Lời dẫn (trích)

      Dạy văn và học văn luôn luôn là câu chuyện mới, nóng bỏng tính thời sự. Việc dạy văn ở đại học và sau đại học có một tầm quan trọng rất lớn – vì đại học là nơi có quyền uy nhất trong việc định giá vấn đề này, và hơn nữa đại học cũng là nơi sản sinh ra các nhà ngữ văn, những người làm việc trong các ngành văn học nghệ thuật. Môn văn ở đại học nhiều năm trở lại đây đang xuống giá và xuống cấp. Xuống giá vì hình như nó đem lại cho người học không mấy tài lợi nếu so với những ngành thời thượng khác. Nó cũng bị xuống cấp vì nó khó mà cưỡng được sự xuống cấp chung của môi trường xung quanh. Trong tình hình ấy sự lạc hậu của nó bộc lộ ngày càng rõ nét, nhất là khi chúng ta nhìn ra các trường đại học ở các nước gần cũng như xa. Môn văn ở đại học còn có nguy cơ không đáp ứng của yêu cầu lớn của quốc gia, cũng như những yêu cầu nhỏ bé, cụ thể về việc làm, sinh kế của những sinh viên từ khắp mọi miền quê của đất nước đã gửi niềm tin của mình vào đại học của chúng ta.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, hiện đại hoá đất nước, Khoa Văn học và Ngôn ngữ tự thấy phải có trách nhiệm nhìn thẳng vào thực trạng dạy và học văn trong trường đại học, và nhìn rộng ra việc dạy văn ở các đại học các nước. Trên tinh thần đó, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã tổ chức hội thảo khoa học Đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy văn học ở đại học và sau đại học với suy nghĩ khoa học và ý tưởng mới phải đi trước. Có ý tưởng rồi chúng ta mới tìm các cơ hội để thuyết phục những người có trách nhiệm nghe theo, đồng thời cũng mong muốn những ý tưởng của hội thảo sẽ ít nhiều được thể hiện trong sự đổi mới của mỗi chúng ta, của mỗi khoa – trong phạm vi quyền hạn của mình. Chỉ có như thế chúng ta mới hy vọng sẽ rút dần khoảng cách giữa đại học của ta với các nước, mới có thể đáp được yêu cầu của xã hội và đòi hỏi từ sinh viên.

Đoàn Lê Giang: PGS, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website