Nghiên cứu - phê bình văn học hậu hiện đại ở Việt Nam: Những diễn giải và quan niệm

Khái niệm “hậu hiện đại” và “chủ nghĩa hậu hiện đại”, bản thân chúng đã chứa đựng những vấn đề hết sức phức tạp, tạo ra những cuộc tranh luận trong suốt gần nửa thế kỷ qua giữa các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nghệ sĩ trên thế giới. Khi được áp dụng vào Việt Nam, số phận của chúng cũng không được “thuận buồm, xuôi gió”. Tìm hiểu hoạt động nghiên cứu, phê bình hậu hiện đại trong lĩnh vực văn học mới thấy hết được sự gian khó của cái mới để tồn tại, khi nó phải đối diện với những thái độ ứng xử rất khác nhau, và không phải bao giờ cũng có sự công tâm và sự khách quan khoa học. Thời gian là người thầy của các sự kiện, câu trả lời về hậu hiện đại và tất cả những gì là nội hàm và ngoại diên, tất cả những gì bao bọc lấy khái niệm này sẽ có câu trả lời ở tương lai, một tương lai gần. Nhưng tất cả chúng ta đều buộc phải thừa nhận rằng, cả trên thế giới và ở Việt Nam, hậu hiện đại đã đem đến một nhận thức mới, một luồng sinh khí mới cho đời sống, trong đó có cả cho đời sống văn hóa, văn học.

1. Lịch sử nghiên cứu – phê bình văn học hậu hiện đại ở Việt Nam

      Tìm hiểu lịch sử hiện diện của từ “hậu hiện đại” ở Việt Nam, dĩ nhiên là phải tính đến sự xuất hiện của từ này cùng những nội dung của nó. Và chắc chắn, từ “hậu hiện đại” chỉ có thể xuất hiện trong văn bản vào những năm cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, chúng tôi muốn mở rộng sự tham khảo của mình đến những năm trước 1975, ở Miền Nam Việt Nam, trong một điều kiện xã hội gần gũi hơn với Phương Tây, đã có nhiều nhà nghiên cứu bước đầu tiếp cận với hậu hiện đại, mặc dù trong các công trình của họ chưa gọi đầy đủ khái niệm này. Vào năm 1969, trên Tạp chí Tư tưởng, số 6 của Viện đại học Vạn Hạnh, đã có hai bài nghiên cứu của Phạm Công Thiện và Tuệ Sĩ về triết học “cơ cấu luận” của Levi – Strauss, Jacques Derrida và Michel Foucault. Đây là những nhà khoa học nổi tiếng có vai trò trực tiếp, hoặc có sự kết nối với việc hình thành lý thuyết hậu hiện đại thế giới. Phạm Công Thiện trong bài viết của mình Sự thất bại của cơ cấu luận – Phê bình Levi – Strauss và Jacques Derrida đã nhấn mạnh đến yếu điểm của cơ cấu luận khi nó chấp nhận “sự đánh mất trung tâm: tư tưởng về cơ cấu tính của cơ cấu (la structuralité de la structure) được phục hồi qua sự thất bại của một trung tâm điểm” [tr. 85]. Việc  phân tích về sự hạn chế của “cơ cấu luận” (hiện nay dịch là cấu trúc luận) mà Phạm Công Thiện đã thực hiện, như chúng ta hiểu, là một trong những thao tác quan trọng đầu tiên của chủ nghĩa hậu cấu trúc và hậu hiện đại tiến hành để cất lên tiếng nói của mình. Tuệ Sỹ trong bài viết Cơ cấu ngôn ngữ của Michel Foucault đã nhận xét triết học của Foucault là: “đoạn tuyệt với một thế giới ở đó con người thực sự đã biến mất, ở đó chỉ có gió, đêm tối và ma quái nói chuyện” [tr. 97]. Thông qua sự so sánh các quan niệm của Foucault với triết học của Hume, Tuệ Sỹ đã từng bước chỉ rõ những đóng góp của nhà triết học Pháp về những phát hiện mới của bản chất của ngôn ngữ, ý muốn giải thoát ngôn ngữ khỏi sự áp đặt có tính chuyên chế, toàn trị. Nhìn chung, cả hai bài viết đều chú tâm vào những vấn đề triết học hiện đại, do vào thời điểm này ở Phương Tây, lý thuyết hậu hiện đại còn đang thời kỳ được tạo dựng và cũng chỉ bắt đầu được phổ biến ở một số quốc gia. Tuy nhiên, tinh thần phê phán hiện đại là điều khá rõ ở hai bài viết, vì vậy, chúng có tính gợi ý về một xu hướng thay thế, mà sau này chúng ta được biết với tên gọi “hậu hiện đại”.

      Ở Việt Nam, khái niệm “hậu hiện đại” lần đầu tiên được đề cập đến trong nghiên cứu văn học là bài viết Từ văn bản đến tác phẩm văn học và giá trị thẩm mỹ của Trương Đăng Dung, được công bố lần đầu trên Tạp chí Văn học, số 11, 1995, sau đó được tác giả đưa vào công trình Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1998. Tính chất tiên phong về tư tưởng nghệ thuật của tác giả thật đáng khâm phục (nhất là trong thời điểm bấy giờ). Trong bài viết, Trương Đăng Dung đã đưa ra những nhận thức mới trong thực thực tiễn lý luận Việt Nam. Tác giả đã ứng dụng những tri thức lý luận Phương Tây (triết học, mỹ học, văn học…) vào quá trình diễn giải mối quan hệ giữa văn bản – người đọc và khẳng định sự tạo nghĩa chỉ có thể có được thông qua hoạt động tiếp nhận (quá trình cụ thể hóa văn bản) của người đọc. Phần cuối bài viết, tác giả nhận định, giá trị tác phẩm nghệ thuật của các thời đại, trong đó có tác phẩm hậu hiện đại, được tồn tại nhờ các giá trị thẩm mỹ: “Một tác phẩm có giá trị văn học lớn nhất là tác phẩm theo thời gian vẫn tạo ra nhiều ấn tượng thẩm mỹ, nghĩa là tác phẩm đó luôn ẩn chứa tiềm năng thẩm mỹ. Có những tác phẩm trong nhiều trường hợp, ở mọi giai đoạn lịch sử, có giá trị thẩm mỹ chẳng những không mất đi mà còn định hình thành chuẩn mực cố định. Cách gọi, cách đánh dấu những tác phẩm quá khứ thuộc về một trào lưu, phong cách hay xu hướng văn học, nghệ thuật nào đó như nghệ thuật Phục Hưng, Barốc, lãng mạn, hiện đại, hậu hiện đại, thậm chí hiện thực xã hội chủ nghĩa… là cần thiết. Nhưng việc đó không phải là sự đánh giá mà chỉ là sự ghi nhận vị trí lịch sử của tác phẩm đã từng được hệ thông quy ước của thời đại đó coi là tác phẩm của nó mà thôi. Giá trị thẩm mỹ sẽ là tấm hộ chiếu quyết định để tác phẩm văn học của thời đại này bước sang thời đại khác và tiếp tục chịu sự đào thải, lựa chọn thông qua hệ thống thẩm mỹ quy ước của thời đại mới” [tr. 41,42].

      Sau bài viết của Trương Đăng Dung, khái niệm “hậu hiện đại” được đề cập đến là ở ấn phẩm Văn hóa nghệ thuật thế kỷ XX  những hiện tượng – trào lưu –  nhân vật tiêu biểu trong 100 năm qua, Nguyễn Nam và Lê Huy Khánh biên soạn (Nhà xuất bản Văn học, 1999). Theo các tác giả, trào lưu nghệ thuật hậu hiện đại được xem là một trong số 100 hiện tượng văn hóa nghệ thuật đặc trưng của thế kỷ XX, ra đời vào những năm cuối 60 đầu 70, bắt đầu từ nghệ thuật kiến trúc, sau đó lan rộng ra các lĩnh vực khác. Trong đó, hậu hiện đại là một trào lưu gắn liền với một thời kỳ lịch sử mới của nhân loại: “Đó là thập niên 1970, khi thái độ “nhập cuộc” của hàng loạt văn nghệ sĩ không còn, khi diễn ra sự khủng hoảng về hệ tư tưởng, khi hàng loạt nghệ sĩ trên thế giới quay lưng lại chính trị để sáng tác một cách bình dị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức theo cách quen thuộc của công chúng. Thời kỳ này đồng thời cũng là thời kỳ hậu công nghiệp trong kinh tế và xã hội” [tr.179].

      Phải đến năm 2000 trở đi, từ “hậu hiện đại”, sau một thời gian dài vật vờ ngoài lề của tri thức Việt, mới bắt đầu được dùng phổ biến trong đời sống văn hóa nước nhà, được sự quan tâm hàng đầu của nhiều nhà nghiên cứu và diễn ra nhiều cuộc tranh luận với những ý kiến, quan niệm, xu hướng khác nhau. Trong năm này, Phương Lựu công bố bài viết Tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại trên Tạp chí Nhà văn, số 8, sau đó được đưa vào bộ sách Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lý thuyết (2003). Bài viết của Phương Lựu trực tiếp bàn về các vấn đề của chủ nghĩa hậu hiện đại, được xem như bước khởi động cho hoạt động nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, là tiếng nói chính văn góp phần xua đi sự e dè, ngần ngại của nhiều người trước “hậu hiện đại”.

