Giáo sư Hoàng Như Mai - Người thầy, người bạn vong niên thân quý của tôi

Trước hết là Thầy

Đây là câu chuyện hơn 50 năm về trước, khi tôi là sinh viên năm thứ ba, Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa I, niên khóa 1958-1959. Phải đến năm thứ ba, tôi mới được học với ông, qua giáo trình Văn học Việt Nam sau 1945.

Về khu vực văn học này, đối với lớp học sinh Cấp Ba - tức Trung học Phổ thông Khu Bốn cũ (tức Thanh, Nghệ, Tĩnh bấy giờ), đầu óc còn đẫm thơ văn lãng mạn và khóc cười với văn học hiện thực, thì quả mới chỉ là một hình dung sơ lược, đến được từ các số Tạp chí Văn nghệ của Hội văn nghệ Việt Nam, in bằng giấy gió đen xỉn, và một vài đầu sách như Tập văn Cách mạng và Kháng chiến, do Hội văn nghệ in năm 1949, cỡ nhỏ gọn, giấy xấu, chỉ bốn, năm trăm trang mà dầy bằng nửa gang tay. Sách, báo thật thưa thớt, nhưng chúng tôi lại rất mê, đến thuộc lòng nhiều đoạn văn của Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Ngô Tất Tố; còn thơ từ Tây tiến, Màu tím hoa sim đến Việt Bắc thì ghi đầy các sổ tay…Phải sau 1956 chúng tôi mới được thỏa thuê đọc, khi đặt chân đến Hà Nội; ngày ngày cắm đầu vào Thư viện Quốc gia hoặc các hiệu sách báo để nghiền cho kỳ hết các cuốn sách mới, và các loại báo từ Văn nghệ, Văn học, đến Nhân văn, và Văn…Một tiếp cận thật hăm hở, hào hứng, nhưng mà lộn xộn.

Nghe thầy Hoàng Như Mai giảng, lần đầu tiên tôi được hình dung một cách có hệ thống về văn học Việt Nam sau 1945. Một hệ thống, với bối cảnh lịch sử của nó. Một hệ thống áp sát được vào tận thì hiện tại, vào những gì đang diễn ra. Tức là không bỏ sót bất cứ hiện tượng văn học quan trọng nào kể từ sau 1945, kể cả một cuộc thi truyện ngắn vừa mới diễn ra với các giải của nó; và tôi nhớ thầy Mai đã dừng lại khá lâu ở một truyện được giải có tên là Một đêm đi của Xuân Khánh… Và là một lối giảng rất ấn tượng, bởi cách nói rành rõ, sáng sủa, say sưa, với những phát hiện và gợi ý vừa bao quát, vừa tinh tế.

Nghe bài giảng của thầy Mai, tôi thấy yêu nền văn học mới; và có lẽ đó là một trong các lý do khiến tôi, từ 1960, khi về Viện Văn học, đã rất vui vẻ nhận sự phân công của Phó Viện trưởng Hoài Thanh vào Tổ văn học Việt Nam hiện đại. Và thu hoạch đầu tiên của tôi từ khi về Viện là cuốn sách Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1970 (Nxb.Khoa học xã hội; 1972), ra đời sau đó hơn 10 năm; cũng là sau 10 năm được nghe thầy Mai giảng và được đọc cuốn sách Văn học Việt Nam hiện đại (Nxb Giáo dục; 1961) thầy cùng viết với nhà giáo Trần Văn Hối.

