"Chiến tranh và hòa bình" của Lev Tolstoy: những nhận định và những vấn đề đặt ra tại Việt Nam

In bài này

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Thị Phương Phương dịch

 

Chỉ sau khi hòa bình lập lại tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1954, trên miền Bắc đất nước mới xuất hiện những điều kiện để làm quen với văn học cổ điển Nga một cách có hệ thống[1], đồng thời thực sự xuất hiện nhu cầu nắm bắt những giá trị của nền văn học ấy, lĩnh hội những kinh nghiệm của các nhà văn Nga trong việc tìm hiểu cuộc sống và những triển vọng lịch sử của dân tộc mình và của toàn nhân loại. Câu chuyện Nguyễn Đình Thi đã đọc "Chiến tranh và hòabình" khi chiến tranh sắp kết thúc thật nhiều ý nghĩa: trong thời gian ghé về Hà Nội đang bị Pháp chiếm đóng năm 1954, một lần đi trên phố, ông trông thấy người ta bán bản dịch tiếng Pháp của bộ tiểu thuyết và đã mua nó. "Sau đó tôi trở lên rừng, - Nguyễn Đình Thi kể với tôi, - và đọc "Chiến tranh và hòa bình" trong căn nhà tranh bên dòng suối róch rách. Nó làm tôi xúc động mạnh. Trong cuốn tiểu thuyết của Tolstoy, biện chứng tâm hồn đã hòa nhập với triết lý, với sự vận động của lịch sử, và trong sự hòa hợp đó kết tinh rất nhiều vấn đề trọng yếu của thế kỷ chúng ta".

 

Trong những điều kiện của cuộc sống hòa bình, ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới bắt đầu công cuộc khám phá, lĩnh hội di sản văn hóa dân tộc, điều mà thời thuộc địa bị ruồng bỏ do chính sách đồng hóa của thực dân ở Việt Nam. Ví dụ như dưới chế độ thực dân, các học sinh Việt Nam bị buộc phải nghêu ngao: "Tổ tiên chúng ta là người Gallois". Phải đến cuối những năm 50 - đầu những năm 60 mới xuất hiện những bộ hợp tuyển lớn về văn học viết, văn học dân gian Việt Nam, và những công trình nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam.

 

Trong xu hướng chung đó đã diễn ra quá trình tiếp xúc với văn học Nga. Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân (1910 - 1987) đã từng nói vào năm 1960: "Nếu như chúng ta so sánh văn học Nga với cái rừng cây đại thụ, thì những đỉnh cao nhất là các nhà văn cổ điển thế kỷ 19. Và hôm nay, khi chiêm ngưỡng chúng từ xa, ta cảm thấy một tình yêu và sự kính trọng vô biên đối với họ"[2]

 

Dần dần càng có nhiều công trình nghiên cứu, dịch và giới thiệu văn học cổ điển Nga, hình thành hẳn ngành Nga học của Việt Nam với lực lượng ngày càng đông đảo những sinh viên đã tốt nghiệp, những tiến sĩ, phó tiến sĩ đã bảo vệ luận án ở các trường đại học và các viện nghiên cứu của Nga. Tất cả những điều đó chỉ bắt đầu từ cuối những năm 50 - đầu những năm 60.

 

Bộ giáo trình lịch sử văn học Nga năm tập của Hoàng Xuân Nhị được xuất bản: một trong năm tập đó ra đời năm 1962 dành viết về L.Tolstoy và A.Chekhov[3]. Có thể nói Hoàng Xuân Nhị là người đầu tiên bằng ngôn ngữ Việt viết một chuyên luận nhỏ về Tolstoy với sự trình bày khá cụ thể và có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Về sau, những giáo trình khác về lịch sử văn học Nga thế kỷ 19 dành cho các trường đại học tiếp tục ra đời.