      Năm 2001, nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu công bố chuyên luận Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh). Các tác giả được chọn đưa và chuyên luận đều là những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn từ những năm 80 của thế kỷ XX, những người được xem là kế tục phong trào Tiểu thuyết Mới của những năm 50, 60. Chuyên luận của Phùng Văn Tửu tuy chưa thật chú trọng vào lý thuyết và kỹ thuật tiểu thuyết, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc hệ thống và xác lập vị trí những nhà tiểu thuyết Pháp giai đoạn này, nhưng qua việc tiếp nhận, người đọc có được những hình dung về diện mạo và thành tựu của một số tác giả hậu hiện đại nổi tiếng của văn học Pháp như Robbe – Grillet, Le Clezio… Vào tháng 9 – 2001, trên Tạp chí Văn học, Nguyễn Văn Dân in bài tiểu luận Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm. Bài này về sau được chỉnh sửa và in lại trên Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3, 2002, được đưa vào bộ sách Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lý thuyết (2003). Đây là bài viết công phu, trích dẫn nhiều tư liệu, tranh luận nhiều về chủ nghĩa hậu hiện đại, tuy nhiên, người viết lại cho rằng hậu hiện đại chỉ là một khái niệm “rỗng”, không có thực!

      Năm 2003, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây phát hành bộ Văn học hậu hiện đại thế giới. Tập 1 Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lý thuyết có 7 bài viết của các tác giả Việt Nam, 3 bài của các nhà nghiên cứu trong nước và 4 bài của các nhà nghiên cứu người Việt định cư ở nước ngoài. Ba bài nghiên cứu trong nước đã được điểm qua ở phần trên, còn bốn bài của các tác giả định cư ở nước ngoài chúng tôi dành một mục riêng để bàn về những đóng góp của họ cho việc nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết hậu hiện đại ở Việt Nam.

       Năm 2004, công trình nghiên cứu nổi tiếng Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng Dung được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành. Công trình này gồm 3 phần, đã thâu tóm gần như toàn bộ những vấn đề cơ bản nhất của lý thuyết văn học hiện đại. Phần thứ nhất, tác giả đi vào trọng tâm là phân tích cấu trúc văn bản, xem xét văn bản từ các góc độ hình thức (hình thức như là thủ pháp), ký hiệu và chức năng thẩm mỹ, văn bản và vấn đề cụ thể hóa văn bản, gợi nên những cách hiểu mới về văn bản học và văn bản học văn học. Phần thứ hai lý giải về sự tồn tại của văn bản văn học, đặt văn bản văn học trong phạm trù thời gian lịch sử - xã hội để soi chiếu sự sống của nó như một hữu thể, được tạo ra để làm gì, ai cần và nó cần cho ai. Luận đề quan trọng nhất của phần này, ta có thể mượn hình thức diễn đạt của Heidergger để diễn tả: con người tạo ra văn học, nhưng cũng chính văn học đã tạo ra con người. Nếu nói ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể thì văn học là mái nhà, nó giữ lại trong ngôi nhà linh hồn của sự sống. Phần ba xem xét lại quan điểm truyền thống và bổ sung quan điểm hiện đại về lịch sử văn hoc, đưa ra nhận thức quan trọng: lịch sử văn học là lịch sử sống, nó khác với lịch sử của lịch sử học – lịch sử của cái đã chết, tính lịch sử của văn học nằm trong tính vận động của sự kiện (văn bản) nhờ quá trình tiếp nhận. Điều này nhấn mạnh rằng sự kiện lịch sử là cái bên ngoài, cái đã qua, còn tác phẩm văn học là cái bên trong, cái đang sống, sống cùng con người từ đời này sang đời khác. Bởi vậy, với tư cách là một bộ môn trong khoa nghiên cứu văn học, thì giới hạn chính của lịch sử văn học lại là giới hạn thời gian. Thời gian của lịch sử văn học là thời gian của sự kiện, chứ không phải là thời gian của người tiếp nhận. Cần phải đưa lịch sử tiếp nhận vào lịch sử văn học, chỉ khi đó lịch sử văn học mới có khả năng xem xét toàn diện và đầy đủ quá trình văn học, vì nếu chỉ dựa vào lý thuyết về sự sáng tạo của tác giả và lý thuyết nghệ thuật tác phẩm thì chưa thể thấy được hết bản chất của lịch sử văn học như một lịch sử sống. Vấn dề mà chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm khi tiếp cận công trình này là, toàn bộ ba phần của nó đều được tác giả đều được tác giả đặt trong một quá trình để nghiên cứu và diễn giải: từ hiện đại đến hậu hiện đại. Khả năng tư duy đặc biệt này đã tạo nên sự dồn nén về nghĩa của cuốn sách, nhưng lại tạo nên độ mở về tri thức tiếp nhận. Tác giả nhận định: “Có thể nói những thành tựu của lý luận văn học hiện đại thể hiện những bước tiến quan trọng trong việc khám phá văn bản nghệ thuật như là cấu trúc ngôn từ động. Nhưng đến lượt mình, tư duy lý luận văn học hậu hiện đại đã có những khám phá mới hơn về đặc trưng bản thể của văn bản nghệ thuật trong quan hệ với những yếu tố khác, với người tiếp nhận. Các lý thuyết hậu hiện đại (Giải cấu trúc) cho rằng nghĩa của văn bản văn học không ổn định, nó mang tính quan hệ và được tạo nên do một quá trình. Đối diện với khái niệm nghĩa đang tồn tại của lý luận văn học hiện đại là khái niệm nghĩa được thiết lập của lý luận văn học hậu hiện đại. Điều đáng lưu ý ở đây là nghĩa (nội dung) của tác phẩm văn học trong quan niệm lý luận văn học hậu hiện đại không mang tính văn bản, bởi vì tư duy lý luận hậu hiện đại không tin vào tính tự trị ngữ nghĩa của khách thể ngôn ngữ, vào khả năng của một đối tượng ngôn ngữ tổng thể. Tuy vậy, tư duy lý luận văn học hậu hiện đại lại thừa nhận ý nghĩa quan trọng của tính liên văn bản” [tr. 15,16].

       Cũng trong năm 2004, trong công trình Tự sự học – một số vấn đề lý thuyết, phần 1, Trần Đình Sử chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, bài viết Các kiểu truyện ngắn hậu hiện đại của Lê Huy Bắc đã hệ thống các phong cách truyện ngắn hậu hiện đại, tính đa dạng cũng như kỹ thuật viết đặc trưng của thể loại này. Ngoài ra, còn có các bài viết đáng chú ý khác, như Đổi mới ngôn ngữ và giọng điệu – một thành công đáng chú ý của văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Thị Bình; Kỹ thuật dòng ý thức qua Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh của Nguyễn Đăng Điệp; Cấu tứ tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp của Nguyễn Văn Tùng; Tự sự trong Cơ hội của Chúa – cách tân và giới hạn của Trần Văn Toàn… đã lý giải về những cách tân của tiểu thuyết theo tinh thần hậu hiện đại

       Năm 2005, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8 in bài Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu hiện đại của nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh. Bài viết này tập trung lý giải hai vấn đề quan trọng: thực tại và con người trong tính quan niệm của văn chương hậu hiện đại. Tác giả đã cung cấp những thông tin về sự phát sinh của lý thuyết hậu hiện đại trên thế giới, quá trình du nhập vào Việt Nam, các đặc trưng thẩm mỹ của nó, những giới hạn và những khả năng của lý thuyết hậu hiện đại đối với đời sống văn học nước nhà. Cũng trong số này còn có bài Chủ nghĩa hậu hiện đại ở Ấn Độ của Phạm Phương Chi, giới thiệu một số nét chính về văn học hậu hiện đại Ấn Độ, sự hình thành và những thành tựu của nó trên đất nước của những tôn giáo lớn và có tính thoát tục. Trong năm này, Lê Huy Bắc giới thiệu công trình nghiên cứu Truyện ngắn – Lý luận – Tác gia và tác phẩm (2 tập), Nhà xuất bản Giáo dục. Trong tập 2, phần một, có tựa đề Tổng luận, tác giả đã lý giải về lịch sử thể loại, quan niệm, đặc trưng và sự vận động của truyện ngắn trong tiến trình phát triển của nó. Trong quá trình diễn giải, đặc biệt là ở các mục Truyện ngắn hậu hiện đại, Truyện ngắn nhại, Chủ nghĩa cực hạn và Raymond Carver, người viết đã góp phần làm rõ nghĩa của lý thuyết văn học hậu hiện đại. Cũng trong năm này, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành bộ Lịch sử văn học Pháp (3 tập). Trong tập 3, nghiên cứu về văn học thế kỷ XX, do Đặng Thị Hạnh chủ biên, đã xem xét một số tác giả hậu hiện đại như Robbe – Grillet, M.Butor trong tiến trình phát triển của tiểu thuyết Pháp đương thời.

      Năm 2006, có hai công trình triết học của các nhà nghiên cứu Việt Nam được xuất bản, ghi nhận sự quan tâm mang tính toàn xã hội đối với vấn đề hậu hiện đại, và là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu văn học hậu hiện đại. Trong công trình Diện mạo triết học Phương Tây hiện đại của Đỗ Minh Hợp, Nhà xuất bản Hà Nội, ở chương 4 với tiêu đề Triết học xã hội Phương Tây hiện đại, tác giả đã xem xét những quan điểm triết học và những vấn đề đời sông xã hội hậu hiện đại. Nhìn chung, quan điểm của Đỗ Minh Hợp xem chủ nghĩa hậu hiện đại là một thời kỳ lịch sử của sự phát triển xã hội loài người. Trong công trình Chủ nghĩa hậu hiện đại của Trần Quang Thái, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả đã phác thảo và hệ thống lại lịch sử ra đời và phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại thế giới: những tiền đề về triết học, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo…, quan niệm hậu hiện đại như một thực thể của đời sống đương đại, qua đó, bước đầu tổng kết tư tưởng cơ bản của chủ thuyết này.

