Nghĩ về chương trình văn học ở đại học Nhật Bản

1. GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH CHUYÊN NGÀNH NGỮ VĂN NHẬT BẢN

Khoa Ngôn ngữ-Văn học Nhật Bản trước kia vẫn thường gọi là “Quốc ngữ”, “Quốc văn”, nhưng do quá trình quốc tế hóa nghiên cứu Nhật Bản nên hiện nay thường dùng cách nói là “Nhật Bản Ngôn Ngữ-Nhật Bản Văn học”. Khoa Ngôn ngữ-Văn học Nhật Bản có 3 bộ phận: Văn học Nhật Bản, Ngôn ngữ Nhật Bản và Ngữ văn Trung Quốc. Khoa này thường là một trong những khoa căn bản, lớn nhất trong các khoa về KHXH và nhân văn của một trường đại học. Có thể lấy ví dụ ở 2 đại học Sophia và Kansai - hai đại học khá nổi tiếng ở Tokyo và  Osaka của Nhật Bản:

- Ngành KHXH và Nhân văn Đại học Sophia có : Khoa Văn học (Văn, Sử, Triết, Văn học Anh, VH Pháp, VH Đức, Báo chí); Khoa Thần học; Khoa con người tổng hợp (Giáo dục, Tâm lý, Xã hội, Phúc lợi xã hội); Khoa Luật (Pháp luật, Luật quan hệ quốc tế, Luật Môi trường); Khoa Ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ học, Văn hóa Châu Á), Kinh tế (Kinh tế học, Kinh doanh), Giáo dục quốc tế(1).

- Ngành KHXH và nhân văn Đại học Kansai(2) có: Khoa Văn, Khoa Luật, Khoa Kinh tế, Khoa xã hội học, Khoa Tổng hợp tình hình…Trong Khoa Văn có các bộ môn: Ngôn ngữ và Văn học Nhật Bản, Ngữ văn Anh, Văn hóa Anh Mỹ, Triết học- Đạo đức học, So sánh tôn giáo, Nghệ thuật học-Mỹ thuật sử, Lịch sử, Ngữ văn Pháp, Ngữ văn Đức, Địa lý- Môi trường, Tiếng Trung và Trung Quốc học, Giáo dục học, Tâm lý học…

1.1. Đối tượng, mục đích của chuyên ngành và cách thức tổ chức quá trình học tập của Khoa Ngôn ngữ- Văn học Nhật Bản:

Có thể thấy những điều ấy qua lời giới thiệu trên trang web của Khoa Quốc ngữ-Quốc văn, Đại học Kansai:

            “Văn học và Ngôn ngữ Nhật Bản là ngành học tìm hiểu bản chất của văn học nghệ thuật thông qua tác phẩm văn học viết bằng tiếng Nhật từ xưa đến nay. Đó cũng là quá trình tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Con người là gì? Xã hội là gì? Con người và xã hội đã tồn tại như thế nào qua các thời ký ấy?

            “Ngành Văn học và Ngôn ngữ Nhật Bản được chia ra thành 7 lĩnh vực: Văn học Thượng đại (thời Nara); VH Trung cổ (Heian); VH Trung thế (Kamakura và Muromachi); VH Cận thế (Edo); VH cận đại (1868-1945); VH Hiện đại (sau 1945); và Ngôn ngữ Nhật Bản.

            “Sinh viên năm thứ nhất học Khái quát về Văn học Nhật Bản, Dẫn luận Nhật ngữ học – tức là học những tri thức và phương pháp nghiên cứu cơ bản về Văn học và Ngôn ngữ Nhật Bản. Sinh viên những năm sau sẽ học sâu hơn dưới sự hướng dẫn của các giáo sư. Từ năm thứ 2 (đối với ngành Ngôn ngữ học) và năm thứ 3 (đối với ngành Văn học) SV bắt đầu được “diễn tập” (seminar) tức là thuyết trình, tập sự nghiên cứu. Tùy theo hứng thú cá nhân mà SV chọn đề tài và giải quyết những vấn đề đặt ra bằng các báo cáo thuyết trình 1, 2, 3 và tổng hợp lại thành một báo cáo chuyên sâu tức là Luận văn tốt nghiệp.”

