F, J, W, Z và bảng chữ cái tiếng Việt

 (Nguyễn Thị Phương Trang, In trong " Những vấn đề ngữ văn " (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN))

Ý kiến đề nghị bổ sung 4 ký tự F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt mà TS. Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa ra 6 tháng trước đây đã làm dấy lên một làn sóng tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên báo mạng. Có những người vui mừng, cổ súy, cũng có những người hoang mang, lo lắng. Với bài viết này, chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói, ngõ hầu bày tỏ một cách nhìn để có thể xác định một thái độ phù hợp đối với câu chuyện “bổ sung F, J, W, Z” đang bàn.

 Có thể nhận thấy một thực tế rất hiển nhiên là, trong công việc viết lách, trong nhiều loại văn bản tiếng Việt, trong hoạt động giao tiếp truyền thông ở nước ta hiện nay, có sự tồn tại của những chữ cái F, J, W, Z. Đây là những ký tự không có trong bảng chữ cái tiếng Việt. Cái thực tế không thể chối cãi đó khiến người ta có cảm giác bảng chữ cái tiếng Việt dường như không đủ để đáp ứng nhu cầu chuyển tải thông tin ngày càng đa dạng và phong phú trong thời đại hội nhập với quốc tế, từ đó nảy sinh ra ý định phải bổ sung vào bảng chữ cái tiếng Việt 4 chữ cái trên. Phải thừa nhận rằng, chúng ta không thể bỏ qua những nhu cầu sử dụng những chữ cái đó trong đời sống. Chẳng hạn như khi chuyển tự tên riêng nước ngoài trên sách báo (dĩ nhiên cũng có người chủ trương không cần chuyển tự mà khuyến khích phiên âm) hay khi gọi tên một số loại đối tượng (để đánh số trật từ hàng ghế trong nhà hát, người ta vẫn dùng các ký tự F, Z,…trong khi đó lại không dùng những chữ cái Ă, Â, Ê, Ô, Ơ…trong bảng chữ cái tiếng Việt). Những nhu cầu như thế là có thật trong giao tiếp trên sách vở cũng như trong truyền thông.

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng 4 chữ cái ấy không phải là lý do buộc phải bổ sung chúng vào bảng chữ cái tiếng Việt. Thiết nghĩ, cần phải phân biệt 2 bảng chữ cái - bảng chữ cái tiếng Việt và bảng chữ cái La-tinh (abecedarium Latinum) -  mà chúng ta đồng thời sử dụng với những công dụng khác nhau. Về điều này, những bài viết của Nguyễn Quang Hồng hơn mười năm trước đây đã minh định một cách rõ ràng. [Xem: Nguyễn Quang Hồng, Bàn về một vài công dụng của bảng chữ cái Bàn về tên gọi các chữ cái]

Bảng chữ cái tiếng Việt (Quốc ngữ) như đã xác định, gồm có 29 chữ cái, và được sắp xếp như sau:

 a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m,

 n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y.

Công dụng của bảng chữ cái này trước hết là để phiên âm, viết chữ cho các từ ngữ tiếng Việt. Cho đến nay, bảng chữ cái này, với quy tắc chính tả hiện hành, vẫn bảo đảm tính hiệu quả của nó trong thực tế sử dụng. Ngay cả đối với tên riêng nước ngoài, nếu không chuyển tự, mà phiên âm theo cách phát âm của người Việt thì cũng cũng không nhất thiết phải dùng 4 chữ cái F, J, W, Z. Ví dụ: Franc > Phờ-răng, Don Juan > Đông Gioăng, Jean-Jaques Rousseau > Giăng-giắc Rút-xô, Washington > Oa-sinh-tơn, Zimbabue > Dim-ba-bu-ê,  New Zealand > Niu Di-lân v.v… Một điều cần lưu ý là bảng chữ cái tiếng Việt đã được gọi tên (a, bê, xê, dê, đê…) và  được sắp xếp thứ tự theo cách sắp xếp truyền thống của bảng chữ cái La-tinh (những chữ cái mới tạo ra từ nguyên dạng của một chữ cái La-tinh thì sẽ được xếp liền sau chữ cái nguyên dạng đó: ê xếp ngay sau e; đ xếp ngay sau d). Đương nhiên tên gọi của chúng đã được Việt hóa ở một chừng mực đáng kể.

Bảng chữ cái La-tinh gồm 26 chữ cái, được sắp xếp theo trật tự như sau:

a, b, c, d, e, f, g, h, i, j, k, l, m,

n, o, p, q, r, s, t, u, v, w, x, y, z. 

Công dụng của bảng chữ cái này, ở Việt Nam, chủ yếu là dùng để chuyển tải nguyên dạng hoặc chuyển tự các tên riêng nước ngoài (Vd: Ferdinand de Saussure, Japan, Warsava, Azerbaizal, Raxun Gamzatov), tên tổ chức quốc tế (Vd: UNICEF, OIJ, WTO, WB…) và các thuật ngữ quốc tế. Thứ nữa, như đã nêu ở đầu bài viết, các chữ cái La-tinh còn được chọn để đánh dấu thứ tự (các ý trong bài, các mục trong đề cương), để định danh các đối tượng chưa có tên gọi (hàng ghế trong rạp hát, tên các lớp học ở trường phổ thông, tên gọi các hình hay đoạn trong hình học), chúng cũng tham gia cả vào bảng các ký tự kiểm tra thị lực... Từ đó có thể thấy không phải đến bây giờ, bảng chữ cái La-tinh (trong đó có F, J, W, Z) mới phát huy tác dụng trong đời sống của người Việt, mà từ lâu, chúng đã xác định được chỗ đứng và phạm vi hành chức của nó. Cũng cần ghi nhận là, tên gọi của của các chữ cái trong bảng chữ cái La-tinh cũng đã được Việt hoá chứ không « bê nguyên xi » theo cách gọi truyền thống. Các chữ cái vốn đã trùng với bảng chữ cái tiếng Việt thì vẫn giữ tên gọi cũ (bê, xê, dê, ...). Những chữ cái không có trong bảng chữ cái tiếng Việt thì được gọi tên theo hệ thống tên gọi mà tiếng Việt tuân thủ (chẳng hạn W có tên gọi là vê kép, chứ không gọi là “đắp-liu/ đáp-liu” hay “vê đúp” …).

