, các ghe quay trở về để cúng tạ, đồng thời còn mời mọc thêm các ghe bạn cùng tham gia, cùng chia sẻ niềm tin và niềm vui của mình. Ban Khánh tiết Lăng Ông An Thủy và Lăng Ông Bình Thắng còn duy trì mối quan hệ khá rộng với ban khánh tiết các lăng, đình, miếu trong vùng. Cho nên, ở lễ hội nghinh ông, các ban khánh tiết nơi khác trước đến dâng hương, dâng lễ vật và sau là dự tiệc, tâm tình, trao đổi việc cúng kiếng, tình hình đời sống,... cho nhau. Ẳm thực cho người tham gia trong lễ hội nghinh ông ở đây phản ánh điều kiện tự nhiên của vùng biển như: Mắm tép đu đủ, cá nhúng dấm, cá xào nghệ,... Beverly J.Stoeltfe đã nói về vai trò của ẩm thực trong lễ hội: “Đặc biệt đáng nói là bản chất của ẩm thực trong lễ hội. Nó là hiện thân cho bản sắc cộng đồng đó và là biểu trưng cho dịp này, cho nên thức ăn trong lễ hội luôn luôn có tính đặc trưng…Lễ hội cũng nhấn mạnh tác động có tính xã hội của ẩm thực, bởi vì trong bối cảnh này nhiều người hấp thụ truyền thống của họ một cách đồng thời, do đó khẳng định bản sắc của họ như một nhóm người liên kết bằng cách ăn những thực phẩm nhất định trong khoảng thời gian nhất định[13] Vì thế, lễ hội nghinh ông ở đây đã thể hiện được chức năng cố kết không những trong mà còn ngoài cộng đồng, đồng thời còn thể hiện ý thức văn hóa cộng đồng sâu sắc. Bên cạnh đó, lễ hội này còn là dịp tái hiện và trao truyền văn hóa giữa các thế hệ. Với người dân ở đây, không phân biệt già trẻ, những ngày lễ hội, là dịp họ chứng kiến, trải nghiệm những nghi lễ văn hóa truyền thống, được các bậc cao niên kể lại những truyền thuyết mang màu sắc linh thiêng của thần Nam Hải, lắng nghe công đức của tiền nhân, nhìn những bộ áo lễ phục truyền thống (áo dài đen, xanh và khăn đống) và cùng tham gia vào việc tổ chức lễ hội,...Vì vậy, điều này sẽ giúp cho thế hệ sau có điều kiện được thực hành, học hỏi và sẽ tiếp nối truyền thống của cha ông họ. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy, các thành viên trong ban khánh tiết có nhiều độ tuổi khác nhau để đảm bảo sự kế thừa. Các thành viên có độ tuổi trẻ được thay thế vai trò của người thân để tiếp tục công việc. Họ được phân công vào một vị trí để tham gia và phải có lối sống tốt đẹp, không dính mắc tai tiếng, có tinh thần tự nguyện và nhất là phải lắng nghe ý kiến từ các bậc cao tuổi. Vì thế, đây là những thành viên nòng cốt tiếp tục duy trì việc tổ chức lễ hội trong tương lai.