1.2.Thuyết trình (seminar) và niên luận:

Seminar được hiểu là một cách thức học tập, theo đó một nhóm SV dưới sự chỉ đạo của một giảng viên tập trung lại nghiên cứu, thảo luận, thuyết trình. Các seminar văn học yêu cầu SV phải đọc trực tiếp từng tác phẩm quan trọng dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Ví dụ ở Khoa nói trên: Văn học cận thế (thời Edo- tức là hậu kỳ trung đại), có 2 seminaire  trọng tâm là: Đọc hiểu thơ haikai, Đọc hiểu tiểu thuyết cận thế. SV phải đọc trực tiếp vào văn bản cổ thời ấy, sau đó là làm niên luận. Ví dụ một số luận văn thành công gần đây: 7 nhân vật Komachi – từ Komachi cổ điển đến Komachi cận thế, “Thức ăn chế biến sẵn trong Trung thần tàng” – parody (tác phẩm cải biên) và văn hóa dân gian, Sự hình thành và mở rộng Omi bát cảnh trong tác phẩm của Santo Kyoden…

1.3.Giảng viên : 

Giảng viên ở đại học Nhật Bản hầu hết là đều là giáo sư và phó giáo sư (tiếng Nhật là: Giáo thụ và Chuẩn giáo thụ), có thể có cả giáo sư người ngoại quốc. Ví dụ ở Khoa Ngôn ngữ - Văn học Nhật Bản, Đại học Musashino(3), một trường khá nổi tiếng ở Tokyo có 15 giảng viên trên tổng số khoảng 250 SV và học viên cao học. Trong 15 vị ấy có: 13 GS (1 GS người Mỹ), 1 Phó GS và 1 giảng viên.

1.4.Chương trình học:

Các trường tổ chức môn học không giống nhau, nhưng đều có một số môn cốt lõi bắt buộc phải có. Có thể lấy ví dụ về chương trình học của Khoa Văn học – Ngôn ngữ Nhật Bản ở Đại học Musashino nói trên:

1.4.1. Các môn chung (học năm thứ nhất):

Gồm các môn trang bị kiến thức xã hội cơ sở và giáo dục diện rộng (chú trọng tham quan học tập thực tế), các môn truyền thông đại chúng, các môn mở rộng  tầm nhìn quốc tế, kinh tế và xã hội hiện đại, con người và khoa học tự nhiên, các  môn về nghệ thuật…

1.4.2. Seminar:

Có các seminar về văn học Nhật Bản, Hán văn, tiếng Nhật, phương pháp giảng dạy, thư pháp, văn hóa truyền thống và cuối cùng là luận văn tốt nghiệp. Cụ thể:

- Năm thứ nhất: Seminar Cơ sở văn học Nhật Bản

- Năm thứ 2: có 9 seminar (mỗi seminar có nhiều GV phụ trách), bao gồm: 5 seminar về văn học Nhật Bản từ cổ đại cho đến hiện đại, 1 seminar về Hán văn, 1 seminar về nghiên cứu thư pháp, 1 seminar về nghiên cứu văn hóa truyền thống, 1 seminar về tiếng Nhật và dạy tiếng Nhật.

- Năm thứ 3: có 13 seminar, trong đó có: 5 seminar về văn học Nhật Bản từ cổ đại cho đến hiện đại, 1 seminar về Hán văn, 1 seminar về nghiên cứu thư pháp, 1 seminar về nghiên cứu văn hóa truyền thống, 1 seminar về tiếng Nhật và dạy tiếng Nhật, 1 seminar về nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, 1 seminar về nghiên cứu tiếng Nhật, 1 seminar về sáng tác văn nghệ, 1 seminar về phương pháp giảng dạy.

