17042024Wed
Last updateMon, 15 Apr 2024 12am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Hãy cứ thêm thơ cho đời thêm vui

Lời giới thiệu tập thơ Đoản khúc sáu mươi của Nguyễn Công Lý, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2014

                                                            GS.NGND. Nguyễn Đình Chú

Trường ĐHSP Hà Nội

 

Trong tay tôi là tập thơ Đoản khúc sáu mươi của Nguyễn Công Lý. Tôi muốn nói ngay cái ông này không phải là nhà thơ mà là một giảng viên đại học, một nhà nghiên cứu không chỉ văn học mà còn cả văn hóa, ít nhiều đang có triển vọng thành học giả. Nếu tôi không lầm thì hơn mười năm qua, trong đội ngũ PGS.TS. Ngữ văn cùng trang lứa, cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, không ai cho ra mắt bạn đọc nhiều thành quả nghiên cứu như Nguyễn Công Lý. Mà ở Nguyễn, tuy chưa phải đã bề thế nhưng phải chăng vẫn là người dẫn đầu về thành quả nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam vốn là một kho báu đang rất cần khôi phục diện mạo tổng thể và khám phá những giá trị tư tưởng thẩm mỹ dưới góc nhìn văn học một cách thấu đáo hơn để từ đó cũng là đảm bảo việc khôi phục diện mạo văn học Việt Nam thêm hoàn chỉnh. Hiện tình là các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Thiền sư, về Phật thuyết, kinh kệ thì rất mực uyên bác và đã cho ra mắt không biết bao nhiêu công trình về Phật học, nhưng quí vị đó lại không phải là những chuyên gia nghiên cứu văn học. Ngược lại, các chuyên gia văn học, dĩ nhiên cũng uyên bác về văn học nhưng sự hiểu biết về Phật học lại chưa có là bao. Cho nên ở đây đang rất cần có những cầu nối, nghĩa là những người vừa uyên bác về Phật học vừa am hiểu sâu sắc văn học. Nguyễn Công Lý là một nhà nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam đã có thâm niên và  thành quả, nhưng trước ngày thống nhất đất nước lại đã có thời gian học tập và tìm hiểu về Phật - Nho - Lão, trong đó có hơn mười năm nghiên cứu về Phật học. Thêm nữa lại được Phật Tổ ban cho một trí nhớ khá tốt, cùng với niềm say mê Phật học đến nay vẫn rất vững bền. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn của Nguyễn về Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm đã bảo vệ xuất sắc cách đây 15 năm, mấy năm sau in ra, đã được nhận hai giải thưởng của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2003). Tiếp theo, Nguyễn cũng đang đeo đuổi hai công trình là Văn học Phật giáo Việt Nam từ khởi thuỷ đến đầu thế kỷ thứ X Văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn. Hy vọng không lâu nữa, hai công trình này sẽ ra mắt bạn đọc. Nếu được thế thì Nguyễn là người dẫn đầu về văn học Phật giáo Việt Nam, chứ ai khác đâu.

