Vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc

I

 1. Bàn về đặc sắc dân tộc của văn hóa là bàn một cái gì đã gắn bó với dân tộc đó từ thuở xa xưa. Văn hóa là một khái niệm quá bao trùm, rộng và phức tạp; rộng và phức tạp đến mơ hồ khó bao quát. Khi quan niệm nó bao gồm tất cả cái gì con người sáng tạo - đối lập với thiên nhiên, tự nhiên – thì vì lẽ vai trò con người càng ngày càng lớn, dầu cái tự nhiên, thiên nhiên được con người hiểu biết, chế ngự, lợi dụng có càng ngày càng rộng, văn hóa tự nó so với phần thiên nhiên, trong đời sống con người, cũng càng ngày càng nhiều, càng chiếm tỉ trọng áp đảo. Nhiều đến nỗi ở đâu cũng là dấu vết của văn hóa, cái gì cũng thuộc phạm vi của văn hóa. Văn hóa có tính dân tộc. Dầu đến xã hội cộng sản, trong tương lai văn hóa vẫn mang tính sáng tạo của các dân tộc. Trong sự sáng tạo văn hóa, mỗi dân tộc hình như từ lâu đã có những thói quen, những ưa thích, những sở trường, những khuyết tật làm nên đặc sắc của nó. Nắm vững những cái đó, bước đi ở hiện tại sẽ ít mù quáng hơn và cũng nhờ thế có thể phần nào dự đoán để định hướng cả bước đi trong tương lai.
 

          Cái quyết định chỉ ra phương hướng phát triển, làm định hình nền văn hóa là phương thức sản xuất, cách tổ chức xã hội, sự hình thành các quan hệ cần thiết và hợp lý trong nền sản xuất, trong đời sống xã hội. Nhưng hình thức đặc trưng hay biểu hiện tập trung, vùng đậm đặc của nền văn hóa lại nằm ở đời sống tinh thần, nhất là ở ý thức hệ, ở văn học nghệ thuật, biểu hiện ở lối sống, sự ưa thích cách suy nghĩ, ở phong tục tập quán,ở bảng giá trị. Văn hóa một dân tộc cũng hiện ra thành những nhân vật những tính cách và kết tinh ở những nhân vật kiệt xuất. nhân vật kiệt xuất về văn hóa không những là hun đúc tinh hoa của dân tộc đó mà còn là người rọi sáng, chỉ hướng cho sự phát triển sau đó.

 

          Đặc sắc dân tộc của văn hóa làm cho mỗi dân tộc hiện ra với những nét độc đáo, phân biệt với các dân tộc khác. Trong một quốc gia đa dân tộc, với một dân tộc chủ thể trong thời quá khứ thường có hiện tượng áp lực đồng hóa của văn hóa dân tộc đa số đối với dân tộc thiểu số. Văn hóa của dân tộc đa số, chủ thể cũng trở thành văn hóa dân tộc của quốc gia đó.

 

2. Văn hóa theo nghĩa rộng nhất thì đã có từ xã hội nguyên thủy. Nhưng phải trải qua một thời gian dài để bản lĩnh sáng tạo của con người được nâng cao, khi con người thoát khỏi cuộc sống mông muội, ý thức được ngoại cảnh, tích lũy được tri thức về nó, những kinh nghiệm chế ngự, tổ chức đấu tranh làm chủ nó, tạo ra sự khác biệt về thiên hướng và trình độ giữa các cộng đồng người, nhất là khi sự phân hóa dẫn đến hình thành các dân tộc, đủ sức định hình hướng phát triển, khi có hệ tư tưởng, nền văn học nghệ thuật, những nhân vật văn hóa, tức là khi tạo được cái “vốn” văn hóa riêng cho cộng đồng người đó thì mới có thể bắt đầu nói đến đặc sắc dân tộc của văn hóa. Văn hóa phát triển như một dòng sông chảy liên tục. Trên lịch sử phát triển đó, có những thời kỳ sôi động và một thời kỳ trong đó những giá trị tiêu biểu của dân tộc được định hình, hoặc là tư tưởng, hoặc là văn học nghệ thuật phát triển đến mức điển phạm: văn hóa dân tộc tìm ra bước đi vững chắc cho tương lai. Đặc sắc văn hóa được hình thành, bộc lộ rõ chính ở thời kỳ đó. Càng về sau sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc càng thường xuyên, càng nhiều mặt. Cho đến thời cận, hiện đại, văn hóa phát triển có qui mô trên thế giới, văn hóa các dân tộc thâm nhập vào nhau. Cho nên tìm dáng vẻ dân tộc trong văn hóa hiện đại không những là khó, và đồng thời ở một số mặt nào đó, nhiều khi sắc thái dân tộc không phải chỉ là cái nên đặc biệt hoan nghênh.

