Diện mạo văn học Việt Nam Pháp ngữ

Hơn một thế kỷ sau chúng ta tìm về quan sát lịch sử trên bình diện văn chương Pháp ngữ. Chắc chắn đã có những bước chân âm thầm đâu đó khai mở lối “trở về” cho hành trình tìm kiếm quá khứ này.

Chúng tôi bước vào hành trình của mình không phải với tham vọng trình bày toàn bộ bức tranh văn học Pháp ngữ của thế kỷ XX – hơn nữa như phụ đề quyển sách đã xác định, chúng tôi dừng chân ở thời điểm 1975. Công trình nghiên cứu này không gì khác là góp một phần nhỏ vào việc làm sống lại những con người và tác phẩm với những giá trị riêng biệt, nhưng đều nói cho chúng ta về một thế giới phong phú nhưng đầy biến động và căng thẳng, một thế giới đã qua của chúng ta. Tham gia vào một kỷ nguyên lịch sử, chuyển tải một tài nguyên phong phú của ký ức văn hoá và cộng đồng, những con người và tác phẩm ấy chắc chắn sẽ soi sáng và giúp chúng ta định vị mình trong thế giới hiện tại, vì chính họ đã góp phần hình thành nên thế giới đó qua con đường tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Những tác phẩm đó cũng đã có chức năng dự báo, hướng dẫn chúng ta về một sự trung thành với quá khứ, về một sự cần thiết của tinh thần tự do, tinh thần liên đới.

Làm sống lại con người và tác phẩm quá khứ cũng đồng nghĩa với ý muốn phác thảo một ý tưởng, một ý niệm của dòng chảy lịch sử, của một giai đoạn lịch sử văn học của chúng ta – có thể còn nhiều giới hạn và gây tranh cãi. Từ khi người Pháp xâm nhập lãnh địa Việt Nam cho đến khi họ rút khỏi đây – chúng ta gọi đó là tiến trình thuộc địa và giải thuộc địa, đời sống ở Việt Nam đã thay đổi, tinh thần con người cũng tiến bộ, nhiều công trình sáng tác xuất hiện. Những biến đổi ấy, những tiến bộ tinh thần ấy và những sự ra đời ấy của các sản phẩm văn học và nghệ thuật trong đời sống của người Việt, có thể tạo ra những hiện tượng khúc xạ và dẫn đến sự hình thành một mạng lưới những tương quan vô cùng phức tạp để có thể xác định một thiết chế văn học trong suốt. Tính chất phức tạp và sống động ấy có thể xuất hiện trong từng tác phẩm, nhưng chúng tôi quan tâm đến tổng thể hệ thống của đời sống văn học, cũng như chất liệu và khung cảnh ra đời của nó. Từ đó điều chúng ta chờ đợi là chứng kiến những kết quả của những hình thức sinh hoạt tri thức của thời đại, đồng thời đặt vấn đề về bản chất của những hình thức sinh hoạt đó trong việc liên kết chúng với những quan tâm và ưu tư chung của tinh thần con người trí thức thời kỳ thuộc địa. Chính trong những biến động xã hội, trong những đặc ưu của những dòng tư duy khác nhau hướng dẫn thời đại, hay trong cả những khủng hoảng làm đảo lộn trật tự xã hội, mà chúng ta nhận ra sức mạnh sáng tạo của các nhà văn.

Các nhà văn tin tưởng vào một loại ngôn ngữ cho phép những đối thoại được hiện hình và kết nối : đối thoại giữa hiện tại với quá khứ, đối thoại giữa hiện tại với hiện tại và đối thoại giữa hiện tại với tương lại.

Với quá khứ, chúng tôi thấy thời kỳ của sản phẩm văn học này là thời kỳ suy tư về những điều đã diễn ra, ưu tư chuyển tải và khuyếch tán quá khứ, không chỉ trên bình diện quốc gia mà cả trên phạm vi quốc tế : « Học giả Phạm Duy Khiêm góp phần xây dựng Việt ngữ nhưng nhà văn Phạm Duy Khiêm phải tạo uy danh Việt Nam trên văn đàn thế giới[1] ». Đó là các hệ giá trị truyền thống mà Phạm Văn Ký gọi là « Khoa học của cái bề trong ». Đó là những nghi lễ chứa đựng cả một nền thẩm mỹ cổ xưa. Đó là những nền tảng của cộng đồng. Đó là tinh thần của con người quân tử. Tất cả với mục đích hòa nhập vào những giá trị phổ quát của nhân loại. Nhưng kế thừa quá khứ có thể phải chịu trả giá và đánh đổi bằng những hy sinh. Nhà văn phải chết đi ngay trong khi họ tìm kiếm và tạo ra những gắn kết giữa tư duy Việt hay tinh thần Đông phương trong ngôn ngôn ngữ của Molière. Một sự mâu thuẫn nội tại của hoạt động sáng tạo ? Độc giả có thể tìm được lời đáp đâu đó trong những trang sách này.

