Trương Vĩnh Ký phiên âm truyện Kim Vân Kiều

Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên phiên âm truyện Kim Vân Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, năm 1875.

Trương Vĩnh Ký giới thiệu tác phẩm với Lời nói đầu bằng tiếng Pháp và Tích Túy Kiều bằng tiếng ta.

Chúng tôi xin dịch mấy câu Lời nói đầu và sao lại Tích Túy Kiều, trước khi trích mấy câu mở đầu truyện Kim Vân Kiều do Trương Vĩnh Ký phiên âm.

Bức hoạ chân dung Thuý Kiều

1/ Dịch Lời nói đầu

Thơ mà chúng tôi ấn hành ra quốc ngữ đây là thơ mà tất cả mọi người An Nam đều thuộc lòng, đàn ông cũng như đàn bà, trai cũng như gái. Thơ này được yêu thích hơn cả, với người có học cũng như vô học, kể cả phụ nữ, vì thơ này mang một nền đạo đức được định nghĩa rất khéo léo, được diễn tả dưới mọi quan hệ, được thích ứng với mọi hoàn cảnh của đời người. Nếu buồn phiền, người ta thấy trong thơ những điều an ủi; nếu được may mắn, người ta thấy trong thơ hình tượng của hạnh phúc mình được mô tả bằng sắc mầu rực rỡ...

Những ca dao, ngạn ngữ, lời hay ý đẹp, có đầy dẫy trong thơ; những nguyên tắc tổng quát hay cá biệt của cuộc sống xã hội được trình bày thật rõ ràng minh bạch trong thơ. Về nỗi chìm nổi của nhân sinh, người ta thấy trong thơ một bức họa tuyệt vời của cuộc đời quanh co rắc rối...

2/ Tích Túy Kiều (Theo bản in)

TÍCH TÚY-KIỀU

Đời Gia tĩnh nhà Minh, có họ Vương làm quan viên-ngoại, sinh được ba đứa con, con út trai là Vương-quan, con đầu lòng hai đứa gái là Túy-kiều và Túy-vân, hai ả nhan-sắc đẹp-đẽ xinh-tốt quá chừng, lại thêm học-hành thông minh, lịch-sự đủ điều, cầm, kì, thi họa chẳng thua ai.

Lúc ấy nhằm tiết tháng ba, người-ta hay đi tảo mộ. Ba chị em mới rủ nhau đi chơi xuân, đi qua khỏi suối, Túy-kiều thấy cái mồ con Đạm-tiên, không ai giảy cỏ, không ai viếng-thăm, thì nghĩ lại cái điều hồng-nhan bạc phận mà khóc, hồn Đạm-tiên về hòa thơ với Túy-kiều. Vừa chiều tối, ba chị em dắc nhau ra về, gặp Kim-trọng là bạn học với Vương-quan, chào hỏi chuyện-vãn, hai chị em lạ khép-nép giấu mặt.

Về nhà Túy-kiều đêm nằm trằn-trọc, chiêm-bao thấy Đạm-tiên về nói chuyện về nỗi đoạn trường đến sau. Túy-kiều vùng khóc lên, mẹ nghe được hỏi làm-sao vậy, thì nó nói chuyện chiêm-bao lại cho mẹ nó nghe. Thì mẹ nó la nó biểu nó đừng có tin chiêm-bao mộng-mị, có thật vào đâu.

Còn chàng Kim-trọng từ khi gặp mặt Túy-kiều về cứ tưởng nhớ luôn-luôn, nên chạy tới chỗ gặp khi trước, thì lại càng không thấy người, lại càng thương nhớ lắm; Cuốn gói đi thẳng qua Lam-kiều tìm nhà Túy-kiều. Tới đó thấy tòa nhà cao lớn, mà xung-quanh có xây tường kín đi hết. Ngó thấy đàng sau có cái nhà, mới hỏi mới mướn đặng có ở mà học.

Đem đờn đem sách tới, dọn ở đó đã hơn hai tháng mà không gặp mặt Túy-kiều.

Bữa ấy Túy-kiều ra dạo vườn hoa chơi dưới gốc cây đào, anh ta nghe hơi có nó ra, thì chạy ra, trèo vách dòm vô. Con kia  nghe động đã tuốt vô đóng cửa lại rồi. Ngó quanh ngó quất thấy cây trâm giắt nơi nhánh đào, liền vói tay lấy trâm cầm về. Sáng ngày ra Túy-kiều dậy chải-gở biết mất trâm mới ra mới kiếm.

