Vị thế, sứ mệnh, tầm nhìn và kế hoạch trung hạn (dự thảo)

Là một trong những khoa đào tạo cơ bản có truyền thống lâu đời nhất, có chương trình đào tạo bài bản nhất của đại học khoa học xã hội và nhân văn. Với những giáo sư tên tuổi tăng cường từ Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện KHXH vào như....

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH VÀ NV       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khoa Văn học và Ngôn ngữ                                       Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

            -----------                                                                             *******

 

KHOA VĂN HỌC VÀ NGÔN NGỮ -

VỊ THẾ, SỨ MỆNH, TẦM NHÌN VÀ KẾ HOẠCH TRUNG HẠN

(dự thảo)

 

1. VỊ THẾ

Khoa Văn học và Ngôn ngữ với 3 ngành đào tạo:

- Văn học

- Ngôn ngữ

- Hán Nôm

Là một trong những khoa đào tạo cơ bản có truyền thống lâu đời nhất, có chương trình đào tạo bài bản nhất của đại học khoa học xã hội và nhân văn. Với những giáo sư tên tuổi tăng cường từ Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện KHXH vào như: GS.Hoàng Như Mai, GS.Lê Đình Kỵ, GS.Chu Xuân Diên, GS.Nguyễn Hàm Dương (đã mất), GS.Nguyễn Lộc, GS.Mai Cao Chương, thầy Trần Chút, GS.Bùi Khánh Thế, GS.Trần Thanh Đạm, GS.Đinh Lê Thư…và những giáo sư của Đại học Văn Khoa Sài Gòn tiếp tục công tác như: GS.Bửu Cầm, GS.Nguyễn Văn Trung, GS.Trần Trọng San (đã mất), GS.Phạm Văn Diêu (đã mất), GS.Lưu Khôn, GS.Nguyễn Khuê, GS.Nguyễn Tri Tài…đã tạo nên truyền thống rực rỡ, niềm tự hào lớn lao của Khoa Văn học và Ngôn ngữ. Hàng chục ngàn sinh viên đã tốt nghiệp Khoa Văn học và Ngôn ngữ, đang cống hiến trí tuệ và sức lực của mình ở mọi miền đất nước, nhiều người là những giáo sư, nhà nghiên cứu trụ cột, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà quản lý tài ba, những doanh nhân thành đạt…ở các cơ quan Đảng và nhà nước, các cơ quan văn hóa, giáo dục, báo chí, xuất bản, các công ty… cũng tạo nên truyền thống vẻ vang và niềm tự hào của Khoa Văn học và Ngôn ngữ.

Hiện nay số giảng viên của Khoa trên 40 người, trong đó số giáo sư, phó giáo sư chiếm gần ¼ toàn trường, số tiến sĩ chiếm tỷ lệ tương đương (số liệu tháng 12 năm 2009). Là khoa thuộc loại đông nhất trường, có số cán bộ khoa học có bằng cấp cao chiếm tỷ lệ cao nhất trường. Số sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh gần 1300 người, khiến cho Khoa trở thành một trong những khoa có quy mô đào tạo cử nhân chính quy và sau đại học lớn nhất toàn Trường. 

2. SỨ MỆNH

Khoa Văn học và Ngôn ngữ tiếp tục truyền thống đã có: là một trong những khoa nòng cốt của Trường Đại học KHXH và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), phấn đấu xây dựng thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu ngữ văn có uy tín nhất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành ngữ văn trong các đại học khu vực Nam  Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Về lâu dài Khoa Văn học và Ngôn ngữ sẽ phấn đấu trở thành một trong những khoa nghiên cứu và đào tạo về ngữ văn có uy tín trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á.

Phương hướng chiến lược của Khoa có thể tổng kết lại thành mấy chữ: Khoa học, Hiện đại, Dân tộc, Thiết thực.

Trong đó, Khoa học là phải xây dựng một đội ngũ khoa học mạnh: chương trình đào tạo phải đổi mới, cập nhật hóa thường xuyên để đảm bảo tính khoa học, phải chú trọng đến nghiên cứu khoa học, xây dựng Khoa Văn học và Ngôn ngữ trờ thành một trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh trong cả nước.

