Chủ nghĩa vị lai trong thơ ca Nga

Tóm tắt

Chủ nghĩa vị lai ra đời trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ XIX và XX. Đó là thời đại của những cuộc cách mạng xã hội, và chủ nghĩa vị lai như một khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa phản ánh cả hai phương diện tiêu cực lẫn tích cực của thời đại đó. Tư tưởng vô chính phủ, chối bỏ truyền thống, những thử nghiệm mang tính phá phách, gây sốc hoặc mù mờ khó hiểu là những điều khiến cho thơ ca vị lai có thể bị coi là suy đồi, là lưu manh, là nổi loạn. Tuy nhiên đó cũng là hình thức phản ánh hiện thực xã hội và tâm hồn của thời đại theo cách riêng của một thế hệ tuy chịu ảnh hưởng của truyền thống hiện thực thế kỷ XIX nhưng đồng thời cũng muốn thoát khỏi cái bóng khổng lồ của nó. Những cách tân về hình thức và nội dung của chủ nghĩa vị lai, nếu bỏ qua những cực đoan, đã có những đóng góp quan trọng đối với tiến trình phát triển của văn học hiện đại Nga, đặc biệt trên phương diện thẩm mỹ.

Từ khóa: văn học Nga, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa vị lai…

1. Velimir Khlebnikov và sự ra đời của chủ nghĩa vị lai Nga

Nói đến chủ nghĩa vị lai Nga, trước hết cần nhắc đến Velimir Khlebnikov – một trong những người lập nên phái này và là người được R. Jakobson đánh giá là “nhà thơ thế giới nhất của thế kỷ”(2).

Velimir (tên thật là Victor Vladimirovich) Khlebnikov (1885 – 1922) xuất thân từ một gia đình trí thức (cha là một nhà sinh vật học –chuyên gia nổi tiếng về điểu học, còn mẹ là nhà sử học). Sau khi tốt nghiệp trung học, Khlebnikov vào học ở khoa Toán-Lý của Đại học Tổng hợp Kazan. Mặc dù có những nghiên cứu nghiêm túc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhưng năm 1908, Khlebnikov xin chuyển sang học ở Khoa Toán – Lý của Đại học Tổng hợp Petersburg, không phải để tiếp tục sự nghiệp này, mà cốt để đến Petersburg và thực sự dốc sức vào công việc yêu thích của mình là văn chương. Những kinh nghiệm sáng tác đầu tiên của Khlebnikov bắt đầu từ năm 1904, dưới ảnh hưởng của các nhà tượng trưng. Trong hai năm đầu ở Petersburg (1908 – 1909), Khlebnikov gia nhập vào giới thơ trẻ của thủ đô, bắt đầu một cuộc sống mà nhà thơ gọi là “phóng đãng” (bogema). Ông làm quen với các nhà thơ tượng trưng, dự các sinh hoạt văn chương của họ. Một trong những nguyên nhân cuốn hút Khlebnikov đến với một số nhà tượng trưng (như nhà văn và là nhà soạn kịch A.M.Remizov, hay nhà thơ – triết gia V.I.Ivanov) là vì chung mối quan tâm đến văn hoá cổ và ngôn ngữ dân gian Nga. Thơ ca thời kỳ này của Khlebnikov không nhiều, chủ yếu mang đề tài về Slav cổ, trong đó nhà thơ tạo ra những từ ngữ lạ, hình tượng lạ, thậm chí cả những thần linh Slav của riêng mình. Cái mới lạ trong sáng tác của Khlebnikov được thể hiện trong một tác phẩm nổi tiếng với nhan đề “Vườn bách thú”. Các nhà nghiên cứu băn khoăn không biết gọi nó là trường ca hay truyện ngắn, là thơ hay là văn xuôi. Tính chất trung gian giữa thơ và văn xuôi ở tác phẩm này đánh dấu sự phát triển hình thức thơ tự do mà về sau sẽ chiếm ưu thế trong thơ Khlebnikov. Tuy nhiên, đối với Khlebnikov, có sự phân biệt giữa thơ và văn xuôi: nếu như ngôn ngữ văn xuôi hướng tới “trí tuệ” (um) tức có nghĩa, thì thơ hướng tới “ngoại trí tuệ” (zaum – một khái niệm tiêu biểu của chủ nghĩa vị lai về sau) tức sự vô nghĩa.