Bên nây anh ta mới lên tiếng hỏi ai có mất trâm hay không? Túy-kiều thưa, ai có được thì xin cho lại. Anh ta chạy vô lấy thêm hai chiếc xuyến vàng gói vô cái khăn lụa, ra, leo lên, mới tỏ sự-tình với Túy-kiều. Con Kiều nói, sự dựng vợ gả chồng là tại cha mẹ, mình còn thơ ấu dám biết đâu. Kim-trọng này-nỉ gắn-vó xin cho một tiếng cho chắc rằng chịu thì thôi. Kiều liền chịu, giao trâm, khăn, xuyến, quạt rồi ai về nhà nấy.

Cách ít bữa tới ngày ăn lễ sanh-nhựt ông ngoại Túy-kiều, cả hai ông bà và hai em Túy-kiều, đều đi, để chị va ở nhà coi nhà. Chị ta ở nhà một mình thong-thả, đeo đồ vào đánh áo đánh quần, đóng cửa, ra phía sau, tuốt qua nhà Kim-trọng. Leo qua gặp Kim-trọng dắc vào nhà, ở đó trò-chuyện, làm thơ, làm phú, đánh đờn đánh địch, thề nguyền với nhau cho một ngày một đêm; khuya lại Kim-trọng muốn xáp việc, mà va không cho. Sáng ra từ-giã trở về. Kim-trọng được thơ nói chú chết, nên lo về chịu tang. Con Kiều về, thì kế lấy cha mẹ nó về. Rủi đâu việc chi không biết, quan quân tới bắt cha nó, tịch-phong nhà cửa hết. Túy-kiều thương cha, nên lo đi bán mình mà chuộc cha. Mã-giám-sanh là tay ngoài mụ Tú-bà làm tàu-kê mua lấy nó.

Đem nó về lầu xanh, nó không chịu làm đĩ, nó lấy dao cắt cổ, tức mình vì tưởng mua về làm vợ, ai hay mua về bắt làm đĩ, thấy vậy mới dỗ nó, thôi thì ở đó, chờ có ai muốn thì gả nó mà lấy vốn lại.

Thúc-sanh tới buôn-bán, đi chơi đó gặp Túy-kiều ưng ý liền chuộc lấy đem về làm vợ. Cha Thúc-sanh la-dức con sao có cưới đồ đĩ làm gì. Thúc-sanh không chịu bỏ thì Thúc-ông là cha va, đi tới phủ đường mà thưa. Ông phủ tra hỏi rồi đem Kiều ra đánh đòn. Thúc-sanh đau lòng đứng thút-thít khóc, quan hỏi, bẩm nói nó là đứa có tài nên tiếc. Quan mới dạy nó làm thơ đánh đờn mà coi. Hẳn nó là gái có tài lại có nhan sắc, nên quan phủ khuyên cha Thúc-sanh biểu cho nó lấy nhau. Từ ấy về sau cha con hòa-hiệp, lại càng đem lòng thương Túy-kiều.

Con Kiều là đứa biết-điều, biết Thúc-sanh có vợ lớn ở bên nhà, nên năng nói biểu về mà nói cho vợ chính hay kẻo sau rầy-rà khó-lòng. Mà Thúc-sanh về thì về chớ giấu không cho con Hoạn-thơ là vợ chính biết. Trong nố bạn-bè có thằng Ưng với thằng Khuyển về mét thót với Hoạn-thơ. Con Hoạn-thơ nổi máu ghen, cho quân ấy qua lén đốt nhà, bắt con Túy-kiều đem về giao cho mẹ nó hành-hà đày-đọa.

Lúc cháy nhà, thì quân bạn vớt xác chết trôi ném vào đó để làm tang. Thúc-sanh khi ấy đi khỏi. Cha va ở nhà chạy qua thấy nhà cháy tan-hoan, lại có gặp xương nên tưởng Túy-kiều đã bị chết thiêu rồi. Thúc-sanh về nghe nói lại rầu-rỉ khóc-lóc. Mới mướn thầy pháp đánh đồng thiếp mà kiếm Túy-kiều. Thì thiếp nói  nó còn sống, không có chết: Một năm nữa sẽ thấy nhau mà không dám nhìn. Thúc-sanh không tin mắng thầy nói bậy.

Bên kia bà mẹ Hoạn-thơ hành con Kiều cho đến, rồi lại giao về cho con Hoạn-thơ.