 

          3. Đặc sắc văn hóa dân tộc là bằng chứng về bản lĩnh sáng tạo của dân tộc đó. Sáng tạo chịu sự qui định của những điều kiện sống ( hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh lịch sử…). Tất cả bản lĩnh sáng tạo là ở chỗ thích ứng với những điều kiện đó, tìm ra cách chế ngự khắc phục khó khăn, lợi dụng thuận lợi để phát triển. Cho nên, ở mỗi dân tộc có những vấn đề thu hút tâm hồn trí tuệ, có những phạm vi dốc hết tinh lực, có những hướng để vươn tới. Xác định những cái đó , thành tựu trong những cái đó biểu lộ bản lĩnh sáng tạo, bộc lộ chỗ mạnh chỗ yếu trong sức sáng tạo của dân tộc. Đến thời kì định hình văn hóa của một dân tộc tích lũy được cái “vốn”, về sau thành cái “vốn có” của dân tộc đó. Không phải chỉ cái “vốn có” mới là đặc sắc văn hóa dân tộc. Đặc sắc văn hóa cũng phát triển , kết hợp với những yếu tố mới, nhưng trong cái phức hợp hình thành về sau, cái “vốn có” vẫn là xương sống, bản lĩnh sáng tạo biểu hiện ở mô dạng kết hợp cái mới với cái “vốn có” với điều kiện mới.

 

          Cho nên, tìm đặc sắc văn hóa dân tộc, nếu không muốn là suy đoán chủ quan, thay thế kết luận khoa học bằng những mục tiêu tuyên truyền, như kháng chiến thì nói đắc tính của dân tộc ta là yêu nước, bất khuất, khi xây dựng xã hội chủ nghĩa thì là cần cù lao động, khi gặp khó khăn lại là lạc quan yêu đời,... thì chúng ta không nên hình dung đó là công việc nhận xét tổng hợp các thành tựu về tư tưởng, văn học, hội họa, âm nhạc, kiến trúc,... mà phải đánh giá đầy đủ bản lĩnh sáng tạo của dân tộc. Chúng ta phải xác định những căn cứ làm nguồn gốc, tức là những điều kiện sống, những vấn đề mà hoàn cảnh tự nhiên đặt ra, thử thách sự sáng tạo... Chúng ta phải xem xét các mặt thành tựu, tương quan giữa chỗ mạnh và chỗ yếu, cái có và cái không trong đó để hiểu mục tiêu, thiên hướng giải quyết. Chúng ta phải theo dõi quá trình định hình cái vốn văn hóa, những hình thức phức hợp về sau, nhìn cung cách phát triển , thích ứng với điều kiện mới, tiếp nhận cái mới. Tóm lạo chúng ta không chỉ nhìn kết quả sáng tạo mà phải nhìn cả tiềm năng sáng tạo. Tìm đặc sắc văn hóa dân tộc không phải chỉ để bồi dưỡng lòng tự hào, không phải chỉ để kế thừa theo lối lấy, bỏ, thêm, bớt, mà còn để phát huy tiềm năng sáng tạo, giải phóng sức sáng tạo. Về mặt ấy thì thiên hướng, mục tiêu cung cách sáng tạo đã bộc lộ trong quá khứ - có phần là mặt mạnh, có phần là mặt yếu - mới chỉ bảo được nhiều cho chúng ta trên bước đường hiện đại và tương lai.

