Tín ngưỡng thờ cá ông của cộng đồng ngư dân An Thủy (huyện Ba Tri- tỉnh Bến Tre)

Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành của Đồng bằng Sông Cửu Long, nằm về phía hạ lưu sông Tiền, có chiều dài giáp biển đến 65 km. Sách Địa chí Bến Tre cho biết: “Qua khảo sát ở sông và ven biển tỉnh Bến Tre đã phát hiện được 120 loài cá thuộc 43 họ, nằm trong 15 bộ cá. Bộ cá vược chiếm ưu thế cả về họ (21 họ) lẫn về loài (54 loài), bộ cá trích chiếm 2 họ gồm 15 loài, bộ cá bơn có 3 loài [Thạch Phương- Đoàn Tứ 2001: 228]. Riêng đối với loài cá sống ven biển thì có: Cá mòi, cá nục, cá đuối, cá gúng, cá trích, cá chim,…. Sự đông đúc và đa dạng về chủng loại tôm, cá ở vùng ven biển có ý nghĩa quan trọng cho việc hình thành các nhóm đánh bắt thủy hải sản ở vùng ven biển Bến Tre. Mặt khác, Bến Tre có bờ biển khá dài và 4 con sông lớn (Cổ Chiên, Ba Lai, Hàm Luông, Cửa Đại) hướng ra biển, nên hình thành được hai cộng đồng ngư dân ven biển: An Thủy (huyện Ba Tri), Bình Thắng (huyện Bình Đại). Việc tìm hiểu văn hoá của các cộng đồng ngư dân này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần xác định diện mạo của các cộng đồng này qua chiều dài phát triển. Tín ngưỡng thờ cá ông ở An Thuỷ là một trong những minh chứng cho điều ấy.

            Theo các nhà nghiên cứu cho biết, tín ngưỡng thờ cá ông là hình thức tín ngưỡng phổ biến của cư dân ven biển Việt Nam, đặc biệt từ miền Trung trở vào, là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa Việt-Chăm trong quá trình Nam tiến của người Việt. Tín ngưỡng này thực chất là tín ngưỡng vật linh (animism), thể hiện sự sùng bái của con người trước biển cả trong quá trình mưu sinh, đánh bắt lênh đênh trên biển. Các sách như: Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn, Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Thoái Thực Ký Văn của Trương Quốc Dụng, Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ,…đều có ghi chép về cá ông, phần lớn cho rằng đây là loài cá hiền lành, linh thiêng hay cứu người đi buôn bán trên biển và chài lưới, mỡ cá dùng để cứu người. 

Ở Bến Tre, tín ngưỡng thờ cá ông có mặt ở 3 huyện ven biển: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú từ xưa đến nay. Lư Xuân Chí cho biết: “ Qua kết quả tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre năm 2004, toàn tỉnh có 12 lăng ông chia ra: Huyện Ba Tri 4 lăng, huyện Thạnh Phú 4 lăng, huyện Bình Đại 4 lăng” [Lư Xuân Chí 2005: 138]. Tuy nhiên, qua điều tra của người viết vào 2008, Bến Tre có đến 12 lăng ông thuộc 3 huyện ven biển Ba Tri (3 lăng), Bình Đại (5 lăng), Thạnh Phú (4 lăng):

Danh sách và Địa chỉ các Lăng ông ở Bến Tre

STT

Tên

Địa Chỉ

1

Lăng Ông Nam Hải

ấp An Lợi-xã An Thủy-huyện Ba Tri

2

Lăng Ông Nam Hải

ấp Thạnh Lộc-xã Bảo Thạnh-huyện Ba Tri

3

Lăng Ông Nam Hải

ấp Thạnh Phú-xã Bảo Thạnh-huyện Ba Tri

4

Lăng Ông

ấp 5-xã Thạnh Phong-huyện Thạnh Phú

5

Lăng Ông Thủy Tướng

ấp Giao Thạnh-xã Giao Thạnh-huyện Thạnh Phú

6

Lăng Ông Nam Hải

ấp An Ninh-xã An Thuận-huyện Thạnh Phú

7

Lăng Ông Nam Hải

ấp Thạnh Hải-xã Thạnh Hải-huyện Thạnh Phú

8

Lăng Ông Nam Hải

ấp 3-xã Bình Thắng-huyện Bình Đại

9

Lăng Ông

ấp Thừa Lợi-xã Thừa Đức-huyện Bình Đại

10

Lăng Ông

ấp Thừa Trung-xã Thừa Đức-huyện Bình Đại

11

Lăng Ông Nam Hải

ấp Thới An-xã Thới Thuận-huyện Bình Đại

12

Lăng Ông Nam Hải

ấp Vinh Điền- xã Vang Quới Tây-huyện Bình Đại

                                             (Nguồn: Tư liệu điền dã của Dương Hoàng Lộc-2008)

Qua đó, ở Bến Tre có các nhóm cư dân thờ cá ông như sau:

_ Thứ nhất, đó là tín ngưỡng những nhóm đánh bắt nhỏ lẻ, làm nghề chài lưới ven bờ: Lăng ông ấp Thạnh Lộc và Thạnh Phú (xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri), lăng ông ấp 5 (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú), lăng ông ấp Thạnh Hải (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú), lăng ông ấp Thừa Lợi và Thừa Trung (xã Thừa Đức, huyện Bình Đại), lăng ông ấp Thới An (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại). Việc tôn thờ cá ông ở đây chính là nhằm cầu mong cho nghề đánh bắt được thuận lợi, trúng nhiều tôm cá. Mặt khác, riêng đối với lăng ông ấp Thạnh Hải (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) được thành lập năm 2004, sau khi cá ông lụy. Những ngư dân cao tuổi tổ chức xây lăng và thờ phụng, không chỉ vậy, tín ngưỡng này còn có cả những người làm nghề trồng dưa hấu tin tưởng. Đây là lăng ông “trẻ” nhất của Bến Tre. Như vậy, tín ngưỡng thờ cá ông vẫn còn trong mạch tâm linh của người dân ven biển Bến Tre cho đến tận hôm nay.

