Một vài suy nghĩ về việc dạy môn văn học nước ngoài ở đại học

In bài này

Trong mấy trang viết của bài tham luận này, tôi muốn đặt lại vấn đề về việc thiết kế chương trình văn học nước ngoài được giảng dạy ở trường đại học và một vài khía cạnh có liên quan tới môn học. Trong những vấn đề được đề cập, có những vấn đề có tính chất nguyên lí được nhắc lại, có những vấn đề hoàn toàn thuộc suy nghĩ có tính chất cá nhân của người viết.

1. Về mục tiêu của chương trình văn học nước ngoài.

Sẽ là không đầy đủ nếu coi việc giới thiệu những tri thức về lịch sử văn học nước ngoài một cách cơ bản và hệ thống là mục tiêu duy nhất. Một mục tiêu khác không thể không hướng tới: từ cung cấp những hiểu biết về văn học nước ngoài, nội dung môn học gián tiếp hình thành ở người học một ý thức đầy đủ, đúng đắn về văn học Việt Nam, để từ đó có trách nhiệm hơn đối với văn học dân tộc. Môn văn học nước ngoài rất cần thiết đạt tới “mục tiêu kép” ấy.

2. Về nguyên tắc thiết kế chương trình.

Theo tôi, có một số nguyên tắc cần tính đến và thực hiện một cách nhất quán:

-  Tính toàn điện, cơ bản và hệ thống. Khái niệm “văn học nước ngoài” được hiểu là rất gần với “văn học thế giới” . Vì vậy, nhiệm vụ môn học là hình thành ở người học nhận thức tổng thể về bức tranh văn học thế giới thông qua các đỉnh cao văn học (nền văn học, các trào lưu, khuynh hướng, tác gia văn học…), và những bước đi cơ bản của văn học nhân loại.

-  Tôn trọng nguyên tắc chương trình khung, nhưng phải có màu sắc riêng biệt. Điều này là hết sức cần thiết, thể hiện tính tự chủ trong trong thiết kế các đơn vị tri thức và cung cấp tri thức văn học nước ngoài cho người học ở một trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu phía Nam.

3. Một số khía cạnh cụ thể để thực hiện mục tiêu môn học.

3.1. Cần có cái nhìn tổng quát về văn học thế giới.

Một hình dung về bức tranh văn học thế giới sẽ không thể đầy đủ, toàn diện nếu chương trình văn học nước ngoài chỉ dừng lại ở việc giới thiệu một số nền văn học tiêu biểu và một vài vùng văn học. Lí do đơn giản ở đây là: văn học thế giới không phải, và không thể chỉ là sự cộng lại của một số nền và vùng văn học (cho dù đó là những nền văn học hàng đầu). Để khắc phục cái nhìn phiến diện, cần thiết phải cung cấp cho người học một cái nhìn tổng thể về văn học thế giới ở một số phương diện sau:

3.1.1. Nhìn văn học thế giới theo trục không gian. Với cách nhìn này, văn học thế giới là sự thống nhất từ nhiều vùng văn học đặc thù. Sự phân vùng cụ thể sẽ cho phép người học nhìn một cách “trực quan” hơn về bản đồ văn học, ở đó có những vùng văn học được định danh, gắn với những vùng địa – lịch sử – văn hóa với nhiều yếu tố gần gũi, tương đồng như văn tự, tư tưởng tôn giáo, cấu trúc mô hình xã hội…

3.1.2. Nhìn văn học thế giới theo trục thời gian. Văn học thế giới dưới góc nhìn này nổi lên một số vấn đề hết sức phổ biến, liên quan tới sự phát triển của văn học:

-  Từ những góc nhìn khác nhau (góc nhìn kiểu sáng tác, góc nhìn lịch sử – xã hội…), quá trình phát triển của văn học nhân loại tuy vẫn có những ngoại lệ (văn học thời đại Phục hưng như sản phẩm văn hóa riêng biệt của các nền văn học phương Tây, lịch sử văn học Mỹ không đi qua thời đại văn học trung đại vì người Mỹ khởi đầu xây dựng nền văn học dân tộc dựa trên thành tựu và kinh nghiệm của văn học châu Âu…) nhưng quá trình ấy mang tính qui luật hết sức rõ rệt.