 

Hoàng Xuân Nhị sau khi phân tích ngắn gọn các tác phẩm "Thời thơ ấu", "Thời niên thiếu", "Tuổi trẻ", "Những truyện Savastopol", "Buổi sáng của một trang chủ" và "Những người cô dắc" đã tập trung vào ba tiểu thuyết của Tolstoy, mà trung tâm là sử thi "Chiến tranh và hòa bình". Phần phân tích "Chiến tranh và hòa bình" chiếm một phần lớn cuốn sách[4].

 

Khác với các nhà nghiên cứu và dịch thuật ở Sài Gòn, các nhà văn và nhà nghiên cứu ở Miền Bắc Việt Nam đặc biệt quan tâm đến sáng tạo của Tolstoy trong mối liên hệ với phong trào giải phóng. Cuộc đấu tranh chống thực dân ở Việt Nam  đã khơi dậy tinh thần yêu nước, nhờ đó mà độc giả Việt Nam trở nên gần gũi và hiểu được cảm hứng chủ đạo của "Chiến tranh và hòa  bình". Xuất phát từ bản tính yêu hòa bình của người Việt Nam - một xứ sở nông nghiệp, Nguyễn Tuân khi nói về "Chiến tranh và hòa bình" đã khẳng định rằng "chưa từng có một bản cáo trạng chiến tranh nào rộng lớn bao quát như thế"[5]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hà khi đó cũng viết về bộ tiểu thuyết: "Tolstoy mô tả chiến tranh với bộ mặt đích thực của nó"[6]. Các nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam đã nắm bắt được tinh thần chống chiến tranh, chống chủ nghĩa quân phiệt trong bộ tiểu thuyết sử thi của Tolstoy.

 

Độc giả Việt Nam còn quan tâm đến "Chiến tranh và hòa bình" ở một khía cạnh khác nữa: đó là một bộ sử thi về cuộc kháng chiến đầy khó khăn gian khổ, nhưng cuối cùng đã chiến thắng của nhân dân Nga chống lại cuộc xâm lược của quân đội Napoléon. Ngay từ năm 1922, trong bài ký sự đầu tiên của mình "Paris", Hồ Chí Minh đã phê phán gay gắt Napoléon như một kẻ xâm lược dã man. Năm 1954 cùng với thất bại của quân đội viễn chinh Pháp, cuộc kháng chiến chống thực dân của nhân dân Việt Nam đã kết thúc, theo Hiệp định Genève, nền độc lập và sự thống nhất của Việt Nam đã được thế giới công nhận. Cũng như những người Nga sau năm 1812, người Việt Nam cảm thấy mình là những người chiến thắng người Pháp, bởi thế "Chiến tranh và hòa bình" càng trở nên có sức hấp dẫn.

 

Hoàng Xuân Nhị nhấn mạnh, rằng đó là "tiểu thuyết sử thi hiện thực đầu tiên trên thế giới đã ca ngợi nhân dân Nga, ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, sức mạnh vô địch và tài năng của nhân dân Nga, là tác phẩm được xem là một trong những đỉnh cao nhất trong văn học thế giới". "Ý tưởng nhân dân" được nhà nghiên cứu coi là quan trọng nhất. Ông hết sức quan tâm đến việc mô tả các nhân vật lịch sử - Kutuzov, "vị tướng quân chân chính của cuộc chiến tranh nhân dân", con người "căm thù tất cả những gì phô trương giả dối"[7], và Napoléon, nhân vật đối lập với Kutuzov. Hình tượng Napoléon rất quan trọng đối với các nhà văn Việt Nam như một hình tượng "hiện thực đa diện, sống động"[8], là kinh nghiệm mô tả "kẻ thù dân tộc" không phải một chiều, phiến diện, mà một cách toàn diện, phong phú.[9]

 