_ Thứ hai, đó là tín ngưỡng những người làm nghề chài lưới ven sông: Lăng ông ấp An Ninh (xã An Thuận, huyện Thạnh Phú), ấp Vinh Điền (xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại). Đây là trường hợp cá ông con chẳng may bị xẩy hay xảo, theo dòng nước vào tận bên trong sông, được lập lăng thờ cúng. Lăng ông ấp An Ninh, xã An Thuận cách cửa biển chừng 20 km, nằm bên dòng sông Cổ Chiên, được thành lập vào 1954. Cá ông này khi lụy có hình dạng nhỏ, chiều dài chừng 1,6m, đường kính 0,5m, nặng 350 kg. Lăng ông ở Vang Quới Đông nằm bên cạnh  sông cửa Đại, cách biển chừng 30 km. Một tiều phu đốn củi tình cờ bắt gặp thi hài cá ông ở làng Phú Thuận gần đó. Người này về kể lại cho dân làng Vang Quới nghe. Các vị cao tuổi sắm khay trầu rượu và lễ vật đi cùng với vị tiều phu này sang làng Phú Thuận xin thọ tang cá ông và mang hài cốt về đây thờ. Ở trường hợp này, tín ngưỡng thờ cá ông có ảnh hưởng và lan rộng, đi sâu vào tâm thức của người dân làm nghề chài lưới ven sông, cách biển khá xa. Ngoài ra, đó phải chăng là sự tiếp nối truyền thống văn hoá của cha ông họ vốn có nguồn gốc từ miền Trung vào, mà tín ngưỡng thờ cá ông là một điển hình?

_ Thứ ba, đó là chứng tích của một thời mà cư dân địa phương gần với biển, làm nghề đánh bắt ven bờ: Trường hợp lăng ông ấp Giao Thạnh (xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú). Trước năm 1938, xã Giao Thạnh nằm sát biển và có nhiều ngư dân làm nghề đáy rạo sinh sống. Tuy nhiên, vì lý do bị sạt lỡ khá nặng, năm 1938, Pháp tiến hành san lấp và khoá cửa Vàm Rỗng lại. Từ đó cho đến nay, đất phù sa đã bồi hàng chục km. Do vậy, người dân ở đây chuyển sang nghề trồng lúa, làm vườn cho đến nay. Đây là một lăng ông khá xưa của huyện Thạnh Phú, một dạng thờ cá ông khá độc đáo của Bến Tre: Từ tín ngưỡng của cư dân làm nghề chài lưới ven biển dần chuyển thành tín ngưỡng của nghề nông, do bị thay đổi bởi điều kiện tự nhiên.

_ Thứ tư, đó là tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân ven biển: Lăng ông ấp An Lợi (xã An Thuỷ, huyện Ba Tri), lăng ông ấp 3 (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại). Do ngư dân nơi đây hoạt động và gắn bó với nghề đánh bắt thuỷ sản xa bờ ngày nay và nghề chài lưới, đóng đáy, đánh bắt ven bờ trong quá khứ, cho nên tín ngưỡng thờ cá ông là hình thức tín ngưỡng trực tiếp liên quan đến nghề nghiệp của họ. Do đó, hình thức tín ngưỡng thờ cá ông của cộng đồng ngư dân là quan trọng và nổi bất hơn hết so với các nhóm cư dân khác. Nó thể hiện khá rõ trên khá nhiều phương diện như: Giai thoại dân gian lưu truyền nhiều hơn, lễ hội lớn hơn, kiến trúc thờ tự qui mô hơn,…