-  Trong quá trình lịch sử văn học các dân tộc, nhu cầu tự thân của mỗi nền văn học là điều đương nhiên, nhưng những tương tác, giao thoa về văn hóa, dẫn đến những tương tác, giao thoa về văn học là một hiện tượng phổ biến. Hiện tượng này là hệ quả của nhiều yếu tố: quá trình di dân (sự di cư con người và văn hóa Anh và châu Âu tới Tân lục địa), chiến tranh tôn giáo, sự xâm chiếm thuộc địa (những cuộc thập tự chinh từ 1098 – 1270 của người châu Âu về phương Đông, chiến tranh Pháp _ Ý nửa đầu thế kỉ XVI…), sự mở mang biên giới của các tôn giáo lớn… Những thực tế lịch sử và tinh thần ấy là nhân tố hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy những sự dịch chuyển nhiều mô hình văn học giữa các nền văn học trong một vùng văn hóa, hoặc giữa các vùng văn hóa khác nhau. Và những hiện tượng văn học ấy trở thành một phần trong quá trình kiến tạo văn học thế giới.

-  Tính phổ biến của cấu trúc vừa song song, vừa giao thoa giữa hai mạch (dòng) văn hóa – văn học của các nền văn học trong quá trình phát triển: văn hóa – văn học chính thống – tinh thần và văn hóa – văn học phi chính thống, thông tục. Sự hoán chuyển tương quan giữa hai dòng (mạch) văn hóa – văn học ấy cũng phản ánh bước đi của các nền văn học…

            Những hiện tượng phổ biến trên đây, theo tôi, là những phần tri thức không thể không đề cập trong chương trình văn học nước ngoài để hình ảnh văn học thế giới hiện ra rõ rệt hơn. Và như thế, để đạt mục tiêu môn học, khung chương trình hiện hành thực sư đã trở nên quá chật chội.

3.2. Nên chăng, chuyển từ dạy các nền văn học thành các vùng văn học?

Thực ra, chương trình văn học nước ngoài đang thực hiện không phải không giới thiệu các vùng văn học (văn học Trung cận đông, văn học các nước Đông Nam Á) bên cạnh việc giới thiệu lịch sử một số nền văn học lớn (văn học Trung quốc, văn học Pháp, văn học Nga, văn học Mỹ..). Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tính chưa nhất quán của chương trình; và điều quan trọng hơn, đằng sau chương trình ấy chưa hiện diện rõ ràng một triết lí cho môn học, và tính mục tiêu của nó chủ yếu gắn liền với các phân môn cụ thể, chứ chưa phải mục tiêu của toàn bộ môn học.

Vì sao cần thiết sự thay đổi này?

Trước hết, đó là tính chưa phù hợp của chương trình. Một thực tế rất dễ thấy, đó là tình trạng “vừa thừa vừa thiếu” của nội dung môn học. Hiện có một vấn đề chúng ta không giải được, đó là mâu thuẫn giữa ý muốn cung cấp một tri thức phong phú về văn học nước ngoài thông qua các đỉnh cao văn học qua các thời đại, và một bên bị giới hạn trong khuôn khổ sự giới thiệu một số nền văn học. Trong khi chúng ta đưa lại một khối lượng tri thức khá tỉ mỉ về văn học Trung quốc, văn học Pháp, văn học Anh…, thì lại có những hiện tượng văn học khác, dù đó là những hiện tượng văn học hàng đầu của các thời đại, lại bị nằm ngoài nội dung môn học (Cervantes của Tây Ban Nha, hay Franz Kafka của Cộng hòa Sec, thậm chí cả một nền văn học không kém truyền thống và có những đỉnh cao như văn học Thổ Nhĩ Kỳ với những Azit Nexin, Omahn Pamuk…). Chắc chắn không ai muốn có tình trạng ấy, nhưng không thể khác được. Và như vậy, muốn những hiện tượng văn học ấy trở thành đối tượng nghiên cứu một cách chính thức, việc giới thiệu văn học theo những không gian văn học lớn hơn là hết sức cần thiết.