Những  đổi thay cơ bản diễn ra tại Việt Nam khi đó, đặc biệt là cuộc cải cách ruộng đất đã khiến các nhà nghiên cứu quan tâm đến những vấn đề, những mâu thuẫn xã hội. Cách tiếp cận đó còn tiếp tục về sau. Nhà Nga học Nguyễn Kim Đính vào năm 1978 đã nhấn mạnh, rằng Tolstoy "không giống như một nhà quý tộc thương hại người nông dân đói khổ và bất hạnh. Không! Đó là sự tôn trọng và tình yêu chân thành, là quan niệm thẩm mỹ từ trong đau khổ".[10] Hoàng Xuân Nhị trong chương viết về "Chiến tranh và hòa bình" đã dành hẳn một chương "Vấn đề nông dân trong "Chiến tranh và hòa bình" và những mâu thuẫn trong thế giới quan của Tolstoy", trong đó ông chú ý đến tính chất gay gắt của vấn đề nông dân ở Nga trong những năm 60 thế kỷ trước, phân tích đoạn Nicolai Rostov dẹp cuộc nổi loạn của nông dân thôn Bogucharov và đặc biệt xem xét chi tiết hình tượng Platon Karataev, nhìn thấy ở nhân vật này "thái độ thờ ơ đối với những sự kiện vĩ đại làm lay chuyển đất nước", sự chấp nhận số phận một cách mù quáng, sự cam chịu và thụ động. "Những nét gia trưởng bảo thủ đó của nông dân  là một trong những nguyên nhân cản trở phong trào giải phóng, phong trào dân chủ ở Nga".[11]

 

Vào đầu những năm 60 thế kỷ XX, trong văn học Việt Nam hình thành thể loại tiểu thuyết bộ hai, bộ ba, với mong muốn phản ánh những thay đổi to lớn đang diễn ra trong đời sống xã hội và con người trong mối liên quan với những biến động lịch sử, và mối quan tâm đến những tiểu thuyết của Tolstoy càng thể hiện rõ.

 

Sự quan tâm đến bộ tiểu thuyết sử thi của Tolstoy đồng thời còn do việc chú trọng đến vấn đề phương pháp sáng tác[12], cũng như mối quan tâm đến việc nâng cao trình độ nghệ thuật của văn học Việt Nam. "Nhiều người trong giới văn của chúng ta thích bàn về chất lượng của tác phẩm và thường dùng danh từ "đỉnh", Nguyễn Tuân viết vào năm 1960[13]. Và ông bổ sung: "Về điều này tôi xin được kể đôi lời về một đỉnh cao vươn lên giữa những đám mây năm sắc màu trên bản đồ văn học thế giới"[14]. Bởi vì vào thời bấy giờ vai trò của hư cấu nghệ thuật thường bị hạ thấp để đề cao sự mô tả chân thực, Nguyễn Tuân nhấn mạnh: "Chiến tranh và hòa bình" là một tiểu thuyết lớn dựa trên một hiện thực lịch sử. Chỗ dựa vẫn là chỗ dựa, nhưng Tolstoy còn có trí tưởng tượng hoạt động căng thẳng hết mức, đó là điều cần thiết đối với mỗi nhà văn, đặc biệt là nhà tiểu thuyết và nhất là khi nhà tiểu thuyết đó lại là Tolstoy. Đối với thiên tài Tolstoy hiện thực lịch sử là cần thiết, nhưng lịch sử chỉ làbàn đạp cho công việc khổng lồ của trí tưởng tượng nhà văn"[15].

 

Năm 1960 ở Hà Nội, tạp chí Văn Nghệ số mười một đã in trích đoạn từ "Chiến tranh và hòa bình" ("Napoléon trước Moskva"), và đến năm 1961-1962 toàn bộ bản dịch tiểu thuyết được ấn hành. Thời gian đó các bản dịch sang tiếng Việt văn xuôi của Pushkin, "Nhân vật thời đại của chúng ta" của Lermontov cũng đã xuất hiện. Dịch giả văn xuôi Pushkin Cao Xuân Hạo, người được trao giải thưởng Văn Học (giải thưởng văn học cao nhất thời bấy giờ) vào năm 1986, đã cùng với Hoàng Thiếu Sơn, Nhị Thanh và Trương Xuyên tiến hành dịch sang tiếng Việt bộ tiểu thuyết sử thi của Tolstoy. Bản dịch này được dịch từ nguyên bản tiếng Nga, có tham khảo các bản dịch tiếng Pháp, Anh và Trung Quốc, về sau nó lại được dịch giả Nguyễn Hiến Lê tham khảo. Thấy trước những khó khăn mà độc giả Việt Nam sẽ gặp phải khi đọc những tên riêng của người Nga, lại còn kèm theo tước hiệu công tước, bá tước và những tước hiệu khác ở đằng trước, các dịch giả đã lập "Bảng tên họ các nhân vật chính" với lời giải thích: "Để tiện cho độc giả chúng tôi liệt kê tên các nhân vật chính trong bảng dưới đây, sắp xếp thành nhóm theo gia đình"[16].