Mùa thu năm 1909, mặc dù vẫn có những liên hệ mật thiết với các nhà tượng trưng, nhưng Khlebnikov bắt đầu không còn hào hứng với chủ nghĩa tượng trưng nữa. Nhà thơ thôi không đăng tác phẩm trên tờ “Apollon” (lúc bấy giờ do Ivanov điều hành). Cũng thời gian này, ông bắt đầu đưa vào bút danh của mình cái tên Velimir (theo kiểu tạo từ mới đặc trưng của nhà thơ là ghép hai từ lại với nhau: veliky và mir – nghĩa là thế giới rộng lớn, vĩ đại).

Năm 1910, Khlebnikov thôi lui tới với các nhà tượng trưng, và cùng với một số nghệ sĩ (hoạ sĩ Mikhail Matyushin cùng vợ là nhà thơ Elena Guro, ba anh em nhà Burlyuk gồm hai nhà thơ là David và Nikolai và một hoạ sĩ là Vladimir) lập ra nhóm riêng của mình, đặt tên “Budetlyane” (cũng một từ mới, sản phẩm của Khlebnikov – với nghĩa là những người vị lai), rồi sau đó đổi thành “Gileya” – đây là mầm chồi đầu tiên của chủ nghĩa vị lai Nga.

Chủ nghĩa vị lai là hiện tượng không chỉ của riêng nước Nga. Quê hương của chủ nghĩa vị lai là nước Ý, và người đặt nền móng đầu tiên cho nó là Filippo Tommaso Marinetti (1876 – 1944). Trong Tuyên ngôn của chủ nghĩa vị lai, Marinetti xác định cương lĩnh của phái này là “phản văn hóa, phản mỹ học và phản triết học”. Nếu như đặc trưng của nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa nói chung là sự phủ nhận những chuẩn mực, những truyền thống của quá khứ, thì chủ nghĩa vị lai là thái cực của sự phủ nhận này. Cho rằng chủ nghĩa vị lai là “nghệ thuật của tương lai”, Marinetti tuyên bố nhiệm vụ lịch sử của nó là “mỗi ngày nhổ nước bọt vào bàn thờ nghệ thuật”.(3)

Chủ nghĩa vị lai cổ xúy việc phá vỡ những hình thức của nghệ thuật cũ để nó có thể hòa nhập vào dòng chảy hối hả của cuộc sống thế kỷ XX. Hành động, chuyển động, vận tốc, sức mạnh, công kích, gây hấn… là những thứ mà các nhà vị lai sùng bái. Họ đề cao bản thân, khinh bỉ kẻ yếu hèn, khẳng định ưu thế của sức mạnh, ca ngợi chiến tranh và sự hủy diệt. Trên phương diện này, chủ nghĩa vị lai gần với chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism). Về hình thức nghệ thuật, Marinetti hướng tới những thay đổi căn bản cấu trúc văn bản tác phẩm: “phá vỡ cú pháp phổ biến”, “sử dụng động từ ở thức không xác định”, “bỏ các tính từ chỉ tính chất” (Aggettivi qualificativi), “bỏ các dấu chấm câu”… để truyền đạt được sự chuyển động không ngừng của cuộc sống.(4)

Theo sau chủ nghĩa vị lai Ý, các nhà vị lai Nga cũng tuyên bố vứt Pushkin, Dostoevsky, Tolstoy và những thần tượng văn chương của quá khứ “ra khỏi con tàu Hiện đại”, bởi “ai không quên được tình yêu đầu, thì không biết được tình yêu cuối”(5). Không chỉ quá khứ, mà cả các nhà thơ, nhà văn đương thời như Balmont, Bryusov, Gorky, Blok, Bunin,... cũng bị chối bỏ. Thậm chí, cả đến ông thầy Marinetti cũng không được thừa nhận.

