Bộ môn Hán Nôm

Trước năm 1954, tại Hà Nội, người Pháp cho thành lập một số trường đại học, trong đó có trường Đại học Văn khoa Hà Nội. Trường này bấy giờ chỉ đào tạo và cấp bằng Cử nhân Văn chương. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp ký kiệp định Genève...

 Nhân sự:

Trưởng Bộ môn - Nguyễn Đông Triều

Lê Quang Trường

Nguyễn Ngọc Quận

Nguyễn Văn Hoài

Vũ Thị Thanh Trâm

Trần Thị Diệu Hiền

 I. Lịch sử hình thành và phát triển ngành Hán Nôm
Trước năm 1954, tại Hà Nội, người Pháp cho thành lập một số trường đại học, trong đó có trường Đại học Văn khoa Hà Nội. Trường này bấy giờ chỉ đào tạo và cấp bằng Cử nhân Văn chương. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp ký kiệp định Genève, rút về nước. Hầu hết các trường đại học ở Hà Nội đóng cửa và chuyển vào Nam, trong đó có trường Đại học Văn khoa. Khi chuyển vào Nam, trường này đổi tên thành trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, cũng chỉ đào tạo và cấp bằng Cử nhân Văn chương cho sinh viên.
1. Đầu thập niên 1960, trường Đại học Văn khoa Sài Gòn thiết lập các văn bằng Cử nhân Giáo khoa. Đồng thời, do nhu cầu đào tạo, trường đã thành lập các Ban (tương đương với các Khoa sau này), trong đó có ban Hán văn là tiền thân của tổ bộ môn Hán Nôm. Ban Hán Nôm đào tạo và cấp chứng chỉ Cử nhân Giáo khoa Hán Nôm.
Nhân sự ban Hán Nôm lúc bấy giờ gồm có:
- Trưởng ban:  GS. Nghiêm Toản
- Ban giảng huấn cơ hữu:   GS. Nghiêm Toản, Trần Trọng San, Lưu Khôn
- Giáo viên thỉnh giảng:  TS. Hán học Nguyễn Sĩ Giác, Cử nhân Hán văn Thẩm Quỳnh, Cử nhân Hán văn Bùi Lương, Cử nhân Hán văn Nguyễn Văn Bình, GS. Bửu Cầm, cùng các thầy cô Người Hoa dạy tiếng Hoa: Đới Ngoạn Quân, Diệp Tuyền Hoa, Khưu Sĩ Huệ.
2. Năm 1969, nhân sự Ban Hán Nôm gồm có:
 - Trưởng ban:  GS. Bửu Cầm
 - Ban giảng huấn cơ hữu:  GS. Bửu Cầm, GS. Nghiêm Toản, các thầy Trần Trọng San, Lưu Khôn, ThS.Nguyễn Khuê, Nguyễn Hữu Lương, TS. Trần Quang Huy.
3. Sau ngày 30/4/1975, trường Đại học Văn khoa Sài Gòn đổi tên thành trường Đại học Văn Khoa TP.HCM. Tổ bộ môn Ngữ văn Việt Nam được thành lập trên cơ sở tiếp quản ban Hán văn và ban Việt văn của trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Tổ bộ môn Ngữ văn trực thuộc trường, tương đương với một khoa bây giờ.
Tổ trưởng tổ bộ môn Ngữ văn: PGS. Mai Cao Chương
4. Ngày 30/4/1977, trường Đại học Tổng hợp TPHCM ra đời trên cơ sở hai trường Đại học Văn Khoa và trường Đại học Khoa Học cũ. Tổ bộ môn Ngữ văn vẫn là tổ bộ môn trực thuộc trường. Ngành Hán Nôm bấy giờ là một bộ phận của tổ bộ môn Ngữ văn.

Tổ trưởng tổ bộ môn Ngữ văn: PGS. Mai Cao Chương

Tổ phó : Thầy Lưu Khôn

Giảng viên bộ môn Hán Nôm:   GS. Bửu Cầm, các thầy Lưu Khôn, Trần Trọng San, ThS. Nguyễn Khuê, Huỳnh Minh Đức, Trần Quang Huy, Nguyễn Tri Tài, (từ Ban Triết Đông chuyển sang), Phạm Văn Diêu, Trần Đức Rật (từ ban Việt văn chuyển sang).