      Năm 2007, được xem là năm mà đời sống văn học Việt Nam xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về hậu hiện đại nhất, kể từ trước đó. Trong thực tế, điều này đã công nhận việc lý thuyết hậu hiện đại cùng những ứng dụng của nó đã có được chỗ đứng trong đời sống văn học Việt Nam. Trên Tạp chí Văn học, số 12, có thể xem như số chuyên đề văn học hậu hiện đại, khi có đến 5 bài nghiên cứu về lĩnh vực này. Bài viết của Phương Lựu Chủ nghĩa lịch sử mới, một chuyển biến trong lòng chủ nghĩa hậu hiện đại, đã diễn giải thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với lịch sử, đó là “phải gắn văn học với lịch sử xã hội mà xem xét”. Nhưng nó không giống với chủ nghĩa lịch sử cũ vốn chủ yếu dựa trên quyết định luận khách quan, mà “nó được đặt cơ sở trên quan hệ chủ thể - lịch sử”. Bài viết của Trần Quỳnh Hương Dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học đương đại Trung Quốc đã giới thuyết những nét chính của quá trình chủ nghĩa hậu hiện đại du nhập vào Trung Quốc và một số thành tựu của văn học theo khuynh hướng hậu hiện đại. Đặc biệt, ba bài viết Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài của Lã Nguyên, Những yếu tố hậu hiện đai trong văn xuôi Việt Nam qua so sánh với văn xuôi Nga của Đào Tuấn Ảnh, Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của hệ hình thi pháp hậu hiện đai của Cao Kim Lan đã mở ra hướng nghiên cứu ứng dụng lý thuyết hậu hiện đại vào thực tiễn sáng tác văn học Việt Nam. Các tác giả dã xem xét một cách khách quan khái niệm “hậu hiện đại” và chỉ ra nó là một “định tính thẩm mỹ” cho một khuynh hướng văn học, mà Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài thuộc thế hệ tiền phong. Cũng vào cuối năm này, bộ Từ điển thuật ngữ văn học do Trần Đình Sử, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục phát hành, đã đưa vào mục “Hậu hiện đại”, xem đây là thuật ngữ chính thức của văn học. Đây là một động thái rất có ý nghĩa, nó là sự thừa nhận của giới nghiên cứu văn học Việt Nam đối với lý thuyết hậu hiện đại.

      Cũng trong năm 2007, có những cuốn sách thuộc lĩnh vực tôn giáo, nhưng lại có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề hậu hiện đại. Điều này chứng tỏ vấn đề hậu hiện đại không còn là lĩnh vực thuần túy lý thuyết, mà nó đã thực sự hiện hữu trong đời sống xã hội, là một hữu thể của thời gian. Trong sách Tôn giáo trong thời hiện đại của Cao Huy Thuần, Nhà xuất bản Thuận Hóa, tác giả đã dành chương VI Hậu hiện đại để lý giải về hậu hiện đại và xem xét tôn giáo cũng như chính trị trong hoàn cảnh hậu hiện đại. Ngoài ra, trong cuốn sách Bàn về Tây du ký của Ngô Thừa Ân của Thích Chơn Thiện, Nhà xuất bản Phương Đông, tác giả cũng dành hẳn chương 3 Ngô Thừa Ân hay Tây du ký với vấn đề một nền văn hóa hậu hiện đại để bàn về con người và cuộc đời, sự giáo dục con người và “mẫu người giáo dục của nền giáo dục mới “hậu hiện đại”. Hai cuốn sách, một là về Cơ Đốc giáo, một là về Phật giáo, đều nhận thấy tính thực tiễn của vấn đề hậu hiện đại, đều đưa ra những quan niệm có tính thích ứng của tôn giáo trong một thời đại mới.

      Năm 2008, trong bộ giáo trình Lý luận văn học (3 tập), Phương Lựu chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, đã đưa chủ nghĩa hậu hiện đại vào tập 3 (Tiến trình văn học), xem đây là một khuynh hướng sáng tác của văn học thế giới đương đại. Việc đưa văn học hậu hiện đại vào bộ giáo trình giảng dạy đại học là một bước tiến lớn, là sự chính thức thừa nhận của nền giáo dục. Có thể xem đây là sự làm nguội đi những tranh luận trái chiều về hậu hiện đại trong suốt thời gian qua. Cùng thời điểm này, Phương Lựu in bài viết Những bậc tiên phong của tư duy hậu hiện đại trên Tạp chí Văn học, số 5. Phân tích những đóng góp của J. Lacan từ phương diện phân tâm học cấu trúc và M.Foucault từ phương diện vô thức lịch sử, qua đó, Phương Lựu đã chỉ ra những tư tưởng của họ là những tiền đề quan trọng cho sự hình thành triết học hậu hiện đại. Cũng trong năm này, Phương Lựu tiếp tục cho in cuốn Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác ở phương Tây, Nhà xuất bản Thế giới. Ở chương 14 của cuốn sách, tác giả tập trung phân tích học thuyết “Giải thích học văn hóa” của F.Jameson và chỉ ra những quan điểm có tính phê phán văn hóa hậu hiện đại của nhà hậu hiện đại mác xít người Mỹ. Tiếp theo, cuốn Tự sự học một số vấn đề lý luận và lịch sử, phần hai, Trần Đình Sử chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, tiếp tục giới thiệu với độc giả một số bài viết về văn học hậu hiện đại, như Kiểu tự thuật “đánh tráo” chủ thể trần thuật trong tiểu thuyết hậu hiện đại của Trần Huyền Sâm; Tư duy thơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại của Nguyễn Thị Bình. Sự quan tâm đến chủ nghĩa hậu hiện đại và những sáng tác theo khuynh hướng này không còn bó hẹp ở những tạp chí có tính học thuật, mà được đề cập, bàn luận ở hầu khắp các tạp chí văn nghệ địa phương. Trên Sông Hương, số tháng 7, 2008, đã đăng bài Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại của Hoàng Ngọc Hiến. Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra những dấu ấn của hậu hiện đại trong một số nhà văn Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Anh Hoài qua những xâm nhập của văn hóa đại chúng, cách sử dụng ngôn ngữ “bất nhã”… Trong năm 2008, có một cuốn sách khá đặc biệt, cuốn Song thoại với cái mới của nhà thơ, nhà phê bình Inrasara, Nhà xuất bản Hội nhà văn. Từ điểm nhìn của một nhà phê bình và là nhà thơ hậu hiện đại, tác giả đã tranh luận trực tiếp và đưa ra những quan điểm mang tính khách quan để bảo vệ cho khuynh hướng văn học hậu hiện đại. Ông nhìn nhận vấn đề không phải theo mốt, theo phong trào, mà theo chân lý khách quan, với tâm nguyện mong muốn những sự đổi thay hợp lý ở nền văn học nước nhà. Phần quan trọng trong tập tiểu luận, ông dành để phê bình và cắt nghĩa một số tác phẩm của các tác giả Việt Nam viết theo phong cách hậu hiện đại như Lý Đợi, Bùi Chát, Phan Bá Thọ…

      Năm 2009, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin phát hành tập tiểu luận – phê bình Tiểu thuyết đương đại của Bùi Việt Thắng. Các bài viết của tập sách đã bao quát khá toàn diện về bề nổi tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975, qua những giai đoạn ngắn. Trong cuốn sách, tác giả có đề cập đến một số nhà văn thuộc khuynh hướng hậu hiện đại như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Đoàn Minh Phượng. Tuy nhiên, các bài viết của nhà nghiên cứu vẫn còn sự quá đắn đo khi không dám dùng đến thuật ngữ văn học hậu hiện đại, trong khi lại sử dụng các thủ pháp nghệ thuật của nó để nói đến sự cách tân, đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam. Tính mâu thuẫn này cũng là điều khá phổ biến trong nhiều nhà nghiên cứu, Sự dùng dằng quá lâu của nhận thức chỉ dẫn đến sự phản ứng tiêu cực về cái mới, và dẫn tới điều đáng buồn là các bài viết của họ không có gì mới khi mà họ vẫn cũ.

      Năm 2010, nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu công bố chuyên luận Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật, Nhà xuất bản Tri thức. Công trình này là bước tiếp nối của hai công trình nghiên cứu về tiểu thuyết trước đó: Tiểu thuyết Pháp hiện đại – những tìm tòi đổi mới và Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI, thể hiện mối quan tâm và sự chuyên chú của ông cho thể loại này. Diện khảo sát và nghiên cứu của cuốn sách là khá rộng, và điều lý thú ở cuốn sách này là, sau nhiều năm băn khoăn, giờ đây ông đã sử dụng thuật ngữ hậu hiện đại để lý giải về sự vận động của tiểu thuyết và một số tác giả hậu hiện đại. Qua việc phân tích những tiểu thuyết tiêu biểu của một số nhà văn nổi tiếng, ông đã chỉ ra những biến đổi sâu sắc của tiểu thuyết đương đại, từ cấu trúc văn bản, cách xây dựng nhân vật, tạo dựng cốt truyện, cách sử dụng ngôn ngữ cho đến quan niệm về chức năng, vấn đề thẩm mỹ và chuẩn giá trị của nó.

