Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi

Ngày 7 tháng 5 năm 2015, tại hội trường Tập đoàn truyền thông Thanh Niên (345/134 đường Trần Hưng Đạo, Phường Cầu Kho, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã diễn ra Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi. Hội thảo do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn Truyền thông Thanh niên, Nhà xuất bản Trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức. Đến dự Hội thảo có nhiều nhà nghiên cứu từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác như: PGS.TS. Trần Hữu Tá, PGS. Chu Xuân Diên, GS. Phong Lê, GS. TS. Nguyễn Xuân Kính, PGS. TS. Trần Thị Băng Thanh, PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS, Nguyễn Hữu Sơn, PGS. TS. Nguyễn Thị Huế, PGS.TS. Trần Thị An, PGS. TS. Nguyễn Thành Thi, PGS. TS. Đoàn Lê Giang, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, PGS.TS. Vũ Thanh, PGS.TS. Nguyễn Phạm Hùng, PGS. TS. Phan Thị Hồng…

 

            Từ những tham luận gửi về Hội thảo, Ban Tổ chức đã chọn 32 bài viết in trong kỷ yếu  và chọn 12 bài trong số đó trình bày trong 2 phiên của Hội thảo. Toàn văn 32 bài viết đã được xuất bản thành kỷ yếu Nguyễn Đổng Chi – học giả - nhà văn (NXB Trẻ, 2015).

            Phiên thứ nhất (buổi sáng) xoay quanh 2 vấn đề: Thân thế, sự nghiệp Nguyễn Đổng Chi và đóng góp của ông đối với nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam. Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS.Trần Hữu Tá đã đánh giá GS.Nguyễn Đổng Chi là một nhà nghiên cứu lớn, một học giả có tính chất bách khoa. Nguyễn Đổng Chi đã dấn thân vào nhiều lĩnh vực học thuật mà ở lĩnh vực nào cũng là người khai phá và có nhiều thành tựu: folklore học, nhân học-dân tộc học, Hán Nôm học, sáng tác…Từ khi còn rất trẻ, trước tuổi “tam thập nhi lập”, ông đã có nhiều tác phẩm lớn: Phóng sự văn học Túp lều nát (1937, với bút danh Nguyễn Trần Ai) có thể sánh ngang với các tiểu thuyết nổi tiếng như Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan); cuốn Mọi Kontum (1937, viết chung với người anh ruột là Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi) – một công trình điều tra, khảo sát sớm nhất về đồng bào Ba Na - được xem là công trình thuộc loại mở đầu của ngành dân tộc học Việt Nam; công trình Việt Nam cổ văn học sử (1942) được coi là cuốn lịch sử văn học Việt Nam sớm nhất… Tuy nhiên, ông được biết đến trước hết và trên hết là một nhà folklore học. Trong lĩnh vực này, ông đã có nhiều công trình để đời thuộc nhiều thể loại khác nhau: Lược khảo về thần thoại Việt Nam (1956), Hát giặm Nghệ - Tĩnh (3 tập, 1962, viết chung với Ninh Viết Giao), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh (chủ biên, viết 1981-1983, xuất bản 1995)… và tiêu biểu hơn cả là bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập, 1958-1982).

            Các báo cáo tiếp theo tập trung nghiên cứu những đóng góp của Nguyễn Đổng Chi trong nghiên cứu văn hóa dân gian: “Đọc lại Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam từ một quan niệm rộng về hiện thực trong truyện cổ tích” (PGS. Chu Xuân Diên), “Những đóng góp của Nguyễn Đổng Chi vào việc nghiên cứu thể loại văn học dân gian” (PGS.TS Trần Thị An), “Phong cách kể chuyện của Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”(PGS.TS. Nguyễn Thị Huế)… Tạo được nhiều tranh luận nhất là phần trình bày của PGS.TS. Trần Thị An khi GS.TS. Nguyễn Xuân Kính đặt vấn đề: Sự tương đồng giữa phương pháp nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi với nghiên cứu folklore thế giới là do Nguyễn Đổng Chi tiếp thu lí luận phương Tây hay là vấn đề gặp gỡ của các tư tưởng lớn?. Câu trả lời của PGS. TS. Trần Thị An là một mặt, Nguyễn Đổng Chi đã vận dụng, Việt hóa một cách nhuần nhuyễn lí thuyết phương Tây vào những công trình của mình (ông thường xuyên nhắc đến một số nhà folklore học phương Tây như A. Aarne); một mặt, ông còn có sự mẫn cảm của một nhà nghiên cứu lớn khi nhiều vấn đề ông đưa ra tiếp cận với phương Tây (sử dụng thuật ngữ “văn học truyền miệng”, phân loại văn học dân gian dựa trên phương thức diễn xướng…). Câu trả lời phần nào tạo được sự đồng thuận của nhiều nhà nghiên cứu trong hội thảo.

            Phiên buổi chiều tập trung vào 2 chủ đề Nguyễn Đổng Chi và văn học cổ điển với Nguyễn Đổng Chi và sáng tác văn học, mỗi chủ đề có 3 tham luận được các học giả luân phiên trình bày. Sau mỗi 3 tham luận của từng chủ đề là thời gian dành cho phần thảo luận về các báo cáo trong chủ đề đó.