- Năm thứ 4: chỉ có 1 seminar về luận văn tốt nghiệp và SV hoàn thành luận văn tốt nghiệp.

1.4.3. Các môn cơ sở:

Văn học Thượng đại; Văn học Trung cổ; Văn học Trung thế; Văn học Cận thế; Văn học cận đại, Văn học hiện đại; Dẫn luận Nhật ngữ học; Nghiên cứu về kịch; Dân tục học; Cơ sở thư pháp; Cơ sở sáng tác văn học; Tình hình Nhật Bản v.v…

1.4.4. Khóa trình (Course):

- Văn học Nhật Bản:

Luận về văn học Nhật Bản từ cổ đại đến hiện đại; Nghiên cứu Văn học chữ Hán; Lịch sử văn học Nhật Bản; Ngữ pháp tiếng Nhật v.v …

- Văn hóa truyền thống:

Nghiên cứu văn hóa truyền thống; Nghiên cứu Dân tục học; Nghiên cứu thư pháp; Luận về văn hóa truyền thống v.v …

- Giáo dục tiếng Nhật:

Ngữ pháp tiếng Nhật; Tiếp xúc văn hóa; Ngôn ngữ học; Phương pháp giảng dạy tiếng Nhật; Ngôn ngữ học tâm lý v.v…

1.4.5. Khóa trình tự chọn:

- Sáng tác văn nghệ :

Văn học nhi đồng; Công tác biên tập và xuất bản; Sáng tác và thưởng thức tiểu thuyết; Sáng tác và thưởng thức văn học nhi đồng; Sáng tác và thưởng thức thơ ca. v.v

- Phương pháp sư phạm :

Seminar về sư phạm; Phương pháp giảng dạy văn học cổ điển; Phương pháp giảng dạy văn học hiện đại; Phương pháp giảng dạy Hán văn v.v.

1.5. Nhiệm sở của SV sau khi tốt nghiệp:

- SV học xong khóa trình văn học Nhật Bản, có thể trở thành giáo viên dạy ngữ văn, nhà nghiên cứu, chuyên viên thư viện, phát thanh viên, nhà biên tập, nhà báo, người làm xuất bản, quảng cáo…

- SV học xong khóa trình văn hóa truyền thống, có thể trở thành nhà hoạt động sân khấu, thư pháp; học giả dân tục học so sánh; nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên viên bảo tàng, văn hóa sự nghiệp .v.v.

- SV học xong khóa trình giáo dục tiếng Nhật, có thể trở thành nhà nghiên cứu, giáo viên tiếng Nhật, người phiên dịch, nhà hoạt động văn hóa quốc tế .v.v.

- SV học xong khóa trình sáng tác văn nghệ có thể trở thành người sáng tác, nhà báo, biên tập viên, người hoạt động truyền thông đại chúng về tiểu thuyết, thơ ca, tiểu luận báo chí v.v.

- SV học xong khóa trình phương pháp sư phạm có thể trở thành giáo viên ngữ văn  trung học cơ sở và trung học phổ thông.

*

2. NHẬN XÉT

2.1. Về tổ chức, Khoa Ngôn ngữ- Văn học Nhật Bản cũng được cấu tạo từ 3 bộ phận: Văn học, Ngôn ngữ, Hán văn tương tự như nhiều Khoa Ngữ văn ở VN. Đại học Nhật Bản đã áp dụng học chế tín chỉ từ lâu, nên GV/ SV có thể qua lại giữa các Khoa/ Bộ môn Văn, Sử, Triết, Ngữ văn Anh, Pháp, Đức, Giáo dục, Tâm lý khá dễ dàng. Vì thế khả năng tự chọn các môn học của SV khá linh hoạt, đồng thời các khoa cũng không bị chồng chéo nhau về chuyên môn. Hy vọng học chế tín chỉ của Trường ta đi vào ổn định thì việc học tập của SV sẽ thuận lợi hơn.