 

Trong lời giới thiệu cho bản dịch tiểu thuyết sang tiếng Việt, hai nhân vật chính diện Piere và công tước Andrey, những nhân vật mà "Tolstoy đã dành nhiều tâm huyết để tạo nên"[17], được đánh giá trước hết từ phương diện thái độ của họ đối với nhân dân: "Cả hai đều có sức mạnh tinh thần, có lương tri, họ kiếm tìm lẽ sống và điều đó khiến họ trở nên gần gũi với nhân dân"[18]. Sự đối lập giữa hình tượng Kutuzov với hình tượng Napoléon - "kẻ ấp ủ tham vọng điên cuồng là thiết lập cho mình sự thống trị thế giới"[19] - được hết sức chú trọng. Trong mắt Tolstoy, Napoléon - một kẻ xem quân lính chỉ như một phương tiện để đạt tới mục đích riêng của mình - thật thấp kém ("Họ buộc phải nhảy vào lửa chỉ vì một cái vẫy tay của ông ta"[20], ông ta "tưởng mình là kẻ sáng tạo nên lịch sử "[21]). Trong lời giới thiệu cũng nhấn mạnh rằng Kutuzov thì "giản dị, gần gũi với nhân dân, biết đánh giá con người"[22]. Các tác giả của bài giới thiệu trong khi nhận xét rằng do có cái nhìn định mệnh đối với lịch sử cho nên Tolstoy đã vô tình hạ thấp vai trò của Kutuzov trong các sự kiện của cuộc chiến tranh vệ quốc, cũng đồng thời rất có lý khi nhấn mạnh: "Sự vĩ đại của vị tướng này là ở chỗ mục đích ông đặt ra cho mình đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân, ông là hiện thân của tư tưởng, tình cảm, ý chí của nhân dân"[23].

 

Điều đáng nói là trong những năm dài nhân dân Việt Nam phải gánh chịu những gian khổ chiến tranh, lớp thanh niên Việt Nam quan tâm đến "Chiến tranh và hòa bình" ở khía cạnh "hòa bình" nhiều chừng nào thì ở khía cạnh "chiến tranh" cũng nhiều chừng ấy. Người được yêu thích nhiều hơn không phải là chàng Piere Bezukhov hết sức "thường dân", mà là người trí thức cao thượng trong bộ quân phục Andrey Bolkonsky. Đáp lại sử thi của Tolstoy có những bài thơ đầy xúc cảm (chẳng hạn như bài "Thơ trữ tình về "Chiến tranh và hòa bình"(1978) của nhà thơ nổi tiếng Bế Kiến Quốc (sinh năm 1949) "Tôi đã thấy: những lời Tolstoy cháy rực lên trong bóng tối của rừng") trong đó  kết tinh những tư tưởng và tình cảm của đông đảo bạn đọc:

 

Em yêu, anh sẽ kể em nghe: "Thời niên thiếu

 

anh đã đọc Tolstoy trên sân trường

 

dưới hàng phượng đỏ,

 

và tưởng tượng mình là Andrey

 

ngã mình trên cỏ,

 

dưới bầu trời Austerlits xanh"[24]

 

Như vừa tranh luận với Bế Kiến Quốc, vừa bổ sung thêm cho nhà thơ, nhànghiên cứu văn học Nga Trần Vĩnh Phúc đã viết: "Ở trận Austerlits, Andrey Bolkonsky đã sẵn sàng hy sinh tất cả những gì quý giá nhất - những người thân và chính cuộc sống của bản thân - vì "thần tượng Tulon". Nhưng trong trận Borodino mục đích của chàng đã hoàn toàn khác: bây giờ, ngược lại, vì cái quý giá nhất, vì những người thân, vì nhân dân, vì tổ quốc chàng sẵn sàng hy sinh thân mình"[25].

