Hội thảo khoa học quốc gia Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: thực trạng và triển vọng

Tiếp nối Hội thảo khoa học quốc gia Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế (5/2014), nhằm tiếp tục đi sâu đánh giá, tổng kết những thành tựu, hạn chế của thực tiễn sáng tác văn học Việt Nam 30 năm đổi mới, ngày 28/5/2015, tại Hà Nội, Viện Văn học tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: thực trạng và triển vọng. Đ/c Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương; lãnh đạo Hội đồng LLPB VHNT trung ương, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà khoa học, nhà văn và nhiều cơ quan thông tấn báo chí dự.

Hội thảo đã nhận được 74 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà lý luận, phê bình văn học từ Viện Văn học, UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT, Hội Nhà văn, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học KHXH&NV Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học SK&ĐA Hà Nội, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Đại học Huế, Đại học Vinh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Duy Tân, Đại học Hùng Vương, Đại học Đồng Tháp, Đài Truyền hình Việt Nam, tạp chí Văn hóa nghệ thuật, tạp chí Văn nghệ quân đội, báo Thanh niên, báo Văn nghệ, báo Công an nhân dân,... và một số cơ quan khoa học và giáo dục khác. Trong đó, có 13 tham luận có tính bao quát văn học thời kỳ này, 11 tham luận tìm hiểu về thơ, 1 về kịch, 1 về văn học thiếu nhi, 1 về quan hệ văn học điện ảnh, 2 về tình hình phê bình văn học, và 35 tham luận tìm hiểu về văn xuôi (gồm: bao quát chung về tình hình văn xuôi 10 tham luận, tạp văn 4, truyện ngắn 12, tiểu thuyết 19). Đây đều là những bài viết, những ý kiến có chất lượng khoa học, đem lại nhiều thông tin, nhận định có giá trị, tổng kết nhiều phương diện của văn học trong 30 năm qua, nhiều bài có cách nhìn nhận mới hoặc sử dụng những lý thuyết khoa học mới vào việc định giá thực tiễn lịch sử văn học Việt Nam 30 năm đổi mới.

Các báo cáo và ý kiến đã tập trung vào các vấn đề cơ bản của đời sống văn học 30 năm đổi mới: Phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về đội ngũ sáng tác, các hiện tượng, các tác giả và tác phẩm tiêu biểu của văn học thời kỳ đổi mới; Nhận diện, lý giải những đổi mới trên phương diện thể loại và những thử nghiệm mới trong sáng tạo nghệ thuật; Đúc rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn sáng tạo và tiếp nhận văn học thời kỳ đổi mới; Dự báo khả năng phát triển của văn học, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác của văn học trong thời kỳ mới,...

23 tham luận và ý kiến đã được trình bày tại hội thảo, bao quát nhiều lĩnh vực của sáng tác văn học. Các tham luận và phát biểu, thảo luận ở phiên họp buổi sáng tập trung vào những vấn đề chung, những vấn đề mang tính tư tưởng, tính lý luận, tổng kết các phương diện của sáng tác văn học trong 30 năm qua. Báo cáo của các tác giả: Hà Minh Đức, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Hữu Tá, Vũ Quần Phương, Nguyễn Huy Thiệp, Phong Lê, Trần Đình Sử, phát biểu của Vũ Ngọc Hoàng, Trần Ngọc Vương,... đã đặt ra nhiều vấn đề nóng hổi về quá trình đổi mới và hội nhập của văn học Việt Nam, cũng như thực trạng của văn học đương đại. Các báo cáo ở phiên họp buổi chiều tập trung vào những vấn đề cụ thể của văn học Việt Nam trong 30 năm Đổi mới, trong đó có tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu: Nguyễn Hữu Sơn, Lê Thành Nghị, Võ Văn Nhơn, Y Phương, Lại Nguyên Ân, Trần Ngọc Hiếu...; phát biểu của Trần Đình Sử, Đoàn Lê Giang, Thiên Sơn, Quách Thu Hiền, Vi Thùy Linh, Văn Chinh, Đào Duy Quát, Nguyễn Quang Thiều... Các ý kiến đều hướng tới việc nhìn nhận các bình diện khác nhau của đời sống văn học từ đổi mới, các xu hướng phát triển, kinh nghiệm sáng tạo và diễn giải văn học nghệ thuật.

Hội thảo lần này, bên cạnh ý kiến khoa học của các nhà nghiên cứu, còn coi trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà văn, về quan niệm cầm bút của họ, về những trăn trở sáng tạo và khát vọng đổi mới, về những thành tựu và hạn chế của văn học trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Các báo cáo được trình bày tại hội thảo, các ý kiến phát biểu, thảo luận đã tạo nên một không khí trao đổi dân chủ giữa các nhà văn, các nhà nghiên cứu. Là nơi hội tụ của nhiều thế hệ các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu văn học trong cả nước, hội thảo đã được lắng nghe nhiều ý kiến khoa học bổ ích, góp phần đáng kể vào việc nhận diện, tìm hiểu, đánh giá văn học Việt Nam 30 năm qua.

 

 

Danh mục website