Điều thiện và cái đẹp trong hai tác phẩm dành cho thiếu niên (*)

          Từ góc nhìn về mối quan hệ giữa văn học và đạo đức, chúng ta càng thấy tầm quan trọng của việc hướng văn học đến với thế hệ trẻ, nhất là với lứa tuổi thiếu niên mà tâm hồn chưa qua nhiều trải nghiệm, nên chưa bị vướng nhiễm bụi bặm của đời sống xô bồ, hỗn tạp chung quanh. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn, nhà giáo Cao Huy Thuần dành cuốn sách mới nhất của mình để viết những “chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh” với nhan đề Nhật ký Sen Trắng. Qua 17 câu chuyện ngụ ngôn minh họa cho 13 chủ đề, tác giả chủ ý truyền cho bạn đọc thiếu niên những tình cảm đạo đức tự nhiên như tình thương yêu, sự khiêm tốn, lòng biết ơn, đức hy sinh… và thái độ đúng đắn đối với bệnh vô cảm, thói ích kỷ, đố kỵ…

 

          Nhật ký Sen Trắng kết hợp ngôn ngữ chính luận pha chất giọng tình cảm với ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng với triết lý, dễ tìm sự đồng cảm của lứa tuổi trăng tròn đang còn bỡ ngỡ trước cuộc đời. Tinh hoa văn hóa Phật giáo được tác giả vận dụng nhuần nhị để soi chiếu vào thực trạng đời sống và tìm lời giải đáp cho những vấn đề bức xúc của xã hội như sự xúc xiểm, thói bội bạc, ước muốn trả thù…; từ đó khuyến khích lời nói hòa ái, lòng khoan dung, sự bền chí… Cấu trúc cuốn sách độc đáo, đa dạng nhờ kết hợp việc phân tích những văn bản có nội dung đạo lý với cuộc thảo luận của một nhóm trẻ tuổi 15 về những chủ đề thiết thực, gần gũi với lứa tuổi, được sự hướng dẫn của một người chị có kinh nghiệm, trong tinh thần cởi mở, thân thiện, nhẹ nhàng, không áp đặt, nên dễ có sức thuyết phục. Hình thức tự sự của cuốn sách đan kết với những câu chuyện tiền thân của Đức Phật, với những trang nhật ký, những lá thư, những đoạn văn đối thoại kéo người đọc về với thực tại.

           Thiết nghĩ, những người biên soạn sách giáo khoa đạo đức, văn học và giáo dục công dân cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở có thể tham khảo Nhật ký Sen Trắng về cách viết và cách dạy phù hợp với tâm lý tuổi thiếu niên, từng bước khắc phục lối truyền đạt khô khan, công thức và xơ cứng lâu nay.

            Cùng xuất hiện trong năm 2014, nếu cuốn sách của Cao Huy Thuần không giấu giếm mục đích giáo dục đạo đức của mình thì cuốn sách của Lê Văn Nghĩa lại ẩn chứa những bài học luân lý đằng sau câu chuyện sinh động về một nhóm trẻ thơ ở Sài Gòn thời chiến tranh. Với nhan đề khá dài: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, cuốn sách kể chuyện học, chuyện chơi, những sinh hoạt gia đình, học đường, hè phố, qua đó bày tỏ những tình cảm bình dị mà thấm sâu vào lòng người. Hai năm trước, cũng trong khuynh hướng đó, nhà văn Lê Văn Nghĩa cho xuất bản Mùa hè năm Pétrus, một cuốn sách viết về sinh hoạt nhà trường ở miền Nam.

           Thật ra, thế giới học đường và cuộc sống trẻ em đô thị thời chiến đã từng được đề cập đây đó trong văn học sau 1975, nhưng phải thừa nhận Lê Văn Nghĩa là người đầu tiên tái hiện một cách đậm đặc và đầy chi tiết sống thực trong văn xuôi, với tư cách người trong cuộc. Điều thú vị là tác giả không hề có chủ ý giáo huấn ai, nhưng cả hai cuốn truyện của ông khiến người đọc phải suy nghĩ về cách sống ở đời, cách ứng xử trong tình bạn, tình thầy trò, tình người phố thị. Tác giả không nhằm đưa “chú chiếu bóng” và “nhà ảo thuật” ra để ngợi ca, cũng không nhằm đưa “tay đánh bài” ra để đả kích, mà chỉ muốn làm hiện lại những mẫu người có thật một thời ở Sài Gòn. “Tụi con nít” xóm Ba-ra-dô quận 6 giao tiếp với cuộc đời qua những việc làm, lời nói của người khác và tìm thấy những bài học luân lý về cách làm người từ những tấm gương sáng và những tấm gương mờ ấy. Như “chú chiếu bóng” không nói gì cao sâu với thằng Minh hơn điều giản dị: “Dầu hèn cũng thể chứ mậy!”, hiểu như “giấy rách phải giữ lấy lề”. Ông thầy ảo thuật cũng không lên lớp thằng Ti điều gì nặng nề hơn câu nói: “Mầy với ổng cũng như là đồng nghiệp rồi, tại sao mầy lại phá nghề của ổng. Làm như vậy là đâu có nghĩa khí nghề nghiệp gì. Đời người sống phải có cái tình chứ mậy”. Còn thằng Chim lỡ sa ngã vào trò đỏ đen vì tay đánh bài rủ rê, tìm thấy điểm tựa mà đứng dậy từ tình cảm vô tư của nhóm bạn tuổi 12. Cuộc đời đầy cạm bẫy mà vẫn có người tốt, xã hội bon chen nhưng vẫn nhiều nét đẹp. Tuổi thơ ngỗ nghịch nhưng tâm hồn trong vắt tình nghĩa con người. Lê Văn Nghĩa viết văn rất hoạt, đối thoại như đưa thẳng từ đời sống vào trang sách, hình ảnh con người và tình người đọng lại trong văn.

             Kết nối hài hòa điều thiện với vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của ngôn ngữ, hai cuốn sách mới xuất bản trong năm 2014 của Cao Huy Thuần và Lê Văn Nghĩa là hai cách trả lời về bài học làm người giữa muôn người. Hướng ngòi bút đến những độc giả nhỏ tuổi sẽ là chủ nhân của đất nước trong thế kỷ 21, hai nhà văn cùng mời gọi sự chia sẻ của người lớn, với hy vọng lấp dần hố sâu ngăn cách trong kỷ niệm văn học giữa các thế hệ. Đề nghị ban giám khảo các giải thưởng văn học thiếu nhi, giải thưởng sách hay xem xét trao giải cho hai tác phẩm này. Mong có nhiều em thiếu nhi, các bậc phụ huynh, quý thầy cô giáo đọc hai tác phẩm mới này và trao đổi về cách thể hiện của các nhà văn trong ý hướng đưa văn học đến với độc giả trẻ, không phải như những bài giảng đạo đức thuần lý, mà như tiếng nói nghệ thuật tự nhiên của cuộc sống, từ đó “hộ sản” cho chất người trong con người được phát huy n

              (Trích tham luận Đọc văn để làm người trong Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”, do Hội đồng Lý Luận - Phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TPHCM trong hai ngày 11, 12-11. Tựa bài do Báo SGGP đặt.)

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng, http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2014/11/368433/

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website