Tên cây hiếm gặp đã đi vào đỊa danh Nam Bộ

Ở Nam Bộ có hàng chục cây thuộc loại hiếm tùy theo vùng. Cho nên khái niệm hiếm cũng tương đối.

Bảy Thưa là khu rừng to án ngữ phía nam Láng Linh, thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang xưa, là căn cứ chống Pháp của Trần Văn Thành từ năm 1867 đến 1873. Bảy Thưa còn là tên rạch ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Bảy Thưa là “loài cây thuộc họ mãng cầu mọc ở vùng nước nổi, bông dài như bông dâu, trái tròn”.

Bàu Sàng là ấp của xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Bàu Sàng có âm gốc Bàu Xàng, là cái bàu có mọc nhiều cây xàng. Xàng là loại cây lớn, lá rụng theo mùa, nhánh non có lông, quả nhân cứng dài 3-4cm, có 5 rãnh.

Bìm Bìm là kinh xã Bình Trung, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, dài 2km, rộng 20m. Bìm Bìm là “dây cỏ hay leo rào, hột nó là hắc sửu, dùng làm thuốc hạ”.

Bình Bát là rạch  ở xã Bình Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, dài độ 800m, rộng 2m. Bình Bát là “cây mọc hoang ở bờ ao, kênh, rạch,…có trái giống quả mãng cầu ta, nhưng ăn không ngon bằng”.

Bo Bo là kênh nối kinh Trà Cú Thượng và kinh Thủ Thừa, tỉnh Long An, dài 25km, rộng 15m, sâu 2,5m, đào trong các năm 1929-1931. Hai bên kênh còn có một hệ thống kênh đào vuông góc với kênh trục, dài 5-10km, rộng 10m. Nhờ các kênh này hình thành 40.000ha trồng thơm, mía và giao thông tiện lợi. Bo Bo là “cây cao lương”, trồng nhiều ở khu vực này.

Bố Heo là địa điểm ở trong núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Bố Heo có thể là khu có nhiều cây bố, có heo rừng sinh sống ở đó. Cây bố cũng gọi là cây đay, là “cây trồng thuộc loại thân cỏ, vỏ thân có thể tạo sợi dùng làm bao tải, dây buộc”. Có lẽ Bố trong  Bố Lá ở Bình Phước cũng là từ này.

Bồn Bồn là bưng huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cầu ở xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, dài 33m, cũng mang tên Bồn Bồn. Kênh ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cũng có tên Bồn Bồn. Viết nhầm Bòn Bòn. Bồn Bồn là cây “giống như cây cói dệt chiếu, cao 1-2m, lá dài hẹp. Hoa đơn tính cùng gốc (...), mọc khắp đầm lầy (...) trồng làm dưa”.

Bún Cồng là ấp cũ của xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Bún Cồng là hai loại cây. Cây bún có lá láng như lá mít; cây cồng có thể làm chày giã gạo.

Bưng Lùng là căn cứ nằm ở thung lũng giữa núi Ôn Trịnh và núi Dinh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong các năm 1961-1967, đây là nơi nương náu để bảo toàn lực lượng của Quân giải phóng. Bưng Lùng: vì nơi đây có nhiều cây lùng (cây dong riềng). Lùng là “loại cây có bẹ ôm lấy thân, vỏ được chẻ làm dây”.

Bưng Lùng, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Bưm là rạch ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Trong tỉnh nay còn có kinh Bờ Bướm (huyện Bình Minh); đập Cây Bướm (huyện Vũng Liêm). Bướm là “loại cây có gai mọc ven bờ sông rạch, cao khoảng 3-4m, lá giống như lá cây mai, gai mọc ở dưới gốc dài khoảng 3cm nhưng trên thân thì gai ngắn còn khoảng 2cm. Gỗ thường được dùng làm cột nhà”.

Cà Bắp là rạch ở huyện Cần Giờ, TP. HCM. Cà Bắp có 2 từ: 1. “Cây đậu bắp, cây có quả trên thân, hình lục giác, trong có chất nhầy, dùng làm thức ăn”; 2. “Bộ phận non của lá dừa nước sắp trổ, cổ hình ngọn giáo”. Tên rạch ở đây có lẽ theo nghĩa 1.

Cà Dâm là cầu ở xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Cà Dâm cũng là kinh ở xã Thanh Mỹ, h. Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, dài 3-4km, rộng 15-20m, do Hội đồng Kiệu tổ chức đào năm 1915. Cà Dâm còn là rạch ở xã Vĩnh Lộc, h. An Phú, t. An Giang, dài 950m, rộng 2m, sâu 1m. Cũng viết Cà Dăm, Cà Giăm.