2.2. Trong chương trình, đại học Nhật Bản rất chú trọng các môn seminar. Theo như họ quan niệm thì Seminar là một cách thức học tập, theo đó một nhóm SV dưới sự chỉ đạo của một giảng viên tập trung lại nghiên cứu, thảo luận, thuyết trình về một lĩnh vực chuyên môn, một đề tài nào đó. Seminar văn học đặc biệt chú trọng vào việc đọc hiểu tác phẩm.

Ví dụ: Seminar của ĐH Kansai năm 2008 quy định:

-                     Văn học Thượng đại: đọc Vạn diệp tập (bằng cổ ngữ)

-                     Văn học trung cổ: đọc Truyện Genji, và thi văn tập của Tsuraiyuki

-                     Văn học trung thế: đọc tập lý luận về kịch nô Phong tư hoa truyện Truyền thuyết Phật giáo

-                     Văn học cận thế: đọc thơ haikai và tiểu thuyết cận thế

-                     Văn học cận hiện đại: chọn ra đọc khoảng 4 tác giả và một số bài phê bình.(2)

Mục đích của seminar được ghi rõ:

-                     Đối với văn học cổ điển: “Để cảm thụ tác phẩm văn học cổ điển tương tự như văn học hiện đại cần phải hiểu ngôn ngữ, tập tục sinh hoạt, tư tưởng của thời đại đã sản sinh ra tác phẩm ấy.  Seminar văn học cổ điển là học cách hiểu sâu sắc tác phẩm ấy, trong đó có cả việc  tập dùng tư liệu và từ điển cổ”.

-                     Đối với văn học hiện đại: “Seminar văn học hiện đại là gì? Việc nghiên cứu một tác phẩm văn học hiện đại ở đại học khác thế nào với việc học ở phổ thông? Đó là việc SV phải trình bày lại tác phẩm theo cách hiểu của mình cho thầy và bạn nghe. Đọc hiểu được tác phẩm, suy nghĩ, tìm tòi một cách sâu sắc về nó quả là một việc không đơn giản. Thông qua việc phát biểu suy nghĩ của mình về tác phẩm ấy mà vẻ đẹp khác nhau của tác phẩm được phát lộ. Và qua đó mới hiểu rằng người ta cảm thụ tác phẩm rất khác nhau.”(4)

Như vậy so với cách học của chúng ta hiện nay có thể thấy rằng: chúng ta chú ý nhiều đến lý luận, đến bình giảng mà ít chú ý đến đọc hiểu văn bản. Seminar của chúng ta chỉ là một buổi thảo luận giữa môn học, nhiều khi làm khá chiếu lệ. Chúng ta lên lớp nhiều mà việc tự học của SV lại ít được chú trọng, nhiều sinh viên không có khả năng đọc hiểu được văn bản nhất là văn học cổ điển, thậm chí nhiều SV không đọc tác phẩm mà chỉ đọc tóm tắt hay chép lại giáo trình.. Vì vậy chúng ta có thể giảm môn học lý thuyết mà đưa vào chương trình những giờ seminar để tăng cường tích tích cực, chủ động, khả năng tự học của SV (ở Đại học Musashino chẳng hạn: năm 1 có 1 seminar, năm 2 có 9, năm 3 có 13).

2.3. Trong cơ cấu chương trình văn học Nhật Bản, kể cả chương trình học chung năm thứ nhất, không có các môn ngoại ngữ, giáo dục thể chất (SV tự tích lũy) và một số môn học bắt buộc khác nữa. Chương trình của họ có vẻ tinh gọn, thiết thực, ngay cả các môn chung cũng hướng đến đào tạo những thanh niên Nhật Bản có hiểu biết, năng động, có tính quốc tế hóa cao. Chúng ta vẫn nặng về từ chương, lý thuyết chay, quan điểm biệt lập, thậm chí không ít môn là “dạy giả, học giả”. Chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có những quyết sách có tầm vĩ mô để hiện đại hóa, quốc tế hóa chương trình đại học.