5. Năm 1978, tổ bộ môn Ngữ văn Việt Nam được nâng lên thành khoa Ngữ văn Việt Nam, trong đó có ba bộ môn: Văn học, Ngôn ngữ và Hán Nôm.
Tổ trưởng bộ môn Hán Nôm: Thầy Lưu Khôn
Giảng viên bộ môn Hán Nôm:   Các thầy Trần Trọng San, Th.S. Nguyễn Khuê, Nguyễn  Tri Tài, Trần Đức Rật
6. Năm 1985 đến 2003, tổ bộ môn Hán Nôm có nhiều thay đổi về nhân sự, có nhiều thầy mất vì cao tuổi, có thầy nghỉ hưu, cũng có nhiều thầy cô là sinh viên được giữ lại bộ môn giảng dạy.
Tổ trưởng bộ môn Hán Nôm:    ThS. Nguyễn Khuê
Giảng viên bộ môn Hán Nôm:   Các thầy cô Nguyễn Tri Tài, Huỳnh Chương Hưng, Nguyễn Nam, Trần Anh Tuấn, Đoàn Anh Loan, Nguyễn Ngọc Quận, Nguyễn Đình Phức, Nguyễn Đông Triều, Vũ Xuân Bạch Dương.
Năm 1994, khoa Ngữ văn đổi tên thành khoa Ngữ văn và Báo chí.
Năm 1996, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM được thành lập. Tổ bộ môn Hán Nôm trở thành một bộ phận trong ngành Ngữ văn thuộc khoa Ngữ văn và Báo chí.
7. Năm 2004-2006, cơ cấu các bộ môn thuộc khoa Ngữ văn và Báo chí vẫn giữ nguyên: Văn học, Ngôn ngữ và Hán Nôm.
Tổ trưởng bộ môn Hán Nôm: TS. Đoàn Ánh Loan
Giảng viên bộ môn Hán Nôm: Các thầy Nguyễn Ngọc Quận, Nguyễn Đình Phức, Nguyễn Đông Triều, Vũ Xuân Bạch Dương, Nguyễn Văn Hoài, Vũ Thị Thanh Trâm.
Nhìn chung, các thầy cô tham gia giảng dạy trong ngành Hán Nôm từ trước 1975 xuất thân từ trường Đại học Văn khoa Hà Nội trước đây và Đại học Văn khoa Sài Gòn khóa đầu tiên. Sau năm 1975, có các thầy cô từ các trường Đại học ở Hà Nội vào hỗ trợ. Đầu những năm 1980 đã có được các thầy cô là lớp sinh viên Hán Nôm đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Cuối những năm 1990, các thầy cô giảng dạy Hán Nôm xuất thân từ khoa Ngữ văn, thuộc lớp thứ hai. Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, có một số thầy cô ngành Hán Nôm được học tập, nghiên cứu ở nước ngoài như thầy Nguyễn Nam (học tập Tiến sĩ ở trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ), TS. Đoàn Anh Loan (tu nghiệp ở trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ), thầy Nguyễn Đình Phức (học tập Tiến sĩ ở trường Đại học Nam Kinh, Trung Quốc)…
Trên dưới 50 năm một chặng đường phát triển của bộ môn gắn liền với sự phát triển của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM. Càng ngày nhân sự của bộ môn Hán Nôm càng trở nên hùng hậu, chất lượng giảng dạy, nghiên cứu không ngừng được nâng cao, phần nào đáp ứng được sự lớn mạnh của việc nghiên cứu Hán Nôm khu vực phía Nam vốn có truyền thống từ lâu.
II. Giảng dạy và nghiên cứu
1. Giảng dạy
Từ trước năm 1975, các thầy cô giảng bài không theo một giáo trình nhất định. Các thầy giảng trên lớp, sinh viên tự mày mò học tập, nghiên cứu thêm bên ngoài để tự làm giàu kiến thức của mình.