Cà Dâm là loại cây “gỗ nhỏ có màu nâu, thớ mịn, có thể đóng đồ đạc và làm nhà”.

Cà Dừa là rạch ở xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Cà Dừa cũng gọi là “cà bát, quả rất to, tròn, hơi dẹp”.

Cà Na là ấp của xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương và là rộc (dòng nước nhỏ) ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang, dài 1.600m, rộng 2m. Cà Na cũng gọi là trám, loại cây rừng to, trái dài bằng ngón tay cái, hai đầu nhọn, da xanh, cơm chua.

Cả Quao là cánh đồng ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Cả Quao có lẽ là biến âm của Cái Quao, nghĩa là “rạch cây quao”. Còn Cái Quao là huyện lỵ của huyện Duy Minh, tỉnh Vĩnh Long xưa, nay thuộc xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Cái Quao nguyên là rạch từ xã Phước Hiệp đến xã Bình Khánh Đông, dài 11,2km.

Cái Quao là “rạch quao”. Quao là loại cây mọc ven sông rạch, trái ra từng chùm, dài từ 20-30cm, hình cong và nhọn ở đầu như chiếc sừng trâu.

           Cái Nháp là kênh từ ngã 3 sông Bảy Háp đến ngã ba sông Cửa Lớn, tỉnh Cà Mau, dài độ 11km, rộng 70m, sâu 5m. Nơi tiếp giáp s. Cửa Lớn, dòng sông mở tới gần 100m, sâu  9m. Cái Nháp có lẽ là cách rút gọn Cái Bần Nháp, là “kênh cây bần nháp”. Bần Nháp là “chỗ có nhiều cây bần cao lớn, người ta có ý để cho có bóng mát”.

Tắc Ráng là ấp của phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Cả Ráng là ngọn (sông) ở xã Phú Thành B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Cả Ráng có lẽ là biến âm của Cái Ráng, nghĩa là “rạch cỏ ráng”. Còn Tắc Ráng có âm gốc là Tắt Ráng, nghĩa là “dòng nước để đi tắt từ nơi này đến nơi khác, hai bên có nhiều cỏ ráng – loại cây sống dưới nước, cọng dài, lá dài, dùng làm chổi”. Tại nơi đây, năm 1959, ông Dương Văn Năm là người đầu tiên sản xuất ra loại xuồng nhỏ, chạy rất nhanh, sau người ta lấy tên nơi sản xuất đặt tên cho sản phẩm theo phương thức hoán dụ.

Cây Bướm là rạch ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh, nối rạch Mương  Bằng với rạch Ông Viễn, tỉnh Long An. Cây Bướm có lẽ là cách nói gọn cây bướm bạc, loại cây cao 6-7m, có lông ở nhánh non, lá dài chót nhọn, hoa đơm chùm ở đọt, trái có nhiều hột.

Cây Cách là cống ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Cây Cách là cây thuộc loại cỏ roi ngựa, dạng thân mộc, sống nhiều năm, thân lúc nhỏ màu xanh, chuyển dần sang màu nâu đen, cao 5-6m, gỗ vàng nhạt có mùi thơm dịu, lá dài 10-15cm, rộng 5-10cm, cuống lá dài 5-8cm, hoa mọc thành cụm, trái tròn, bóng, to bằng hột tiêu, khi chín màu xanh đen.

Cây Cám là kinh ở phường Bến Nghé, quận 1, thành phố HCM, do kỹ sư Bovet đề xuất đào năm 1867, bị lấp năm 1892. Cây Cám còn là khu rừng ở làng Bình Đức, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, thành phố HCM; năm 1960, vẫn còn bạt ngàn. Năm 1962, quân đội VNCH phá rừng, lập căn cứ thủy quân lục chiến, nay là căn cứ Quân đoàn 4. Cây Cám là loại cây, mọc cạnh kinh, lá và trái có phấn mịn như cám.

Cây Chóc là rạch ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Cây Chóc: có hai khả năng 1. Tên một giống cỏ mọc dưới nước: rau chóc; 2. Tên một thứ cây có củ: củ chóc.

Rạch Cóc là cầu trên tỉnh lộ 877B, bắc qua rạch Cóc, ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiến Giang. Cũng viết Rạch Cốc. Rạch Cóc là rạch có “cây thuộc họ tràm, vỏ thường được phơi khô để làm thuốc nhuộm, lá được dùng để nấu canh chua hoặc ăn trong những món lẩu”.