      Năm 2011, nhà nghiên cứu Phương Lựu công bố công trình Lý thuyết văn học hậu hiện đại, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Đây là công trình lý thuyết hoàn chỉnh đầu tiên về văn học hậu hiện đại của một học giả Việt Nam. Sau khi nhận định lại quá trình phát triển và suy yếu cũng như những thành tựu của chủ nghĩa hiện đại, tác giả nhấn mạnh việc chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện thay thế chủ nghĩa hiện đại là một tất yếu của tiến trình lịch sử văn học thế giới. Tiếp đó, ông khái quát lại những vấn đề bao bọc khái niệm hậu hiện đại, từ lịch sử ra đời, tên gọi, các khái niệm và thuật ngữ, các cuộc tranh luận về nó trong những năm đầu xuất hiện, những người xây dựng nên lý thuyết này, từ đó đi sâu giải quyết những vấn đề thuộc về nội hàm khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhìn chung, cuốn sách đã cung cấp những tri thức cơ bản và có hệ thống cho quá trình tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam. Cũng trong năm này, Đỗ Lai Thúy công bố công trình Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (Tư tưởng phê bình văn học Việt Nam, một cái nhìn lịch sử), Nhà xuất bản Hội nhà văn. Công trình này đúc kết những suy ngẫm của nhà nghiên cứu trong nhiều năm, được xem như là duyên nợ của ông đối với địa hạt nhiều sự nhạy cảm này. Trong phần hai: Phê bình văn học Việt Nam, nhìn nghiêng từ phương pháp, mục 12 Phê bình văn học từ tầm nhìn hậu hiện đại, ông đã phân tích một cách công tâm về văn học Việt Nam đương đại, chỉ ra cách hiểu đúng về hậu hiện đại, văn học hậu hiện đại (thế giới và Việt nam) và đưa ra quan điểm: “Phê bình văn học từ tầm nhìn hậu hiện đại chủ yếu xử lý mối quan hệ giữa văn bản và người đọc. Các lý thuyết như hiện tượng học, mỹ học tiếp nhận, giải/hậu cấu trúc, thông diễn học đều xoay qunh sự hiểu văn bản và sự diễn giải văn bản đó. Nếu trước đây một tác phẩm văn học được quy vào văn bản, văn bản lại quy vào ngôn ngữ, ngôn ngữ quy vào những con chữ, con âm và các cấu trúc của nó thì nay mọi diễn ngôn đều tùy thuộc vào diễn giải của người đọc, còn người đọc lại tùy thuộc vào cộng đồng diễn giải với các quy ước văn hóa chi phối nó. Như vậy, vấn đề văn học, xét cho cùng, là vấn đề văn hóa. Phê bình, vì thế, ít đi vào những tác phẩm, tác giả cụ thể, mà đi vào những vấn đề văn học, văn hóa, như tính truyền miệng của văn học Việt Nam, vấn đề giới tính, đặc điểm hậu thực dân, các chấn thương tâm lý sau chiến tranh, chấn thương do các đại tự sự gây ra” [tr.278, 279].

      Năm 2012, dấu ấn đậm nhất trong hoạt động nghiên cứu về hậu hiện đại ở Việt Nam là công trình Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và tiếp nhận của Lê Huy Bắc, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Chuyên luận được cấu trúc thành 21 chương, 7 chương diễn giải về lý thuyết, chương cuối với những suy nghĩ có tính định hướng về văn học hậu hiện đại Việt Nam, 13 chương gắn lý thuyết với phân tích cấu trúc tác phẩm hậu hiện đại, trong đó có 8 chương về văn học nước nhà. Đây là chủ ý của người viết, tránh lý thuyết thuần túy, kết hợp việc hiểu lý thuyết với khả năng đọc văn bản của người đọc, bởi vì văn chương hậu hiện đại thuộc một hệ hình tư duy mới và khác lạ so với trước đó, nên phải biết cách đọc dựa trên cách hiểu lý thuyết chứ không thể dựa vào kinh nghiệm đọc. Tuy vậy, lý thuyết văn học hậu hiện đại không phải là thứ cứng nhắc, máy móc (như trong chủ nghĩa hiện thực), mà là lý thuyết mở, nó đem lại cho người đọc sự tự do về nhiều cách hiểu, trên cơ sở của tính đối thoại dân chủ.

      Trong năm này, trên Tạp chí Văn học nước ngoài, số 8, có bài viết của Nguyễn Văn Dân Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại đến văn học nghệ thuật trên thế giới và Việt Nam. Bài viết của Nguyễn Văn Dân, sau khi chứng minh vùng ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại ở các lĩnh vực kiến trúc, hội họa, điêu khắc, văn học, đã tiếp tục phủ nhận sự hiện diện của chủ nghĩa hậu hiện đại trên thế giới và ở Việt Nam. Nguyễn Văn Dân đã tỏ ra lo lắng khi sợ những nhà nghiên cứu không phân biệt được hiện đại với hậu hiện đại, và lớn tiếng nhắc nhở: “Về vấn đề này, chúng tôi khẩn thiết cảnh báo rằng chúng ta cần có quan điểm khách quan và cẩn trọng khi tiếp thu các quan điểm và lý thuyết của nước ngoài. Nhiều cuốn sách giới thiệu lý thuyết chỉ làm một công việc nhắc lại mà không có óc lôgic cùng với tinh thần phê phán để phân biệt những điều “vô nghĩa thời thượng” quá hiển nhiên trong những tuyên bố ồn ào về “hậu hiện đại” [tr.113]. Nói chung, bài viết trên, cũng như hầu hết các bài nghiên cứu của Nguyễn Văn Dân đều ít căn cứ vào nền tảng triết học, là cái vừa là tiền đề, vừa là phương pháp soi chiếu vào nghiên cứu văn học: hiện đại và hậu hiện đại. Các khái niệm triết mỹ, mô hình nghệ thuật, phương thức tư duy và thủ pháp nghệ thuật, là những cái cơ bản làm nên sự khác biệt của một trào lưu này với một trào lưu khác, đã không có mặt trong quá trình lý giải của người viết. Điều này dẫn tới thực tế là các bài viết của Nguyễn Văn Dân không đủ các yếu tố cần thiết của căn nguyên hiện tượng, cái làm nên sự hiển thị hiện tượng, vì thế, chúng xa rời thực tiễn văn học, cả lý thuyết lẫn sáng tạo. Có lẽ, cần nhắc lại quan điểm của nhà nghiên cứu Lộc Phương Thủy về thái độ khách quan trong  khi đánh giá văn học: “Chúng ta đã từng nuôi tham vọng phê phán những học thuyết, những tư tưởng chưa đúng. Nhưng trước hết phải đọc, phải hiểu rõ ngọn ngành rồi mới phê phán, như vậy cả người phê và bị phê mới “tâm phục khẩu phục” [Tác động của lý luận văn học nước ngoài đối với lý luận văn học Việt Nam, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3 – 2005, tr.175].