Qua khảo sát tại An Thủy, ngư dân có khá nhiều giai thoại liên quan đến cá ông. Theo lời kể lại của họ, cá ông vốn là vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần, biến thành cá ở từng cửa biển để cứu giúp người dân mỗi khi gặp nạn. Nếu cứu được càng nhiều người sẽ tích được công đức cho đến khi thiên đình tổ chức kỳ thi. Nếu công đức nhiều, cá sẽ vượt được vũ môn hóa thành rồng, bay về trời. Ngược lại, nếu tích ít công đức, cá tiếp tục quay trở lại nơi cũ tiếp tục sứ mệnh cho đến khi đầy đủ. Khi gặp người bị nạn, cá ông không cứu sẽ bị cá đao phanh thây, đất trời nổi sóng gió. Câu chuyện này có mang yếu tố Đạo giáo khá rõ. Họ còn cho biết, mỗi khi cá ông đi tuần sẽ có một cặp cá đao, cặp tôm càng và cặp mực theo hầu. Sách Đại Nam Nhất Thống chí có ghi: “ Cá đao: đao ngư, trên đầu có xương dài, nanh sắc như dao cưa, sắc xanh không vảy, có loài đẻ con. Tục truyền khi cá ông voi bơi đi, tất có một đôi cá đao đi trước để hộ vệ. Đấy cũng là việc lạ”[Quốc Sử Qúan triều Nguyễn-Viện Sử học 2006 (tập 5): 483]. Cá ông rất thích ăn cá mồi và ruốc. Mỗi khi gặp được mồi, cá đao sẽ bao quanh vòng ngoài, mực vươn tua dài phun nước màu đen, cá ông sẽ xoay vòng nước đưa con mồi vào miệng. Tuy nhiên, cá ông rất kỵ con sam, nếu lỡ bị sam bám vào thành miệng, hút máu thì sẽ đau đớn, giãy dụa và bơi vào bờ để nhờ người gỡ dùm. Ngư dân ở đây thường gọi cá ông bằng “ông Nam Hải”, “Nam Hải Tướng quân“,  hay đơn giản nhất là “ông”. Mỗi khi cá lỡ chui vào lưới, ngư dân khấn và mở lưới để ông thoát ra ngoài. Khi cá ông lụy, tùy vào mỗi nơi mà có cách an táng khác nhau, tuy nhiên, người đầu tiên nhìn thấy sẽ là con trưởng và phải chịu tang. Ở Lăng Ông An Thủy có 3 bộ cốt cá ông. Bộ cốt đầu tiên do ông lụy vào năm 1917, được ngư dân đưa vào lăng thờ. Bộ cốt thứ hai do cá ông lụy vào năm 1954. Thi hài Ông dài chừng 7m, ngang 1,7m, nằm ở phía ngoài cồn, được một số người Bắc di cư vào đây phát hiện. Họ sửa soạn xẻ thịt cá thì ngư dân tại đây phát hiện, xin chuộc lại với số tiền khá lớn. Sau đó, ngư dân tổ chức lễ an táng. Tại nơi cá ông lụy, người ta đào một cái hố khá lớn, bên dưới phủ vải đỏ, lập bàn hương án cho ngư dân cúng bái. Cả làng lúc này đi tìm người đầu tiên thấy ông để làm người con trưởng, chịu tang. Tuy nhiên, vì theo quan niệm của ngư dân, người làm con trưởng sẽ bị nghèo khó suốt đời, nên người này đã bỏ trốn vào Cà Mau sinh sống. Nếu không có người con trưởng, xác ông sẽ không lung lay và  an táng được. Người ta bắt buộc phải tìm người thứ hai thấy ông lụy để làm con trưởng, chịu tang 3 năm. Phải chăng việc chịu tang cá ông có sự thâm nhập của yếu tố Nho giáo vào tín ngưỡng này? Sau khi an táng xong, ngư dân xây ngôi mộ cho ông tại nơi này. Trong thời gian để xác ông, những loài vật như chó, mèo và cả ruồi muỗi không dám đến gần. Ghe đáy rạo, đáy sông cầu quay về cúng bái long trọng. Đêm đó, trời nổi sấm chớp và giông gió lớn làm cho cả đoàn ghe va vào nhau. Những người hiếu kỳ thì đến gặp các ngư dân có trách nhiệm để xin huyết và da của ông về uống cho khỏe mạnh, làm bùa đeo cho trẻ con để trừ tà ma. Tuy nhiên, điều này đã không được chấp nhận. Ngư dân còn kể lại rằng, vào sáng hôm sau, một ông khác to lớn đi vào cửa sông, phá đi hàng chục khẩu đáy, rồi vọi nước lên cao để trở ra ngoài khơi. Người ta cho rằng, đó là cá ông mẹ đi tìm cá ông con. Sau đó, đến lễ nghinh ông vào năm sau (ngày 16 tháng giêng), ngư dân tổ chức lễ thỉnh cốt ông về nhập lăng. Người ta đào mộ lên, mang cốt ông rửa thật sạch, phủ vải đỏ. Đoàn đi rước có chiêng, trống, long đình và pháp sư theo cùng. Bộ cốt thứ ba ở lăng ông An Thủy khá nhỏ, do người dân thấy ông con xẩy, họ an táng và mang cốt gửi vào lăng. Nguyễn Duy Oanh, cho biết một chi tiết: “ Dân chài vùng Bãi Ngao (Ba Tri) cũng thuật rằng cũng có lần thuyền của vua Gia Long đến đây gặp sóng to gió lớn và cũng được cá ông hộ tống đến Bãi Ngao”[Nguyễn Duy Oanh 1971: 356]. Qua thực tế của người viết vào năm 2007 và 2008, câu chuyện này không xuất hiện qua lời kể của các ngư dân cao tuổi. Phải chăng nó đã bị lãng quên qua thời gian? Đó là giai thoại dân gian khá phổ biến ở vùng ven biển Nam bộ, chứ không riêng gì ở Vàm Láng (Tiền Giang). Việc gắn cá ông  với quá trình bôn tẩu của vua Gia Long làm cho tín ngưỡng thờ cá ông có nội dung lịch sử, góp phần nâng cao vị thế của vị thần này với triều đình nhà Nguyễn. Ngoài ra, cũng không loại trừ việc tuyên truyền, ca tụng “ sứ mạng thiên tử” của Nguyễn Ánh trong lúc bôn ba phục nghiệp bằng khá nhiều giai thoại ly kì ở Nam bộ. Cho đến nay, những câu chuyện về sự linh ứng của cá ông cứu người khi gặp nạn trên biển, đặc biệt đó là những con người thật còn sống ở địa phương, vẫn còn lưu truyền rộng rãi. Điều này chứng minh một điều tín ngưỡng thờ cá ông còn chi phối quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân An Thủy, nó phản ánh việc đánh bắt xa bờ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thường xuyên có bất trắc, điều không may đến với họ khi lênh đênh trên biển. Trong quá trình tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cá ông ở An Thủy, ngư dân có sự phân biệt khá cụ thể, rõ ràng giữa cá ông với các loài cá khác có hình dạng gần giống nhau như: Cá xà, cá dông,…. Đây là các loài cá có mặt ở vùng ven biển Bến Tre trước đây. Hiện nay, chúng còn lại rất ít. Cá xà được ghi rõ trong Gia Định Thành Thông chí: “ Cá nhám ( giao sa), có tên nữa là cá xà, da có sạn, thân to lớn đến 3-4 ôm, dài hơn 1 trượng, mắt đỏ, miệng lớn. Thường thừa khi sóng gió mạnh mẽ, cả bầy đuổi theo ghe thuyền, chực ghe chìm đặng nuốt người. Tính nó rất hung dữ, người đi ghe phải bỏ xuống một khối đá hay bao gạo mong cho nó nuốt xong no bụng để đi. Cá này cũng có rún đẻ con. Có loài cá xà ở hồ, ăn tươi hay phơi khô đều dùng được. Vây của nó phơi khô đem bán là loại thức ăn thượng hạng” [Trịnh Hoài Đức 2005: 208-209]. Tuy nhiên, giữa cá ông và cá dông rất dễ lầm lẫn với nhau. Do đó, họ có sự phân biệt cụ thể như sau:

          Bảng phân biệt chi tiết cá ông và cá dông

STT

TIÊU CHÍ

        CÁ ÔNG

            CÁ DÔNG

1

Da

Da màu đen, láng và mịn

Da màu xám, hơi mốc

2

Lưng

Có rãnh máng dài trên lưng

Có kỳ trên lưng

3

Đuôi

Đuôi giống đuôi tôm

(đuôi bẹ)

Đuôi giống đuôi cá bình thường

3

Miệng

Không có răng

Có răng lởm chởm cả 2 hàm

4

Cách vọi

Vọi nước thẳng lên cao

Vọi nước tua ra, không lên thẳng và cao.

