Trình giảng tác phẩm văn học dân gian với hiện tượng vượt khung / giao thoa

 

Trong nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, việc phân loại là vấn đề khó nhất và cũng còn nhiều ý kiến trái ngược nhau nhất. Bởi lẽ phân loại khoa học là một trong những bước đầu tiên của việc miêu tả khoa học. Việc nghiên cứu phân tích tài liệu tiếp theo đó có chính xác hay không là phụ thuộc vào viêc phân loại tài liệu có chính xác hay không. Cấp phân loại đầu tiên là phân loại theo thể loại.

 

Trong văn học dân gian Việt Nam, có không ít tác phẩm bị phân làm hai ba thể loại. Ví như, đã từ lâu, truyện Sơn Tinh Thủy Tinh được nhận diện vừa thuộc thể loại thần thoại vừa là một câu chuyện truyền thuyết.

 

Thuộc thể loại thần thoại, truyện Sơn Tinh Thủy Tinh được nhận diện theo hai tiêu chí vể nhân vật và đề tài. Nhân vật chính ở đây là bán thần tức là con người được thần thánh hóa. Đề tài chính là hoạt động chính của hai vị thần tượng trưng cho hai sức mạnh tự nhiên. Bởi lẽ nội dung chính của truyện này là nhằm giải thích hiện tượng lũ lụt xảy ra hàng năm ở lưu vực sông Hồng – đó là một vế trong định nghĩa về thần thoại được nhiều người thừa nhận là ‘’thần thoại nhằm lý giải các hiện tượng tự nhiên’’. Song ở đây, hiện tượng này không được lý giải bằng những tri thức của khoa học tự nhiên mà bằng sự tưởng tượng về cuộc đánh nhau vì một vị hôn thê giữa hai vị thần tượng trưng cho hai sức mạnh tự nhiên là Núi và Nước. Có thể căn cứ vào một đặc điểm nữa là đặc điểm vể thới gian nghệ thuật. Trong thần thoại thời gian nghệ thuật là quá khứ khởi nguyên, nghĩa là quá khứ khởi đầu của mọi hiện tượng tự nhiên. Và truyện đã có kiểu kết thúc bằng mệnh đề thời gian quá khứ khởi nguyên như ‘’Từ đó, oán nặng, thù sâu, hàng năm Thuỷ Tinh làm mưa gió, bão lụt dâng nước đánh Sơn Tinh’’.

 

Thuộc thể loại truyền thuyết, truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh được đặt trong chùm truyển thuyết về các vua Hùng trong đó có mặt Hùng Vương thứ 18, bên cạnh đó còn nhiều truyện khác về Sơn Tinh như Tản Viên Sơn Thánh, Tản Viên đón vợ, Sơn Tinh đánh giặc, Sơn Tinh dạy dân săn bắn, Sơn Tinh trị thuỷ… Cả thời gian và không gian trong truyện đều được xác định cụ thể nhằm đáp ứng chức năng cơ bản của thể loại truyền thuyết là giáo dục ý thức cộng đồng, người kể truyền thuyết thường có xu hướng cố làm cho người nghe tin vào điều được kể ra.

 

Như vậy, đối với những tác phẩm giao thoa thể loại, như các truyện về Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, ở từng tác phẩm cụ thể sưu tầm được ở địa phương cụ thể nào đó , cần phải xem xét ‘’tính trội’’ thuộc về thể loại nào để qui định thể loại cho nó.

 

Bất cứ một hiện tượng, một quá trình nào nằm trong chu trình phát triển đều có sự chuyển tiếp từ cái cũ lên cái mới, từ tầng thấp hơn lên bậc cao hơn. Và trong sự chuyển đổi đó bao giờ cũng xuất hiện mảnh không gian chung chứa đựng đồng thời một phần của cái cũ và một phần của cái mới. Mảnh không gian chung đó là hiện tượng vượt khung / giao thoa giữa hai thể loại, hai tiểu loại trong văn học dân gian. Hiện tượng giao thoa là điều tất yếu trong quá trình phát triển, nó xảy ra trong một giai đoạn ngắn, thậm chí nhanh chóng, và đôi khi khó mà phân biệt được nếu không để ý so sánh và nhận diện thật kỹ càng.