      Năm 2013, có thể xem là năm bùng nổ của các công trình nghiên cứu hậu hiện đại ở nước ta. Trước hết là cuốn Văn học hậu hiện đại – Diễn giải và tiếp nhận do Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà, Nguyễn Hồng Dũng chủ biên, Nhà xuất bản Văn học. Cuốn sách là kết quả của cuộc Hội thảo khoa học Quốc gia được Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Khoa học Huế đứng ra tổ chức vào tháng 3 năm 2011. Đây là hội thảo đầu tiên về văn học hậu hiện đại được tổ chức ở Việt Nam, với mục đích: “đánh thức việc nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề lý luận của chủ nghĩa hậu hiện đại, bước đầu đánh giá thành tựu sáng tác dựa trên nền tảng tự sự hậu hiện đại trên thế giới và ở Việt Nam” (Lời nói đầu). Cuốn sách tập hợp 37 bài viết của các tác giả trên cả nước, được phân thành ba nhóm: những bài viết về lý thuyết hậu hiện đại; những bài nghiên cứu về các tác phẩm văn học hậu hiện đại nước ngoài; những bài phê bình các tác phẩm mang dấu ấn hậu hiện đại Việt Nam. Hầu hết các nhà văn hậu hiện đại nổi tiếng thế giới và những tác giả theo khuynh hướng hậu hiện đại Việt Nam đều có mặt trong tuyển tập này. Tính chất tập trung theo chủ đề và sự  phong phú của các bài viết của cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các tầng lớp độc giả. Tiếp theo là cuốn Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và thực tiễn do Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Đỗ Hải Phong tuyển chọn từ Hội thảo khoa học Quốc gia, khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, năm 2013, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Cuốn sách gồm 30 bài viết của các nhà giáo, nhà khoa học. Nhìn chung, các tác giả chủ yếu tập trung vào nghiên cứu các khái niệm triết mỹ của lý thuyết hậu hiện đại và những ứng dụng chúng trong các sáng tác, góp phần giải quyết “những vấn đề đang còn vướng mắc hay chỉ rõ hơn những đặc thù mà những người đi trước đã đề ra”. Tinh thần cơ bản của tập sách này là dân chủ và tri thức trong sáng tạo và tiếp nhận: “Quá trình hình thành và tự hủy của phê bình lý luận hậu hiện đại liên tục diễn ra trong phạm vi tồn tại của nó. Với hậu hiện đại, không có gì là chân lý vĩnh cửu. Chân lý đối với các nhà hậu hiện đại là không có chân lý. Khuynh hương phê bình này chấp nhận nhiều tiếng nói, thậm chí là trái ngược nhau về cùng một vấn đề, nhưng cùng hướng đến đích là tìm ra giải pháp cho tư duy và hành động độc lập, tự do và hạnh phúc đích thực của con người” [tr.6]. Cũng trong năm này, Lê Huy Bắc tiếp tục chủ biên cuốn Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức. Trong Lời nói đầu, nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc đã có những lời tâm huyết: “Ngay từ cuối thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu văn học hậu hiện đại đã được giới thiệu ở Việt Nam, tuy nhiên có thể nói việc nghiên cứu này đến nay hầu như vẫn chưa tương xứng với tầm vóc và vai trò của nó. Thực tế đang diễn ra cho thấy rằng chính phê bình hậu hiện đại hiện thời là nền tảng và là động lực chủ yếu thúc đẩy sáng tác và nghiên cứu văn học phát triển. Hậu hiện đại tạo ra cái mới, là cú hích cho văn chương nhân loại thoát khỏi những lề lối cũ mèm để hướng đến những chân trời mới, rộng mở với nhiều khám phá thú vị, hữu ích về nhân sinh. Không đi theo hướng này, văn học Việt Nam khó có thể hội nhập vào dòng chảy chung của sáng tác và nghiên cứu văn chương của nhân loại” [tr.8]. Cuốn sách gồm 18 bài viết, tập trung nhiều hơn đến vấn đề lý thuyết (8 bài), những bài còn lại đi vào lý giải những hiện tượng văn học cụ thể, trong đó có 4 bài về tiểu thuyết Việt Nam. Đáng chú ý là bài của Lã Nguyên Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: Quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống, bài của Nguyễn Thị Bình Đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại: Lối viết hậu hiện đại. Trong danh mục về việc xuất bản sách liên quan đến vấn đề hậu hiện đại của năm này, cần phải kể thêm cuốn Lý thuyết phê bình văn học hiện đại (Tiếp nhận & ứng dụng), Trường Đại học Hồng Đức, Nhà xuất bản Đại học Vinh, với các bài Lý thuyết phê bình hậu hiện đại như một siêu ngữ của Lê Huy Bắc; Phi trung tâm – Khái niệm và tiếp nhận của Nguyễn Thi Hạnh; Liên văn bản và nghiên cứu văn học ở Việt Nam của Đặng Lưu; Thực hành đọc thơ hậu hiện đại: Bài Bóng chữ của Lê Đạt của Lê Như Bình.

      Trong tiến trình tiếp nhận, tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết hậu hiện đại vào văn học Việt Nam, các công trình, ngoài việc được in ấn, giới thiệu trên báo chí, được các nhà xuất bản phát hành, còn được cập nhật rất nhiều trên mạng internet. Trong thời đại công nghệ thông tin, tri thức mạng vừa có tính dân chủ cao, phi không gian, phi thời gian và phi lợi nhuận, với khả năng tương tác cao, là cổng thông tin nhanh nhất để công bố bài viết, để tranh luận hay biện hộ. Trên những trang web trong và ngoài nước, có nhiều tài liệu để tham khảo, có nhiều bài viết có giá trị gợi ý, định hướng, ứng dụng.

       Các bài viết trên các trang web, các blog cá nhân chuyên về văn học của các nhà nghiên cứu người Việt định cư ở nước ngoài như tienve.org, tanhinhthuc.org, damau.org… đã mang đến những thông tin kịp thời cho người đọc. Có thể kể đến một số bài viết mang tính thời sự, chứa đựng nhiều thông tin như: Các lý thuyết phê bình văn học: Chủ nghĩa hậu hiện đại; Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Việt Nam; Chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa tiền vệ, Chủ nghĩa h(ậu h)iện đại và văn học Việt Nam; Đổi mới như một số phận và một phiêu lưu; Một phiên bản h(ậu h)iện đại cho văn học Việt Nam, Các lý thuyết phê bình văn học 9(11): chủ nghĩa hậu hiện đại, Chủ nghĩa hậu hiện đại – những mảnh nghĩ rời, Chủ nghĩa hậu hiện đại và những cái cần chết trong văn học Việt Nam… của Nguyễn Hưng Quốc (tienve.org); Thử thưởng thức một tác phẩm văn chương hậu hiện đại; Viết: Từ hiện đại đến hậu hiện đại… của Hoàng Ngọc Tuấn (tienve.org); Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản của Nguyễn Minh Quân (dactrung.net).

      Việc phát triển nhanh chóng công nghệ thông tin những năm gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà phê bình, nghiên cứu văn học trong nước trao đổi tri thức, công bố những bài viết, đàm luận, tranh luận. Các trang web trong nước như: vienvanhoc.org; giacngo.vn;  phongdiep.net; evn.com; tapchisonghuong.com.vn; vannghesongcuulong.org… đều có sự tham gia của nhiều nhà lý luận phê bình. Chính các trang web này đã góp phần tích cực cho  sự phổ biến lý thuyết hậu hiện đại ở trong nước. Có thể nhận định, đã có một bộ phận phê bình mạng sôi động với nhiều bài viết có giá trị thông tin, giá trị học thuật, như: Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại & chủ nghĩa hậu hiện đại của Hoàng Ngọc Hiến (tapchisonghuong.com.vn); Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta của Đông La (vietbao.vn); Một nhầm lẫn “hậu hiện đại” của Ngân Xuyên (tiasang.com.vn); Chập chờn bóng ma hậu hiện đại của Đỗ Minh Tuấn (dongtac.net); Nói chuyện “hậu hiện đại” và “toàn cầu hóa” của Vũ Lâm (thethaovanhoa.vn); Nhà văn Lê Anh Hoài: Hậu hiện đại đã và đang được Việt hóa (vanhoc.trongnghia.info); Đôi điều về truyền thống và hiện đại của Thái Kim Lan (thuvienhoasen.org); Bàn về thuật ngữ văn học hậu hiện đại của Nguyễn Văn Tùng (vanhocvatuoitre.com.vn); Tri thức dưới quan điểm hậu hiện đại (mtol.net); Đằng sau hậu hiện đại của Thích Thanh Thắng (huongsenviet.blogspot.com); Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1986 của Phùng Gia Thế (evan.vnexpress.net); Tùy bút nhỏ về hậu hiện đại của Văn Giá (www.chungta.com);Thiền và Hậu hiện đại của Nhật Chiêu (www.giacngo.vn); Hậu hiện đại sống ngoài tác phẩm của Nguyễn Hoàng Đức (www.chungta.com); Phải chăng nỗi sợ hãi hậu hiện đại là có thật của Bùi Công Thuấn (www.phongdiep.net); Xu hướng tân hình thức, hậu hiện đại trong thơ: chiếc áo rộng cho một cơ thể còm (www.cand.com.vn); “Người đàn bà thép’ của văn chương hậu hiện đại của Khánh Phương (chungta.com); Chuyên đề hậu hiện đại (mythuatvietnam.info); Chủ nghĩa hậu hiện đại? của Bùi Quang Thắng (viettems.com); Tản mạn về hậu hiện đại của Vương Văn Quang (www.nguoidaibieu.com.vn); Văn chương Việt trong bối cảnh hậu hiện đại của Hà Văn Thủy (phongdiep.net); Tư duy hậu hiện đại và những cách thu nhận kiến thức của Nguyễn Hào Hải (chungta.com); Nhận biết về chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật của Hồ Sĩ Vịnh (chungta.com); Hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa của Phạm Ngọc Huệ (www.cpv.org.vn)... Đặc biệt trên trang mạng là các bài viết của nhà thơ – nhà phê bình Inrasara với tập hợp các bài Nhập lưu hậu hiện đại (7 kỳ, www.vanchuongviet.org); Nhập lưu hậu hiện đại cuối cùng hay giải [minh & giải oan] cho một từ (inrasara.com); Hậu hiện đại & thơ hậu hiện đại: Một phác họa (inrasara.com); Ma nét, quá trình chuyển giọng từ hiện đại đến hậu hiện đại (inrasara.com)…

      Trong quá trình phổ biến chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam, có một phần đóng góp đáng kể của những nhà nghiên cứu văn học người Việt định cư ở nước ngoài: Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Minh Quân, Diễm Cơ (Thụy Khê), Đỗ Quyên… Hoạt động của họ có hai phần: dịch thuật, giới thiệu các công trình lý thuyết văn học hậu hiện đại với độc giả trong nước (công việc này chủ yếu diễn ra vào những năm đầu thế kỷ, khi mà tư liệu và sự hiểu biết về hậu hiện đại còn hạn chế). Song song với dịch thuật, họ còn viết các bài nghiên cứu bàn về văn học hậu hiện đại ở Việt Nam. Những bài viết của họ, xuất phát trong một “điều kiện hậu hiện đại” thuận lợi hơn, nên mang tính thời sự và có phần khách quan hơn. Nhưng mặt khác, họ đứng trong một tình thế lưỡng phân, vừa là người ngoài cuộc vừa là người trong cuộc, nên bài viết của họ thường có tính ảnh hưởng gián tiếp. Tuy vậy, công sức của họ là điều đã được ghi nhận.

