Hội thảo khoa học: Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa

            Quảng Nam, ngày 12 tháng 3 năm 2015 

THƯ MỜI

Tham luận Hội thảo khoa học

Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa

 

                     Kính gửi: Các giáo sư, nhà nghiên cứu

          các Viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học.                                                  

 

          Thực hiện Chương trình công tác năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình tổ chức Hội thảo khoa học: “Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa”, dự kiến vào tháng 7/2015 tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

          Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam trân trọng kính mời Ông/bà tham gia tham luận Hội thảo. 

          Thời gian đăng ký và gửi tham luận Hội thảo trước ngày 30/ 6 /2015 về địa chỉ Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

          Điện thoại: 0510. 3814142, Fax: 0510.3859879.

          Di động: 0905055052 (ông Tôn Thất Hướng, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VHTTDL Quảng Nam).

          Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam rất mong Ông/bà nhận lời mời tham gia Hội thảo trên.

 

          Trân trọng!                                                                                                 

          Đinh Hài

          Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam         

 

 

 

NỘI DUNG HỘI THẢO KHOA HỌC

HÀ ĐÌNH NGUYỄN THUẬT – DANH NHÂN VĂN HÓA 

 

I. Nội dung chính của hội thảo:

- Các vấn đề về cuộc đời Hà Đình Nguyễn Thuật (thuộc phương diện nghiên cứu sử học).

- Các vấn đề về sự nghiệp trước tác văn học của Hà Đình Nguyễn Thuật với tư cách một tác gia (thuộc phương diện nghiên cứu văn học sử, ngôn ngữ Hán Nôm, tư tưởng giáo dục).

II. Nhóm tham luận:

A. Nhóm thứ nhất: Cuộc đời của Hà Đình Nguyễn Thuật

Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình, sinh năm Nhâm Dần, 1842, trong một gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Thuở nhỏ, ông học tại nhà, sau học tại trường Huấn huyện Thăng Bình và trường Đốc tỉnh Quảng Nam. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), thi đỗ Cử nhân; năm sau, đỗ Phó bảng; được bổ làm Biên tu sung Hàn lâm viện nội các, rồi thăng làm Giáo đạo trường Dưỡng Thiện, dạy các Hoàng tử. Năm Tự Đức thứ 34 (1881), ông làm Tham tá các vụ, lãnh Bộ Hộ thị lang, rồi nhận lệnh làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Đến khi về nước, ông được thăng hàm Tham tri. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), được cử làm Phó sứ, cùng Chánh sứ Phạm Thận Duật sang Thiên Tân (Trung Quốc) bàn việc nước ta ký hòa ước Giáp Tuất (1874) với Pháp, nhưng không thành công về ngoại giao. Trở về nước, lúc này vua Tự Đức mất (tháng 7 năm 1883), ông được vua Kiến Phúc bổ làm Tuần vũ Thanh Hóa (1884), trong năm này, ông được cử làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội. Tháng 5 năm Ất Dậu (1885), quân Pháp đánh chiếm kinh thành Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị ban dụ Cần Vương; ông xin bãi chức vì người thân trong gia đình của ông ở quê có tham gia chống Pháp, nhưng không được triều Đồng Khánh chấp thuận. Sau đó, ông được sung chức Tả trực Tuyên úy, rồi Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lại, Hiệp Biện Đại học sĩ gia hàm Thái tử Thiếu bảo. Năm Đồng Khánh thứ hai (1887), ông được cử làm Tổng đốc Thanh Hóa.Kỳ thi Hội năm này, ông cũng được cử làm Chánh chủ khảo. Năm Thành Thái thứ năm (1893), ông được triệu về kinh nhận hàm Hiệp tá đại học sĩ, tước An Trường tử, lãnh chức Thượng thư bộ Binh, sung Cơ mật viện đại thần. Năm Thành Thái thứ tám (1896), với cương vị Tổng tài Quốc sử quán, Nguyễn Thuật nhận lệnh hiệp cùng Trương Quang Đản soạn cuốn Sử Quán thư mục. Năm Thành Thái thứ mười ba (1901), do bất hòa với Hoàng Cao Khải, và chống đối việc Nguyễn Thân đàn áp cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, nên ông xin về hưu, mở trường dạy học tại quê nhà. Người dân địa phương kính trọng gọi ông là “cụ Thượng Hà Đình”.Sau đó, vua Thành Thái triệu ông vào triều. Đến đời vua Duy Tân, ông lại xin về hưu, tiếp tục dạy học ở quê nhà cho đến khi qua đời năm Tân Hợi (1911), thọ 69 tuổi.

2/ Hà Đình Nguyễn Thuật và những đóng góp trong thời gian làm việc ở triều đình Huế và thời kỳ làm tổng đốc tỉnh Thanh Hóa.

Hà Đình Nguyễn Thuật làm quan đại thần trải qua 8 đời vua, từ Tự Đức đến Duy Tân. Ông là một người đa tài với nhiều lĩnh vực khác nhau, là nhà giáo dục, nhà sử gia, nhà ngoại giao, nhà thơ. Ông từng lãnh nhiều chức vụ quan trọng, kể cả đi sứ sang Trung Quốc, nhưng ông luôn giữ đức tính liêm khiết, lối sống thanh bạch. Suốt đời tận tụy vì dân, vì nước, người đời từ tầng lớp trí thức đến bình dân đều hết sức ca tụng về công đức của ông. Hà Đình Nguyễn Thuật không những được các vua trọng vì tài, nể vì đức, giao những việc quốc gia đại sự mà còn được nhân dân Quảng Nam nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trọng vọng vì tính thanh liêm, yêu thương và gần gũi dân, có khoa bảng mà không kiêu căng, xứng danh là bậc “dân chi phụ mẫu”. Vua Tự Đức từng nhận xét: “Nguyễn Thuật là người tuổi trẻ tân tiến, hiếu học, thông minh, đỉnh ngộ, biết lẽ phải, không a dua theo kẻ khác”; và vua Thành Thái ca ngợi: “Nguyễn Thuật là người khí tượng cao khiết, học thức uyên bác, từng đem ơn ích cao thượng cho kẻ khốn cùng. Ông là một người xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế”.

