Bước đầu tìm hiểu truyện cổ Xtiêng

 

Tộc người Stiêng là cư dân bản địa cư trú lâu đời tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh. Với số dân 66.788 người họ sống xen kẽ với người Kinh, Khmer, Chăm, Mơ Nông. Tiếng Xtiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Về văn hóa truyền thống, người Xtiêng có kho tàng truyện cổ khá phong phú song vẫn còn chưa được các giới học thuật quan tâm sưu tầm và tìm hiểu nhiều như đối với các tộc người anh em cộng / xen cư khác.

 

            Theo chúng tôi tìm hiểu, truyện cổ Xtiêng mới chỉ có vỏn vẹn 4 truyện kể được sưu tầm và lần lượt công bố gồm : Sự tích kiêng ăn thịt Cà-héc [1], Truyền thuyết về thác nước Lieng Hur [2], Người mồ côi [3], và Nguồn gốc loài người [4], trong đó có 1 thần thoại, 2 truyền thuyết và 1 truyện cổ tích.

           

Từ ngày 5 đến 18 tháng 11 năm 2007, chúng tôi có tham gia trong đoàn sinh viên thực tập của Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về các huyện Đồng Phú, Chơn Thành, Bình Long và Lộc Ninh sưu tầm điền dã văn học dân gian địa phương trong đó có văn học dân gian / truyện kể dân gian của tộc người Xtiêng cư trú trên địa bàn các xã điểm thuộc bốn huyện. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy vốn truyện cổ Xtiêng vừa rất phong phú về số lượng (131 truyện), vừa đa dạng về thể loại gồm có thần thoại (8 truyện), truyền thuyết (14 truyện), truyện cổ tích loài vật (12 truyện), truyện cổ tích thần kỳ (64 truyện), truyện cổ tích thế tục (19 truyện) và tuyện cười (14 truyện).

           

Thần thoại có 8 truyện, gồm các truyện :

1.      Nguồn gốc của vũ trụ và muôn loài

2.      Vì sao có lũ lụt ?

3.      Nguồn gốc của sông suối

4.      Nguồn gốc của các bàu nước

5.      Nguồn gốc loài người

6.      Nguồn gốc của tộc người Xtiêng (3 dị bản)

7.      Nguồn gốc của tổ tiên người Xtiêng

8.      Sự tích cây lúa

 

            Truyền thuyết có 14 truyện, gồm các truyện :

1.      Truyền thuyết về các dòng họ của người Xtiêng

2.      Truyền thuyết về dòng họ Bratít

3.      Sự tích hai dòng họ B’Yung Đrên và B’Yung Ro

4.      Sự tích con suối M’Tươn

5.      Sự tích con suối Văn Kha

6.      Sự tích người Xtiêng ở nhà sàn

7.      Vì sao người Xtiêng không có chữ viết?

8.      Sự tích người Xtiêng ở vùng cao và không có chữ viết

9.      Sự tích người Xtiêng dựng nhà chòi trên rẫy

10. Sụ tích cúng Bà Bóng

11. Sự tích con trai ở rễ

12. Truyện ông Yô Yốt

13. Anh em Tiêng-Tang

14. Chuyện anh hùng Kamengđăng

 

            Tiểu loại truyện cổ tích loài vật có 12 truyện, gồm các truyện :

1.      Thỏ và Cọp

2.      Thỏ và heo rừng

3.      Thỏ và Voi

4.      Rùa và Cọp

5.      Bò và Cọp

6.      Cheo  và Voi

7.      Trâu và Cọp

8.      Cọp, Gà, Chồn và Thỏ

9.      Rùa và Khỉ (1)

10. Rùa và Khỉ (2)

11. Loạt truyện về Rùa và Khỉ (3 truyện)

12. Cọp, Thỏ và người nông dân

 

            Tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ có 64 truyện, gồm các truyện :