 

Nguyên lý anh hùng và tất cả những gì gắn với cuộc chiến tranh nhân dân trong "Chiến tranh và hòa bình" đã đặc biệt cuốn hút độc giả và các nhà nghiên cứu Việt Nam. Và điều này thật dễ giải thích. Nhà nghiên cứu văn học, đồng thời là dịch giả Lê Sơn đã viết vào năm 1968, lúc cuộc chiến tranh giải phóng đang hết sức quyết liệt: "Trong bố cục của tiểu thuyết, Kutuzov, đại úy Tushin, anh du kích Tikhon chỉ là những nhân vật phụ. Nhưng nhờ tinh thần yêu nước mãnh liệt, nhờ những hành động anh hùng, nhờ sự giản dị thật quyến rũ mà vị trí của họ trở nên cao hơn so với những nhân vật quý tộc trung tâm tác phẩm, tấm gương của họ tác động đến các nhân vật chính, và do vậy, xét theo quan điểm tư tưởng chủ đạo của tiểu thuyết, họ trở thành những nhân vật chính"[26]. Bên cạnh tính chủ quan dễ nhận thấy, nhận định trên phản ánh rõ ràng những đặc điềm tiếp nhận hàng loạt nhân vật của "Chiến tranh và hòa bình" ở Việt Nam những năm chiến tranh khốc liệt.

 

Nhà thơ nổi tiếng Hoàng Trung Thông đã không cường điệu khi viết rằng trong thời kỳ chiến tranh, người ta đọc các tác phẩm của Tolstoy "trong chiến hào, trong những ngôi làng đổ nát, ở nông thôn lẫn thành thị. Những người lính hành quân trên đường Trường Sơn đã mang theo mình "Chiến tranh và hòa bình", "Phục sinh", "Anna Karenina", những cuốn sách nhàu nát bởi chuyền tay nhau suốt những chặng  đường chiến tranh"[27]. Trong bài thơ "Năm ấy" của Vũ Từ Trang, nhà thơ trở về với những sự kiện năm 1968, khi "lửa đạn cháy trên chiến trường mùa hạ", và kể lại cái không khí tiếp nhận tiểu thuyết sử thi của Tolstoy:

 

Người lính trẻ mở ba lô

 

Giữa đám áo bạc màu, bao gạo, thuốc men

 

Là những cuốn sách đã đọc đến quăn cả góc,

 

Anh muốn đọc to cho đồng đội của mình,

 

Nhưng trăng đã lặn sau những vầng mây

 

Anh bèn kể về những người lính Nga, về những thiếu nữ Nga,

 

Về những điều anh vừa đọc từ trang sách.[28]

 

Trong thời kỳ chiến tranh trong văn học Việt Nam đã hình thành "mỹ học anh hùng", vươn tới sự thể hiện tính cách anh hùng[29]. Từ quan điểm "mỹ học anh hùng" nhà nghiên cứu văn học Trần Vĩnh Phúc đã khảo sát vấn đề chất anh hùng ở Tolstoy (trong bài báo "Lev Tolstoy và chủ nghĩa anh hùng nhân dân", 1978). Ông khẳng định: "Chỉ trong "Chiến tranh và hòa bình" nhà văn mới đạt tới đỉnh cao trong việc mô tả nghệ thuật chủ nghĩa anh hùng của quần chúng nhân dân. Trong tác phẩm này ông đã thâm nhập sâu sắc vào cội nguồn chủ nghĩa anh hùng của quần chúng nhân dân, có tính cách giác ngộ, đồng thời vẫn giữ được diện mạo cá nhân phong phú, sống động"[30]. Khi phân tích vấn đề tính anh hùng, Trần Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến hai khía cạnh: khía cạnh mô tả sức chiến đấu, mà ông rất có lý khi cho rằng là "một trong những thành tựu cao nhất trong việc mô tả nghệ thuật những nét anh hùng của người lính Nga"[31]; và khía cạnh đạo đức. "Ý tưởng cho rằng sự tiếp xúc của cá nhân với cuộc chiến đấu của toàn dân, với chiến thắng của dân tộc là con đường chính hình thành nên chủ nghĩa anh hùng tự giác đã được phát triển và làm phong phú trong tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" - Trần Vĩnh Phúc viết. - "Tác giả đã chỉ ra một cách chắc chắn rằng thời đại anh hùng 1812 đã cuốn hút rất nhiều người tiến bộ ở nước Nga đến với cuộc chiến đấu của toàn dân, đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo tinh thần của họ, định đoạt hành vi của họ theo hướng mới"[32].