2. Chủ nghĩa vị lai Nga như một xu hướng nghệ thuật tiền phong

Tính chất cực đoan trong các quan niệm nghệ thuật và những hình thức thể hiện của chủ nghĩa vị lai tuy gây sốc đối với đương thời (thậm chí từ “nhà vị lai” lúc bấy giờ còn bị coi là đồng nghĩa với từ “đồ lưu manh”), nhưng phong trào này ở Nga còn được xem là nghệ thuật tiền phong (avant-garde) – một trong những trào lưu hiện đại chủ nghĩa đã có những ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển của văn học nói riêng, và nghệ thuật hiện đại Nga nói chung. Chủ nghĩa tiền phong Nga hình thành và phát triển trong giai đoạn từ thập niên 1900 đến đầu thập niên 1930, và thời kỳ hưng thịnh nhất của nó là những năm 1914 – 1922. Ngoài chủ nghĩa vị lai (chủ yếu là vị lai lập thể), các khuynh hướng thuộc chủ nghĩa tiền phong Nga còn có chủ nghĩa trừu tượng(6), chủ nghĩa siêu việt(7), chủ nghĩa kiến thiết(8). Các nghệ sĩ tiền phong chủ trương phá vỡ, đẩy lùi những ranh giới được xem là chuẩn mực, hay cái gọi là status quo (tiếng Latin nghĩa là hiện trạng, trong nghĩa tiêu cực chỉ hiện trạng đang hiện hữu, thống trị, nhưng đồng thời cũng tương đối ngưng trệ, đóng băng, cần có những cú hích để tạo sự thay đổi). Những cú hích gây sốc đó có thể (thậm chí là chỉ có thể) được tạo nên nhờ nghệ thuật. Nói như Benjamin Olinde Rodrigues trong bài báo “Nghệ sĩ, nhà khoa học và nhà tư bản công nghiệp”, sử dụng “sức mạnh của nghệ thuật thực sự là phương cách trực tiếp và nhanh chóng nhất”, và người nghệ sĩ được định nghĩa là những người tiên phong (vanguard) bởi họ “có tất cả mọi vũ khí trong tay” để có thể “truyền bá những tư tưởng mới cho mọi người” và có thể có được “một ảnh hưởng như điện và đầy thắng lợi”.(9)

Các nhà vị lai Nga bước vào lịch sử văn hóa như những nhà cách tân, tiến hành cuộc cách mạng trong thơ ca cũng như trong các lĩnh vực nghệ thuật khác. Họ mong muốn nghệ thuật không chỉ là sự khơi dậy những khen tụng, cảm thông, mà còn phải gây lên được cả sự tức giận thù địch, những cơn điên rồ nơi độc giả. Bởi vậy, nhiều người trong số họ còn nổi tiếng là những kẻ gây rối, tạo xì căng đan để thu hút sự chú ý. Ngoài ra, còn có hàng trăm cuộc triển lãm, các buổi đọc thơ, các buổi diễn kịch, báo cáo, đàm đạo được tổ chức trong những năm từ 1912 đến 1916 (thời kỳ thịnh vượng của phong trào vị lai Nga). Những hoạt động đó đều bán vé vào cửa (với giá từ 25 kôpếch đến 5 rúp một vé – không rẻ so với thời giá lúc bấy giờ), các tranh triển lãm được đem bán (trung bình một triển lãm thu được khoảng 5 đến 6 ngàn rúp) và đem lại khá nhiều tiền bạc. Không chỉ sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mà còn có chiến lược tìm kiếm những phương thức tiếp cận công chúng và các nhà tài trợ, quảng bá, phát hành một cách nhanh chóng nhất và thu lợi nhuận từ hoạt động nghệ thuật – đó một hiện tượng ngày nay rất phổ biến, trở thành chuyên nghiệp, với những tên gọi như “quảng cáo”, “quan hệ công chúng” (promotion, public relations). Có thể nói đây cũng là một khía cạnh mang tính chất đi trước, mở đường của chủ nghĩa vị lai như một phái nghệ thuật tiền phong.

Chủ nghĩa vị lai Nga chủ yếu là một phong trào thơ ca, mặc dù một số nhà vị lai hàng đầu như Mayakovsky, anh em nhà Burlyuk ngoài làm thơ còn vẽ tranh. Các hoạ sĩ tiền phong của Nga như Mikhail Larionov, Natalia Goncharova, Kazimir Malevich thì lại tìm cảm hứng hội hoạ từ những bài thơ vị lai chủ nghĩa, và bản thân họ cũng sáng tác thơ.

3. Các trường phái của chủ nghĩa vị lai Nga

Cũng như nhiều phái thơ hiện đại chủ nghĩa khác, chủ nghĩa vị lai tập hợp những nhà thơ rất khác nhau, thậm chí sự phân hoá nơi nó còn mạnh hơn ở chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa đỉnh cao, bởi ai cũng muốn trở thành nhà cách tân, là tiếng nói – hay đúng hơn là tiếng thét – cuối cùng của thời hiện đại. Khlebnikov là “ca sĩ theo chủ nghĩa vô chính phủ”, Mayakovsky là “nhà hùng biện theo chủ nghĩa đô thị”, Burlyuk là “nhà mỹ học-cổ động viên”, Pasternak là “chuyên gia lái máy bay cú pháp”,... Lịch sử của chủ nghĩa vị lai Nga là lịch sử những mối quan hệ tương tác phức tạp của bốn nhóm : “Vị lai lập thể” (Cubo-futurism), “Vị lai vị ngã” (Ego-futurism), “Biệt thự thi ca” (Mezonin poezii), “Ly tâm” (Tsentrifuga), mỗi nhóm đều xem mình là những đại diện của chủ nghĩa vị lai “đích thực”.