5

Thức ăn

Các loài cá nhỏ và giáp xác như: cá mòi và ruốc,…

Ăn tạp, kể cả thịt người

6

Cách ăn

Xoay cuộn nước để đưa thức ăn vào miệng

Ăn theo kiểu táp tới

7

Khi chết

Thịt không hôi, ruồi muỗi không đến gần.

Thịt hôi rữa, ruồi muỗi bám.

8

Sau khi được người cứu

Bơi ra biển, vọi nước thẳng lên biểu thị cám ơn.

Quay lại ăn thịt người đã cưú

                                  (Nguồn: Tư liệu điền dã của Dương Hoàng Lộc-2008)

Hiện tại, qua đối chiếu với các sách Đại Nam Nhất Thống chí, Gia Định Thành Thông chí thì không thấy có ghi chép về loài cá mang tên là cá dông. Ngoài ra, sau khi tham khảo một số từ điển chuyên ngành như: Từ điển Bách Khoa Nông nghiệp Việt Nam, Từ điển Thủy sản Anh-Việt,…cũng không thấy nhắc đến. Có thể đây là tên gọi của dân gian, không phải tên gọi khoa học và phổ biến. Tuy nhiên, sách Từ điển Bách Khoa Nông nghiệp Việt Nam lại có ghi chép về một số loài cá có hình dạng to lớn giống như cá ông và ăn thịt người, hay tấn công người đi trên biển ở Việt Nam: Cá nhà táng (Physeter catodon) -một loài thuộc bộ cá voi răng và cá mập ăn người (Carcharodon carcharias). Có thể cá dông chính là cá nhà táng hay cá mập ăn người. Đây là vấn đề cần tìm hiểu thêm.

Đặng Văn Thắng cho biết: “ Cá ông được phong là thần Nam hải Cự tộc Ngọc lân và từ thời Minh Mạng chỉ phong là chi thần (không phải là thượng đẳng thần hay trung đẳng thần), đến thời Tự Đức được phong là Trừng trạm, mà theo qui định của thời Tự Đức, được phong Trừng trạm là thuộc loại thủy thần hạng hạ đẳng thần, nên có thể nói từ thời Tự Đức cá ông là thuộc thủy thần hạng hạ đẳng” [Đặng Văn Thắng 2008: 254]. Qua khảo sát 12 lăng ông ở Bến Tre, chúng tôi không thấy có sắc thần nào của triều đình nhà Nguyễn phong tặng.

Ngoài ra, bài văn chánh tế của Lăng ông An Thuỷ mang nhiều ý nghĩa trong việc tìm hiểu tín ngưỡng thờ cá ông nói riêng và tín ngưỡng của ngư dân nói chung. Nguyên văn bài này như sau:

                                      “Cảm chiêu cáo vu

_ Thiên đình sắc phong di Nam Hải Đại Tướng quân Ngọc lân Thủy tướng Nam thần.

_ Tả Lý ngư Phụ bắc An bang tôn thần.

_ Hữu Lý lực Quảng độ Tế thế tôn thần.

_ Ngũ đạo hải trình giang chữ: Ngao Khâm, Ngao Quảng, Ngao Nhuận, Ngao Hoá, Ngao Lai tôn thần.

_ Kiêm niên quản trị:…hành khiển,…hành binh,…phán quan,…quỉ vương.

_ Đông Nam Sát hải Lang lại nhị đại tướng quân.

_ Thuỷ Long Thánh nữ nương nương chi vị.

_ Tiền Âm tư chủ bộ Hà Bá Thuỷ quan tuần du thuỷ đạo Dạ Xoa sứ giả tôn thần.

_ Đương cảnh Thành Hoàng Đại vương Bổn xứ Thổ công Thổ địa tôn thần.

_ Tiền hiền Khai khẩn chi vị.

_ Hậu hiền Khai khẩn chi vị.

_ Bổn xứ Khai cơ chi vị.

cập chư bộ hạ thuỷ binh đồng thời chiếu giám

Viết:

            Hải hà chung tú, thiên địa từ tinh, dương dương thâm thuỷ, tà chánh giám minh, trạch trạch khuyết linh, âm dương hiển hách, bảo vệ quần sanh, tá quốc gia chi cảnh, vận phò trừ dân chúng, bỉnh phước hoạ chi quyền hoành, thông tri tứ hải, bác vác thiên sơn, thiệt càn khôn chi dân võ thức, thiên địa chi phong lôi hoằng khai đại đức quảng hậu thâm ân, thời đương xuân tiết, chư nghệ phương hưng, nguyện chúng thắng bình cộng lạc, chúc nhơn nhơn khánh giá hân hoan, cảm vô cùng chi dư huệ giả.

                                         Phục di cẩn cáo”

         (Nguồn: Ông Nguyễn Văn Xuân- Hương văn Lăng Ông An Thuỷ cung cấp-2008)

            Có vài nhận xét về bài văn tế này như sau:

_ Thứ nhất, nội dung của bài văn này không nằm ngoài sự ca ngợi công đức, uy lực của cá ông và lòng ngưỡng mộ của ngư dân, bày tỏ cầu mong sự phù trợ thần linh cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

_ Thứ hai, qua bài văn tế này, tín ngưỡng thờ cá ông có sự ảnh hưởng của Đạo giáo, với việc đề cập cá ông được thiên đình phong tặng danh hiệu Nam Hải Đại Tướng quân Ngọc lân Thuỷ tướng Nam thần. Điều này phù hợp với giai thoại dân gian được lưu truyền ở An Thuỷ mà chúng tôi đã nêu trên. Ngoài ra, cá ông không chỉ một mình về chứng lễ của ngư dân mà còn có nhiều vị thần khác. Đặc biệt, tên của hai vị thần phụ tá cá ông là Tả Lý ngư và Hữu Lý lực.