Hiện đại là nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy phải hiện đại. Sử dụng, khai thác các trang thiết bị hiện đại cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Xây dựng Khoa trở thành một khoa mạnh, hiện đại ngang tầm với những khoa cùng ngành của các đại học lớn trong khu vực.

Dân tộc là nội dung nghiên cứu và giảng dạy chú trọng vào những vấn đề của dân tộc, vì sự lợi ích và sự phát triển bền vững của dân tộc. Bồi dưỡng cho  sinh viên hiểu biết sâu sắc về dân tộc mình, tự hào về dân tộc và có tinh thần dân tộc cao cả.

Thiết thực là nội dung, mục tiêu đào tạo phải thiết thực, có thể giúp sinh viên dễ dàng có được việc làm, đáp ứng được nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lục của xã hội.

3. TẦM NHÌN 10 NĂM

Để đạt được sứ mệnh, mục tiêu trên, trong vòng 10 năm tới Khoa dự định những phương hướng lớn sau:

(1) Xây dựng lực lượng:

Thường xuyên đổi mới, bổ sung lực lượng, bằng cả 2 nguồn:

- Giữ sinh viên, học viên cao học, tiến sĩ xuất sắc nhất của Khoa lại để đào tạo thành giảng viên.

- Tuyển thêm các tiến sĩ, các nhà khoa học ở bên ngoài vào, đặc biệt chú ý số du học ở nước ngoài về.

Yêu cầu các giảng viên mới ở lại trường mau chóng hoàn thành chương trình cao học,  nghiên cứu sinh trong thời gian sớm nhất có thể. Có kế hoạch đưa giảng viên trẻ đi đào tạo ở nước ngoài, nhất là ở các trường đại học lớn: từ những khóa dài hạn để có được bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ đến những khóa tu nghiệp ngắn hạn.

Khuyến khích các giảng viên lâu năm đi công tác, tu nghiệp, dự hội thảo, hợp tác nghiên cứu và giảng dạy…để thường xuyên được cọ xát trong môi trường quốc tế.

Khuyến khích, có kế hoạch chuẩn bị để các giảng viên làm thủ tục phong giáo sư, phó giáo sư vào những thời điểm thích hợp.

Phấn đấu 100% giảng viên sử dụng tốt ngoại ngữ trong nghiên cứu, trong đó đa số dều sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp quốc tế.

(2) Đào tạo:

- Đổi mới, cập nhật hóa chương trình đào tạo chính quy, cử nhân tài năng. Hoàn thiện chương trình đào tạo tín chỉ, trong đó chú ý đến:

+ Tính liên thông trong đào tạo: liên thông giữa các ngành trong Khoa, giữa Khoa VH-NN với các khoa khác: Báo chí và Truyền thông, Lịch sử (ngành lưu trữ)…

+ Hoàn thiện BM Nghệ thuật học, để tăng cường thêm tính thiết thực của chương trình, mở thêm cánh cửa vào đời cho sinh viên, đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

+ Hoàn thiện cả 3 định hướng nghề nghiệp: (1) Nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn, (2) Báo chí, xuất bản, văn phòng, (3) Nghệ thuật học

- Mở các ngành đào tạo cao học, tiến sĩ mới, sao cho tất cả các bộ môn đều có các ngành đào tạo tương ứng như: Lý luận văn học, Hán Nôm, Văn học so sánh, Văn hóa dân gian bên cạnh những ngành truyền thống đã có (Văn học VN, Văn học nước ngoài, Lý luận văn học (bậc TS), Ngôn ngữ học, Ngôn ngữ học so sánh và đối chiếu, Lý luận ngôn ngữ).

Hoàn chỉnh bộ giáo trình và tư liệu tham khảo môn học riêng của Khoa.

(3) Nghiên cứu khoa học:

- Nghiên cứu những vấn đề của khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, cụ thể: Văn học Quốc ngữ Nam Bộ, Hán Nôm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, Văn học dân gian các tỉnh Nam Bộ, Văn học dân gian các dân tộc Nam Tây Nguyên, Phương ngôn Nam Bộ, Ngôn ngữ các dân tộc Khmer, Chăm, các dân tộc Nam Tây Nguyên. Làm sao Khoa trở thành đơn vị đứng đầu cả nước trong việc nghiên cứu ngữ văn Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.