 

Truyện ngụ ngôn kế thừa và phát triển từ truyện cổ tích loài vật nên giữa hai thể loại này hẳn đã xảy ra hiện tượng giao thoa, vượt khung với những câu chuyện vừa mang bản chất ngây thơ của niềm tin con người thời nguyên thủy về các loài lại vừa mang ý nghĩa giáo dục với những điều răn người, dạy đời, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất và đạo lý sống ở đời. Ví dụ truyện Anh em chim cút của tộc người Êđê được chia làm hai phần rõ rệt : phần một là nội dung cốt truyện giải thích về đặc tính sinh học của loài chim cút – chim cút khi bị nạn một lúc sau đít đã bị thối rữa, và phần hai là lời chú thích của tác giả dân gian ở cuối truyện ‘’bài học giáo dục các em chớ nghe lời nói ngọt và không làm đúng lời người răn dạy’’được xem như lời quy châm rút ra từ một câu chuyện ngụ ngôn đang còn thô sơ.

 

Cũng trong tiểu loại truyện cổ tích loài có nhóm truyện về nhân vật thỏ, tác giả dân gian Việt và các tộc người anh em đã tuyệt đối hóa sự thông minh láu lĩnh của thỏ và sự ngu ngốc của các nhân vật bị lừa. Thông qua những việc làm, những hành động của nhân vật thỏ, ta thấy đó không phải là hành vi của loài vật, không phải là tập tính mang tính sinh vật, mà là những ứng xử mang tính xã hội và nhân sinh với việc đề cao vai trò của tư duy, của trí khôn. Mượn tên các con vật làm tên nhân vật, nội dung cơ bản là những trò lừa của kẻ có trí khôn, biết suy nghĩ, đối lập với kẻ khờ dại, cả tin, thiếu suy nghĩ. Từ quan sát thiên nhiên và xã hội, các tác giả dân gian đã táo bạo dựng lên một xã hội loài vật mang tính người. Loài vật đã được nhân cách hóa một cách hồn nhiên và dí dỏm. Tác giả dân gian đã đồ chiếu quan hệ xã hội loài người vào quan hệ của các con vật. Đó là những truyện ra đời muộn thường có xu hướng ngụ ngôn, vượt khung / giao thoa từ truyện cổ tích loài vật sang truyện ngụ ngôn. Bởi lẽ, những truyện này đã nhằm nói một điều gì đó về cuộc sống, về các hạng người, về thái độ ứng xử, và đã bắt đầu có ý răn dạy theo hướng ngụ ngôn. Có thể coi đó là dạng ngụ ngôn ở cấp độ thấp, còn dàn trải trong việc kể lể quá nhiều. Đó là thứ ngụ ngôn pha lẫn yếu tố hài. Tiếng cười bật ra khi ta chứng kiến sự ngu ngốc, kẻ ngu ngốc, sự thông minh, kẻ thông minh, những mẹo lừa và sự mắc lừa, sự thành công và sự thất bại của hai hạng người mang danh động vật đó.

 