Nói đến chủ nghĩa vị lai Nga, trước hết và chủ yếu là nói đến các nhà vị lai lập thể tập họp trong nhóm mang tên “Gileya” thành lập năm 1910 theo sáng kiến của David Burlyuk và em trai Vladimir, với các thành viên là Velimir Khlebnikov, Vasily Kamensky, Vladimir Mayakovsky, Alexei Kruchenych, Benedict Livshits… Năm 1912, họ đưa ra bản tuyên ngôn “Cái tát vào thị hiếu xã hội” (in trong tập sách cùng tên), với những lời gây sốc:

“Chúng tôi ra lệnh phải tôn trọng các quyền của nhà thơ:

1.  Được mở rộng vốn từ vựng bằng những từ ngữ tự do và phái sinh (cách tân từ ngữ)

2.  Được căm ghét vô độ thứ ngôn ngữ tồn tại trước họ

3.  Kinh hãi vứt khỏi vầng trán kiêu hãnh của mình chiếc vòng vinh quang hèn mọn được các người làm từ chổi nhà tắm

4.  Đứng trên đá tảng của từ “chúng ta” giữa đại dương những tiếng huýt gió và cơn phẫn nộ.”(10)

Một số tuyên ngôn khác của chủ nghĩa vị lai lập thể được xuất bản trong các tập sách “Khu vườn của các quan tòa”.

Chủ nghĩa vị lai lập thể là sự kết hợp giữa các nhà thơ vị lai với các họa sĩ lập thể. Chủ nghĩa lập thể (cubism) tiếp nhận sự vật không phải theo phương thức tổng hợp, mà là phương thức phân tích. Các họa sĩ tìm kiếm khung cốt mang tính hình học của sự vật, mong muốn vứt bỏ lớp phủ bên ngoài để thâm nhập cấu trúc bên trong của vũ trụ. Trong tác phẩm của họ, đối tượng được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng. Người họa sỹ không quan sát đối tượng ở một góc nhìn cố định mà lại đồng thời phân chia thành nhiều mặt khác nhau, nhiều khía cạnh khác nhau. Thông thường các bề mặt, các mặt phẳng giao với nhau không theo các quy tắc phối cảnh làm cho người xem khó nhận ra chiều sâu của bức tranh.

Vào thập niên 1910, hội họa lập thể, đặc biệt là những tác phẩm của Picasso đã được giới thiệu ở Moskva và được nhiều họa sĩ Nga hưởng ứng. Việc phá vỡ những quy tắc phối cảnh, đập vụn các nguyên mẫu hiện thực thành những khối hình không gian thô sơ – những cách tân đó của hội họa trừu tượng hấp dẫn cả những nhà thơ vị lai, mà trong số họ nhiều người đồng thời là họa sĩ.

Phái vị lai lập thể hướng tới những hình thức nghệ thuật nguyên sơ, chú trọng tính hữu dụng của nghệ thuật, đồng thời lại muốn giải phóng ngôn từ khỏi những nhiệm vụ ngoài văn chương để tập trung vào những thử nghiệm hoàn toàn mang tính hình thức. Trong bản tuyên ngôn của mình, các nhà vị lai Nga tuyên bố các nhà thơ được quyền: “tăng số lượng từ vựng bằng những từ ngữ tự do và phái sinh (làm mới từ vựng); căm ghét vô độ đối với thứ ngôn ngữ tồn tại trước họ”(11)

Tập trung vào việc cải tạo ngôn ngữ, họ mong muốn mở rộng ranh giới và những khả năng của ngôn ngữ và hết sức nỗ lực trong việc tạo từ mới. Nếu như các họa sĩ lập thể đập vỡ nguyên mẫu hiện thực thành những khối hình, thì các nhà thơ vị lai đập vỡ từ thành các nguyên âm, phụ âm với những ý nghĩa nội tại của chúng: “Các nguyên âm được hiểu như không gian và thời gian, các phụ âm là màu sắc, âm thanh, mùi vị”.(12)

Khái niệm “nghĩa” của từ được chuyển từ cấp độ liên tưởng âm thanh sang cấp độ những cấu trúc tạo hình. Các nhà vị lai đổi mới từ vựng của văn bản bằng việc đưa vào những từ ngữ tục, những thuật ngữ kỹ thuật, tạo ra những từ mới với kết cấu lạ, từ chối các dấu câu. Một số nhà thơ (Khlebnikov, Kamensky, Gnedov) thích tạo từ mới từ những gốc từ cũ, số khác lại thích chẻ nhỏ từ ra nhờ vần điệu (Mayakovsky), số khác nữa lại thích dùng nhịp điệu để làm cho từ có trọng âm không theo quy tắc thông thường (Kruchenykh).