Cây Chôm là kênh ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, dài 3.920m. Cây Chôm còn là rộc (xẽo nhỏ) ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Cây Chôm có dạng gốc Cây Trôm, là “loại cây to, lá giống lá gòn nhưng tới 7 phiến; hoa đỏ không cánh (…); cây tiết ra mủ trong, đặc, ăn mát”.

Cây Cui là ấp của xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Cây Cui còn là rạch ở xã Phước An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và là tắt ở xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP. HCM, nối sông Soài Rạp với sông Vàm Sác, dài độ 1.200m.

Cây Cui là “loại cây to, lá đơn một phiến cứng, giòn, bề trái màu bạc có vảy nhỏ, chùm tụ tán ở nách, nhị đực trên hùng đài, quanh hùng đài có đĩa mật, một hột”, cũng gọi là cây huỳnh long.

Cây Điệp là ấp ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Cây Điệp còn là ngã ba ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cây Điệp là loại cây có lá giống con bướm.

Gò Chai là bến phà vượt sông Vàm Cỏ Đông, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Gò Chai là có nhiều cây chai mọc. Chai là loại cây cho mủ đóng cục, nấu chảy để thắp, đốt.

Choại là rạch ở xã Long Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Choại, thường bị nói chệch thành Chại, là loại dây hay mọc theo đất bưng, chịu mưa nắng, thường dùng để bện đăng.

Chòi Mòi là ấp ở xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Chòi Mòi cũng là tên của cầu nằm trên tỉnh lộ 905, bắc qua sông Chòi Mòi, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, xây trong năm 1996-1997, dài 38,70m, rộng 4m. Chòi Mòi là loại cây thân to, cao 1-7m, quả kết thành chùm, có vị chua, ăn rất ngon.

Cây Gừa là ấp của xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Mương ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cũng mang tên Cây Gừa. Cây Gừa là “một loại cây hoang, được người chơi kiểng xem như một loại cây kiểng, mọc phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, rễ chùm, lá nhỏ, xanh mượt, cây dày lá và nhiều rễ thòng”.

Xẻo Mác là rạch ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Mác là một “loại rau cỏ sống dưới nước, cọng dài, lá hình trái tim, ăn được”.

Cây Mấm là cầu ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, dài 30m. Cây Mấm có âm gốc là Cây Mắm, là “thứ cây nhỏ lá, người ta hay dùng mà làm trụ rào”.

Cây Mét cầu, ấp của xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và rạch ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cây Mét là loại cây hay mọc ven sông rạch (NTA).

Cây Trường là địa điểm ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Cây Trường là loại “cây rừng to, tàn lớn, lá cứng giòn, hoa đều tứ phần, 8 tiểu nhị, trái đỏ có gai mềm, cơm ngọt hoặc chua, hột to”.

Chêu Lêu là xóm ở ấp Văn Đức, xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Chêu Lêu cũng gọi là Chiêu Liêu, là loại cây lớn, cao độ 20m, trái như quả khế nhỏ 4x5cm.

Chim Chim là mũi đất ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Chim Chim còn là tên ngã ba thuộc xã Đông Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Chim Chim là “tên cây có lá 5 chia, vỏ gọi là ngũ gia bì; vị thuốc đau mình”.

Chưn Bầu là kênh nối các xã Phú Hà-Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, dài 800m, rộng 1m, đào năm 1985. Chưn Bầu là loại “cây to từ 10 đến 15m, thường được trồng ở bờ ruộng để làm ranh và lấy củi, thân có nhánh nhọn, lá mỏng cứng, hoa nhỏ vàng, trái có bốn cánh và có tính chất trị sán lãi”.

           Cò Ke là kênh ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, dài 1km, rộng 6-8m, đào trước năm 1975. Cò Ke có hai loại: 1. “Loại dây leo, cũng gọi là dây mèo, lá có răng cưa mịn, hoa trắng đực, cái và lưỡng phái lẫn lộn, trái tròn bằng đầu đũa, da láng, ăn được”. 2. “Loại cây đứng nhỏ, thân có lông, lá có khía sâu ở đầu, đài lá rời, hùng thư đài rất ngắn, hoa trắng, trái chín trỗ đen ăn được; rễ chế thuốc ho, đau bụng, sốt”.

Cỏ Ống sân bay ở Côn Đảo. Cỏ Ống là loại cỏ thân bộng có đốt, lá mốc, củ cứng, sống dai dưới đất sâu.

