Ðôi dòng cảm nhận về “Một góc nhìn về văn hóa biển”

            Trong tháng 10/2014, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi đã cho ra mắt bạn đọc quyển sách Một góc nhìn về văn hóa biển dày 375 trang, gồm 19 bài nghiên cứu, do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Quyển sách đã nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu văn hóa cả nước. Sách in bìa khá đẹp, nhìn kĩ thì rất dung dị như chính tác giả của nó. Nổi bật nhất là ảnh mô hình chiếc ghe bầu-một phương tiện giao thông, chuyên chở hàng hóa từ miền Trung vào miền Nam và ngược lại. Ghe bầu đã góp phần làm nên tên tuổi của Nguyễn Thanh Lợi trong giới nghiên cứu và giờ đây, tôi mạn phép nghĩ rằng, nó như một biểu tượng để tiếp tục chuyển tải những tri thức về văn hóa biển đến người đọc, nhưng trân trọng hơn đó là tình cảm cũng như lòng say mê khoa học và có cả những giọt mồ hôi, công sức tận tụy của anh trong nhiều năm qua đọng lại từng trang sách. Vì vậy, Một góc nhìn về văn hóa biển đối với  tôi và những bạn bè khác của anh là rất quí và thật có ý nghĩa.

            Đây là công trình này có giá trị trong bối cảnh việc nghiên cứu về biển đảo nước ta hiện đang thu hút được quan tâm ở nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau trong và ngoài nước. Bạn đọc khi có trong tay quyển sách này, không thể không chia sẻ với những tâm huyết của tác giả về đứa con tinh thần của mình:”Biển Việt Nam từ trong cội nguồn lịch sử đã gắn bó với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc. Những con đường giao thương trên biển đã hình thành từ rất lâu, chuyển tải cùng với nó là sự giao lưu của những nền văn hóa trong khu vực. Tâm lý hướng biển của người Việt luôn thể hiện qua những khát vọng bám biển, khai thác những nguồn lợi từ biển. Vè Các lái-hải trình dân gian của dân buôn ghe bầu như một dạng“bách khoa thư hàng hải”, qua đó đất nước được nhìn ngắm từ biển cả với tất cả sự lạc quan. Hay như tục thờ cá Ông của cư dân ven biển đã thể hiện một ứng xử nhân văn giữa con người với thiên nhiên, với thần linh. Tất cả những di sản đó vẫn chờ đợi sự khám phá không ngừng”. Đọc những dòng này, tôi bất chợt nhớ lại lời nhắn nhủ của nhà dân tộc học Từ Chi ở thế kỉ trước: “Biển là vùng môi trường mới mẻ, mới mẻ đối với sự khai phá của con người và mới mẻ cả trên lĩnh vực nghiên cứu. Chúng ta cần gia công thêm”[1]. Vì vậy, Nguyễn Thanh Lợi đã bước vào nghiên cứu văn hóa biển bằng cả niềm đam mê với một quá trình 20 năm để có được cuốn sách này. Những chuyến đi điền dã của anh từ Nam Trung Bộ như Hội An, Lý Sơn, Khánh Hòa, Phan Thiết cho đến Nam Bộ như Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Rạch Giá, Kiên Hải, Phú Quốc...để tiếp tục “gia công thêm” cho lĩnh vực này bằng những trang viết khỏe khoắn, đầy ắp tri thức khoa học.

            Một thế mạnh của Nguyễn Thanh Lợi là việc khảo cứu công phu, cần mẫn các tư liệu liên quan. Các bài viết trong quyển sách Một góc nhìn về văn hóa biển cũng không nằm ngoài điều đó. Nhờ vậy, chúng ta có thể biết được khá chi tiết sự kiện bão năm Thìn (1904) cách đây hơn một thế kỉ qua bài Bão năm Thìn (1904), tường tận địa danh Vũng Tàu với bài Địa danh Vũng Tàu, nắm được quá trình hình thành và phát triển của cảng Sài Gòn qua Cảng Sài Gòn xưa và nay, hiểu biết nghề làm muối truyền thống của cư dân ven biển nước ta với bài Muối việt xưa và nay, biết rõ về ghe bầu qua bài Ghe bầu miền Trung,…Nhưng với tôi, điều thích thú nhất là thông qua tư liệu, mà chắc phải mất nhiều công sưu tầm và khảo cứu, tác giả đã góp phần giới thiệu về nét đẹp và nguồn tài nguyên biển Việt Nam qua những bài viết hay và có giá trị: Bài ca về các cửa biển, Huyện đảo Phú Quý, Hải đảo ở vùng biển Tây Nam, Hải đăng Việt Nam xưa và nay.

             Nguyễn Thanh Lợi rất có “duyên” trong lĩnh vực nghiên cứu tín ngưỡng, phong tục của ngư dân ven biển nước ta, cụ thể là từ miền Trung trở vào. Trong bức tranh văn hóa biển Việt Nam, vấn đề tín ngưỡng, phong tục như những gam màu sống động và nổi bật hơn hẳn với tính huyền bí, kì ảo và hấp dẫn. Cho nên, ở quyển sách này, tác giả có nhiều bài viết hay và công phu về chủ đề này. Muốn hiểu về việc thờ cúng của ngư dân từ miền Trung trở vào thì không thể không đọc Tục thờ cá Ông ở Việt Nam, Tục thờ cô hồn biển ở Nam Trung Bộ, Tín ngưỡng thờ bà Thủy Long ở miền Trung, Tín ngưỡng dân gian miền biển Khánh Hòa, Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Nam Bộ. Nói vậy để thấy rằng với tác phẩm này, tác giả đã để lại dấu ấn của mình trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa biển ở nước ta.

 Nguyễn Thanh Lợi đến với khoa học bằng một niềm đam mê lạ lùng, sự tận tụy trong nghiên cứu. Một góc nhìn về văn hóa biển thể hiện niềm đam mê, sự cần cù, vừa là tấm lòng yêu văn hóa biển của tác giả, như một món quà tặng để gửi đến bạn đọc gần xa. Còn với tôi thì xin được chia vui cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi. Nhưng có lẽ không thể nào quên dòng tâm tình này của anh ở cuối quyển sách: ”Một dân tộc muốn đi đến tương lai một cách vững chắc phải biết lưu giữ những kí ức tốt đẹp, nhất là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa biển, vốn là “thế yếu” của chúng ta lâu nay[2].

 

                                                 (Nguồn Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 214)



[1] Nguyễn Từ Chi (2003), Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc-Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr. 655.

[2] Nguyễn Thanh Lợi (2014), Một góc nhìn về văn hóa biển, Nxb TP Hồ Chí Minh, tr.373. 

Danh mục website