1.      Thằn lằn cổ

2.      Hai anh em mồ côi

3.      Con chim cu

4.      Chàng Chư-nương

5.      Trâu bảy bầu

6.      Chàng mồ côi (1)

7.      Cậu bé chăn trâu

8.      Hai anh em mồ côi

9.      Người mồ côi

10. Chàng mồ côi (2)

11. Chàng mồ côi (3)

12. Chàng mồ côi (4)

13. Đứa bé mồ côi

14. Cậu mợ và hai đứa cháu

15. Đứa con mồ côi

16. Cô bé mồ côi

17. Hai đứa trẻ mồ côi (1)

18. Hai đứa trẻ mồ côi (2)

19. Đào cu chụp

20. Giấc mơ định mệnh

21. Cậu bé ‘’hột cà’’

22. Người con gái dệt vải

23. Chàng Lười

24. Vua Lười

25. Nàng tiên Trứng

26. Cô Ngọc cô Ngà

27. Nàng tiên trong ngà voi

28. Chàng Krông lấy vợ tiên

29. Mân Đung đi tìm vợ

30. Ông Mặt trời và cô gái trần gian

31. Người hóa voi

32. Chuyện bảy cô gái

33. Chàng Pôkinh-Lơ-Vuông

34. Chàng thợ săn

35. Bảy chị em

36. Chuyện đi soi ếch

37. Ông già lưng khom

38. Chàng Gà

39. Ma Bò

40. Bà Hổ

41. Hai nàng công chúa

42. Cô gái tóc dài (1)

43. Cô gái tóc dài (2)

44. Đoạn cuối tình yêu

45. Công chúa tóc dài

46. Công chúa tóc thơm

47. Ram và Ay Na

48. Chàng trai giết quỷ

49. Hai chị em

50. Đứa bé chăn trâu

51. Bảy anh em (1)

52. Bảy anh em 2)

53. Chàng Cùi

54. Lấy vợ Khỉ

55. Chàng Trăn

56. Lấy chồng Trăn

57. Lấy chồng Trăn (2)

58. Lấy chồng Trăn (3)

59. Cô Út lấy chồng Trăn (1)

60. Cô Út lấy chồng Trăn (2)

61. Nàng Út lấy chồng Trăn

62. Con trăn (1)

63. Con trăn (2)

64. Jiêng - Lượm

 

            Tiểu loại truyện cổ tích thế tục 19 truyện, gồm các truyện :

1.      Tông Vu

2.      Đi tìm thuốc bổ

3.      Người vợ khôn ngoan

4.      Thằng khùng

5.      Chuyện ông cọp nuôi người

6.      Người vợ bội bạc

7.      Vua và ‘’voi bay’’

8.      Trạng hầu vua

9.      Anh hầu trạng

10. Trạng Achơi

11. Chàng thợ săn mưu trí

12. Bà Vượn

13. Chuyện tình dang dở

14. Tình bạn

15. Cháu nội ẵm ông nội

16. Dạy con chọn vợ

17. Ông Ma Mut kén vợ

18. Dênh Klap

19. Người vợ chung thủy

 

            Truyện cười có14 truyện, gồm các truyện :

1.      Bắt chước

2.      Thằng Próoc

3.      Chàng Ngốc (1)

4.      Chàng Ngốc (2)

5.      Chàng Ngốc (3)

6.      Chàng Ngốc (4)

7.      Chàng Ray khờ

8.      Chàng Khờ

9.      Chồng khờ

10. Anh chàng nói dóc

11. Thằng Ade

12. ‘’Tà e nắp’’

13. Ông Trầm

14. Câu chuyện hẹn hò

 

Nếu cộng thêm 4 truyện đã được công bố trước đây, gồm 1 truyện thần thoại (Nguồn gốc loài người), 2 truyện truyền thuyết (Sự tích kiêng ăn thịt Cà-héc Truyền thuyết về thác nước Lieng Hur), và 1 truyện cổ tích thần kỳ (Người mồ côi) thì cho đến nay kho tàng truyện kể dân gian Xtiêng đã được sưu tầm là 135 truyện gồm các thể loại thần thoại (9 truyện chiếm 6,66%), truyền thuyết (16 truyện chiếm 11,05%), truyện cổ tích về loài vật (12 truyện chiếm 8,88%), truyện cổ tích thần kỳ (65 truyện chiếm 48,14%), truyện cổ tích thế tục (19 truyện chiếm 14,07%), và truyện cười (14 truyện chiếm 10,37%), chưa có truyện ngụ ngôn.

 

Sau bước phân loại theo tiêu chí thể loại và tiểu loại truyện kể dân gian như trên, vì thời gian không cho phép nên chúng tôi xin sơ lược nhận diện và phân tích 135 truyện cổ Xtiêng, ở cấp tác phẩm, theo tiêu chí đề tài – cốt truyện và các môtíp của truyện kể dân gian.