 

II

 

          1. Trong lúc chờ đợi kết luận khoa học của các ngành chuyên môn, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét về vài ba mặt của cái vốn văn hóa dân tộc; không phải cái hình thành vào thời kì định hình mà là cái ổn định dần, tồn tại cho đến trước thời cận - hiện đại. Chúng tôi không nghĩ đó là đặc sắc văn hóa dân tộc nhưng chắc chắn có liên quan gần gũi với nó.

 

          Chắc chắn là văn hóa Việt Nam – văn hóa của dân tộc chủ thể là người Kinh- và phần đặc sắc của nó chịu sự chi phối của vùng đất cư trú làm môi trường thiên nhiên, làm điều kiện sống cho nó. Đó là vùng đồi núi vùng sông nước, vung ven biển. Đó là vùng gió mùa, vùng lụt bão hàng năm. Tóm lại, đó là mảnh đất phức tạp khắc nghiệt, đặt ra nhiều điều kiện khó khăn cho cư dân. Đó là vùng trồng lúa nước băt con người phải đinh cư. Đứng trên mỏm đất ven biển trên con đường giao lưu văn hóa, bị thu hút một bên bởi nền văn minh Ấn Độ, và bên khác bởi nền văn minh Trung Hoa, hai nền văn minh cổ phong phú và rất khác nhau. Từ trước công nguyên chúng ta đã đụng độ với xu hướng bành trướng của người Hán, và từ đó luôn luôn bị đe dọa xâm lược. Tâm hồn, trí tuệ, sức sáng tạo đều phải tập trung giải quyết vấn đề khó khăn do thực tế đó đặt ra. Trước hết là tổ chức nội bộ, tạo cái thế ổn định để bám trụ, chống sự đe dọa của thiên nhiên và họa xâm lược và sau là Nam tiến để tìm đất phát triển. Các vấn đề đặt ra  cấp thiết ở thời gian trước sau khác nhau, nhưng tương trợ để cùng vật lộn với khó khăn, đoàn kết để chống xâm lăng, yên trong để đối phó với ngoài thì đã thành nếp sống tư xa xưa. Lựa chọn một cơ chế chính trị - xã hội, định hình một lối sống, quan niệm sống đồng thời cũng là vạch ra một phương hướng phát triển văn hóa cả qui mô lẫn khuynh hướng.

 

          2. Giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hàolà nền văn hóa của chúng ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật. Ở một số dân tộc hoặc là một tôn giáo, hay một trường phái triết học, một ngành khoa học, một nền âm nhạc, hội họa,... phát triển rất cao, ảnh hưởng phổ biến  và lâu dài đến toàn bộ văn hóa, thành đặc sắc văn hóa của dân tộc đó, thành thiên hướng của văn hóa dân tộc đó. Ở ta thần thoại không phong phú – hay có nhưng một thời gian nào đó đã  mất hứng thú lưu truyền? Tôn giáo hay triết học cũng đều không phát triển. Người Việt Nam không có tâm lí kiền thành, cuồng tín tôn giáo, mà cũng không say mê tranh biện triết học. Các tôn giáo đều có mặt, nhưng thường biến thành một lối thờ cúng, ít ai quan tâm đến giáo lí. Không có một ngành khoa học kĩ thuật, giả khoa học nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kĩ. Trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển nhất là thơ ca. Hầu như người nào cũng có thể, cũng có dịp làm dăm ba câu thơ. Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thì không có. Xã hội có trọng văn chương, nhưng chưa bao giờ tôn ai nên lảm thi bá, và bản thân các nhà thơ cũng không ai nghĩ cuộc đời, sự nghiệp của mình là ở thơ ca. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, một ngành văn hóa nào đó trở thành một đài danh dự, thu hút, qui tụ cả nền văn hóa.

 

          Thực tế cho ta biết khuynh hướng, hứng thú, sự ưa thích, nhưng hơn thế còn cho ta biết hạn sự chế của trình độ sản xuất, của đời sống xã hội. Đó là văn hóa của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị.