Thúc-sanh về thì con Hoạn-thơ bắt nó ra lạy mừng thầy, bắt hầu-hạ đó. Thúc-sanh thấy biết mà không dám nhìn. Sau thấy đày-đọa quá tội nghiệp, thì nói với Hoạn-thơ biếu nới tay, đừng-có hành-hà quá mà thất đức, thì Hoạn-thơ mới cho ra ở giữ chùa Quan-âm-các.

Cách ít bữa, Hoạn-thơ, giả đò về thăm mẹ, mà trá núp rình coi; mới thấy Thúc-sanh vô chùa nói chuyện với Túy-kiều. Vợ hỏi đi đâu vậy thì nói đi coi người viết kinh, chữ viết tốt lắm. Hai vợ chồng đem nhau về, để con đòi ở lại đó. Kiều hỏi biết nó với Hoạn-thơ đã rình nghe ngoài vách. Nên sợ tính bề trốn đi. Mà sợ bơ-vơ đói biết lấy chi mà ăn, nên ăn-cắp cái chuông vàng với cái khánh bạc, khuya nhảy vách ra đi. Sáng ra tới chùa Giác-duyên, vô đó nói mình ở Bắc-kinh, sư-trưởng sai đem chuông khánh cúng, thì bà Giác-duyên biểu ở đó mà chờ sư-trưởng qua.

Ýt lâu có người ở am Hoạn-thơ qua chơi thấy chuông vàng khánh bạc mới nói bên am ấy có mất đồ ấy. tối lại bà Giác-duyên tra Túy-kiều, thì Túy-kiều nói thiệt ra. Biểu lo mà trốn đi, thì lại gởi cho bà Bạc-bà lãnh về, đem gả cho cháu tên là Bạc-hạnh. Bạc-hạnh đem về Châu-thai bán lại cho tàu-kê. Mà Túy-kiều cũng không chịu làm đĩ.

Sau Từ-hải tới đó chơi thích ý muốn chuộc nó đem về làm vợ. Dọn nhà cữa cho ở được nửa năm. Khi ấy Từ-hải tính đi làm giặc. Kiều xin đi theo, mà Từ-hải không cho, nói bận chơn bận cẳng, khó-lòng, hảy ở lại nhà, nội trong một năm sẽ về rước. Thì thật một năm Từ-hải làm giặc được trở về rước. Khi ấy oai-quờn lớn, anh-hùng nhứt xứ, làm lớn thiên hạ, Túy-kiều mới xin mà trả ân oán cho rồi.

Vậy sai quân đi mời Thúc-sanh, mụ già ở với mẹ con Hoạn-thơ, với bà Giác-duyên; bắt Tú-bà, Mã-giám-sanh, con Hoạn-thơ, Bạc-hạnh, Bạc-bà, thằng Ưng, thằng Khuyển, đem về đền ơn trả oán.

Thúc-sanh thì cho một trăm cuốn gấm, một ngàn cân bạc;

Mụ già và bà Giác-duyên một trăm lượng vàng;

Hoạn-thơ thì nhiếc bỏ xó rồi tha về;

Còn bao nhiêu chém hết.

Rồi lạy tạ chồng vì nhờ chồng mà đền ơn trả oán được.

Túy-kiều cầm bà Giác-duyên lại chơi ít lâu: Vì ở còn chưa định sở, sợ sau khó gặp nhau, thì bà Giác-duyên nói: Không hề gì: “Năm năm nữa gặp nhau tại sông Tiền-đường, ấy là lời bà Giác-sư nói tiên tri.”

Lúc ấy Trảo sai ông Hồ-tông-hiến ra đánh Từ-hải mà liệu thế đánh không lại, nên sai sứ đem lễ vật cho Túy-kiều với Từ-hải, khuyên ra hàng-đầu thú tội. Từ-hải dùng-dằng không chịu đầu. Túy-kiều năn-nỉ nói thiệt hơn, biểu thì đầu đi cho được giữ chữ trung chữ hiếu: Trước là được về gặp cha mẹ, sau là được trung với vua. Từ-hải bèn nghe lời bó giáo hàng-đầu.

Túy-kiều cho tin cho Hồ-tông-hiến đem quân-gia ra rước, chẳng ngờ dạy quân bắn Từ-hải đi. Từ-hải chết mà không ngã. Quân về nói lại với Túy-kiều. Túy-kiều ra khóc lóc nói là tại mình cho nên chồng mới chết làm-vậy, thì xác té xuống. Quân bắt Túy-kiều đem vô Hồ-tông-hiến hỏi Túy-kiều muốn xin đi-gì với Triều-đình vì công đã giúp lời cho Từ-hải ra đầu. Túy-kiều bẩm không có công gì, một xin xác Từ-hải đem về chôn.