       Nguyễn Công Lý đã, đang và sẽ là  như thế. Nhưng té ra với Nguyễn còn có một nàng thơ cứ lảng vảng dính líu bên mình từ thuở tóc còn xanh cho đến nay đã hoa râm. Nguyễn đã có hơn một trăm rưỡi bài thơ. Đoản khúc sáu mươi này là tập thơ gồm sáu mươi bài được chọn trong tổng số đó. Bài sớm nhất là vào năm 1972, gần nhất là năm 2014 này. Chưa nói thơ Nguyễn hay đến đâu. Chỉ nhìn qua thì thấy thi hứng, thi tình, thi trường, thi dạ của Nguyễn cũng khá phong phú, thể hiện dáng dấp con người văn hóa, học thuật mà cũng đa cảm của Nguyễn khá rõ. Có thơ về mẹ (Mẹ), về vợ  (Tương cảm), về quê hương (Chiều Nha Trang, Về quê, Gợi nhớ, Đêm ở quê, Trở lại quê nhà, Xuân nhớ quê), về tình sư đệ (Tức sự I, II, Tâm sự thầy tôi, Thầy tôi),  về một số địa danh từng đến (Múa xòe Tây Bắc, Đồi cát Phan Thiết, Với Côn Sơn), về Sài Gòn nơi gia đình Nguyễn sinh sống hiện nay (Bất chợt Sài Gòn, Sài Gòn ngẫu tác), về các mùa (Cung chúc tân xuân, Mùa xuân, Xuân về, Xuân hiểu, Xuân nhật khai bút, Khói lửa mùa xuân, Vào hè, Chớm thu), về hoa (Phong lan, Mai chiếu thủy, Hoa cúc, Hoa vạn thọ), về Phật đạo (Phật tâm ca, Tụng ca Tổ sư Minh Đăng Quang, Đạo Phật khất sĩ cảm tác, Tăng già khất  sĩ), về đại thi hào của Trung Hoa (Nghĩ về Đỗ Thiếu Lăng tiên sinh, Nghĩ về Lý Bạch, Với Lý  Bạch, Lại nghĩ về Lý Bạch, Nghĩ về Vương Duy), về danh nhân của đất nước (Trần Thái Tông hoàng đế, Hưng Đạo đại vương, Nghĩ về Chu Văn An, Nghĩ về cụ Ức Trai, Nghĩ về cụ Bạch Vân, Viếng mộ Tố Như, Nghĩ về Tố Như tiên sinh, Viếng mộ Uy Viễn tướng công). Ngoài ra là thơ về chính lòng mình (Cảm tác, Cảm hoài, Thuật hoài, Khát vọng, Tự bạch, Trần tình)…

        Thơ của Nguyễn viết theo hình thức đoản khúc, có nghĩa là những bài thơ ngắn, chỉ bốn câu, vừa Hán vừa Việt. Trong đó có thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt, lục bát tứ tuyệt, lục ngôn tứ tuyệt, kể cả tứ tuyệt biến thể. Mà đã là đoản khúc thì lời ít nhưng ý phải nhiều mới là thơ hay. Để có được điều đó thì phải có một kiểu tư duy thơ khác với tư duy thơ của loại thơ tự do chuồi theo cảm xúc mà số câu số chữ không hạn định. Ở đây phải coi trọng tứ thơ hơn ý thơ, thiên về gợi hơn là tả, thường chỉ là sự bộc lộ một nét cảm xúc, tâm tình, tư thế, thái độ, suy tư, ấn tượng, một thoáng nhìn thế giới, con người, thời gian, không gian.  Là một nét nhưng phải là một nét có hồn, nét ra nét để từ một nét mà bùng nổ, mà lan tỏa thành một thế giới thơ, tựa như một nguyên tử bé nhỏ nhưng cũng là cực mạnh cực lớn. Đường thi của Trung Hoa xưa, đặc biệt là những bài thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt lừng danh hơn ngàn năm nay với nhân loại chính là sản phẩm tuyệt diệu của thể loại thơ lời ít ý nhiều với những đặc trưng thi pháp như thế.