 

Về thể loại thần thoại, truyện cổ Xtiêng phản ánh khá đầy đủ nhận thức của cộng đồng thời nguyên thủy về thiên nhiên, vũ trụ cùng xã hội loài người và tộc người Xtiêng với tổ tiên của họ thời bấy giờ, thông qua một số môtíp thần thoại buổi ban đầu như : môtíp thần Trời tối cao sinh ra muôn loài (Nguồn gốc của vũ trụ và muôn loài), môtíp loài người sinh ra từ đá (Nguồn gốc loài người), đề tài-cốt truyện về ‘’nguồn gốc tộc người’’ (Nguồn gốc của tộc người Xtiêng, Nguồn gốc của tổ tiên người Xtiêng), môtíp lũ lụt (Vì sao có lũ lụt?), đề tài-cốt truyện về ‘’nguồn gốc cây lúa’’ (Sự tích cây lúa)

 

Về thể loại truyền thuyết, ngoài các nhóm truyền thuyết về địa danh (Sự tích con suối M;Tươn, Sự tích suối Văn Kha, Truyền thuyết về thác nước Lieng Hur), về phong tục tập quán (Sự tích người Xtiêng ở nhà sàn, Sự tích người Xtiêng ở vùng cao và không có chữ viết, Sự tích người Xtiêng dựng nhà chòi trên rẫy, Sụ tích cúng Bà Bóng, Sự tích con trai ở rễ, Sự tích kiêng ăn thịt Cà-héc), về những người anh hùng bộ lạc (Chuyện anh hùng Kamengđăng – của dòng họ Chang-xarai), chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm truyền thuyết về các dòng họ của tộc người Xtiêng xưa kia – có thể có trên 20 họ, trước khi toàn thể cộng đồng tộc người Xtiêng đều chỉ mang 2 ‘’họ’’ – Điểu cho giới nam và Thị cho giới nữ (Truyền thuyết về các dòng họ của ngưoời Xtiêng, Truyền thuyết về dòng họ Bratít, Sự tích hai dòng họ B’Yung Đrên và B’yung Ro)[5].

 

Trong tiểu loại truyện cổ tích về loài vật, với môtíp suy nguyên luận về đặc tính sinh học của loài vật có truyện Truyện con ve và con trăn giải thích vì sao loài trăn và loài rắn Pé Bray không có nộc độc, còn những loài rắn khác, loài rết, cá trê, cá lăn, loài cóc có nộc độc là do ăn chất độc do loài trăn ói ra hoặc nằm lăn vào chỗ có chất độc đó. Trong nhóm truyện về các con vật tinh khôn, cũng giống với truyện cổ tích về loài vật của các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên và Đông Nam Á khác, nhân vật thỏ với môtíp ‘’mẹo lừa’’ có tần số xuất hiện cao trong nhiều cốt truyện đã tạo nên những màn kịch hấp dẫn người đọc ở sự thông minh, giỏi ứng đối trong mọi tình huống hơn là hậu quả của hành vi lừa gạt xét về mặt đạo đức. Thỏ còn là nhân vật quan tòa trong đề tài xử kiện với hai câu chuyện Rùa và Khỉ (1) Rùa và Khỉ (2) có môtíp ‘’lấy việc vô lý tương tự để bác bỏ một điều vô lý được chấp nhận’’. Bên cạnh nhân vật thỏ tinh khôn, truyện cổ Stiêng còn có nhân vật con vật tinh khôn khác là chú rùa chậm chạp, hiền lành nhưng đầy mưu trí đã lừa nhiều vố đau điếng cho đối phương là người bạn thân hay người anh em cột chèo là chú khỉ vốn nhanh nhẹn, khôn lanh nhưng vì xảo quyệt và thường không giữ lời hứa nên luôn bị lừa; nhân vật rùa trong loạt truyện này được xem là bản sao của nhân vật thỏ đồng loại hình (Loạt truyện về Rùa và Khỉ).

 

Tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ Xtiêng (65 truyện chiếm 48,14%) có số lượng phong phú về đề tài-cốt truyện và môtíp nhân vật, hiện tượng này phù hợp với qui luật tự nhiên và phổ biến về số lượng truyện cũng như về số kiểu / loại / nhóm và môtíp truyện thuộc tiểu loại này vốn chiếm số lượng vượt trội hơn cả so với tất cả các thể loại và tiểu loại khác trong kho tàng truyện kể dân gian của mỗi dân tộc.

 

Ở đề tài-cốt truyện về các chàng trai khoẻ có biệt tài – dũng sĩ có truyện Con thằn lằn cổ kể về một chàng trai dũng sĩ từ xứ lạ đến và bằng mưu trí của mình đã ra tay diệt trư yêu quái là con khủng long khổng lồ Hai La Nhắc cứu giúp được dân làng thoát khỏi nạn khủng long tàn phá và bắt đi các cô gái đẹp trong làng. Cốt truyện này thuộc loại đơn giản và ra đời khá sớm, từ trong lòng xã hội công xã nguyên thủy / công xã thị tộc với môtíp cốt lõi có mặt từ sớm là môtíp ‘’dũng sĩ diệt yêu quái cứu người đẹp’’.