Đến đây, chúng tôi xin trở lại với vấn đề bổ sung F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt, và một lần nữa khẳng định rằng, nhu cầu sử dụng 4 chữ cái trên là có thật trong thực tế. Nhưng thiết nghĩ, không chỉ như vậy. Chính xác hơn, đó là nhu cầu sử dụng toàn bộ bảng chữ cái La-tinh, song song với bảng chữ cái tiếng Việt.

Mỗi bảng chữ cái có những công dụng khác nhau, hoạt động trong các phạm vi khác nhau, cho nên không nên lẫn lộn hay quy về một mối, không nên chỉ thấy ích lợi của bảng chữ cái tiếng Việt mà còn phải thấy sự cần thiết tồn tại của bảng chữ cái La-tinh. Và như thế vấn đề không phải là cứ bổ sung vào bảng chữ cái tiếng Việt 4 chữ cái đó là xong. Nói cách khác, bảng chữ cái tiếng Việt không cần bổ sung gì thêm. Cũng cần nói thêm là những quy tắc chính tả của chúng ta về cơ bản là hợp lý. Chữ quốc ngữ (mặc dù có những điểm hạn chế nhất định…) nhưng cho đến nay vẫn được dùng một cách hiệu quả và trở nên quen thuộc với toàn dân, liệu có nên cố cải tiến để gây ra sự xáo trộn không cần thiết?

Không “bổ sung F, J, W, Z” mà học thêm một bảng chữ cái La-tinh nữa, phải chăng sẽ gây ra một sự phiền hà nào đó cho người sử dụng? Câu trả lời là không. Bên cạnh bảng chữ cái tiếng Việt, một người có kiến thức văn hóa phổ thông, thậm chí ở trình độ tiểu học, hoàn toàn có thể trang bị thêm bảng chữ cái La-tinh vào sự hiểu biết của mình, và điều này cũng không phải là quá khó khăn nếu không nói là dễ dàng. Vì thực ra, chỉ cần thêm vào bảng chữ cái tiếng Việt 4 chữ cái F, J, W, Z, và bớt đi  một số chữ cái đặc biệt của chữ Quốc ngữ như Ă, Â, Ê, Đ, Ơ, Ô, Ư, là ta đã có trong tay bảng chữ cái La-tinh. Như vậy, từ việc nắm vững bảng chữ cái chữ quốc ngữ cùng tên gọi của chúng, sẽ rất dễ dàng nắm bắt bảng chữ cái chữ La-tinh. Ở đây chỉ cần  một phép cộng và một phép trừ đơn giản:

 Bảng chữ cái La-tinh = Bảng chữ cái tiếng Việt + (F, J, W, Z)  – (Ă, Â, Ê, Ơ, Ô, Ư)

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong bối cảnh giáo dục ở Việt Nam hiện nay, trẻ em ngay từ bậc tiểu học đã tiếp xúc với tiếng Anh (và có thể cả những ngoại ngữ khác), do đó việc nắm vững bảng chữ cái La-tinh hoàn toàn không phải là một gánh nặng quá sức. Cái ngỡ ngàng khó hiểu của ngày đầu bước vào ngưỡng cửa tiểu học khi tiếp xúc với ký tự F (trong tên gọi các lớp 1F, 2F…) sẽ nhanh chóng tan biến một khi các em được giới thiệu với bảng chữ cái La-tinh.

Nói tóm lại, theo chúng tôi, không nên đặt ra câu chuyện “bổ sung”, “cộng thêm ” 4 chữ cái F, J, W, Z  vào bảng chữ cái tiếng Việt, mà vấn đề là cần phải thừa nhận và khẳng định có 2 bảng chữ cái (Quốc ngữ & La-tinh) cùng song song tồn tại trong thực tiễn ngữ văn ở Việt Nam từ trước đến nay, với công dụng riêng không thể phủ nhận của chúng.

                                                                                                            Tháng 2, 2012

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Quang Hồng, Bàn về tên gọi các chữ cái, Ngôn ngữ, số 2,1980, Ngôn ngữ &Đời sống, số 3, 1999.
  2. Nguyễn Quang Hồng, Bàn về một vài công dụng của bảng chữ cái, Ngôn ngữ & Đời sống, số 4, 1999.
  3. Đinh Văn Đức, Văn tự (chữ viết) là chuyện đại sự của văn hóa, Từ điển học & Bách khoa thư, số 1, 2012.
  4. Nguyễn Văn Lợi, Việc sử dụng các kí tự F, J, W, Z trong văn bản tiếng Việt hiện nay, Từ điển học & Bách khoa thư, số 1, 2012.
  5. Đào Tiến Thi, Về ý định đưa mấy kí tự F, J, Z, W vào bảng chữ cái tiếng Việt, Từ điển học & Bách khoa thư, số 1, 2012.

 

(Nguồn: Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, 2-2013)

 

 

Danh mục website