Các nhà vị lai lập thể chú ý đến tác động về thị giác của thơ. Nội dung của từ ngữ, theo họ, được xác định qua những đặc điểm về tạo hình và âm thanh của các từ. Bổ nghĩa cho danh từ thì không chỉ có các tính từ, mà còn có những từ loại khác, và hơn thế nữa còn có các chữ cái riêng lẻ hoặc các con số. Bản chất của thơ ca không còn là ở nội dung của văn bản, mà là ở hình thức. Các nhà thơ xây dựng cấu trúc hình ảnh cho câu thơ, vần không đặt ở những từ cuối, mà là những từ đầu, hoặc giữa các âm tiết trong câu, tạo thành kiểu “thơ bậc thang”.

Từ ngữ dưới bàn tay kiến tạo của các nhà vị lai lập thể đã trở thành “từ tự thân” (samovitoye slovo – cũng là một từ mới do Khlebnikov tạo ra) vượt ra ngoài những chức năng thông dụng, các dòng thơ trở thành phi lý, “ngoại trí tuệ” (zaumnye stroki). Chẳng hạn như những câu thơ in trong bài báo mang tính cương lĩnh “Từ tự thân” từng gây băn khoăn, tranh cãi do chỉ là tập hợp các con chữ, các âm thanh:

Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ đặc thù, khác với thơ khác: từ ngữ của nó không có ý nghĩa xác định

*

Дыр бул щыл

убешшур

скум

вы со бу

р л эз

Tác giả của nó, Kruchenykh, cho rằng “trong bài thơ năm câu này có nhiều chất dân tộc Nga hơn trong toàn bộ thơ ca Pushkin”.(13)

Một trong những cách “dịch” bài thơ này, do nhà vị lai David Burlyuk đưa ra: dòng đầu là sự kết hợp các chữ cái/các âm của câu "Дырой будет уродное лицо счастливых олухов" (Bộ mặt xấu xí của những kẻ ngu xuẩn sung sướng sẽ thành cái lỗ rách). Sự xấu xí, ngu xuẩn, trống rỗng… như một lời tuyên án (đối với giai cấp tư sản quý tộc) là những ý nghĩa ẩn sau thứ ngôn ngữ “ngoại trí tuệ” đó. Tuy nhiên, phản ứng phê phán thì thấy “sự kết hợp các chữ cái đó ngoài việc hoàn toàn không gợi cảm, còn hết sức khó nghe”.(14)

“Vị lai vị ngã” là nhóm vị lai xuất hiện vào thập niên 1910. Ngoài việc chia sẻ tinh thần chung của chủ nghĩa vị lai, đặc thù của chủ nghĩa vị lai vị ngã là sự trau giồi sự tinh tế của cảm xúc, sử dụng những từ mới ngoại lai, phô trương chủ nghĩa vị kỷ. Nếu như chủ nghĩa vị lai lập thể là sáng tạo tập thể của những người có cùng quan điểm, thì chủ nghĩa vị lai vị ngã lại được coi là sáng tạo cá nhân của nhà thơ Igor Severyanin. Bước chân vào văn chương từ năm 1904, ban đầu Severyanin được giới phê bình tiếp nhận một cách thờ ơ. Sự nổi tiếng đến với nhà thơ này lại từ một sự kiện bất ngờ: năm 1910, đại văn hào Lev Tolstoy trong khi tỏ thái độ tức giận đối với sự tầm thường, suy đồi của thơ ca đương đại, đã dẫn câu thơ “Hãy đâm cái mở nút chai và cái nút đàn hồi” (Вонзите штопор в упругость пробки) của Severyanin như ví dụ (“Họ đang làm gì vậy?... Đó là văn học hay sao? Xung quanh toàn những thòng lọng treo cổ, những đám người vô công rồi nghề, những vụ giết người, nạn rượu chè đến khó tin, còn họ thì chỉ có cái nút chai đàn hồi”(15)). Và thế là báo chí khắp nước Nga bắt đầu nhắc đến thơ của Severyanin – một sự nổi tiếng nhờ tai tiếng, “succèss de scandal” của văn chương suy đồi.