Tiếp tục, để hiểu sâu hơn về hoạt động lễ hội nghinh ông của ngư dân ven biển Bến Tre, chúng tôi tiếp cận và phân tích dưới hai góc độ mang tính đối lập nhau là thiêngtục.  Đây là góc nhìn và cách lí giải theo lý thuyết cấu trúc luận với mục đích : «cách tiếp cận lý thuyết cấu trúc luận còn nhấn mạnh các yếu tố văn hóa không được giải thích riêng lẻ mà phải đặt nó trong một hệ thống có ý nghĩa. Là một mô hình phân tích, cấu trúc luận hướng đến giả định phổ quát trong quá trình suy nghĩ của con người trong một nỗ lực để giải thích "cấu trúc sâu” hay ý nghĩa cơ bản hiện có trong các hiện tượng văn hóa[14]. Cũng vậy, hai yếu tố thiêng và tục là hai mặt đối lập nhưng không thể tách rời và chính nó đã tạo nên tính cân bằng, đáp ứng được nhu cầu tham gia của cộng đồng., làm cho lễ hội trở thành một chỉnh thể thống nhất, bền vững.  Trong lễ hội nghinh ông của cộng đồng ngư dân An Thủy và Bình Thắng, hai yếu tố thiêng và tục luôn song hành với nhau. Yếu tố thiêng được diễn ra bên trong lăng với nhiều nghi thức được qui định sẵn, với thành phần rõ ràng gồm các vị chức sắc trong ban khánh tiết điều phối, thực hiện, là thái độ tôn kính, cẩn trọng cùng với việc ăn mặc chỉnh tề theo truyền thống, là không gian hoạt động chính của nam giới. Còn yếu tố tục được thể hiện ở phía ngoài. Người dân đến tham dự còn được thưởng thức sinh hoạt đờn ca tài tử, phát thưởng cho ngư dân có năng suất đánh bắt cao( Lăng Ông Bình Thắng), được ăn uống và tâm tình trao đổi. Qua quan sát của chúng tôi, người dân còn tổ chức các hoạt động buôn bán tấp nập hai bên đường để ăn uống và mua sắm, thanh niên nam nữ trò chuyện với nhau tạo nên một không khí rộn ràng, nhộn nhịp, chật kín người và hoàn toàn khác hẳn với không gian bên trong. Đặc biệt, ở An Thủy, tại một số điểm sinh hoạt văn hóa, người ta còn tổ chức tiệc rượu, ngồi lại với nhau để đờn ca tài tử. Còn ở nhà của các chủ ghe thì họ mở tiệc, mời bạn bè ăn uống. Vì thế, ngư dân địa phương còn gọi đây là cái tết thứ hai của họ. Thậm chí, ngay trong nghi thức ra khơi nghinh ông ở Bình Thắng, nếu chuyến đi là thể hiện yếu tố thiêng (các ghe chạy chậm, bày hương án cúng, cầu nguyện thần Nam Hải,…) thì chuyến về mang yếu tố tục (các ghe chạy đua với nhau, va quẹt, người tham gia vẫy gọi vui đùa, ăn uống, …). Chính vì vậy, hai yếu tố này đã tạo nên cho lễ hội nghinh ông ở An Thủy và Bình Thắng sinh động, không nhàm chán, thu hút được nhiều thành phần tham gia.

Lễ hội nghinh ông của ngư dân ven biển Bến Tre nói riêng cũng như nước ta nói chung không nằm ngoài qui luật biến đổi. Chẳng hạn, ở lễ hội nghinh ông Bình Thắng, theo quan sát của Nguyễn Chí Bền cách đây hơn 20 năm: “Cả nghe lễ, nghe chở đoàn múa lân và các ghe của ngư dân, đều có thả một sợi dây xuống nước, cuối sợi dây là một cái giẻ. Người dân thả trôi chiếc giẻ này trên mặt nước[15]. Tác giả đã giải thích thêm: “Có lẽ, chính sợi dây buộc mảnh giẻ này là một dạng “ hèm” của tục thờ cúng. Nó liên quan đến truyền thuyết cá ông được sinh ra từ tấm lòng của Phật Bà Quan Âm. Nhưng hèm này còn ở dạng khá đơn giản, và không có đường dây gắn kết với trò diễn và cũng chỉ tiến hành khi các ghe thuyền khi ra khơi nghinh ông[16]. Qua tham gia và trao đổi với ngư dân địa phương thì hiện tại không còn thấy tục này. Phải chăng vì lý do thời gian nên nó dần phai nhạt và nay không còn nữa? Gần đây, vì lí do xăng dầu tăng cao, trong lễ hội nghinh ông ở Bình Thắng, số lượng ghe thuyền tham gia ra khơi nghinh ông có phần giảm sút hơn trước kia. Còn ở An Thủy, một số ghe thuyền đánh bắt ở các ngư trường khác không trở về vì lí do xa, bận đánh bắt và thậm chí tham gia lễ hội nghinh ông tại nơi mà họ khai thác.

            Lễ hội nghinh ông ở vùng ven biển Bến Tre còn là tài sản văn hóa, được ngư dân địa phương bảo tồn, phát triển cho đến ngày nay. Vì thế, tỉnh Bến Tre  đã có chủ trương kết hợp lễ hội nghinh ông ở Bình Thắng với việc thu hút khách du lịch trong, ngoài nước đến tham gia. Tuy nhiên, điều này không thành công vì thiếu người thuyết minh hiểu rõ vấn đề, đường sá chật chội và thiếu vệ sinh, không có áo phao cho du khách khi theo thuyền ra khơi,...Còn với lễ hội nghinh ông ở An Thủy thì trong tương lai nên tổ chức lại nghi thức ra khơi như trước đây đã có để tưng bừng hơn, đúng với truyền thống và phù hợp nguyện vọng của ngư dân địa phương.

 

 

 

                      Tài liệu tham khảo

1.      Nguyễn Duy Oanh, Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945), Sài Gòn, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1971.

2.      Lư Xuân Chí,  Bến Tre bảo tồn và phát huy di sản văn hóa-Bến Tre: Bảo tàng tỉnh Bến Tre xuất bản, 2005.

3.      Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,  Những vấn đề Nhân học tôn giáo,  Đà Nẵng: Tạp chí Xưa và Nay. Nxb.Đà Nẵng, 2006.