 

Trần Vĩnh Phúc xem xét khía cạnh đạo đức trong "Chiến tranh và hòa bình" dưới ánh sáng ý nghĩa chính trị xã hội và lịch sử. Đồng thời cũng xuất hiện vấn đề tìm hiểu kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam thế kỷ XX. "Chủ đề "cây gậy tầy của chiến tranh nhân dân" mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc và ý nghĩa thời sự cấp bách, nó đồng thanh với những phong trào giải phóng và chiến tranh nhân dân ngày nay đang diễn ra trong những điều kiện lịch sử mới, đỉnh cao của xu thế đó là cuộc chiến tranh chống xâm lược mà nhân dân Việt Nam tiến hành trong thế kỷ XX. Và ngược lại, từ đỉnh cao cuộc chiến tranh nhân dân thời kỳ hịên đại này chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa và quy mô của "cơn bão tố năm 1812" trong lịch sử cũng như trong tiểu thuyết của Tolstoy"[33].

 

Vấn đề tính dân tộc lôi cuốn sự chú ý của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn có một quan niệm rộng lớn về tính dân tộc trong văn học, đối với ông tính dân tộc thể hiện không chỉ trong đối tượng mô tả, mà còn ở cách tiếp cận. Hơn nữa, đối với ông thiên tài nghệ thuật không tách rời khỏi phạm trù dân tộc. Trong bài báo "Lev Tolstoy - đại văn hào của nước Nga, con người kỳ diệu của nhân loại" (1978) ông viết: "Có thể nói "Chiến tranh và hòa bình" là nơi thể hiện đậm nét nhất tính dân tộc và thiên tài nghệ thuật của Lev Tolstoy. Tính chất dân tộc và thiên tài nghệ thuật được thể hiện trong chiều rộng và độ đậm của chất hùng ca; trong quy mô của việc trình bày các sự kiện lịch sử, trong việc diễn tả nhiệt tình yêu nước ở các nhân vật chính diện, trong việc khẳng định vai trò vĩ đại của nhân dân xem đó như là sức mạnh quyết định lịch sử. Tính chất dân tộc và thiên tài nghệ thuật cũng được thể hiện trong việc mô tả quân xâm lược, mô tả và phê phán bọn đại biểu của giới quý tộc thượng lưu đắm mình trong cuộc sống ích kỷ, xa hoa, đục ngầu vật chất và không quan tâm gì đến quyền lợi của dân tộc, của tổ quốc"[34]. Trần Trọng Đăng Đàn tìm hiểu biểu hiện của tính dân tộc cả trong triết lý, trong kết cấu hết sức phức tạp của bộ tiểu thuyết, trong những đặc điểm mô tả tâm lý, khắc họa chân dung, mô tả thiên nhiên, trong sự phong phú của ngôn ngữ. Gây nhiều chú ý còn là sự giản dị trong phong cách của Tolstoy, điều từng làm chủ tịch Hồ Chí Minh thán phục. Nhà Nga học nổi tiếng Nguyễn Hải Hà đã viết về vấn đề này: "Sự giản dị trong các tác phẩm của Tolstoy là kết quả của một thành công nghệ thuật đích thực"[35]. Nhà thơ Tế Hanh cũng nói đến chất thi ca đặc biệt của "chiến tranh và hoà bình"[36].