Thứ hai, mỗi nền văn học trong quá trình tiến hoá luôn chịu tác động và bị điều kiện hóa bởi khuôn khổ văn hóa vùng (đặc biệt văn học trung đại trở về trước). Ta có thể tìm thấy những nét gần gũi, tương đồng giữa các nền văn học Đông và Đông Bắc Á (Trung quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam) của khu vực văn hóa Hán tự và Nho giáo cũng như các nền văn học phương Tây (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…) của khu vực văn hóa Gréco – latin và Ki-tô giáo, hay văn học của các quốc gia Mỹ la-tinh và vùng vịnh Caribé được bao trùm bởi khí quyển văn hóa của ba nền văn minh Azteca, Inca và Maya… Hơn nữa, khởi thuỷ của sự kiến tạo văn hóa dường như bắt đầu từ văn hóa vùng trước khi văn hóa dân tộc được định hình và khẳng định (gắn với việc lãnh thổ được xác định và ý thức về dân tộc được hình thành). Vậy nên, việc thiết kế chương trình văn học nước ngoài theo vùng tỏ ra hợp lí hơn trong việc làm sáng tỏ nhận thức: văn học thế giới là sự thống nhất từ các vùng văn học đặc thù. Và theo tinh thần ấy, ta khả thi hình dung một số vùng văn học tiêu biểu (chưa có định danh chính thức): văn học Đông Bắc Á (Trung quốc và Triều Tiên, Nhật Bản), văn học Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, văn học các quốc gia phương Tây, văn học Đông Âu (Nga và vùng vịnh Balcan), văn học Bắc Âu (vùng vịnh Scandinavie), văn học Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và các quốc gia Bắc và Trung Mỹ như Canada, Mexicõ), văn học các quốc gia Mỹ la-tin… Cũng phải nói thêm rằng: sự phân vùng văn học ở đây không bao hàm nhiều ý nghĩa địa lí, mà là sự kết hợp địa-lịch sử- văn hóa, trong đó văn hóa là yếu tố quan trọng nhất. Thêm nữa, sự phân vùng văn học trên đây vẫn đảm bảo nguyên tắc sự quan tâm đúng mức tới những nền văn học lớn, có truyền thống, và nhất là những nền văn học mang hình ảnh đối tác văn học của văn học Việt Nam (văn học Trung quốc, văn học Pháp, văn học Nga, văn học Mỹ…).

3.3. Lịch sử văn học không phải bảng thống kê có tính biên niên các sự kiện văn học.

Văn học phong phú, đa dạng và cũng phức tạp. Nhưng không phải tất cả các hiện tượng văn học đều thuộc về lịch sử văn học, mà ở đây cái được trở thành lịch sử văn học phải mang tính lựa chọn. Tương tự, dạy lịch sử văn học xét đến cùng là dạy những đỉnh cao văn học (của thời đại, của phong cách, của nền văn học…), và những nhà văn được lựa chọn phải là:

- Những tác gia có văn nghiệp đồ sộ, giá trị các sáng tác văn học đã được khẳng định qua thời gian và được người đọc từ nhiều nền văn hóa khác nhau thừa nhận và ngưỡng mộ.

- Đặc biệt, đó là những nhà văn mà quan điểm sáng tác và thực tiễn sáng tác chưa đựng những yếu tố có tính đột biến, có tác động làm thay đổi thẩm mĩ hiện có để hình thành thẩm mĩ mới cho cả một thế hệ, một thời đại văn học, tức là những nhà văn nằm ở vị trí thúc đẩy quá trình tiến hóa văn học. Qui luật phát triển văn học vừa là liên tục, vừa có những đột biến. Để nhìn văn học trong sự chuyển động của nó, lịch sử văn học không thể không ghi nhận những hiện tượng văn học ấy.

Trên đây là một vài suy nghĩ nhỏ về chương trình và việc giảng dạy môn văn học nước ngoài ở trường đại học. Người viết cũng ý thức được rằng những suy nghĩ (hay kiến nghị) trong tham luận này có được hiện thực hóa hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chấp nhận thay đổi, vào mức độ sẵn sàng cho việc bao quát những không gian văn học lớn hơn, vào mức độ quyền tự chủ trong thiết kế và điều hành tri thức môn học…, nhưng vì đó là những ấp ủ, nên không thể không đề cập.

 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20.02.2008