 

          3. Tế bào của xã hội nông nghiệp đó là tiểu hộ nông, đơn vị cư trú, sản xuất và quan hệ với bên ngoài của một gia đình lớn: ông bà, cha mẹ, con cháu cùng sống chung với nhau. Đơn vị tổ chức của xã hội là làng. Trên làng có huyện, tỉnh, nước – sau còn có tổng – nhưng đơn vị đó chỉ có ý nghĩa hành chính để phân cấp quản lí theo lãnh thổ. Khác với những đơn vị vừa kể, làng là một khâu được tổ chức chặt chẽ, hoàn chỉnh các mặt. Làng không phải là một vùng địa lí, hành chính, ai đến cư trú cũng được: mỗi làng có số đinh, có phân biệt dân ngụ cư và dân bản quán, làng có công quỹ riêng, giữ bí mật nghề nghiệp với người làng khác. Về tổ chức chính trị - xã hội, làng có bộ máy kì hào, chức dịch trông coi mọi việc trong làng, đối nội đối ngoại. Làng có luật lệ riêng, có khi trái cả pháp luật nhà nước: phép vua thua lệ làng, kì hào có thể tổ chức thành một thứ pháp đình riêng của làng để phạt vạ. Làng có Thành Hoàng của làng, có đình miếu, có ruộng tế, kho đồ tế, thành một đơn vị có tính tôn giáo. Khi có cướp, có giặc kì hào có thể đánh mõ huy động trai tráng có võ trang để đối phó: làng thành một phiên chế võ trang không thường trực. Thợ thủ công hoặc không thoát li hoặc có thoát li khỏi nông nghiệp tổ chức thành phường hội cũng theo đơn vị làng. Chợ để trao đổi sản phẩm, hàng hóa hoặc là của một làng hoặc là của vài ba làng (chỉ một số ít có qui mô lớn hơn thành chợ tỉnh, chợ huyện). Làng thành một đơn vị công nông thương kết hợp đóng kín, có thể tự túc, không cần giao lưu rộng hơn. Làng không chỉ được duy trì bằng tổ chức chặt chẽ (sổ đinh, công điền, bộ máy quan chế, tôn giáo) mà còn bằng tình nghĩa xóm giềng, làng nước. Trong nội làng còn có tổ chức họ, ràng buộc với nhau không chỉ bằng tình máu mủ mà còn bằng tổ chức nội bộ ( hương hỏa, tự điền, tộc trưởng, các bậc cha chú,...). Làng – họ được tổ chức như vậy có quy mô vừa phải để tổ chức việc tương trợ nhau trong hoạn nạn, khó khăn ( ốm đau, ma chay, cưới xin, gặp tai nạn,..) . Đó cũng là đơn vị để làm nghĩa vụ với nhà nước: đi phu, đi lính, nộp thuế. Khi có chiến tranh, làng có lũy tre bao bọc, với nền kinh tế tự túc, với lực lượng trai tráng được các bô lão chỉ dẫn, thành một chiến lũy. Thợ rèn, vạn chài,.. cũng tổ chức làng của mình, tuy không chặt chẽ bằng làng tiểu nông. Làng ổn định rất lâu dài. Những người xa quê hương lập nghiệp nơi khác, lại theo mô hình làng cũ xây dựng đất mới, có khi rước cả Thành Hoàng làng cũ để thờ. Làng là hình thức tổ chức để bám trụ đất cũ và ổn định, củng cố ở đất mới trên con đường Nam tiến, trên những khu doanh điền.

 

          Làng hình thành chắc đã từ rất xa xưa, nhưng có trải qua các đợt cải tổ gia cố. Chắc chắn có một thời gian làng - nhất là sinh hoạt văn hóa của làng - lấy ngôi chùa làm trung tâm. Rồi mới đến việc nhà Trần đặt Tiểu tư xã, Đại tư xã, lập Đình làng, vừa thờ Thành Hoàng vừa làm hành cung cho vua tuần du: làng thành đơn vị hành chính, liên kết lại dưới chính quyền trung ương tập quyền. Và sau nữa đến việc hoàn chỉnh các hương ước để  củng cố, ổn định, tổ chức nội bộ.