Cỏ Xước là lộ ở ấp Cỏ Xước, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, dài 3km. Cỏ Xước cũng viết Cỏ Sướt, là thứ “cỏ cao lối 1m, thân và lá có lông, hoa đỏ, năm lá dài (…), dùng chế thuốc lợi tiểu tiện và trị tê thấp, cầm máu”. Génibrel cũng viết cỏ xước.

Cả Găng là ấp của xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Cả Găng có âm gốc là Cái Găng, là dòng nước có nhiều cây găng. Găng là “thứ cây lúp xúp có gai, hay mọc theo đất giồng, có trái tròn tròn mà có khía”.

Gùi là đảo thuộc quần đảo Hải Tặc, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Gùi còn là rạch ở vùng Cần Giờ. Bản đồ 1885 đã có tên rạch này. Cũng viết  Guồi. Gùi là loại cây rừng, lá nhỏ, hoa vàng, trái tròn, nhiều múi.

Làu Táu là ấp của xã Trung Lập, quận Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa trước 30-4-1975, nay thuộc tp. HCM. Về sau, chia làm hai ấp Lào Táo Thượng và Lào Táo Trung. Lào Táo  là cách viết sai chính tả của làu táu. Làu Táu còn là mương ở các xã Nhơn Hiệp, Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, dài 1.100m, rộng 2m, đào năm 1985. Bị viết sai thành Làu Táo. Làu Táu là loại cây rừng to lớn, dùng làm nhà.

Bàu Nâu là rạch ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, dài 17km. Bàu Nâu còn là ấp của xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Giồng Nâu là ấp của huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre và là giồng ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nâu là một loại “dây leo, củ có màu đen dùng nhuộm vải”.

Xẻo Nga là rạch ở xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, dài 2.100m, rộng 18-20m, sâu 1,6-3m. Xẻo Nga là “dòng nước nhỏ có cây nga”. Nga là từ gọi tắt của nga truật, một loại “củ ngải, vị thuốc trị bệnh huyết ở phần khí, vị cay và đắng, khí âm”.

Cái Nhút là rạch ở xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Thường viết nhầm Cái Nhúc. Cái Nhút còn là sông ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Cái Nhút là “rạch có nhiều rau nhút”, một loại rau mọc trên mặt nước.

Già là rạch ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố HCM, dài độ 1.500m. Già có âm gốc là , loại cây l, vỏ màu nâu đỏ, dùng để nhuộm vải, sợi thường để xảm thuyền.

Gò Ơi là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Gò Ơi là “gò có mọc nhiều cây ơi, một loại cây có hạt dùng làm thức uống giải nhiệt, hay mọc trên đất giồng”.

Rạch Rum là kênh ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Rạch Rum là “rạch có nhiều cây rum”. Rum có “màu tím điều” và là “tên thứ cây có màu tím điều”.

Cây Sắn là kênh ở xã Tân Hưng, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, dài 2.500m, rộng 25-32m, sâu 3-3,5m. Cây Sắn cũng là tên rạch ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Cây Sắn là “cây cùng họ với thầu dầu, thân thẳng mang nhiều sẹo lá, lá có cuống dài, phiến xẻ hình chân vịt, rễ có chứa nhiều tinh bột, dùng để ăn”.

Gò Sầm là địa điểm ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Gò Sầm có dạng gốc là Gò Sằm, “tên chỗ đất cao, sằm mọc vô số, thuộc hạt Phước Tuy”. Sằm là “loại cây rừng to thuộc loại gỗ tạp”.

Sò Đo là ấp của thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sò Đo là “tên cây hay mọc theo đất rẫy”.

Sọ Khỉ là rạch ở tỉnh Vĩnh Long. Sọ Khỉ là “cây có trái tròn giống như đầu con khỉ”.

Sống Rắn là kênh ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Viết nhầm Sóng Rắn. Sống Rắn là “thứ cây nhỏ có nhiều tượt, mình uốn khúc, giống cái xương sống con rắn”.

Cây Su là rạch ở tỉnh Vĩnh Long. Có người viết Cây Xu. Cây Su là loại “cây rừng sác, giống cây ổi, xuống đất lâu mục, người ta hay dùng mà làm nọc, cừ” (HTC).

Cây Sứa là giồng ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Cây Sứa có nhiều loại: sứa gió (lớn, người ta hay ăn), sứa chén (nhỏ, người ta hay ăn), sứa ma (loại sứa nhớt mà độc), sứa lửa (thứ sứa vàng vàng hoặc đỏ như màu lửa – ngứa lắm) (HTC).