_ Thứ ba, ngoài cá ông, một số vị thần trong bài văn tế này có liên quan đến biển cả, ngư nghiệp như: Ngũ phương Long Vương, Lang Lại tướng quân, Thuỷ Long nương nương, Hà Bá Thuỷ quan,…Bên cạnh đó, các vị thần có chức năng cai quản đất đai, xứ sở mà ngư dân sinh sống, lập nghiệp như: Thành Hoàng, Thổ Công, Thổ Địa và cả các vị có công lập làng, khai cơ đã quá cố. Đây là một tập hợp vừa có nhiên thần, vừa có nhân thần, có cả thuỷ thần và thổ thần, trong đó thuỷ thần giữ vai trò chính. Nó phản ánh được đời sống kinh tế, xã hội của người dân ở đây với ngư nghiệp giữ vai trò chủ đạo.

_ Thứ tư, qua bài văn tế này, có sự tích hợp giữa yếu tố Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian. Yếu tố Đạo giáo ảnh hưởng đến tín ngưỡng thờ cá ông và sự có mặt của các thần có chức năng quản trị hằng năm ở dương gian như: Hành khiển, hành binh, phán quan, quỉ vương. Theo quan niệm của Đạo giáo, tuỳ vào mỗi năm mà có các vị thần quản trị tương ứng, chẳng hạn năm Tý thì có: Châu Vương hành khiển, Thiên Ôn hành binh, Lý Tào phán quan, Thiên Tặc quỉ vương.

Nhìn chung, tín ngưỡng thờ cá ông của cộng đồng ngư dân An Thủy là tiêu biểu nhất cho loại hình tín ngưỡng này ở Bến Tre. Đây là dạng thức tín ngưỡng thờ vật linh, phản ánh sự may rủi và bất trắc khi ngư dân lênh đênh đánh bắt trên biển. Ở góc nhìn theo sự phát triển của các hình thức đánh bắt, tín ngưỡng thờ cá ông ở đây ban đầu là hình thức tín ngưỡng của nghề chài lưới (xiệp, lưới sỉ, lưới gõ,…) và đóng đáy ở cửa sông và ven bờ (đáy rạo, đáy sông Cầu,..). Do vậy, họ mới có quan niệm cá ông giữ nhiệm vụ trấn giữ các cửa sông để cứu người, đưa vào bờ, không trôi dạt ra khơi. Sau này, đặc biệt từ sau 1975, việc phát triển đánh bắt xa bờ (cào, lưới đèn, câu mực,…) đã tiếp tục mở rộng thêm vai trò của cá ông, đó là phù hộ cho ngư dân những ngày dài đánh bắt giữa biển khơi bao la. Mặt khác, cũng thấy rằng, con người không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào cá ông mà còn cứu giúp cá khi bị mắc cạn, bị ăn trúng sam,…Đó là mối quan hệ có qua có lại, mang tính hai chiều, phản ánh sự gắn bó, hài hòa giữa con người với tự nhiên, phản ánh triết lý nhân quả “cứu người thì người cứu ta”,…của ngư dân. Tín ngưỡng thờ cá ông ở đây nói riêng và Việt Nam nói chung còn chứa đựng những giá trị của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo (câu chuyện cá ông là hóa thân từ chiếc áo cà sa của Quan Âm bồ tát của ngư dân miền Trung) hòa lẫn vào nhau, thể hiện được tính dung hợp văn hóa- một đặc điểm của văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong thời điểm hiện nay, tín ngưỡng thờ cá ông còn có ý nghĩa tích cực cho việc bảo vệ môi trường sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt, mang tính nhân văn rõ nét. Tín ngưỡng thờ cá ông vẫn còn nguyên vẹn trong đời sống tâm linh của ngư dân ở đây khi mà nghề đánh bắt thủy sản còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, còn đầy thử thách và khó khăn ở mỗi chuyến ra khơi.

 Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cá ông còn nảy sinh và tích hợp một số hình thức liên quan và gắn liền như: Lăng ông, lễ hội nghinh ông và hát bội. Cách gọi lăng, tức nơi thờ cúng và đặt hài cốt cá ông, là cách gọi tôn kính của dân gian. Nguyễn Duy Oanh có nói đến lăng ông An Thủy: “ Ở quận Ba Tri, dân chài lưới có lập cái miếu thờ cá ông tại vùng Bãi Ngao. Mỗi khi ra khơi, họ thường cúng vái…”[Nguyễn Duy Oanh 1971: 356]. Ông cũng không nói đến năm thành lập của lăng ông An Thủy. Qua tư liệu điền dã của người viết, lăng ông An Thủy được ông Lưu Hữu Phú-ông tổ của kiến họ Lưu tại đây thành lập. Hiện nay, dòng họ này đã truyền đến đời thứ 7. Có khả năng lăng ông này được lập cách đây chừng 150 năm, là lăng ông khá xưa của Bến Tre. Con cháu của dòng họ này cho biết, ông Lưu Hữu Phú từ Vĩnh Long sang đây, tụ dân làm nghề chài lưới ở con rạch Ngao Châu gần đó và tiến hành dựng lăng thờ cá ông để cúng bái, cầu nguyện cho nghề chài lưới được phát đạt. Cũng cần nói rằng, việc thành lập lăng ông An Thủy không phải vì lý do cá ông lụy, mà ở việc nghề chài lưới phát triển, họ cần thờ cá ông để cầu sự độ trì. Các bộ cốt cá ông đều có niên đại sau khi lập lăng. Nhìn chung, kiến trúc lăng ông An Thủy giống hệt một ngôi đình ở Nam bộ: Võ ca, võ qui, chánh điện, hậu điện, nhà khách, nhà trù. Lăng này được xây cất theo hướng Đông, hướng của biển-nơi ngự trị của cá ông. Trước mặt lăng là con rạch Ngao Châu đề ghe thuyền đánh bắt có thể về đậu trước lăng cho tiện cúng bái. Qua thời gian, con rạch này đã bị bồi lắp, do vậy, nó chỉ còn lại chứng tích là bãi dừa nước ở phía trước lăng hiện nay. Lăng ông An Thủy phần lớn được xây dựng bằng chất liệu xi măng, được trùng tu qua nhiều lần nên khá rộng rãi và vững chắc. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của ngư dân đến lăng ông, sự phát triển của đời sống kinh tế An Thủy qua hàng năm. Nhìn chung, so với các lăng ông khác ở Bến Tre, lăng ông này có sự vững chắc, qui mô lớn, khang trang hơn nhiều lần. Phía ngoài sân của lăng ông An Thủy có thêm bia Long Mã Hà Đồ, hai miễu thờ Bạch Mã và Thái Giám. Sau bia Long Mã Hà Đồ, có ban thờ Thần Nông. Hằng năm, Ban Khánh tiết Lăng tổ chức cúng tạ Thần Nông vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, tức lễ thượng điền. Việc có ban thờ Thần Nông và lễ cúng thượng điền tại đây có nguyên nhân của nó. Thứ nhất, cộng đồng ngư dân An Thủy được xem là lớp ngư dân bãi dọc, nằm trong con rạch Ngao Châu và Bà Hiền, bên dòng sông Hàm Luông chảy ra biển Đông. Do nằm sâu bên trong và cách biển khá xa, cho nên ngư dân ở đây tiến hành nghề trồng giồng trên những giồng cát và trồng lúa. Thứ hai, trước đây do nghề đáy sông Cầu, đáy rạo chỉ hoạt động vào mùa Nam (từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch) và nghỉ vào mùa chướng (từ tháng 9 đến tháng 1 âm lịch). Cho nên, với thời gian ngư nhàn khá lâu, ngư dân chuyển sang làm nghề nông để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Do vậy, cả hai yếu tố nông nghiệp và ngư nghiệp cùng chi phối đời sống kinh tế, xã hội và cả văn hóa ở cộng đồng ngư dân An Thủy, trong đó ngư nghiệp giữ vai trò chính. Việc thờ Thần Nông và lệ cúng thượng điền của lăng ông An Thủy chính là sự phản ánh rõ nét yếu tố nông nghiệp đã chi phối đời sống của ngư dân ở đây xưa và nay. Lăng ông này có bày trí nổi bật. Đó là trống, mõ, lỗ bộ, cờ màu đỏ góp phần cho sự trang nghiêm. Mặt khác, các hương án được sơn màu đỏ, đắp nổi hình long-phung, long mã hà đồ, lân,…Đặc biệt, ở đây có đặt hài cốt của cá ông, hai bên ban thờ chính là xương cá đao. Trong chánh điện lăng ông An Thủy, giữa là ban thờ cá ông, có ghi chữ Thần khá lớn, hai bên là ban thờ tả ban và hữu ban. Phía sau là hậu điện, có ban thờ Tiền Hiền và Tiên Sư. Trước lăng ông An Thủy có đôi câu đối ca ngợi cá ông:

                        “ Sanh vi tướng tiền nhân thọ đức

                          Tử vi thần hậu thế tri ân

Hay:

                        “ Đền cổ lưu truyền tiền bối thọ

                           Tích xưa rọi dấu hậu nhân tu

            Hằng năm, ngư dân An Thủy tổ chức lễ nghinh ông vào 3 ngày: 15 và 16, 17 tháng giêng, theo đó ngày 16 là ngày chánh. Trước đây, sau lễ nghinh ông này, ngư dân bắt đầu sửa chửa thuyền, vá lại lưới để tiến hành công việc đánh bắt sau thời gian ngư nhàn. Do đó, lễ hội nghinh ông ở đây thực chất là lễ hội cầu ngư, tức cầu cá ông độ trì cho một năm đánh bắt được thuận lợi, cho tôm cá đầy khoang.  Nhìn chung, lễ hội nghinh ông An Thủy bao gồm các nghi lễ: Nghi Xây chầu Đại bội (tối ngày 15), nghi Nghinh Ông (sáng ngày 16), nghi Tế Tiền vãng (sáng ngày 16), nghi Tĩnh sanh (chiều ngày 16), nghi Chánh tế ( khuya ngày 16), nghi Đưa khách (khuya ngày 17). Ngoài ra, ở Lăng ông An Thuỷ, trước nghi tế tiền vãng là nghi tế chiến sĩ trận vong ở đền thờ liệt sĩ của xã, bởi vì họ quan niệm: Có những người vì nước xả thân, vì dân quên mình cho đất nước bình yên thì mới có công cuộc mở mang, phát triển của các bậc tiền nhân. Do vậy, nghi tế chiến sĩ phải thực hiện trước nghi Tế Tiền vãng. Bến Tre là vùng đất mà chiến tranh đã tàn phá ác liệt qua 2 cuộc kháng chiến. Chính điều này đã làm cho nội dung của lễ hội ở đây mang đậm yếu tố lịch sử, thể hiện lòng ngưỡng vọng tri ân với các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân. Nội dung của bài văn tế tha thiết nhưng không kém phần hào hùng, thể hiện được tấm lòng của người đời sau:

                                    “ Nơi trận địa từ đây vắng mặt

                                       Lễ chiêu hồn nghĩ lại đến chiến công

                                    Cầu vong linh phối hưởng tất lòng

                                   Sớm siêu hưởng về nơi cõi thọ

Mặt khác, trong nghi Tế Tiền vãng ở đây, ở bàn thờ Tiền Hiền bao giờ cũng có 12 tô thịt để cúng. Nó tượng trưng cho 12 vị hương chức điều hành công việc của làng ngày xưa, bao gồm: Hương cả, hương chủ, hương sư, hương trưởng, hương hào, hương thân, hương chánh, hương lễ, hương văn, hương quan, hương ẩm và xã trưởng. Do vậy, nghi lễ này mang tính lịch sử, phản ánh được cơ cấu tổ chức làng xã của địa phương trước đây. Victor.Turner, trong bài viết khá nổi tiếng Biểu tượng trong nghi lễ của người Ndembu, đã nhận xét: “ Biểu tượng nghi lễ trở thành một thành tố trong hành động xã hội, một sức mạnh trong một phạm vi hoạt động. Biểu tượng luôn gắn liền mật thiết với những quyền lợi, mục đích, ý nghĩa, phương tiện của con người cho dù những cái này hiện hữu rõ ràng hay phải luận ra từ những hành vi quan sát được”[Hội khoa học Lịch sử Việt Nam 2006: 243]. Tuy nhiên, lễ nghinh ông An Thuỷ không có nghi thức ra biển nghinh ông. Theo các ngư dân cao tuổi cho biết, trước đây có tổ chức lễ này, nhưng vì trong chiến tranh, đây là nơi giáp ranh giữa 2 bên ta và địch, sợ đạn pháo bắn nhầm, nên Ban Khánh tiết không dám ra khơi nghinh. Lễ hội nghinh ông của cộng đồng ngư dân An Thuỷ vừa mang ý nghĩa tâm linh, sự cầu mong một mùa đánh bắt thuận lợi, bình an nơi biển cả, nhưng cũng vừa là nhu cầu giải trí, giao lưu, và cố kết cộng đồng ngư dân với nhau. Trong ngày lễ nghinh ông, ghe đánh bắt của ngư dân An Thủy phải tề tựu về dự lễ cúng. Họ mang những lễ vật đến lăng cúng tạ ơn ông Nam Hải, ghe nào trúng mùa thì tạ lễ bằng heo quay, ngoài ra còn có xôi, chè,…Xung quanh lăng không khí nhộn nhịp, đông vui với các hàng quán buôn bán. Mỗi gia đình đều cử người đến miếu cúng. Sau đó, họ ngồi bên nhau để lai rai và tâm tình về nghề biển, về những chuyến đánh bắt tiếp theo. Các món ăn do Ban Khánh tiết đãi là những lễ vật mà ngư dân đem đến cúng. Ngoài ra, họ còn có thêm các món: Cá đuối tái giấm hay xào nghệ, mắm cá, mắm tép ăn với thịt phay…Đây là những món ăn riêng có của vùng biển. Beverly J.Stoeltfe đã nói về vai trò của ẩm thực trong lễ hội: “ Đặc biệt đáng nói là bản chất của ẩm thực trong lễ hội. Nó là hiện thân cho bản sắc cộng đồng đó và là biểu trưng cho dịp này, cho nên thức ăn trong lễ hội luôn luôn có tính đặc trưng…..Lễ hội cũng nhấn mạnh tác động có tính xã hội của ẩm thực, bởi vì trong bối cảnh này nhiều người hấp thụ truyền thống của họ một cách đồng thời, do đó khẳng định bản sắc của họ như một nhóm người liên kết bằng cách ăn những thực phẩm nhất định trong khoảng thời gian nhất định” [Ngô Đức Thịnh-Frank Proschan 2005: trang 145-146].

Liên quan đến tín ngưỡng thờ cá ông ở An Thuỷ còn có hình thức hát bội. Hát bội là hình thức nghệ thuật tiêu biểu ở Nam bộ, được sử dụng cho các lễ cúng kỳ yên ở các đình, miếu. Không chỉ vậy, hát hội còn được sử dụng trong các lễ hội nghinh ông ở Bến Tre, trong đó có ở cộng đồng ngư dân An Thuỷ. Trong lễ hội nghinh ông ở các tỉnh ven biển miền Trung, hát bội được gọi là hát án hay hát thứ lễ. Sách Từ điển Nghệ thuật Hát bội Việt Nam cho biết rằng, trước khi hát án, ban vạn tiến hành nghi lễ rước ông ra án đối diện với sân khấu để ông xem hát và chứng lễ. Vở diễn hát án thường được chọn một số vở trong pho tuồng Tam Quốc, nhưng bắt buộc phải có vở Cổ Thành. Thường một đội hát án hát từ 30 giờ đến 60 giờ [Nguyễn Lộc1998: 213-214]. Nhìn chung, hát bội trong lễ nghinh ông ở An Thuỷ giống với các nơi khác: Trước là cúng cho thần linh, sau cho bổn hội và bà con ngư dân giải trí. Hát bội ở đây thường là 3 suất hát, phản ánh được sự sung túc của ngư dân. Năm 2008, Lăng ông An Thuỷ hát tuồng: La Thông Tảo Bắc, Bao Công Xử Án Quách Hoè, Quan Công Phò Nhị tẩu. Nội dung các tuồng hát này không ngoài nhân nghĩa, trung hiếu của lễ giáo phong kiến,…góp phần định hình tính cách của ngư dân. Ngày nay, Bến Tre chỉ còn lại một số đoàn hát bội hoạt động trong dịp kỳ yên ở đình, miếu, lăng như: Đoàn Lâm Tiến và Tâm Đồng (thị xã Bến Tre), đoàn Thanh Điền (huyện Thạnh Phú), đoàn Kim Phụng và Ngọc Quí (Sở VH-TT Bến Tre), đoàn Đào Đửng (huyện Ba Tri),…Tuỳ vào hàng năm mà Ban Khánh tiết Lăng Ông An Thuỷ có thể mời một trong các đoàn này đến biểu diễn để phục vụ bà con ngư dân. Kết thúc cả 3 tuồng hát bội là Lễ Tôn vương. Đinh Bằng Phi cho biết: “ Chính nghĩa đã chiến thắng, bọn gian tà bị tiêu diệt, những người trung thần tôn hoàng tử lên ngôi. Quân thần, phụ tử, phu thê, bằng hữu được đoàn tụ trong không khí đoàn viên, thỏa nguyện. Tất cả các nhân vật của màn cuối vở hát, với cờ xí, tàn lộng nối nhau, từ lớn tới nhỏ lần lượt rời sân khấu, đi thẳng vào chánh điện. Ban tổ chức quí tế lên đèn hương để tiếp đón đoàn diễn viên đến bái yết linh thần”[Đinh Bằng Phi 2005: 99]. Ở đây, ông bầu hay bà bầu của đoàn hát sẽ đứng ra đại diện cầu chúc đất nước, cho bổn hội, cho bà con ngư dân được một mùa bình an, đời sống phát triển. Lễ tôn vương phản ánh rõ nét ý thức hệ phong kiến đã ảnh hưởng sâu sắc vào hát bội. Ngoài võ ca, 3 hồi trống chầu vang lên, đoàn hát bội quay vào buồng hát. Hát bội kết thúc giữa đêm khuya. Mọi người lại hẹn nhau vào mùa lễ năm sau. Mặt khác, qua khảo sát  các lăng ông ở Bến Tre, chúng tôi không thấy xuất hiện hình thức hát bả trạo trong lễ hội nghinh ông. Hát bả trạo là hình thức diễn xướng có chức năng nghi lễ, gắn liền với tục cầu ngư của ngư dân ven biển miền Trung.  Hiện nay, ở Bà Rịa-Vũng Tàu còn lại hình thức hát bả trạo trong lễ nghinh ông của ngư dân. Điều này góp phần làm nên sự khác biệt của lễ hội nghinh ông ở Bến Tre và Bà Riạ- Vũng Tàu.