 

          Do vị trí của làng trong đời sống mà văn hóa có đơn vị là làng, có quy mô làng xã. Làng bỏ tiền xây dựng đình, chùa, tổ chức hội hè, trả công các buổi diễn tuồng chèo. Làng tổ chức việc học hành, các buổi làm văn bài. Tranh làng Hồ, hát quan họ không những có gốc làng mà còn là có quy mô làng, theo tầm mắt đời sống ở làng để chú ý đến cái gì và không chú ý đến cái gì. Ngay cả văn hóa cung đình cũng chỉ là sự tập hợp kĩ xảo của các làng.

 

          Văn hóa của ta phát triển càng rộng, ở nhiều vùng, nhưng quy mô, trình độ gắn với đời sống làng xã, chưa có sự chi phối của đô thị.

 

          4. Thực tế sản xuất và đấu tranh nói trên quy mô việc tổ chức làng - họ và thực tế đó qui định việc lựa chọn ý thức hệ. Không có một hệ tư tưởng tôn giáo hay triết học nào đã ra đời ở ta. Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và sau này Gia tô giáo đều từ ngoài du nhập vào. Trước tiên là Phật giáo từ Ấn Độ, về sau thì Tam giáo - kể cả Phật giáo - từ Trung Quốc vào giữ vị trí quyết định trong ý thức. trong Tam giáo, Nho giáo có thể là vào đồng thời với Phật giáo và Đạo giáo, thậm chí cũng có thể nghĩ nó vào trước cả hai tôn giáo kia theo thực trạng tư tưởng Nhà Hán ở Trung Quốc. Nhưng Nho giáo bắt rễ chậm vào cuộc sống. Nhà Lí bắt đầu xây dựng Văn Miếu, tổ chức nhà Thái học, mở khoa thi. Nhưng trong suốt đời Lí và đầu đời Trần, Nho giáo vẫn chịu lép vế so với Phật giáo, cả ở triều đình, cả ở trong đời sống xã hội. Cuối đời Trần sau chiến thắng Nguyên – Mông, đồng thời với ý đồ tổ chức bộ máy quan liêu to lớn, Trần Anh Tông mới dùng Nho sĩ vào vị trí then chốt của triều đình. Hồ Quý Ly dùng những biện pháp quyết liệt để giải tỏa ảnh hưởng của Phật giáo ( hạn điền, hạn nô, thi tăng ni, bắt nhà sư tòng chinh đánh Chiêm Thành). Đến khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh thì Nguyễn Trãi đã có thể tự do tổ chức đất nước theo mô hình Nho giáo. Lê Thánh Tông là người kế tục và hoàn thành công việc đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn. Như thế là Nho giáo có một thời gian dài tỏ ra không thích hợp với xã hội ta từ thế kỉ XIV, sau chiến thắng quân Nguyên – Mông và nhất là thế kỉ XV, sau chiến thắng quân Minh, dùng Nho giáo hay Phật giáo mới là yêu cầu thực tế. Thực tế nào cũng đặt ra yêu cầu như vậy? – Chính quyền tập trung và quốc gia thống nhất. Những việc đặt Đại tư xã, Tiểu tư xã, chia nước thành lộ, tổ chức bộ máy quan liêu phức tạp và cả việc Nhân Tông dùng Pháp Loa tổ chức Thiền Phái Trúc Lâm, Anh Tông sang thăm Chiêm Thành, gả công chúa Huyền Trân lấy hai châu Ô, Lí đều là những toan tính theo yêu cầu như vậy. Với yêu cầu thống nhất chính quyền quốc gia vào tay nhà vua, Phật giáo tỏ ra không ủ hiệu lực. Nho giáo với thuyết thiên mệnh, tư tưởng Trung Nghĩa, trật tự Phận vị mới giúp đắc lực cho việc quản lí quốc gia như vậy. Cho nên dùng Nho giáo không phải là do áp lực của quân xâm lược chiếm đóng mà do sự lựa chọn của các vị minh quân, lương tướng yêu nước, suy nghĩ nhiều về tương lai dân tộc.