Để củng cố sự nổi tiếng, cũng đồng thời để tạo nền tảng lý luận cho sáng tác của mình, mà nội dung chủ yếu của nó là sự đối lập nhà thơ với đám đông, Severyanin vào năm 1911 đã kết hợp với nhà thơ Konstantin Olympov lập ra nhóm “Ego” (tiếng Latin nghĩa là “tôi”) với ý nghĩa: “Tôi là tương lai” – đó là sự khởi đầu của chủ nghĩa vị lai vị ngã. Bên cạnh những chủ trương cải tạo, làm mới ngôn từ triệt để, chủ nghĩa vị lai vị ngã chú trọng đề cao cá nhân tự khẳng định mình, xem tâm hồn cá nhân là chân lý duy nhất. Sự sùng bái cá nhân của phái vị lai này đã được thể hiện trong những câu thơ mang tính tuyên ngôn của Olympov:

Пусть будет известно

на клубных подмостках,

Я выше Бога Сверкаю Венцом.

Dịch

Hãy để trên bục sân khấu câu lạc bộ thấy rằng,

Tôi tỏa sáng vòng hào quang cao hơn Chúa

(“Tự thú của nhà vị lai”)

Chủ nghĩa vị lai vị ngã tồn tại không lâu. Năm 1912, Severyanin tách khỏi nhóm vị lai vị ngã, và sau Cách mạng Tháng Mười thì hoàn toàn thay đổi phong cách. Những người tiếp tục tổ chức và tuyên truyền cho chủ nghĩa vị lai vị ngã sau Severyanin, ngoài Olympov còn có nhà thơ Ivan Ignatyev. Họ tập hợp các nhà vị lai vị ngã vào nhóm xuất bản “Người rao mõ Petersburg” (Петербургский глашатай), nhưng sau cái chết của Ignatyev (tự vẫn ở tuổi 21 vào năm 1914) thì nhóm này cũng tan rã.

“Biệt thự thi ca” là tên một nhà xuất bản thành lập năm 1913, tập hợp các nhà thơ trẻ ở Moskva, với trung tâm là Vadim Shershenevich – một nhà tổ chức tài ba, nhà kinh doanh xuất bản tháo vát, biên tập viên giàu kinh nghiệm, nhà phê bình sắc bén, đồng thời là một nhà thơ vị lai. Ông tuyên bố “Biệt thự thi ca” là nhà xuất bản của chủ nghĩa vị lai, đối lập nó với tất cả các nhà xuất bản vị lai khác. “Biệt thự thi ca” mong muốn cạnh tranh với “Gileya” của phái vị lai lập thể trong lĩnh vực văn chương, nhưng do không có được những tên tuổi lớn như Khlebnikov, Mayakovsky nên các nhà thơ của nhóm này khó tìm được một cơ sở lý luận cho riêng mình. Họ cũng xem mình gần gũi với nhóm vị lai vị ngã của Petersburg, thường đăng tác phẩm của các nhà thơ vị lai vị ngã, nhưng thực tế không chia sẻ nhiều các quan điểm nghệ thuật của họ. Khác với nhóm vị lai lập thể luôn khẳng định tính chất độc lập của chủ nghĩa vị lai Nga, Shershenevich lại xem vị lai Nga là sự kế thừa chủ nghĩa vị lai Italia, cho rằng chủ nghĩa vị lai là trào lưu mang tính xã hội xuất hiện ở thành thị lớn, nơi mọi sự khác biệt dân tộc bị xóa nhòa, và thơ vị lai mang tính chất toàn cầu.