      Nguyễn Hưng Quốc là người đầu tiên mà chúng tôi muốn nhắc đến trong số họ. Ông là người sớm nắm bắt được xu thế văn học mới và viết nhiều nhất về văn học hậu hiện đại. Từ năm 2000, Nguyễn Hưng Quốc đã in tập tiểu luận Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Nhà xuất bản Văn Nghệ, California. Sau dó, một số bài viết khác về văn học hậu hiện đại được in trong tập Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học, Nhà xuất bản Văn Mới, California, 2007; tập Văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa, Nhà xuất bản Văn Mới, California, 2010. Các bài viết của Nguyễn Hưng Quốc, trước khi được in thành sách, phần lớn đều được đưa lên trang mạng (tienve.org). Khi bàn về thực trạng văn học Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX, Nguyễn Hưng Quốc đã thẳng thắn chỉ ra những điều làm hạn chế sự phát triển văn học, đó là sự lệ thuộc vào “thái độ chính trị - xã hội” và “sự biệt lập và cô lập”. Để làm thay đổi tình thế này, theo Nguyễn Hưng Quốc, cần thực hiện năm điều: toàn cầu hóa, giải lãnh thổ hóa, lai ghép hóa, hậu hiện đại hóa và mạng hóa (Lời nói đầu- Văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa, tr.9). Ngay trong  bài viết từ rất sớm Chủ nghĩa h(ậu h)iện đại và văn học Việt Nam, được đưa lên trang tienve.org, tháng 2 – 2000, Nguyễn Hưng Quốc đã đưa ra những phân tích sâu sắc về những khả năng và điều kiện cho một khuynh hướng văn học Việt Nam hậu hiện đại: “… theo tôi, chủ nghĩa hậu hiện đại, với tư cách là một trào lưu văn nghệ cũng như một trào lưu thẩm mỹ, nếu không mở ra cho chúng ta một chân trời mới lạ và đẹp đẽ nào thì nó cũng không tước đoạt của chúng ta bất cứ điều gì, trừ những điều rất cần và rất nên bị tước đoạt, chẳng hạn, óc giáo điều và tinh thần bảo thủ” [tr.249]. Theo Nguyễn Hưng Quốc, văn học Việt Nam mang tính đặc thù trong sự vận động, đó là, cùng một lúc, nó vừa tiếp nhận bổ sung chủ nghĩa hiện đại vừa tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại, tạo nên “một thứ chủ nghĩa hậu hiện đại nguyên hợp”. Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh, Lê Huy Bắc cũng có quan điểm tương tự. Nguyễn Hưng Quốc cũng là người, mà từ rất sớm đã nhìn thấy những dấu hiệu hậu hiện đại trong sáng tác của một số nhà văn Việt Nam đương thời: “… ở thời điểm hiện nay, trong nền văn hóa vốn pha tạp của Việt Nam, ngoài các yếu tố mang tính trung đại và hiện đại cố hữu, đã thấp thoáng một số yếu tố mang tính hậu hiện đại. Theo tôi, sự xuất hiện, dù thấp thoáng, của các yếu tố hậu hiện đại mới mẻ này là những điều kiện thuận lợi để giới cầm bút Việt Nam có thể tiếp cận với chủ nghĩa hậu hiện đại” [tr.249]. Theo dõi sự vận động đầy khó khăn của khuynh hướng văn học mới này, khi nó phải đối diện với rất nhiều mâu thuẫn, Nguyễn Hưng Quốc đã có một nhận định tâm huyết: “… để nhập vào được thâm cung của chủ nghĩa hậu hiện đại, tôi có cảm tưởng chúng ta phải đi xuyên qua một không gian văn hóa, rồi xuyên qua vô số những hệ thống tư tưởng khác nhau nhằm diễn dịch cái không gian văn hóa ấy, cuối cùng, chúng ta cần phải xuyên qua chính các tác phẩm văn học nghệ thuật được sáng tác trong môi trường văn hóa và triết lý ấy” [Chủ nghĩa hậu hiện đại và những cái cần (chết) trong văn học Việt Nam, tienve.org, tháng 11 – 2008, tr.255].

      Bên cạnh Nguyễn Hưng Quốc, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Tuấn cũng đã dành nhiều tâm huyết cho việc phổ biến chủ nghĩa hậu hiện đại. Bài viết gây nhiều ấn tượng nhất của ông là Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại, đã phân tích một cách hệ thống sự vận động của văn học “từ hiện đại đến hậu hiện đại”. Hoàng Ngọc Tuấn bắt đầu từ chủ nghĩa hiện thực trong tương quan với sự phát triển của khoa học tự nhiên lúc bấy giờ. Văn học hiện thực rõ ràng đã phát triển theo quan niệm của các nhà thực chứng trong triết học. Chủ nghĩa hiện đại lại phát triển trong bối cảnh mà các khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn tìm thấy những phương thức tồn tại mới của vật chất (các hạt) và của tinh thần (vô thức). Cũng trong tương quan ấy, văn học hậu hiện đại ra đời và phát triển trong một môi trường mà “hiện thực” bị biến thành huyền thoại, thời đại chứng kiến sự đổ vỡ niềm tin vào những luận thuyết lớn. Cách nhìn nhận về văn học hậu hiện đại của Hoàng Ngọc Tuấn luôn mang tính lịch sử quan hệ - đối chiếu, giữa nội dung quan niệm thẩm mỹ với sự phát triển chung của tri thức, triết học và khoa học đương thời. Theo cách đó, sự xuất hiện của văn học hậu hiện đại vừa có tính tất yếu, vừa mang tính đột phá trong tiến trình văn học.

      Nguyễn Minh Quân với bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại: Những khái niệm căn bản, đã góp phần xác định lại sự phân kỳ hiện đại và hậu hiện đại một cách khá thuyết phục. Ông đã khẳng định rằng sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại là có nguồn gốc và nền tảng từ thời hiện đại, chứ không phải là một trào lưu có tính nhất thời, hoặc một khái niệm rỗng, nó là sự tương ứng với những thuộc tính và quan niệm của thời kỳ hậu hiện đại.

      Nguyễn Ước với bài viết Một hồ sơ về chủ nghĩa hậu hiện đại (in lại trong bộ Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lý thuyết), được xem là công trình có tính phong phú về thông tin văn học, có tính toàn diện và đa chiều trong việc xác định trạng thái tinh thần, quy luật phát triển của văn học hậu hiện đại trong tiến trình chung của văn học thế giới. Sau khi hệ thống lại, từ mỹ học cho đến khoa học, lịch sử, kinh tế, xã hội, từ những ưu điểm cho đến những nhận định về các hạn chế mang tính phê phán đối với chủ nghĩa hậu hiện đại, tác giả đã đưa ra kết luận: “Chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu toàn cầu nên Việt Nam không thể không chạm tới” [tr.549].

      Diễm Cơ (Thụy Khê) là nhà nghiên cứu có uy tín trong việc đánh giá chủ nghĩa hậu hiện đại từ góc độ trạng thái tinh thần xã hội cùng quy luật vận động của văn học thế giới, đặc biệt là cách thức tiếp cận và thông hiểu triết học của J.P. Lyotard. Bài viết Hậu hiện đại của bà đã diễn giải sắc sảo những tư tưởng căn bản của Lyotard trong cuốn Điều kiện hậu hiện đại.

2. Hai xu hướng quan niệm về hậu hiện đại và văn học hậu hiện đại Việt Nam

2.1. Xu hướng xem hậu hiện đại như một trạng thái tinh thần và quy luật văn học

      Đặc trưng của quá trình tiếp nhận lý thuyết hậu hiện đại, một lý thuyết không chủ trương xây dựng hệ thống quan niệm, là dẫn tới sự tồn tại những cách hiểu khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Điều này là một hiện tượng đương nhiên, bởi mỗi người tiếp nhận có một  “tầm đón đợi” khác nhau, mặt khác là khoảng cách và giới hạn thẩm mỹ đặc thù của nền văn hóa bản địa không phải cái gì cũng tương thích với “phông” văn hóa gốc nơi lý thuyết đó ra đời. Trong quá trình tiếp nhận lý thuyết văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, thì xu hướng xem hậu hiện đại như một trạng thái tinh thần xã hội, biểu trưng cho một quy luật phát triển văn học là phổ biến và có tính áp đảo. Nhìn chung, theo quan niệm này, các nhà nghiên cứu trong nước đã có sự đồng thuận và kế thừa từ những ý kiến của các học giả phương Tây, như nhận định tiêu biểu của Weith: “Nếu kỷ nguyên hiện đại đã trôi qua thì chúng ta đang ở thời hậu hiện đại, ngay dù cho chúng ta có vứt bỏ các nguyên lý của chủ nghĩa hậu hiện đại”. Qua việc hệ thống các bài viết và các công trình nghiên hậu hiện đại trong nước, có thể nhận thấy quan điểm đón nhận của đa số, và hầu hết những nhà nghiên cứu lâu năm, có uy tín đều cùng có chung tiếng nói đồng thuận. Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào bình luận về nội dung nghiên cứu của họ, mà chỉ nêu những phát biểu về quan điểm của họ về chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học hậu hiện đại.

