Hội thảo thông báo khoa học Ngữ văn 2014: thiết thực và nhiều gợi mở

Ngày 12/12/2014, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo Thông báo khoa học Ngữ văn 2014. Hội thảo thông báo khoa học Ngữ văn được xem là hoạt động thường niên của Khoa, nhằm tập hợp những bài nghiên cứu, cũng như tạo không gian mở cho việc trao đổi những vấn đề liên quan đến khoa học Ngữ văn. Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà nghiên cứu, các học giả từ nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu trong cả nước như: Viện Văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP.HCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Đại học Sài Gòn, Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Khoa học Huế, Đại học Đà Lạt, Đại học Phú Yên, Đại học An Giang, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Trà Vinh, Đại học Đồng Tháp, CĐSP Kiên Giang …

            Hội thảo làm việc theo các tiểu ban; có 6 tiểu ban, bao gồm: Văn học Việt Nam; Văn học nước ngoài, Văn học so sánh và Nghệ thuật học; Lý luận và phê bình văn học, Văn hóa dân gian; Hán Nôm; Ngôn ngữ học.

            1. Tiểu ban Văn học Việt Nam (Trưởng tiểu ban: PGS.TS. Võ Văn Nhơn, Đồng Trưởng tiểu ban: PGS.TS. Đoàn Trọng Huy, Thư ký: ThS. Nguyễn Thị Phương Thuý).

Hình 1: Chủ tọa Tiểu ban Văn học Việt Nam (nguồn: P.QLKH-DA)

            Tiểu ban nhận được 23 báo cáo, 7 báo cáo được trình bày. Các báo cáo phong phú, đa dạng về đề tài: có văn học trung đại, có văn học dịch, có đề tài về văn hóa tâm linh,…

            Phần thảo luận khá sôi nổi, tập trung vào các báo cáo thuộc giai đoạn hiện đại, chẳng hạn như “Cái chết trong sáng tác của Nam Cao” của NCS. Kiều Thanh Uyên, “Đá và những nguồn cảm hứng trong văn học Việt Nam” của TS. Trần Thị Mai Nhân),…

2. Tiểu ban Văn học nước ngoài, Văn học so sánh và Nghệ thuật học (Trưởng tiểu ban: PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Đồng Trưởng tiểu ban: PGS.TS. Trần Thị Phương Phương, Thư ký: ThS. Ngô Trà Mi).

 

Hình 2: Chủ tọa Tiểu ban Văn học nước ngoài, Văn học so sánh và

Nghệ thuật học.

            Tiểu ban nhận được 23 báo cáo, 9 báo cáo được trình bày trong hai phiên làm việc sáng - chiều (8h00-12h00; 14h00-16h30). Các báo cáo tập trung chủ yếu vào tác giả, tác phẩm, hình tượng văn học của văn học các nước Trung  Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; văn học Mỹ cũng được khai thác dưới nhiều chiều kích khác nhau,…

            Các báo cáo nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi của các cử tọa như: “Nghiên cứu và giảng dạy Edgar Allan Poe ở Việt Nam” của TS. Hoàng Kim Oanh (Đại học Sài Gòn), “Những trình diễn ma thuật trong Mắt biếc của Tony Morison” của PGS.TS Đào Ngọc Chương (Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM), “Vấn đề tác giả trong phim cải biên” của ThS. Đào Lê Na (Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM),…

Hình 3: Tiểu ban Văn học nước ngoài, Văn học so sánh và

Nghệ thuật học chụp hình lưu niệm.

3. Tiểu ban Lý luận và phê bình văn học (Trưởng tiểu ban: PGS.TS. Đoàn Lê Giang; Đồng Trưởng tiểu ban: PGS.TS. Nguyễn Thành Thi, GS.TS. Huỳnh Như Phương; Thư ký: GV. Trần Phượng Linh)

            Tiểu ban nhận được 15 báo cáo, có 9 báo cáo được trình bày. Các báo cáo của tiểu ban đều phân bố đồng đều trên các vùng văn học và có sự hòa trộn giữa các yếu tố Đông – Tây, giữa lý luận với thực tiễn.

Phần thảo luận sôi nổi, trên tinh thần trao đổi nhẹ nhàng, thiết thực. Lịch làm việc của tiểu ban kéo dài từ phiên thứ hai (10h30-11h45) và phiên cuối (14h00-16h50). Các báo cáo nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, như: “Từ phê bình giáo khoa, nghĩ về việc giảng dạy văn học trong nhà trường ở Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân (Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM), “Mỹ học của thiền sư Saigyo qua con mắt của Kawabata Yasunari” của TS. Nguyễn Lương Hải Khôi (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), “Đào Uyên Minh trong thi luận Việt Nam” của ThS. Lưu Hồng Sơn (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ),…

            Hội thảo phần nào gạt bỏ sự hoài nghi lý thuyết để vận dụng nó một cách hiệu quả, đồng thời tránh cả sự ảo tưởng, lạm dụng.

4. Tiểu ban Văn hóa dân gian (Trưởng tiểu ban: PGS.Chu Xuân Diên, Đồng Trưởng tiểu ban: TS. Nguyễn Huy Bỉnh, Thư ký: TS. La Mai Thi Gia).