Trong tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ có loại đề tài – cốt truyện về nhân vật bất hạnh người em út và trong đó thảng hoặc có hiện tượng giao thoa giữa tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ với tiểu loại truyện cổ tích thế tục. Thuộc về những nhân vật thấp hèn bất hạnh trong thời kỳ mà ở các tộc người sự tan rã của chế độ thị tộc mẫu hệ cổ điển đã trở thành sự tan rã của toàn bộ hệ thống chế độ thị tộc nói chung, người mồ côi cùng người em út con út, người con riêng bị rơi vào địa vị nghèo khổ bị đọa đày đã được lý tưởng hóa. Nhân vật người em út trở thành nhân vật chính của loại truyện cổ tích thần kỳ xuất hiện ở giai đoạn xã hội tư hữu tư nhân. Về kết cấu, đề tài - cốt truyện này thường gồm bốn sự kiện chính: tình cảnh ban đầu của hai anh em với sự kiện bố mẹ chết cả (hoàn cảnh hai anh em mồ côi cha mẹ); việc chia gia tài giữa hai người: người anh tìm cách chia một phần nhỏ cho em hoặc chiếm đoạt hết tài sản đuổi em ra ở riêng (có chia và không chia gia tài); hoàn cảnh sống của người em sau khi chia gia tài ra ở riêng (khốn cùng); người em gặp được thần linh / lực lượng thần kỳ giúp đỡ đưa đi lấy vàng bạc sống giàu có hạnh phúc (người em trở nên giàu có như thế nào ?); người anh thấy em giàu có tìm cách gạ đổi gia tài bắt chước em lặp lại sự việc (gạ gẫm đổi chác); người anh gặp được nhân vật trợ thủ thần kỳ và cũng được dẫn đi lấy vàng bạc nhưng cuối cùng người anh tham lam bị trừng phạt ra sao / thiệt mạng / hóa thành thú vật hoặc người anh được tha mạng (bắt chước không thành công / bắt chước thất bại), và kết thúc truyện người em được hưởng hạnh phúc. Các môtip được thấy phổ biến trong loại đề tài - cốt truyện này là: môtip nhân vật trợ thủ thần kỳ, môtip bắt chước không thành công. Truyện thường đưa ra những tình thế tương phản nhằm khắc họa rõ những nét tính cách đối lập nhằm tạo nên mâu thuẫn dẫn dắt câu chuyện một cách hợp lý: người em nghèo nhưng lại không thiết tha đến của cải, còn người anh giàu có thì lại tham lam vô độ. Nhằm biểu hiện những mâu thuẫn và những sự phức tạp của cuộc sống, tác giả dân gian thường sử dụng thủ pháp nghệ thuật đắc dụng “nhắc lại”. Sự nhắc lại có tác dụng nêu bật tâm lý của nhân vật này bằng cách đối chiếu tâm lý với nhân vật khác. Đặt vào hoàn cảnh như nhau, người anh đã hành động trái ngược hẳn với người em, một đằng thì giả dối tham lam, một đằng thì thực thà trung hậu và cũng từ đó khiến nổi rõ tính cách, phẩm chất, đạo đức của hai nhân vật đối lập, qua đó làm nổi bật phẩm chất của người em. Hệ thống nhân vật trong loại đề tài - cốt truyện gồm chủ yếu: người em út, người anh cả, người chị dâu và người vợ – có mặt ngoại lệ trong một số ít truyện. Về người anh cả, kẻ đã lợi dụng địa vị trong gia đình phụ quyền để chiếm đoạt tài sản thừa kế của người em, nhân vật này thường được miêu tả là kẻ tham lam, biển lận, keo kiệt, dốt nát, ăn chơi, đương nhiên thừa hưởng gia sản của cha mẹ để lại, không cần cù lao động, có lòng tham vô đáy nên dẫn đến tàn ác vô nhân đạo, có thể giết hại em mà không nghĩ đến tình máu mủ; vì thế hậu quả là bị trừng phạt dẫn đến cái chết hoặc biến thành thú vật. Riêng với truyện của người Chăm Núi cười Cađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc thì cốt truyện không mang đến kết thúc có hậu dành cho người em, vì lẽ nhân vật người anh cả sau những hành động xử ác với em mình vẫn không bị trừng phạt. Cốt truyện Núi cườiCađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc được tóm tắt như sau: có hai anh em, cha mẹ chết sớm, khi chia của người anh giành hết gia tài nên sống sung túc, còn người em hiền lành thật thà nên chẳng được chia cho phần nào nhưng cũng cứ yên phận sống nghèo hèn. Người em vì không có phương tiện kéo cày bèn bắt chó mèo kéo cày. Thấy cảnh chó khóc mèo kêu, một hòn đá ở gần đấy há miệng cười để lộ vàng sáng lấp lánh. Người em lấy được vàng trở nên giàu có. Sau khi đánh em vì tội không báo cho mình biết, người anh bắt chước người em cũng bị đá ngậm tay lại. Nhưng đến khi thoát chết - nhờ vô tình làm trò vui ve với vợ khiến hòn đá / thần núi há miệng cười, hắn còn quay lại đánh mắng người em. Ở bản kể Chà Lúc – Chà Lắc, thần núi cho người em của và giữ tay người anh, sau khi thoát chết người anh quay lại đánh mắng em khiến người em sợ bỏ đi mất và hắn chiếm luôn tài sản của em. Như vậy, ta thấy ở hai truyện Chăm Núi cườiCađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc, kẻ tham lam, độc ác không bị trừng phạt mà lại còn được của cải, thắng thế hơn người hiền lành, thật thà. Lý giải về kiểu kết thúc này, Vũ Lang cho rằng do người dân Chiêm Thành luôn phải chịu cảnh nghèo khổ hạn hán, lụt lội, chiến tranh,… nên họ không tin vào sự công bằng mà trời đã định (Tạp chí Văn hóa Á Châu, số 15, Sàigòn, 1959); hoặc Mã Khánh Dương Kị thì cho rằng bởi nước Chiêm Thành luôn bị thất nên họ thấy chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh (Tạp chí Tri Tân, số 94, Sàigòn, 1943). Theo chúng tôi, trước hết, trong hai truyện trên ta thấy có điều chưa hợp lý về trường hợp người anh chiếm đoạt gia tài của cha mẹ để lại lại xảy ra trong một gia đình mẫu hệ cổ truyền người Chăm, vậy cần có một một sự lý giải thỏa đáng ở đây.