Hồ-tông-hiến mở tiệc đãi quan quân tướng sĩ, đem Túy-kiều về chơi một đêm. Sáng ngày ra tỉnh rượu mới giựt mình lấy vợ giặc có tội với Triều-đình, nên đem gả cho thổ-quan đất ấy.

Thổ-quan đem kiệu rước về đem xuống tàu đậu nơi sông Tiền-đường. Nghe sóng gió ầm-ầm, hỏi quân ở đó là đâu? Quân nói là sông Tiền-đường, liền nhớ lại lời tiên-tri bà Giác-sư (là bà Tam-hiệp) bèn đâm đầu xuống sông.

Bà Giác-duyên biết lời tiên-tri ấy thuở trước đã tới che lều ở đó sớm tối mướn chài chài lên chài xuống hoài, khi ấy mới chài được vớt lên đem về am nuôi.

Còn Vương-quan và Kim-trọng lấy Túy-vân thế con Túy-kiều, thi đâu vua sai đi ngồi tri-huyện các xứ ấy, nhớ đến hỏi thăm người-ta có biết có nghe tích con Túy-kiều hay không, thì người ta nói có, mà không biết bây giờ ở đâu. Kiếm-tìm hoài không ra.

Năm ấy cải nhậm, vua sai đi ngồi xứ khác, hai anh em đi tới sông Tiền-đường, nghe nói Túy-kiều chết tại đó thì rước thầy làm chay, đặt bài vị mà tế, Mụ Giác-duyên đi coi thấy mộc-vị thì biết là tế con Túy-kiều, mới hỏi là ai tới làm chay; biết là anh em, cha mẹ Túy-kiều thì nói Túy-kiều còn sống ở tại am mình. Dắc về nhìn ra thiệt tích; Đem nó về, nó không chịu về. Cha mẹ la dức nói muốn tu thì sẽ lập am tại nhà cho mà tu, cùng rước bà Giác-duyên về đó tu với nó, thì nó mới chịu về.

Am-tự lập xong rồi, cho đi tìm rước bà Giác-duyên thì đã mất đi bao giờ biệt tăm biệt tích.

3/ Mở đầu truyện Kiều (Theo bản in)

Trăm năm(1)  trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mạng(2)  khéo là ghét nhau!

Trải qua một cuộc bể dâu(3)

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

Lạ gì bỉ sắc tư phong(4) 

Trời sanh quen với má hồng đánh ghen

Kiều thơm(5)  lần dở trước đèn.

Phong tình cổ lục còn truyền sử sanh

Rằng năm Gia tĩnh triều Minh,

Bốn phương lẳng lặng hai kinh vững vàng(6)

Có nhà vương ngoại họ Vương

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung

Một giai con thứ rớt lòng,

Vương quan là chữ nối dòng nho gia

Đầu lòng hai ả tố nga(7) 

Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân

Mai cốt cách tuyết tinh thần(8)

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười

Vân xem trang trọng tót vời

Khuôn lưng đầy đặn, nết người nở nang

-----------------------------------

 1. Đời người ta một trăm năm làm hạn, vì vậy “Ba vạn sáu ngàn ngày”, “Bách niên giai lão”.

 2. Hữu tài vô mạng, Hữu mạng vô tài, tài mạng tương đổ. Hễ có tài thì không có mạng, mà có mạng thì không có tài, nên rằng tài mạng ghét nhau.

 3. Tam thập niên vi nhất biến, thương hải biến vi tang điền, tang điền biến vi thương hải: chỉ cuộc đời hay đổi dời.

 4. Kia rít ấy chồi. Được cái kia ít thì cái ấy được nhiều, không cân nhau bao giờ.

 5. Sách hay, bản hay.

 6. Là Nam kinh với Bắc Kinh, Bắc là Yên kinh, Nam là Kim lăng.

 7. Nàng Tố Nga hay gã Hằng Nga là thằng cuội ở trên trăng. Chỉ là tiên, xinh, tốt.

8. Cốt cách dịu dàng như mai, tinh thần trắng trong như tuyết.

 

Nguồn: http://www.cgvdt.vn/van-hoa-nghe-thuat/ta-i-lie-u/truong-vi-nh-ky-phien-am-truyen-kim-van-kieu_a523 

Danh mục website