3/ Giữ gìn và phát huy những đóng góp về văn học, văn hóa, giáo dục của cụ Hà Đình Nguyễn Thuật:

Đề xuất các giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy những đóng góp về mặt văn hóa, văn học của Hà Đình Nguyễn Thuật; phục hồi và công bố các tác phẩm của ông trên lĩnh vực văn học, văn hóa và giáo dục; bảo tồn và khai thác giá trị của các di tích, di sản liên quan đến ông như: Lăng mộ Hà Đình Nguyễn Thuật, Văn Thánh Hà Lam, Đình làng Hà Lam, Nhà thờ tộc Nguyễn ở Hà Lam, Thăng Bình và một số công trình văn hóa liên quan nhằm phát huy truyền thống văn hóa và con người Quảng Nam.

B. Nhóm thứ hai: Sự nghiệp của Hà Đình Nguyễn Thuật.

1/ Trên lĩnh vực văn học: Nhận định, đánh giá về Hà Đình Nguyễn Thuật trên phương diện văn học. Ngoài danh tiếng là một danh thần, một sử gia, nhà giáo dục, nhà ngoại giao, ông còn là một nhà thơ, nhà văn lão luyện với nhiều tác phẩm văn thơ Đường Luật Hán - Nôm trong kho tàng văn học Việt Nam thời trung - cận đại. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương phong phú và đồ sộ, có giá trị.Tác phẩm của Hà Đình Nguyễn Thuật rất đa dạng và phong phú; ngoài hàng trăm bài thơ văn (khoảng 800 bài, kể cả câu đối), còn có một số tranh và thư pháp có giá trị nghệ thuật. Ông là tác giả của nhiều công trình, tác phẩm viết bằng tiếng Hán, như: Hà Đình ứng chế thi sao, gồm 36 bài thơ họa với vua Tự Đức, hoặc làm theo đề do vua nêu ra hoặc thơ họa đáp bạn bè, vịnh sử, vịnh vật, vịnh cảnh, cảm hoài. Ngoài ra, ông còn là tác giả của Hà Đình văn tập, gồm 244 câu đối; Hà Đình văn sao, gồm các bài biểu, luận, tự, bi, trướng; Mỗi hoài ngâm thảo (quyển I và II), gồm khoảng 200 bài thơ được làm từ năm 1881, lúc ông đi sứ sang Trung Quốc lần đầu; Vãng sứ Thiên Tân nhựt ký, ghi lại cuộc hành trình sang Thiên Tân năm 1883; Trung Triều định lệ, viết về các định chế Trung Quốc và Triều Tiên; Khoái thư trích lục (bản chép tay) gồm một số câu đối và các tạp bút về văn chương, nghệ thuật; Hà Đình thi thảo trích sao, gồm khoảng 168 bài thơ xướng họa với các danh sĩ trong và ngoài nước. Phần tác phẩm viết bằng chữ Nôm, ngoài ra ông có 3 bài thơ làm theo thể ca trù.

Bên cạnh những sáng tác trên, theo chỉ dụ, ông còn biên tập hoặc tham gia biên tập nhiều tác phẩm của các vua (như: Lê Thánh Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, v.v...), của các danh sĩ (như: Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Trương Quốc Dụng, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Siêu, Phạm Quý Thích, Vũ Trinh, v.v...) và một số sách khác thuộc văn khố triều đình, như: Sử quán thư mục, Đại Nam danh sơn thắng thủy thi đề tập, Đại Nam cương giới vựng biên, Đại Nam quốc cương vựng biên, Đại Nam Quốc sử tàng thư mục, Tỳ bà quốc âm tân truyện, Thi thảo tạp biên, v.v...

2/ Trên lĩnh vực tư tưởng giáo dục: Nhận định về Hà Đình Nguyễn Thuật trên phương diện là người rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Với cương vị là Giáo thụ Trường Dưỡng Thiện tại kinh đô Huế, ông đã có công dạy dỗ các hoàng tử, công chúa trong triều đình nhà Nguyễn; với cương vị là Tổng đốc Thanh Hóa, ông đã làm tờ tấu gửi triều đình xin mở khoa thi hương tại đây để chọn lựa nhân tài, giảm bớt khó khăn cho sĩ tử khi phải vào kinh để thi cử; ngoài ra, ông là người  làm chánh chủ khảo các kỳ thi Hội (1884 và 1887); lúc về hưu tại quê nhà, ông là nhà giáo tận tụy có công mở mang dân trí, đào tạo nhân tài.

3/ Trên lĩnh vực lịch sử văn hóa: Nhận định về Hà Đình Nguyễn Thuật trên phương diện là người quan tâm đến lĩnh vực lịch sử văn hóa của quê hương. Ông là người vận động, ủng hộ xây dựng Văn Thánh Hà Lam, tôn vinh đạo học, xây dựng các công trình văn hóa ở cho quê hương như: Hà  cácKiều, Đình tiền hiền Hà Lam. Ngoài ra, lúc làm Tổng đốc Thanh Hóa, ông cho khảo sát và khắc minh văn trên bia đá ở các danh lam thắng cảnh nơi ông nhậm chức./.

 

    BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO

 

Danh mục website