…Rồi là đồng nghiệp

Ra trường, được phân công về Viện Văn học, tôi không có hoàn cảnh được gần gũi với thầy Hoàng Như Mai như nhiều bạn ở Đại học, sau một năm được học với thầy. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn được gặp thầy nơi tôi công tác là Tòa soạn Tạp chí Văn học, hoặc trong các cuộc họp mặt của giới nghiên cứu, phê bình. Cơ hội để được gần thầy chính là qua công việc, bởi tôi và ông cùng có chung một lĩnh vực chuyên môn - đó là văn học Việt Nam hiện đại, từ đột phá khẩu là mốc lịch sử 1945 mà đi ngược lên đầu thế kỷ XX, và xuôi đến tận hôm nay. Tôi ở Viện. Thầy ở Trường. Tôi vẫn đọc thầy, tuy không thường xuyên, vì thầy viết ít, nhưng ở bài nào tôi cũng thấy có một chút men say, một cảm nhận tinh tế, và một cảm hứng viết, khiến cho bài nào cũng có hồn, chứ không khô cứng, hoặc nhạt tẻ, đến từ một vốn hiểu phong phú về văn hóa và sinh hoạt của giới nghệ sĩ mà ông quen thuộc.

Và, không biết từ lúc nào tôi đã chuyển đại từ xưng hô, từ Thầy chuyển sang Anh. Anh Hoàng Như Mai. Cũng như đối với một số thầy khác ở Đại học, tôi cũng chuyển cách gọi: Anh Trương Chính, Anh Lê Chí Viễn, Anh Huỳnh Lý, Anh Đinh Gia Khánh…Có hơi liều. Nhưng như vậy gần gũi hơn. Dễ giao lưu hơn.

Từ khi Giáo sư Hoàng Như Mai chuyển vào định cư ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi ít có dịp gặp ông. Ngay cả khi tôi vào công tác ở phía Nam, không phải lúc nào cũng được gặp ông. Bởi vì tôi thường vội, mà ông thì bận, ở nhiều cương vị. Tôi chỉ có thể được gặp ông mỗi khi có việc phải đến thăm Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh mà ông là Chủ tịch rất lâu năm. Mỗi lần như vậy tôi đều có các bạn thân như Trần Hữu Tá, Nguyễn Lộc đi cùng. Ngoài ra là một vài cuộc chấm luận án tiến sĩ; đặc biệt là luận án của các Nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn. Tôi đọc được sự kính trọng của các Nghiên cứu sinh đối với thầy Hoàng Như Mai. Bởi sự chăm lo của ông cho họ là tận đến sau khi bảo vệ xong. Điều này khiến tôi cảm động.

…Và sau này là người bạn vong niên thân kính

Mới đó mà đã hơn 20 năm qua, tính từ chuyến đi công tác dài ngày của Đoàn cán bộ Viện Văn học vào thành phố Hồ Chí Minh, vào đầu Hè 1993. Một mùa hè, theo như tôi nhớ, Hội nghiên cứu và giảng dạy tổ chức mừng thọ tuổi 75 cho ba Giáo sư: Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Huỳnh Lý mà chúng tôi có được mời dự và có bài phát biểu chúc mừng; bài này rồi được đăng trên báo Phụ nữ Thành phố. Hai mươi năm đã qua, với bao sự kiện, kể cả nhiều sự cố đã xảy ra trong đời sống và trên trường văn trận bút. Nhưng mỗi lần vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác, gặp Giáo sư Hoàng Như Mai, tôi thấy thời gian dường như bất lực mà dừng lại trước ông - ở tuổi 80, rồi 85, và 90. Lần nào gặp ông, thay vì một lời thăm hỏi sức khỏe, tôi chỉ cần một lời bình phù hợp: “Mừng Anh vẫn rất phong độ!”. Mà thật thế! Dáng vẻ nhanh nhẹn. Giọng nói rành rõ, sang sảng của một tư duy minh mẫn. Sự cẩn trọng, chu đáo của một nhà giáo. Một chút hào hoa, phóng khoáng nghệ sĩ. Và ở đâu ông cũng có bè bạn, học trò. Trong đó tôi từng là học trò, và sau này vinh dự được là bạn vong niên của ông.

Tôi được tin ông mất qua báo Tuổi trẻ. Có được nghe qua một số khó khăn trong tuổi già ngoài 90 của ông. Vậy là vị trưởng lão cuối cùng trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học ở Đại học đã ra đi. Tôi chỉ biết cùng vài bạn đồng nghiệp ở Hà Nội chia sẻ với nhau tin buồn này./.

  

Hà Nội tháng 10/2014

Danh mục website