Hội thảo “Nghệ thuật âm nhạc Phương Đông: Bản sắc và giá trị”

Âm nhạc phương Đông là một kho tàng lâu đời, phong phú và hết sức quý giá. Kho báu ấy đã góp phần tạo nên “Phương Đông huyền bí” trong nền văn minh của nhân loại.

Sáng ngày 18/12/2014, tại hội trường D, ĐHKHXH&NV – ĐHQG-HCM, đã diễn ra hội thảo “Nghệ thuật âm nhạc Phương Đông: Bản sắc và giá trị” do phòng QLKH-DA; Bộ môn Nghệ thuật học – Khoa Văn học và Ngôn ngữ - ĐHKHXH&NV; Trường TED Saigon School of Art; Đại học Trà Vinh; Hội Hữu nghị Việt Nam – ASEAN cùng phối hợp tổ chức dưới sự tài trợ của Công ty MAC, Trường TED SAIGON, Công ty Topcake, Công ty TNHH Ong Xuân Nguyên, Công ty TNHH Sài Gòn Chiến Thắng.


TS. Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc

Đến dự hội thảo có Ngài Tổng lãnh sự nước CHCDND Lào tại TP.HCM; Bà Desy Nurmala Devi – Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia tại TP.HCM, Ông Huỳnh Minh Hiển – Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM; PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – ASEAN; PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm – Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM; TS. Trương Nguyễn Ánh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật – TP.HCM; TS. Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc trường Trường TED Saigon School of Art; TS. Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Khmer, Đại học Trà Vinh; các đại biểu từ Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang, đại diện Công ty MAC, Công ty Topcake, Công ty TNHH Sài Gòn Chiến Thắng v.v...

Hội thảo đón nhận nhiều đại biểu đến tham dự.
Phía Nhà trường có TS. Ngô Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Ngọc Thơ – Trưởng phòng QLKH-DA; PGS.TS. Lê Giang, TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, PGS.TS. Trần Thị Phương Phương, TS. Trần Lê Hoa Tranh - Khoa VH&NN; PGS.TS. Đặng Văn Thắng – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử - Văn hoá trường ĐHKHXH&NV; PGS.TS. Phan Thị Yến Tuyết – Khoa Việt Nam học; TS. Hồ Minh Quang – Trưởng khoa Đông phương học; TS. Nguyễn Đình Phức – Trưởng Khoa Ngữ văn Trung Quốc, TS. Nguyễn Thị Kim Loan – Trưởng phòng CTCT-QLSV, PGS.TS. Nguyễn Công Lý – Phó giám đốc TT NC Tôn giáo; ThS. Trần Thị Kim Anh – Phó trưởng phòng QLKH-DA...

PGS.TS. Lê Giang tặng hoa cho các đơn vị phối hợp và tài trợ cho hội thảo

Hội thảo “Nghệ thuật âm nhạc Phương Đông: Bản sắc và giá trị”, là hội thảo khép lại một năm hoạt động đầy tích cực của trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG-HCM. Âm nhạc phương Đông là một kho tàng lâu đời, phong phú và hết sức quý giá. Kho báu ấy đã góp phần tạo nên “Phương Đông huyền bí” trong nền văn minh của nhân loại. Từ xa xưa các trung tâm văn hoá lớn như Ấn Độ, Trung Hoa, Trung Cận Đông, Đông Nam Á đã có sự giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau về âm nhạc. Tuy nhiên âm nhạc của các dân tộc phương Đông, nhất là âm nhạc của các dân tộc ít người rất dễ bị tổn thương trước trào lưu âm nhạc hiện đại, một trào lưu có tính công nghệ và giải trí rất cao. Ý thức được nhu cầu cần phải tìm hiểu, khẳng định giá trị và góp phần gìn giữ, phát huy vốn âm nhạc phương Đông ấy, chính là lý của hội thảo này. Phát biểu tại tại hội thảo, TS. Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh đến việc “nghiên cứu nghệ thuật âm nhạc Phương Đông trong thời gian tới, nhất là Bộ môn Nghệ thuật học của Khoa VH&NN. Ngoài ra, âm nhạc phương Đông trong đó có âm nhạc người Việt và các dân tộc anh em ở Việt Nam là một kho tàng vô cùng quý báu và phong phú, nó truyền xúc cảm trực tiếp từ người biểu diễn đến người thưởng thức – từ trái tim đến trái tim, truyền từ đời này sang đời khác, được xem như mà “mã di truyền” văn hoá riêng biệt của một dân tộc giữa cộng đồng các dân tộc trên thế giới. Vẻ đẹp huyền bí ấy của phương Đông chính là nhờ tôn giáo – triết học phương Đông, là tâm hồn phương Đông, là văn hoá phương Đông, trong đó vũ đạo và âm nhạc có vai trò hết sức quan trọng”.