Chuyển tải tinh thần quá khứ không chỉ hệ tại ở việc tiếp nhận thụ động, nhưng cần làm cho nó trở nên tươi sáng hơn bằng nhiều cách thế khác nhau. Đó cũng có thể là những hình thức phủ nhận, những chất vấn và những suy tư mà các tác phẩm gợi ra. Sự xuất hiện của tinh thần cá nhân đã giải thích phần nào hiện tượng nổi dậy của con người tự do chống lại hoặc phủ nhận những ràng buộc truyền thống trong các phạm vi tư tưởng và đạo đức :

Cuộc nổi loạn của con người cá nhân trong xã hội Việt Nam chỉ có thể được hiểu khi chúng ta nhận thấy những nền tảng mà trên đó đời sống cộng đồng được hình thành. Chúng ta đều biết, từ hàng nghìn năm, qua dòng Trung Hoa, ba trào lưu tư tưởng khác nhau và ở mỗi thời kỳ lịch sử, đã tác động đến dân tộc Việt Nam, khi thì đối kháng nhau, khi thì bổ túc cho nhau. Nhưng trong ba tôn giáo, Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo, thì duy nhất Khổng giáo với tinh thần Nho giáo [...] đã mang đến một hệ thống có khả năng khép kín xã hội trong những khung định chế cứng nhắc. Ngoài khuôn khổ khắt khe ấy không có lối thoát nào cho con người cá nhân[2].

Dù trung thành tiếp nhận, dù đặt lại vấn đề hay phủ nhận các giá trị truyền thống, các tác giả, qua tác phẩm, đều quan tâm đến những đòi hỏi của hiện tại, mà điều cốt lõi là mối tương quan giữa con người và thời gian, con người và lịch sử hay con người giữa lịch sử. Tác phẩm văn học như là phương tiện để nhà văn tiếp cận với sự thật, có thể với những nguyên lý truyền thống của cha ông hoặc có thể bằng một phương cách mới mẻ khác.

Gắn kết với viễn ảnh tương lai, văn học Việt Nam Pháp ngữ có khả năng mở ra một lộ trình mới hoặc gợi ý một cách nhìn đương đại: “Nói về nhà văn ngày hôm nay, đó là xác tín vào sức sống của một di sản văn học có tính chuyển tiếp lịch sử và chuyển tiếp văn hóa ; đó là tái khám phá bản chất của cái tôi trong thực tế của người khác ; đó là đặt lại tri thức văn học vào giữa đời sống ; đó là, bằng mọi hiểu biết tận căn, làm cho ‘thánh thiêng hóa’ văn học[3]”. Nhìn nhận văn học như một di sản và có chức năng chuyển tiếp lịch sử còn có ý nghĩa thực hành một ý thức mang tính nhân bản. Những nhà văn hay các tác phẩm chúng tôi trình bày ở đây có thể không phải là những con người xuất chúng hay nổi danh, hoặc cũng không phải là những kiệt tác. Trên thực tế, phần lớn các tác phẩm đều thuộc loại văn học cá nhân hay ngày nay người ta có thể xếp chúng vào loại văn học “thiểu số” hiểu theo giá trị thẩm mỹ. Tuy nhiên, trên bình diện nhân bản, chúng tôi muốn chứng minh sức mạnh truyền đạt của chúng. Một xã hội thiếu sự truyền đạt là một không gian chết. Văn học làm sống lại những tương quan thời đại. Những tác phẩm cá nhân của các nhà văn Việt Nam Pháp ngữ trôi nổi giữa những hồi ký, ký ức, hoài niệm, quên lãng, đã vượt qua cả những khung cảnh lịch sử, để diễn tả trong hiện tại những con người của thời đại mình. Độc giả có thể cảm nhận được sự kiện xã hội này hay những đặc trưng văn hoá khác trong những tác phẩm như Le Fils de la baleine (Kẻ thừa tự của ông Nam hải) của Cung Giũ Nguyên hay Le Printemps inachevé (Nửa chừng xuân) của Bà Lý Thu Hồ, vv. Đây là những chứng từ trực tiếp và cụ thể về một thời đại lịch sử. Còn những ai quan tâm đến yếu tố tinh thần và siêu nhiên thì tìm thấy trong thơ của Pierre Đỗ Đình một chiều kích suy gẫm nội tâm sâu sắc.