            Ở chủ đề Nguyễn Đổng Chi với văn học cổ điển Việt Nam, các báo cáo tập trung trình bày và bàn luận thêm về những đóng góp quan trọng và hết sức có giá trị của Nguyễn Đổng Chi với công trình Việt Nam cổ văn học sử. Trong tham luận “GS. Nguyễn Đổng Chi từ Việt Nam cổ văn học sử đến Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam”, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh khẳng định thêm công lao của Nguyễn Đổng Chi trong việc phát hiện ra nền văn học cổ Việt Nam. Theo bà, với công trình Việt Nam cổ văn học sử này thì Nguyễn Đổng Chi là người viết văn học sử Việt Nam sớm nhất. Và với công trình Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, thì ông vẫn là người phát hiện, chỉ dẫn - bà khẳng định, bộ Sơ thảo có thể được xem là bộ văn học sử đầu tiên viết về toàn bộ lịch sử nền văn học nước ta.

            Với tham luận Việt Nam cổ văn học sử và sự tiếp nhận của người đọc, đồng tác giả TS.Nguyễn Nam và PGS.TS.Nguyễn Hữu Sơn cho rằng vào thời bấy giờ, công trình này của Nguyễn Đổng Chi đã được không chỉ các học giả mà cả đông đảo bạn đọc bình thường cũng nồng nhiệt đón nhận. Bài viết của 2 tác giả này đã lý giải những mặt mạnh cũng như những điểm còn hạn chế, những đóng góp có ý nghĩa đặt nền móng cũng như giá trị đích thực của công trình này trước thử thách khắc nghiệt của thời gian.

            Trong tham luận “Việt Nam cổ văn học sử, tác phẩm đặt nền móng cho ngành nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Phạm Hùng nêu lên một số đóng góp quan trọng của Việt Nam cổ văn học sử như: viết văn học sử theo thể loại, quan niệm về tính toàn vẹn của lịch sử văn học Việt Nam (bao gồm văn học trước thế kỷ X, văn học chữ Nôm và chữ Hán, văn học của người Việt ở nước ngoài). Tác giả tham luận đặc biệt nhấn mạnh vào những giá trị hiện đại, giá trị phương pháp luận và những cống hiến khoa học xuất sắc mang tính định hướng của công trình này.

            Chủ đề Nguyễn Đổng Chi và sáng tác văn học có 3 báo cáo được trình bày, cả 3 đều viết về tập phóng sự Túp liều nát của Nguyễn Đổng Chi. Đó là các bài viết “80 năm, tiếng kêu, lời vọng, chữ khắc (đọc Túp liều nát, phóng sự của Nguyễn Đổng Chi)” của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân; bài “Túp lều nát - thiên phóng sự thể hiện tài năng và tấm lòng nhân ái của nhà văn, nhà báo Nguyễn Đổng Chi” của PGS.TS. Vũ Thanh; Không phải truyện cổ tích của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

            PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng bà đã đọc tập phóng sự này theo phương pháp Đọc Kỹ (close-reading), dõi theo mối quan hệ giữa thủ pháp và ý nghĩa, bà đã nhận ra trong đó một giá trị thăm thẳm xuyên qua “tiếng kêu, lời vọng, chữ khắc”. Theo bà dù phần văn bản của Túp liều nát là 11 phóng sự rời nhưng chúng liên kết nhau thành một chuỗi liên hoàn. Tuy nhiên do ra đời ở một nhà xuất bản địa phương là Mộng Thương Thư trai, Trảo Nha, Hà Tĩnh, nên Túp lều nát ít được chú ý như lẽ ra nó có. Theo PGS.TS. Vũ Thanh thì Nguyễn Đổng Chi là một nhà văn thực thụ và một nhà báo xuất sắc bởi ông là một người sáng tác, cầm bút với tư cách là một nhà văn, một nhà báo tâm huyết với sự tìm kiếm, sáng tạo. Chính tư chất của một nhà văn tâm huyết, một nhà báo xông xáo và quyết liệt trong Nguyễn Đổng Chi đã góp phần tạo nên giá trị của những tác phẩm bất hủ cuốn hút người đọc sau này của ông. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên khẳng định thêm: Túp lều nát của Nguyễn Đổng Chi chân thực và sinh động vì tính phóng sự của cuốn sách được tôn trọng tối đa - “những cảnh khổ trần ai của một vùng nông thôn Hà Tĩnh do nghèo đói, do ngu dốt, để bị đám tổng lý hào cường chức dịch ở làng tha hồ bóp nặn, bóc lột, đè nén, đánh đập hiện lên chân thực và sinh động dưới ngòi bút của một con người có con mắt thấu hiểu và có tấm lòng đồng cảm, thương xót”.

            Phần thảo luận của hội thảo trong phiên buổi chiều có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề xác định thời đại của nền văn học Việt Nam, khẳng định thêm một lần nữa giá trị đặt nền móng của công trình Việt Nam cổ văn học sử đối với ngành lịch sử văn học Việt Nam và vai trò của công trình này trong tiến trình hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX.

            Trước khi Hội thảo kết thúc, bà Nguyễn Thị Cúc Hương, con gái học giả Nguyễn Đổng Chi đã kể lại hồi ức về người cha của mình, bày tỏ lòng tri ân với các nhà nghiên cứu và ban tổ chức đã viết bài và tổ chức hội thảo kỷ niệm 100 ngày sinh của thân phụ của mình.

            PGS.TS. Nguyễn Thành Thi đã đọc báo cáo tổng kết Hội thảo, nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo trong việc làm cho mọi người hiểu rõ hơn những đóng góp to lớn của học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi đối với văn học nước nhà.  

           Một vài hình ảnh tại Hội thảo:

Hình 1: Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Lam Điền)

 

Hình 2: Một số nhà folklore học ở Hội thảo.

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website