        Đoản khúc sáu mươi của Nguyễn Công Lý đi theo trường phái thi ca này đã có  được gì ? Xin nhờ bạn đọc cho ý kiến. Riêng tôi thì thấy trong sáu mươi đoản khúc này, đã có những bài xem ra có vẻ như đã ít nhiều chạm tới những điều vừa nói đó. Dĩ nhiên trong đó có phần là sáng tạo, có phần là chịu ảnh hưởng đâu đó của các bậc tiền nhân. Bài Xuân nhật khai bút viết năm 1978 là thế. Hai câu đầu: Nguyên đán nghiễn bút khai/ Hạnh phúc quảng tấn lai thì chỉ là hai câu văn thông tấn, đã có gì là thơ. Nhưng hai câu sau: Cử đầu thanh thiên chiếu / Vọng ngoại sổ chi mai thì đúng là có thơ rồi. Có từ một cái thoáng nhìn mà thấy cả một bầu trời xanh trong, lồng lộng, thăm thẳm của trời xuân và dưới cái nền trời xuân đó là mấy cành mai. Đúng là xuân đã đến với lòng người. Ở đây có thể vẽ thành một bức tranh xuân có hình khối, đường nét, màu sắc, theo luật viễn cận,  đủ gợi cảm giác man mác, mênh mang, thanh sơ, êm ả, nên thơ của đất trời vào xuân. Bài Xuân hiểu viết năm 1979 được dịch thơ: “Mai vàng một đóa khoe tươi / Vài con bướm lượn mỉm cười với bông / Trời hồng ló dạng phương đông / Mùa xuân đã đến biết không hỡi người?”, nguyên tác là ngũ ngôn tứ tuyệt chữ Hán mà lời dịch là lục bát tứ tuyệt thì độ cô đúc ít nhiều đã nhường bớt cho độ êm ả của thơ, nhưng vẫn đủ gây cho người đọc một khoái cảm thoáng qua mà đọng mãi. Khoái cảm khi nhìn thấy ở buổi sáng sớm xuân này vài con bướm lượn mỉm cười với mấy bông mai vàng. Rồi nữa, vừa chợt thấy “Trời hồng ló dạng phương đông” thì quay ra hỏi: “Mùa xuân đã đến biết không hỡi người?”. Sao lại hỏi như thế nhỉ! Không, lời mời gọi đấy. Mùa xuân đến đẹp quá, vui quá, mời  mọi người ra mà đón nhận, mà thưởng thức cái khoảnh khắc trời cho này, mà nhìn cái đẹp tuyệt trần cảnh bướm lượn mỉm cười với mai vàng nên thơ này. Bài Tức sự (kỳ nhất) (kính tặng Thầy Nguyễn Đình Chú) chính là viết tặng tôi cũng là vậy. Bốn câu ngũ ngôn chữ Hán. Trong đó ba câu đầu cũng vẫn là ba câu văn thông tấn với lời dịch: “Ta, cậu học trò nghèo / Ở nhờ nhà thầy giáo / Thầy trò tình sâu nặng” chẳng có gì là thơ. Nhưng với câu cuối “Bàn chuyện, cười ha ha” thì đúng là có thơ rồi. Thơ từ tiếng “cười ha ha” chứ còn gì. Cười ha ha là cười thoải mái, cười ra cười. Trong đó là tất cả tình sâu tình nặng của thầy trò, chẳng cần nhiều lời gì khác để bày tỏ. Thơ đoản khúc, đặc biệt là tứ tuyệt, về cấu tứ thường thì ở ba câu đầu, chỉ là câu thông tấn, câu lót đường cho sự bùng nổ thơ ở câu cuối. Bài thơ Sông lấp nổi tiếng nhất của Tú Xương chẳng phải là thế sao. Ba câu đầu: “Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai / Đêm nghe ếch réo bên tai [1] thì đúng là ba câu văn thông tấn, báo chí, có gì là thơ. Nhưng với câu cuối “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” thì đúng là đã bùng nổ thơ rồi. Lời bình rất mực tài hoa năm xưa của tác giả Vang bóng một thời về bài thơ Sông lấp từng chỉ ra như thế đó. Bài Chiều Nha Trang ít nhiều đã có dáng dấp cách cấu tứ này. Ba câu đầu: “Tịch dương hắt xuống biển xanh / Nhấp nhô sóng trắng bên gành liêu xiêu / Nha Trang còn chút nắng chiều” là ba câu thơ tả cảnh chiều Nha Trang nghe cũng thấy hay hay như thơ tả cảnh chiều ta từng gặp đâu đó về nơi nào đó. Vậy thôi. Nhưng phải đến câu cuối“Thắp lên để tiễn người yêu đi về” thì đúng là gây bất ngờ mà thú vị cho người đọc rồi. Ai lại biến chút nắng chiều thành ngọn đèn thắp lên để tiễn người yêu đi về sau đó khi bóng đêm đã xuống. Chiều Nha Trang tưởng rằng chỉ là bài thơ tả cảnh chiều không ngờ lại thành bài thơ tình. Không thú vị sao! Thơ phải có hồn đã đành nhưng còn phải có triết. Bài Liên tưởng viết theo thể lục ngôn tứ tuyệt ít nhiều đã có điều đó: “Ô kìa! một chiếc lá vàng/ Quấn quanh theo làn gió nhẹ / Kiếp người trong cõi lang thang / Bồng bềnh về đâu như lá?”. Đọc bài thơ này, tôi thoáng ngỡ như đang nghe ca từ Cát bụi của Trịnh Công Sơn và cũng nhớ đến câu thơ của Huy Cận trong bài Tràng giang:“Củi một cành khô lạc mấy dòng”.