Giảng viên giảng dạy Hán Nôm theo giáo trình do các thầy lớn tuổi có kinh nghiệm giảng dạy nghiên cứu nhiều năm trong bộ môn soạn ra. Đó là các giáo trình: Tiếng Hán cơ sở (của thầy Nguyễn Tri Tài), Chữ Nôm cơ bản (ThS. Nguyễn Khuê).
Hiện nay, các thầy cô đã có cách dạy mới, khác hơn rất nhiều so với trước kia. Ví dụ, trước kia, với một bài văn chữ Hán, các thầy phiên âm rồi giảng nghĩa. Nay, ngoài hai phần chính yếu trên đây, các thầy còn chú ý phần dịch thuật, kiểm tra, buộc sinh viên tự học ở nhà, đi thư viện, làm bài ngay tại lớp, chủ động tìm kiếm tài liệu ngoài chương trình, nghiên cứu khoa học. Hiện nay, theo chủ trương của nhà trường, các môn học đều đang được biên soạn thành giáo trình. Trước mắt, giáo trình tiếng Hán cơ sở sẽ được biên soạn, bổ sung, giúp sinh viên các ngành Ngữ văn, Lịch sử, Triết học, Nhân học, Văn hóa những kiến thức cơ bản về Hán Nôm.
2. Nghiên cứu
Các giảng viên bộ môn Hán Nôm vừa làm công tác giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học. Bộ môn đã tổ chức hai cuộc hội thảo “Hán Nôm-Thực trạng và giải pháp” vào năm 1995 giải quyết vấn đề về giáo trình, phương pháp giảng dạy và thu hút sinh viên theo học ngành này, “Kỷ niệm ngày mất của nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Văn Giáp” vào năm 2003. Ngoài ra, hằng năm, các thầy cô còn tham gia viết tham luận cho nhiều cuộc hội thảo, hội nghị khoa học, cho tạp chí chuyên ngành nhiều đề tài về chuyên môn và liên ngành; thực hiện nhiều công trình nghiên cứu hợp tác với địa phương, cá nhân. Hiện nay, bộ môn có 2 Tiến sĩ, 3 Thạc sĩ và 2 đang là học viên Cao học (năm 2006).
III. Học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của sinh viên
1. Học tập
Việc học tập Hán Nôm của sinh viên thực sự có khó khăn. Hầu như sinh viên khi học ở bậc Trung học đều được học ngoại ngữ Anh văn hoặc Pháp văn, Nga văn. Khi họ học đại học, ngoại ngữ chính là Anh văn hoặc Pháp, Nga văn, nhưng sinh viên học chuyên ngành Hán Nôm, lần đầu tiên tiếp xúc với chữ Hán, chữ Nôm, bắt đầu làm quen với tiếng Hoa. Vì thế, sinh viên ngành Hán Nôm gặp phải khó khăn khách quan này. Tuy nhiên, trình độ của sinh viên Hán Nôm không vì thế mà trở nên kém cỏi. Ngược lại, không thiếu những sinh viên Hán Nôm tốt nghiệp với kết quả rất tốt. Thậm chí, sau khi ra trường có một số được học tập ở nước ngoài (Mỹ, Trung Quốc, Nhật…) với những kết quả rất tốt, thậm chí khiến cho người Trung Quốc phải ngạc nhiên về trình độ Hán cổ của họ. Có một số sinh viên học Cao học Hán Nôm ở trường Đại học và Viện Hán Nôm ở Hà Nội đều được các thầy cô ở cơ sở đào tạo đánh giá cao và đạt thành tích xuất sắc.
 Đối với sinh viên Hán Nôm, việc tham khảo và học tập từ các thư viện là rất quan trọng. Hiện tại, có các thư viện sau có thể cung cấp các tư liệu Hán Nôm cần thiết:

- Thư viện trường Đại học KHXH & NV TPHCM.

- Thư việc Khoa học Xã hội TPHCM.

- Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM

- Thư viện Bảo tàng lịch sử

- Thư viện Lưu trữ quốc gia

Thực tập thực tế là vấn đề có sự khác biệt so với trước đây. Trước năm 1975, sinh viên ngành Hán Nôm không tham gia nghiên cứu khoa học và thực tập như bây giờ. Phần lớn do trường Văn Khoa Sài Gòn không tổ chức các lớp học qui củ và gắn kết các thành viên, cũng như lên chương trình học tập có loại hình hoạt động này. Sau này, trường Đại học KHXH & NV tổ chức cho sinh viên Hán Nôm năm thứ 3 thực tập sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật các di sản Hán Nôm ở đình, đền, chùa, miếu… Trong quá trình thực tập, sinh viên không chỉ học tập, tiếp cận trực tiếp nguồn di sản Hán Nôm phong phú, đa dạng, mà còn giúp cơ sở thực tập, chính quyền địa phương bảo quản, sửa chữa những chỗ sai sót trong các thư tịch cổ được sưu tầm. Trong chương trình học chuyên ngành, sinh viên Hán Nôm được trang bị những kiến thức về Hán Nôm và cả văn học, ngôn ngữ. Trong đó, có 580 tiết tiếng Hoa và 30 tiết Tin học tiếng Hoa. Hai môn học này giúp thêm nhiều cho sinh viên trong việc tìm việc làm sau khi ra trường. Có thể nói, những khóa tốt nghiệp gần đây, hầu hết các lớp Hán Nôm đều tìm được việc làm không mấy khó khăn sau khi ra trường trong thời gian ngắn nhất. Những công việc ấy đa phần đều thích hợp với chuyên ngành như: dịch thuật sách, tài liệu tiếng Hoa, tiếng Hán cổ, làm tự điển tiếng Hoa, tiếng Hán cổ, nghiên cứu các công trình về Hán Nôm, phiên dịch cho các công ty nước ngoài, dạy tiếng Hoa, dạy tiếng Việt, dạy văn học v.v… ở trường học, trung tâm, công ty…

2. Nghiên cứu khoa học
Hằng năm, sinh viên ngành Hán Nôm đều thực hiện công trình nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài khác nhau. Trong đó, sinh viên Hán Nôm liên tục nhiều khóa lần lượt nghiên cứu đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật di sản Hán Nôm” ở các quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến nay, các bạn đã thực hiện công trình này ở quận 2, 7, 9, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Củ Chi. Tất cả các công trình trên đều đạt giải Nhất, Nhì cấp Trường, giải Nhì cấp Bộ và đạt loại Khuyến khích, loại 3 giải thưởng Eureka do Thành Đoàn tổ chức. Hiện nay, sinh viên đang thực hiện nghiên cứu ở quận 4, 5 tỉnh Phú Yên.
3. Các hoạt động khác
a/ Sinh viên ngành Hán Nôm thường xuyên tham gia các hoạt động nghiên cứu, hoạt động xã hội do Đoàn trường, Thành Đoàn… tổ chức như hiến máu nhân đạo, công tác từ thiện, giữ gìn trật tự giao thông, chiến dịch Mùa hè xanh, liên kết với các cơ quan, địa phương… Trong đó, có thể nói hoạt động có liên quan đến chuyên ngành được sinh viên Hán Nôm yêu thích nhất là biểu diễn thư pháp. Năm 2001, Câu lạc bộ Thư pháp của Trường được thành lập do bộ môn Hán Nôm chịu trách nhiệm quản lý hoạt động, chủ nhiệm là giảng viên Vũ Xuân Bạch Dương. Câu lạc bộ thu hút không chỉ sinh viên ngành Hán Nôm mà còn rất nhiều thành viên khác từ các khoa, trường bạn. Câu lạc bộ thường xuyên nhận được lời mời tham gia biểu diễn thư pháp và liên kết với các đơn vị bạn mở rộng hoạt động. Từ khi thành lập, Câu lạc bộ Thư pháp luôn giành được nhiều giải thưởng cao như giải An tượng, giải Đặc biệt và nhiều Giấy khen do nhà trường, Thành Đoàn, UBND Thành phố... cấp.
b/ Hằng năm, sinh viên năm thứ nhất được nghe Ban Chủ nhiệm khoa giới thiệu về các chuyên ngành của ngành Ngữ văn để giúp sinh viên thêm kiến thức cho việc lựa chọn chuyên ngành Văn học, Ngôn ngữ hoặc Hán Nôm. Sau khi sinh viên vào ngành Hán Nôm, khoảng tháng 3-4 hằng năm, bộ môn thường tổ chức gặp gỡ sinh viên để trao đổi kinh nghiệm học tập, nghiên cứu khoa học. Đây là buổi sinh hoạt thu hút không chỉ sinh viên ngành Hán Nôm mà còn sinh viên của ngành Văn học và Ngôn ngữ tham gia. Ngoài ra, các cựu sinh viên của nhiều khóa trước cũng về tham dự để trả lời những vấn đề cần thiết về kinh nghiệm học tập, nghiên cứu khoa học và việc làm. Trong buổi sinh hoạt này, sinh viên rất phấn khởi vì tiếp nhận được nhiều thông tin bổ ích cho việc học tập trước mắt như phương pháp học Hán Nôm một cách hiệu quả, tài liệu, chương trình học, thực tập thực tế, phương pháp nghiên cứu khoa học, thực hiện khóa luận tốt nghiệp, tiêu chuẩn thi tốt nghiệp, học Cao học, làm nghiên cứu sinh, công việc… Có lẽ thú vị hơn cả là sự gặp gỡ giữa nhiều thế hệ trước và sau để có thể giới thiệu kinh nghiệm học tập, nghiên cứu khoa học và tìm việc làm. Đây là dịp để các thầy cô, sinh viên Hán Nôm nhiều thế hệ gặp gỡ, tìm hiểu, quan tâm và gắn bó nhau hơn. Tình thầy trò thực sự trở nên thân ái, thiêng liêng. Quan hệ giữa sinh viên nhiều khóa trước và sau gắn bó hơn. Dần dần, ngày gặp gỡ này trở thành truyền thống của ngành Hán Nôm, truyền thống đoàn kết, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau giữa các thế hệ sinh viên Hán Nôm, khoa NVăn học và Ngôn ngữ.
Bộ môn Hán Nôm xin chào đón các bạn sinh viên Hán Nôm thế hệ trước và sau đến tham gia buổi sinh hoạt truyền thống hằng năm để tạo thêm tình thân ái gắn bó, trao đổi kinh nghiệm học tập, làm việc, giúp sinh viên thế hệ đàn em những điều cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu, công việc tương lai, giúp xây dựng bộ môn Hán Nôm ngày một tốt hơn! Xin liên lạc theo địa chỉ website của Khoa  Văn học và Ngôn ngữ  trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.
VI. Chương trình đào tạo của ngành Hán Nôm
1. Học phần bắt buộc