Hình 4: Tiểu ban Văn hóa dân gian làm việc (nguồn: P.QLKH-DA).

            Tiểu ban nhận được 13 báo cáo, 5 báo cáo được trình bày. Các báo cáo đã đề cập đến một số vấn đề như: tiếp cận văn hóa và văn học, tiếp cận bối cảnh từ đó xác định tính hiện thực trong tác phẩm, tiếp cận phân tâm học trong văn học dân gian, vấn đề xác định thể loại tác phẩm, những thành tố tạo nên thi pháp thể loại như vấn đề motif,…

            Hội thảo còn ít người tham dự  nhưng các vấn đề được đưa ra hấp dẫn và tạo được tranh luận, trao đổi sôi nổi, gợi mở. Các báo cáo nhận được nhiều sự quan tâm, như: “Quá trình chuyển hóa từ nhiên thần đến nhân thần và vấn đề truyền thuyết hóa thần thoại” của TS. Nguyễn Huy Bỉnh (Viện Văn học), “Tính phổ biến và tính đặc thù của loại truyện nói trạng trong văn học dân gian Việt Nam qua trường hợp truyện Ba Phi”  của ThS. Huỳnh Vũ Lam (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai – Sóc Trăng), “Nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh” của ThS. Lê Thị Thanh Vy (Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM),…

            5. Tiểu ban Ngôn ngữ học (Trưởng tiểu ban: PGS.TS. Nguyễn Công Đức, Đồng Trưởng tiểu ban: TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Thư ký: ThS. Dương Thị My Sa).

Hình 5: TS. Nguyễn Hoàng Trung trình bày báo cáo.

            Tiểu ban nhận được 16 báo cáo, 7 báo cáo được trình bày. Nội dung các báo cáo tập trung vào một số vấn đề về: địa danh học, ngữ nghĩa – ngữ pháp, vấn đề thụ đắc ngôn ngữ, ngôn ngữ học tri nhận, vấn đề ẩn dụ từ vựng, lỗi cú pháp của học sinh Khmer,…

            Phần thảo luận của hội thảo rất sôi nổi, đặc biệt là những chia sẻ của một số HVCH trong buổi đầu tham gia vào việc nghiên cứu. Tất cả các tham luận đều nhận được sự quan tâm, trao đổi của cử tọa, nổi bật có: “Các loại ẩn dụ từ vựng trong các trường từ vựng chỉ con người , bộ phận cơ thể người, động vật, thực vật tiếng Việt” của TS. Nguyễn Hữu Chương (ĐHKHXH&NV TP.HCM), “Cấu trúc ngữ nghĩa của danh ngữ và giá trị thể của sự tình” của TS. Nguyễn Hoàng Trung (ĐHKHXH&NV TP.HCM),“Lỗi cú pháp của học sinh Khmer tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh An Giang và hướng khắc phục” của HVCH. Trương Chí Hùng (Đại học An Giang),...

6. Tiểu ban Hán Nôm (Trưởng tiểu ban: TS. Lê Quang Trường, Đồng Trưởng tiểu ban: ThS. Lê Cảnh Vững; Thư ký: ThS. Nguyễn Đông Triều).

Hình 6: Tiểu ban Hán Nôm chụp hình lưu niệm.

            Tiểu ban Hán Nôm nhận được 20 báo cáo, 9 báo cáo được trình bày. Các báo cáo trình bày nhiều nội dung phong phú và bổ ích. Khái quát diện mạo tư liệu HN ở các địa phương, mở ra triển vọng nghiên cứu rất lớn. Các bài viết đều có giá trị cao về mặt tư liệu và nghiên cứu; nhận được nhiều sự quan tâm như là: “Tư liệu Hán Nôm của người Hoa tại Nam bộ” của ThS. Lê Thị Vĩ Phượng (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), “Giới thiệu về văn bản hành chánh tại Nam Bộ” của TS. Huỳnh Vĩnh phúc (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), “Tư liệu HN ở Thừa Thiên-Huế” của ThS. Lê Cảnh Vững (Đại học Khoa học Huế),…

            Tiểu ban cũng đã thông qua một số vấn đề cần quan tâm, nghiên cứu sâu sắc hơn nữa như: nghiên cứu văn học Hán Nôm Nam Bộ, thơ văn Phan Thanh Giản; phiên dịch, nghiên cứu tư liệu Hán Nôm theo từng loại riêng,…

            Có thể nói, Hội thảo thông báo khoa học Ngữ văn 2014 của Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các phiên báo cáo thực sự thiết thực và đạt hiệu quả trong việc truyền tải những vấn đề chuyên môn, đồng thời là dịp để các nhà nghiên cứu ở nhiều Trường, Viện khắp cả nước được chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ của mình đối với vấn đề chuyên môn hay đối với cả chặng đường làm nghiên cứu.

            Qua đây, Ban tổ chức Hội thảo rất mong được gặp lại các nhà nghiên cứu, các học giả,…trong những sinh hoạt học thuật sắp tới để có thể cùng trao đổi, chia sẻ, tranh luận về những vấn đề khoa học Ngữ văn./.             

 

Danh mục website