- Nghiên cứu những vấn đề mới của khoa học ngữ văn, làm sao có thể cập nhật hóa những vấn đề ấy tương đương trình độ của khu vực và của quốc tế.

- Thường xuyên mở các hội nghị khoa học về các lĩnh vực trên, quy tụ được giới nghiên cứu ở TP.HCM, Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, Hà Nội…

(4) Quan hệ quốc tế:

Mở rộng quan hệ quốc tế, ưu tiên quan hệ với các nước Đông Á trong các lĩnh vực sau:

- Đào tạo sinh viên

- Đào tạo giảng viên

- Trao đổi học giả

- Thỉnh giảng

- Hợp tác nghiên cứu

- Hội thảo khoa học quốc tế

4. KẾ HOẠCH TRUNG HẠN ĐẾN 2015

Căn cứ vào 38 chương trình hành động của Trường, từ đây đến 2015, Khoa Văn học và Ngôn ngữ dự định làm một số chương trình theo các lĩnh vực sau:

(1) Xây dựng lực lượng:

Từ đây đến năm 2015 sẽ có khoảng 10 thầy cô về hưu. Khoa có kế hoạch:

- Mời các thầy cô có kinh nghiệm tiếp tục cộng tác với Khoa trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

- Bổ sung thêm lực lượng, mỗi năm trung bình 3 người (gồm cả giữ sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ và mời chuyên gia bên ngoải), làm sao số giảng viên năm 2015 đạt con số từ 45-50 người – tùy theo khả năng biên chế của Trường.

Một số chỉ tiêu cụ thể:

- Số tiến sĩ toàn Khoa lên đến 30 người (hiện đã có 18).

- Số giảng viên học tập ở nước ngoài: khoảng 10 người.

- Số giáo sư, phó giáo sư của Khoa lên đến: 12-15 người.

(2) Đào tạo:

- Đổi mới, cập nhật hóa chương trình đào tạo chính quy, cử nhân tài năng. Hoàn chỉnh  bước đầu chương trình đào tạo tín chỉ theo 3 định hướng nghề nghiệp: (1) Nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn, (2) Báo chí, xuất bản, văn phòng, (3) Nghệ thuật học. Hoàn thiện dần BM Nghệ thuật học.

- Mở 2 ngành đào tạo cao học mới: Lý luận văn học, Hán Nôm.

- Cơ bản hoàn chỉnh bộ giáo trình và tư liệu tham khảo môn học riêng của Khoa. Phấn đấu 80% môn học có giáo án điện tử.

(3) Nghiên cứu khoa học:

- Nghiên cứu những vấn đề của khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, cụ thể: Văn học Nam Bộ từ đầu cho đến 1954, Văn học dân gian các tỉnh Nam Bộ, Văn học dân gian các dân tộc Nam Tây Nguyên, Phương ngôn Nam Bộ, Ngôn ngữ các dân tộc Khmer, Chăm, các dân tộc Nam Tây Nguyên.

- Xây dựng và đi vào hoàn chỉnh bước đầu Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm (Nam Bộ và Nam Trung Bộ).

- Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mới của khoa học ngữ văn.

- Mỗi năm mở ít nhất một 1 hội nghị khoa học về các vấn đề trên, tổng cộng từ 5-7 hội nghị.

(4) Quan hệ quốc tế:

Đặt quan hệ quốc tế thường xuyên với Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan….

- Tiếp tục đưa sinh viên Hán Nôm đi du học Đài Loan, Trung Quốc. Đưa sinh viên  văn học và ngôn ngữ đi một số nước khác.

- Tận dụng các nguồn học bổng, nhất là học bổng chương trình 322 để đưa giảng viên đi học tập, tu  nghiệp ở nước ngoài, chỉ tiêu: 5 giảng viên.

- Mở 2 hội thảo quốc tế.

- Tăng cường trao đổi học giả, thỉnh giảng, hợp tác nghiên cứu trong điều kiện có thể.

Mục tiêu hướng đến: xây dựng Khoa Văn học và Ngôn ngữ thành một trong 2 trung tâm nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn có uy tín nhất trong cả nước, có tầm cỡ trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

 TP.Hồ Chí Minh ngày 1 tháng 10 năm 2009

 BAN CHỦ NHIỆM KHOA

Danh mục website