      Mạo muội dăm ba điều như thế về Đoản khúc sáu mươi của Nguyễn Công Lý, không biết được gì và chưa được gì. Chỉ tin chắc rằng với Nguyễn mà có thêm thơ thì đời cũng thêm vui và cứ thế mà thêm thơ cho đời thêm vui.

                Yên Hòa thư trai Giáp Ngọ, mạnh hạ,

sáu mươi năm chiến thắng Điện Biên, 07 - 5 - 2014

 

LỜI TỰ BẠCH

Nguyễn Công Lý

 

Năm sinh của tôi ghi trên giấy tờ là 1954, tính theo dương lịch, năm Giáp Ngọ 2014 này, tôi vừa tròn một hoa giáp, tức đúng 60. Để kỷ niệm cái mốc đáng nhớ trong đời của mình nên tôi chọn 60 bài, mỗi bài 4 câu, gồm ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, lục bát, tự do rồi đặt tên là “Đoản khúc 60” mà không dám ghi là “Tứ tuyệt 60”, bởi “Tứ tuyệt” mang nhiều nội hàm nghĩa với những yêu cầu đặc trưng nghiêm ngặt của thể loại, mà những vần vè do tôi viết ra được chọn trong tập này lại chưa đáp ứng được, vì thế mới tạm gọi là “Đoản khúc”. Những bài ngắn trong tập này được chọn rải rác qua thời gian hơn 40 năm, từ năm 1972 đến năm 2014, với mong muốn lưu dấu một chặng đường dài từ lúc tuổi thanh niên cho đến khi tóc đã hoa râm bước vào Tiểu thọ.

Thú thật với Quý vị, với thơ, tôi vốn vụng về, lại không có khả năng sáng tác nhưng tôi mắc phải cái bệnh yêu thơ, thích thơ, hay đọc thơ, vì thế mỗi khi có nhã hứng, lấy giấy bút nguệch ngoạc ghi lại vài ba câu ít nhiều có vần có điệu để bộc bạch nỗi niềm của mình và tạm gọi đó là thơ. Những vần vè đó được viết ra để tự mình đọc chơi, cũng có thể đọc cho bạn bè nghe trong những lúc trà dư tửu hậu, chứ rất hiếm khi cho đăng lên báo. Những bài đó dài có ngắn có, chữ Hán và Quốc ngữ, đủ các thể thơ: lục bát, tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt Đường luật, bát cú Đường luật, tự do, v.v.. có đến khoảng trên 150 bài. Ở đây, tôi chỉ chọn thơ 4 câu (Tứ cú) nhưng không dám gọi là ‘Tứ tuyệt’, như trên có nêu.