2.4. Trong chương trình Văn Nhật Bản, những môn tự chọn khá nhiều, tính định hướng nghề nghiệp cũng khá rõ. Các khóa trình (course) ở mục 1.4.4 và 1.4.5 ở trên thể hiện rõ việc chuẩn bị cho nghề nghiệp ở mục 1.5. ở trên. Như vậy SV Khoa Văn học và Ngôn ngữ chúng ta cũng cần phải triệt để hơn nữa trong việc dạy các khóa trình hướng nghiệp theo 4 hướng sau đậy:

- Hướng nghiên cứu và giảng dạy văn học

- Hướng phê bình và sáng tác văn học nghệ thuật

- Hướng báo chí và xuất bản

- Hướng dịch vụ, văn phòng.

2.5. Trong chương trình Khoa Ngôn ngữ - Văn học Nhật Bản của Đại học Musashino có có môn sáng tác nghệ thuật, trong đó họ dạy về: Văn học nhi đồng; Công tác biên tập và xuất bản; Sáng tác và thưởng thức tiểu thuyết; Sáng tác và thưởng thức văn học nhi đồng; Sáng tác và thưởng thức thơ ca .v.v. để cho SV hiểu rõ hơn công việc bếp núc của nhà văn để làm tốt hơn công việc biên tập, xuất bản, phê bình văn nghệ trên báo chí, và những ai có tài có thể trở thành nhà văn.

Vì vậy tôi đề nghị Khoa Văn học và Ngôn ngữ chúng ta cũng nên mạnh dạn tổ chức những môn học thưởng thức và sáng tác tiểu thuyết, thơ ca, và các loại hình văn nghệ khác. Bước đầu Khoa có thể mời các nhà văn cộng tác, sau đó sẽ nhận nhà văn về Khoa làm giảng viên chính thức.


CHÚ THÍCH

(1)                Trang web Đại học Sophia: http://www.sophia.ac.jp

(2)                Trang web Đại học Kansai (Khoa Quốc ngữ - Quốc văn): http://www2.ipcku.kansai-u.ac.jp/~uranishi/index.html

(3)                Trang web Đại học Musashino (Khoa Ngôn ngữ - Văn học Nhật Bản): http://www.musashino-u.ac.jp/ao_general/university/japanese_language_literature/curriculum.html

(4)                Trang web Đại học Bunkyo (Khoa Ngôn ngữ - Văn học Nhật Bản): http://www.bunkyo.ac.jp/faculty/bungaku/nichibun/contents/curriculum.html

 

PHỤ LỤC

1. CHƯƠNG TRÌNH VĂN ĐẠI HỌC NIHON

日本大学

http://syllabus.chs.nihon-u.ac.jp/kougi/ug_index.html

 