 

Thật vậy, khi đọc truyện Đáng đời kẻ gian tham, ta thấy tác giả dân gian Chăm kể rằng: “… gia đình nọ cha mẹ mất cả, chỉ còn lại hai chị em gái…. Người chị thì tham lam  độc ác còn cô em rất thật thà đôn hậu. Người chị đã có chồng ra ở riêng cho nên của cải cha mẹ để lại bao nhiêu đều chiếm hết, mặc cho em gái sống nghèo nàn túng thiếu”. Trường hợp này có thể xảy ra trong gia đình mẫu hệ truyền thống Chăm một khi nhân vật người chị có dã tâm lấn lướt người em gái út – thường được đặc biệt nhận nhiều tài sản thừa kế hơn cả vì người con gái út sẽ ở với cha mẹ và có trách nhiệm nuôi cha mẹ lúc già yếu. Còn trong truyện Cađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc, việc thừa kế tài sản được kể như sau: “Một phú ông chết để lại cho hai con trai gia tài khá lớn. Lúc em Cađoéc đi chôn bố thì anh là Cađốp giấu tất cả vàng bạc. Em về hỏi: “Vàng bạc của cha đâu ?” Đáp: “Không biết”.Thấy em không nói gì, Cađốp còn lấn tới:  “Của cha mẹ chỉ có cái nhà này, tao có vợ con, mày chưa có gì, mày hãy nhường cho tao, đi ở chỗ khác”. Nói rồi chiếm lấy tất cả, chỉ chia cho em một con chó, một con mèo và một mảnh ruộng hoang”.