4.      Dương Hoàng Lộc, Diện mạo văn học dân gian của cộng đồng ngư  dân vùng ven biển Bến Tre, Tạp chí  Khoa học Văn hóa và Du lịch, số 10 (64), 2013.

5.      Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Dịch giả: Hòa thượng Thích Trí Tịnh), Hà Nội, Nxb.Tôn giáo, 2008.

6.      Nguyễn Chí Bền, Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, Hà Nội, Nxb.KHXH, 1997.

7.      Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam bộ xưa và nay, Đồng Nai, NXB. Đồng Nai, 1999.

8.      Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan ,  Folklore  một số thuật ngữ đương đại-, Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, 2005.



[1] Nguyễn Duy Oanh, Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945), Sài Gòn, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản , 1971, trang 355-356.

[2] Lư Xuân Chí,  Bến Tre bảo tồn và phát huy di sản văn hóa-Bến Tre: Bảo tàng tỉnh Bến Tre xuất bản, 2005,  trang 45.

[3] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,  Những vấn đề Nhân học tôn giáo,  Đà Nẵng: Tạp chí Xưa và Nay. Nxb.Đà Nẵng, 2006, trang 159.

[4] Dẫn theo Trần Hạnh Minh Phương, Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh-tiếp cận từ lý thuyết chức năng. In trong: In trong: Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Văn hóa thờ Nữ Thần-Mẫu ở Việt Nam và Châu Á bản sắc và giá trị, Hà Hội, Nxb. Thế Giới, 2013, trang507

[5] Theo kinh nghiệm tích lũy của ngư dân, hằng năm có bốn mùa gió hoạt động trên biển, đó là gió Nồm (hướng Đông- Nam) diễn ra từ khoảng tháng hai đến tháng tư âm lịch, gió Nam (hướng Nam) hoạt động từ khoảng tháng năm đến tháng  tám âm lịch, gió Bắc (hướng Bắc) thổi trong vòng tháng chín âm lịch và cuối cùng là gió Chướng  (hướng Đông- Bắc) thổi từ độ tháng mười cho đến tháng hai là chấm dứt. Nguồn: Dương Hoàng Lộc, Diện mạo văn học dân gian của cộng đồng ngư  dân vùng ven biển Bến Tre, Tạp chí  Khoa học Văn hóa và Du lịch, số 10 (64), 2013, trang 64.

 

[6] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,  Những vấn đề Nhân học tôn giáo, Tạp chí Xưa và Nay- Nxb. Đà Nẵng, 2006,  trang 242.

[7] Kinh cầu an chính là phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Trong phẩm này, đức Phật tán thán công đức và hạnh nguyện cũng như oai lực của Bồ Tát Quán Thế Âm. Theo đó, Bồ Tát Quán Thế Ấm thị hiện để cứu độ chúng sinh, kể cả những người chẳng may gặp sóng to, gió lớn và cá dữ nơi biển cả mênh mông: “Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu bồ tát này liền đặng chỗ cạn”. ngoài ra, trong kinh, Bồ Tát Vô tận ý ca ngợi công hạnh của Bồ Tát Quán Thế Ấm có đoạn như sau: “ Hoặc trôi dạt biển lớn, hoặc nạn cá quỉ rồng, do sức niệm Quan Âm, thoát khỏi nạn sóng gió” . Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Dịch giả: Hòa thượng Thích Trí Tịnh), Hà Nội, Nxb.Tôn giáo, 2008, trang 536-550.

[8] Nguyễn Chí Bền, Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, Hà Nội, Nxb.KHXH, 1997,  trang 83-84

[9] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,  Những vấn đề Nhân học tôn giáo, Tạp chí Xưa và Nay- Nxb. Đà Nẵng, 2006,  trang 243.

[10] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam bộ xưa và nay, Đồng Nai, NXB. Đồng Nai, 1999, trang 173.

[11] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam bộ xưa và nay, Đồng Nai, NXB. Đồng Nai, 1999, trang 222.

[12] Nguyễn Chí Bền, Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, Hà Nội, Nxb.KHXH, 1997,  trang 86-87.

[13] Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan ,  Folklore  một số thuật ngữ đương đại-, Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, 2005,  trang 145-146.

 [14] Trương Văn Món, Tư duy lưỡng hợp trong nền văn hóa Chăm-thử nhìn từ lý thuyết cấu trúc của Claude Lévi –Strauss. Nguồn: http://anthdep.edu.vn/upload/5%20T%C6%AF%20DUY%20L%C6%AF%E1%BB%A0NG%20H%E1%BB%A2P%20tr67-85.doc

 

[15] Nguyễn Chí Bền, Tìm hiểu một số hiện tượng văn hoá dân gian Bến Tre, Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, trang 85.

[16]Nguyễn Chí Bền, Tìm hiểu một số hiện tượng văn hoá dân gian Bến Tre, Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, trang 93.

 

Danh mục website