Chủ toạ tiểu ban 2 điều hành hội thảo

Từ 2000 năm trở lại đây có nhiều cuộc tiếp xúc rộng lớn, ảnh hưởng sâu sắc của âm nhạc giữa các khu vực văn hoá Phương Đông và giữa các dân tộc trong cùng một khu vực, một quốc gia. Một cây đàn Nguyệt, đàn Tì bà, một cây Nhị hộ (đàn cò) Việt Nam hẳn được du nhập từ Trung Hoa, nhưng phải chăng nguồn gốc của nó từ Trung Cần Đông? Một cây đàn cầm, đàn sắt từ thời cổ đại của Trung Quốc phải chăng đã được tiếp biến ở Nhật Bản để trở thành cây đàn Koto và ở Việt Nam để trở thành cây đàn tranh? Nhưng ở mỗi dân tộc, cây đàn chuyển tải một điệu tâm hồn riêng: đàn sắt thì huyền bí, đàn koto thì trầm buồn, còn đàn tranh thì da diết. Giàn cồng chiêng Tây Nguyên chắc chắn có mối quan hệ anh em với cồng chiêng của các nước Indonesia, Thái Lan, và Ấn Độ? Cái trống cơm của người Chăm có mối liên hệ với trống cơm trong quan họ Bắc Ninh hay có mối liên hệ với trống Nhật với tư cách là nhạc cụ của âm nhạc Lâm Ấp?. Âm nhạc phương Đông – điệu tâm hồn của mỗi dân tộc hiện đang tồn tại thế nào? nó có sống được trong thời đại toàn cầu hoá mà nhạc điện tử công nghệ cao, vũ đạo phương Tây đang lấn át? Làm thế nào để có thể giáo dục đúng hướng âm nhạc trong nhà trường, để cho con em chúng ta bên trong bộ đồng phục một công dân toàn cầu vẫn còn giữ được căn cước tâm hồn của một dân tộc? Chính là những câu hỏi bước đầu được đặt ra và nghiên cứu phục vụ giảng dạy tại bộ môn Nghệ thuật học, Văn hoá dân gian, Văn hoá học, Nhân học trong thời gian tới, đó cũng chính là mong muốn của nhà trường trong việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phục vụ cho công cuộc phát triển văn hoá xã hội của đất nước. Hội thảo nhằm gợi mở một số vấn đề, nhằm trả lời câu hỏi sau:

1/ Âm nhạc phương Đông đã giao lưu và tiếp biến như thế nào giữa các khu vực Đông Á, Trung Cận Đông, Nam Á và Đông Nam Á?
2/ Những thành tựu, giá trị và bản sắc của âm nhạc người Việt có vị trí thế nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam anh em và trong khu vực?
3/Những bản sắc, giá trị và phương hướng bảo tồn âm nhạc của các dân tộc anh em như thế nào?
Nhưng câu hỏi này được gợi mở và giải quyết từng phần trong 43 tham luận được chọn in sách từ 61 bài được các tác giả trên cả nước gửi về. Hội thảo cũng thúc đẩy mối liên kết giữa các nhà khoa học, các nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hoá để chúng ta cùng nhau tiếp tục nghiên cứu và hành động trong tương lai.

TS. Nguyễn Thị Hải Phượng trình bày tham luận

Với phiên buổi sáng, với 17 tham luận được trình bày tại 3 tiểu ban với các nội dung sau:
 
Tiểu ban 1: Âm nhạc phương Đông: giao lưu và tiếp biến: Phần này tập hợp các báo cáo trình bày về quá trình giao lưu và tiếp biến âm nhạc giữa các dân tộc phương Đông với phương Tây, giữa các dân tộc phương Đông với nhau…

Tiểu ban 2: Nghệ thuật âm nhạc của người Việt: Phần này tập hợp các báo cáo nghiên cứu về giá trị, bản sắc âm nhạc của người Việt và các loại hình nghệ thuật của người Việt có liên quan với âm nhạc như: đờn ca tài tử, hát sắc bùa, hò bả trạo, âm nhạc trong nghệ thuật cải lương…

Tiểu ban 3: Nghệ thuật âm nhạc các dân tộc: Phần này tập hợp các báo cáo nghiên cứu về giá trị, bản sắc âm nhạc của các dân tộc phương Đông: Ấn Độ, Philippes… và các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam: Chăm, Khmer, Chơ ro…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Lợi trình bày tham luận

Kết thúc phiên buổi sáng, TS. Ngô Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng đã gửi lời cảm ơn đến Công ty cổ phần Phát triển truyền thông Quảng cáo MAC Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam – ASEAN với tư cách là đơn vị đồng tổ chức, Đại học Trà Vinh, Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật TP.HCM với tư cách là đơn vị phối hợp, đã hỗ trợ và công tác để tổ chức hội thảo. TS. Ngô Thị Phương Lan cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tổng lãnh sự quán Singapor, Lào, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc đã đến tham dự hội thảo, góp phần làm cho tình hữu nghị của các nước được gắn chặt hơn.


Sinh viên trường ĐH Trà Vinh biểu diễn văn nghệ chào mừng hội thảo
Đặc biệt, TS. Ngô Thị Phương Lan đặc biệt gửi lời cảm ơn đến Cty cổ phần Phát triển truyền thông quảng cáo MAC Việt Nam, Trường âm nhạc TED Sài Gòn, Cty cổ phần Mật ông Xuân Nguyên, Cty TNHH liên doanh Topcake, Cty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu – Thương mại – Dịch vụ Sài Gòn chiến thắng đã tài trợ cho hội thảo. Quý vị là đơn vị tiêu biểu tiên phong trong việc đồng hành cùng các hoạt động văn hoá và khoa học, một việc làm mới, hiện đại trong xu hướng thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp tầm cỡ ở các nước tiên tiến.

 
Nguồn: http://qlkh.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=6f5698dc-a0f4-475a-8d0e-60a13123b912

Danh mục website