 

Đối chiếu so sánh hai truyện trên, ta thấy chúng đều có những tình tiết / chi tiết giống nhau mang tính điển hình như: cả hai gia đình đều mất cha mẹ chỉ còn lại hai chị em gái hoặc hai anh em trai trong đó cả hai nhân vật người chị và người anh đều có gia đình đã hoặc đang có ý định ra ở riêng tách biệt với người thân ruột thịt - em gái út / em trai út, với cùng một ý đồ lấn lướt chiếm đoạt hết hoặc phần lớn tài sản thừa kế của cha mẹ để lại. Tuy nhiên, cả hai truyện lại có kết thúc không giống nhau, truyện Đáng đời kẻ gian tham kết thúc có hậu và truyện Cađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc kết thúc không có hậu. Hiện tượng phân chia tài sản tất yếu xảy ra trong quá trình hình thành và phát triển của cấu trúc tiểu gia đình / gia đình riêng đang dần tách khỏi gia đình lớn mẫu hệ. Đó là quá trình đấu tranh giằng co, là sự loại trừ và níu kéo lẫn nhau giữa một bên là sự bảo thủ vốn có của đại gia đình và một bên là sự phát triển tất yếu của kinh tế, của toàn bộ xã hội. Khuynh hướng muốn tích lũy tài sản riêng dần dần dẫn đến tư hữu luôn đấu tranh với tính thống nhất về huyết thống, truyền thống đoàn kết với chủ nghĩa bình quân trong kinh tế đại gia đình. Và hai hình tượng nhân vật phản diện điển hình là người chị và người anh ấy đã được tác giả dân gian Chăm khắc họa một cách tận cùng và thật rõ nét với thói tham lam, gian trá, giảo hoạt, mất hết nhân cách. Họ đã vì tham lam mà đẩy em mình vào chỗ cơ cực, đói rét… Các nhà cổ tích học cho đấy là sự xung đột giữa thành viên “trưởng” với thành viên “thứ” trong gia đình và trong thị tộc, là sự xung đột quyền lợi giữa những con người đại diện cho bước khởi đầu phân hóa đẳng cấp. Đấy là giả thiết thứ nhất. Giả thiết thứ hai có thể cho rằng truyện Cađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc được tác giả dân gian Chăm Bàni (Hồi giáo cũ) xây dựng theo quan niệm của thiết chế tiểu gia đình phụ hệ với các ứng xử và tập tục chịu sự chi phối mạnh mẽ của giáo luật, và do quan hệ huyết thống được tính theo dòng cha nên người ta quí trọng con trai hơn con gái, quyền thừa kế tài sản phần lớn thuộc về con trai, con gái cũng được thừa kế tài sản nhưng chỉ bằng một nửa của con trai. Trên thực tế, khi Hồi giáo du nhập vào xã hội Chăm dưới tên gọi Bàni, một bộ phận nhỏ người Chăm tách ra khỏi cộng đồng Bà la môn, tạo nên một số làng Chăm Bàni. Ở những làng này, các yếu tố văn hóa bản địa vẫn được lưu giữ, còn những yếu tố Bà la môn trước đây được thay thế bằng Hồi giáo nhưng không phải mất hẳn, nên đã tạo ra những cộng đồng làng Hồi giáo biến thể cùng tồn tại song song với những cộng đồng làng Chăm Bà la môn trong hàng thế kỷ nay. Giả thiết thứ ba là do truyện này được sáng tác bởi tác giả dân gian người Chăm Hơroi nói về cộng đồng mình với thiết chế gia đình song hệ. Được biết cộng đồng người Chăm Hơroi (người Chăm ở phía mặt trời mọc – theo cách giải thích của đồng bào) xưa nay vẫn được xem là một nhóm địa phương Chăm gồm khoảng 4.000 người cư trú tập trung tại ba huyện Tuy Phước, Vân Tranh và Tây Sơn ở phía tây nam tỉnh Bình Định và huyện Đồng Xuân ở phía tây bắc tỉnh Phú Yên.