Tóc Tiên là núi ở xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cao 432m. Tóc Tiên là loại dây leo nhiều nhánh quấn lấy nhau, lá kép mành có nhiều khía hẹp và sâu, hoa đỏ, lá và đọt ăn được.

Láng Thé là cánh đồng ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP. HCM. Rạch ở tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh cũng mang tên cây này. Láng Thé là “vùng đất thấp, thường ngập nước có nhiều cỏ thé”.

Gò U là kênh ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, dài 620m, rộng 3m, sâu 0,8m. Ở tỉnh này, tại huyện Long Hồ có rạch Cây U. Gò U là “gò có nhiều cây u, một loại cây hay mọc nơi thấp ven bờ sông rạch, tên đầy đủ là u vu”.

Cái Vầng là cù lao ở tỉnh An Giang. Cái Vầng là “sông/rạch có cây vầng”, thứ cây tạp, vỏ có mủ giống như mủ xoài, lá non, người ta dùng như rau sống, gọi là rau vầng.

Vòi Voi sông ở xã Tân Long Hội, h. Mang Thít, t. Vĩnh Long, dài 2.125m, rộng 43m, sâu 9m. Vòi Voi là “thứ cây cỏ nhỏ có bông dài cùng cuốn lại như cái vòi voi”.

Cần Thăng là cầu ở tỉnh Bạc Liêu. Cần Thăng còn là rạch ở phường 6, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Cần Thăng là loại cây cao đến 15m, nhánh ngang, trái to bằng trái mít.

Củ Chụp là đồi ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Cũng gọi đồi Bằng Lăng. Củ Chụp là loại cây có củ ăn được, mọc nhiều ở đồi này. Sở dĩ gọi là củ chụp vì muốn đào loại củ này, người ta phải dùng “cây đào đất hình cái rọ, đào bằng cách chụp xuống lôi đất lên, rồi lấy củ lên theo cái chụp”.

Dừng xẽo ở huyện An Phú, tỉnh An Giang và cũng là xẽo ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Dừng là loại cỏ cao 0,6-1m, lóng dài 5-15cm, rễ trị bệnh đau mắt. Xẽo Dừng là dòng nước nhỏ có nhiều cây dừng.

Đầm Đót là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đầm Đót là đầm nước có mọc nhiều cây đót. Đót là loại cây nhỏ cộng nhiều bông, thường dùng làm chổi quét nhà.

Kén là xẽo  (dòng nước nhỏ) ở xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Xẽo Kén là “dòng nước nhỏ, có mọc nhiều cây kén, một loại cây có lá xanh, trái chín như trái hồng đào”.

Săng Máu là cầu nằm trên tỉnh lộ 910, bắc qua rạch Săng Máu, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, xây trong năm 2004, dài 30m, rộng 2,5m. Có người viết sai chính tả là Săn Máu. Săng Máu còn là suối ở phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, dài 6km, rộng 3-4m.

Săng Máu là một trong những loại săng thường mọc ở đất rừng, ven sông rạch, mủ cây màu đỏ như máu.

Cây Sống Rắn là giồng ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Cây Sống Rắn là “thứ cây nhỏ có nhiều tượt, mình uốn khúc giống cái xương sống con rắn.

Cây Sộp là ấp của xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, thành phố HCM. Cũng viết Cây Sợp. Cây Sộp còn là tên cầu ở tỉnh Bạc Liêu, kênh ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, rạch ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Cây Sộp là “loại cây to, lá xanh sậm mọc chùm dày, đọt trắng, hơi chua và chát”. Cây sộp thường được dân gian xếp vào hàng tứ trụ (sanh, si, sung, sộp) đại diện cho sự giàu sang, trường thọ.

Cây sộp thường được dân gian xếp vào hàng tứ trụ (sanh, si, sung, sộp) đại diện cho sự giàu sang, trường thọ.

Cây Su là rạch ở tỉnh Vĩnh Long. Có người viết Cây Xu. Cây Su là loại “cây rừng sác, giống cây ổi, xuống đất lâu mục, người ta hay dùng mà làm nọc, cừ”.

Cây Sứa là giồng ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Cây Sứa có nhiều loại: sứa gió (lớn, người ta hay ăn), sứa chén (nhỏ, người ta hay ăn), sứa ma (loại sứa nhớt mà độc), sứa lửa (thứ sứa vàng vàng hoặc đỏ như màu lửa – ngứa lắm).

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ, HN, Nxb KHXH, 2007.

-Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.

-Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.

 

Nguồn : Kiến thức ngày nay, số 909, ngày 10-11-2015, tr. 20-23.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website