 

          Nho giáo được lựa chọn như vậy có tác dụng tổ chức lại xã hội, nhất là về mặt chính trị. Tác dụng tổ chức đó biểu hiện rõ ở hai khâu: triều đình và làng xã. Ở triều đình nó dùng quan chế và nghi lễ xác đinh trật tự, uy nghi, đề cao quyền tuyệt đối của vua, đồng thời hướng dẫn một số mặt hoạt động, làm cho quốc gia trở nên có văn hiến, có quy mô. Ở làng xã, nó dùng lễ nghĩa củng cố trật tự trên dưới, dùng tình nghĩa củng cố gia đình, họ hàng và quan hệ đầy tớ. Nho giáo vạch rõ các quan hệ họ hàng, theo đẳng cấp theo chức vị, dùng lí luận và nghi lễ để thuyết phục, để trang sức và về sau pháp điển hóa trong gia lễ, trong hương ước, đó là tác dụng “đôn nhân luân, hậu phong tục” và với phương tiện chính quyền và giáo dục, Nho giáo rất đi sâu vào văn hóa tinh thần. Về mặt văn hóa, Nho giáo còn có một tác dụng khác: định hướng và sắp xếp các hoạt động tư tưởng, tôn giáo, nghệ thuật. Một mặt trong việc tế tự, nó chủ trương thờ cúng tổ tiên, và ở ngoài tế các chính thần, phá bỏ các dâm từ, quét bớt không ít mê tín nhảm nhí; nhưng mặt khác, với tư tưởng sùng thượng đạo đức, coi thường hoạt động khoa học, kĩ thuật, lấy chính đạo làm tiêu chuẩn phân biệt nhã nhạc và tục nhạc, lên án văn chương “tà, dâm”, cấm trai gái nhảy múa, hát xướng với nhau,.... cũng hủy hoại và làm thui chột không ít sáng tạo khoa học và nghệ thuật.

 

          Quốc gia thống nhất chính quyền tập trung ra đời sớm hơn nhưng những ý thức về thực tế và tương lai của cả dân tộc thì thật sự trưởng thành vào quãng nhà Trần – Lê. Đó là thời kì thử thách gay go, phát triển sôi động. Đó cũng là thời kì có những công trình tổng kết văn hóa, xuất hiện những nhân vật văn hóa kiệt xuất, hình thành văn học cổ điển. Cho nên cái vốn văn hóa tích lũy thành có bề dày là từ đó, mà đặc sắc dân tộc của văn hóa chắc cũng hình thành rõ nét ở đó. Nho giáo được lựa chọn vào thời điểm đó, các tác động mạnh ở hai khâu: triều đình và làng xã, thực chất cũng là toàn bộ cơ chế chính trị - xã hội lúc đó, nên có vai trò không thể chối cãi trong văn hóa dân tộc. Việc lựa chọn Nho giáo cũng nói lên một nét của bản lĩnh dân tộc. Dân ta có tinh thần kiên cường chống sự xâm lược của Trung Quố, có tâm lí ghét Tàu, nhưng đối với văn hóa Hán, lúc bấy giờ thích hợp với sự phát triển của mình, thì sẵn sàng tiếp nhận, không bài xích. Trong một thời kì huy hoàng như vậy, sức sáng tạo cũng dốc vào học tập, ứng dụng đuổi kịp người, chứ không tạo các quy mô có tính phô trương. Đó là tinh thần thiết thực và linh hoạt.

 

          Nho giáo với lí luận và nghi lễ, văn hóa một con người của gia đình, của họ hàng, làng nước, quan tâm đến trách nhiệm với gia đình, họ hàng, nghĩ đến cha ông, lo cho con cháu, và trách nhiệm với nhà nước, mà ít chú ý đến đời sống thật sự xã hội. Nho giáo cũng bồi dưỡng nên một nhân vật văn hóa là nhà Nho, với hình ảnh cụ thể là ông đồ, chăm lo học hành, coi trọng văn hóa, văn chương nhưng không phải là người làm học thuật, người làm nghệ thuật mà chỉ là người noi gương thánh hiền giữ đạo đức đến sống gò bó, ngụy biện; lo học thuộc sách vở, mở miệng là lời kinh sử, lấy nó bàn suông mọi chuyện trên đời. Thầy đồ là một nhân vật văn hóa của nông thôn, của làng xóm, không thích ứng được với đô thị.

 

          5. Cái vốn có theo Phật giáo và Nho giáo phát triển thêm, định hình thành một số quan niệm sống, quan niệm về lí tưởng, về cái đẹp chi phối các sáng tạo văn hóa.