Quyển sách này không phải là một tuyển tập các trích đoạn. Chúng tôi cũng không có tham vọng đưa dẫn một nhà văn nào đó vào hành trạng dài dòng hay bày tỏ tài xuất của họ. Vì như độc giả đã rõ, đây là kết quả của một đề tài nghiên cứu, được tạo ra từ những tiến trình ban đầu: mục tiêu, phương pháp, lý thuyết tiếp cận đối tượng. Như vậy, những gì trình bày ở đây chỉ là một gợi mở cho phương cách quảng bá một bộ phận văn học cần có nhiều nhân tố góp phần vào việc thừa nhận nó. Công trình nghiên cứu khoa học được chúng tôi thực hiện trong hai năm (2010-2012) và đã được Hội đồng Khoa học cấp Đại học Quốc gia nghiệm thu. Mã số đề tài: B 2010 – 18b-07. Để có kinh phí thực hiện công trình này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, là đơn vị cấp kinh phí cho đề tài. Đồng thời chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của đơn vị chủ quản là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cùng với Phòng Quản lý Khoa học-Dự án. Chúng tôi chân thành cảm ơn Ban Lãnh đạo Nhà trường và Quý Phòng. Kết quả của công trình sẽ không có hiệu lực nếu không có sự tham gia của các nhà khoa học trong những cương vị khác nhau, từ Hội đồng xét duyệt đề tài đến Hội đồng nghiệm thu đề tài. Chúng tôi đã nhận được nhiều góp ý quý báu và rất ý nghĩa cho việc hoàn thiện công trình này. Chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả quý vị.

Cuối cùng, chúng tôi cảm ơn Nhà xuất bản ĐHQG TP. HCM đã tạo điều kiện thuận lợi để công trình được ra mắt công chúng độc giả.

Các tác giả

Nguyễn Công Lý - Phạm Văn Quang


[1]     Hồi ký của nhà văn Võ Long Tê, “Phạm Duy Khiêm Ông Đại sứ”, http://www.phamduy.com, tham khảo ngày 13 tháng 4 năm 2011.

[2]     Cung Giũ Nguyên, Volontés d’existence, France-Asie, 1954, tr. 11.

[3]     Robert Dion & Frances Fortier, Écrire l’écrivain. Formes contemporaines de la vie d’auteur, Presses de l’Université de Montréal, 2010, tr. 176.

 

MỤC LỤC

LỜI TỰA......................................................................................... 1

DẪN NHẬP...................................................................................... 7

Chương 1. CƠ SỞ XÃ HỘI VÀ NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH BỘ PHẬN VĂN HỌC VIỆT NAM PHÁP NGỮ.................................................................................... 23

1.1. Quá trình thực dân Pháp và lịch sử của một ngôn ngữ văn học mới     23

1.2. Hệ thống giáo dục và tác động của nó đến sự ra đời của văn học Việt Nam Pháp ngữ            26

1.2.1. Từ Đông Dương............................................................. 26

1.2.2. ...Đến chính quốc........................................................... 35

Chương 2. CHÂN DUNG NHÀ VĂN.......................................... 39

2.1. Những chính khách và luật sư............................................. 40

2.2. Những nhà báo và nhà giáo................................................. 49

2.3. Cung Giũ Nguyên – một sự nghiệp phong phú................... 59

2.4. Phạm Văn Ký và con đường văn học qua báo chí................ 63

2.5. Một số nữ sĩ nổi bật............................................................. 79

Chương 3. HỆ THỐNG XUẤT BẢN – LƯU HÀNH VÀ THỪA NHẬN TÁC PHẨM        84

3.1. Hệ thống nhà xuất bản......................................................... 86

3.1.1. Kỷ nguyên của hệ thống các nhà in tại Đông Dương........ 87

3.1.2. Viễn ảnh hệ thống xuất bản Pháp ngữ thời hậu thực dân 90

3.1.3. Một bộ phận văn học phụ thuộc                  “hệ thống xuất bản trung tâm” 92

3.2. Vai trò của các ấn phẩm định kỳ........................................... 97

3.3. Các cơ quan của giải thưởng văn học................................ 106

3.4. Diễn ngôn đề tựa như là không gian thừa nhận tác phẩm văn học       110

Chương 4. THỂ LOẠI TÁC PHẨM........................................... 124

4.1. Tiểu thuyết........................................................................ 125

4.1.1. Quá trình phát triển của tiểu thuyết.............................. 125

4.1.2. Phân loại tiểu thuyết.................................................... 127

4.1.2.1. Tiểu thuyết tự thuật.............................................. 128

4.1.2.2. Tiểu thuyết xã hội................................................. 134

4.1.2.3. Tiểu thuyết phong hóa.......................................... 138

4.2. Truyện ngắn..................................................................... 142

4.3. Các thể ký.......................................................................... 147

4.4. Truyện kể, truyền thuyết và truyện cổ tích viết lại............. 153

4.5. Thơ.................................................................................... 158

4.6. Kịch bản văn học............................................................... 173

4.7. Nghiên cứu và phê bình.................................................... 179

Chương 5. NHỮNG CHỦ ĐỀ NỔI BẬT................................... 185

5.1. Khám phá những miền đất lạ.............................................. 187

5.1.1. Khám phá quê hương xứ sở......................................... 187

5.1.2. Say đắm phương trời Tây............................................ 193

5.2. Từ chống thực dân đến dấn thân xã hội............................ 197

5.3. Văn học chứng từ.............................................................. 210

KẾT LUẬN................................................................................... 221

DANH MỤC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM VIẾT BẰNG TIẾNG PHÁP       225

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH................................................. 239 

Danh mục website