Tóm lại, tín ngưỡng thờ cá ông của cộng đồng ngư dân An Thuỷ là tiêu biểu cho loại hình tín ngưỡng này ở vùng ven biển Bến Tre. Qua đó, tín ngưỡng thờ cá ông tồn tại với các hình thức liên quan đến như: Lăng ông, lễ hội nghinh ông, hát bội và tạo nên một dạng thức văn hoá, tạm gọi là văn hoá tín ngưỡng thờ cá ông. Mặt khác, tín ngưỡng này còn phản ánh được thế giới quan, suy nghĩ và cả đời sống kinh tế-xã hội của ngư dân An Thuỷ qua chiều dài phát triển. Ở đây, tín ngưỡng nói riêng và văn hoá nói chung còn là tấm gương phản chiếu của lịch sử. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực văn hoá của Bến Tre và địa phương cần phục hồi lại lễ ra khơi nghinh ông  ở An Thuỷ như ngày xưa đã từng có. Có như vậy, chúng ta góp phần làm cho lễ hội nghinh ông An Thuỷ tưng bừng hơn, phù hợp hơn. Làm được điều này chính là biết bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc trong thời hội nhập và phát triển.

 

Tài liệu tham khảo:

1.      Dương Hoàng Lộc, Trần Hoàng Tuấn, Nguyễn Thị Thu Thủy, Lê Thị Kim Ngọc 2007: Các kiến trúc dân gian và kiến trúc thờ tự tiêu biểu ở tỉnh Bến Tre. Tạp chí Khảo cổ học, số 2/2007.

2.      Đặng Văn Thắng: Tục thờ Cá Ông ở Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh). Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM 2008: Nam bộ- Đất & Người(tập 6)-TP.HCM: Nxb.Tổng hợp TP.HCM.

3.      Đinh Bằng Phi 2005: Nhìn về sân khấu Hát bội Nam bộ-TP.HCM: Nxb Văn nghệ.

4.      Đinh Văn Hạnh-Phan An 2004: Lễ hội dân gian của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu-TP.HCM: Nxb.Trẻ

5.      Hội đồng Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam1991: Từ điển Bách Khoa Nông nghiệp-Hà Nội: Trung tâm Quốc gia Biên soạn Từ điển Bách Khoa Việt Nam xuất bản.

6.      Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 2006: Những vấn đề Nhân học tôn giáo-Tạp chí Xưa và Nay- Nxb. Đà Nẵng.

7.      Lư Xuân Chí 2005: Bến Tre bảo tồn và phát huy di sản văn hóa-Bến Tre: Bảo tàng tỉnh Bến Tre xuất bản.

8.      Ngô Đức Thịnh (chủ biên) 2001: Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng Việt Nam-Hà Nội: Nxb.Khoa học X ã hội.

9.      Ngô Đức Thịnh-Frank Proschan 2005: Folklore- một số thuật ngữ đương đại- Hà Nội: Nxb.Khoa học X ã hội.

10. Nguyễn Chí Bền 1997: Tìm hiểu một số hiện tượng văn hoá dân gian Bến Tre-. Hà Nội: Nxb.Khoa học Xã hội.

11. Nguyễn Duy Oanh 1971: Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945)-Sài Gòn: Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa xuất bản.

12. Nguyễn Duy Thiệu 2002: Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam- Hà Nội: Nxb.Khoa học Xã hội.

13. Nguyễn Lộc (chủ biên) 1998: Từ điển nghệ thuật Hát bội Việt Nam- Hà Nội: Nxb.Khoa học Xã hội.

14. Phong Lan: Tục thờ cá ông ở Bến Tre. Tạp chí Xưa & Nay, số 70, tháng 12/1999

15. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn-Viện Sử học 2006: Đại Nam Nhất Thống Chí (5 tập, tái bản lần 2)-Huế: Nxb.Thuận Hóa.

16. Thạch Phương-Đoàn Tứ (chủ biên) 2001: Địa chí Bến Tre (tái bản lần 2)- Hà Nội: Nxb.Khoa học Xã hội.

17. Trịnh Hoài Đức 2005: Gia Định Thành Thông Chí (Lý Việt Dũng dịch)- Đồng Nai: Nxb.Đồng Nai

 

Nguồn: Nhiều tác giả, Nam bộ đất và người (tập 7), Nxb. TP.Hồ Chí Minh, 2009

Danh mục website