Theo tôi, thơ trước hết là cốt ở tấm lòng, ở tình cảm, cảm xúc chân chật, giản dị mà ý nhị. Mà cảm xúc thơ phải xuất phát từ sự rung động của người sáng tác trước hiện thực muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống. Người làm thơ cần có tấm lòng thiết tha với cuộc đời: tình thơtình đời. Có cảm xúc, có rung động chưa đủ mà còn cần phải có nhu cầu ghi chép những cảm xúc ấy trên trang giấy theo quy tắc tổ chức của ngôn ngữ thơ thì mới có thể có thơ, mới thành thơ. Nói cách khác, có rung động thì ngòi bút mới “tuôn chảy” và hiện thực cuộc sống mới “hiện muôn hình”, chữ nghĩa mới “nhảy múa” trên trang viết. Vì thế, thơ là tiếng lòng, là tiếng nói tình cảm đầy ý nhị. Chỉ có thơ mới có thể giãi bày cõi lòng mình và dễ đi sâu vào lòng người.

Trong lời Tựa Việt âm thi tập, một bộ tuyển tập thơ đầu tiên của nước ta, viết năm 1433, cụ Phan Phu Tiên đã phát biểu: “Tâm hữu sở chi tất hình ư ngôn. Cố, thi dĩ ngôn chí dã.” (Trong lòng có điều gì tất thể hiện ra lời nói. Cho nên, thơ là để nói chí vậy), mà cái “chí” ở đây, theo tôi, cũng là cái “tâm”, là tấm lòng, tình cảm, cảm xúc của người làm thơ trước hiện thực cuộc sống. Có như thế, thơ mới hoàn thành sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của mình và giúp người đọc rung động như chính tác giả đã từng rung động thông qua những hình tượng thẩm mỹ. Nhờ thế, thơ mới để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng người đọc.

Về những điều cấm kỵ trong phép làm thơ, cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã đúc kết ba điều: “ý kỵ nông, mạch kỵ lộ, thi vị kỵ đoản” (ý thơ không được cạn, mạch thơ không để lộ và hơi thơ không bị ngắn). Các cụ còn dạy: “Thơ cần ít lời nhiều ý, ý tại ngôn ngoại”.

Vẫn biết những lời dạy trên của các Bậc Tiền Nhân là hoàn toàn đúng, có thể nói là chân lý, nhưng thực hiện lời dạy đó đến đâu, như thế nào, đạt đến mức độ nào là tuỳ thuộc vào người cầm bút, mà với tôi chắc chắn là tôi chưa thực hiện được yêu cầu lời dạy trên.

Sáu mươi bài ngắn trong tập này là tình cảm, nghĩ suy, cảm xúc thật lòng của mình, dù có thể chưa đạt, chưa hay, chưa phải là thơ, tức chưa được ‘Nhã’ nhưng đó chính là tấm lòng, là cảm xúc chân thật. Đó là ‘Tín’. Và cũng chính là “Của tin gọi một chút này làm ghi” như Đại Thi hào Tố Như từng viết trong Đoạn trường tân thanh.

Xin có mấy lời thưa cùng Quý vị thân hữu gần xa.

Sài Gòn, giữa xuân Giáp Ngọ, tháng 2 – 2014

 

Giới thiệu một số bài trong tập thơ “Đoản khúc sáu mươi”:

1. 春曉

黃梅鋪一朵,

蝴蝶哂花飛.

東方紅日出,

春到誰人知?

       己未春

Phiên âm

Xuân hiu

Hoàng mai phô nhất đoá,

Hồ điệp sấn hoa phi.

Đông phương hồng nhật xuất,

Xuân đáo thuỳ nhân tri?

                       Kỷ Mùi xuân, 1979

Dịch thơ

Buổi sớm mùa xuân

Mai vàng một đoá khoe tươi,

Vài con bướm lượn mỉm cười với bông.

Trời hồng ló dạng phương đông,

Mùa xuân đã đến, biết không hỡi người?

         Xuân Kỷ Mùi, 1979

2. 感懷

吾身歲已知天命,

事業功名不達成.

專論文章數十卷,

丹心一片照彬彬.     

                     甲申年

Phiên âm

Cảm hoài

Ngô thân tuế dĩ tri thiên mệnh,

Sự nghiệp công danh bất đạt thành.