Số thứ tự

Tên môn học

Đơn vị học trình

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

Hán văn Việt Nam đời Lý Trần

Hán văn Việt Nam đời Lê

Hán văn Việt Nam đời Nguyễn

Hán văn đời Tiên Tần

Hán văn đời Hán Tấn

Thơ Đường

Đường Tống bát đại gia

Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc

Các thể loại văn học cổ Việt Nam và Trung Quốc

Những vấn đề lý thuyết và thực hành chữ Nôm

Lịch sử chế độ khoa cử và quan chế Việt Nam

Thư tịch học Hán Nôm

Từ Hán Việt

Ngữ âm tiếng Việt

Từ vựng tiếng Việt

Ngữ pháp tiếng Việt

Phong cách học tiếng Việt

Hư từ trong tiếng Hán cổ

Tiếng Hán hiện đại

Lý luận văn học

Văn học dân gian Việt Nam

Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX

Văn học Việt Nam thế kỷ XX

Nguyễn Trãi- tác gia và tác phẩm

Nguyễn Du- tác gia và tác phẩm

Hồ Chí Minh- tác gia và tác phẩm

Văn học phương Đông

Văn học phương Tây

2

2

2

2

2

2

2

2

2

2

2

2

2

2

2

4

2

6

16

4

2

3

3

2

2

2

4

4

2. Học phần tự chọn  

Số thứ tự

Tên môn học

Đơn vị học trình

1

2

3

4

5

Tin học tiếng Hoa

Tiếp xúc ngôn ngữ và văn tự ở Đông Á

Lịch sử Trung Quốc

Triết học cổ đại Trung Quốc

Lịch sử chữ viết và chữ quốc ngữ

2

2

2

2

2

Danh mục website