      Phương Lựu là một nhà khoa học uy tín, đã tiếp cận với chủ nghĩa hậu hiện đại từ khá sớm, với bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại (2000). Trong nhiều năm qua, ông có rất nhiều công trình nghiên cứu về hậu hiện đại, mà đỉnh cao là chuyên luận Lý thuyết văn học hậu hiện đại (2011). Có thể nói, Phương Lựu đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển của lý luận văn học hậu hiện đại Việt Nam. Nhìn chung, quan điểm về hậu hiện đại của ông chịu ảnh hưởng khá rõ của nhà “hậu mácxit” Mỹ là F.Jemeson, với nhận định văn hóa, văn học hậu hiện đại là những yếu tố ý thức xã hội, được xây dựng trên nền tảng cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa tư bản hậu kỳ. Gần đây nhất, ông có bài Trao đổi với bạn Nguyễn Văn Dân về chủ nghĩa hậu hiện đại (Trong sách Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam) phân tích những mâu thuẫn trong tư duy lý luận cũng như sự cực đoan trong đánh giá của Nguyễn Văn Dân, qua đó, thể hiện thái độ khách quan của ông trong phê bình: “Bạn Dân đúng là tham bác nhiều tài liệu và là người có chủ kiến, nhưng có lẽ do đọc quá nhiều, mà lại lắm chủ kiến cho nên cuối cùng không làm chủ được ý kiến của mình. Chỉ một bài viết ngắn được sửa chữa nhiều lần trong nhiều năm qua, mà ý tứ không rõ ràng nhất quán, luận chứng mâu thuẫn không trọn vẹn! Đem những thao tác tư duy như vậy để nhận xét rất trịch thượng về sách báo của đồng nghiệp trong một phần tư thế kỷ đầy những biến chuyển sôi động vừa qua, mà không hề có chút tư duy lịch sử thì làm sao mà tin được. Nhất là bạn Dân có xu hướng hay sử dụng cái chiêu “đồng đại hóa” mọi việc trong chiều lịch đại để dễ bề bắt bẻ những mâu thuẫn” [tr.42].

      Trương Đăng Dung là người đã có những đóng góp quan trọng về lý thuyết văn học hậu hiện đại. Ông đã vạch đường hướng trong nghiên cứu, là phải bắt đầu từ triết học và lịch sử, phải nắm bắt được và phải am hiểu nền tảng của các quan điểm và các chủ thuyết triết học, lịch sử hiện đại và hậu hiện đại, khi đó mới có thể nghiên cứu một cách khách quan và đúng đắn về các hiện tượng cũng như sự vận động của văn học theo thời gian. Các công trình nghiên cứu của Trương Đăng Dung bao giờ cũng đặt văn học trong một tiến trình, đặt các giá trị chuẩn thẩm mỹ trong tính lợi ích để xem xét, đánh giá. Đối với ông, tiêu chí quan trọng nhất và quyết định nhất để đánh giá sự phát triển của văn học qua các giai đoạn là chúng phải mới hơn, dân chủ hơn và trí tuệ hơn. Trong bài Những khả năng và giới hạn của văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế (Báo cáo tổng kết Hội thảo “Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế - 2006”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 12), ông đã có những đánh giá khách quan về tình trạng của khoa nghiên cứu văn học hiện nay: “Chúng tôi thấy rằng sau hơn hai mươi năm đổi mới văn học trên một số lĩnh vực nghiên cứu lý luận văn học chúng ta đã làm được nhiều hơn những gì mà bản tham luận này nói đến, nhưng như thế vẫn là quá ít so với yêu cầu đổi mới tư duy lý luận văn học. Chúng ta tuy đã bước đầu tiếp cận với một số thành tựu của lý luận văn học hiện đại, hậu hiện đại, nhưng công việc nghiên cứu, giới thiệu lý luận văn học nước ngoài vẫn chưa được thực hiện một cách quy mô, hệ thống. Ở Việt Nam lý luận văn học vẫn chưa được hoàn toàn nhìn nhận như một khoa học, có đối tượng riêng” [tr.17]. Trong tinh thần khoa học đó, những công trình của Trương Đăng Dung, mà đặc biệt là cuốn Tác phẩm văn học như là quá trình, được xem là một động thái tích cực tác động đến sự phát triển của lý thuyết văn học hiện đại và hậu hiện đại Việt Nam trong những năm qua.

      Lê Huy Bắc, qua rất nhiều những bài viết, công trình nghiên cứu của mình, có thể xem là người đã ủng hộ nhiệt tình nhất cho chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam, và cũng là người đã sớm khẳng định quá trình vận động tất yếu của lịch sử và trạng thái tinh thần nhân loại đang trải qua là thời kỳ hậu hiện đại. Quan trọng hơn, với việc ứng dụng quan niệm về “toàn cầu hóa”, Lê Huy Bắc đã cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại có cơ hội phát triển ngay cả ở những xã hội mà nền kinh tế và cơ sở hạ tầng chưa đạt tầm hậu công nghiệp. Trong công trình Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và tiếp nhận, Lê Huy Bắc đã đưa ra những luận cứ, luận chứng khẳng định cho sự tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại với tư cách là một trạng thái tinh thần và quy luật vận động của văn học Việt Nam. Ở cuối chuyên luận, tác giả có những lời trách nhiệm và tâm huyết đối với nền văn chương hậu hiện đại nước nhà: “Đã đến lúc cần khẳng định nền văn chương hậu hiện đại Việt, nếu không, chúng ta chỉ “vẫn là ta” của nhiều thập kỷ trước. Trong bối cảnh “chuộng vật chất” ngày nay, nhiều giá trị tinh thần bị xem nhẹ (bằng chứng là môn Văn trong trường học và cả ngoài đời hầu như bị bỏ bê) nên văn chương hậu hiện đại càng khó có thể thoải mái tiếp cận cuộc đời. Vốn giàu chất trí tuệ nên không riêng gì ở ta mà cả ở các trung tâm văn học hậu hiện đại khác, tác phẩm văn chương chỉ được tiếp nhận trong nhóm có học thức cao. Nó trở thành trò chơi của nhóm có đặc quyền về tri thức. Điều này đòi hỏi người đọc phải không ngừng nâng cấp trình độ, phải chủ động trong quá trình đọc, phải biết đọc – sáng tạo, biết tạo nên một môi trường cảm xúc cho riêng mình. “Cái biết” trong khí quyển hậu hiện đại mang tính dân chủ và tự chủ cao, thiếu nó, mọi tác phẩm văn chương dù độc đáo đến đâu, mang giá trị đến đâu cũng không có đất sống” [tr. 315].

      Đào Tuấn Ảnh là người đã sớm khẳng định sự hiện diện của chủ nghĩa hậu hiện đại trong đời sống văn học Việt Nam. Trong bài viết Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu hiện đại (2005), tác giả đã nhận định: “Vấn đề hậu hiện đại là vấn đề chung của thế giới, được nghiên cứu trên một bình diện rộng lớn không thua kếm bất cứ “ism” nào từ trước tới nay” [tr. 43]. Quan điểm của Đào Tuấn Ảnh về trạng thái tinh thần và quy luật văn học thể hiện một cách rõ nét qua nhận định: “Dù còn nhiều tranh cãi, đại đa số các học giả đều đi tới thống nhất coi hậu hiện đại trước hết là một giai đoạn lịch sử xã hội quy định hình thái văn hóa, thể hiện trạng thái tinh thần (mentalite) của thời đại, phương pháp tiếp nhận và cảm thụ thế giới, sự đánh giá và khả năng nhận thức ở con người, cũng như vị trí và vai trò của nó trong thế giới” [tr. 44].

      Lã Nguyên (La Khắc Hòa) là một trong những người có những đóng góp quan trọng trong việc nhận diện khuynh hướng văn học hậu hiện đại của nước nhà. Trong những bài viết của mình, mà có tính định hướng quan trọng là Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, ông đã nêu ra và nhấn mạnh khái niệm “hậu hiện đại” như một phạm trù thẩm mỹ. Phạm trù này quy chiếu những nguyên tắc nhận thức và phản ánh mới, định tính cho một khuynh hướng văn học Việt Nam xuất hiện vào những năm 80 của thế kỷ trước, được thể hiện ban đầu trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Lã Nguyên đã khẳng định: “Sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam nói chung, trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài nói riêng, chắc chắn không phải là hiện tượng vay mượn, ngoại nhập. Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài cung cấp đủ tư liệu cho phép rút ra kết luận: những điều kiện lịch sử, xã hội trong vòng 30 năm nay đã làm nảy sinh tâm trạng, cảm quan và loại hình văn hóa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam” [tr.38].

2.2. Xu hướng xem hậu hiện đại như một khái niệm rỗng – mở

      Sự ngập ngừng, e ngại khi du nhập một học thuyết mới vào Việt Nam, từ trước tới nay, là một hiện tượng mang tính tự nhiên. Chủ nghĩa hậu hiện đại cũng không phải là ngoại lệ, nhất là trong hoàn cảnh lý thuyết này vẫn đang trong quá trình đến với sự hoàn chỉnh phổ biến. Sự năng động và đa dạng của các quan niệm về hậu hiện đại là một thế mạnh, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra những rào cản và thách thức trong quá trình nghiên cứu và tiếp nhận. Vì thế, những mâu thuẫn và ngộ nhận nảy sinh từ việc đối chọi nhau trong các quan niệm về hậu hiện đại là điều tất yếu xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, dẫu việc đưa ra một cách hiểu có tính tối ưu nhất để có thể thuyết phục mọi đối tượng, là một nhiệm vụ không thể thực hiện được, nhưng cũng không thể chấp nhận việc nghiên cứu và phê phán một vấn đề mà bản thân chưa xác định được hay xác định đúng nội hàm khái niệm. Chính vì vậy, trong phần này, chúng tôi điểm lại một số quan niệm “ngược” về hậu hiện đại ở Việt Nam, để thấy được bức tranh toàn cảnh của quá trình tiếp nhận.