1.      Nghiên cứu đề tài (Phương pháp chọn đề tài và thao tác nghiên cứu)

2.      Nhập môn văn học Nhật Bản

3.      Khái quát lịch sử văn học Nhật Bản

4.      Seminar Cơ sở văn học Nhật Bản 1, 2

5.      Hán văn 1, 2

6.      Văn học Thượng đại NB

7.      Văn học Trung cổ NB

8.      Văn học Trung thế NB

9.      Văn học Cận thế NB

10. Văn học Cận đại NB

11. Văn học Hiện đại NB

12. Thư pháp 1, 2, 3, 4

13. Lịch sử thơ ca NB

14. Bàn về văn hoá và lịch sử tuồng Nô

15. Truyện tranh và văn học thiếu nhi

16. Văn hoá, văn học đại chúng

17. Thư tịch học

18. Đọc tư liệu tham khảo

19. Phương pháp khảo sát tư liệu 1, 2

20. Xử lý thông tin tư liệu

21. Phưong pháp nghiên cứu phê bình 1, 2, 3, 4, 5

22. Nghiên cứu chữ viết cổ 1, 2

23. Phương pháp nghiên cứu thực địa 1, 2

24. Phương pháp sáng tác

25. Báo chí và biên tập

26. Seminar sáng tác 1, 2

27. Seminar giảng dạy văn học NB

28. Quảng cáo

29. Thuật hùng biện

30. Seminar nghiên cúư 1, 2, 3, 4

CHƯƠNG TRÌNH CAO HỌC VĂN HỌC ĐẠI HỌC NIHON

1.      Văn học cổ điển NB 1, 2, 3, 4

2.      Văn học cận đại NB 1, 2, 3

3.      Giảng dạy văn học NB 1, 2

4.      Hán văn 1, 2

5.      Nghiên cứ văn học cổ điển 1, 2, 3, 4, 5, 6

6.      Nghiên cứu văn học cận đại 1, 2

7.      Nghiên cứ đặc trưng văn học NB 1, 2

8.      Seminar văn học cổ điển 1, 2, 3, 4, 5, 6

9.      Seminar văn học cận đại 1, 2

10. Seminar văn học NB 1, 2, 3, 4

 

2. CHƯƠNG TRÌNH VĂN ĐẠI HỌC MUSASHINO

武蔵野大学

http://www.musashino-u.ac.jp/ao_general/university/japanese_language_literature/curriculum.html

 