Chuyên luận văn chương sổ thập quyển,

Đan tâm nhất phiến chiếu bân bân.

                                             Giáp Thân 2004

Dịch thơ

Cảm hoài

Nay ta tuổi đã biết mệnh trời,

Sự nghiệp công danh còn xa vời.

Chuyên luận văn chương vài mươi cuốn,

Lòng son một tấm rạng rỡ đời.

                                                 Giáp Thân 2004

3. 述懷

今年臥病更愴悲,

白髮瀟瀟不自知.

幸遇相逢千杯少,

東風瑟瑟一暮吹.

                       丙戌年

Phiên âm

Thuật hoài

Kim niên ngoạ bệnh cánh thương bi,

Bạch phát tiêu tiêu bất tự tri.

Hạnh ngộ tương phùng, thiên bôi thiểu,

Đông phong sắt sắt, nhất mộ xuy.

                                                 Bính Tuất 2006

Dịch thơ

Tỏ lòng

Năm nay nằm bệnh lại buồn thương,

Tóc bạc bơ phờ, chẳng biết đường.

Mừng gặp gỡ nhau, ngàn ly ít,

Vào buổi chiều xuân gió vấn vương.

                                                 Bính Tuất 2006

4. Khát vọng

Nằm nghe gió núi mây ngàn,

Đất trời thinh lặng, chim đàn ngừng bay.

Người về: hội gió cùng mây,

Quét phăng đi những bùn lầy thế nhân!

                                                   1972

5. Vào hè

Đêm nằm ngắm đếm sao rơi,

Không gian vần vũ, bầu trời đảo điên...

Giật mình trở giấc triền miên,

Vẳng nghe đâu đó tiếng quyên não nề.

                                            Hè, 1972

6. Chiều Nha Trang

Tịch dương hắt xuống biển xanh

Nhấp nhô sóng trắng bên gành liêu xiêu.

Nha Trang còn chút nắng chiều,

Thắp lên để tiễn người yêu đi về.

                                               2000

7. Tương cảm

Trời mưa mọi việc trễ tràng,

Nhờ mưa, mới biết rằng nàng cô đơn.

Trong mưa, mộng mị chập chờn,

Giật mình trở giấc, ta hơn gì nàng?

Một sáng sớm tháng 4/2006 -

Nha Trang và Sài Gòn đều mưa.

8. Về quê

Bước đi trên phố quê hương

Miên man ký ức vấn vương một thời

Hoa bằng lăng nở giữa đời,

Mà sao tím cả góc trời Nha Trang!

                                                                2006

9. Liên tưởng

Ô kìa! một chiếc lá vàng

Quấn quanh theo làn gió nhẹ

Kiếp người trong cõi lang thang

Bồng bềnh về đâu như lá ?

                                        26.9.2011

10. Xuân sớm

Mai vàng nhà ai khoe sắc,

Đón xuân giữa buổi đông về,

Trong tiết đất trời se lạnh?

Mới hay xuân đã cận kề!

                               Đầu tháng 12.2011

11. Đêm ở quê

Bao năm rồi, đêm quê, nay ở lại,

Khu vườn xưa, giếng nước, vẫn còn đây,

Bên sân hoa, thềm nhà, trăng giãi sáng,

Tuổi thơ ơi, ký ức đã đong đầy!

                        Hai mươi tháng Chạp Tân Mão (2011)

12. Mai chiếu thủy

Sắc trắng tỏa hương ngọt dịu,

Lung linh đáy nước soi mình.

Hoa không có ý lưu dấu,

Nước chẳng muốn giữ bóng hình1.

                                             Tết Nhâm Thìn 2012

 



[1] Có bản chép: Đêm nghe tiếng ếch bên tai; lại có bản chép: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai.

1     Tư tưởng của Kinh Hoa Nghiêm: “phi hữu phi không, diệc hữu diệc không” (chẳng phải có mà chẳng phải không, cũng có mà cũng không).