 

Tóm lại, "Chiến tranh và hòa bình"đã gợi lên những ý kiến và nhận định về các vấn đề thời sự trong đời sống xã hội và trong cuộc đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc, đồng thời về các vấn đề thời sự của văn học.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


[1] Về các việc dịch thuật và tiếp nhận các tiểu thuyết của Tolstoy ở miền Nam Việt Nam, xem: N.I.Nikulin. Tác phẩm của Liep Tônxtôi ở Sài Gòn thời tạm chiếm. Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh, số 7, 1991.

[2] Nguyễn Tuân. Tônxtôi. Văn nghệ, 1960, số 11, tr.73.

[3] Hoàng Xuân Nhị. Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, Tônxtôi - Tsêkhốp. Hà Nội, 1962.

[4] Sđd, tr.47-145.

[5] Nguyễn Tuân, bài đã dẫn, tr.80.

[6] Nguyễn Hải Hà. Kỷ niệm 50 năm ngày mất nhà đại văn hào Nga L.Tônxtôi. Nghiên cứu văn học, 1960.

[7] Hoàng Xuân Nhị. Sđd, tr.132.

[8] Như trên, tr.138.

[9] Như trên, tr.138.

[10] Nguyễn Kim Đính, Lép Tônxtôi - một bài học sâu sắc về sức xuân sáng tạo của người nghệ sĩ. Tạp chí văn học, 1978, số 6.

[11] Hoàng Xuân Nhị. Sđd, tr.144.

[12] Xem: Hồng Chương. Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật. Hà Nội, 1960.

[13] Nguyễn Tuân. Bài đã dẫn, tr.79.

[14] Như trên, tr. 79.

[15] Như trên, tr. 81.

[16] Bảng tên họ các nhân vật chính. Tônxtôi L.N. Chiến tranh và hòa bình. Hà Nội, 1961, tập 1, tr.39.

[17] Lời giới thiệu. Tônxtôi L.N. Chiến tranh và hòa bình. Hà Nội, 1961, tập 1, tr.27.

[18] Như trên, tr.27.

[19]  Như trên, tr. 24.

[20] Như trên, tr.24.

[21] Như trên, tr.24.

[22] Như trên, tr.24.

[23] Như trên, tr. 25.

[24] Bế Kiến Quốc. Bài thơ về "Chiến tranh và hòa bình". Văn Nghệ, 9/9/1978.

[25] Trần Vĩnh Phúc. Chủ nghĩa anh hùng trong "Chiến tranh và hòa bình". Tạp chí Văn học, 1978, số 6, tr.129.

[26]  Lê Sơn. Tìm hiểu truyền thống nhân vật anh hùng của văn học Nga đối với văn học Xô viết. Tạp chí Văn học, 1968, số 4, tr.91.

[27] Hoàng Trung Thông. Những ngày thu ở Liên Xô. Hà Nội, 1983.

[28] Vũ Từ Trang. Năm ấy. Văn nghệ, 9/9/1978.

[29] Hà Huy Giáp. Hiện thực cách mạng và văn hóa nghệ thuật. Hà Nội, 1970.

[30] Trần Vĩnh Phúc. Lev Tolstoy o narodnom geroizme. Yasnopolyansky sbornik, 1978, Tula, str.150.

 

[31] Như trên, tr.151.

[32] Như trên, tr. 152.

[33] Như trên, tr.124.

[34] Trần Trọng Đăng Đàn. Liep Tônxtôi - Đại văn hào của nước Nga, con người kỳ diệu của nhân loại. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 18/8/1978.

[35] Nguyễn Hải Hà. Ngọn lửa của một thiên tài. Văn nghệ, 9/9/1978.

[36] Tế Hanh. Bài thơ lớn "Chiến tranh và hòa bình". Văn nghệ, 9/9/1978.