 

          Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo. Họ coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bên kia. Không phải người Việt Nam không mê tín, họ tin có linh hồn, có ma quỷ, thần phật. Nhiều người thực hành cầu cúng. Nhưng về tương lai, họ lo cho con cháu hơn là linh hồn của mình. Tuy coi trọng hiện thế nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết ( sống gửi thác về). Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sỏ hữu không phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ được mãi mà hưởng được. Người ta mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu, ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực, yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người. Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa. Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng cũng không thượng võ. Đâu đâu cũng có những đền thờ những người có công đức - chủ yếu là có công chống ngoại xâm – nhưng không một anh hùng xuất chúng, một võ sĩ cao cường nào được lưu danh. Trong tâm trí nhân dân thường có Thần và Bụt mà không có Tiên. Thần uy linh bảo quốc hộ dân và Bụt hay cứu giúp mọi người; còn Tiên có nhiều phép lạ, ngao du ngoài thế giới thì xa lạ. Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết đủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt đế cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.

 

          Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng cái vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng. Giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình hợp lí, áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải.

 

          Không có công trình kiến trúc nào, kể cả của vua chúa, nhằm vào sự vĩnh viễn. Hình như ta coi trọng Thế hơn Lực, quý sự kín đáo hơn phô trương, sự hòa đồng hơn rạch ròi trắng đen. Phải chăng đó là kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc?

 

          Nhìn vào lối sống, quan niệm sống, ta có thể nói người Việt Nam sống có văn hóa, người Việt Nam có nền văn hóa của mình. Những cái thô dã, những cái hung bạo đã bị xóa bỏ để có cái nền nhân bản. Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực linh họat, dung hòa. Không có khát vọng để hướng đến những sáng tạo lớn mà nhạy cảm, tinh nhanh, khôn khéo gỡ các khó khăn, tìm được sự bình ổn.

 

Những cái vừa nói là những cái đã lắng đọng, đã ổn định, chắc chắn là kết quả của sự dung hợp cái vốn có, của văn hóa Phật giáo, của văn hóa Nho giáo, cái được dân tộc sàng lọc, tinh luyện để thành bản sắc dân tộc của mình. Phật giáo, Nho giáo tuy tư ngoài du nhập vào nhưng đều để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc. Có điều, để thích ứng với cái vốn có, Phật giáo không được tiếp nhận ở khía cạnh trí tuệ, cầu giải thoát, mà Nho giáo cũng không được tiếp nhận ở khía cạnh nghi lễ tủn mủn, giáo điều khắc nghiệt. Đạo giáo hình như không có nhiều ảnh hưởng trong văn hóa nhưng tư tưởng Lão – Trang thì lại ảnh hưởng nhiều đến lớp trí thức cao cấp, để lại dấu vết khá rõ trong văn học. Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hóa không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa các giá trị văn hóa bên ngoài. Về mặt đó, lich sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh.

 

III

 

1. Chúng ta xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa từ cái vốn văn hóa truyền thống có tính nông nghiệp, làng xã và “phương Đông”. Quãng cách phải khắc phục thật xa. Các vấn đề phải được giải quyết để xây dựng cái mới hết sức nhiều, hết sức phức tạp. trong các vấn đề đó có chuyện tìm đặc sắc văn hóa dân tộc. Trong ba lần đụng độ với văn hóa Trung Quốc, văn hóa Pháp, văn hóa Hoa Kì, văn hóa của dân tộc ta vẫn giữ được bản sắc, không bị đồng hóa, hơn thế còn thành một sức mạnh tinh thần bảo vệ độc lập. Nay chúng ta bước vào một khuc ngoặt vĩ đại của lịch sử, không thể không làm công việc tự ý thức, tự phê phán nó. Nhưng việc tìm đặc sắc văn hóa dân tộc có ý nghĩa gì? Và cái đặc sắc mà ta tìm ra sẽ được sử dụng như thế nào trong nền văn hóa tương lai?