Nhóm “Ly tâm” thành lập năm 1914, với các thành viên chủ yếu là Sergei Bobrov, Boris Pasternak và Nikolai Aseev. Các nhà thơ của nhóm “Vị lai vị ngã” Petersburg, của “Biệt thự thi ca” Moskva cũng tìm đến “Ly tâm” sau khi nhóm của họ tan rã. Đặc điểm chính trong lý thuyết và thực tiễn sáng tác của “Ly tâm” là chuyển trọng tâm chú ý từ “từ tự thân” sang những cấu trúc nhịp-trọng âm và cú pháp trong quá trình xây dựng tác phẩm. Sự thử nghiệm, cách tân vẫn được kết hợp hữu cơ với các kinh nghiệm của truyền thống. Chẳng hạn Pasternak, tuy gần gũi với chủ nghĩa vị lai, nhưng cũng đồng thời chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng. Tài năng của Pasternak chỉ thực sự nở rộ sau Cách mạng Tháng Mười, với đỉnh cao là những năm 1950, nhưng đặc điểm cơ bản của thơ ông đã được định hình từ giai đoạn này: thi vị hóa đời sống thường nhật với những hiện tượng, những sự kiện bề ngoài không có gì nổi bật, suy tư triết học về ý nghĩa của tình yêu và sáng tạo, của sự sống và cái chết. Thơ thời kỳ “Ly tâm” cũng như về sau của Pasternak tuy phức tạp về hình thức, dày đặc ẩn dụ, nhưng trong đó luôn tràn ngập những màu sắc trinh nguyên của thiên nhiên, sự tươi mới, chân thành và sâu sắc trong cảm nhận. Đó cũng là sự khám phá những trạng thái cảm xúc đang diễn ra nhưng khó nắm bắt, khám phá sự liên kết giữa những quá trình tâm lý với thể chất con người – đặc điểm của chủ nghĩa ấn tượng (impressionism) trong văn chương.

Sự phân hóa của chủ nghĩa vị lai, cũng như nơi các nhóm vị lai tập hợp những con người rất khác nhau là điều không lạ, bởi đó là một phong trào hướng tới sự vận động không ngừng, mang tính cách mạng, nhất là trên phương diện từ ngữ, và nếu nó dừng lại ở một số khuôn mẫu nào đó thì không còn là chính nó nữa. Chỉ có thể đưa ra một số dấu hiệu cơ bản để nhận diện chủ nghĩa vị lai Nga, nhưng không nhất thiết mọi sáng tác của các nhà vị lai Nga đều phải có đủ:

- Hướng tới tương lai, cảm xúc về cuộc đổi thay cuộc sống trong tương lai;

- Chào mừng cuộc sống cũ bị sụp đổ, phủ nhận văn hóa cũ và tuyên ngôn về văn hóa mới;

- Phủ nhận tính kế thừa văn chương;

- Những đề tài thành thị;

- Chống lại những chuẩn mực của xã hội tư sản bằng việc gây sốc, tạo xì căng đan (épater le bourgeois  - đập bẹp tên tư sản: cụm từ tiếng Pháp này du nhập vào Nga cùng với thời kỳ của chủ nghĩa suy đồi);

- Sáng tạo những hình thức mới lạ, những từ ngữ mới lạ;

- Quan tâm đến hội họa, đưa vào thơ ca các yếu tố của đồ họa và ký âm;

- Quan niệm về tính chất “ngoại trí tuệ” (zaum) của thơ ca;

*

Chủ nghĩa vị lai, cũng như chủ nghĩa hiện đại nói chung trong văn học Nga, khởi xuất trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ XIX và XX. Đó là thời đại của những cuộc cách mạng xã hội, và chủ nghĩa vị lai như một khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa phản ánh cả hai phương diện tiêu cực lẫn tích cực của thời đại đó. Tư tưởng vô chính phủ, chối bỏ truyền thống, những thử nghiệm mang tính phá phách, gây sốc hoặc mù mờ khó hiểu là những điều khiến cho thơ ca vị lai có thể bị coi là suy đồi, là lưu manh, là nổi loạn. Tuy nhiên đó cũng là hình thức phản ánh hiện thực xã hội và tâm hồn của thời đại theo cách riêng của một thế hệ tuy chịu ảnh hưởng của truyền thống hiện thực thế kỷ XIX nhưng đồng thời cũng muốn thoát khỏi cái bóng khổng lồ của nó. Những cách tân về hình thức và nội dung của chủ nghĩa vị lai, nếu bỏ qua những cực đoan, đã có những đóng góp quan trọng đối với tiến trình phát triển của văn học hiện đại Nga, đặc biệt trên phương diện thẩm mỹ. Đây là hiện tượng văn học có tính chất giao thời trong văn học Nga hiện đại. Sự tồn tại ngắn ngủi, sự phân hóa của các khuynh hướng cũng như sự chuyển đổi nhanh chóng của một số nhà vị lai tiêu biểu sang văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa có thể được lý giải bởi tính chất giao thời này.


Chú thích

(1)      Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (VNU-HCM) trong đề tài mã số C2015-18b-01.

(2)      Jakobson R.O., “Từ những hồi ức”, trong: Thế giới Velimir Khlebnikov, Moskva, Nxb Các ngôn ngữ văn hóa Nga, 2000, trang 83 – 89.