 

Ở nhóm đề tài-cốt truyện về người mồ côi, truyện cô Xtiêng có đến 18 truyện đều được kết cấu theo ba bước : bước một, người mồ côi phải chịu nhiều gian khổ do bị ghẻ lạnh, bạc đãi, bị áp bức về vật chất và tinh thần, bị tước đoạt quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc; bước hai, họ phải ứng xử với một hoặc nhiều thử thách – môtíp thử thách; bước ba, nhờ các thế lực siêu nhiên trợ giúp, họ đã vượt qua được thử thách, giành được hạnh phúc đã bị mất (bất hạnh > phấn đấu + phù trợ > hạnh phúc). Các truyện này được phân loại thành các nhóm sau : nhóm thứ nhất – xung đột trong gia đình và họ hàng (mồ côi – anh em, cậu cháu, dì ghẻ / mẹ kế con riêng) gồm các truyện  Con chim cu, Cậu mợ và hai đứa cháu, Con mồ côi, Cô bé mồ côi, Đứa bé mồ côi, Hai đứa bé mồ côi, Hai đứa trẻ mồ côi (1), Hai anh em mồ côi, Hai đứa trẻ mồ côi (2); nhóm thứ hai – xung đột giữa mồ côi với địa chủ, vua quan, có các truyện Chàng mồ côi (4), Chàng mồ côi (2), Cậu bé chăn trâu, Trâu bảy bầu, Chàng Chư-nương, và nhóm thứ ba – xung đột với người nhà trời gồm các truyện Chàng mồ côi (1), Chàng mồ côi (2), Chàng mồ côi (3), Người mồ côi.

 

Thuộc đề tài-cốt truyện về người con riêng với chủ đề dì ghẻ-con chống, truyện Đào cu chụp có kết thúc có hậu mang tính vị tha – sau cùng con cái cưu mang cha ruột, của hai người con riêng đối với người cha đã từng lầm lỡ nghe theo lời xúi giục của người dì ghẻ hắt hủi con ruột, và tác giả dân gian cũng không ra tay trừng phạt nhân vật dì ghẻ mà chỉ kể rằng ‘’còn người dì ghẻ thì không biết đi đâu’’.

 

Ở đề tài–cốt truyện về nhân vật xấu xí mà tài ba hay người lấy người đội lốt vật có các truyện Chàng Cùi, Chàng Gà, Ông già lưng khom, Cậu bé ‘’hột cà’’, Ma Bò, Lấy vợ Khỉ, Loạt truyện Lấy chồng Trăn… Những nhân vật này vốn thuộc những thành viên của công xã nguyên thủy đã trở nên khốn khó do không được cộng đồng huyết thống quan tâm, do bị xã hội đọa đày, ruồng bỏ. Với chủ nghĩa nhân đạo cao cả, với tâm lý nuối tiếc muốn đem lại sự công bằng cho nhân vật, một sự công bằng thời nguyên thủy mọi người đều được dân chủ như nhau, tác giả dân gian Stiêng đã dùng tư duy thần thoại truyền thống để bênh vực và lý tưởng hóa nhân vật bằng ước mơ nhằm mang lại một số phận tốt đẹp cho nhân vật. Kết cấu chung của đề tài-cốt truyện này gồm các bước đoạn sau: Nguồn gốc nhân vật > Hình thức nhân vật > Sự thử thách đối với nhân vật > Tài năng của nhân vật > Nhân vật kết hôn > Tai họa và kẻ gây tai họa > Sự trợ giúp > Kết quả nhân vật đạt được.

 

Đề tài-cốt truyện lấy vợ / chồng tiên gồm các truyện: Chàng Krông lấy vợ tiên Mân Đung đi tìm vợ. Thông qua hai truyện này, với môtíp lấy tiên, tác giả dân gian Stiêng đã nhằm thể hiện ước mơ của con người khi xưa muôn có một cuộc sống sung sướng hạnh phúc, muốn có nhiều phép lạ để chống đở với cuộc sống đầy tai ương, bất trắc…

 

Về tiểu loại truyện cổ tích thế tục, có các đề tài-cốt truyện như vợ chồng chung thủy (Người vợ chung thủy, Người vợ bội bạc), môtíp trả ơn, trả nghĩa (Tông vu, Chuyện ông cọp nuôi người), môtíp nhân vật người thông minh hay trạng (Đi tìm thuoốc bổ, Trạng hầu vua, Anh hầu trạng, Trạng Achơi, Người vợ khôn ngoan, Chàng thợ săn mưu trí, Dạy con chọn vợ), môtíp nhân vật người ngốc nghếch (Thằng khùng), môtíp bắt chước thất bại (Vua và ‘’voi bay’’…).