 

Nền văn hóa mà ta định xây dựng là vừa xã hội chủ nghĩa vừa Việt Nam hay vừa dân tộc vừa hiện đại? Hiện đại và xã hội chủ nghĩa không phải là đồng nghĩa. Xã hội chủ nghĩa thì nhất định là hiện đại, nhưng chủ nghĩa tư bản cũng hiện đại. Với từ “hiện đại” tôi muốn nhấn mạnh sức sản xuất, trình độ tổ chức xã hội, quy mô thông tin, giao lưu văn hóa, tốc độ phát triển khoa học kĩ thuật, những điểu kiện của thế giới ngày này mà xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa đều chung nhau. Trong điều kiện giao lưu rộng rãi – không những vì nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa quốc tế vô sản, tính quốc tế quan trọng hơn, quyết định hơn tính dân tộc, mà còn vì thực tế của thế giới ngày nay cái gì cũng nhanh chóng có tính thế giới, có tính nhân loại. Từ tình trạng phát triển còn thấp đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta tìm cho văn hóa của ta cái trước hết là tính hiện đại, quốc tế, xã hội chủ nghĩa hay là tính dân tộc? Ta nên phát huy khả năng truyền thống du nhập và linh hoạt ứng dụng để nhanh chóng có cái hiện đại hay tìm tòi từ đặc sắc dân tộc tạo lập cái của mình? Trong việc hình thành nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cũng như bất cứ công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa nào khác, phải là kế hoạch hóa, nên tính toán nền văn hóa có tính xã hội chủ nghĩa thì tự khắc dễ dang mang hình thức dân tộc sẵn cho từng mặt xây dựng văn hóa để cuối cùng ráp lại mà có văn hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

 

Cần tìm hiểu đặc sắc văn hóa dân tộc và xây dựng một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa có đặc sắc dân tộc, nhưng trong tương quan toàn bộ không nên làm cho việc đó thành sùng cổ, thành dân tộc chủ nghĩa, làm cho đặc sắc dân tộc thành một thứ hàng rào ngăn cản cái hiện đại, cái thế giới cũng không phải hay cả, nhưng nếu dùng cái dân tộc đóng cửa chính lại thì cái dở nhât của nó sẽ chui vào cửa sổ.

 

2. Văn hóa truyền thống của ta là tốt đẹp. Và trong tương lai, biết đâu cái màu sắc dịu dàng, tươi mát, cái không khí thanh bình của nó lại không phải là nơi cần tìm đến trong cuốc sống căng thẳng của nền sản xuất hiện đại. Thế nhưng, trước mắt nó lại có những chỗ khác đến đối lập với văn hóa xã hội chủ nghĩa: nông nghiệp chứ không phải công nghiệp; làng xã chứ không phải đô thị, không phải thế giới; gia đình và nhà nước chứ không phải là xã hội; cho nên quá trình gia nhập của nó vào đời sống xã hội chủ nghĩa không suôn sẻ. Bởi vậy, hiểu đặc sắc - cả mặt hay và mặt dở - là dự kiến của con đường phát triển, ý thức đầy đủ về điểm xuất phát của thời quá độ, để giải quyết vấn đề để lại hay xóa bỏ, phát triển hay hạn chế và tìm những hình thức trung gian để dẫn dắt và lót ổ cho văn hóa truyền thống thích ứng với điều kiện mới để mở đúng cửa cho cái mới ra đời.

 

Hiểu đặc sắc văn hóa dân tộc còn là giải phóng cho sức sáng tạo, nói đúng hơn là tìm phương hướng vun xới cho sức sáng tạo. Trong nền văn hóa cũ, sức sáng tạo của ta thường không khỏi khuynh hướng tiểu kĩ, ứng dụng, thiếu những sáng tạo lớn. Đó là con đẻ của tinh thần thiết thực. Trong tương lai, đó là một nhược điểm. Đổi thay được nhược điểm đó chắc chắn không phải là dễ dàng. Cũng khó mà kế hoạch hóa việc sáng tạo. Ta chỉ có thể chờ đợi điều đó ở những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, và ở nền sản xuất. Tổ chức xã hội chủ nghĩa mang sẵn khả năng sản sinh ra họ.

 

Tháng 1 năm 1986

Nguồn: Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996

Danh mục website