Năm thứ nhất

1.      Seminar Cơ sở văn học Nhật Bản

2.      Văn học Cổ đại NB

3.      Văn học Trung cổ NB

4.      Văn học Trung thế NB

5.      Văn học Cận thế NB

6.      Văn học Cận đại NB

7.      Văn học Hiện đại NB

8.      Hán văn

9.      Nghiên cúư Kịch

10. Dân tục học

11. Cơ sở thư pháp

12. Cơ sở sáng tác

13. Tình hình Nhật Bản

Năm thứ hai

1.      Seminar nghiên cứu văn học Nhật Bản (cổ đại)

2.      Seminar nghiên cứu văn học Nhật Bản (trung cổ)

3.      Seminar nghiên cứu văn học Nhật Bản (trung thế)

4.      Seminar nghiên cứu văn học Nhật Bản (cận thế)

5.      Seminar nghiên cứu văn học Nhật Bản (cận-hiện đại)

6.      Seminar Hán văn

7.      Seminar nghiên cứu thư pháp

8.      Seminar nghiên cứu văn hoá truyền thống

9.      Seminar tiếng Nhật và giảng dạy tiếng Nhật

Khoá trình văn học Nhật Bản (từ 10 - 17) - tự chọn

10. Nghiên cứu văn học cổ đại

11. Nghiên cứu văn học trung cổ

12. Nghiên cứu văn học trung thế

13. Nghiên cứu văn học cận thế

14. Nghiên cứu văn học cận đại

15. Nghiên cứu văn học hiện đại

16. Nghiên cứu văn học chữ Hán

17. Lịch sử văn học Nhật Bản

Khoá trình văn hoá truyền thống (từ 18 - 24) - tự chọn

18. Nghiên cứu văn hoá truyền thống

19. Nghiên cứu dân tục học

20. Ứng dụng thư pháp

21. Luận về văn hoá truyền thống

22. Lịch sử thư pháp

23. Bàn về thư pháp và thưởng thức thư pháp

24. Nghiên cứu thư pháp

Khoá trình giảng dạy tiếng Nhật (từ 25) - tự chọn

25. Ngữ pháp tiếng Nhật

26. Phương pháp giảng dạy tiếng Nhật

27. Tiếp xúc văn hoá

28. Truyền thông đại chúng trong không gian đa văn hoá

29. Ngôn ngữ học

30. Seminar thực tập giảng dạy tiếng Nhật

31. Seminar giảng dạy tiếng Nhật

32. Lịch sử tiếng Nhật

Năm thứ ba

33. Seminar nghiên cứu văn học Nhật Bản (cổ đại)

34. Seminar nghiên cứu văn học Nhật Bản (trung cổ)

35. Seminar nghiên cứu văn học Nhật Bản (trung thế)

36. Seminar nghiên cứu văn học Nhật Bản (cận thế)

37. Seminar nghiên cứu văn học Nhật Bản (cận-hiện đại)

38. Seminar văn học chữ Hán Nhật Bản

39. Seminar Nghiên cứu văn hoá truyền thống

40. Seminar nghiên cứu văn hoá Nhật Bản

41. Seminar tiếng Nhật và việc giảng dạy tiếng Nhật

42. Seminar sáng tác văn nghệ

43. Seminar phương pháp sư phạm

44. Seminar nghiên cứu thư pháp

45. Seminar nghiên cứu Nhật Bản

Khoá trình văn học Nhật Bản (từ 46 - 53) - tự chọn

46. Luận về văn học cổ đại

47. Luận về văn học trung cổ

48. Luận về văn học trung thế

49. Luận về văn học cận thế

50. Luận về văn học cận đại

51. Luận về văn học hiện đại

52. Nghiên cứu văn học chữ Hán

53. Lịch sử văn học Nhật Bản

Khoá trình giảng dạy tiếng Nhật (từ 54-55) - tự chọn

54. Bàn về nghề dạy tiếng Nhật

55. Ngôn ngữ học tâm lý

Năm thứ tư

56. Seminar tốt nghiệp

57. Luận văn tốt nghiệp

Khoá trình tự chọn   

Năm thứ hai

Khoá trình sáng tác văn nghệ

58. Văn học thiếu nhi

59. Biên tập- xuất bản

60. Sáng tác và thưởng thức tiểu thuyết

61. Sáng tác và thưởng thức

62. Sáng tác và thưởng thức văn học thiếu nhi

Khoá trình phương pháp sư phạm

63. Phưong pháp giảng dạy văn hiện đại

64. Phưong pháp giảng dạy văn cổ điển

65. Phưong pháp giảng dạy Hán văn

Năm thứ ba

66. Sáng tác và thưởng thức thơ ca

67. Sáng tác và thưởng thức tanka

68. Sáng tác và thưởng thức haikai

Năm thứ tư

69. Nghiên cứu đặc trưng sáng tác

Các môn chung (năm thứ nhất, hai, ba - tự chọn)

Ngoại ngữ

70. Anh, Trung, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hàn quốc

Các môn xã hội nhân văn

71. Nghĩ về cách sống của phụ nữ

72. Nghệ thuật (thực hành)

73. Mở rộng tầm nhìn quốc tế

74. Môi trường trái đất

75. Sức khoẻ và phúc lợi

76. Sự phát triển của phương tiện nghe nhìn

77. Tự nhiên khó hiểu

78. Gia đình và xã hội hiện đại

79. Tôn giáo và văn hoá

80. Tìm hiểu bản thân

81. Nghĩ về người Nhật

82. Nghĩ về văn hoá Nhật

83. Mỹ học đời sống

84. Tư tưởng và văn hoá hiện đại

85. Con người và sự tiến bộ của khoa học tuổi thọ

86. Lịch sử khoa học

87. Nghĩ về lịch sử Đông Á

88. Giới thiệu văn hoá Nhật Bản

89. Lịch sử khoa học

90. Con người và xã hội

91. Lịch sử tôn giáo

92. Quyền con người và cuộc sống hiện đại

93. Lịch sử Phật giáo

94. Nghĩ về đời sống cộng đồng

Thể dục

Tham quan thực tế (Khái quát về Phật giáo)

 



* PGS. Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và NV TP.HCM

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website