Ý kiến về chương trình và phương pháp giảng dạy văn học

      1. Tại hội nghị khoa học lần này, chúng ta muôn bàn cả về chương trinh và phương pháp giảng dạy văn học ở bậc đại học và sau đại học. Cả hai chủ đề đều cần thiết, nhưng gộp chung vào một hội nghị như vậy sợ khó chuyên sâu quá chăng?

     2.   Đổi mới chương trình và từ đây đổi mới nội dung có tầm quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo,  nhưng đây là vấn đề rất khó  và rất phức tạp. Hàng loạt việc phải được quan tâm xử lý đồng bộ :

        -  Chương trình văn học phải được xét trong tổng thể các bộ môn trong khoa văn học và ngôn ngữ. Trong khoa, hiện nay trên thực tế đã hình thành hai chuyên ngành riêng biệt : chuyên ngành  văn học và chuyên ngành ngôn ngữ . Trong chương trình khung của ngành văn học, thời gian dành cho các bộ môn chung, các bộ môn cơ sở như vậy đã hợp lý chưa? Môn ngôn ngữ phải có một vị trí như thế nào, khi văn học, văn chương thực chất bao gồm ba thành tố kết hợp chặt chẽ với nhau là tư tưởng –nghệ thuật- ngôn ngữ ?

      - Các cấp độ của hiện tượng văn học, tiến trình văn học, như thời kỳ và trào lưu văn học, tác giả, tác phẩm, thể loại …, nên xác định như thế nào về tầm quan trọng và ý nghĩa để việc lựa chọn các vấn đề cần xem xét và phân phối chương trình được hợp lý ?

        - Môn văn học đóng vai trò gì trong việc thực hiện  mục tiêu đào tạo của khoa ? Chắc chắn ở đây, quá trình cung cấp kiến thức phải gắn liền với việc xây dựng nhân cách ( Rất đáng suy nghĩ ở đây lời nhắc nhở của nhà văn Albert Einstein  rằng nhiệm vụ của nhà trường luôn là  phải xây dựng cho người học một nhân cách hài hòa, chứ không phải đào tạo họ thành nhà chuyên môn ), mà ngay trên bình diện cung cấp kiến thức cũng không thể chỉ giới hạn trong kiến  thức về văn .

      - Trên cơ sở nắm vững đặc trưng và giá trị đích thực của văn học,phải  có quan điểm đúng đắn trong việc giải quyết các mối liên hệ giữa cơ bản và hiện đại, giữa cũ và mới, giữa văn học dân gian và văn học thành văn, giữa nội và ngoại. Đối với văn học Việt Nam, trong đổi mới chương trình, cần dành một tỷ lệ thích đáng hơn cho văn học dân gian và cổ điển. Rồi trong hoàn cảnh hội nhập với thế giới, lại càng phải có cách tiếp nhận sâu và rộng hơn nữa những giá trị văn học lớn của nhân loại .

 Chỉ riêng bấy nhiêu vấn đề cũng đòi hỏi phải tốn nhiều công sức để nghiên cứu và thảo luận mới đi tới được cách giải quyết thỏa đáng về đổi mới chương trình

   3. Chưa đổi mới chương trình, vẫn cần và có thể  đổi mới phương pháp giảng dạy. Phương pháp giảng dạy thuộc phạm vi hoạt động và khả năng của người thầy. Cách dạy của thầy ảnh hưởng rất nhiều đến cách học của trò. Đương nhiên ảnh hưởng ấy không chỉ tùy thuộc vào cách dạy, mà có lẽ còn quan trọng hơn nữa là phụ thuộc vào nhân cách, tinh thần trách nhiệm, trình độ của thầy.

     Nói riêng về phương pháp giảng dạy, thì phương pháp giảng dạy phổ biến hiện nay là độc thoại, thiên về giảng giải, trình bày những suy nghĩ của thầy, chưa tạo điều kiện cho trò phát huy tinh thần chủ động ,tính độc đáo trong thâm nhập tác phẩm, đối thoại với tác giả, cũng như với thầy giáo và bạn bè cùng lớp. Việc dạy và học môn văn đương nhiên phải đi sâu vào bài văn,vào tác phẩm, nhưng không chỉ có thế, mà còn phải chú ý đến tác giả, đến kho tàng văn học trên bình diện đồng đại và lịch đại, đến cả những vấn đề văn hóa xã hội rộng lớn có liên quan. Chất lượng và hiệu quả việc dạy và học văn tùy thuộc vào nhiều yếu tố : giá trị và ý nghĩa của  tác phẩm, của hiện tượng văn học được  đưa ra xem xét ; vị trí và yêu cầu từng bài dạy và học trong chương trình ; thầy giáo nắm vững những điều kiện dạy và học cụ thể, nên hướng  học trò tập trung sự chú ý vào những vấn đề gì ?

    Phương pháp là một phạm trù rất năng động và linh hoạt. Nói cách khác, phải biết vận dụng các phương pháp tốt một cách linh hoạt  tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của việc dạy và học (sở trường của thầy giáo, khả năng của học trò, yêu cầu của giờ học)

    4. Song song với đổi mới phương pháp giảng daỵ, tôi đề nghị áp dụng lại một số hình thức dạy và học cũ đã chứng tỏ đem lại kết quả tốt như : các buổi thảo luận tổ có hướng dẫn (xêmina) ; trong suốt khóa học sinh viên có thể tự nguyện chọn một vài chuyên đề để theo học và tập làm công tác nghiên cứu với vài thầy nào đó; bắt buộc tất cả sinh viên hằng năm viết niên luận và cuối khóa viết khóa luận tốt nghiệp.

                                                     TP HCM, 18 -2 -2008

Nguyễn Văn Hạnh: GS, Viện khoa học xã hội Vùng Nam Bộ 

Danh mục website