(3)      Marinetti F. T., The Futurist Manifesto (bản dịch tiếng Anh của James Joll),  nguồn: http://vserver1.cscs.lsa.umich.edu/~crshalizi/T4PM/futurist-manifesto.html

(4)      Marinetti F.T., Tài liệu đã dẫn

(5)      Burlyuk D., Kruchenykh A., Mayakovsky V, Khlebnikov V., Cái tát vào thị hiếu xã hội (Nguồn trên Internet: http://www.silverage. ru/poets/posch_obsch_vkusu.html)

(6)      Chủ nghĩa trừu tượng (Abstractionism) là trào lưu nghệ thuật chối bỏ những hình thức miêu tả cụ thể gần với hiện thực trong hội họa và điêu khắc. Một trong những mục đích của phái này là đạt tới sự hài hòa khi tạo những kết hợp màu sắc và hình khối gợi sự liên tưởng nơi người thưởng thức. Những người được xem là sáng lập nên phái trừu tượng của Nga là Vasily Kandinsky, Kazimir Malevich, Natalia Goncharova, Mikhail Larionov.

(7)      Chủ nghĩa siêu việt (Suprematism) chú trọng đến các hình hình học như hình tròn, hình vuông, hình tam giác, các đường thẳng… được  vẽ với rất ít màu sắc. Kazimir Malevich là người sáng lập phái hội họa này năm 1915. Thuật ngữ chủ nghĩa siêu việt là để chỉ nghệ thuật dựa trên “tính siêu việt của cảm xúc thuần túy nghệ thuật trong sáng tạo” hơn là sự tả chân khách thể để thỏa mãn thị giác. (Malevich K., Kazimir Malevich, "Suprematism", trong: Mary Ann Caws, ed., Manifesto: A Century of Isms, University of Nebraska Press, 2000, trang 404).

(8)      Chủ nghĩa kiến thiết (Constructivism) xuất hiện sau Cách mạng Tháng Mười 1917 như một trào lưu tiền phong và vô sản Nga (đúng hơn là Xô viết) trong nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh và nghệ thuật trang trí ứng dụng. Đặc điểm của trường phái này là sự nghiêm cẩn, cứng nhắc, đơn giản, thậm chí đơn điệu ở vẻ bề ngoài (Các công trình tiêu biểu: các cung văn hóa lao động, câu lạc bộ công nhân, nhà ở tập thể,… được xây dựng ở các thành phố Xô viết thập niên 1920 – 1930).

(9)      Dẫn theo:  Benedikt Hjartarson, “Myths of Rupture, The Manifesto and the Concept of Avant-Garde”, trong : Ástrádur Eysteinsson,Vivian Liska (ed.), Modernism, vol.1, John Benjamin Publishing Company, Amsterdam, trang 175).

(10)  “Cái tát vào thị hiếu xã hội” (Tài liệu đã dẫn)

(11)  “Cái tát vào thị hiếu xã hội” (Tài liệu đã dẫn)

(12)  Burlyuk D. và những người khác, “Tuyên ngôn trong tập Vườn của các quan tòa II”, trong: Mayakovsky V.V., Toàn tập tác phẩm gồm 12 tập, tập 1,  Moskva: NXB Văn học nghệ thuật, 1937, trang 400 - 402 (Бурлюк Д., и др., “Манифест из сборника Садок Судей II // Маяковский В. В., Полное собрание сочинений: В 12 т., Т. 1. , Москва.: Худож. лит., 1939). Bản trên Internet: http://feb-web.ru/feb/mayakovsky/ texts/mp0/ mp1/mp1-400-.htm

(13)  Kruchenykh А., Khlebnikov V., “Từ tự thân”, Các tuyên ngôn của các nhà vị lai lập thể (Крученых, В. Хлебников, “Самовитое слово”, Манифесты кубофутуристов ) Bản trên Internet: http://www.silverage.ru/poets/ slovokaktak.html

(14)  Bruysov V. Ya., Giữa các vần thơ: 1894 – 1924. Các tuyên ngôn, bài báo, điểm sách, Moskva: NXB Nhà văn Xô viết, 1990 ( Брюсов В., Среди стихов: 1894-1924. Манифесты, статьи, рецензии, Москва: Советский писатель, 1990)

(15)  Theo: Gusev N.N., Biên niên cuộc đời và sáng tác của L.N.Tolstoy 1891-1910, Moskva: NXB Văn học nghệ thuật, 1960, trang 738 (Гусев Н.Н. Летопись жизни и творчества Л.Н.Толстого 1891-1910, Москва: Худ. лит., 1960)

Nguồn:  Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn - Bình luận văn học, niên san 2015, tr.148

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website