      Trong nhiều năm qua, song song với khuynh hướng khẳng định hậu hiện đại là một quy luật phát triển tất yếu của văn học và mang trạng thái tinh thần xã hội đương đại, thì khuynh hướng phủ định, hoặc e ngại với lý thuyết này ở Việt Nam cũng chiếm một số đông. Ngay cả ở phương Tây, cho đến nay, nhiều học giả vẫn nghi ngờ hoặc phủ định lý thuyết hậu hiện đại. J.Harbemas vẫn giữ đức tin vào lý tưởng của triết học Khai Sáng. J.P.Willaime, một nhà tôn giáo người Pháp thì đề nghị dùng thuật ngữ “cực hiện đại” (ultramodernité), thay vì thuật ngữ “hậu hiện đại”. Có thể do chịu ảnh hưởng của tâm lý băn khoăn từ các học giả nước ngoài về chủ nghĩa hậu hiện đại, cộng với tâm lý “hậu thuộc địa”, ngại ngần với những cái mới đến từ phương Tây, không ít những bài viết của các học giả trong nước đã thể hiện một thái độ khá gay gắt về chủ nghĩa hậu hiện đại.

      Nguyễn Văn Dân là người đã dành nhiều công sức để phủ định chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm, để chứng minh cho tính “rỗng” của nội hàm khái niệm “hậu hiện đại”, ông đã công phu hệ thống lại các quan niệm về hậu hiện đại trên thế giới, từ nhiều lĩnh vực khác nhau, xem xét và cho rằng các thuộc tính của chủ nghĩa hậu hiện đại được xây dựng là dựa trên việc lấy chủ nghĩa hiện đại làm hệ thống quy chiếu ( phát triển, phủ định hoặc rẽ ngoặt). Từ đó, Nguyễn Văn Dân đi đến kết luận: chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ là mốt sính khái niệm của các học giả phương Tây, là một hiện tượng “chồng chéo khái niệm”, chứ hoàn toàn rỗng về nội hàm khái niệm, là kết quả của “sự dễ dãi của các nhà triết học và các nhà lý luận phê bình” [tr.134]. Theo ông, chủ nghĩa hậu hiện đại chính xác phải dược định danh là “chủ nghĩa siêu hiện đại” (hypermodernism) hoặc “chủ nghĩa tối hiện đại” (ultramodernism). Điều khó hiểu là, khi đánh giá những quan niệm của Lyotard về chủ nghĩa hậu hiện đại, Nguyễn Văn Dân xem đây chỉ là một học thuyết mang tính dụng đồ chính trị, nhằm vào khối xã hội chủ nghĩa (Liên Xô và Đông Âu). Hơn nữa, theo Nguyễn Văn Dân, học thuyết về sự phá bỏ các đại tự sự của Lyotard chứa đầy mâu thuẫn, và tự bản thân nó không thể giải quyết bất cứ vấn đề gì: “Rốt cục, với những cách lập luận như vậy, khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại đang bị lôi kéo vào một cái vòng luẩn quẩn không có đường ra, ở đó ý nghĩa của nó khó có thể đạt được một sự minh bạch có đủ sức thuyết phục” [tr.141].

      Nhìn chung, bài viết của Nguyễn Văn Dân chứa đựng nhiều sự áp đặt và phiến diện. Thứ nhất, là cần xem lại cách mà người viết suy luận khi cho rằng các thuộc tính của văn học hậu hiện đại đều đã có ở văn học hiện đại. Đây là kết luận vội vàng, vì có những vấn đề của văn học hậu hiện đại (khái niệm và thủ pháp) không có ở văn học hiện đại. Mặt khác, sự kế thừa là điều tất yếu của sự phát triển, vấn đề là ứng dụng trong một văn cảnh như thế nào và hiệu quả thẩm mỹ mà sự kế thừa đem lại là ở đâu. Ở đây, cần nhắc lại quan điểm của I.Hassan khi ông cho rằng, chủ nghĩa Dada là một nhánh nghệ thuật nằm trong chủ nghĩa hậu hiện đại, vậy sử dụng chính một nhánh của chủ nghĩa hậu hiện đại để chống lại nó có phải là hợp lý? Thứ hai, sự vận động và thay thế nhau của các hệ hình là quy luật phát triển, giữa chúng bao giờ cũng có tính kế thừa và tính tương đối về mặt thời gian. Không bao giờ có sự xuất hiện một cái mới từ hư vô, cũng không bao giờ có một hệ hình phải chờ đợi hệ hình trước nó phải triệt tiêu hẳn mới chính thức xuất hiện. Đề nghị sử dụng tiếp đầu ngữ “tối” (hiện đại) hoặc “siêu” (hiện đại) cũng chỉ là một đề nghị có tính khái niệm, trong khi tính chất của vấn đề không thay đổi. Vậy có phải là sự sính khái niệm hay không? Thứ ba, nếu cho rằng quan niệm về “đại tự sự” của Lyotard chỉ đơn thuần nhằm mục đích hạ bệ chủ nghĩa Mark, thì tại sao sau sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu, quan niệm của Lyotard vẫn tồn tại đầy sức sống ở phương Tây, thậm chí tại những nước xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc).

      Cùng xu hướng với Nguyễn Văn Dân còn có nhà nghiên cứu Lê Chí Dũng, nhà thơ, nhà phê bình Đỗ Minh Tuấn. Lê Chí Dũng trong bài phê phán Hoàng Ngọc Tuấn Phải chăng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam? (tienve.org, 2004), đã viết: “Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển, nhưng ở một nước phát triển không nhất thiết xuất hiện một xã hội hậu hiện đại (…) chủ nghĩa hậu hiện đại, với tư cách là một trào lưu văn học, không có tiền đồ ở Việt Nam”. Lập luận của Lê Chí Dũng mâu thuẫn ở chỗ, khi khẳng định Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển, nghĩa là trở thành một đất nước hiện đại, và sẽ chỉ dừng lại ở hiện đại mà thôi. Ở đây, ông đã không hiểu được, rằng thuật ngữ xã hội hậu hiện đại chỉ dùng để chỉ một xã hội phát triển hơn xã hội hiện đại (vượt qua hiện đại). Còn về phương diện văn học, thì Lê Chí Dũng, một mặt, không phân biệt giữa trào lưu văn học và hiện tượng văn học (là điều mà ông Hoàng Ngọc Tuấn muốn hướng đến); mặt khác, không theo sát sự vận động của văn học Việt Nam đương đại, nên đã tỏ ra tụt hậu về nhận thức, khi không chịu nhìn nhận những dấu hiệu hậu hiện đại trong văn học nước nhà.

      Đỗ Minh Tuấn trong bài viết Chập chờn bóng ma hậu hiện đại đã xem nền văn hóa hậu hiện đại như một “yêu nữ” hay một “quái trạng văn hóa”: “Nếu không phải chủ nghĩa hậu hiện đại ẩn hiện như bóng ma, sao nó có thể xui khiến các thành viên ngỗ ngược của công ty FPt sáng tác ra một loại nhạc chế giễu nhạc”. Đỗ Minh Tuấn cũng dẫn lại ý kiến kết luận “như đinh đóng cột” của hội thảo “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” (4/2008): “Không có chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam, không có mối liên hệ nào giữa hậu hiện đại với toàn cầu hóa”! Rõ ràng, bài viết này vừa thiếu tính lý luận, vừa thiếu tính thực tiễn, chỉ chủ yếu nêu lên các thực trạng tiêu cực của đời sống văn hóa nước nhà và quy kết cho “hậu hiện đại”. Cách quan niệm về hậu hiện đại của Đỗ Minh Tuấn là không có cơ sở, các luận điểm đưa ra có phần khiên cưỡng, thiếu sự thuyết phục. Cũng như những bài viết của những người “cùng chí hướng”, ở đây tác giả đã nhắm mắt làm ngơ trước những dấu hiệu cách tân và thành tựu bước đầu của văn học Việt Nam bởi những tác động của chủ nghĩa hậu hiện đại.

      Nhìn trên khía cạnh tích cực, chúng ta thấy sự phủ định bao giờ cũng cần thiết, nhưng trước hết phải mang tính phản biện khoa học. Bởi vì, hoạt động tiếp nhận luôn có tính đa chiều và diễn ra trên nhiều bình diện. Sự đối ngược và tranh luận là hết sức cần thiết cho sự phát triển, nhưng phải lấy lý luận để đối chọi lý luận, lấy thực tiễn để bác bỏ thực tiễn, và phải đặt hiện tượng trong tính hệ thống và tính chỉnh thể để có được tính khách quan khoa học, chứ không phải lấy sự phiến diện, xuyên tạc làm căn bản. Chúng ta không thổi phồng vai trò của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với sự phát triển văn hóa, văn học dân tộc trong điều kiện hiện nay, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận những tác động khách quan của nó đối với sự vận động của văn nghệ thời gian vừa qua. Thành quả có được không phải tự nhiên mà có. Sự nỗ lực của một đội ngũ đông đảo các nghệ sĩ, các nhà khoa học của đất nước trong việc nghiên cứu, ứng dụng suốt nhiều năm qua để tạo ra những giá trị mới là điều phải công nhận. Đã có rất nhiều trăn trở và công sức để tạo ra những giá trị văn hóa mới, chúng chưa có thể nói là tốt hơn trước, nhưng chắc chắn là hợp lý hơn.

 (Nguyễn Hồng Dũng, Khoa Ngữ văn , ĐH Khoa học Huế)

Danh mục website