 

Về thể loại truyện cười, với loạt truyện về chàng Ngốc, hầu hết truyện cười khôi hài của tộc người Stiêng đã nảy sinh từ tiếng cười trước những thiếu sót về mặt lý trí của con người, và với nhiều mẩu chuyện mua vui, dí dỏm, chúng đã không có mục đích đả kích vào một ai như: Chàng Ngốc (1),Chàng Ngốc (2),Chàng Ngốc (3),Chàng Ngốc (4),Chàng Ray khờ, Chàng Khờ, Chồng Khờ, Thằng Ade). Riêng truyện cười trào phúng bạn Thằng Próoc nói về nhân vật Próoc láu lỉnh, tinh nghịch, chuyên đánh lừa người khác, là loại nhân vật đồng loại hình với nhân vật Cuội của người Việt hay nhân vật A Lêu của người Cămpuchia; câu chuyện dài với chuỗi những tiếng cười nối tiếp nhau được tác giả dân gian Xtiêng kết cấu bằng các môtíp như đánh lừa cả hai bên cùng một lúc, lừa làm điều dại dột… Có thể cho rằng, trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa hai cộng đồng tộc người Xtiêng và Khmer đã có hiện tượng vay mượn lẫn nhau về đề tài-cốt truyện, nhân vật và quan trọng nhất là các môtíp cơ bản để xây dựng nên những cốt truyện có nhiều nét tương đồng nhau khá rõ như giữa hai truyện A Lêu (Khmer) và Thằng Próoc (Xtiêng).

 

Trở lên, qua khảo sát và bước đầu tìm hiểu các thể loại truyện kể dân gian Xtiêng có số lượng tác phẩm phong phú cùng nội dung và nghệ thuật  thật đặc sắc, chúng tôi cho rằng kết quả đạt được của công tác sưu tầm điền dã văn học dân gian vừa qua tại địa bàn một số xã điểm của non một nửa số huyện của tỉnh Bình Phước, chúng ta có thể hy vọng rằng trong một thời gian ngắn tới đây, với chủ trương đúng đắn của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Bình Phước, kho tàng văn học dân gian của tộc người Xtiêng nói chung và vốn truyện kể dân gian Xtiêng nói riêng sẽ sớm được các giới nghiên cứu quan tâm  thích đáng và bạn đọc ưa thích trong cả nước biết đến.

 

                                    TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 09 năm 2008

 

 

 



[1]  Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ chí Minh, Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam, Tập 2, 1987, trang 279.

[2] Nguyn Phương Tho, Huyn thoi mit vườn, Nxb Văn hóa - Thông tin. 1994, trang 23.

[3] Lữ Huy Nguyên, Đặng Văn Lung, Hợp tuyển truyện cổ tích Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1996, trang 872.

[4] Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An, Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, Tập 1 : Thần thoại – Truyền thuyết, Nxb Giáo dục, 1999, trang 222.

[5] Ngoài các truyền thuyết về dòng họ này, thông qua các thông tín viên người Xtiêng chúng tôi được biết còn khá nhiều dòng họ khác như Vơ-khul, Vơ-klây, B’Kal, B’Noong, Chang-xarai, Chang-giarinh, Tamun, P’Duh, Đông –gôm, Blang-đân, Vơ-khul, … Song tất cả các tên họ này còn chưa được giải thích về mặt ngữ nghĩa mà phần nhiều các dòng họ chỉ được biết có sự khác biệt với nhau nhờ vào những tập tục kiêng cữ của mỗi dòng họ như : họ Chang-xarai kiêng ăn lươ, chim cu, cá sấu và trăn; họ Chang-giarinh kiêng con vật màu trắng và cái chăn bông; họ Tamun kiêng đọt mây và lá Lalamắc; họ họ Vơ-klây kiêng măng, cây môn và cây Tơm-vêt; họ Vơ-khul kiêng con trút; họ B’Kal ăn được trăn, kiêng ăn rắn gáo; họ B’Nonng kiêng ăn nhím… Các tập tục kiêng cữ này đều được giải thích bằng các câu chuyện sự tích nhưng do chúng tôi chưa thu thập đầy đủ các dữ liệu nên chưa dẫn giải để chứng minh.

Danh mục website