 

Xét về khía cạnh đề tài – cốt truyện, nhân vật người em út vốn thuộc nhóm nhân vật bất hạnh của tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ, trong truyện Đáng đời kẻ gian tham, cốt truyện mang chi tiết cơ bản có tính chất thần kỳ là rắn thần đã có thể chi phối diễn biến của truyện dẫn đến kiểu kết thúc có hậu nhằm làm thay đổi số phận của nhân vật lý tưởng người em út như dân gian mong muốn. Song ở trường hợp của truyện Cađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc, do trong thực tế xã hội lúc bấy giờ hạng người nghèo khốn thấp cổ bé họng vẫn chưa đủ khả năng tự làm thay đổi cuộc đời của mình hoặc giả thực tế đời sống đã không còn cho phép tác giả dân gian thay thế sự thật bằng một sự mong muốn - “không tưởng”, cho nên truyện đã phải có cái kết không có hậu, có lợi cho kẻ xấu ác và, theo chúng tôi, có thể xem đây là một hiện tượng quá độ / vượt khung / giao thoa của tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ chuyển tiếp sang tiểu loại truyện cổ tích thế tục phù hợp với qui luật vận động phát triển của sáng tác văn học dân gian.

 

Đặc điểm quan trọng của dân ca lao động là sự kết hợp gắn bó giữa nhịp điệu lao động và xúc cảm của con người trong lao động. Ở những giai đoạn sớm của lịch sử phát triển của văn học dân gian, yếu tố nhịp điệu đóng vai trò quan trọng hơn xúc cảm của con người . Nhưng trong tiến trình xã hội yếu tố xúc cảm dãn nở dần và có khi lấn át yếu tố nhịp điệu (tức chức năng phối hợp lao động). Chúng ta có thể hình dung quá trình vận động giữa chức năng phối hợp lao động và chức năng giao lưu tình cảm giữa những người lao động với nhau qua trình tự tiến triển của cuộc hò lao động giã gạo của một đôi nam và nữ thanh niên nông thôn sau đây :

 

A : ký hiệu về chức năng phối hợp lao động ;

 

B : ký hiệu về chức năng giao lưu tình cảm ;

 

Trình tự tiến triển này gồm ba giai đoạn cơ bản như sau :

 

Ở giai đoạn 1 : A > B (giã lúa thành gạo là chính) ;

 

Ở giai đoạn 2 : A = B (vừa giã lúa vừa trao đổi giao lưu tình cảm) ;

 

Ở giai đoạn 3 : A < B (lúa đã hết nhưng vì  nhu cầu giao lưu tình cảm tiếp nên đôi bạn khác giới mới quen nhau bỏ vỏ trẩu vào cối để lấy cớ / mượn mội trường lao động hầu được giao lưu tình cảm tiếp).

 

Đây là tường hợp vượt khung điển hình trong dân ca lao động có nội dung chuyển tiếp / giao thoa qua dân ca sinh hoạt giao duyên.

 

Qua các trường hợp vượt khung / giao thoa được dẫn ra trên đây, chúng tôi thiết nghĩ cần quan tâm hơn nữa việc đưa vào nội dung giảng dạy môn văn học dân gian Việt Nam hiện nay nguyên tắc phân loại tác phẩm theo thể loại dựa vào các tiêu chí về chức năng thể loại và những đặc trưng thi pháp của thể loại. Và một khi đưa ra đúng cách lý giải xác hợp và thỏa đáng trong những trường hợp có hiện tượng vượt khung / giao thoa ở những tác phẩm cụ thể thì ắt hẳn người giảng viên có thể giúp cho sinh viên nắm vững được nguyên tắc phân loại cùng những tiêu chí phân loại tác phẩm văn học dân gian Việt Nam.

 

                                                                   Tháng 05-2008

 

 

 

Tài liệu tham khảo :

  1. Nguyễn Xuân Đức : Những vấn đề thi pháp văn học dân gian (Nxb KHXH, 2003)
  2. Lê Chí Quế (chủ biên) : Văn học dân gian Việt Nam (Nxb ĐHQG Hà Nội, 1996)
  3. Lê Chí Quế : Văn hóa dân gian – khảo sát và nghiên cứu (Nxb ĐHQG Hà Nội, 2001)
  4. Phan Xuân Viện : Truyện kể dân gian các tộc nguời Nam Đảo ở Việt Nam (Nxb ĐHQG TPHCM, 2007)

 

 

 

Danh mục website